Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 38: Yên Vương tiến kinh

Chương 38: Yên Vương tiến kinh

Cuối tháng ba, năm Kiến Văn thứ nhất, đoàn tùy tùng của Yên Vương đã đến Nam Kinh.

Đội thân Vương đi qua Tuyên Vũ Môn, người cầm cờ đi trước, nghi trượng thân Vương ở giữa, hoạn quan, người hầu theo sát cạnh nghi trượng, năm trăm hộ vệ, ai nấy y phục chỉnh tề, cưỡi ngựa oai phong, trong lúc di chuyển, tiếng vó sắt vang lên đều tăm tắp, kỵ binh trên ngựa vừa nghiêm trang vừa sắc bén.

Kỳ dẫn, kích y, kích trướng, nghi trướng* lần lượt đi qua, khiến bách tính hai bên đường phải thốt lên kinh ngạc.

*Kỳ dẫn, kích y, kích trướng, nghi trướng: thứ tự trong đoàn xe thân Vương, bao gồm cờ dẫn đầu, lộng che hai bên, mành vải phủ nghi trượng,....

Mặc dù Nam Kinh đã được chọn làm Kinh Thành từ lâu, nhưng từ thời Hồng Vũ đế, các thân Vương đều được cứ đi biên ải, trở thành phiên Vương. Các phiên Vương không được phép tiến kinh nếu không có chiếu chỉ, cảnh tượng uy phong như bây giờ quả thực hiếm thấy.

Hồng Lư Tự Khanh đích thân ra đón, đưa Chu Đệ về nghỉ tại Yên Vương phủ trong thành.

Đợi mãi không thấy Yên Vương, một hoạn quan mặc áo tím, thêu hoa hướng dương, đội mũ đen đi lên báo cáo, nói Yên Vương không khỏe, trên đường tiến kinh chẳng may bị phong hàn, phải tránh ra gió.

Quan viên phụng mệnh nghênh đón có chút ngớ người, Yên Vương bị phong hàn?

"Mong các Đại Hành Lệnh* tạo điều kiện thuận lợi."

*Đại Hành Lệnh: Các quan lớn kinh thành.

Hoạn quan cười hòa nhã, Hồng Lư Tự Khanh lau mồ hôi, rất khó xử, phiên Vương tiến kinh mà không gặp mặt quan viên nghênh đón, không hợp quy củ lắm đâu.

Cao Dương Quận vương Chu Cao Hú ngồi trên lưng ngựa, đợi đến mức sốt ruột, trừng mắt một cái, tay sờ bảo đao đeo bên hông.

Lưỡi đao chưa kịp rút ra, tiếng của Yên Vương từ trong xe ngựa vang lên.

"Cao Hú, không được vô lễ." Sau đó lại ho một trận: "Tam Bảo."

"Có nô tài."

"Mở cửa."

Hoạn quan vừa nói chuyện với Hồng Lư Tự Khanh lập tức quay người, chạy một mạch về phía trước, bước lên xe ngựa, đẩy cánh cửa nhỏ bên hông.

Trong xe, Yên Vương mặc thường phục đỏ thẫm, tựa đầu ngồi nghiêng, qua tấm rèm xe, thấy mặt mũi người ngồi có vài phần mệt mỏi.

Chính chủ đã lộ mặt, nếu còn muốn dây dưa thì chính là cố tình gây sự.

Tất cả mọi người trong Hồng Lư Tự lập tức hành lễ: "Bái kiến Vương gia."

Hồng Lư Tự Khanh và Tả Thiếu Khanh đang cung kính đứng đợi, Chu Cao Hú giục ngựa đi ngang, cố tình kéo dây cương, ngón cái đặt trên bảo đao, vỏ đao đen bằng da cá mập bị đẩy ra nửa tấc, ánh sáng lạnh lẽo lóe lên trước mắt hai người, Cao Dương Quận vương cười lớn.

"Lũ gà đất chó má, chỉ được thế này thôi!" Cười đủ, Cao Dương Quận vương hừ lạnh: "Dám cản đường phụ vương, thì lũ chuột các ngươi cũng nên nếm thử xem, bảo đao đã từng chém đầu giặc Mông Cổ của bản quận vương, sắc bén đến mức nào!"

Hồng Lư Tự Khanh và Tả Thiếu Khanh mặt mày tái mét, tay chân run rẩy.

Quá sức ngông cuồng!

Dưới chân thiên tử, uy hiếp quan viên Tứ Phẩm của triều đình, đúng là quá mức kiêu ngạo. Mọi hành động của Cao Dương Quận vương đều công khai minh bạch, không có ý giấu diếm, ai có mắt đều sẽ thấy, hoạn quan bên cạnh nhanh chóng bẩm báo lại với Yên Vương "ốm yếu, mắc phong hàn", nhưng Yên Vương trong xe ngựa vẫn không hề hé răng trách mắng nhi tử nửa lời.

Chu Cao Hú liếc nhìn sắc mặt cứng đờ của đám quan viên, không thèm che giấu sự khinh thường và miệt thị trong mắt.

Rất nhanh, Kiến Văn đế cũng được nghe về hành động điên cuồng của Cao Dương Quận vương, ngài chống tay lên bàn, nhíu mày, siết chặt nắm đấm. Việc nhỏ nếu không nhịn ắt sẽ gây đại hoạ, Yên Vương mưu sâu kế hiểm, nhi tử của hắn đột nhiên phát rồ như vậy, nhất định có biến.

Kiến Văn đế nhịn!

Tiếc thay, Kiến Văn đế đã tính sai. Sự ngạo mạn của Cao Dương Quận vương chỉ là món khai vị, sau khi Yên Vương vào cung, mới là yến tiệc chính thức!

Theo nghi lễ Đại Minh, khi phiên Vương bái kiến tân Đế lần đầu, phải mặc áo xanh thêu viền, mũ miện ngũ sắc, là lễ phục quy định từ thời Hồng Vũ, thể hiện sự tôn kính đối với tân thiên tử.

Không ngờ Yên Vương lại một mình một cõi, mặc thường phục vào cung.

Vốn là dịp nên trang trọng chỉnh tề, áo vest, quần âu, Yên Vương lại hết lần này đến lần khác chơi phong cách đường phố, áo pull, quần jeans, có thể không nổi bật sao? Có thể không khen một câu cá tính sao?

Trong Điện Phụng Thiên, Kiến Văn đế ngồi trên ngai vàng, nửa ngày không nói nên lời, quần thần ai nấy trợn tròn mắt.

Cái này... có hơi quá đáng rồi đó? Dù không mặc lễ phục, cũng nên đội mão da, chưa kể đây là lần đầu Yên Vương ra mắt tân Đế, dù chỉ là bái triều bình thường, nhưng ăn mặc như vậy, sao có thể chấp nhận được đây?

Ngài mặc thường phục như vậy, thực sự không có chút gánh nặng nào sao Vương gia?

Hành động này chẳng khác nào tát vào mặt Kiến Văn đế, đánh xong còn dõng dạc hô, ta không phục ngươi, ngươi làm gì được ta?

Yên Vương đã quyết tâm chơi trò mạo hiểm với Kiến Văn đế và quần thần, mặc thường phục vào cung chưa đủ, còn rất đường hoàng, ngông nghênh đi giữa Điện, không thèm quỳ gối, cũng chả dập đầu hành lễ.

Đây không còn là sai lầm về hình thức nữa, mà là đang ôm tư tưởng phản nghịch!

Hồng Vũ đế quy định, nếu gặp nhau ở nội điện, hoàng thân quốc thích cứ hành lễ theo bối phận trong nhà, Kiến Văn đế là bậc con cháu, sẽ phải nhún nhường Yên Vương, nhưng đây là Điện Phụng Thiên! Trước mặt văn võ bá quan! Chu Đệ chỉ là phiên Vương, lại ngang nhiên đi đường lớn, không dập đầu hành lễ, đây là đang coi thường triều đình, coi thường lễ nghi!

Quần thần không thể bình tĩnh được nữa, nghẹn ngào nhìn Yên Vương. Kiến Văn đế cũng tức đến mức tái mặt, môi run run.

Chọc giận Hoàng đế và các đại thần đến độ, dù bọn họ có là Đức Phật từ bi bác ái cũng phải bật dậy chửi người, Yên Vương Chu Đệ bình tĩnh lấy khăn tay ra, che miệng, ho khan hai tiếng.

"Bệ hạ thứ lỗi, thần không khỏe." Nói xong, liếc nhìn các quan trong triều. Bất cứ ai bị ánh mắt của hắn lia tới, đều cảm thấy như đao kề sát cổ, mặt trắng bệch, trán toát mồ hôi lạnh.

Kiến Văn đế: "..."

Yên Vương không khỏe?

Nếu mấy vị hàng xóm bên kia thảo nguyên bị hắn đánh đến mức khóc lóc thảm thiết, hận không thể tìm một cái lỗ chui vào, nghe được lời này sẽ có cảm tưởng ra sao đây?

Kiến Văn đế không nói gì, phần lớn quan viên trong triều cũng im thin thít, Tề Thái, Hoàng Tử Trừng dứt khoát giả câm, giả điếc.

Điện Phụng Thiên chìm trong sự trầm mặc kéo dài...

Các Hiệu Uý cầm nghi trượng ngoài điện rất tò mò, ngày thường, mỗi lần lên triều đều ồn ào, náo nhiệt như chợ xổm, hôm nay sao lại yên tĩnh đến vậy?

Có người bĩu môi, ngươi náo nhiệt nổi sao? Yên Vương đến rồi!

À, Yên Vương đến rồi.

Các Hiệu Uý nhìn nhau, trao đổi ánh mắt, gật gù, tiếp tục đóng vai cột trụ, nghiêm túc làm phông nền.

Lần triệu kiến phiên Vương vào tháng ba năm Kiến Văn thứ nhất, chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách.

Phiên Vương kiêu ngạo, Hoàng đế bất lực, quan viên triều đình giả dạng làm chim cút, ắt hẳn sẽ để lại một nét rất đậm trong sử sách đời sau.

Yên Vương bình thản tiến cung, bình thản xuất cung.

Một lần nữa, Kiến Văn đế đã tự mình trải nghiệm sự bá đạo của vị Hoàng thúc này, người ta có thực lực, dám kiêu ngạo, dù biết triều đình đề phòng, nhưng hắn vẫn làm theo ý mình.

Tục ngữ hay nói thế nào? Kẻ ngang ngược sợ kẻ liều lĩnh, kẻ liều lĩnh sợ tên liều mạng.

Vị Hoàng thúc này của Kiến Văn đế, tuyệt đối không liều lĩnh, nhưng độ ngang ngược thì khó ai so lại. Kẻ liều mạng gặp hắn cũng phải tránh đường.

Ánh mắt lướt qua đám quan lại vẫn đang giả dạng chim cút, Kiến Văn đế đột nhiên cảm thấy chán nản.

"Bãi triều đi."

Để lại câu nói mơ hồ, vị Hoàng đế trẻ tuổi đứng dậy, rời khỏi ngai vị.

Buổi chầu này như một tín hiệu, khắc thật sâu vào lòng Kiến Văn đế và các đại thần trong triều.

Nhưng trong đám bầy tôi rụt rè, cũng không thiếu kẻ gan dạ.

Hôm sau, Giám Sát Ngự Sử Tằng Phượng Thiều đã dâng sớ cáo buộc Yên Vương, nói thẳng Yên Vương đại bất kính.

Phản ứng của Kiến Văn đế nằm ngoài dự đoán của quần thần, những tưởng ngài sẽ nổi giận, dù không bàn đến việc trực tiếp đối phó với Yên Vương, ít nhất cũng sẽ bắt giữ người. Không ngờ Kiến Văn đế lại buông một câu xanh rờn: "Yên Vương là thân thích của Trẫm, không nên truy cứu."

Tằng Phượng Thiều há hốc mồm, phun ra một ngụm máu già, suýt nữa ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Giám Sát Ngự Sử ngã xuống, Hộ Bộ Thị Lang cầm gậy tiếp sức đứng lên. So với Ngự Sử quen gào thét khẩu hiệu, Hộ Bộ Thị Lang Trác Kính thuộc tuýp người thực dụng, tâm tư kín đáo, đoán được Hoàng đế sẽ không trực tiếp bắt giữ Yên Vương, nên nhớ Thế tử và tiểu nhi tử của Yên Vương vẫn đang ở Bắc Bình, phần lớn thế lực của hắn vẫn chưa bị suy yếu. Để dung hòa, Trác Kính đề xuất cho Kiến Văn đế đề nghị không tồi, chúng ta không bắt người, nhưng chúng ta đổi đất phong, Yên Vương vốn ở Nam Kinh, chúng ta đổi vài nét bút, để hắn đi Nam Xương là được.

Tấu sớ Trác Kính dâng lên viết rất rõ ràng: "Yên Vương trí tuệ hơn người, rất giống tiên Đế. Bắc Bình lại là vùng đất hùng mạnh. Từ thời nhà Tống đến thời nhà Kim, nhà Kim ngã xuống lại đến triều Nguyên, đều hưng thịnh ở Bắc Bình. Sau khi Yên Vương nhậm chức phiên Vương, cắm rễ lâu ngày tại Bắc Bình, căn cơ của hắn đều ở đó. Di dời Yên Vương đến Nam Xương, coi như dùng cách ôn hoà nhất, chặt đứt cánh lớn của Yên Vương, diệt trừ hậu hoạ từ tận gốc rễ."

Lời của Trác Kính, tiền quân Tả Đoạn Sự Cao Nguy của phủ Đô Đốc đã từng đề cập, nay Trác Kính nhắc lại, xem như là cách tốt nhất để giữ vững hòa khí các bên.

So với việc Kiến Văn đế cử quan lại triều đình tiếp quản quân chính Bắc Bình, phái Phỏng Vấn Sứ tìm kiếm điểm yếu của Yên Vương, thì đáng tin cậy hơn nhiều.

Tiếc thay, Kiến Văn đế cứ như bị thiên thạch nện vào đầu, nói mãi không thông.

Nhận tấu sớ của Trác Kính, ngài đặt sang một bên, nói lời giống hệt vừa nãy: "Yên Vương là thúc thúc của Trẫm, là thân thích của Trẫm. Trẫm không thể làm như vậy."

Thấy Hoàng đế vẫn cắn chặt lý do vớ vẩn kia, Trác Kính tức giận, bây giờ ngài mới nhớ ra Yên Vương là thân thúc thúc? Vậy Chu Vương và Đại Vương là gì? Được tiên Hoàng nhặt từ bãi rác sao?

Trong cơn nóng đầu, Hộ Bộ Thị Lang vạ miệng: "Tùy Văn, Dương Quảng* không phải phụ tử sao!"

*Tuỳ Văn, Dương Quảng: Hai Hoàng đế thời nhà Tuỳ, cả hai là phụ tử, mối quan hệ phức tạp, sau này Dương Quảng bị nghi ngờ ám sát vua để kế thừa ngôi vị.

Kiến Văn đế im lặng hồi lâu, khi Trác Kính vẫn còn ôm hy vọng Hoàng đế trẻ tuổi sẽ quay đầu là bờ, thì ngài lại thở dài một tiếng: "Khanh nghỉ ngơi đi."

Nói cho dễ hiểu chính là: Thôi, câm mồm cho bố nhờ!

Không còn gì nghi ngờ nữa, đầu Kiến Văn đế chắc chắn đã bị đá nện!

Tiếp nối Giám Sát Ngự Sử Tằng Phượng Thiều, Hộ Bộ Thị Lang Trác Kính cũng hộc máu.

Yên Vương phủ, Kinh Thành.

Yên Vương vốn phải nằm liệt giường lại đang ngồi chễm chệ ngay chính đường, hai hoạn quan mặc áo bào xanh đứng đợi dưới sảnh.

"Nô tài bái kiến Yên Vương!"

Kiến Văn đế có thể quang minh chính đại bố trí gián điệp bên cạnh Chu Đệ, nhưng Chu Đệ không thể làm như vậy. Song, hắn vẫn có cách khác, hắn mua chuộc, lợi dụng hoạn quan bên cạnh Hoàng đế.

Hoạn quan thân cận với Hồng Vũ đế, cũng giống như ngoại thần, cuộc sống rất áp lực, ngày nào cũng sợ bay đầu.

Kiến Văn đế lên ngôi, hoạn quan không cần lo lắng tính mạng nữa, nhưng cuộc sống vẫn không dễ dàng.

Lúc này, sự xuất hiện của Yên Vương giống như một cơn mưa rào tưới mát.

Vài câu hỏi thăm, vài lần quà cáp, hoạn quan trong cung cảm kích không thôi, danh tiếng nhân từ của Yên Vương cũng được lan truyền rộng rãi.

Kiến Văn đế cũng sử dụng thủ đoạn tương tự, nhờ vào mị lực trời sinh, nhân cách cao thượng, cảm hoá Trưởng Sử Cát Thành của Yên Vương phủ, biến lão ta thành quân cờ nằm vùng bên cạnh Chu Đệ.

Đáng tiếc, chất nhi ngoan vẫn kém hơn Hoàng thúc một bậc, Kiến Văn đế chỉ nhắm vào một mục tiêu, đi con đường tinh nhuệ, Chu Đệ thì trải lưới rộng, thu mẻ cá lớn.

Hai hoạn quan đến mật báo đều tự nguyện làm tai mắt cho Yên Vương, trong đó có một người họ Vương tên Cảnh Hoằng, sau này sẽ là nhà hàng hải nổi tiếng ngang hàng với Trịnh Hòa. Hạm đội Đại Minh bảy lần vượt biển, Vương Cảnh Hoằng tham gia năm lần, thậm chí còn cùng Trịnh Hòa làm Chính Sứ, ngao du khắp các nước.

Nhưng lúc này, y chỉ là một Giám thừa trong Lễ Giám Ty, chức vụ có vẻ cao, nhưng cuộc sống còn khổ hơn Tam Bảo hầu hạ bên cạnh Yên Vương.

Tốc độ truyền tin của hoạn quan trong cung nhanh hơn cả Lục Bộ triều đình.

Kiến Văn đế ngày đêm lo lắng Yên Vương tạo phản, nhưng hoạn quan hầu hạ cạnh ngài lại mong ngày đó đến sớm hơn.

Nếu có cơ hội nói thẳng với Yên Vương, phần lớn hoạn quan sẽ giơ nắm tay hô to: "Vương gia, ngài hãy nhanh chóng tạo phản đi, một người tạo phản, trăm người được nhờ!"

Hoà thượng Đạo Diễn với đám hoạn quan đó, không hẹn mà đều có chung tư tưởng làm việc lớn.

Việc chuyển giao thông tin cho Yên Vương phủ, vốn không phải nhiệm vụ của Vương Cảnh Hoằng, nhưng cơ hội xuất hiện trước mặt Yên Vương rất hiếm, sao y có thể để vuột khỏi tay được?

"Tương Vương sao?"

Nghe tin Vương Cảnh Hoằng mang đến, Chu Đệ trầm ngâm một lúc, không khỏi lắc đầu. Hai mươi sáu nhi tử của Hồng Vũ đế phần lớn đều giỏi võ, hiếu học như Thái Tử Chu Tiêu chỉ là thiểu số, mà Tương Vương Chu Bách chính là kẻ nằm trong thiểu số đó...

Yên Vương trấn thủ Bắc Bình, đất phong của Tương Vương ở Kinh Châu, một Nam một Bắc, cơ hội gặp mặt không nhiều, điều duy nhất Chu Đệ ấn tượng là Chu Bách rất giỏi văn thơ, thích đọc sách. Khi cùng Sở Vương xuất quân thảo phạt Man tộc Cổ Châu, tên đó cũng mang theo vài xe sách.

Nói Tương Vương tạo phản, đừng trách Yên Vương không tin, e là Kiến Văn đế cũng sẽ ngại đến đỏ mặt!

Nhưng tự in tiền giấy riêng... Ngón tay chai sạn gõ từng nhịp xuống mặt bàn, nói thừa, phiên Vương nào mà chưa từng làm thế? Triều đình còn in nhiều hơn kìa. Ấn tượng sâu sắc nhất của Yên Vương là lần hắn viễn chinh sa mạc trở về, phụ Hoàng rất vui mừng, lập tức ban cho hắn cả rương tiền giấy kếch xù. Yên Vương cầm trên tay còn ngửi được mùi mực mới in. Yên Vương dám lấy đầu Hoàng đế Bắc Nguyên ra đánh cược, cái đống tiền giấy đó là do lão phụ thân ra lệnh cấp dưới gấp rút in tạm!

Bây giờ, Kiến Văn đế định dùng tội tự in tiền giấy để úp sọt Tương Vương, nghe có hợp lý không cơ chứ?

Yên Vương cười lạnh một tiếng, so với Chu Đệ và Đại Vương, tính cách Tương Vương còn cương liệt, chính trực hơn, lần này Hoàng đế sẽ gặp phiền phức lớn đấy.

"Các ngươi cứ về trước, có tin tức gì cứ báo ngay."

Khích lệ vài câu, Chu Đệ bảo hai người về cung. Ngoài dăm ba lời nói suông, Yên Vương vẫn không quên gửi kèm ít quà cáp.

Vương Cảnh Hoằng vô cùng phấn khích, đi đường cũng có chút lâng lâng.

So với Vương Tam Bảo, cũng chính là Trịnh Hoà sau này, Vương Giám thừa bây giờ thực sự có hơi non nớt.

Tin tức Yên Vương ở Kinh Thành làm gì, mỗi ngày đều có chiến mã đưa về Bắc Bình.

Vương Phi và Thế tử ngày ngày ngóng tin, đồng thời còn phải đề phòng người Hoàng đế phái đến, không dám lơ là.

Đặc biệt là Thế tử Yên Vương, ngày thường không lộ tài năng, nhưng lúc này lại phát huy năng lực chính trị xuất chúng.

Vài câu đã đuổi được người do Bố Chính Sứ Trương Bỉnh phái đến dò la tin tức, còn không quên cử người theo dõi Đô Chỉ Huy Sứ Ty và Ấn Sát Sứ Ty, một khi có động tĩnh gì, Chu Cao Sí sẽ nắm được ngay.

Bạo Chiêu đã đến Bắc Bình, lập tức liên lạc với Trương Bỉnh, Tạ Quý, đồng thời gặp Thiêm Sự Thang Tông của Ấn Sát Sứ Ty. Chưa đầy ba ngày, Thang Tông đã tố cáo Ấn Sát Sứ Trần Anh nhận hối lộ, người hối lộ không ai khác, chính là hạ nhân của Yên Vương phủ.

Tấu chương chưa được gửi đến triều đình, Chu Cao Sí đã nhanh hơn một bước, báo tin cho phụ vương.

Chiến mã rời khỏi Vương phủ, Chu Cao Sí khoanh tay trước ngực, vẻ mặt trầm tư.

Gió phương Bắc vẫn rất lạnh, e lại sắp có tuyết rơi.

Thực ra Chu Cao Sí rất muốn học theo phụ vương, chắp tay sau lưng, dáng vẻ đó oai phong lẫm liệt biết mấy. Nhưng khổ nỗi, điều kiện thân hình không cho phép, nên đành thôi.

Bắc Bình và Nam Kinh không yên ổn, biên ải cũng chật vật không kém.

Đô Đốc Thiêm Sự Trần Hanh đến Khai Bình Vệ, Vệ Chỉ Huy Sứ Từ Trung đang "bận rộn" ở đồn vệ nhanh chóng quay về, đi bao nhiêu người, về vẫn bấy nhiêu mạng. Đô Đốc Tống Trung hỏi thăm, vẫn chỉ có một câu, nơi biên ải, các Vệ Sở đều thức trắng đêm đợi trời sáng, bây giờ là thời khắc phòng bị Bắc Nguyên đánh lén, sao có thể dễ dàng điều binh được?

Tống Trung tức giận trợn mắt, nhưng có Trần Hanh ở đây, vòng vo vài ba câu với hắn ta, Từ Chỉ Huy không cần lo lắng cấp bậc chênh lệch quá nhiều, một câu không đúng, Từ Chỉ Huy cũng không sợ bị giáng quân côn.

Đừng thấy Tống Trung là Đô Đốc, Trần Hanh chỉ là Đô Đốc Thiêm Sự mà nghĩ Trần Hanh lép vế, nói về thâm niên quân ngũ, Tống Trung kém Trần Hanh nhiều lắm.

Quan trường chú trọng thâm niên, trong quân cũng vậy. Chỉ cần Trần Hanh không chửi thẳng mặt, hỏi thăm mười mấy đời tổ tông Tống Trung, thì hắn ta cũng không làm gì được Trần Hanh.

Trần Hanh vừa đến, mọi người trong Vệ Sở đều cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều.

Mạnh Thanh Hoà và các huynh đệ đi thủ thành, tâm tình cũng rất vui sướng, thỉnh thoảng, còn học theo các biên quân khác gào to hai câu.

Phương Bắc tuyết lớn, biên quân ai nấy đều cương trực, hào sảng, dù bị cấp trên nghe thấy, cũng chỉ cười nhạo cho qua, không ai truy cứu.

Vệ Quân từ phương nam đến thấy kỳ lạ, nhưng biên quân xuất thân Yến Sơn Vệ lại ầm ầm vỗ tay khen ngợi.

"Mạnh Bách Hộ, hảo hán!"

Từ lúc Mạnh Thanh Hòa, Cao Phúc, Chu Vinh và những người khác cùng chịu quân côn, còn đứng trước bao người, hung hăng chặn họng Dư Thiến, các tráng hán lực lưỡng vùng biên ải đã bắt đầu có cái nhìn khác về tay Bách Hộ gầy còm kia. Không ai chế giễu thân hình nhỏ bé của hắn nữa, Chu Vinh và những người khác còn nói, sau này Mạnh Bách Hộ có sai bảo, huynh đệ chúng ta tuyệt đối không nói hai lời.

Mắt Mạnh Thanh Hòa đỏ hoe, để bày tỏ sự hào sảng trong lòng, hắn vỗ mạnh vào tường gạch, hắng giọng gào lên: "Hán tử cưỡi ngựa, uy vũ hùng tráng!"

Trong gió Bắc, một đội kỵ binh từ trong thành phi ra, đồng thời, một đội kỵ binh khác từ hướng Toàn Ninh Vệ chạy đến, hai bên chạm mặt, người dẫn đầu là Thẩm Tuyên và Dương Đạc cùng giật cương ngựa, chiến mã nâng cao vó trước, trong màn tuyết trắng xóa, võ quan áo xanh trên lưng ngựa ôm quyền, chưa kịp lên tiếng, từ hướng Khai Bình Vệ đột nhiên truyền đến một tiếng sói tru xé ruột xé gan.

Dương Đạc: "..."

Thẩm Tuyên: "..."

Không khí trầm hẳn xuống, mọi người trong đội kỵ binh cùng nhìn về phía tường thành.

Biên quân trên tường thành đang được Mạnh Bách Hộ nâng cao sĩ khí, cùng đồng thanh gào lên vài tiếng, đột nhiên phát hiện kỵ binh ngoài thành đang hướng về phía này, vội dụi mắt: "Bách Hộ, là Thẩm Thiên Hộ!"

Giọng Mạnh Thanh Hòa chợt khàn đi, lén lút thò đầu, nhìn ra ngoài, cẩn thận hỏi: "Đinh Tiểu Kỳ, khoảng cách xa như vậy, Thiên Hộ không nhìn thấy chúng ta chứ?"

Cựu Lang trung đại nhân im lặng một lúc lâu: "Thường thì như vậy."

Mạnh Bách Hộ thở phào nhẹ nhõm.

Cựu Lang trung đại nhân lại bổ sung một câu: "Nhưng Thẩm Thiên Hộ ấy à, khó nói lắm."

Mạnh Bách Hộ: "..."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro