☸ UY ĐỨC CỦA CHƯ BỒ-TÁT
Phật bảo ngài A Nan:
"Chư Bồ-tát ở cõi Phật kia đều tùy thuận trí tuệ của mình mà thường thuyết giảng, tuyên dương Chánh Pháp và đều chẳng trái nghịch hay sai lầm. Đối với vạn vật ở cõi nước đó đều không có tâm chiếm hữu và tâm nhiễm trước. Đi đứng nằm ngồi đều không ràng buộc bởi tình cảm, tùy ý tự tại, chẳng thích hay ghét, không người không ta, chẳng tranh hơn thua.
Các ngài có tâm đại từ bi, tâm lợi ích chúng sanh, tâm nhu hòa dịu dàng, và tâm không sân hận. Tâm các ngài thanh tịnh lìa si mê, không có tâm chán ghét hay lười biếng. Lại có tâm bình đẳng, tâm thù thắng, tâm thâm sâu, tâm thiền định, tâm yêu mến Pháp, tâm thích Pháp lạc, và tâm hoan hỷ Pháp.
Các ngài diệt trừ mọi phiền não, tâm lìa xa đường ác, và cứu cánh đạt tới tất cả nơi tu hành của Bồ-tát. Thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, trụ sâu trong thiền định, và đắc thần thông trí tuệ. Khéo tu tập bảy phần giác ngộ và tâm luôn hành theo Phật Pháp.
- Nhục nhãn trong suốt, phân biệt tỏ rõ mọi điều.
- Thiên nhãn thông suốt không có hạn lượng.
- Pháp nhãn quán xét cùng tột các lẽ đạo.
- Tuệ nhãn thấy rõ lẽ thật dẫn tới bờ giác ngộ.
- Phật nhãn tròn vẹn biết rõ pháp tính.
Với trí tuệ vô ngại, chư Bồ-tát vì người khác diễn nói Pháp. Quán thấy ba cõi đều như hư không. Thế nên chí cầu Phật Pháp và được đầy đủ các biện tài. Họ diệt trừ phiền não và hoạn nạn cho chúng sanh. Các ngài sanh ra từ nơi chánh giác của Như Lai và liễu giải Pháp Như Như Bất Động. Họ hiểu nghĩa Tập đế, Diệt đế là phương tiện; không yêu thích lời thế tục mà chỉ vui mến đàm luận Chánh Pháp; tu các căn lành và hết mực tôn kính Phật Đạo; biết tất cả pháp thảy đều tịch diệt; diệt trừ tận gốc rễ của sanh tử phiền não. Khi nghe Pháp thâm sâu, tâm họ chẳng hoài nghi hay sợ hãi, và luôn có thể tu hành đúng như Pháp. Lòng đại bi của các ngài vi diệu sâu xa và có thể chở chúng sanh đến bờ cứu cánh của Nhất Thừa.
Chư Bồ-tát quyết đoạn trừ lưới nghi nên tuệ tâm liền đó xuất hiện. Ở trong giáo Pháp của chư Phật được viên dung vô ngại. Trí tuệ như biển lớn, chánh định như vua núi. Ánh sáng của trí tuệ thanh tịnh và sáng hơn mặt trời mặt trăng. Họ thành tựu đầy đủ viên mãn các Pháp thanh tịnh.
Các ngài:
- Ví như Tuyết Sơn vì chiếu soi các công đức đều bình đẳng và thanh tịnh.
- Ví như đại địa vì dơ sạch tốt xấu đều không có tâm phân biệt.
- Ví như nước trong vì tẩy trừ trần lao cấu nhiễm.
- Ví như hỏa vương vì thiêu đốt tất cả củi phiền não.
- Ví như gió lớn vì du hành thế giới không chướng ngại.
- Ví như hư không vì đối với mọi thứ đều không chấp trước.
- Ví như hoa sen vì tuy ở thế gian nhưng không bị nhiễm ô.
- Ví như Đại Thừa vì có thể chở chúng sanh thoát ra khỏi sanh tử.
- Ví như mây dày vì có thể nổi sấm Pháp lớn để giác ngộ quần mê.
- Ví như mưa lớn vì tuôn mưa cam lộ để thấm nhuần chúng sanh.
- Ví như núi Kim Cang vì chúng ma và ngoại đạo chẳng thể lay chuyển.
- Ví như Đại Phạm Thiên Vương vì ở trong các Pháp lành là bậc tối thượng thủ.
- Ví như cây Ni Câu Loại vì che trùm tất cả.
- Ví như hoa Ưu Đàm vì hy hữu khó gặp.
- Ví như kim sí điểu vì uy dũng hàng phục ngoại đạo.
- Ví như bầy chim phiêu du vì không tích chứa điều gì.
- Ví như ngưu vương vì không ai thắng nổi.
- Ví như tượng vương vì hay khéo điều phục.
- Ví như sư tử vương vì chẳng sợ bất cứ gì.
- Ví như hư không bao la vì lòng đại từ đối với tất cả.
Chư Bồ-tát diệt trừ tánh ganh ghét hơn thua, và luôn vui thích cầu Pháp mà lòng không bao giờ chán nản. Tâm của họ luôn muốn rộng tuyên thuyết Pháp mà không hề mỏi mệt. Các ngài đánh trống Pháp, dựng Pháp tràng, và chiếu sáng mặt trời trí tuệ để diệt trừ si ám. Siêng tu Sáu Pháp Hòa Kính và thường hành Pháp thí. Tâm của Bồ-tát dũng mãnh tinh tấn và không thoái chuyển, là đèn sáng của thế gian, là nơi phước điền tối thắng. Họ thường làm vị đạo sư bình đẳng và lòng không yêu ghét. Các ngài chỉ vui mến Chánh Đạo và đối với mọi thứ đều chẳng yêu thích. Chư Bồ-tát nhổ trừ cây gai ái dục để an định chúng sanh. Công đức của họ thù thắng và chẳng ai là không tôn kính.
Các ngài diệt hết Tham, Sân, Si, dạo chơi bằng các Pháp thần thông, đầy đủ khí lực như: Lực nhân, lực duyên, lực ý, lực nguyện, lực phương tiện, lực thường, lực định, lực tuệ, lực đa văn, lực thí, lực giải, lực nhẫn, lực nhục, lực tinh tiến, lực Thiền định và lực trí tuệ. Lực chính niệm chỉ quán mọi lực thông minh. Lực như pháp để điều phục chúng sinh. Lại nữa, hình tướng tốt đẹp và công đức biện tài trang nghiêm trọn đủ, không ai sánh bằng. Cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường được chư Phật ngợi khen, được các hạnh Ba la mật của Bồ Tát. Tu các phép Tam muội: Không, Vô tướng, Vô nguyện, Bất sinh, Bất diệt và các môn Tam muội, xa rời địa vị Duyên Giác và Thanh Văn.
Này A Nan! Chư Bồ-tát kia thành tựu vô lượng công đức như vậy. Ta vì ông nên mới lược nói như thế. Nếu Ta rộng nói thì dù cả một tỷ kiếp cũng không thể cùng tận."
Phật bảo Di Lặc Bồ-tát và hàng trời người:
"Chư Bồ-tát và hàng Thanh Văn ở cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ có công đức và trí tuệ chẳng sao kể cho xuể.
Lại nữa, quốc độ ấy thanh tịnh và an vui vi diệu. Tại sao chúng sanh không dốc sức làm lành và tưởng mến Đạo? Đạo là viên dung vô ngại, không có sự phân biệt cao thấp. Nếu có ai dũng mãnh tinh tấn, nỗ lực cầu Đạo thì nhất định sẽ vượt khỏi thế gian và vãng sanh về nước An Lạc. Năm đường ác sẽ tự nhiên đóng bít và đoạn tuyệt. Tuy Đạo vô thượng dễ đến nhưng mấy ai muốn hành. Dù tịnh độ không gì ngăn nhưng mấy ai tới được. Vì sao người đời không buông bỏ thế sự, tinh tấn tu hành cầu Đạo để có thể đắc trường sanh bất diệt và thọ hưởng vô tận an vui."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro