Chương 01
Warning: Cảnh báo nội dung có yếu tố bạo lực. Vui lòng cân nhắc trước khi đọc.
*Thái Lan, thập niên 1930
Đứng lặng giữa con hẻm tối tăm của khu ổ chuột, nơi bùn đất và rác rưởi hòa quyện thành thứ mùi ám ảnh. Xung quanh là những con người lam lũ, nhếch nhác, những đôi mắt mệt mỏi khắc sâu nếp nhăn của một cuộc đời chật vật. Những con người đang cố gắng bám víu vào từng hơi thở, cố kiếm chút gì đó để bỏ vào miệng, để sống sót qua ngày.
Trong cái không gian chật hẹp, cái nghèo bủa vây, mùi gay của xác chết đôi khi thoảng trong không khí, họ nằm đó không phải vì bệnh tật, mà vì cái đói hay phải chăng vì sự khắc nghiệt của cuộc đời. Đôi khi, sự ra đi lại là điều may mắn khi họ đã thoát khỏi cái kiếp người cơ cực khốn cùng này.
Tự hỏi với cuộc sống như thế này, liệu cơn đói cùng cực và nỗi tuyệt vọng triền miên có khiến con người phát điên không? Ngày qua ngày mở mắt ra, họ phải sống khổ sở, lụi tàn như những chiếc bóng, chịu đựng sự bất công mà chẳng thể phản kháng.
Trong thời kỳ rối ren của đất nước với những cuộc đảo chính và thay đổi chính quyền liên tục, người thiệt thòi nhất vẫn là những người nghèo, khi bị cuốn vào vòng xoáy của sự khắc nghiệt, không có lối thoát.
Giữa nơi tối tăm này, những đứa trẻ sinh ra đã phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt từ khi còn rất nhỏ. Trong đó có tôi, tôi là Faye. Ở cái xó này, người ta gọi tôi là "Faye Xù" cái tên bắt nguồn từ mái tóc xoăn rối bù tự nhiên của tôi. Dù chỉ mới năm tuổi, nhưng cũng như bao người khác trong xóm nghèo, tôi đã sớm bị cuộc đời quăng vào vòng xoáy cơ cực.
Mẹ thường đánh thức tôi khi trời còn nhá nhem, trước cả lúc bình minh ló dạng. Tôi phụ mẹ gánh nước, chuẩn bị bữa sáng cho cha trước khi ông lên rẫy và còn phải làm đủ thứ việc lặt vặt trong nhà.
Ngôi nhà của chúng tôi nhỏ bé, chật chội, dựng lên từ những mảnh gỗ cũ kỹ nhặt từ bãi phế thải, đã mòn mục theo thời gian. Mái nhà lợp bằng lá dừa khô, cũng đã sờn rách và thấm nước mỗi khi trời mưa.
Không gian nhỏ bé hầu như không có đủ chỗ để đi lại. Chỗ phơi đồ gần ngay chỗ nằm, chỗ nằm lại sát chỗ nấu ăn. Đồ đạc trong nhà chủ yếu là những món đồ cũ kỹ, truyền từ đời ông bà để lại, cái mẻ, cái thì sờn, cái thì đã cũ đến mức không nhận ra nguyên bản nữa.
Giường ngủ làm bằng tre nứa, lót một tấm chiếu rách mà mẹ kể ngày ấy là của hồi môn khi lấy cha tôi. Chiếc giường được cả gia đình dùng chung, dù chật chội nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp từ tình thân.
Bàn ăn của gia đình cũng đồng thời là bàn trà, bàn tiếp khách và bàn để nấu ăn. Những chiếc ghế cũ cha tôi tự đóng từ những mảnh gỗ nhặt ven rừng, giờ đây cũng đã mòn và kêu cọt kẹt mỗi khi ai đó ngồi xuống.
Con đường đất trước nhà lầy lội, ngập trong bùn và rác. Lũ trẻ như tôi chẳng mấy đứa có đôi dép ra hồn để mang. Chúng tôi đi chân trần trên đất, bàn chân sớm chai sạn vì lớp bụi bẩn, sỏi đá và rác thải, thứ mùi hôi thối nồng nặc từ cống rãnh bốc lên khiến không khí lúc nào cũng nặng nề.
Ngày nào cũng phải chạy ăn từng bữa, nhà có ba người mà bữa ăn chẳng mấy khi đủ đầy. Thường thì chỉ là vài mẩu bánh mì cũ cằn khô mẹ mang về từ chợ hoặc nắm gạo ít ỏi nấu thành cháo loãng để cầm cự. Có hôm, mẹ cũng cố mua thêm tí xôi hay gói muối mè, nhưng đường, muối thì hiếm lắm, phải đợi đến mấy dịp lễ lớn may ra mới có mà ăn. Đói quá, tôi phải tìm cách kiếm ăn.
Lúc đói thì việc gì tôi cũng dám làm. Mấy buổi sáng, tôi vác cái ná đi dọc bờ sông, ngắm nghía bọn chim sẻ rồi chờ chúng đáp xuống mới nhắm bắn. Đôi lúc may mắn thì săn được, đem về quay qua nồi bếp than là có món ngon. Tôi với đám bạn còn nghĩ ra đủ kiểu bắt nhái, cóc, ếch ở mấy ruộng lúa, vũng nước đọng.
Còn mùa trái cây, tôi và mấy đứa trong xóm thường lên kế hoạch chôm chỉa cả khu vườn nhà người ta. Có bữa, tụi tôi chọc mấy con chó dữ nhà hàng xóm cho nó dí chạy túa ra bãi lầy. Lúc đó, cả đám còn lại nhanh chân lẻn vào vườn hái trộm xoài, cóc, ổi. Chạy hộc tốc về mới dám dừng, rồi ngồi chia nhau từng trái mà ăn đến nhóp nhép, dù chua lét cũng thấy ngon.
Đến mùa nước nổi hay mùa mưa, nhà mới có cơ hội ăn cá. Hai cha con mang rổ, kéo nhau ra đồng bắt cá, bắt ba khía mang về nấu một bữa ngon hơn mọi khi. Còn bình thường, bữa cơm chỉ có chút cơm trắng với mè, nếu được thêm quả trứng gà cũng là xa xỉ.
Gà trong nhà nuôi chẳng mấy khi dám ăn, phải để nó đẻ trứng đem bán kiếm tiền. Đến khi nào nó đẻ mấy lứa, mẹ mới chịu mang đi bán chứ chẳng ai dám thịt ăn bao giờ.
Những cô gái ở cái xứ này từ bé đã được dạy dỗ rằng, một ngày nào đó, nếu muốn đổi đời thì chỉ có cách làm sao cho thật xinh đẹp, thật nết na, để kiếm được tấm chồng nước ngoài hoặc đi làm cho người ta ở thành phố.
Mà hỡi ơi, cái xứ nghèo rớt này thì con gái nào mà đẹp cho nỗi. Làm lụng từ sáng đến tối, không có thời gian chăm sóc bản thân, da dẻ bị cháy nắng, tay chân thô ráp thì muốn đẹp cũng khó.
Tôi thường nghe bạn bè nói về những chị gái của tụi nó đã đi lấy chồng, từ ngày ra đi biệt xứ chẳng ai thấy mặt mũi trở về. Năm thì mười họa, có nhà may mắn mỗi năm có một ít tiền gửi về nhà, còn có những nhà chưa kịp thấy đồng nào thì tro cốt đã về cửa nhà rồi. Tôi chẳng biết có đổi đời hay không, chỉ thấy những giấc mơ mong lung trong mắt lũ bạn.
Đàn ông ở đây cũng chẳng khá khẩm hơn, phần lớn đi làm công, làm thuê, kiếm ăn từng bữa để nuôi vợ con. Những ngày dài vất vả trên cánh đồng khô cằn, dưới cái nắng gay gắt của miền nhiệt đới, họ chẳng khác gì những chiếc lá héo úa trước gió mùa hạn hán. Chiều về, đôi bàn tay chai sạn mệt nhoài bưng bát cơm độn nguội lạnh, ánh mắt mờ đục tìm kiếm chút hy vọng trong những món nợ chồng chất.
Cuộc sống của họ tựa như con thuyền nhỏ bé, chòng chành giữa biển cả mênh mông, sóng gió của xã hội muốn nhấn chìm bất kỳ lúc nào. Những đêm không ngủ, nằm lắng nghe tiếng khóc thút thít của con trẻ, tiếng thở dài của người vợ ở góc bếp, thấy mình như bị giam cầm trong chiếc lồng vô hình, mà cánh cửa giải thoát dường như không tồn tại.
Cha tôi lấy mẹ nhờ mai mối trong làng, người ta kể rằng cha luôn ước mơ có con trai đầu lòng để nối dõi, tiếc thay tôi lại là con gái. Một mình cha nuôi ba miệng ăn, còn mẹ ở nhà lo việc nội trợ, thi thoảng kiếm vài đồng lẻ từ việc làm mướn, chỉ đủ mua chút rau dưa cho những bữa cơm nghèo nàn. Nghèo thường gặp cái eo, mẹ tôi lại đang mang thai. Thế là đã kiếm không đủ ăn rồi mà miệng ăn lại càng nhiều thêm.
Mỗi ngày, tôi thấy mẹ bụng bầu nặng nề vẫn phải làm việc không ngừng nghỉ. Mẹ thường thở dài, ánh mắt mệt mỏi vẫn cố gắng vì gia đình. Tôi biết mẹ lo lắng cho tương lai của chúng tôi, lo lắng cho đứa em sắp chào đời. Trong cái xó nghèo này, mỗi miếng ăn đều là một cuộc chiến và mẹ tôi đang chiến đấu từng ngày để gia đình có thể sống sót.
Vốn sớm phải chấp nhận cuộc sống này. Năm bốn tuổi, tôi đã đi chăn gia súc cho nhà người ta. Vì là con nít, ông bà chủ không trả tiền cho tôi thay vào đó ông bà trả cơm, gạo, lúa, bobo thậm chí có khi là mấy cái bánh. Cái gì họ cho thì tôi mang về chia nhau với gia đình.
Tôi còn nhớ rõ những buổi sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng, tôi đã phải dắt đàn gia súc ra đồng. Bàn chân trần dẫm lên mặt đất lởm chởm đá sỏi, tôi đau nhưng vẫn phải chịu đựng. Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất, làm sao để không đói, làm sao để gia đình tôi không đói.
Những hôm đói quá, bụng tôi reo lên như một con thú hoang dại. Tôi đã ăn hết cả phần thức ăn mà ông bà chủ cho, chỉ để xoa dịu cơn đói đang giày vò cơ thể. Khi ấy cảm giác tội lỗi lại ập đến, vì tôi biết ở nhà, bố mẹ và các em cũng đang chờ đợi những mẩu bánh mì, những nắm gạo ít ỏi.
Có lần, tôi liều mình chôm chỉa bánh của con gái ông bà chủ. Tim đập thình thịch, bàn tay run rẩy mà nếu không mang gì về thì gia đình sẽ phải chịu đói. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy mình đang đánh đổi sự trong sạch lẫn đạo đức để đổi lấy những bữa ăn đạm bạc. Mồ hôi lạnh toát ra trên trán, tôi vừa sợ hãi vừa căng thẳng mà tay vẫn cứ làm, chỉ cần nghĩ đến ánh mắt rạng rỡ khi nhìn thấy thức ăn, tôi lại có đủ dũng khí để tiếp tục.
——
Bãi đầm lầy chăn heo cách nhà một đoạn xa, bùn lầy trơn trợt, nhão nhợt đến mức chẳng mấy ai dám ra đây chơi. Nhưng với tôi, đây là nơi duy nhất mà tôi có thể tự do một chút, chẳng bị ai gọi về làm việc, cũng chẳng ai để ý nếu tôi lỡ nhảy nhót trên lưng heo hay cưỡi lưng heo chạy đua với đàn trâu của mấy thằng bạn. Những con heo khác trong đàn lò dò đi theo sau, thi thoảng ngẩng đầu ngó tôi rồi lại ục ịch chạy.
Tôi ngồi vắt vẻo trên lưng con heo to nhất đàn, thả chân đung đưa theo nhịp bước ì ạch của nó. Con heo màu hồng, to đến nỗi nhìn tôi lọt thỏm như con chim sẻ đậu trên lưng trâu. Tóc tôi xù lên thành từng mớ như bùi nhùi chà xoong, mỗi lần gió thổi là bay tứ tung, còn dính thêm bụi bặm với mấy thứ vương vãi từ bãi đầm lầy nơi tôi đang dắt đàn heo đi ăn.
Mỗi lần nó chạy, tôi lại phải ôm chặt lấy cổ nó, cảm giác như mình đang cưỡi trên lưng một con quái vật tựa như một chiến binh trong một cuộc chiến với sự sống. Dưới cái nắng chói chang, tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ cùng tôi réo rắt trong không khí, hòa quyện với tiếng heo kêu, tạo nên bản nhạc sống động tuổi thơ.
Mấy đứa con gái như tôi, người lớn trong làng chỉ mong sau này tụi tôi lớn lên, đủ tiêu chuẩn để có ngày kiếm được tấm chồng tốt, nếu may mắn thì lấy chồng nước ngoài mà đổi đời. Nhưng rồi đời có đổi thật không, hay lại như chị của tụi bạn tôi, biệt tăm từ khi rời làng?
Ngồi trên lưng heo, tôi mơ hồ nghĩ về những điều ấy, nghĩ về cả cha, người đàn ông đang oằn mình nuôi ba miệng ăn, chẳng dám mơ ước gì nhiều. Nhìn cha như một tấm gương phản chiếu của những người chồng mai sau của con gái cái xó xỉnh này.
Với đôi tay chai sạn, còng lưng làm lụng từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Tôi tự nhủ, nếu đã chào đời trong cái bùn lầy này, thì cũng phải mạnh mẽ mà sống, lăn lê trên con đường lầy lội này mà sinh tồn, vậy thôi.
Một trưa hè nắng gắt, cái nóng như thiêu đốt mặt đất đến cả bãi đầm lầy nơi tôi thường chăn heo giờ cũng khô khốc, nứt nẻ từng mảng. Tôi đứng dưới mái chuồng, mồ hôi tuôn ròng ròng trên trán, tay cầm từng xô nước nặng từ giếng mang tới đổ vào lu rồi múc từng gáo tắm cho lũ heo ục ịch trong chuồng.
Chúng nó được tắm sướng như vua, hếch mõm phì phò tận hưởng từng gáo nước, còn tôi thì mệt bở hơi. Mấy mùa khô này, chăm đám hồng hôi hám này cực trời thần, phải gánh nước tắm từng con thay vì dắt tụi nó tắm sông, phải đi sắc chuối, xay ngô cho tụi nó ăn thay vì không chăn thả được.
Công thì nhiều mà ăn không có bao nhiêu. Thức ăn mùa này càng thiếu, thỉnh thoảng ông bà chủ mới ném cho vài nắm gạo hoặc ít lúa mốc để đem về, còn không thì toàn là mấy cái bánh Khao Mao Tod ngán tận cổ, nhưng phải ăn cho qua bữa.
Mùa này rẫy cũng ít việc, cha phải đi làm mướn bên vườn người ta mới đủ tiền ăn mỗi bữa. Mẹ thì bầu đã ở tháng cuối, không biết em tôi là người hay là voi mà nó to gớm. Cái bụng to như đựng cả trời đất bên trong, bầu bì nặng nhọc khiến bà đi đứng khó khăn. Bà mụ nói mẹ có thể sinh đôi, mà nhà tôi chỉ mong là một đứa thôi, đỡ thêm một miệng ăn.
Đang chăm con heo cuối thì thằng bạn hàng xóm từ xa lao đến, mặt mày hớt hải gọi vang.
"Faye Xù ơi, Xù ơi! Mày đâu rồi!"
Tôi ngẩng mặt lên, tay còn cầm cái gáo dở dang, nhăn nhó đáp.
"Có chuyện gì mà mày chạy như ma đuổi vậy?"
"Mẹ mày đang đẻ kìa! Bà mụ nhờ tao đi kêu cha con mày về đó!"
Nghe đến đó, tôi bỏ cả con heo đang tắm dang dở, vứt luôn cái gáo, phóng người chạy như bay theo thằng bạn về nhà. Phải chi còn được chăn heo thả rông như trước, tôi đã chở nó cưỡi con heo đầu đàn chạy về cho nhanh rồi.
Vừa về tới nhà, tiếng gào thét của mẹ tôi đã vọng ra từ trong căn nhà gỗ, hòa lẫn với tiếng bà mụ và các cô bác xung quanh cố gắng trấn an mẹ. Cái cảnh này tôi mới thấy có một lần hồi bé, khi chị hàng xóm cũng đau đẻ.
Chỉ lần đó mà đã ám ảnh đến tận bây giờ, tiếng rên xiết vì đau đớn, mồ hôi nhễ nhại chảy dọc xuống cổ, đôi mắt mẹ tôi trợn ngược lên, tay bấu chặt vào đệm cỏ bên dưới. Bà mụ thì hô hào mẹ rặn, bà nói dứt khoát nhưng ánh mắt lộ rõ sự lo âu.
Mỗi cơn đau kéo đến như những đợt sóng dữ, làm cả thân hình mẹ tôi co quắp lại, đôi môi mím chặt không thốt nên lời. Tôi đứng ngoài cửa, bàn tay bấu chặt vào khung gỗ, tim đập thình thịch. Trong gian nhà nhỏ hẹp, mùi máu hòa lẫn với mùi ẩm mốc, nồng đến khó chịu. Mẹ đau đến nỗi tay nắm lấy chiếu mà xé, từng ngón tay run rẩy, mắt nhắm nghiền chịu đựng.
"Rặn thêm chút nữa! Con nó ra rồi, chỉ còn một chút thôi!" Bà mụ thốt lên, giọng lạc đi.
Mẹ rặn thêm lần nữa, gồng mình trong hơi thở đứt quãng, cho đến khi tiếng khóc đầu tiên vang lên. Một bé gái đỏ hỏn nằm trong tay bà mụ, khóc ré lên giữa cái nắng hè gay gắt. Mọi người xung quanh thở phào nhẹ nhõm, chỉ được vài giây, bà mụ lại giục gấp.
"Ráng lên! Còn một đứa nữa, nó đang đòi ra đây!"
Tiếng mẹ rên xiết trở lại, lần này kiệt sức đến gần như ngất lịm. Bà mụ vội đỡ lấy mẹ, vừa đếm nhịp vừa động viên.
"Thêm chút nữa thôi! Con sắp ra rồi!"
Mẹ tôi cố gắng lấy chút hơi sức cuối cùng, đến khi cơn đau dữ dội cuối cùng qua đi và tiếng khóc thứ hai vang lên trong căn nhà. Hai đứa bé gái cùng lúc chào đời, tiếng khóc đan vào nhau, vang vọng như một lời chào từ số phận.
Bà mụ nhẹ nhàng lau rửa hai đứa nhỏ, rồi đưa cho mẹ tôi. Mẹ đã kiệt sức, nằm đổ mồ hôi trên chiếu, nhưng đôi mắt long lanh nhìn hai đứa con trong tay mình. Đó là khoảnh khắc tôi chưa từng thấy ánh mắt của niềm vui xen lẫn với đau đớn, trên hết là tình yêu dành cho hai sinh linh bé bỏng vừa đến với thế giới này.
Cha tôi về lúc trời xế chiều, vừa lúc mẹ đang ngồi dựa lưng vào vách, tay khẽ run run cho em bú. Mặt ông tối sầm khi biết tin mình vừa có thêm hai đứa con gái. Cả đời chẳng có lấy một đứa con trai, giờ lại đèo bòng thêm hai miệng ăn nữa, ông chẳng nói gì nhiều, chỉ nhìn qua hai đứa bé một cái rồi ngồi xuống cạnh mẹ hỏi han vài câu.
Xong đâu đấy, cha chẳng nán lại lâu, băng băng bước ra ngoài, bảo phải nhờ bác hàng xóm trông hộ để đi làm mướn tiếp. Bỏ lại mẹ với hai đứa em, tôi đành ở lại giúp bà mụ dọn dẹp, lục trong góc nhà xem còn chút lúa hay gạo nào trả công nhưng đong cả đống chẳng đầy nổi một lon.
Không còn cách nào khác, tôi chạy nhanh ra ngoài bãi chăn heo, chặt vài buồng chuối vác về đưa cho bà mụ thay tiền. Hai cái buồng đoán mang ra chợ bán chắc cũng được ít tiền.
Đang lúi húi trong xó bếp nhóm củi than cho mẹ nằm, tôi nghe tiếng ai đó gọi.
"Faye ơi Faye, con Faye đâu rồi?"
Đi ra đến cửa thì thấy anh ở đợ nhà ông bà chủ chạy vào, mặt mày tái mét.
"Con heo xổng chuồng rồi kìa! Lúc nãy mày tắm cho nó mà quên nhốt lại đó hả?"
Nghe tới đây mà tim tôi thót lên, đúng là xui xẻo hết chỗ nói. Con heo mà xổng thì cả năm tiền lương tôi làm cũng chẳng đền nổi, nhà tôi nào có tiền. Vội chạy ra đồng, tôi đi khắp nơi tìm cái thân ục ịch đó, la hét gọi chẳng thấy tăm hơi đâu. Con heo như ma, cứ lẩn đi đâu biệt tích.
Mãi đến khi trời sẩm tối, tôi mới thấy cái bóng heo thấp thoáng cuối bờ ruộng. Mà đúng là cái giống này cũng lì lợm, tôi vừa lao tới định túm lấy, nó đã rống lên một tiếng toáng rồi phóng chạy như có động lực vô hình nào đó.
Tôi đuổi mệt lả, trượt chân vấp mấy lần, cuối cùng cũng chộp được cái đuôi của nó, kéo lê từ đầu ruộng về chuồng. Mùi bùn, mùi heo hòa quyện đến mức tôi chẳng còn phân biệt nổi đâu là mình đâu là heo nữa.
Về tới nhà ông bà chủ, tôi đành cúi đầu chịu trận vì suýt xổng mất con heo, bị phạt chẳng có gì mang về. Đứng nhìn từ xa thấy mấy món bánh gói lá cuối cùng mà con gái ông bà chủ để trong ngăn bàn, bụng tôi cồn cào.
Thế là chờ lúc không ai để ý, tôi lén cầm lấy vài cái bánh, chạy nhanh về nhà. Tôi đưa mẹ ăn cho lại sức, bảo mình ăn ở nhà chủ rồi. Mẹ nhìn tôi gật đầu, hai mắt mệt mỏi lấp lánh niềm vui vì được ăn bữa lót dạ sau trận vượt cạn gian nan.
Khi trời đã khuya, bóng tối bao trùm mọi ngõ ngách. Cha về lúc mẹ và hai em mới sinh đã ngủ say, ông đặt trước mặt tôi nắm xôi trắng với muối vừng. Nắm xôi đã nguội lạnh, lớp ngoài hơi cứng, có vài hạt cát bám vào.
Cha nhẹ nhàng bẻ đôi nắm xôi, đưa cho tôi một nửa. Cha con tôi ngồi ăn trong im lặng, tiếng nhai chậm rãi trong đêm khuya nghe rõ mồn một, tận hưởng từng chút một, cảm nhận vị ngọt thanh của những hạt gạo vỡ ra trong miệng.
"Faye!"
"Dạ, cha?"
"Mai này lớn, ráng tìm cái nghề ra tiền mà làm nghen. Xuất thân như bây, lấy chồng về... nhà người ta coi khinh cho à."
Tôi ngẩng đầu nhìn cha, miệng nhai chậm rãi.
"Con nghe mấy người trong làng nói lấy chồng là đổi đời."
"Đổi đời gì đâu bây ơi. Cha không muốn phải nhận hũ cốt của bây đâu à. Kiếm gì được á.. làm. Đừng có đầu trộm đuôi cướp thôi chứ."
Cha tôi là vậy, thường chẳng biểu lộ gì, hôm nay ông nhìn tôi lâu hơn thường ngày, ánh mắt như đang trăn trở điều gì sâu xa. Cục xôi nhỏ xíu cũng chỉ đủ lót dạ, giữa đêm hè mờ tối, cha con tôi tranh thủ ra giếng tắm rửa rồi vào nằm ngủ.
Nhà chúng tôi nghèo, nghèo đến mức không có nổi một ngọn đèn dầu, chỉ những lúc thật sự cần thiết mới đốt một cây nến nhỏ. Đêm đến, căn nhà chìm trong bóng tối, chỉ có ánh trăng le lói lọt qua những khe hở của mái nhà tranh vách đất lấp ló. Tiếng dế kêu râm ran ngoài vườn như muốn xua tan đi bóng tối bao trùm.
Nằm cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng, lắng nghe tiếng thở đều đều của nhau. Mỗi khi thức giấc, tôi lại thấy bóng cha in hình trên bức vách, đôi mắt ông nhìn vào khoảng không vô định.
*Mười năm sau
*Thái Lan, thập niên 1940
Đời sống gia đình tôi vẫn bấp bênh, lo từng bữa. Vụ mùa đến, tôi lên rẫy cùng cha. Hết mùa, lại đi chăn bò, chăn heo cho nhà các địa chủ xung quanh. Cha tôi vốn người gốc Ấn, nên tôi thừa hưởng chiều cao từ ông, cao lêu khêu so với đám bạn xung quanh. Đám con gái trong làng chỉ đứng đến vai tôi, mới mười lăm tuổi mà tôi đã ngang ngửa đám con trai mười tám, hai mươi. Dáng người gầy nhom, xương xẩu vì đói ăn chứ đẹp đẽ gì.
Hai cha con tôi làm đủ nghề để nuôi gia đình, để hai đứa em sinh đôi là Fami và Fary được đi học chữ. Chúng là người biết chữ nhất trong nhà, thỉnh thoảng dạy tôi vài con số để tính tiền. Fami sợ người ta ăn gian tiền của chị nó, thương lắm, nên tôi cứ ráng làm. Có cực chút cũng cam lòng, miễn sao hai đứa nhỏ không phải lê lết đi chăn heo từ sớm như tôi.
Đám bạn thuở nhỏ giờ tứ tán, đứa theo chồng, đứa sinh con. Bọn con trai thì đứa lên thành phố làm công nhân, đứa đi rẫy, đi ruộng. Thỉnh thoảng tôi nghĩ mình cũng nên thử lên thành thị kiếm chút tiền cho đỡ khổ, mà cha tôi nhất quyết không cho, bảo còn nhỏ. Nghĩ cũng lạ, lúc xin cha cho ngủ nướng thì chẳng thấy ông bảo còn nhỏ mà tha cho chút.
Với cái tính quậy xám hồn, kinh hồn bạt vía của tôi từ nhỏ, trong làng chẳng có bà mai nào dám ngỏ ý gả bán tôi cho ai. Có người còn bảo, gả tôi đi rồi chắc bả phải ói tiền lại cho nhà trai. Tôi nghe chỉ bật cười. Chuyện đó chẳng làm tôi bận tâm, điều tôi lo duy nhất là có thể làm việc để Fami và Fary thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói.
Nghèo khổ thì luôn kèm theo cái xui, mà xui thì dễ sinh họa.
Một ngày, khi đang ngồi cưỡi trâu ngoài đồng, chuẩn bị cày ruộng, thằng bạn thân của tôi, cũng là người làm rẫy cùng cha, hớt hải chạy tới.
"Faye! Cha mày gặp chuyện rồi!"
Lời nói như sét đánh, đầu tôi như tê dại, mắt mở trừng trừng. Không để mình bị trễ nải, tôi tháo cái cày, phi lên lưng trâu, chở thằng bạn chạy thẳng ra rẫy.
Đến nơi, một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt. Người ta đã đắp chiếu lên thân hình bất động của cha tôi, đầu phủ một tấm lá chuối lớn, nhang khói nghi ngút, vài bà con đứng xung quanh, khuôn mặt nặng nề.
Đứng chôn chân tại chỗ, gió đồng thổi qua làm tóc bay rối tung. Ánh nắng giữa trưa hắt xuống khung cảnh như một bức tranh méo mó, nơi cha tôi nằm đó, bất động dưới tấm lá chuối khô. Hơi thở nghẹn lại trong lồng ngực, tôi không thể nhúc nhích, đôi chân đã bị đóng rễ xuống đất.
Tôi nuốt khan, từng bước run rẩy tiến đến, đôi tay chẳng biết từ lúc nào đã lạnh ngắt. Tấm lá chuối nặng nề được tôi nhấc lên. Khuôn mặt cha hiện ra, đôi mắt nhắm nghiền, nét mặt thanh thản nhưng vết máu đỏ thẫm trên đỉnh đầu ông thì không thể lầm lẫn được.
Cả người tôi như bị ném vào dòng nước lạnh, vừa buốt giá, vừa nghẹt thở. Đó là cha tôi, người từng vất vả cày cuốc trên cánh đồng này để nuôi tôi khôn lớn, người mà mỗi sáng vẫn ngồi cùng tôi ăn chén cháo loãng với muối rang. Giờ đây, ông chỉ còn là một cái xác nằm im lìm dưới tấm lá chuối, nhang khói vương vấn quanh thân.
"Hai người cãi cọ chuyện tiền bạc, không biết sao đánh lộn. Thằng cha con này... bị cuốc một dố vô đầu, gục ngay tại chỗ luôn bà." Mấy người xung quanh thì thào.
Tôi quay đầu lại, ánh mắt hướng về phía kẻ quỳ gục dưới đất, bị đám trai tráng giữ chặt hai vai. Mùi máu tanh thoảng trong không khí, hòa lẫn với mùi đất rẫy và mồ hôi người. Kẻ đó, một gã đàn ông trung niên với dáng vẻ khắc khổ, mái tóc rối bù và đôi mắt đỏ hoe, không dám ngẩng lên nhìn ai.
Tôi không biết mình đã đi tới chỗ hắn từ lúc nào. Bàn tay tôi siết chặt thành nắm đấm, từng khớp ngón tay kêu răng rắc. Mọi âm thanh xung quanh bỗng trở nên mờ nhạt, chỉ còn lại tiếng máu sôi lên trong tai.
Hắn ngẩng lên trong một giây, ánh mắt chạm vào tôi, lập tức cúi gằm mặt xuống như sợ hãi. Tôi nhìn thấy cả mùi hèn nhát, man rợ và máu trên người hắn, thứ mùi gây nghẹt thở.
"Mày giết cha tao... giết cha tao.... tao." Tôi lẩm bẩm, không biết lời đó là cho hắn hay cho chính mình.
Không thấy bóng dáng cảnh sát, ở xứ nghèo này chẳng ai tới điều tra, chỉ có ông trưởng làng đến xem xét. Trưởng làng đứng gần đó, khuôn mặt già nua nhăn nhúm như miếng vỏ cây khô. Ông ta thở dài, phất tay ra hiệu cho đám trai tráng kéo gã vào chiếc củi gỗ ở góc sân, nơi hắn sẽ bị nhốt lại chờ ngày họp làng.
'Chỉ thế thôi à... Hờ'
Tôi nhìn theo bóng dáng của hắn bị lôi đi, đầu óc trống rỗng. Công lý là đây sao? Một người giết cha tôi, hình phạt của hắn chỉ là bị nhốt trong cái củi mục nát, đợi vài ngày nữa để những con người trong làng, những kẻ không có quyền lực gì ngoài tiếng nói yếu ớt phán quyết số phận hắn.
Môi tôi giật giật, muốn bật ra một tiếng cười cay đắng. Công lý, luật pháp, những thứ ấy không tồn tại ở nơi này. Ở đây, người nghèo sống bằng lệ làng, bằng những nguyên tắc cũ kỹ không bảo vệ được ai.
Tôi cúi đầu nhìn đôi tay mình, nhận ra chúng đang run lên. Run vì giận dữ, vì bất lực, vì nỗi đau xé lòng không thể hóa thành tiếng khóc. Nước mắt đã không còn chỗ trong thế giới này.
Tôi quay lại nhìn cha, thân hình ông đã được che phủ lại bằng tấm lá chuối. Tim tôi nhói đau, có thứ gì đó vừa vỡ tan trong lồng ngực.
Ánh mắt tôi chuyển hướng về phía gã hung thủ. Hắn vẫn quỳ đó, đôi vai gầy guộc run rẩy trong chiếc áo bám đầy bùn đất. Bỗng nhiên, tôi nhận ra một sự thật đáng sợ. Công lý không tồn tại ở đây, nhưng sự trả thù thì có. Và tôi.... sẽ là kẻ thực thi nó.
*Chiều hôm ấy
Sự ra đi của cha là nỗi kinh hoàng đối với cả gia đình. Mẹ tôi ngã quỵ bên xác cha, hai đứa em nhỏ khóc lịm đi từng hồi, tiếng nấc nghẹn đến khản đặc. Còn tôi, từ lúc nhận xác cha đến khi đắp chiếu đưa ông về, trên mặt không có lấy một giọt nước mắt, chỉ có sự trầm mặc, tĩnh lặng đến lạ.
Nhà không dư bao nhiêu, nên chỉ chôn tạm cha ở một bãi đất sau nhà được trưởng làng cho phép. Xác cha được quấn trong nhiều lớp chiếu cũ, mỏng nát, những tấm chiếu người ta góp cho khi biết nhà không có khả năng mua hòm. Cha đến lúc mất vẫn không có nổi một bộ áo quan ra hồn.
Từng nắm đất tôi tự tay xúc lên, lặng lẽ thả xuống huyệt. Đất cát rơi lộp bộp, từng hạt cát lạnh lùng mà như trút hết nỗi tuyệt vọng trong tôi, nhấn chìm tâm hồn tôi xuống huyệt sâu cùng cha.
Khi nấm mộ được đắp xong, tôi chỉ đứng nhìn, hốc mắt khô rang, trái tim tưởng chừng như ngừng đập. Thằng bạn thân khắc cho cha một tấm bia bằng cọc gỗ, vụng về, giản dị, nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm cho ông.
Đêm đó, tôi lẻn ra bờ sông, ngâm mình dưới làn nước lạnh ngắt, khóc cho đến khi tiếng nấc hòa tan vào dòng sông chảy xiết. Nước mắt hòa lẫn vào nước sông, cuốn trôi bao nỗi căm phẫn, đau đớn và tang thương.
Trái tim tôi như vừa chết theo cha, còn lại chỉ là nỗi căm hờn uất nghẹn. Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, nơi ánh trăng mờ đục chiếu rọi, lòng thầm thề với cha, bằng mọi giá tôi sẽ trả lại công bằng cho ông.
Tối đó, tôi trở về nhà, thân mình ướt sũng, lặng lẽ ngồi trong bóng tối, nhìn mẹ và hai đứa em say ngủ. Lòng tôi đau thắt lại, không biết từ giờ mình phải làm sao để nuôi sống cả nhà. Mò mẫm ra xó bếp, ánh sáng lờ mờ từ khe vách chiếu lên con dao bếp đặt ngay ngắn trên bàn. Bàn tay tôi vô thức với lấy nó, trong đầu không ngừng vang lên hình ảnh người đã sát hại cha tôi.
*Ngày hôm sau
Sáng hôm sau, tôi lên rừng với tâm trạng nặng trĩu. Những vết chai sạn trên tay tôi như nhức nhối hơn bao giờ hết khi cầm cây rìu chặt từng khúc củi. Trong lúc men theo những con đường mòn quen thuộc, tôi không khỏi nhớ lại những kỷ niệm xưa cùng cha. Vài nhành thuốc quý, vài con thú nhỏ tôi bắt được, giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Đến chợ, tôi nghe thấy những lời bàn tán xôn xao về kẻ đã gây ra cái chết cho cha. Tim tôi thắt lại, cố nén nỗi đau vào trong. Nhận lấy số tiền ít ỏi, tôi quay lưng bỏ đi.
Về đến nhà, tôi lặng lẽ đưa tiền cho mẹ. Bà nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe. Tôi ôm chặt lấy bà từ phía sau, hít hà mùi hương quen thuộc của mẹ.
"Mẹ ơi! Con đi chưa biết ngày trở về. Mẹ ở lại mạnh khỏe, con sẽ gửi tiền về hàng tháng cho mẹ." Tôi nói khẽ, giọng nghẹn lại.
Mẹ quay người lại, lần đầu tiên trong đời mẹ ôm lấy khuôn mặt tôi.
"Bây đi đâu! Còn nhỏ mà đòi đi đâu mà không về hở con."
"Con lớn rồi mẹ. Con mười lăm tuổi rồi. Con không đi... cả nhà mình sẽ chết đói."
"Không có đi đâu hết. Ngoài kia nguy hiểm lắm con ơi. Bây ở lại với mẹ, theo mẹ lên rẫy, có rau ăn rau có cháo ăn cháo." Giọng mẹ nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe. Bà nắm chặt lấy tay tôi, không muốn buông.
"Con đã quyết rồi. Con phải đi thành phố, phải kiếm tiền để nuôi cả nhà mình. Con hứa sẽ viết thư về cho mẹ thường xuyên." Tôi nhìn sâu vào mắt mẹ, ánh mắt kiên định.
Mẹ đứng đó, bàn tay chai sần nắm chặt lấy tay tôi, ánh mắt tràn đầy sự van xin và bất lực. Tôi quỳ xuống trước mặt bà, đôi tay chắp lại, đầu cúi thấp gần chạm đất.
"Thưa mẹ, con đi."
Giọng tôi nhỏ mà đầy kiên quyết, dường như chứa đựng tất cả nỗi đau và quyết tâm của một đứa con gái sắp bước chân ra thế giới rộng lớn đầy nguy hiểm.
Mẹ không nói gì, chỉ đứng đó lặng thinh. Đôi vai gầy guộc run lên trong tiếng thở nghẹn ngào. Tôi biết, bà đang đấu tranh giữa tình yêu thương dành cho đứa con gái lớn và hiện thực khắc nghiệt của cuộc đời.
"Con xin lỗi mẹ... nhưng nếu con không đi, chúng ta sẽ chẳng còn gì để bám víu. Con không thể để hai em phải chịu đói khát, phải thất học như con, mẹ cũng không thể gánh thêm nỗi nhọc nhằn." Tôi nói, nước mắt trào ra nóng hổi, rơi xuống mặt đất khô cằn.
Mẹ quỳ xuống bên tôi, vòng tay ôm lấy đôi vai nhỏ bé của tôi.
"Bây còn nhỏ quá, biết ngoài kia người ta sống thế nào không? Mẹ không muốn mất bây như đã mất cha mày. Mẹ...mẹ không giữ được, con...con đi thì đi, mà nhớ giữ thân, nghe chưa? Nhớ là... là đừng làm điều ác."
Tôi gật đầu, cảm nhận hơi ấm từ mẹ lần cuối trước khi phải rời xa. Chúng tôi cứ ngồi như thế một lúc lâu, mặc cho gió thổi xào xạc ngoài đồng.
Vào trong nhà, tôi nhanh chóng gói ghém đồ đạc. Một chiếc túi vải cũ kỹ, mấy bộ quần áo rách vá đã bạc màu, và chiếc khăn của mẹ mà tôi vẫn hay dùng để che nắng. Đó là tất cả hành trang tôi mang theo.
Ra phía sau nhà, tôi đứng trước ngôi mộ đất đơn sơ của cha, đầu gục xuống, tay đặt lên ngực làm dấu thánh giá.
"Cha ơi, con sắp đi rồi. Con không biết mình sẽ đi đâu, không biết phía trước có gì đợi con. Con hứa với cha,... con sẽ sống sót, sẽ tìm cách trả thù cho cha. Kẻ đã hại cha... con sẽ đưa hắn xuống địa ngục để chuộc tội với cha."
Nói đến đây, nước mắt tôi không kìm được nữa, chảy dài xuống hai má. Tôi quỳ xuống, cúi đầu cầu nguyện.
"Cha thương con thì cầu nguyện cho con. Lạy Chúa, xin cho cha con sớm về bên Chúa. Amen"
Dứt lời, tôi đứng dậy bước đi, không ngoảnh lại.
*Trường làng
Đến trường học, tôi xin thầy cho gặp riêng hai đứa em. Cả Fami và Fary nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh nỗi sợ hãi pha lẫn thắc mắc.
"Hai đứa ráng học hành nên người, nghe lời mẹ. Nhớ giúp chị chăm sóc cho mẹ."
"Chị Faye tính đi đâu hả?" Fami nhìn tôi, giọng run rẩy.
Tôi cố giữ giọng mình thật cứng rắn.
"Đi kiếm tiền. Cha mất rồi, giờ không đi thì cả nhà chết đói."
"Bao lâu chị Faye về với em?" Fary ôm chặt lấy tôi, đôi tay nhỏ bé run lên.
Tôi vuốt tóc hai đứa, nắm tay hứa hẹn.
"Chị sẽ gửi tiền về. Dù có chuyện gì xảy ra, hai đứa cũng phải đi học, đừng bỏ học. Hứa với chị nhé!"
Hai đứa nhỏ nghẹn ngào gật đầu, mắt ngân ngấn nước. Tôi hôn lên trán từng đứa, lòng đau như cắt, rồi quay đi, không dám ngoái đầu nhìn lại.
*Lán trại tạm giam trong làng
Khi đêm xuống, tôi núp mình trong bụi rậm gần khu tạm giam, đôi mắt dõi theo từng cử động của hai người gác. Đây chỉ là trại giam thô sơ, củi gỗ và dây thừng là những gì ngăn cách kẻ phạm tội với tự do. Khi hai lính canh đi ăn, tôi lẻn vào trong, tiếng chân nhẹ như bóng tối.
Tên sát hại cha tôi ngồi bên góc xà lim, bóng tối che phủ phần lớn khuôn mặt hắn. Tôi bước tới, tiếng giày nhẹ vang trên nền đất, đôi mắt đen vô hồn nhìn xoáy vào hắn. Ánh nhìn của hắn chạm phải tôi, lẩn tránh trong thoáng chốc, rồi lại trở nên khinh khỉnh.
Không nói một lời, chỉ đứng đó, nhìn hắn với ánh mắt trống rỗng, lạnh lẽo đến tột cùng. Trong bóng tối mịt mù, tôi hiểu rằng, cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Tên sát hại cha tôi thấy tôi đứng ngay trước mặt, trong bóng tối chập chờn của ngọn đèn dầu, ánh mắt hắn rít lên căm phẫn tột cùng. Hắn cầm lấy hai thanh chắn xà lim, dí sát vào song chắn giữa chúng tôi, gầm lên trong giọng nói khàn đặc.
"Mày tới đây làm gì hả nhóc con?"
Tôi chẳng đáp, chỉ đứng yên lặng, mắt dán chặt vào hắn, tay siết chặt con dao bếp đã giấu kỹ trong túi áo. Khoảnh khắc đó, tất cả đau thương, uất hận trào dâng, dẫn lối cho bàn tay tôi hành động.
Trong tích tắc, tôi lao tới giữa chặt tay hắn đang bám trên thanh xà lim, dùng dao đâm thẳng vào điểm hiểm trên cơ thể hắn. Từng nhát, từng nhát một được đâm vào, kéo theo những vết máu dài bắn tung tóe ra ngoài.
Hắn khuỵu xuống, tiếng thở hổn hển đứt đoạn, còn tôi nhanh tay vòng sợi dây thừng qua cổ hắn, ghì mạnh qua song gỗ của xà lim. Nhìn ông ta giãy dụa như một con thú bị thương, cố quẫy đạp, đôi mắt trừng trừng trong tuyệt vọng. Tiếng thét gào khàn khốc của hắn hòa quyện với tiếng lách tách của ngọn lửa bập bùng bên ngoài, tạo nên một bản giao hưởng chết chóc.
Tôi siết chặt sợi dây, từng thớ cơ trên cánh tay căng cứng. Hắn vùng vẫy yếu ớt, đôi chân đập loạn xạ, tất cả đều vô nghĩa. Cái chết đang dần nuốt chửng hắn, từng chút một.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được một thứ gì đó mãnh liệt trỗi dậy trong lòng. Đó không phải là hận thù, mà là sự giải thoát. Tên thủ ác phải trả lại tất cả, tất cả những gì đã cướp đi của tôi.
Khi hắn hoàn toàn bất động, tôi thả lỏng sợi dây. Thân hình hắn rũ xuống như một con rối bị cắt đứt dây. Tôi nhìn hắn, không còn chút cảm xúc nào. Ánh mắt tôi lạnh lùng như băng, lướt qua từng ngọn lửa đang thiêu đốt.
Tôi dùng dao cắt một đoạn vải trên áo hắn, lau sạch lưỡi dao rồi cẩn thận cất đi. Ngọn đèn dầu treo trên xà lim tỏa ra ánh sáng lung linh, chiếu rọi lên khuôn mặt tái nhợt của hắn. Tôi nhẹ nhàng hất ngọn đèn, ngọn lửa lập tức bùng lên dữ dội, liếm láp từng mảnh gỗ mục nát. Khói đen cuồn cuộn bốc lên, bao trùm lấy căn phòng.
Tôi đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ, từ thân xác của kẻ ác đến những tội lỗi mà hắn đã gây ra. Ngọn lửa ấy như một biểu tượng của công lý, thiêu đốt mọi tội ác và mang đến sự thanh thản cho linh hồn vô tội của cha mình.
Từng tiếng nổ lép bép vang lên, từng mảnh ký ức đau đớn bị xé toạc, bị thiêu sạch. Ánh lửa bập bùng phản chiếu trên gương mặt tôi, một gương mặt từng vô tư giờ lại vô hồn và trơ trọi, chẳng còn chút rung cảm nào dành cho cái chết.
Đứng trước ngọn lửa đang thiêu rụi hết thảy, tôi thấy mọi thứ cũ kỹ, mục nát trong tâm hồn cũng theo đó mà tan thành tro bụi.
Tôi quay lưng rời đi khỏi nơi đó. Đêm không còn là nỗi kinh hoàng, mà là chiếc áo choàng ôm lấy tôi, che giấu mọi dấu vết của những gì vừa diễn ra.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro