chương 7. [ hoa phiêu tiềm thuỷ ]
Tuy Xuân Nam chỉ là một huyện giáp kinh thành, nhưng đoạn đường đến phủ Quan Chi Huyện lại không hề ngắn. Cuốc bộ đến đó chẳng khác nào tự hành xác, đi xe ngựa vẫn là lựa chọn duy nhất khả thi. Nhã Trúc không buồn hỏi ý kiến, liền sai người chuẩn bị một chiếc xe ngựa để chúng tôi lên đường ngay lập tức.
Sau màn chào hỏi qua loa, tôi và cô gái kia lặng lẽ leo lên xe. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy một chiếc xe ngựa thực sự, lòng không khỏi tò mò. Chiếc xe, tuy không phải loại sang trọng, nhưng cũng khá chỉn chu. Khung gỗ chắc chắn, khoang ngồi lót đệm đơn giản nhưng sạch sẽ, hai bánh xe lớn cùng phần móc nối với con ngựa lông đen bóng mượt. Vậy cũng tạm được, không đến nỗi nào.
Ngồi phía trước điều khiển xe là một thiếu niên trông chừng mười ba, mười bốn tuổi. Vẻ mặt non nớt ấy khiến tôi không khỏi nghi ngờ: Một thằng nhóc như thế mà cũng làm phu xe được sao? Biết đường đến Xuân Nam hay không còn chưa rõ, lỡ lạc thì biết trách ai đây?
Xe bắt đầu lăn bánh, nhịp lắc lư đều đều của bánh xe và tiếng vó ngựa gõ trên đường như một khúc nhạc ru ngủ. Cô gái ngồi cạnh đã gục đầu ngủ từ lúc nào, để lại mình tôi ngồi thẫn thờ với tâm trạng bồn chồn không yên.
Không chịu nổi nữa, tôi liền vén rèm trèo ra phía trước, ngồi xuống bên cạnh cậu phu xe. Cậu bé đang chăm chú điều khiển ngựa, thấy tôi bỗng nhiên xuất hiện thì quay sang nhìn, vẻ mặt ngạc nhiên:
"Tỉ ra đây làm gì?"
Tôi nghiêm mặt, không giấu được vẻ e dè: "Đệ... thật sự biết đường đến Xuân Nam chứ?"
Thằng bé ngay lập tức trợn mắt, giọng đầy phản kháng:
"Tỉ khinh thường trẻ con thế à? Ta làm nghề này lâu rồi đấy!"
"Đệ lớn hơn ai mà nói năng vô lễ như vậy?!" – Tôi lườm nó, cố giữ vẻ nghiêm túc.
"Vậy tỉ bao nhiêu tuổi rồi?"
Tôi bị hỏi bất ngờ, ấp úng đáp:
"Ta á? Ta... hai mươi... à không, mười tám!"
"Mười tám á? Ta tưởng tám mươi không bằng!" - Thằng bé bật cười khẩy, giọng đầy mỉa mai.
Câu nói của nó khiến tôi nghẹn họng. Không muốn chịu thua, tôi cười nhăn nhở, cố trêu ngược lại:
"Ừ, cụ tám mươi đây! Thông minh ghê, cháu còn nhận ra cơ đấy. Lại đây cụ ôm cháu nào!"
Vừa nói tôi vừa dang rộng tay, định trêu nó một chút. Ai ngờ thằng nhóc không chịu vừa, liền huých mạnh vào bụng tôi một cú đau điếng.
"Á!" – Tôi nghiến răng chịu đau, liền huých lại vào tay nó một cái.
Thằng bé quay sang lườm, vẻ mặt đầy khiêu khích:
"Lão bà bà! Tỉ còn nghịch nữa là ta quật ngã cả xe, lúc đó đừng trách!"
Nghe thằng bé nói, tôi liền ngoan ngoãn ngồi thẳng lại, không dám manh động. Nghĩ đến cảnh chiếc xe ngựa này đổ nghiêng, đè bẹp tấm thân ngọc ngà, tôi bất giác rùng mình. Thế nhưng, vừa thấy tôi sợ sệt, thằng nhóc lại cười khúc khích, vẻ khoái chí hiện rõ:
"Chỉ nói đùa mà cũng tin! Đúng là cụ già nên lú lẫn rồi!"
"Nhóc con, dám trêu ta à!" – Tôi nghiến răng, định nhào tới.
Nào ngờ, xe ngựa lăn qua một hòn đá lớn, làm tôi loạng choạng, suýt ngã khỏi xe. Nếu không kịp bám lấy mép xe, chắc giờ tôi đã hôn đất rồi. Nhục nhã dâng đầy, tôi ngồi lại ngay ngắn, tay bám chặt vào trụ xe, ánh mắt lườm sắc như dao về phía thằng bé.
"Đệ cố tình, phải không?"
"Tỉ tự chuốc lấy thì có." – Thằng nhóc cười ngoác miệng, vẻ mặt đầy thỏa mãn.
Không thể làm gì được, tôi đành hậm hực quay mặt đi, cố lờ đi kẻ đáng ghét ấy. Cảnh vật hai bên đường dần thay đổi, xe ngựa đã ra khỏi chốn thành thị ồn ào. Trước mắt tôi là cánh đồng lúa xanh mướt trải dài tít tắp, như một tấm thảm khổng lồ dẫn tới đường chân trời. Ánh nắng sớm mùa đông dịu dàng rọi xuống, len qua những lọn tóc buông hờ, mang theo cảm giác ấm áp lạ kỳ.
Đây hẳn sẽ là một khoảnh khắc thật đẹp và thơ mộng... nếu chiếc bụng nhỏ xinh của tôi không bất ngờ réo vang như tiếng trống trận.
Tiếng cười giễu cợt lại vang lên từ bên cạnh. Tôi quay phắt sang, thấy thằng nhóc đang cười đến đỏ cả mặt, dường như tận hưởng niềm vui trên nỗi khổ của tôi. Mặt tôi nóng bừng, cảm giác xấu hổ tầng tầng lớp lớp dâng lên. Thật muốn nhảy khỏi xe mà tránh xa con người đáng ghét này ngay lập tức! Nhưng tiếc thay, tôi không đủ can đảm làm điều đó.
Đột nhiên, thằng bé ném về phía tôi một túi vải nhỏ. Tôi bắt lấy, cảm nhận hơi ấm lan tỏa qua lớp vải. Tò mò, tôi mở túi ra, bên trong là năm chiếc bánh bao trắng mịn, vẫn đang bốc khói thơm lừng. Dạ dày tôi lập tức cồn cào dữ dội, ánh mắt đầy cảm kích nhìn sang thằng bé.
Nhưng chưa kịp nói lời tốt đẹp nào, thằng nhóc đã lạnh lùng chặn họng:
"Hai đồng một cái."
Tôi bĩu môi, nhón lấy một chiếc bánh ấm nóng trong túi: "Không phải là cho à?"
"Không mua thì trả đây!" – Thằng bé toan giật lại, ánh mắt không chút nhân nhượng.
"Ai bảo không mua? Ta mua! Ta mua!" – Tôi vội ôm chặt chiếc túi, giữ khư khư trước ngực. Miếng ăn là miếng nhục, mà tôi... nhục thì nhục, nhưng bánh vẫn phải giữ.
Móc ra vài đồng từ túi áo, tôi đặt vào tay thằng nhóc:
"Mỗi cái hai đồng, năm cái là mười đồng nhé!"
"Tỉ làm thuê thôi mà giàu ghê ha?" – Thằng nhóc nhướng mày, cất tiền vào túi.
"Ta đi ăn cướp đấy." – Tôi cười nhăn nhở, rồi cắn một miếng bánh đầy thỏa mãn.
Thằng bé nhìn tôi trân trối, ánh mắt lộ vẻ ngỡ ngàng như không tin nổi. Không nói gì thêm, nó quay lại điều khiển xe, siết dây cương cho ngựa chạy nhanh hơn.
[...]
Một lát sau, tôi lấy trong túi ra mấy chiếc bánh còn lại, đưa về phía thằng bé:
"Cho đệ này."
"Tỉ đưa làm gì?" – Thằng bé nhíu mày, vẻ ngờ vực.
"Cho đệ."
"Ta không trả lại tiền đâu!"
"Ta có đòi lại đâu?"
"Nhưng mà..." – Thằng bé ngập ngừng, lúng túng nhìn tôi.
"Ta mua rồi, giờ không thích nữa thì cho người khác, thế không được à?" – Tôi đặt túi bánh bên cạnh thằng bé, không để nó kịp từ chối, rồi quay người trèo vào trong xe ngựa.
Ngồi lại trong xe, tôi dựa lưng ra sau, xoa bóp vai gáy. Xe ngựa xóc nảy trên con đường sỏi đá, khiến cái lưng yếu ớt của tôi đau nhức như cụ già tám mươi. Nếu cứ ngồi ngoài kia, chắc toàn bộ xương cốt của tôi sẽ rã rời mất.
Cô gái đồng hành vẫn say giấc, dáng vẻ mệt mỏi không hề thay đổi. Tôi lặng lẽ đưa mắt ra phía trước, qua khe rèm, nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé của thằng bé đánh xe. Trong lòng tôi bất giác dâng lên chút cảm thương. Thời đại này khắc nghiệt biết bao, đến một đứa trẻ chưa qua mười bốn đã phải bươn chải kiếm sống. Nghĩ đến bản thân mình ngày ấy, chỉ quanh quẩn bên sách vở, tôi không khỏi thầm cảm thán. Tuy thằng bé có phần ngang ngạnh, nhưng thật lòng tôi cũng nể phục nó vài phần.
Mải miết trong dòng suy nghĩ, tôi không nhận ra cô gái trước mặt đã tỉnh dậy từ bao giờ. Tiếng vươn vai khe khẽ của nàng khiến tôi giật mình. Quay sang nhìn, tôi bất giác sững người.
Giờ đây, ngồi trước mắt tôi là một tuyệt sắc giai nhân. Mái tóc đen nhánh mượt mà, dáng người mảnh mai như nhành trúc giữa rừng sâu. Gương mặt nàng thanh tú, làn da trắng tựa sương mai, đôi mắt trong veo như có thể hút hồn người đối diện. Nhìn nàng ở khoảng cách này, tôi chỉ có thể thầm nghĩ: hai chữ "mỹ nhân" cũng chẳng đủ để diễn tả vẻ đẹp ấy.
Tôi ngẩn ngơ, không biết phải nói gì, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn như kẻ lạc vào cõi mộng.
Bất giác, tôi giật mình khi thấy một bàn tay mảnh mai đưa qua đưa lại trước mặt. Trước mắt là gương mặt thanh tú của Hiểu Uyên, ánh mắt nàng đầy vẻ tò mò:
"Sao ngươi cứ ngẩn người mãi thế?"
"À... chắc tại chưa ngủ đủ giấc thôi! Cô... ngươi đừng để tâm nhé!" – Tôi cười ngượng, cố gắng giấu đi sự lúng túng của mình.
Đồ Hiểu Uyên khẽ nghiêng đầu, vẻ mặt thoáng ý cười, rồi dịu dàng lên tiếng:
"Ta họ Đồ, tên Hiểu Uyên. Còn ngươi?"
"Lam... À không..." – Tôi chột dạ, đầu óc xoay vần tìm một cái tên mới. Giữa lúc hoảng hốt, một cái tên chợt loé lên trong tâm trí.
"Thiên Hi... là tên ta."
Định bụng tiếp tục bắt chuyện thì tiếng thằng bé đánh xe vang lên từ phía trước:
"Đến nơi rồi!"
Chiếc xe ngựa lắc lư khuất dần vào màn sương sớm, để lại tôi và Đồ Hiểu Uyên đứng trước một tòa phủ đệ nguy nga. Trước mắt là cánh cổng gỗ lớn được chạm khắc tinh xảo, hai bên là những bức tường cao sừng sững.
Vừa định bước đến cánh cửa lớn thì một tên lính canh xuất hiện. Hắn cao lớn, vóc dáng tựa tường đồng vách sắt, chắn ngang lối đi như một ngọn núi.
"Các ngươi là ai? Đến đây có việc gì?" – Giọng hắn trầm đục như tiếng trống, ánh mắt đầy dò xét.
"Bọn ta đến từ cửa hàng Giai Ý, phụng lệnh đo đạc may y phục cho Đại tiểu thư." – Tôi còn chưa kịp mở lời thì Đồ Hiểu Uyên đã nhanh nhẹn đáp lại, giọng nói nhẹ nhàng nhưng rõ ràng.
Tên lính nheo mắt, giọng nói thêm phần nghiêm nghị:
"Có gì chứng minh không?"
Tôi nghẹn họng. Rõ ràng Đồ Hiểu Uyên đã nói rõ ràng thế mà còn đòi chứng minh gì nữa chứ? Nhìn vẻ mặt cau có của hắn, tôi chỉ muốn tung một cú đấm thật mạnh, nhưng lại nghĩ đến hậu quả mà mình có thể gánh chịu, tôi đành nuốt hận vào trong.
Đột nhiên, tôi nhớ ra sáng nay trước khi đi, Nhã Trúc đã đưa cho mình một miếng ngọc bội. Vội vã lục tìm trong túi áo, tôi lấy ra miếng ngọc xanh lục, sáng bóng dưới ánh nắng. Trên bề mặt ngọc là hai chữ "Giai Ý" được chạm khắc tinh xảo.
Tôi tiến lên một bước, giơ miếng ngọc ra trước mặt tên lính.
Sau khi quan sát miếng ngọc trong tay tôi, nét mặt cau có của tên lính dần giãn ra, ánh mắt có chút dè dặt hơn.
"Đại tiểu thư đang ở trong phủ. Hai người theo ta."
Không nói thêm lời nào, hắn xoay người dẫn lối. Tôi và Hiểu Uyên nối gót, bước qua cánh cổng lớn khắc họa tinh xảo. Nếu phải so sánh, nơi đây dẫu không bề thế như phủ tướng quân nhưng vẫn toát lên khí chất uy nghiêm và sự giàu có khó lẫn. Dọc lối đi, những gian nhà nối tiếp nhau, mái ngói xanh rêu hòa cùng mùi hương hoa nhài nhè nhẹ khiến lòng tôi bất giác cảm thấy thanh tịnh.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi dừng lại trước một khuôn viên được trang trí tinh tế, những khóm hoa tươi thắm đua nhau khoe sắc, gió nhè nhẹ đưa hương thoảng qua khiến khung cảnh như tranh vẽ. Nhưng sự tĩnh lặng đó nhanh chóng bị phá vỡ bởi tiếng khóc nức nở, âm thanh lanh lảnh của một đứa trẻ vang vọng khắp không gian.
Tiến lại gần, tôi nhìn thấy một cô bé tầm năm, sáu tuổi đang ngồi giữa sân, khuôn mặt đỏ bừng, nước mắt giàn giụa. Bao quanh nàng là mấy gia nhân, ai nấy bận rộn tìm cách dỗ dành. Người thì lăn lộn dưới đất làm trò, kẻ khác lại giả tiếng kêu của các loài thú, thậm chí còn có người vừa đứng lên ngồi xuống, tay vỗ đùi như... nhái. Cảnh tượng lố bịch ấy khiến tôi không khỏi bật cười. Nhưng chưa kịp để tiếng cười phát ra, tôi đã nghe một câu khiến bản thân chết lặng.
"Đại tiểu thư! Xin người đừng khóc nữa!"
Tôi sững người. Đây chính là vị "khách quý" mà tôi phải phục vụ sao? Từ sáng đến giờ, dường như tôi luôn gặp chuyện tréo ngoe. Người đánh xe thì là một thằng nhóc con, còn vị "đại tiểu thư" đáng kính đây lại là một bé gái khóc lóc không ngừng. Có phải tôi đã phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng nào trong kiếp trước để kiếp này bị trừng phạt thế này không?
Tôi quay sang nhìn Đồ Hiểu Uyên. Ánh mắt nàng cũng ngỡ ngàng chẳng kém gì tôi. Cả hai cứ thế trố mắt nhìn nhau, một hồi lâu vẫn chưa định thần lại được.
Cảm thấy cứ đứng như tượng thế này cũng chẳng giải quyết được gì, tôi mạnh dạn bước tới, khẽ kéo tay một người gia nhân đang quay cuồng trong màn trình diễn.
"Chuyện gì đang xảy ra thế này?" – Tôi hỏi, giọng không giấu được sự khó hiểu.
Người gia nhân thở dài, vẻ mặt bất lực:
"Con mèo cưng của tiểu thư đã biến mất từ sáng nay. Tìm mãi khắp nơi trong phủ mà chẳng thấy tung tích đâu cả."
"Chỉ là một con mèo thôi mà?"
Tôi nhướn mày, cố nén tiếng cười: "Chẳng phải chỉ cần huy động người tìm quanh phủ là được sao? Cớ gì phải làm lớn chuyện như thế này?"
Đồ Hiểu Uyên bước lên, giọng nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm nghị:
"Chẳng lẽ trong phủ to lớn thế này lại không tìm nổi một con mèo? Có cần thiết khiến tiểu thư khóc đến mức này không?"
"Nếu dễ dàng như thế, chúng tôi nào phải quẩn quanh ở đây suốt cả buổi?" – Người gia nhân thở dài, ánh mắt lộ rõ vẻ mỏi mệt.
Nghe vậy, tôi chỉ biết vỗ vai hắn một cái như muốn chia sẻ nỗi lòng. Trẻ con, lúc chúng cười thì đáng yêu hết mực, nhưng khi khóc thì quả thực chẳng ai dám khen lấy một lời.
Tôi đưa mắt nhìn tiểu thư nhỏ đang ngồi giữa sân. Đó là một cô bé tầm năm, sáu tuổi, vóc dáng mũm mĩm, làn da trắng như sữa, đôi má phúng phính đỏ hây, trông chẳng khác nào một tiểu búp bê được chạm trổ kỳ công. Bộ y phục màu hồng phấn với hoa văn cánh én thêu tay tỉ mỉ càng làm nổi bật dáng vẻ ngây thơ mà kiêu kỳ của nàng. Dẫu vậy, đôi mắt long lanh ngập nước và tiếng khóc nức nở không ngừng lại khiến vẻ xinh đẹp ấy thêm phần... đáng sợ.
Hít một hơi thật sâu, tôi khom người, ngồi xuống ngang tầm mắt với nàng.
"Tiểu thư, khóc mãi thế này, lỡ đâu Mỹ Mỹ trở về lại sợ mà bỏ chạy thì sao?"
Nghe đến đây, cô bé ngừng khóc trong giây lát, đôi mắt to tròn long lanh nhìn tôi. Nhưng ngay lập tức, nàng bật khóc to hơn, giọng lảnh lót vang cả khuôn viên: "Không phải mèo con! Đó là Mỹ Mỹ! Mỹ Mỹ đáng yêu của ta!"
Tôi hoảng hốt, vội vàng xua tay, cố gắng dỗ dành. Nhưng vừa mở lời, tôi đã cảm nhận được ánh mắt sắc bén của những gia nhân xung quanh như muốn xuyên thủng tôi. Một cơn lạnh sống lưng chạy dọc qua người, tôi không khỏi rùng mình.
"Tiểu thư à, Mỹ Mỹ cũng không muốn thấy tiểu thư khóc đâu. Nếu tiểu thư cứ khóc, Mỹ Mỹ sẽ giận mà không về nữa đấy!"
Câu nói của tôi dường như có chút tác dụng. Tiếng khóc dần lắng lại, thay vào đó là những tiếng thút thít ngắt quãng. Cô bé ngước lên nhìn tôi, đôi mắt ướt đẫm ánh lên tia hy vọng: "Thật... thật sao? Mỹ Mỹ sẽ giận nếu ta khóc sao?"
"Đúng vậy!"
Tôi gật đầu chắc nịch, mừng thầm vì cuối cùng cũng thấy tia sáng le lói ở cuối con đường.
Nhưng tôi đâu ngờ, tiểu thư nhỏ bỗng ngừng thút thít, giọng nói ngây thơ lại khiến tôi lạnh sống lưng: "Vậy, ngươi là bạn của Mỹ Mỹ hả? Ngươi biết Mỹ Mỹ ở đâu không?"
Tôi cười gượng, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh:
"Không chỉ là bạn đâu, mà còn là bạn rất thân nữa. Mỹ Mỹ bảo với ta rằng hôm nay nàng có việc rất quan trọng, đang chuẩn bị một món quà đặc biệt dành cho tiểu thư. Mỹ Mỹ dặn tiểu thư ở nhà phải đo may y phục thật đẹp, chiều tối Mỹ Mỹ sẽ trở về."
Cô bé nghe vậy thì ánh mắt sáng lên, nước mắt ngừng rơi. Nhưng thay vì vui mừng, nàng lập tức nắm chặt lấy tà áo tôi, giọng nói nhỏ nhưng lại mang uy lực đầy đáng sợ.
"Ngươi nói đấy nhé! Nếu chiều nay Mỹ Mỹ không trở về, ta sẽ biết ngay ngươi nói dối. Mà ngươi biết đấy, kẻ nói dối là trẻ hư. Trẻ hư thì... phải bị phạt!"
Tôi cứng người, nụ cười méo mó dần xuất hiện trên khuôn mặt. Bên trong lòng, nước mắt tôi đã tuôn như thác.
"Lần này thì đi đời rồi, Lam Châu ạ." - Từ đâu, Hiểu Uyên đã đứng ngay bên cạnh, tay nàng khẽ gõ vào đầu tôi, giọng cười cợt.
Không sai. Lần này Lam Châu ta thực sự đi đời rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro