Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 3 - Tử biệt sinh ly (1)

Chỉ trăng hẹn ước với người
Tam sinh hữu hạnh chờ người kiếp sau

Hai tuần trăng nữa lại trôi qua. Cuối cùng Phạm Thái, giờ đã trở lại với thân phận thật sự của mình, cũng mời được một ông bác họ xa cùng đi tới làng Thanh Nê cầu hôn nhà họ Trương như dự định. Chàng đã sửa sang lại trang phục lẫn tư thái tốt nhất khi tới ngoài làng Thanh Nê, hòng mong mình sẽ đạt được sự đồng ý của Kiến Xuyên phu nhân. Chẳng gì chàng cũng là một cậu chiêu, có cha từng là quan Nội hầu trong phủ Chúa Tĩnh Đô. Lại thêm tuy vài năm nay chàng hiến kha khá gia sản của mình cho đảng Cần Vương khởi nghĩa phò Lê, nhưng không vì thế mà đã trở nên nghèo nàn đói khát. Chàng dám tự tin mình không để Quỳnh Như phải chịu đói chịu khổ. Huống chi từ ngày quen biết nàng, phải nói rằng mọi ý chí cho việc lớn Cần Vương của chàng đã hoàn toàn trôi theo dòng nước, không chỉ vì tình nhi nữ, mà còn vì cái thế đã mất, âu cũng đành chấp nhận sự thật là nhà Lê đã không còn nữa vậy. Hiện giờ chàng thật sự muốn toàn tâm toàn ý vì người con gái ấy, nàng, là nguồn sinh lực mới của chàng.

Ngựa về tới đầu làng. Phạm Thái cố kìm nén sự bứt rứt đang cào cấu trong lồng ngực chàng hơn mười bữa nay mà ghìm bước chân cho ra dáng thong dong tao nhã. Cách đây mươi hôm một đêm chàng bỗng giật mình tỉnh giấc, để rồi từ đó trái tim cứ như bị bóp nghẹt trong lồng ngực. Chàng chỉ biết tự dỗ mình rằng có lẽ vì sắp được gặp lại Quỳnh Như nên chàng mới bứt rứt mong nhớ nàng tới thế. Giờ đây đang tiến đến gần nàng lắm rồi, cảm giác ngạt thở ấy càng lúc càng tăng lên không rõ nguyên nhân... Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào... bình tĩnh...

Bình tĩnh... thế nào bây giờ ?

Giờ chàng đã hiểu ánh mắt lạ lùng của những người dân làng trên đường khi đi ngang qua họ. Giờ chàng đã hiểu vẻ tội nghiệp lẫn xót xa trên nét mặt họ. Giờ chàng đã hiểu cảm giác đau đớn trong trái tim mình mấy hôm nay là gì.

Khi chàng nhìn thấy, lại một lần nữa, những dải lụa và đèn lồng trắng muốt treo bên ngoài thái ấp Kiến Xuyên hầu, cả người chàng lạnh toát như khi ngâm mình xuống hồ nước tránh sự truy đuổi của quân lính nhà Nguyễn cách đây vài năm.

Sao lại thế này ?

Đôi chân chàng như run lên muốn khuỵu xuống khi bước qua ngưỡng cửa. Chúng còn hoạt động được, hoàn toàn nhờ vào ý chí của chàng. Chàng, không thể gục ngã trước khi biết màu trắng tang tóc đang bao phủ khắp nơi quen thuộc này là dành cho ai... Nơi đây đã phủ trắng cờ tang một lần cho người bạn, người đồng chí của chàng. Còn lần này...

Phạm Thái quỳ sụp xuống sàn nhà lạnh lẽo như trái tim của chàng khi ấy. Chàng run rẩy đưa mắt nhìn chung quanh, nhưng vẫn cố gắng không nhìn vào bài vị trên linh đường. Bởi vì khi bước vào sảnh chính, đập vào mắt chàng là linh sàng trắng toát một màu nhức nhối, và bên cạnh là vợ chồng Kiến Xuyên hầu như già đi chục tuổi so với vài tháng trước, lẫn Long Cơ và đứa con trai đang tuổi chạy nhảy giờ đang ngồi cạnh linh sàng.

Cha mẹ nàng, chị dâu nàng, cháu nàng đang ở đây. Vậy... Phạm Thái không còn nghĩ được gì thêm, ánh mắt chàng chần chờ rồi cũng phải hướng về phía bài vị. Như thể có một tiếng sét đánh ngang trời. Mọi giác quan của chàng như đã hoàn toàn tê liệt, chỉ biết quỳ đó thẫn thờ nhìn tấm bài vị trên linh đường.

TRƯƠNG QUỲNH NHƯ CHI VỊ

Năm chữ, năm chữ nhảy nhót quay cuồng trước mắt Phạm Thái. Cảnh vật chung quanh như nhòa đi trước mắt, chỉ còn lại có năm chữ này. Chàng đờ đẫn trong nỗi đau quá lớn khó lòng nén nổi. Nỗi đau này, dường như không khác gì nỗi đau khi người cha kính yêu của chàng tạ thế, còn lớn hơn cả nỗi đau khi chàng nghe tin người đồng chí Thanh Xuyên hầu qua đời.

Phạm Thái chìm đắm trong một thế giới khác, mờ mịt, xám ngắt, hoàn toàn không biết từ khi chàng xuất hiện, trên gương mặt mỏi mệt già nua của người mẹ già vừa mất nốt đứa con cuối cùng đã hiện lên một thứ biểu cảm mang tên phẫn hận. Kiến Xuyên phu nhân run rẩy đứng lên, vẻ nhanh nhẹn quý phái đã nhường chỗ cho sự yếu ớt lẩy bẩy. Bà phải dựa vào một thị tỳ nâng đỡ mới có thể dằn từng bước lại gần người con trai đang quỳ trước bài vị con gái bà, một tay bà do thị tỳ nâng đỡ, tay kia chống cây gậy bằng gỗ đào lết theo từng bước chân nặng nề. Tấm áo tang trên người bà lần thứ hai trong vòng ba năm, như càng khiến cho thân hình bà trở nên nhỏ bé.

Bỗng Kiến Xuyên phu nhân run rẩy giơ cây gậy trong tay lên vụt thật mạnh.

« Thằng đáng chết... Mày... mày còn vác mặt tới đây làm gì nữa... Mày... mày hại chết thằng Thụ chưa đủ hay sao mà còn lấy nốt cả đứa con cuối cùng của ta. Cái nhà này nợ gì mày ? Cái nhà này nợ gì mày mà mày nỡ nhẫn tâm khiến cho mẹ già khóc con tận hai lần liên tiếp ? Cút... cút ngay... mày cút ngay cho ta... »

Bà gào thét, bà hổn hển, bà nức nở, bà bất lực. Hai cái tang liên tiếp trong vòng ba năm. Sao ông trời nỡ hành hạ bà như thế này. Một lần khóc con còn chưa đủ hay sao ?

« Ông trời ơi là ông trời ? Sao ông nỡ lòng nào đối xử với thân già này như thế ? Chúng tôi có nợ nần gì nhà họ Phạm kiếp trước hay sao... Ôi trời ơi là trời đất ơi... »

Kiến Xuyên phu nhân ngồi thụp xuống đất đấm ngực rũ rượi khóc than rồi bỗng trợn mắt ngất xỉu. Đứa hầu gái vội vã đỡ lấy bà lớn. Còn Phạm Thái vẫn đang ngây ngốc quỳ mặc cho những cú đánh vào người như không hề thấy đau đớn, như thể mọi giác quan của chàng đã chết lặng. Kiến Xuyên hầu thấy vậy thở dài, hầu cũng đứng lên bước lại gần, đỡ lấy người bạn đời giờ đã bất tỉnh dìu vào phòng trong. Khi đi ngang qua Phạm Thái, hầu thoáng nhìn chàng, lầm bầm mấy tiếng rồi quay đi. « Ôi... đứa nhỏ này... »

Phạm Thái vẫn quỳ ở đó, tấm lưng thẳng khỏe khoắn giờ như bị một áp lực vô hình đè nặng lên. Đôi vai rộng giờ trĩu nặng. Ánh mắt nhòa lệ nóng hổi. Hai cánh tay buông thõng như trở thành vật thừa thãi.

Người bác họ của chàng đã bước vào một chốc và chứng kiến toàn bộ. Ông thở dài một tiếng rồi chầm chậm tiến lại gần đỡ chàng đứng lên. Phạm Thái ngơ ngác mặc kệ cho người khác dìu mình quay đi, đôi mắt đờ dại không còn tiêu cự, chỉ có hai giọt lệ không thể cất chứa trong hốc mắt nữa nên đành vội vã rơi xuống nền đất xám, biến mất tăm tích.

« Cậu Lỳ... cậu chờ một chút... »

Bỗng có tiếng nói rụt rè cất lên sau lưng họ. Một thiếu nữ còn rất trẻ mặc kiểu áo của hầu gái toàn màu trắng bước ra từ sau linh đường. Phạm Thái còn đang mê man trong nỗi đau nên không nhận ra đó là Thu, thị tỳ của Quỳnh Như, chàng chỉ quay lại phía phát ra tiếng nói theo bản năng mà thôi.

« Trước khi... cô em có gửi... thứ này lại cho cậu... Mong cậu... nhận lấy... »

Đôi bàn tay trắng nhợt của Thu run run chìa ra, trên đó là một gói giấy khá lớn. Phạm Thái không nghĩ được gì nhiều, trong đầu chàng chỉ văng vẳng như có tiếng nói vọng lại. Di vật của Quỳnh Như gửi cho mình... di vật của Quỳnh Như... di vật... Dần dần cặp mắt của chàng lại có tiêu cự. Chúng nhìn thẳng vào gói giấy trên tay cô thị tỳ thân thiết nhất của Quỳnh Như không chớp mắt như chỉ sợ nó sẽ biến mất nhanh chóng.

Người bác họ thấy vậy khẽ thở dài rồi đón lấy cái gói ấy thay cho chàng. Nhưng ông vừa chạm tay vào gói giấy, Phạm Thái đã vội vã cướp lấy trước ông và ôm chặt vào lòng như sợ sẽ bị ông lấy mất. Rồi chàng giãy mình ra khỏi cánh tay đang đỡ lấy chàng của người bác mà thẫn thờ quay lưng bước ra khỏi căn phòng trắng toát một màu thê lương này.

Về đến căn nhà trước đây, Phạm Thái tuy đang tê liệt trong nỗi đau nhưng vẫn kịp nhận biết rằng căn nhà sạch sẽ như được lau dọn thường xuyên chứ không bụi bặm do hai tháng vắng chủ. Nhưng chàng cũng không nghĩ nhiều thêm mà đi thẳng tới thư án ngồi xuống và đặt cái gói trong tay lên bàn. Mấy ngón tay run lẩy bẩy gỡ nút buộc của sợi dây bằng lụa trắng ra. Lần giấy bọc bên ngoài bật mở. Bên trong là dăm cuốn sách, một tập giấy hoa tiên đề thơ và một phong thư đề tên chàng.

'Phạm lang thân khải...'

Lá thư lặng lẽ rơi khỏi đôi bàn tay run run. Phạm Thái ngồi trong góc khuất, chìm vào bóng tối của căn nhà bỗng trở nên lạnh tanh vô hồn không còn sức sống. Người bác họ đi cùng thấy vậy khẽ thở dài rồi quay gót ra ngoài, không quên khép lại hai cánh cửa sau lưng. Chàng cần được ở một mình với nỗi đau quá lớn này.

Sớm hôm sau, sắc trời còn chưa tỏ, sương giá còn mù mịt khắp nơi. Một bóng người mặc tang phục lặng lẽ ra khỏi cổng, trên vai mang theo một tay nải lớn. Bước thấp bước cao trên con đường trải gạch Bát Tràng, đôi vai người đó trĩu xuống như thể đang mang trên đó một gánh nặng lớn nhất cuộc đời. Người đó chính là Phạm Thái, đang ra thăm nấm mồ mới đắp của Quỳnh Như. Bóng dáng chàng thật quạnh quẽ và cô độc trên con đường mờ ảo sương khói, như một kẻ bị đày ải đang lê bước trên con đường đi đày của mình.

Mặt trời chưa mọc hẳn, sương sớm còn chưa kịp tan trên những cây phướn trắng. Hai ngôi mộ liền kề nhau, một ngôi còn chưa xanh cỏ, một ngôi còn tươi màu đất. Hai anh em ruột giờ nằm cạnh nhau như thế trong giấc ngủ vĩnh hằng.

Phạm Thái ngồi xuống trải tay nải mang theo ra. Bên trong là một bầu rượu mơ xanh, ba chiếc chén sứ, một bó hương trầm, một cái chậu đồng và gói thư từ thơ văn mà Quỳnh Như để lại cho chàng. Chàng bày hai chiếc chén trước hai ngôi mộ, một chiếc trước mặt mình rồi rót rượu vào cả ba chén. Mùi rượu Kẻ Mơ lâu năm thơm lừng bốc lên, trong hương thơm có vị chua xót cay đắng, tỏa ra rồi tan biến vào không gian ươm mùi sương sớm.

Chàng thắp mười sáu nén hương, rồi cắm bảy nén lên mộ Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ, và chín nén lên mộ Trương Quỳnh Như. Thế rồi chàng đứng thẳng người chắp tay, cúi đầu nhắm mắt như chuẩn bị khấn. Nhưng không, chàng im lặng. Chỉ có chàng là biết trong đầu mình đang hiện ra toàn bộ những hình ảnh trong quá khứ, quen Thanh Xuyên hầu, làm bạn đồng chí trong đảng Cần Vương, trở thành bằng hữu thân thiết, mất đi người bạn đáng kính, quen Quỳnh Như qua đám tang của bạn, yêu nàng, và mất nàng... Từng giọt từng giọt kỷ niệm hóa thành lệ thánh thót rơi trước mộ hai người thân yêu không cùng huyết thống.

« Thụ anh, vậy là Quỳnh Như đã xuống đó cùng anh rồi. Cô ấy xem ra thương anh hơn tôi nên mới mau chóng xuống gặp anh như thế. Tôi ghen tị với anh đó anh có biết không ? »

« Anh Thụ à, ở dưới suối vàng hẳn anh đã chứng kiến hết cả rồi phải không ? Tôi và Quỳnh Như ấy, tình chàng ý thiếp đã rành rành một nhẽ, nhưng mệnh cha mẹ phải biết làm sao. Nếu anh còn tại thế, liệu sự thể có tới nông nỗi này hay chăng ? »

Phạm Thái nhìn về phía ngôi mộ lún phún những ngọn cỏ xanh còn đẫm sương đêm. Chàng nâng một chén rượu trước mặt lên uống cạn rồi chàng lầm bầm, chàng thủ thỉ, chàng trò chuyện bằng thứ giọng khàn đục khắc khoải với người bạn thân thiết đã quá cố, người mà đã gián tiếp khiến chàng quen biết với Quỳnh Như.

« Anh Thụ, anh tha thứ cho tôi nhé. Tha thứ cho tôi đã khiến cha mẹ anh phiền lòng. Tha thứ cho tôi đã cả gan thương em Như của anh. Tha thứ cho tôi đã gián tiếp khiến nàng quyết tuyệt dùng biện pháp dứt khoát này để trọn tình cùng tôi. Và anh ạ, tha thứ cho tôi nhé, cho phép tôi một lần được gọi nàng là nương tử. »

Dứt lời, chàng cúi đầu vái ba vái, đổ chén rượu trước mộ Thanh Xuyên hầu và Trương tiểu thư xuống đất, rồi lấy từ trong tay áo ra một cuộn giấy dài, quỳ xuống trước mộ Quỳnh Như mà thống thiết đọc.

'Nương tử ơi,

Chướng căn ấy bởi vì đâu ? Oan thác ấy bởi vì đâu ? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm.

Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.

Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa: thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

Ví dù mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, này phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bóng vội vàng chi?

Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sả, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ nhưng tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường: dầu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự.

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên ; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.

Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm: chua xót cũng vì đâu?

Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!' (1)

Đọc xong câu cuối cùng, chàng phục xuống khóc rống một hồi. Tiếng khóc trầm đục khàn khàn như muốn bật ra những đau đớn xé nát tâm can của người con trai tài hoa xứ Kinh Bắc trước cái chết của người thương. Tiếng khóc văng vẳng trong không trung, khiến cho buổi sớm mùa đông mù sương càng thêm thê lương hiu hắt.

Khi những tiếng nức nở từ trong lồng ngực đã dịu bớt, Phạm Thái mới quỳ thẳng dậy. Chàng thả tờ giấy có bài Văn tế vừa đọc, cùng với toàn bộ những thơ từ xướng họa giữa hai người bấy lâu nay vào chiếc chậu đồng, rồi châm lửa đốt. Làn khói xanh dần lan ra chung quanh, ẩn hiện trong màn sương buổi sớm đang dần được ánh mặt trời xua đi. Làn khói cứ vấn vít bên trên hai ngôi mộ và người trai trẻ đang thẫn thờ nhìn những nét chữ quen thuộc dần bị ngọn lửa nuốt trọn. Những nét chữ của bài thơ Khóc Trương Quỳnh Như chàng hạ bút đêm qua.

'Một khối chung tình tan mấy mảnh
Suối vàng ai có thấu lòng ai?' (2)

Khi những mẩu giấy hoàn toàn hóa thành tro bụi, cũng là lúc Phạm Thái phun ra một búng máu lớn và gục xuống bên cạnh ba chén cạn rượu và chiếc chậu đồng.

(1) Đây là nguyên văn bài Văn tế Trương Quỳnh Như khá nổi tiếng, có thể nói là một trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Phạm Thái, và cũng là một trong những nguyên do khiến Lãnh Vân đổ cái rầm vì chàng và quyết định viết câu chuyện này.

(2) Hai câu này là hai câu cuối trong bài Khóc Trương Quỳnh Như thứ nhất, còn một bài Khóc Trương Quỳnh Như nữa như sau.

Oanh ru bên trướng giấc hoa nồng
Chợt tỉnh hồn mai nhớ lại mong
Non nước mơ màng chừng chỉ lữ
Mây mưa phảng phất đỉnh Vu Phong
Quyền về viễn phố hoa rầu rĩ
Nhạn tếch Hành Dương nguyệt não nùng
Đàn tiếng ly toan tay ngại gảy
Lấy ai lần gỡ mối sầu xong!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro