CHÚT TÂM CHO ĐỜI - XUÂN PHONG - Bài dự thi viết "Doanh nhân - Nghiệp & Đời"
Kính gửi: Công ty Cổ phần Truyền thông Báo Văn nghệ, 17 – Trần Quốc Toản, Hà Nội
Bài tham gia Cuộc thi viết chân dung “Doanh nhân – Nghiệp và Đời”
Xin gửi theo địa chỉ Email: [email protected]
Chút tâm cho đời
Ghi chép của Xuân Phong
Ở cơ quan, chị là “người mẹ” của những công nhân. Về nhà, chị là người mẹ - một mình tảo tần chăm sóc nuôi dạy các con. Ấy là cuộc sống diễn ra thường nhật, suốt bao năm qua đối với nữ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai (Hà Nội) - Lê Minh Hiền…
Là một doanh nghiệp tuy không lớn, nhưng Trung tâm Vì Ngày mai có đội ngũ cán bộ, nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo nghề và kết nối sản phẩm, tạo việc làm cho người khuyết tật sau đào tạo; mạng lưới các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các nhóm người khuyết tật trải trên một số địa bàn Thủ đô.
Số phận đầy nghiệt ngã
Có được thành quả như ngày hôm nay, chị Lê Minh Hiền đã phải vượt qua bao gian nan, khổ nhọc. Quê gốc Bình Lục (Hà Nam), từ nhỏ, chị Lê Minh Hiền đã có tiếng học giỏi. Do kết quả học tập xuất sắc, năm 1971, chị Minh Hiền được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức (nay là Cộng hòa Liên bang Đức) du học.
Đúng ngày phát tư trang chuẩn bị lên đường thì người bố lại xin cho chị ở lại vì “không muốn cô con gái duy nhất phải xa nhà thời chiến tranh ác liệt”. Chị được tuyển thẳng vào Trường Đại học Thương mại.
Tương lai trước mắt với bao dự định ấp ủ sắp trở thành hiện thực thì một tai họa đổ ập xuống đầu chị: Trong lần đạp xe sang Gia Lâm (Hà Nội) xin nhận xét của giám đốc xí nghiệp (nơi chị thực tập) để hoàn thành luận văn tốt nghiệp, Minh Hiền đã bị tai nạn ô tô. Tay trái và chân phải, cột sống chấn thương nặng khiến chị thấy mọi thứ như sụp đổ...
Sau nhiều ngày hôn mê, khi tỉnh dậy, điều đầu tiên chị nghĩ tới đó là phải thi tốt nghiệp, mặc dù bác sỹ thông báo chị bị mất vĩnh viễn 81% sức khỏe. “Cứ thi xong 1 môn mình lại được cáng về trạm xá của trường để điều trị. Cuối cùng, mình đã đỗ kỳ thi năm ấy và nhận được quyết định về công tác tại Sở Quản lý ăn uống công cộng & dịch vụ Hà Nội”, chị Hiền nhớ lại.
Nhận được một công việc khá ổn định, nhưng sức khỏe không cho phép chị đi làm. Thêm 2 năm điều trị tại Viện Quân y 103, trải qua 8 lần phẫu thuật chị mới có thể đi lại được, mặc dù rất khó khăn…
Năm 1979, chị Hiền lập gia đình và lần lượt sinh 2con: một gái, một trai xinh xắn, khỏe mạnh. Những mong, cuộc sống gia đình đầm ấm từ đây thì nỗi bất hạnh lại giáng tiếp xuống đầu chị, tưởng chừng không gượng dậy nổi: người chồng qua đời! Gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ tật nguyền...
Duyên mà không phải… duyên
Năm 1995, sau 20 năm công tác, chị Lê Minh Hiền được nghỉ theo chế độ. Chị gặp vô vàn khó khăn, thử thách: sức khỏe yếu, đồng lương mất sức không đủ nuôi ba mẹ con; phải làm không biết bao nhiêu nghề...
Trong nhiều thời điểm gặp vô vàn khó khăn, thử thách, tưởng chừng không thể vượt qua khỏi, những bước ngoặt gây sốc cuộc đời…, rơi vào hoàn cảnh như chị - có lẽ không ít người nhắm mắt buông xuôi, sẽ gục ngã không thể gượng dậy nổi!
Vậy mà, ở Lê Minh Hiền, chị đã “gồng mình” bứt phá, nuôi dạy các con lớn khôn; cưu mang những cảnh đời éo le, tật nguyền bằng tất cả tấm lòng, sự tận tâm, tận tình và đức độ giữa dòng đời xuôi ngược.
Và câu chuyện bắt đầu từ một lần duyên ngộ…
Cạnh nhà chị Hiền, có một em bị khiếm thính, không được đi học, nhưng rất thông minh, hàng ngày sang nhà chị chơi, làm giúp (chị Hiền tự làm tại nhà một số đồ thủ công mĩ nghệ). Bản thân là một người khuyết tật, chị được gần gũi, tiếp xúc với người khuyết tật từ lần đó. Năm 1998, có thêm 4 em khuyết tật đến nhà chị, ban đầu là giúp làm việc cho vui; sau có thu nhập thì cùng nhau hưởng.
Biết chị Hiền là người có biệt tài “đôi tay vàng nữ công gia chánh”, thạo nhiều nghề, anh Minh Hải (hiện là Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Linh Quang), lúc đó đang tiến hành thành lập một cơ sở nhân đạo, đã mời chị cộng tác. Tham gia được 1 năm, song vì sức khỏe yếu, còn phải chăm lo cho hai con ăn học nên chị đã xin nghỉ; các mối hàng, công cụ sản xuất để lại cho các cháu của cơ sở anh Hải.
Nhưng rồi, một định mệnh đã kéo chị Minh Hiền trở lại việc này. Ấy là, sau khi chị nghỉ, các cháu thiếu người hướng dẫn, sản phẩm làm ra bị hỏng phải chữa, phải đền, các cháu kéo đến chị, nhờ chữa. Chính trong bối cảnh đó, trong đầu chị đã nảy ra ý tưởng thành lập cơ sở sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ, dành cho người khuyết tật.
Nhà quá chật chội, chị Hiền phải đi thuê thêm mấy nhà trong xóm cho các cháu tách ra ở riêng. Ngày tách ra và dọn sang nhà thuê mới đúng vào 8/3/2002 (sau này, chị Hiền đã chọn ngày đó là ngày sinh nhật của đơn vị mình).
“Cơ sở của chúng tôi hoạt động chính thức từ ngày 8/3/2002 với vị trí ban đầu là một nhóm tự lực của người khuyết tật. Đến ngày 19/1/2009, chúng tôi được Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ra quyết định công nhận là một trung tâm có tư cách pháp nhân, hoạt động theo điều lệ Hội chủ quản. Đơn vị mang tên Trung tâm Chăm sóc sức khỏe dạy nghề, tổ chức sản xuất, tạo việc làm cho thanh - thiếu niên khuyết tật Vì Ngày mai (gọi tắt là Trung tâm Vì Ngày mai), chị Hiền tâm sự.
Trung tâm Vì Ngày mai chuyên về lĩnh vực thêu, làm tranh giấy cuộn, vẽ tranh sơn mài, dệt, may, làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… Đối tượng đến với Trung tâm là thanh - thiếu niên khuyết tật, tuổi từ 15 - 35, không phân biệt trình độ văn hóa, nguồn gốc dạng tật (thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị, người thấp bé, hoàn cảnh khó khăn…).
Trân trọng những thành quả
Hơn 10 năm qua, một chặng đường gập ghềnh gian nan, nhưng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ đối với Trung tâm Vì Ngày mai. Ngoài thành quả có được cho mỗi con người, mỗi số phận thì những kết quả mà Trung tâm đạt được là đáng trân trọng. Trung tâm đã nhận dạy và đào tạo cho hơn 450 em.
Con số tuy chưa lớn, nhưng với Vì Ngày mai - đó là niềm hạnh phúc, tự hào vì đã giúp được 450 số phận hẩm hưu tự đứng lên, vượt qua thách thúc để trở thành người có ích. Kể từ đây, Trung tâm bước sang chặng đường mới: quyền được hỗ trợ để dạy học và tìm việc làm với chỉ tiêu 200 người/năm (vận động để được nhận từ ngân sách nhà nước). Chắc chắn, chỉ sau 3 - 5 năm, con số người khuyết tật được đào tạo tại Trung tâm sẽ vượt xa 10 năm qua.
“Đó sẽ là một áp lực không nhỏ đối với chúng tôi; mới chỉ yên tâm một phần vì có kinh phí để trả lương cho giáo viên, hỗ trợ cho học sinh tiền ăn, tiền học tập… Chứ với 540.000 đồng/ngươi, làm sao có được công cụ máy móc, cơ sở vật chất để dạy và học, giúp họ thành lập cơ sở - nhóm sản xuất? Tôi vẫn phải tiếp tục đi gõ cửa các mạnh thường quân để xin hỗ trợ”, Giám đốc Lê Minh Hiền trăn trở.
Năm 2010, Trung tâm đã thành công trong việc nghiên cứu sản phẩm mới bằng giấy cứng, không thấm nước, không cháy và có độ bền gần giống mây tre, đảm bảo chất lượng an toàn cho ngươi tiêu dùng. Đây sẽ là tiềm năng mới về dòng sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.
Để sản phẩm của người khuyết tật và các nhóm khuyết tật xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao, Trung tâm đã làm đơn xin gia nhập Tổ chức Công bằng Thương mại Thế giới (WFTO) nhằm giúp đỡ các nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật.
Tháng 4/2011, WFTO đã cử kiểm toán viên quốc tế sang thực hiện kiểm toán, cũng như thẩm định một số cơ sở của Trung tâm. Tháng 8/2011, Trung tâm được kết nạp là thanh viên dự bị và 16/1/2012, trở thành thành viên chính thức. Hy vọng, cùng với dạy nghề, Trung tâm sẽ là những đầu ra quan trọng cho các nhóm sản xuất.
Năn 2012, Trung tâm đã thử nghiệm thành công túi môi trường (thay thế túi nilon) và đến nay, đã có thể khẳng định, việc cung cấp túi này là rất phù hợp với tiêu chí bảo vệ môi trường; góp phần tạo việc làm cho người khuyết tật, tổ chức cho họ nhận gia công tại nhà, tại xưởng và cung ứng ngay tại địa phương, thay cho việc các doanh nghiệp phải xây dựng nhà xưởng công cụ và lao động tập trung.
Hiện nay, sản phẩm phong phú của Trung tâm Vì Ngày mai đã và đang xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Séc… Trung tâm tự hào được Quỹ Đông Tây Hội Ngộ lựa chọn là một trong Top 10 tổ chức tốt nhất năm 2010. Trung tâm trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được nhận Giải Vì cộng đồng (Beak kang_ Hàn Quốc) và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Suốt một đời tâm huyết
Ở tuổi ngoại lục tuần, sức khỏe của chị Hiền ngày càng giảm sút. Nhìn vào đôi mắt người nữ giám đốc đầy nghị lực ấy, tôi biết rằng, chị đã - đang và sẽ sống hết mình để có thể dang tay đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh. Có lẽ, xuất phát từ tấm gương vượt qua khó khăn vươn lên - với tấm lòng thơm thảo của người mẹ mà các con của chị đều học giỏi, phương trưởng…
Những người con của chị đều thành đạt và không ai muốn mẹ mình phải vất vả, lao tâm khổ tứ. Nhưng chị đã nói: "Mẹ có thể nghỉ, Trung tâm Vì Ngày mai có thể đóng cửa, nhưng hàng trăm em bơ vơ thì ai có thể giúp đỡ, cưu mang? Cả cuộc đời mẹ, đã dành tình cảm, sự yêu thương không chỉ cho những người con ruột thịt, mà còn cho các em khuyết tật. Trung tâm là tâm huyết cả đời, nếu mất đi thì rất tiếc. Trung tâm lại có cả trẻ mồ côi, không có ai duy trì trung tâm thì những đứa trẻ đó sẽ biết đi về đâu?"...
Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đủ thấy, nữ doanh nhân - Giám đốc Lê Minh Hiền là một người phụ nữ đáng để cho chúng ta, những người bình thường cảm phục, tin yêu. Chị gắn với Trung tâm, không đòi hỏi một điều gì cho riêng mình. Chị mời gọi những người khuyết tật thành nghề về dạy cho các em, còn mình dù sức khỏe yếu vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm nguồn tiêu thụ hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho trẻ khuyết tật.
Còn có một điều kỳ diệu nữa mà người nữ Giám đốc Lê Minh Hiền đã làm được và không phải trung tâm hỗ trợ người khuyết tật nào cũng có thể làm được: chị đã trực tiếp đứng ra làm “cầu nối” kết duyên cho hơn 30 cặp vợ chồng tại chính mái nhà Vì Ngày mai.
Có người thắc mắc: Đã là người khuyết tật (nhất lại là khuyết tật bẩm sinh), “kết tóc xe duyên” liệu có nên?
Chị Hiền từ tốn: "Đối với những người không may bị khuyết tật, lâu nay, gia đình và xã hội thường có cái nhìn khác về họ; chưa hiểu hết về họ, chưa thấu đáo đúng vị trí của họ; thậm chí có người nhìn nhận “đã là người khuyết tật thì còn lấy vợ lấy chồng làm gì” và rằng “người khuyết tật là gánh nặng của xã hội”... Song, ít ai nhìn thấy ở họ một ý chí và nghị lực vươn lên rất cao nếu được tạo điều kiện thuận lợi…
Bằng chứng là, những ngày đầu, đến với Vì Ngày mai, các em còn bỡ ngỡ, lạ lẫm. Có em, sau nhiều năm chỉ biết quanh quẩn trong 4 bức tường, có em chưa được một ngày đến trường, nhiều em chưa học hết cấp tiểu học… Nhưng đến với Vì Ngày mai, hết thảy mọi ngườiđều được hòa nhập, được học nghề, có việc làm, có cuộc sống ổn định, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Vì vậy, theo nữ Giám đốc, để học nghề và làm việc được, Trung tâm phải tổ chức các lớp dạy văn hóa giúp mọi người đọc thông viết thạo, được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử, được biết cách chăm sóc sức khỏe vị thành niên…Hoạt động chính của Trung tâm là dạy nghề. Với trình độ văn hóa thấp, với kiến thức và hiểu biết xã hội của các em còn hạn chế, không chỉ đội ngũ giáo viên là những nghệ nhân giỏi, tâm huyết nhiệt tình, mà còn đòi hỏi phải có phương pháp dạy sao cho dễ học, dễ tiếp thu mà sau này các em dễ tìm được việc làm, đó là những nghề thủ công truyền thống may, thêu, mỹ nghệ…, dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
Chính bởi phương pháp đó, đã giúp các em không chỉ dừng lại ở chỗ có việc làm cho mình, mà còn chắp thêm đôi cánh, hướng cho các em vươn tới ngày mai.
Còn đó những trăn trở
Vì Ngày mai, một doanh nghiệp chan chứa tình người và hơn 450 khuôn mặt là hơn 450 câu chuyện khác nhau, 450 sự trưởng thành khác nhau. Sự thành công hôm nay, bên cạnh những nỗ lực vượt bậc của hết thảy mọi cán bộ, nhân viên Trung tâm, còn có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, của các tổ chức, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên trong nước và quốc tế…
Nhưng đối với Trung tâm, phía trước còn nặng trĩu nỗi lo...
Năm 2010, vận dụng các văn bản luật, chính sách Nhà nước đã ban hành, trong đó có chính sách ưu tiên cấp đất sạch cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật, nữ Giám đốc Lê Minh Hiền đã mạnh dạn lập đề án đề nghị Thành phố Hà Nội xem xét cấp đất để xây dựng một trung tâm đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng sống và nghề nghiệp, gắn với tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật Thủ đô. Đề án xin cấp đất, đã được Thành phố 2 lần gửi công văn (có ý kiến chỉ đạo đồng thuận) đề nghị các sở, ban, ngành chức năng xem xét và trả lời. Kết quả, Trung tâm đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu mảnh đất khoảng 9.300 m2 tại xã Cổ Nhuế (Từ Liêm).
Mừng đấy, nhưng thất vọng ngay bởi những thủ tục để được cấp đất vô cùng rườm rà, trong đó, phần quan trọng là cần phải chứng minh rõ năng lực tài chính. Với một trung tâm từ thiện - xã hội, để xây dựng được (nếu không nói tới việc cần sự hỗ trợ của Nhà nước), thì đã tự phải đi gõ cửa kêu gọi xã hội hóa. Thực tế, Trung tâm đã kêu gọi và vận động được một số nhà hảo tâm cam kết tài trợ, hoặc cam kết đồng hành để xây dựng một Trung tâm Vì Ngày mai, phù hợp với đề án đã đề xuất, với điều kiện chỉ thực hiện khi được Thành phố cấp đất… Nghiệt ngã thay, với tập hồ sơ dày cộp đủ các loại giấy tờ, Thành phố yêu cầu nhất thiết phải có tiền thì mới được cấp đất, trong khi các nhà tài trợ nói “phải có đất thì mới cho tiền”… Vậy là hơn 3 năm dừng chân tại chỗ?
Hà Nội rất cần có một trung tâm chuyên nghiệp trong công tác đào tạo tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật. Nó không những rất cần thiết, mà còn thể hiện là bộ mặt của một Thủ đô văn minh tiến bộ, thực hiện đúng Công ước quốc tế về quyền con người, về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật Việt Nam. Tiếc rằng, trong khi văn bản chính sách nhà nước khá đầy đủ, nhưng thực hiện thì rối rắm…
"Những căn phòng ọp ẹp, xây tạm trên đất thuê, trông không khác những túp lều giữa Thủ đô, chỗ ăn chỗ nghỉ chật chội, khổ hơn người dân ở miền núi, nếu mãi để như vậy thì tôi là người có tội. Không biết tôi có nên tiếp tục hay cho giải tán? Lý do phải giải tán không có gì khác chỉ vì tôi đã không biết cách?", chị Hiền trải lòng.
Box 1:
Thời gian lặng lẽ trôi, dẫu sức khỏe không cho phép, nhưng nữ Giám đốc Lê Minh Hiền vẫn luôn ấp ủ những dự định cho tương lai. Chị ước ao, mong muốn mở rộng thêm cơ sở hạ tầng vật chất của Trung tâm Vì Ngày mai để có thể tiếp nhận được nhiều em hơn nữa…
Box 2:
Nữ Giám đốc Lê Minh Hiền: “Ban lãnh đạo kỳ vọng, sau này khi các em rời Trung tâm là đã lớn lên rất nhiều, biết nuôi cho mình những hoài bão, những ước mơ như bao người khác. Các em có kiến thức toàn diện hơn, năng động hoạt bát hơn để không những chỉ xin được việc làm tại doanh nghiệp, mà còn có thể tự tìm được cho mình các vị trí mơ ước...:
Ảnh:
- Tu thien 1 +2: Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai, Lê Minh Hiền
- Tu thien 3: Giám đốc Lê Minh Hiền (thứ 6 từ trái sang)
Tu thiên 4 + 5 + 6: Một số hình ảnh về Trung tâm
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Văn Xuân (bút danh Xuân Phong), Trưởng ban Thư ký - Biên tập, báo Thương hiệu và Công luận, số 12, ngõ 118, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội; DĐ: 0983236154.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro