Chương 16: Nhật Hiệu xấu hổ gượng nhận chức quan
Thái sư Trần Thủ Độ đang ốm, mới nghe đoạn đầu cuốn Đại Việt sử ký đã uất lên ngất xỉu. Thầy thuốc trong phủ xúm vào cứu chữa. Hồi lâu thái sư tỉnh lại nói:
- Ta tuy không biết chữ nghĩa sử sách chi cả nhưng cũng hiểu Lạc Long Quân và Âu Cơ là quốc tổ của người Đại Việt, tượng trưng cho giống nòi, là tiên là thần vạn thuở. Thế mà các ngươi dám xúc phạm, coi như người thường được ư? Ai nói với các ngươi là người không đẻ được ra trứng. Gà vịt còn đẻ được trứng, chẳng lẽ người không bằng gà vịt à? Rõ là một lũ mất gốc dốt nát.
Thái sư nói xong rên khừ khừ, đêm ấy qua đời ở phủ đệ, lúc gần đi vẫn lẩm bẩm chửi bọn dốt nát. Ngô Tần vội về triều báo tin thái sư mất. Thượng hoàng và nhà vua cùng đến chịu tang.
Thái sư Trần Thủ Độ khi còn sống ít được học hành, làm nhiều điều dâm loạn, tàn ác nhưng chính ông là người khổ công đắp nền xây móng dựng nên triều đại nhà Trần thịnh vượng, kéo muôn dân cùng đất nước ra khỏi cảnh lầm than. Cũng chính ông là người nhen nhóm từng người lính, mũi tên tạo nên quân đội Đại Việt đủ mạnh làm tròn sứ mệnh đánh thắng cuộc xâm lược đầu tiên của quân Mông Thát vào Đại Việt. Các sử gia đời sau rất nhiều người chỉ trích ông một cách nặng nề nhưng cũng không thể không công nhận: Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt đến lúc mất. (Nguyên văn ĐVsktt) Có bài thơ ca ngợi Trần Thủ Độ rằng:
Một đời vất vả dựng cơ đồ
Tấc lòng đâu quản chuyện nắng mưa
Đem thân gánh đỡ ngàn công việc
Dang tay chèo chống vạn mối lo
Trinh liêm ghi tạc lòng quân sĩ
Uy vũ dẹp tan dạ cường Hồ
Đầu bạc chưa rơi, xin đừng sợ
Nam thiên tráng khí bụi không mờ
Bấy giờ ngự đệ Trần ích Tắc mới mười mấy tuổi nhưng đã rất nổi tiếng văn chương, sau này trong nhà nuôi nhiều môn khách tài hoa như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng đến vài chục người, thường cùng nhau xướng hoạ thơ văn, đá cầu, đánh cờ môn nào cũng tỏ ra tinh thạo. Ích Tắc theo về chịu tang, thượng hoàng Thái Tông sai Ích Tắc làm một bài văn điếu. Ích Tắc bảo người lấy giấy mực, vén tay áo viết một mạch đến lúc buông bút mới ngẩng lên, nói:
- Tâu Thượng hoàng! Con đã viết xong rồi ạ.
Thượng hoàng cùng nhà vua xem đều khen. Đến khi mang đọc, lời văn lưu loát như nước chảy mà hết sức bi tráng, ai nghe cũng không cầm được nước mắt. Mọi người đều cho Ích Tắc có văn chất thánh thần. Từ đấy Ích Tắc hoá kiêu kì cho rằng mình xứng đáng làm vua hơn, ngầm cử tay chân sang tư thông với người Nguyên, cầu vua Nguyên phong mình làm vua xứ An Nam.
Ngô Tần tâu với nhà vua ý kiến của thái sư Trần Thủ Độ về bộ Đại Việt sử ký nhưng ông nói thêm:
- Thần cho rằng những lời nói của thái sư trong lúc không còn tỉnh táo chưa hẳn đã sáng suốt. Mong quan gia minh xét.
Thánh Tông phán:
- Việc này ta đã thỉnh ý thượng hoàng. Người nói: "Truyền thuyết trong dân gian tuy nhiều điều không có căn cứ nhưng nó là sự chung đúc lâu đời của muôn dân bách tính, là niềm ngưỡng vọng của trăm họ, là bảo ngọc tâm linh của non sông. ý dân như vậy, chớ làm khác đi. Vả lại văn tự không có, lấy gì làm bằng cho việc đúng sai? Nếu các học giả ai cũng cứ theo suy luận riêng của mình mà viết thành sách thì sau này hậu thế tránh sao khỏi tình trạng đa thư loạn mục, biết tin vào đâu? Vậy sách viết ra còn có ích lợi gì?" Lê học sĩ! Nhà ngươi hãy khảo cứu viết lại thật kĩ sao cho được bộ sách làm sáng tỏ nền chính trị nước nhà.
Lê Văn Hưu nhận chỉ, tra cứu sử sách, biên chép kĩ càng suốt tám năm trời mới hoàn thành bộ Đại Việt sử ký gồm ba mươi quyển, mùa Xuân năm Thiệu Long thứ Mười lăm (Nhâm Thân-1272) dâng lên nhà vua. Thánh Tông xem xong, xuống chiếu khen ngợi.
(Theo ĐVsktt)
Một hôm nhà vua đãi yến các quan ở ngự hoa viên, mới hỏi quan ngự sử Trần Chu Phổ rằng:
- Vì sao người Việt ta khi xưa không có chữ?
Trần Chu Phổ tâu:
- Cũng chưa ai nói chắc người việt ta xưa không có chữ. Biết đâu từ đời Triệu Vũ đế muốn triệt hẳn cái gốc của dân ta mới bắt bỏ đi chăng?!
(Chỉ Triệu Đà, người đã xâm lược Âu Lạc, đánh bại vua An Dương Vương, mở đầu giai đoạn một nghìn năm Bắc thuộc ở nước ta)
Thượng thư Nguyễn Hiền tâu:
- Đồ đồng đồ đá từ xưa đến nay còn lại rất nhiều, ngoài hình chạm khắc cũng không có văn tự gì. Thần cho là người Việt mình trước kia đúng là chưa có chữ.
Trần Chu Hinh nói:
- Người Việt ta vốn có lòng tự tôn dân tộc, sao lại không có chữ? Thần cho là có nhưng đã bị người Bắc đồng hoá đi rồi. Cần phải tìm cho ra mới được.
Lê Văn Hưu nói:
- Chính vì có lòng tự tôn dân tộc nên thần dám khẳng định người Việt ta xưa kia chưa có chữ. Bởi vì chữ là tài sản quý báu của quốc gia, dân ta vì lòng tự tôn dân tộc nhất định cất giấu không cho người Bắc phá bỏ, đánh mất một tài sản quý giá như thế là một tội lớn. Cha ông ta không thể mắc một tội lớn như vậy được.
Thánh Tông vui vẻ nói:
- Không ngờ điều trẫm nêu ra lại được mọi người tranh đàm hào hứng đến vậy, nhưng bây giờ nói gì vẫn còn là quá sớm. Biết đâu năm bảy thế kỷ sau con cháu chúng ta tìm được câu trả lời minh xác.
Khi thái sư Trần Thủ Độ mất, ngôi tể tướng bỏ trống. Thánh Tông thiết triều, phán:
- Nay thống quốc thượng phụ về trời, chức thái sư phải có người gánh vác. Trẫm xét trong các vương hầu, duy có Khâm Thiên đại vương Nhật Hiệu đảm trách được. Vậy trẫm phong Trần Nhật Hiệu chức thái sư tướng quốc.
Nhật Hiệu bước ra tâu:
- Thần không dám nhận chức ấy. Xin hoàng thượng chọn người có thực tài mới đảm trách được.
Thánh Tông hỏi:
- Hoàng thúc hãy nói cho rõ vì sao vậy?
- Muôn tâu hoàng thượng! Khi xưa quân Thát đánh sang, thần không ra sức đánh giặc. Khi thượng hoàng hỏi kế sách, thần sợ hãi không nói thành lời chỉ lấy tay chấm nước viết lên mạn thuyền hai chữ nhập Tống, từ bấy đến nay mỗi lần nghĩ lại muôn phần hổ thẹn. Thượng hoàng nhân từ không trách phạt cũng để thần phải đội ơn trời bể lắm rồi, còn mặt mũi nào dám nhận quyền cao chức trọng.
Thánh Tông khen:
- Hoàng thúc thật là có nhân cách. Như vậy lại chả hơn nhiều kẻ tội lỗi đầy mình mà không biết xấu hổ là gì ư? Hoàng thúc không nhận chức thái sư thì thôi. Trẫm phong hoàng thúc làm tướng quốc thái uý vậy.
Như vậy Thánh tông cho Nhật Hiệu không nhận chức "thái sư" nhưng lại ban thêm hai chữ "tướng quốc" thành "tướng quốc thái uý" nắm quyền trong nước. Nhật Hiệu cố từ chối nhưng không được, đành gắng gượng nhận chức.
(ĐVsktt)
- Cứ đánh tuốt xác nó ra. Không thể thương được những loài bướng bỉnh như vậy. Cơm không ăn, cho mày ăn roi. - Mụ Hồng thét lên.
Út Mãi vung chiếc roi gân bò vun vút, nghe mà nổi hết gai gà. Điệp lăn lộn dưới đất, van xin:
- Con lạy mợ! Mợ bắt con làm gì cũng được nhưng đừng bắt con bán thân.
- Tao chỉ có mỗi việc ấy thôi. Không bán thân sao trả được nợ.
- Con chỉ ăn một tháng cơm của mợ, con về bán mảnh vườn, xin hoàn trả mợ đầy đủ ạ.
- Vườn ở đâu mà bán? Cái bọn lừa đảo chúng mày nói mười không tin được một. Bà theo chân mày về quê à? Mỗi bữa bốn xu rưỡi, hai bữa là chín với một xu nước non tắm rửa, vị chi mỗi ngày là một hào. Mày ở đây một tháng tức là ba đồng.
Điệp thét lên:
- Trời ơi! Nhiều thế làm sao con trả được? Con có muốn ở đây đâu, bà bắt con phải ở đấy chứ.
- A! Nỏ mồm lý sự. Đánh!
Chiếc roi trong tay út Mãi lại lồng lên cắn xé làn da mịn màng của Điệp.
- Bà vẫn biết mày là đứa vô ơn, giỏi cãi lắm. Nhiều à? Chính tay mày điểm chỉ vào giấy nợ đây chứ ai. Tiền của bà nó còn biết đẻ chứ đâu phải chỉ có thế. Một tháng một đồng thành hai, vị chi cứ chồng đủ cho bà sáu đồng bạc ra đây rồi mày muốn đi đâu thì đi.
Điệp gào lên:
- Thì ra tôi không biết chữ, các người lừa tôi.
- Lừa này! Lừa này! Ai lừa mày. Ông thì dận cổ - Út Mãi vừa nói vừa quất roi veo véo vào người Điệp.
Chị Mơ chạy vào van xin mụ Hồng:
- Thôi mợ ơi con xin mợ. Để con khuyên em nó dần dần chứ đánh thế này cả tháng sau cũng chưa hết vết lằn, có muốn tiếp khách cũng không được.
- Thôi được! Ta tạm tha cho nhưng chị em phải bảo nhau, đừng để ta phải cho động tay chân.
Mơ kéo Điệp xuống nhà dưới, nói:
- Dại quá em ơi! Chị đã nói rồi, không thể chống lại với họ được đâu. Ngày mới đến đây chị cũng chống đối như em, còn định treo cổ chết nữa nhưng chết cũng chẳng được còn bị đánh đến rách da rách thịt.
Điệp đau quá vừa rên vừa nói:
- Em chết mất thôi chị ạ.
- Chết cũng khó lắm chứ đâu có dễ. Chết được thì chị đã chết rồi. Chẳng ai người ta để cho em chết. Họ nuôi mình như nhà nông chăm chút con lợn. Ai muốn cho lợn chết bao giờ. Tốt nhất là được ăn cứ ăn, được chơi cứ chơi, chiều thằng đàn ông một tí, mình yên thân.
- Đàn bà chúng ta sao ai cũng chỉ muốn yên thân nhưng càng muốn yên, họ càng nhận chúng ta xuống bùn. Em chưa chịu đâu, không thể nào chịu được. Em sẽ trốn đi báo quan.
- Á à, giỏi! Giỏi! Đi báo quan! Có thật muốn đi báo quan tao cho người dẫn đi hẳn hoi, không phải trốn - Mụ Hồng đột ngột xuất hiện khiến Mơ và Điệp co rúm lại - Báo quan này, báo quan này.
Mỗi một câu "báo quan này" mụ Hồng véo một cái vào phía dưới cánh tay của Điệp. Những vết véo tụ máu tím lịm. Mơ sợ hãi van xin.
- Con xin mợ. Em nó còn dại, để con bảo nó dần dần.
- Còn cái thân mày nữa đấy, không bảo được nhau, sống cũng chẳng được, chết cũng không xong với bà. Nào! Con kia có muốn đi báo quan không?
- Điệp không trả lời. Mụ Hồng bỏ lên nhà trên. Mơ bảo:
- Em hồ đồ quá! Mợ Hồng chính là bà hai của quan huyện chứ ai. Mợ ấy là con nhà danh gia vọng tộc lại được quan châu về thăm luôn. Chính vì để quan châu đi lại tự nhiên với vợ mình nên quan huyện mới được nâng đỡ. Mợ Hồng có nhiều nghề ngón làm mê mẩn lòng người nên quan châu không thể rứt ra được. Quan huyện đã có bà ba, bà tư, mỗi bà một cơ ngơi, thỉnh thoảng mới về đây xem công việc làm ăn buôn bán thế nào thôi.
Điệp ngơ ngác hỏi:
- Buôn bán? Em có thấy buôn bán hàng họ gì đâu.
- Em khờ quá! Chính chị em mình là hàng chứ còn gì nữa? Chị Huệ đấy, bán về Đại La rồi. Khách đến chơi ở đây chỉ là phụ thôi, toàn các thầy phán thầy đề trong huyện ấy mà, thu được bao nhiêu đâu. Họ đãi nhau là chính. Chị xấu xí thuộc loại hàng ế chứ không cũng bán đi rồi. Đấy! Thế thì quan nào xử kiện cho em?
- Điệp kêu lên ngao ngán.
- Trời ơi! Thế này ra quan chỉ biết kiếm lợi thôi. Dân chúng mình kêu ai?
- Thì thế đấy. Quan to có lợi to, quan nhỏ có lợi nhỏ. Không có lợi, ai ngu gì mà làm quan.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro