BÊN BỜ THIÊN MẠC
Nguồn: VNthuquan.net
----------------------
Hà Ân
BÊN BỜ THIÊN MẠC
Chương 1
Khi trời tang tảng sáng, Trần Bình Trọng dẫn đạo quân của mình về tới bờ Thiên Mạc. Mưa xuân vẫn lất phất bay. Sau màn mưa, bãi lầy Màn Trò càng tăng thêm vẻ bí ẩn. Những bụi lau đuôi cờ mới đâm bông kéo ngút ngàn. Tiếng lá xát vào nhau tưởng như cạnh sắc răng cưa của lá không hề vì ngấm nước mưa mà nhụt đi chút nào. Gió đông mỗi lúc mỗi mạnh dần thêm, đập điên đảo những bông lau còn cúp. Gió cứ tràn đi; tiết trời càng trở lạnh khiến Trần Bình Trọng rùng mình. Ông gò cương ngựa chiến, nheo mắt nhìn sâu vào bãi lầy, cố gắng tìm ra con đường độc đạo xuyên qua Màn Trò dẫn xuống mé nam vùng Thiên Mạc.
-Mưa thế này, Màn Trò càng nguy hiểm lắm đây-Trần Bình Trọng lẩm bẩm nói, mắt chăm chú nhìn đôi diều hâu lượn tròn trên bầu trời của bãi lầy.
Khúc sông Hồng chảy qua tỉnh Hưng Yên. Nay là Mạn Trù (Hưng Yên) Trần Bình Trọng đã từng vượt Màn Trò một lần khi ông mới được triều đình phái về trấn thủ lộ Khoái. Lần ấy cách đây đã sáu năm, mà sáu năm vừa qua, biết bao nhiêu việc nước, việc quân đã choán hết tâm trí ông. Bây giờ đứng trước Màn Trò, ông chỉ còn nhớ rằng vào đấy sẽ gặp những chằm đất lầy ngập lút đầu người, những ổ rắn độc đủ các loại và những vũng bùn nước lúc nhúc cá sấu. Màn Trò chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của ông những hình ảnh như vậy trong lúc chính ông đang cần dẫn đạo quân này vượt qua bãi lầy. Đã vậy, đạo quân của ông lại đang mệt mỏi, đang thiếu lương ăn, trải qua ba ngày ròng rã vừa đánh vừa rút lui từ Vạn Kiếp về. Thật khó khăn!... Trần Bình Trọng quay lại ra lệnh cho viên chấp hiệu đi sau ông. Một ngọn cờ xanh vẫy lên, đoàn người ngựa dừng cả lại. Những người lính vơ quàng nắm lá lau khô, chụm lửa. Họ vừa sưởi cho đỡ cóng vừa dốc nốt những hạt gạo cuối cùng nấu ít cháo loãng. Từng làn khói xám đặc bốc lên, tỏa lẫn vào màn mưa đang vén rất nhanh. Trong chốc lát, vầng đông chiếu lộng lẫy cả một vùng Thiên Mạc mênh mang...
-Ai biết vùng này lên ngay ta hỏi!-Trần Bình Trọng giật giọng ra lệnh. Những người lính đứng gần ông vội vã truyền đi:
-Ai biết vùng này lên ngay hầu chủ tướng!
-... lên ngay hầu chủ tướng!
-... chủ tướng!
Tiếng lệnh truyền lan mãi xuống dưới những hàng quân cuối cùng. Tiếng lệnh truyền hòa lẫn vào tiếng nói cười râm ran của các chiến sĩ đang xúm xít quanh những đống lửa sưởi ấm. Trần Bình Trọng ngồi xuống một gốc cây đổ ven đường. Ông bỗng cảm thấy trong người bứt rứt, bồn chồn. Và cái bứt rứt ấy cứ lớn mãi lên trong lòng ông. Ông cố trấn tĩnh lòng mình. Ông cố suy nghĩ để quên đi cơn giận và cảm giác đói mệt đang muốn kéo ông nằm xuống mặt cỏ ngủ vùi. Trần Bình Trọng nghĩ về thế nước. Ông chỉ là viên tướng chỉ huy một đạo quân vài ngàn người. Những cuộc họp quan trọng của triều đình bàn việc lớn, ông không được dự. Nhưng ông rất tin tưởng ở tài cầm quân của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Ông còn nhớ rất kỹ những điều Tiết chế đã dặn dò tướng sĩ trong các buổi học binh thư tại Giảng vũ đường. Ông còn nhớ dáng đứng oai phong của Tiết chế trong buổi duyệt toàn bộ quân đội tại bến Đông Bộ Đầu. Ông còn nhớ khi ông đang giữ ải Khả Lá, thì bản Hịch tướng sĩ của Tiết chế truyền đến. Bây giờ đây, bên tai ông, tưởng chừng lời hịch sang sảng vẫn còn vang động: "...Ta đây ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa..."
Trần Bình Trọng phà mạnh một hơi thở dài... Ông cũng đã bao nhiêu đêm mất ngủ, ông cũng đã ruột đau như cắt bao ngày, nhớ những khi "...sứ giặc đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ!" Lũ giặc nào chẳng lòng tham không đáy, bạc vàng nào đối với chúng cho vừa, cũng như thịt dê nào đủ cho bầy hổ đói... Trần Bình Trọng lại phà một hơi thở mạnh. Lòng căm thù giặc của Tiết chế đã khiến cho tướng sĩ càng vững lòng tin ở triều đình. Riêng ông, Trần Bình Trọng, càng mài sắc ý chí diệt lũ giặc nước. Vừa qua, quân các lộ kéo lên Vạn Kiếp chật đất, chật sông. Hai mươi vạn chiến sĩ, giáo mác lập lòe, cờ phướn phấp phới. Ngựa hí, voi gầm, trời long đất lở. Những tưởng phen này được đánh cho lũ giặc nước tan không còn mảnh giáp... Lúc bấy giờ, Trần Bình Trọng đóng quân trên bến Bình Than. Đứng trên đài nhìn xa chót vót trên ngọn đa cổ thụ. Trần Bình Trọng thấy rõ quân sĩ đôi bên hàng ngày di chuyển để bày thành thế trận trong vùng Vạn Kiếp đồi núi trập trùng. Trước mặt trận địa của ông là một mỏm đồi cao có một toán quân giặc đóng chiếm. Chúng kéo cờ thám mã, hiệu cờ của bọn lính trinh sát. Trần Bình Trọng hiểu rõ sự nguy hiểm của loại lính giặc này. Ông đã liền mấy đêm điều khiển các chiến sĩ của ông bám sát, tìm hiểu cách đóng quân của chúng. Ông đã lập xong kế hoạch, một kế hoạch đánh chắc thắng. Nhưng vừa lúc đạo quân chính của giặc tràn tới thì thình lình... Tiết chế hạ lệnh rút lui!... Nghĩ đến đấy, Trần Bình Trọng đâm choáng váng. Ông nắm chặt tay, đấm mạnh xuống đùi mình một cái. Làm tướng mà phải rút lui là một điều rất đau lòng!...
Ông cảm thấy bực bội và càng đắm sâu vào những suy nghĩ miên man... Ông là một vị tướng. Ông hiểu rằng cầm quân có lúc tiến nhưng cũng có lúc lùi nếu cần thiết. Lùi để làm cho địch Sinh kiêu căng, lùi để nhử địch vào sâu trong thế trận bày sẵn, lùi để tránh thế mạnh ban đầu của địch. Ông hiểu như vậy, nhưng ông vẫn đau lòng và từng lúc, tim ông đập rộn lên, ruột gan như xát muối...
Từ giữa đám quân đông, một cậu bé chen tới trước mặt ông. Dáng người còm nhỏ của chú ta chìm ngập giữa các đợt sóng của dải cờ và ngù giáo. Cậu bé quỳ một gối chào Trần Bình Trọng và nói:
- Thưa chủ tướng, tôi là Hoàng Đỗ xin lại hầu.
Trần Bình Trọng vẫn mải suy nghĩ. Hai mắt ông mở trừng trừng mà ông vẫn không nhận thấy có người trước mặt. Mãi sau, ông mới sực tỉnh. Ông chăm chú ngắm cậu bé và cảm thấy gương mặt này quen quen. Trên vầng trán dô của chú ta có thích chàm ba chữ "Quan trung khách". Ba chữ thích chàm đó khiến Trần Bình Trọng nhớ ra đây là một chú bé đã từng bị ông phạt giam vì tội dám cưỡng lại lời ông. Trần Bình Trọng cau mày hỏi:
-Ngươi đến hầu ta có việc gì?
-Thưa chủ tướng, tôi cũng không biết. Vừa rồi có lệnh đòi người lên hầu cho nên tôi phải lên.
- À! Ngươi biết thế đất vùng này sao?
-Dạ biết!
Trần Bình Trọng nhìn từ đầu đến chân cậu bé. Chú ta mặc một manh áo chiến rộng quá. Vải áo bạc màu xếp lùng nhùng quanh cái thắt lưng. Ngang sườn, chú ta giắt một cái roi ngựa bằng gỗ liễu. Trần Bình Trọng nhớ dần ra. Hoàng Đỗ là một chú lính chăn ngựa trong đạo quân của ông. Chú ta thường lấy trộm ngựa chiến đem ra bãi sông tập quần. Viên chỉ huy đô đã nhiều lần đánh đòn mà chú ta cũng vẫn không chừa.
-Ngươi biết rõ thế đất này thật à?-Trần Bình Trọng hỏi gặng.
-Thưa chủ tướng, tôi vốn là người Thiên Mạc.
Trần Bình Trọng chợt nhìn thấy cổ chú lính có đeo một sợi dây thao màu lục. Ông kinh ngạc giơ tay gỡ sợi dây thao. Sợi dây thao có đeo một đồng tiền bạc giấu kín trong ngực chú bé.
-Ngươi lấy cái này ở đâu thế?
Chú bé tái mặt. Chú nhìn ông tướng của mình một lúc rồi mới đáp:
-Đồng tiền này là đồng tiền tôi được thưởng.
-Hả? Được thưởng à?... Ở đâu thế?
-Thưa, sau trận Khả Lá cuối mùa đông năm ngoái.
Thốt nhiên Trần Bình Trọng nhớ lại như in trận phá vây ải Khả Lá. Đó là một trận đẫm máu không cân xứng giữa hai lực lượng. Lúc bấy giờ đứng giữa vòng vây, Trần Bình Trọng nhìn bốn bề thấy quân giặc trùng trùng điệp điệp... Ông đã cùng những người lính của mình dốc sức đánh một mũi, mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Sau trận này, Trần Bình Trọng thưởng tiền bạc cho tất cả những người lính đã cùng phá vây với ông... Ờ ... Đúng, chú bé này cũng đã được chính tay ông thưởng cho đồng tiền. Nét mặt ông dịu hẳn xuống. Ông hỏi tiếp cậu bé chăn ngựa, giọng đã nhẹ nhàng hơn:
-Ngươi bị bán làm nô từ bao giờ thế?
Cậu bé chăn ngựa im lặng một lúc lâu, dường như không muốn nhắc tới chuyện cũ đau lòng. Mãi sau, giọng nói khó nhọc của chú ta mới thốt lên được:
-Thưa, từ năm tôi mười một tuổi. Cha tôi mắc nợ người ta không trả được. Chủ nợ bắt tôi đem bán làm nô. Người ta thích lên trán tôi ba chữ này.
Chú bé sờ tay lên mấy chữ "Quan trung khách", mấy chữ đánh dấu một con người mất quyền tự do, có thể bị chủ nô bán đi mua lại như mua bán một con vật vậy. Hoàng Đỗ cúi mặt xuống. Chú bé thấy mình chẳng có điều gì đáng hổ thẹn cả. Nhưng chú cúi mặt vì không muốn để Trần Bình Trọng nhận thấy vẻ mặt xúc động của mình. Trần Bình Trọng cũng im lặng một lát. Ông hối hận đã hỏi chạm vào niềm riêng của cậu bé chăn ngựa đã từng phá vây với ông. Trong đạo quân của ông có khá nhiều nô tì người lộ Khoái. Trải qua hai tháng chiến đấu trên biên thùy phía bắc, ông đã hiểu họ nhiều. Ông hiểu về lòng yêu nước của họ. Ông hiểu về sự khát khao thoát kiếp nô tì của họ. Ông càng dịu giọng:
-Ta muốn cho quân nghỉ một buổi trước khi rút về phía nam lộ Khoái. Ngươi tìm cho ta một chỗ đóng quân và tìm cho ta một người dẫn đường vượt bãi lầy Màn Trò.
Cậu bé chăn ngựa ngẫm nghĩ. Chẳng hiểu nếu mình thẳng thắn nói ra thì người ta có tin mình không? Màn Trò là một vùng bí ẩn, rộng lớn, chứa đầy cạm bẫy. Nhưng chú đã được cha chú dẫn đi khắp mọi xó xỉnh của bãi lầy. Chú có thể giữa ban đêm cũng tìm ra đường vượt Màn Trò. Nhưng nói ra điều ấy liệu có người tin được không? Chú mới chỉ là đứa bé mười lăm tuổi đầu. Cuộc đời cơ cực của người nô tì lại làm cho chú héo hon cằn cỗi như trái ổi khô thế này. Ai dám tin lời một đứa bé còm nhom chỉ đứng đến ngang ngực mình!... Nhưng rồi chú lại nghĩ tới lời cha dặn trong buổi chia tay năm xưa. Cha chú đã nắm chặt đôi vai nhỏ của chú và dặn: "Dù mày có bị người ta bắt làm nô thì mày cũng đừng quên rằng mày là con người!" Là con người! Đã vậy thì cứ nói cho đúng với lòng mình. Hoàng Đỗ trả lời:
-Chủ tướng nên đem quân về đóng ở làng Xuân Đình. Làng này cách cửa Hàm Tử chẳng bao xa, lại ở kề bên lối rẽ vào bãi lầy Màn Trò. Như thế, nếu muốn tiến hoặc lùi ngả nào cũng đều tiện cả.
Trần Bình Trọng vui mừng hỏi:
-Đường về Xuân Đình có dễ đi không?
-Thưa, chỉ mươi dặm đường cát sa bồi êm chân lắm. Nhưng mà...
-Sao?
- Nhưng mà vượt qua Màn Trò mùa này thì khó khăn lắm.
Trần Bình Trọng cau mày kinh ngạc. Ông hỏi:
-Ta tưởng mùa này mưa xuân nhỏ, nước cạn, vượt Màn Trò chắc cũng dễ dàng chứ?
Cậu bé chăn ngựa nghiêm trang đáp:
-Màn Trò là một vùng trũng rất rộng, mỗi bề ngang dọc hàng trăm dặm. Mùa nước, lũ sông Thiên Mạc tràn vào, Màn Trò thành một biển nhỏ, nước phù sa đỏ ngầu. Lúc ấy nhìn vào chỉ thấy mênh mông chẳng biết đâu là bờ bụi. Nhưng chính vào vụ nước vượt Màn Trò không khó khăn, miễn là có đủ thuyền và người chèo lái. Còn về mùa này, Màn Trò đói nước. Đâu đâu cũng là chằm lầy, ổ rắn. Cá sấu cũng làm hàng trăm tổ để đẻ trứng. Vượt bằng thuyền thì dễ mắc cạn mà vượt bộ thì cần có người thuộc rất kỹ đường qua bãi lầy.
Trần Bình Trọng sầm mặt. Ông nghĩ thầm, nếu biết vậy thì ông dẫn quân về mặt này làm gì! Chẳng thà vòng qua sông Kinh Thầy về đông nam lộ Khoái còn hơn. Nhưng bây giờ quân đã dẫn về đây rồi. Tốt nhất là tìm cách vượt Màn Trò thôi. Trần Bình Trọng nhìn chỏm khăn quấn rối trên đầu cậu bé chăn ngựa. Ông đắn đo trước khi hỏi:
-Ngươi có thể tìm được người dẫn đường cho ta vượt bãi lầy không?
Cậu bé chăn ngựa nhìn thẳng vào cặp mắt nghi ngờ của Trần Bình Trọng và đáp bằng một giọng đều đều:
-Cả vùng này chỉ có hai người thuộc Màn Trò. Hai người này biết đủ mọi xó xỉnh của bãi lầy. Một người thì tôi không biết có còn ở đây không vì từ dạo theo quân lên ải Khả Lá tôi bặt tin ông ấy. Nhưng còn một người nữa...
Trần Bình Trọng hỏi dồn dập:
-Ai? Ai vậy? Có ở ngay đây không?
Cậu bé chăn ngựa khẽ mỉm cười. Cậu cúi cái mình gầy nhỏ, kính cẩn đáp:
-Thưa chủ tướng, tôi đã từng được cha tôi dẫn vào Màn Trò. Cha tôi lăn lộn kiếm ăn năm sáu năm trời trong bãi lầy ấy. Trong Màn Trò, chim trời và cá nhiều vô kể, bắt không thể hết được.
Trần Bình Trọng im lặng ngắm vầng trán bướng bỉnh của cậu bé. ánh mắt của ông lướt trên khuôn mặt gầy sạm nắng. Ông lặng ngắm đôi mắt long lanh thông minh đang nhìn lại ông một cách thẳng thắn đầy tự tin. Trần Bình Trọng nhìn xuống dải thao xanh đeo kín đáo trong cổ áo của cậu bé. Rồi ông quả quyết đứng phắt dậy, ra lệnh:
-Truyền cho các đô ngũ sắp sửa lên đường!
Lệnh của ông được truyền đi mau chóng. Các chiến sĩ nhộn nhịp đóng ngựa và sửa sang giáp, mũ. Trần Bình Trọng dẫn Hoàng Đỗ vượt lên đầu hàng quân. Ông bảo một tì tướng nhường ngựa cho cậu bé. Hoàng Đỗ đưa Trần Bình Trọng lên một mỏm đất cao trên đê.
-Cửa Hàm Tử!-Hoàng Đỗ chỉ cho Trần Bình Trọng một vùng rộng thênh thang, nước liền mây ở chân trời. Từ cửa Hàm Tử, ngón tay của cậu bé chăn ngựa chỉ sang một chòm xóm nhỏ bé kề bên sông Thiên Mạc. Cậu nói tiếp:
-Còn kia là làng Xuân Đình, quê tôi.
Trần Bình Trọng lặng nhìn chòm nhà im lìm trong lđá tre xanh. Không một làn khói nào bốc lên dù rất mảnh. Trên cao lại có từng đàn chim trời bay lượn thoải mái. Những con chim thung dung chao cánh rồi là xuống đậu trên những mái tranh tiều tụy lẻ loi.
-Làng vắng người!-Trần Bình Trọng lẩm bẩm. Ông lo lắng cho đạo quân của ông thiếu sự giúp đỡ cần thiết của những người dân ở chính đất này. Con ngựa của Hoàng Đỗ nện vó bồn chồn. Nó gò cổ đòi cương trong khi cậu bé chăn ngựa bồi hồi im lặng nghĩ đến làng mình. Hoàng Đỗ nghĩ đến người cha của mình. Đã hơn một năm trời nay cậu không được tin cha. Cậu muốn chắp cánh bay ngay về làng. Trần Bình Trọng hỏi:
-Có lẽ dân làng bỏ đi hết rồi chăng?
Hoàng Đỗ lắc đầu, đôi mắt cậu long lanh:
-Người Xuân Đình chẳng bao giờ nhát thế đâu. Chắc ban ngày họ tạm tránh vào đâu thôi.
Hoàng Đỗ chỉ tay về phía Màn Trò. Đôi mắt thông minh của cậu bé chăn ngựa thoáng ánh lên một vẻ kiêu hãnh. Trần Bình Trọng liếc nhìn người nô tì của mình. Ông lưỡng lự giây lát rồi đột ngột thúc mạnh hai gót giày vào bụng ngựa. Con ngựa chiến giật mình chồm lên, tung vó phi rất nhanh. Hoàng Đỗ dẫn Trần Bình Trọng vượt qua cổng chính, vòng ra mé sau làng. Hai người xuống ngựa rồi thận trọng bước dần vào giữa chòm nhà im lìm. Những con chim đang đậu trên mái nhà hoảng sợ cất cánh bay vù lên. Chúng kêu inh ỏi ngang trời.
-Họ đi hết thực rồi!-Trần Bình Trọng ngơ ngác nhìn những căn nhà nhỏ không còn một vật đáng giá. Nhà nào cũng đã dọn sạch trơn. Hoàng Đỗ bồi hồi đi giữa những kỷ niệm thuở nhỏ. Những gốc sung mọc dệ ao, những tán bàng rợp bóng nay chỉ còn trơ những cành gầy guộc. Này đây chiếc cầu ao bắc bằng hai đoạn tre trên mặt nước mùa xuân lặng sóng, thỉnh thoảng một con rô đớp bọt dưới chân bèo... Tất cả đều gợi cho Hoàng Đỗ một cảm giác êm đềm thân thiết. Chú bé chăn ngựa bước vào một căn nhà. Hoàng Đỗ vốc một nắm tro trong bếp giơ lên cho Trần Bình Trọng xem. Tro đã nguội nhưng vẫn chưa rã, còn phân biệt được dễ dàng đâu là tàn gỗ, đâu là than trấu. Trần Bình Trọng nhìn những mảnh vườn nhỏ bị đào xới chẳng còn lấy một luống khoai non.
-Họ chỉ tạm lánh vào Màn Trò thôi!-Cậu bé chăn ngựa thích thú khi nhận thấy những cái làm cho cậu tin rằng những người dân Xuân Đình đã vào Màn Trò, và một điều chắc chắn nữa là họ đã có một người dẫn đường thật tốt. Trần Bình Trọng lơ đãng nhìn quanh. Ông chưa tin rằng những người dân Xuân Đình hãy còn ở quanh quất đâu đây. Dường như không hề chú ý tới điều ấy, chú bé nói, giọng rất tự tin:
-Chắc chắn là dân Xuân Đình vào Màn Trò! Bến thuyền cuối làng không còn lấy một cái thúng cóc.
Trần Bình Trọng nói:
-Nếu vậy thì ngươi đi gọi họ về đây.
-Thưa chủ tướng, không nên đi gọi. Cứ để mặc họ họ sẽ về tìm ta.
Cậu bé nô tì chỉ về những bụi lau rậm xa xa:
-Bây giờ chắc ở đấy phải có hàng trăm cặp mắt đang xem xét những gì xảy ra trong làng Xuân Đình. Họ chưa thể biết chắc đạo quân vào làng là quân ta hay là giặc. Như thế, nếu ta tiến vào Màn Trò, họ sẽ đánh trống báo có động. Dân làng sẽ chạy hết. Còn nếu như ta cứ ở nguyên đây, họ theo dõi, khi nào họ nhận ra ta đúng là quân triều đình, tự họ sẽ tìm đến ta.
Đôi lông mày của Trần Bình Trọng giãn dần. Ông ngẫm nghĩ rồi hạ lệnh cho quân nghỉ, trừ những toán tuần phòng cẩn mật bốn mặt làng. Ông bảo cậu bé nô tì chăn ngựa.
-Ngươi ở quanh đây, nhỡ ta có cần hỏi điều gì nữa chăng.
Cậu bé nô tì cúi đầu vâng lệnh, nhưng lại đột ngột nhìn lên thưa:
-Chủ tướng cho phép tôi đi một lát tìm người nhà ạ.
Vẻ dễ dãi, Trần Bình Trọng gật đầu:
-Được, đi đi, mau về nhé!
Và khi thấy cậu bé nhảy chân sáo ra đường làng, con đường rợp bóng tre xanh dịu, Trần Bình Trọng bất giác mỉm cười...
Chương 2
Mặc dù Trần Bình Trọng nhận thấy cậu bé chăn ngựa nói có lý nhưng ông vẫn chưa tin hẳn lời cậu. Không phải vì chú bé còn ít tuổi, mà đó là do thói quen của ông, một người trong họ nhà vua, đời đời nối dòng làm tướng. Trong mọi việc quân, việc nước, những người thuộc dòng tôn thất nhà Trần chia nhau, thay nhau nắm giữ tất cả những chức vị quan trọng. Mỗi mệnh lệnh của họ phát ra là hàng vạn người tuân theo răm rắp...Trần Bình Trọng cũng như những người cùng họ thường chỉ tin ở sự hiểu biết của mình. Từ khi giặc Nguyên xâm phạm đất nước đến nay, thói quen ấy tuy nhạt dần đi nhưng cũng vẫn còn rất mạnh. Vì vậy, Trần Bình Trọng nửa tin nửa ngờ lời nói của cậu bé chăn ngựa, một thằng bé gia nô mặc áo lính trong đội quân của ông. Nhưng khoảng đầu giờ mão, vọng canh cuối làng gõ một tiếng mõ báo hiệu có người lạ mặt. Trần Bình Trọng ra lệnh cho dẫn vào. Lát sau quân canh cuối làng đưa vào một ông già. Ông ta cao lớn gầy guộc, có đôi tay bắp thịt đã teo lại nhưng nước da vẫn đỏ đẹp lạ thường.
-Lão xin chào tướng quân!
ông già lạ mặt khom lưng vái Trần Bình Trọng. Vốn là người xưa nay vẫn kính nể những bậc cao tuổi, Trần Bình Trọng vội gạt đi:
- Ông lão cứ đứng thẳng. Làm sao cụ biết ta ở đây mà đến tìm thế?
-Lão biết có quân về từ lúc tảng sáng nhưng lão vẫn phải dò lại xem có đích xác không. Bây giờ lão đã nhận đúng là quân triều đình rồi nên lão xin vào hầu. Dân Xuân Đình cử lão đi trước để xem có giúp đỡ được tí gì cho quân ta chăng?
-Lão là người Xuân Đình à? Thế dân làng chạy đâu hết rồi?
-Dân Xuân Đình ở cả trong Màn Trò thôi!
Trần Bình Trọng nhìn quanh, vẻ muốn tìm cậu bé chăn ngựa nhưng chưa thấy cậu về. Ông mỉm cười hỏi:
-Thế làm sao ông lão biết quân ta là quân triều đình?
-Lão biết chứ! Lão nhìn hiệu cờ, hiệu phướn. Đạo quân này là đô nhất trong quân Thánh dực. Lão còn biết tướng quân chính là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng nữa kia.
Trần Bình Trọng kinh ngạc nhìn ông già. Lòng ông phân vân. Ông già nói tiếp, và lần này đôi mắt của ông ta thoáng ánh lên hóm hỉnh:
-Hồi cuối năm ngoái, Quan gia bày yến ở điện Diên Hồng. Quan gia cho gọi bô lão cả nước lên kinh dự. Lão cao tuổi nhất làng Xuân Đình nên cũng được vời vào. Hôm ấy lão thấy tướng quân cắp kiếm đứng hầu sau lưng Quan gia...
Nói đến đây, ông già lạ mặt chợt cười để lộ hàm răng chỉ còn lởm chởm vài chiếc, và chòm râu bù rối của ông ta rung vểnh ngược lên, nom rất lạ:
- Lúc Quan gia hỏi bô lão xem giặc Nguyên thế mạnh hùng hổ như vậy thì ta nên đánh hay nên hòa, lão còn nhớ tướng quân gầm lên trước tiên: "Đánh! Đánh! Đánh! Xin Quan gia cho đánh!"
Trần Bình Trọng ngượng ngùng ngắt lời:
-Tại ta nơm nớp sợ bô lão dàn hòa, nhưng hòa mà phải cắt đất, nộp cống, xưng thần thì có khác chi đầu hàng.
Ông già lạ mặt im lặng mến phục vẻ thành thật của Trần Bình Trọng. Ông tướng Thánh dực hồ hởi nói:
- Ông lão thấy thế nào?
-Đó là vì tướng quân chưa hiểu hết bụng dân đó thôi. Những bô lão được Quan gia vời vào điện Diên Hồng ăn yến đều là những người đã từng cầm giáo đuổi giặc trước đây hai mươi bảy năm. Lão nói thật xin tướng quân đừng giận, chắc vào cái năm Đinh Tị ấy, tướng quân mới được ba, bốn tuổi chi đó chứ gì?
Kỳ lạ thay, nhận xét thẳng thắn của ông già không làm cho Trần Bình Trọng giận. Ông nói:
- Ông lão cứ nói hết đi!
Được lời, ông già tiếp:
-Năm ấy bô lão cả nước bàn đánh cũng như tướng quân vậy. Chắc rằng điều ấy hợp với lòng mong muốn của tướng quân.
Ông già vén tay áo để lộ hai chữ "Sát Thát" thích chàm trên lần da rám đỏ.
-Lòng lão giá có phanh phui được thì lão cũng xin trình để tướng quân hiểu thấu cho.
Trần Bình Trọng cảm động:
-Ta hiểu lắm.- Ông cũng vén lá giáp che cánh tay phải và mở to đôi mắt kiêu hãnh.
- Ông lão xem đây! Hai chữ "Sát Thát" này đã ăn sâu vào xương thịt ta rồi.
Ông già nói, vẻ chân thành:
-Lão có một đứa con trai. Trước đây nó đã nói cho lão nghe nhiều về tướng quân. Lão biết rằng tướng quân ưa lời nói thẳng và rộng lượng với kẻ dưới. Lão đã già, lại sinh sống ở nơi vắng vẻ. Lão nói năng nhỡ có điều gì không phải thì xin tướng quân đừng chấp. Vả chăng, lão nghĩ rằng mua được những lời nói thẳng thật là khó đấy tướng quân ạ. Thôi hãy gạt chuyện đó ra. Tướng quân cho phép lão được hỏi điều này: "Có phải Tiết chế đã ra lệnh rút quân khỏi Vạn Kiếp rồi không?"
Trần Bình Trọng không đáp. Ông cúi đầu xuống tỏ ý chuyện rút quân là điều có thật. Ông già lạ mặt chăm chú ngắm Trần Bình Trọng một lát rồi hỏi, giọng nhỏ nhẹ, nghe xa vời như từ đâu vẳng đến:
-Chắc rằng thế giặc mạnh lắm phải không tướng quân? Mà Thăng Long cũng mất rồi chăng?
Trần Bình Trọng ngửng vội đầu nhìn qua khuôn cửa lớn. Mặt ông bỗng biến sắc:
-Khói! Khói! Cháy rồi à?
- Đúng! Cháy rồi đấy. Thăng Long bốc lửa lúc canh ba đêm qua. Thượng tướng quân Trần Quang Khải đã đem binh qua đây để rút về phủ Thiên Trường.
-Thế là mất kinh thành rồi! Mất Thăng Long rồi!
Trần Bình Trọng kêu thầm trong lòng: "Mất Thăng Long rồi! Thăng Long của ta!" ông giận dữ đau đớn nhớ lại kinh thành yêu quý nơi ghi bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc đời của ông. Ông tưởng chừng như nghe thấy bên tai có tiếng chày đập vải chểnh choảng trong sương sớm, tiếng chày của những người con gái dệt vải ở một phường phía bắc kinh thành. Ông nhớ những buổi dẫn quân Thánh dực ra trường bắn luyện tập; ánh giáp đồng, màu cờ đỏ, khói pháo lệnh cùng hòa lẫn thành một không khí say sưa. Ông nhớ đến những đêm cùng các tướng ngồi nghiêm trang trong Giảng vũ đường nghe Quốc công Tiết chế dạy binh thư. Ông nhớ những buổi chiều theo hầu Quan gia dạo thuyền trên sông Cơ Xá. Ông nhớ những đêm đem quân tuần phòng ngoài cửa Dương Minh trang bóng trăng xanh dịu. Ông nhớ cả những phố phường đông đúc bên ngoài Hoàng thành, nhớ những cô hàng bán rượu, nhớ những làng trồng hoa rực rỡ trong tiết xuân...
-Mất Thăng Long rồi! Thăng Long của ta!...
Trần Bình Trọng nghẹn ngào. Từ trong khóe mắt của ông, hai giọt lệ chảy ra, lăn trên má, rớt xuống vạt áo giáp dát vảy đồng. Ông già lạ mặt im lặng. Ông già nghĩ thầm trong dạ: "Khóc được như vậy cũng nhẹ lòng được phần nào!" ông già lựa lời nhủ nhẹ nhàng:
-Giặc chiếm Thăng Long nhưng giặc chiếm thế nào được lòng người dân Thăng Long. Tướng quân thử nghĩ lại coi. Trước đây hai mươi bảy năm, Ngột Lương Hợp Thai cũng đã chiếm được Thăng Long...
-...Nhưng quân dân ta đã đuổi cổ tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai khỏi Thăng Long...-Trần Bình Trọng bỗng thốt lên, tình cảm ông như đang bị kích thích mạnh mẽ.
-Rồi còn đuổi cổ nó ra khỏi bờ cõi nước ta nữa chứ! Bởi vì cả nước ta đã đấu sức lại mà đánh! Đấy chính là điều quân ta, dân ta phải ghi lòng tạc dạ. Rút quân khỏi Vạn Kiếp thật là một kế rất sâu.
Trần Bình Trọng lắng dần nỗi đau đớn và cơn giận dữ. Ông trầm lặng suy nghĩ. Đánh giặc là một việc lớn của đất nước. Người làm tướng phải biết nhìn xa thấy rộng. Người làm tướng phải biết dẹp cái nóng của chính mình. Phải biết tính cho đầy đủ mọi bề hơn thiệt trước khi ra một mệnh lệnh. Nếu như trước đây ông chưa được đánh trận Bình Than thì sau này ông sẽ được đánh một trận lớn hơn, thắng to hơn, nằm trong toàn bộ một kế hoạch đã được suy tính kỹ càng. Thế đấy, đánh giặc không chỉ bằng sức mà phải bằng trí nữa. Ông từ từ ngẩng nhìn ông già lạ mặt. Ông khẽ hỏi:
- Ông lão đến tìm ta có điều gì muốn dạy?
-Chết nỗi, lão chẳng dám dạy ai. Lão đến xem quân ta cần gì, dân Xuân Đình giúp được đến đâu xin cố sức làm đến đấy. Lòng trăm họ bây giờ như thế cả đó.
-Vậy thì ta cũng nói thật: Quân ta đang đói, và ta cần người dẫn đường qua bãi lầy Màn Trò.
-Chết thật, lão mải chuyện quá. Lúc lão về làng, dân Xuân Đình đã xếp sẵn lương ăn xuống thuyền rồi. Bây giờ tướng quân cho lão ra ới họ một tiếng là họ đem tới ngay.
Nhưng ông già chưa phải gọi tiếng nào, dân Xuân Đình đã chống thuyền vào bến đầu làng. Họ khiêng lên bãi những thúng khoai sọ rất to. Trần Bình Trọng sung sướng đi giữa những người lính của ông ra đón dân làng Xuân Đình. Ông kín đáo mỉm cười trước sự ngượng nghịu của những người lính trẻ khi nhận thúng khoai do mấy cô gái quê trao cho. Mấy chục thúng khoai tuy nhiều nhưng đối với đạo quân hàng ngàn người thì cũng chỉ đủ bữa cháo. Dân Xuân Đình nói với những người lính con em của mình rằng họ đã cho đi lấy lương ở trong Màn Trò. Chỉ ngày mai, lương sẽ về đến nơi. Xuân Đình quyết không để quân bị đói. Dân và lính cùng vui vẻ nhóm lửa bắc bếp. Khói bốc lên đó đây. Tiếng chuyện trò, tiếng cười cũng ồn lên đó đây. Trần Bình Trọng và ông già lạ mặt vui vẻ về căn nhà cũ. Trong mảnh vườn trước ngõ cũng đã có mấy người dân Xuân Đình đang giúp các chiến sĩ nấu cháo. Trần Bình Trọng đứng lặng trong căn nhà, lắng nghe những tiếng động bên ngoài. Dân và lính đang vui đùa trong khi làm việc. Ông chợt mỉm cười khi một người lính nào đó cất cao lên tiếng hát dân ca đầy kiêu hãnh của vùng Thiên Mạc: Đất nghịch! Đất nghịch (dô hò) bãi Màn Trò Trống đồng Thiên Mạc (dô hò) tiếng thúc to Cầm giáo trong hàng (dô hò) những gia nô Đừng để ai khinh (dô hò) Quan trung khách Thù nhà nợ nước (dô hò) máu không sôi. Thù biết trả (dô hò) nợ biết đòi Biển, trời, đất, nước đời đời của chung. Ông già kỳ dị làng Xuân Đình đột nhiên biến sắc mặt. Ông già đã nghe rõ những câu hát về lòng yêu nước và niềm khao khát tự do của những người nô tì vùng Thiên Mạc.
Chương 3
Trong một buổi sáng đã có hai người nói với Trần Bình Trọng nhiều điều có ích. Họ chỉ là người lính, người dân bình thường, nhưng đều đã trải qua nhiều trận chiến đấu gay go. Họ đã làm cho Trần Bình Trọng vui lòng và tin rằng họ sẽ làm tròn những công việc ông giao cho. Kể từ khi đất nước có giặc xâm lược, Trần Bình Trọng đã mắt thấy tai nghe nhiều sự việc chứng tỏ tài năng và lòng yêu nước của những người không phải dòng dõi quý tộc. Ông đã được thấy những người lính bình thường lăm lăm ngọn giáo ngắn trong tay, xông thẳng tới trước những tên tướng Nguyên và dùng ngọn giáo ngắn ấy đánh ngã tướng giặc cưỡi trên lưng những con ngựa cao lớn. Ông đã từng giao nhiều việc quân cho những người lính của mình.
Có những việc, người được giao làm đều biết chắc rằng mình một đi là không trở lại. Nhưng họ đều nhận lệnh với một vẻ kiêu hãnh khác thường. Ông cũng đã từng thấy những người lính của mình nạo vết thương cho nhau. Không một tiếng rên la, không một lời than vãn. Có một lần, một chiến sĩ của ông bị dao chém sả cánh tay. Lưỡi dao phạt mất mảng thịt mang hai chữ "Sát Thát " thích chàm. Người lính đã chìa cánh tay có vết thương cho bạn buộc hộ và lại sẵn sàng giơ tay còn lại cho người bạn khác thích hai chữ "Sát Thát" mới... Những tháng chiến đấu trên biên thùy phía bắc đã khiến Trần Bình Trọng biết đánh giá một con người trên những mặt nào. Và ông cũng biết tự mình tìm hiểu mình. Cho nên, lo cho quân bắc bếp xong, Trần Bình Trọng dẫn ông già Xuân Đình lên trên đê cao xem thế đất. Ông hỏi nhiều câu mà trước đây không bao giờ ông đặt ra với những người không mang ấn phong hầu như ông. Những câu hỏi- đáp nối tiếp nhau đã chứng tỏ bài học lượm được trong cuộc đời mang lại cho Trần Bình Trọng khá nhiều bổ Ích. Ông già làng Xuân Đình chẳng những giảng giải cho Trần Bình Trọng nghe rất kỹ về thế đất vùng Thiên Mạc, mà ông ta còn nhận xét rất đúng phép dùng binh: với thế đất như thế, cách bày trận sẽ phải ra sao. Ông ta nói:
-Dải cát sa bồi này chạy dài tít tắp, không rõ đâu là bến bờ. Mặt trước bãi cát là con sông Thiên Mạc rộng mênh mông. Mặt sau lưng nó là bãi lầy Màn Trò ăn mãi vào sâu hàng trăm dặm. Chỗ chúng ta đứng đây là địa thế làng Xuân Đình. Xuân Đình ở đầu bãi lầy Màn Trò, nhưng cũng ở đầu dải cát sa bồi. Từ trước đến nay, ai cũng cho rằng trong bãi lầy không có người ở. Giặc Nguyên hơn ta về quân cưỡi ngựa, ta giỏi hơn chúng về tài đánh trên sông. Nếu như trận đánh xảy ra ở đây, giặc sẽ tránh giao chiến trên sông Thiên Mạc với ta. Chúng sẽ rút lên dải cát sa bồi này, lập thế trận dựa lưng vào bãi Màn Trò để quyết chiến với ta trên vùng đất khô ráo quen với vó ngựa của chúng.
Trần Bình Trọng suy nghĩ về lời nói của ông già:
-Có phải ông lão cho rằng tướng giặc sẽ lấy dải cát sa bồi này làm đất quyết chiến không?
-Chính vậy đấy! Nhưng ta có cách buộc chúng không thể quyết chiến ở đây mà phải chịu những đòn ta đánh ở chỗ khác và ở những hướng, khác với ý muốn của chúng.
- Ông lão nói nốt đi!-Trần Bình Trọng giục, rõ ràng câu chuyện đã khiến ông thật sự quan tâm.
-Đây nhé! Tướng quân xem, chúng muốn đổ quân lên bộ cũng phải dùng những bến thuyền này. Bởi vì ở đây bờ sông thấp, lại có những vụng nhỏ tránh được sóng gió. Nhưng chúng không bao giờ nghĩ rằng chúng có thể bị đánh từ cửa Hàm Tử trở xuống, vì rằng bên kia cửa Hàm Tử là bến Chương Dương thẳng đường về Thăng Long, giặc sẽ dễ dàng ra cứu.
Trần Bình Trọng khen thầm. Ông khẽ gật đầu và giơ tay chỉ về phía Màn Trò hỏi tiếp:
- Ông lão định phục binh trong đó để đánh vỗ vào lưng quân giặc phải không?
- Ấy là nếu lão cầm quân, chứ lão đã trên bảy mươi tuổi đầu rồi và cũng chẳng ai bái lão làm tướng. Nhưng nếu lão cầm quân, lão sẽ bày trận như vậy đó!
Gương mặt Trần Bình Trọng rạng rỡ hẳn lên. Ông nói to với ông già Xuân Đình:
- Ông lão nói rất đúng. Ta cũng sẽ phục quân trong Màn Trò. Như thế, nếu giặc phải giao chiến trên sông Thiên Mạc hay trên bãi sa bồi này chúng đều phải đánh trên thế đất chết của chúng. Binh pháp cũng nói như vậy đấy!
Ông già Xuân Đình nhận lời khen một cách im lặng. Ông ta kín đáo nhìn Trần Bình Trọng với một vẻ quý mến. Trần Bình Trọng nói tiếp:
-Nhưng ngặt vì quân ta tuyển dân binh phía bắc lộ Khoái nên chẳng có người thông thạo thế đất Màn Trò. Ông lão chưa trả lời ta xem có tìm được người dẫn đường không.
-Chính để trả lời câu hỏi đó mà lão nói về thế đất của cả vùng Thiên Mạc này. Biết rõ Màn Trò, trị được Màn Trò nay chỉ còn có lão mà thôi. Chả là vì lão quanh năm ngày tháng cứ lặn lội trong cái bãi lầy ấy mà. Cũng vì vậy mà người vùng này quen gọi lão là ông già Màn Trò.
Ông già cởi hàng khuy áo. Một chuỗi răng cá sấu đeo thõng trước ngực ông già.
-Chuỗi này đã được chín mươi chín chiếc răng. Ngày trước lão định giết đủ một trăm con cá sấu, lấy răng làm cho con trai lão một chuỗi. Nhưng đã gần một năm nay, lão bặt tin nó. Lão không biết nó có còn sống không. Mà lão thì già rồi, việc nước đang cấp bách. Thôi thì lão xin biếu tướng quân chuỗi răng này làm vật ra mắt và cũng là để tỏ rõ rằng từ nay bãi lầy Màn Trò kia đã tôn tướng quân làm chủ.
Ông già gỡ chuỗi răng choàng lên cổ Trần Bình Trọng. Chuỗi răng thật đẹp, chiếc nào cũng nhọn sắc, nước men bóng như ngà chuốt. Trần Bình Trọng đang ngắm chuỗi răng thì có tiếng vó ngựa giòn giã vẳng tới. Từ phía cửa Hàm Tử, một con ngựa phi đến rất nhanh. Con ngựa chắc đã phải vượt một chặng đường khá dài nên bốn vó của nó run lẩy bẩy khi dừng lại. Một người lính truyền tin đeo ống công văn bên sườn từ lưng ngựa tụt xuống đất. Người lính vái chào Trần Bình Trọng rồi dốc trong ống công văn ra một tờ giấy cuộn tròn. Anh ta đem tờ giấy dán lên cổng chính làng Xuân Đình. Trần Bình Trọng hỏi:
-Giấy gì thế?
-Thưa tướng quân, đây là tờ chiếu của triều đình.
Trần Bình Trọng lẩm nhẩm đọc. Ông hỏi ông già Màn Trò:
- Ông lão có biết chữ không?
-Khổ quá, lão trước làm cấm vệ trong quân Thần sách. Lão không được học văn. Giá có thằng con trai lão ở đây thì nó đọc được.
-Ta muốn cho đọc to tờ chiếu này để trăm quân đều hiểu.
Trong lúc ông già cúi đầu nhớ đứa con, Trần Bình Trọng gọi lớn vào trong làng ra lệnh:
-Ai biết chữ lên ngay đây!
Tiếng quân lính lại truyền đi khắp vùng đóng quân: "Ai biết chữ lên hầu chủ tướng!... lên ngay hầu chủ tướng!" Người lính biết chữ trong đạo quân của Trần Bình Trọng chính là Hoàng Đỗ. Đó là điều làm cho Trần Bình Trọng kinh ngạc vô cùng. Cậu bé nô tì chăn ngựa bướng bỉnh vừa bước tới đã chợt a lên một tiếng rồi sụp lạy nhưng không phải lạy Trần Bình Trọng, mà là sụp lạy cung kính, thiết tha ông già kỳ dị làng Xuân Đình.
-Bố ơi! Đứa con này thật không có hiếu. Con đã chẳng đỡ chân đỡ tay được cho bố lúc tuổi già.
-Con... con có tội gì đâu!
Ông già ôm lấy con trai, nâng nó lên, nhìn mãi mấy chữ "Quan trung khách" thích chàm trên trán.
Trần Bình Trọng không được thấy cảnh chia tay của hai cha con ông già Màn Trò. Nhưng ông được thấy cảnh gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ nói rõ được cảnh chia tay trước đây. Ông giả vờ ngoảnh mặt đi để cha con người nô tì hỏi han nhau. Ông già Màn Trò hỏi con:
-Mày có khỏe không?
-Con khỏe lắm! Bố xem này!
Cậu bé vén tay áo, nhịn thở, lên gân làm nổi lên mấy cái thăn chuột trên cánh tay gầy nhom cho cha xem.
-Nom thế nhưng mà cứng lắm đấy bố ạ.
- Ờ... ờ, mày có nhớn lên đấy.
-Bố có khỏe không?
-Tao thì bao giờ chẳng vậy. Nhưng mà mày đã lập được chút công nào chưa?
Ông già trợn mắt nhìn con. Cậu bé nhoẻn cười:
-Bố thử xem con có cái gì đây.
Cậu bé gỡ dải thao xanh cho bố xem.
Ông già Xuân Đình kêu lên:
-Ngân tiền à? Ngày xưa đến tao cũng không được thứ này đấy!
Cậu bé chăn ngựa chỉ về phía Trần Bình Trọng, ý nói chính ông là người đã thưởng cho cậu. Ông già Màn Trò kéo con trai lại trước mặt ông tướng Thánh dực:
-Mày lạy ân nhân đi.
Cậu bé bướng bỉnh quỳ gối sụp lạy. Trần Bình Trọng đỡ chú bé dậy. Ông chẳng biết nói gì với hai cha con ông già Màn Trò. Cuộc gặp gỡ đột ngột này đã nói tất cả những điều họ mong muốn. Một lát sau, tiếng của Hoàng Đỗ từ trong làng đã vọng lên đê cao lời chiếu từ trung doanh thảo ra: "...Phàm các quận, huyện trong nước, hễ có giặc ngoại xâm kéo đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu sức địch không nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không được đầu hàng".
-Thế là từ nay ta có tới hai người thuộc thế đất Màn Trò. Trần Bình Trọng nói, vẻ mãn nguyện.
Ông già Màn Trò cũng hào hứng hẳn lên:
-Màn Trò thế rất hiểm. Ta muốn tiến thì tiến, muốn lùi thì lùi. Lão nguyện theo tướng quân giữ lấy đất này đánh giặc, kỳ đến khi chúng không còn một mống nhỏ.
* * *
Từ một gia nô mặc áo lính, cậu bé chăn ngựa được Trần Bình Trọng tin dùng, giữ luôn ở bên ông. Còn ông già Màn Trò được tự do ra vào quân doanh của Trần Bình Trọng. Vị tướng trẻ tuổi coi ông cụ như một bậc thầy. Khi quân lính ninh nhừ cháo khoai bưng lên, Trần Bình Trọng nài ông già Màn Trò:
- Ông lão ngồi đây ăn với ta.
Trần Bình Trọng ép bằng được ông già phải ngồi cùng mâm với mình. Ông có vẻ tiếc:
-Giá mà ta được gặp ông lão sớm hơn nữa nhỉ!
-Cũng thế thôi tướng quân ạ. Bởi vì khi đó tướng quân sẽ coi lão như bất cứ một người lính cấm vệ nào khác. Mà thật ra lão cũng chỉ là một lính cấm vệ đã về già.
Ông già cười. Trần Bình Trọng im lặng. Câu chuyện của hai người bị ngắt quãng vì một người lính vội vã tới báo tin ngoài sông có một đoàn thuyền từ phía Thăng Long xuôi xuống. Trần Bình Trọng vội buông bát, lên đê. ... Đoàn thuyền to dần. Màu cờ, hiệu phướn đã phân biệt được. Sắc mặt Trần Bình Trọng bỗng thay đổi. Ông bồi hồi nhận ra hiệu cờ Long phụng cắm trên mũi chiếc thuyền nhẹ sơn son đi chính giữa. Long phụng là hiệu cờ của nhà vua! Trần Bình Trọng lập tức ra lệnh cho quân Thánh dực lên đê bày trận. Khi đoàn thuyền cập bến, Trần Bình Trọng cho phất cờ hiệu. Quân Thánh dực cùng giơ khiên giáo lên, múa rất đều bài mừng quen thuộc của họ trước đây ở trường bắn kinh thành. Những đường khiên múa xoáy tròn, những làn giáo đưa nhanh, rung tít ngù bông nhuộm đỏ. Khi những người lính uốn mình, dải áo lượn mềm quấn quanh người họ... Thuyền Long phụng cập bến. Nhân Tông bước lên trước. Gương mặt nhà vua có xanh đi chút ít, vẻ lo nghĩ đọng ở quầng thâm khóe mắt, nhưng Nhân Tông đang nở một nụ cười tươi.
-Quan gia muôn tuổi! Quan gia muôn tuổi!
Tiếng các chiến sĩ tung hô vang dậy bến sông Thiên Mạc. Trần Bình Trọng cảm thấy say sưa, chuếnh choáng. Ông hô lên thật to:
-Múa lên! Múa cho tròn ngọn cờ Thánh dực!
Một người lính cầm ngọn cờ Thánh dực tiến lên ba bước đứng trước hàng quân. Người lính vung mạnh cho lá cờ lớn giũ hết nếp rồi cầm thu hai tay vào giữa cán, múa xoáy tròn.
-Trống đâu? Đánh lên!
Hàng chục cỗ trống đồng cùng được nâng lên khỏi mặt đất. Cứ mỗi cỗ trống là bốn người đánh. Tiếng trống trận trầm rền bùng binh...bùng binh loang mãi ra, ù ù như tiếng sấm truyền qua mặt sông động sóng. Theo điệu trống, quân Thánh dực say sưa múa bài khiên giáo tuyệt diệu của những người lính túc vệ thượng đô. Nhân Tông sung sướng bước lên đê cao. Theo sau nhà vua là một vị tướng già mặc áo chiến may chẽn nhưng ống tay phải lại rất rộng. Trần Bình Trọng bồi hồi nhận ra vị tướng già mặc áo nửa văn nửa võ ấy chính là Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Trần Bình Trọng sụp lạy.
-Bảo Nghĩa hầu hãy đứng lên. Ta miễn lạy cho. Hầu ra lệnh cho các nghĩa sĩ ngừng múa đi. Hãy dẹp bớt nghi lễ để dành sức trăm quân cho chiến trận sau này.
Nhân Tông truyền ôn tồn nhưng cũng rất cương quyết. Trần Bình Trọng vội tuân theo. Khi nhà vua và Trần Quốc Tuấn đi qua trước hàng quân, tiếng tung hô lại vang dậy bến sông Thiên Mạc. Nhân Tông nhìn những khuôn mặt nghiêm nghị, dày dạn khói lửa chiến chinh. Trần Bình Trọng cung kính đi theo sau nhà vua và Quốc công Tiết chế. Ông cũng nhìn những người lính của mình. Ông thấy trên nhiều vầng trán có thích chàm ba chữ... Trần Quốc Tuấn bảo vị tướng trẻ tuổi:
-Bảo Nghĩa hầu xem kìa. Chúng ta thật hạnh phúc được chỉ huy những người lính như thế này.
Câu nói của Trần Quốc Tuấn đã gợi cho Trần Bình Trọng nhiều suy nghĩ. Ông im lặng đưa nhà vua và Tiết chế về nghỉ tạm trong một căn nhà cuối làng Xuân Đình. Tới nơi, Trần Quốc Tuấn sai sắp ngay ngựa. Ông bảo Trần Bình Trọng lấy người dẫn đường đưa ông đi xem xét thế đất trong vùng. Chỉ một lát sau, Trần Quốc Tuấn đã phi ngựa trên đê. Sau lưng vị tướng già là Trần Bình Trọng và mười người lính cưỡi ngựa, trong đó có Hoàng Đỗ. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, từng đàn ngỗng trời đang bay về Màn Trò. Trên bãi lầy đầy lau sậy xanh rờn, sương chiều buông xuống, bay la đà, nhẹ và trong suốt. Nằm kẹp giữa Màn Trò và sông Thiên Mạc, dải cát sa bồi bắt ánh nắng xiên khoai, trắng lấp lánh. Trần Quốc Tuấn gò cương ngựa chiến, rướn mình trên bàn đạp. Ông ngắm rất lâu bến Chương Dương mờ ảo bên kia sông xa tít. Ông chau mày nhìn cửa Hàm Tử hầu như không có bờ. Ông phóng ngựa xuống bãi sa bồi. Đoàn người ngựa càng dấn sâu vào dải sa bồi, vó ngựa càng chuệnh choẽng trên cát lỏng. Như muốn thử sức ngựa, Trần Quốc Tuấn ra roi thật mạnh. Con ngựa chiến chồm lên nhưng chỉ trong chốc lát đã mỏi gối, chùn vó lại... Khi quay về, Trần Quốc Tuấn cho ngựa đi bước một. Ông không xem xét thế đất nữa mà luôn luôn đặt ra những câu hỏi về những bí ẩn của bãi lầy Màn Trò. Mỗi câu trả lời của cậu bé chăn ngựa lại gợi cho vị tướng già nhiều ý mới và ông lại hỏi tiếp Hoàng Đỗ. Khi về tới cổng làng Xuân Đình, Trần Quốc Tuấn bảo Trần Bình Trọng:
-Bảo Nghĩa hầu có thằng bé dẫn đường ngoan lắm!
Lời khen của vị Tiết chế đầu bạc làm cho cả Trần Bình Trọng lẫn Hoàng Đỗ cùng sung sướng cảm động.
Chương 4
Tới Xuân Đình, Trần Quốc Tuấn vào chầu Nhân Tông. Ông thấy vị vua trẻ tuổi ngồi khoanh chân bằng tròn, ngâm thơ trước một bát nước lã đun sôi bốc khói nghi ngút: Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng, Bóng chiều man mác, có như không. Theo hồi sáo trúc, trâu về hết, Cò trắng theo đôi, đáp xuống đồng. Từ căn nhà trống trải, những lời thơ ca ngợi cảnh Thiên Trường êm dịu lan ra mảnh vườn vắng vẻ và không có tiếng vang vọng lại. Trần Quốc Tuấn giơ tay ra hiệu ngăn Trần Bình Trọng đứng lại. Ông nói nhỏ:
-Quan gia sẽ cứ ngâm thơ như thế cho đến sáng đấy!
Quốc Tuấn rất hiểu lòng vị vua trẻ tuổi mà nạn nước đã buộc phải rời kinh thành. Nhân Tông biết nghe lời những bậc cha chú.
Nhân Tông hiểu biết sớm trước tuổi. Cũng may trong triều có những người bầy tôi giỏi Họ đã từng cầm quân chống giặc trong nạn nước năm Đinh Tị. Họ biết đề phòng giặc ngay cả khi đất nước thái bình, và vẫn thường đem những chuyện xưa tâu Nhân Tông. Dòng máu Đông Y của những người hào kiệt hai mươi bảy năm trước đây đã chảy mạnh trong người Nhân Tông, làm cứng rắn tâm hồn vị vua trẻ tuổi. Trần Quốc Tuấn áy náy vì nhà vua đang đói nhưng ông cũng yên lòng khi thấy Nhân Tông ung dung, sớm quen với những khó khăn mới trong chiến chinh, trong nạn nước... Quốc Tuấn quay trở ra. Ông bảo Trần Bình Trọng tìm thức ăn dâng nhà vua. Nhưng số khoai mà quân Thánh dực ăn hồi trưa đã hết. Dân Xuân Đình và những thôn làng lân cận đi vào chỗ cất giấu lương thực trong bãi lầy để lấy chưa về. Có thể canh ba đêm nay họ mới về tới làng. Quốc Tuấn chừng biết tính Trần Bình Trọng. Ông cười bảo vị tướng Thánh dực:
-Đến chúng ta tìm một chút lương ăn dâng Quan gia mà còn khó, huống hồ bọn giặc nước. Bảo Nghĩa hầu nên mừng chứ không nên bực tức. Có điều phải dặn dân để lương sao cho kín, địch không thể tìm thấy, còn ta khi cần đến lại đem ra được dễ dàng.
Trần Quốc Tuấn chống gậy bước vào một căn nhà khác kề bên căn nhà của vị vua trẻ. Nhà vắng chủ, chỉ có một đứa trẻ lên hai ngồi chơi một mình trong một cái hòm gian to mở nắp. Đứa bé chắc đã quen chơi tha thẩn một mình nên nó không khóc. Nó lại còn cười với Trần Quốc Tuấn khi vị Tiết chế già bước lại gần. Quốc Tuấn ngồi xuống bên cái bếp nhỏ giữa căn nhà. Ông gầy chút lửa để sưởi...
Đêm xuống dần. Những mẩu nến mang từ kinh thành đi đã được thắp lên trong một vài căn nhà yên ắng. Tiếng ngâm thơ của vị vua trẻ nhà bên kia vẫn dìu dịu vẳng ra:
... Ngủ dậy vẳng nghe chày đập vải
Chùm hoa mộc trắng đọng trăng xanh.
Mấy câu thơ làm Trần Bình Trọng bồi hồi. Ông đã từng được nghe Nhân Tông ngâm mấy lần hồi còn ở Thăng Long. Những lời thơ ca ngợi vẻ đẹp của kinh thành trong đêm trăng gợi nhớ trong lòng Trần Bình Trọng, một người hết mực yêu quý Thăng Long. Ông thốt nhiên yêu mến gấp bội nhà thơ trẻ và thấy tất cả vẻ ung dung thư thái của một con người tin tưởng sắt son vào sự vững bền của đất nước. Trần Bình Trọng nhìn qua khuôn cửa về phía hướng kinh thành. Khói đã thôi bốc, lửa thôi nhuốm vầng mây. Thăng Long ở về phía đó. Trần Bình Trọng tự nhủ : "Dân ta như vậy, quân ta như vậy, Quan gia và Quốc công như vậy. Thăng Long sẽ trở lại thành quốc đô". Đó là niềm tin sáng chói trong lòng ông tướng Thánh dực và cũng là lời nguyền chân thành của ông... Trước khi đi ngủ, vị vua trẻ đã ra lệnh cho Trần Bình Trọng sang hầu bên nhà của Quốc công Tiết chế. Nhân Tông dặn Trần Bình Trọng:
-Bảo Nghĩa hầu nên nhắc Quốc công Tiết chế nghỉ cho lại sức. Việc nước còn phải lo nhiều đấy!
Trần Bình Trọng tuân lệnh. Ông sang bên nhà Quốc Tuấn. Căn nhà yên tĩnh lạ thường. Trần Bình Trọng khoanh tay đứng, ông suy nghĩ sâu xa về câu nói của Nhân Tông. Ông lặng lẽ ngắm Tiết chế. Trần Quốc Tuấn đang bế đứa bé con người chủ nhà. Đứa bé ngọ nguậy khóc ra rả. Quốc Tuấn khẽ rung đôi tay và nựng nó. Chiếc khóa bạc nhỏ xíu đeo ở cổ chân đứa bé reo lên những tiếng lanh canh vui tai. Trần Bình Trọng chợt thấy Quốc Tuấn chăm chú ngắm chiếc khoY bạc. Tiết chế mỉm cười và cất giọng bình một đoạn văn cổ để ru đứa bé. Trần Bình Trọng kinh ngạc khi nghe giọng bình văn êm dịu của Tiết chế. Ông nhớ lại trước đây mỗi lần bình văn cổ, tiếng của Quốc Tuấn bao giờ cũng sang sảng như tiếng đồng... Thế mà lần này... Tiếng bình văn đều đều êm ái vẫn lan nhẹ ra. Đứa bé nín. Nó mở mắt nhìn người bế rồi êm tai, thiu thiu ngủ...
Trần Bình Trọng đắn đo chờ dịp nhắc lại lời dặn của Nhân Tông. Nhưng Quốc Tuấn vẫn đều giọng bình văn và ông bình đi bình lại có một đoạn văn ấy. Tiếng bình văn phảng phất vẻ lơ đãng rót mãi vào tai Trần Bình Trọng. Vị tướng Thánh dực ngạc nhiên, chú ý xem xét. Đột nhiên Trần Bình Trọng hiểu rằng người bình văn đang mải mê suy nghĩ một việc khác, Trần Bình Trọng lặng ngắm đôi lông mày rậm đang nhíu lại trên gương mặt Quốc Tuấn. Căn nhà trở nên yên ắng lạ thường và tiếng ngâm thơ chỉ là nền của một bầu không khí trang nghiêm chứa đựng biết bao tư tưởng lớn có liên quan tới vận nước.
Vị tướng Thánh dực băn khoăn về lời căn dặn của Nhân Tông. Từ trước tới nay Trần Bình Trọng chưa hề trái mệnh vua bao giờ. Nhưng lần đầu tiên, ông cảm thấy mình không thể nhắc lại lời dặn của nhà vua vào lúc này với Trần Quốc Tuấn được. Tâm trí Quốc công Tiết chế đang dồn hết vào việc nước. Làm kinh động, phá rối phút yên tĩnh trang nghiêm quý báu này của Quốc công Tiết chế không phải là tuân mệnh vua mà là một tội lỗi. Trần Bình Trọng cứ khoanh tay đứng như tượng đá trong góc nhà... Mãi tới lúc vạc kêu, người chủ nhà mới trở về. Chủ nhà là một người sống bằng nghề đăng đó. Bề ngoài, ông ta nom chất phác bình thường như trăm nghìn người dân sống trong các xóm làng. Ông ta lạnh cóng chân tay và lẩy bẩy mãi mới dốc được ở trong giỏ ra một mớ tôm càng tươi. Quốc Tuấn bảo Trần Bình Trọng chất thêm củi cho lửa cháy to để sưởi ấm cho chủ nhà. Lửa cao ngọn tỏa hơi ấm làm hồng hào da dẻ mọi người. Chủ nhà nói với Quốc Tuấn:
-Thưa cụ, nhà cháu biết quan quân đến làng nên muốn kiếm mớ tôm tươi, món ăn rất quý của vùng này, mà đi mãi đến bây giờ mới trở về. Thật nhà cháu hổ thẹn quá.
Trần Bình Trọng hoảng sợ khi thấy người chủ nhà gọi Quốc Tuấn bằng cụ. Nhưng Tiết chế đã đưa mắt ra hiệu cho Trần Bình Trọng im lặng. Quốc Tuấn nói với người chủ nhà chất phác:
- Ông đừng nói vậy. Miễn là quý ở tấm lòng thôi chứ.
Rồi Quốc Tuấn thân mật nói tiếp:
-Cháu này ban ngày chơi ngoan thế mà sao đến tối nó không chịu ngủ, cứ khóc ra rả mãi.
-Thưa cụ, tính nó là cứ phải có cháu nằm cạnh nó mới chịu ngủ. Hôm nay, nó chịu thế này là lần đầu tiên đấy.
Quốc Tuấn cười đôn hậu:
-Ra nó nhớ bố nó.
Thế rồi ông ngồi cạnh bếp lửa xem người chủ nhà loay hoay bắc nồi nấu cháo tôm. Người chủ nhà nướng một nhánh gừng. Ông ta bẻ một miếng đưa cho Quốc Tuấn:
-Thứ gừng này già. Nhà cháu để đã quá một năm, dùng nó để trị cảm mạo tốt lắm.
Quốc Tuấn cảm ơn, nhận mẩu gừng. Người chủ nhà đắn đo rồi khẽ hỏi:
-Nghe nói nhà bên cạnh có vị tướng to chức lắm phải không cụ?
- À, đấy là ông chép sử trong Thái sử viện. Nhưng trong số chúng tôi, ông ấy cũng là người cao chức nhất đấy.
Trần Bình Trọng mở to mắt nhìn người chủ nhà nhưng ông ta vẫn thản nhiên nói:
-Thế thì cháo tôm chín phải bưng cho ông ấy một bát mới được. Cháo tôm vùng này nổi tiếng khắp lộ Khoái đấy cụ ạ.
-Quả là cũng nên thế đấy.
Trần Quốc Tuấn lại đưa mắt ra hiệu cho Trần Bình Trọng im lặng. Người chủ nhà chăm chú coi nồi cháo. Quốc Tuấn sau chốc lát vui vẻ trầm lặng ngồi trước cái nồi đang reo lục bục trên bếp lửa. Đêm đã khuya lắm rồi. Bên nhà Nhân Tông, tiếng ngâm thơ đã tắt từ lâu. Làng Xuân Đình xanh đen dưới ánh trăng suông lạnh ngắt. Trong nhà, Quốc Tuấn lại chau mày và đắm chìm trong suy nghĩ. Sự suy nghĩ của ông mỗi lúc mỗi căng thẳng. Những nếp nhăn trên trán ông lấm tấm mồ hôi. Mắt ông sáng lên nhưng chỉ ghim chặt vào một chỗ nào đó trong bếp lửa. Ngắm Tiết chế suy nghĩ, Trần Bình Trọng cảm thấy tầm to lớn trong sự việc mà Quốc Tuấn đang phải đem hết tâm trí ra để tính toán. Nghĩ đến lời dặn của Nhân Tông, lại ngắm Quốc Tuấn suy nghĩ, Trần Bình Trọng thấy tức thở. Ông phải lặng lẽ bước rảo ra ngoài cửa.
Gió đêm về khuya lạnh làm cho lòng Trần Bình Trọng nhẹ đi rất nhiều. Ông thấy thương Quốc Tuấn vô vàn. Vận mệnh của toàn đất nước đè trĩu đôi vai vị tướng thống lĩnh toàn quân. Công việc ấy không thể vì một lẽ gì làm hỏng được... Một lát sau, người chủ nhà bưng chiếc mâm trên có để nồi cháo và một chồng bát đi ra. Theo sau là Trần Quốc Tuấn. Vị Tiết chết vẫy Bình Trọng cùng sang nhà Nhân Tông. Nhà vua hãy còn thức. Nhân Tông đang đọc những tờ biểu của các mặt trận gửi về. Người chủ nhà bưng mâm đặt trên giường. Ông ta vẫn mộc mạc:
-Vùng cháu có món cháo tôm cũng khá. Hôm nay lại đơm được một mớ cũng tươi.
Nhân Tông cười:
-Quý hóa quá! Mấy ông này ngồi cả vào đây cho vui nhé.
Nhân Tông ép cả Quốc Tuấn, Bình Trọng và chủ nhà cùng ăn. Bữa cháo tôm ăn khuya ngon lành và ấm cúng lạ thường... Khi mọi người ăn cháo xong, người chủ nhà xin lui. Nhân Tông bảo Trần Quốc Tuấn:
-Bây giờ Trọng phụ ban thưởng cho người này chứ!
Nghe thấy hai tiếng Trọng phụ, người chủ nhà ngơ ngác. Khi đã hiểu ra, ông ta hoảng sợ sụp xuống lạy nhưng Quốc Tuấn ngăn lại. Vị Tiết chế già tháo ở đai lưng ra một viên ngọc trai xâu chỉ vàng. Ông trao viên ngọc cho chủ nhà và nói:
-Viên ngọc này chưa phải để thưởng cho nhà ngươi đâu. Lúc nãy ngắm chiếc khóa bạc của cháu nhỏ, ta chợt nảy ra một ý mà ta đang suy nghĩ tìm tòi. Ta đã tháo xin chiếc khóa của cháu. Viên ngọc này là đền chiếc khóa đó thôi.
Quốc Tuấn giơ chiếc khoY bạc cho mọi người xem. Ông khẽ rung cổ tay. Khóa bạc lanh canh những tiếng vui tai. Ông nói tiếp:
-Còn tấm lòng của nhà ngươi thật đáng quý. Ta được phép Quan gia ban tước Giả lang tướng cho nhà ngươi.
Chủ nhà càng hoảng sợ. Ông ta vội sụp xuống lạy. Trần Bình Trọng cũng nghi hoặc nhìn Trần Quốc Tuấn nhưng vị tướng già vẫn điềm đạm nói tiếp:
-Quan gia đã cho ta quyền ban tước. Ta thấy công nhà ngươi thực đáng như vậy nên mới ban thưởng.
Người chủ nhà cúi lạy, xin lui nhưng vẫn hoảng hốt trước sự việc kỳ lạ ấy. Quốc Tuấn kính cẩn tâu vua:
-Công lao người ấy còn xứng đáng hơn tước Giả lang tướng. Nồi cháo này như mưa gió phải thì với nhà nông. Hơn nữa, lòng người ấy dành hết cho việc lớn của nước nhà.
Quốc Tuấn ngoảnh lại bảo Trần Bình Trọng:
-Bây giờ Bảo Nghĩa hầu hãy canh cửa để ta tâu việc cơ mật lên Quan gia.
Trần Bình Trọng tuân lệnh. Ông cắp kiếm ra đứng trấn ngoài cửa. Ông cảm thấy xúc động trước sự sáng suốt đầy tình nghĩa của Trần Quốc Tuấn. Ông nghĩ thầm: Biết người phải biết đến tận đáy lòng người ta. Sự thưởng phạt vì thế mới nghiêm minh được. Sự thưởng phạt nghiêm minh và tình thương quân, thương dân của Quốc công đã đem lại lòng tin phục sâu dày của quân, dân đối với người làm tướng...
Trần Bình Trọng lắng nghe thấy tiếng Nhân Tông ban khen Quốc Tuấn:
-Trọng phụ vẫn dè dặt quá. Ta đã cho Trọng phụ quyền ban tước với Thượng vị hầu mà sao Trọng phụ không dùng cho hết quyền.
-Tâu Quan gia, lão thần nghĩ rằng đánh xong giặc lúc đó bình công cũng chưa muộn.
Sau đó Trần Bình Trọng nghe thấy Quốc công Tiết chế tâu vua về kế đánh giặc trong thời gian sắp tới. Trần Quốc Tuấn nhận xét rằng thế đất vùng Thiên Mạc rất hiểm. Ông đoán trước giặc Nguyên sẽ lập trại cho quân thủy của chúng ở bến đò Chương Dương, ngay bên kia cửa Hàm Tử. Trại quân thủy này là cổ họng của chúng, là cứ điểm quan trọng, đảm bảo việc đi lại giữa miền đồng bằng với Thăng Long. Nó là tấm bình phong che chở cho quân giặc. Trần Quốc Tuấn cho rằng với cách bày quân của giặc như vậy, quân ta nhất định sẽ đánh một trận lớn trên vùng Thiên Mạc này. Trong trận ấy, bãi lầy Màn Trò, cửa Hàm Tử, dải cát sa bồi và bến Chương Dương sẽ là những chiến trường quyết liệt giữa đôi bên. Tất nhiên, kế hoạch diệt giặc của Quốc công Tiết chế không thu hẹp trong vùng Thiên Mạc như Trần Bình Trọng đã nói hôm trước. Trần Quốc Tuấn bàn rộng trên chiến trường cả nước. Ông nói đến đạo quân lớn của Thoát Hoan và đạo quân phụ của Toa Đô ở Chiêm Thành đang như hai mũi dùi nhăm nhe xuyên vào đất nước ta. Trần Quốc Tuấn nói chậm rãi để Nhân Tông hiểu rõ ý ông:
-Mặt khác, tướng giặc đã vào Thăng Long. Thần rất đau lòng phải ra lệnh rút lui để tạm tránh thế hung hăng ban đầu của giặc. Bởi vì giặc giỏi về quân cưỡi ngựa mà ta hơn hẳn chúng về tài đánh trên sông. Nếu như quân cưỡi ngựa của chúng dùng rất lợi trên vùng đồi núi của lộ Lạng Giang, thì ở vùng đồng bằng này sông ngòi chằng chịt chính là nơi quân thủy của ta có lợi. Hơn nữa, đường vận chuyển gạo, cỏ khô của giặc phải kéo dài mấy trăm dặm từ biên giới tới Thăng Long. Đấy chính là chỗ yếu muôn đời của giặc khi rải quân xâm lược. Lão thần đã sai các tướng đem thuyền chiến chẹn giữ thật chắc từ đảo Vân Đồn tới cửa sông Bạch Đằng. Với tài đánh trên sông của quân ta, giặc không dễ gì vào lọt được tới đất liền. Còn từ Lạng Giang về Thăng Long, thần đã cho các tướng đem dân binh đánh chẹn các đoàn tải lương của giặc suốt dọc đường cái quan. Thần tính, giặc sẽ phải chia quân đóng đồn giữ đường lương. Ba tháng nữa lại đúng vào tiết hè nóng bức, giặc sẽ vừa đói, vừa ốm bệnh, chịu sao nổi. Lúc ấy ta sẽ quyết chiến một trận lớn với chúng.
Nhân Tông nghe Quốc Tuấn tâu, vẫn ngồi im. Nhà vua chờ đợi Quốc công Tiết chế nói hết kế hoạch của mình. Quốc Tuấn biết Nhân Tông còn lo lắng về đạo quân của Toa Đô ở mặt nam. Ông tâu tiếp:
-Mặt Hoan, Diễn, Toa Đô có mười vạn quân, nhưng giặc chỉ mạnh bề ngoài mà thôi. Toa Đô đã phải đánh nhau trên một miền đất xa nước chúng hàng ngàn dặm biển. Chúng lại không quen sóng nước. Đã ốm bệnh, lại bị đánh hao mòn nhiều, gạo cỏ chuyển không đủ, giặc kia ắt nao núng. Mặt ấy, lão thần nghĩ ta cần cử một tướng giỏi, chọn thế hiểm, chẹn giữ cho chắc, khiến Toa Đô tiến không nổi mà đóng lại thì chết đói.
-Trọng phụ đã nghĩ chọn tướng nào chưa?
-Xin Quan gia trao quyền đại tướng mặt nam cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Thượng tướng quân chính là người đủ tài kìm chặt chân tướng giặc Toa Đô không cho nó vào Hoan, Diễn.
Trần Bình Trọng nghe Trần Quốc Tuấn tâu vua chọn Trần Quang Khải thì rất kinh ngạc. Ông biết rất rõ mối hiềm khích có sẵn từ lâu giữa hai vị tướng tài của triều đình. Lòng dạ thẳng ngay của Trần Quốc Tuấn thật đáng phục! Nhân Tông chừng cũng có ý nghĩ giống như Bình Trọng. Nhà vua im lặng một lát rồi mới đáp:
-Quang Khải mà chặn thì Toa Đô chịu bó giáo thôi.
-Khi ấy, Toa Đô sẽ phải bỏ mặt trận phía nam, xuống thuyền tìm đường về Thăng Long để nương tựa và đạo quân của Thoát Hoan. Lão thần nghĩ, phục binh cho khéo trên sông thì chỉ một trận sẽ đánh tan đạo binh của Toa Đô đói mệt, lang thang trên đường rút lui. Có thể chiến trường sẽ chính là vùng Thiên Mạc này. Thần đã xem xét kỹ thế đất hiểm trở quanh đây. Dùng quân mai phục thật là tốt.
Nghe xong câu nói của Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng cảm thấy mọi điều đều rõ ràng cả. Ông càng thấy thế đất vùng Thiên Mạc quan trọng biết bao nhiêu. Ông càng thấy bãi lầy Màn Trò là đất tốt để phục quân chờ một trận quyết chiến. Ông cảm thấy niềm tin chiến thắng của mình càng thêm vững vàng, một niềm tin dựa trên những suy tính thông minh, chắc chắn. Ông lại hiểu được thêm rằng tất cả các trận đánh từ nhỏ cho chí to, tất cả các mệnh lệnh ra quân hoặc rút lui đều là những chi tiết họp lại thành toàn bộ cuộc đánh giặc giữ nước. Tất cả giống như một thế cờ tướng mà quân hai bên đã bày đúng vị trí của nó. Cuộc cờ sẽ diễn ra theo luật lệ, và người làm tướng cần biết từ nước đầu đến nước cuối sẽ biến hóa như thế nào.
Trần Quốc Tuấn đã nói xong kế hoạch giữ nước của mình. Nhà vua đột nhiên ngâm một vần thơ sảng khoái:
Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ
Hoan, Diễn ta còn chục vạn binh.
Chẳng những Hoan, Diễn ta còn chục vạn quân mà điều đáng mừng lớn chính là cả nước ta đã biết đấu sức lại chống giặc. Trần Bình Trọng chợt nghĩ đến lời Quốc Tuấn thường nói với trăm quân và dân binh: "Cả nước đấu sức lại mà đánh!". Đúng thế, giặc không phải chỉ có chống với mấy chục vạn quân ta, mà chúng còn phải chống đỡ với hàng chục triệu dân ta nữa. Dân ta từ khi mở nước đến nay có bao giờ chịu khoanh tay để cho lũ giặc ngông cuồng giày xéo lên đất nước!
Trong nhà, Trần Quốc Tuấn đang nói kỹ hơn về một vài điều trong bản kế hoạch của ông. Quốc Tuấn nhận định rằng giờ đây giặc sẽ ra sức truy lùng những trụ cột của cuộc kháng chiến, chủ yếu là chúng sẽ đuổi theo dấu thuyền Long phụng. Chúng cho rằng nếu diệt được đầu rồng thì thân rồng sẽ bị diệt theo. - Vì vậy một vài trận tử chiến sẽ phải xảy ra để cản bước tiến đuổi giặc. Thần đã chọn những bầy tôi trung dũng đảm đương. Trần Quốc Tuấn kể một số tướng đã vinh dự được chọn: Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái và Trần Bình Trọng...
Vị tướng Thánh dực cảm thấy người ấm lên và ông thầm cảm ơn sự chọn lựa của Trần Quốc Tuấn. Đêm đã sang nửa canh tư. Giun dế ăn sương đã thôi kêu ngoài vườn. Tiếng chân của binh sĩ tuần phòng trong làng Xuân Đình giẫm thậm thịch nho nhỏ trên nền đất ẩm. ...
Trần Bình Trọng chợt giật mình khi Quốc Tuấn gọi ông vào. Ông thấy vua Nhân Tông đã thay mặc một bộ áo chiến bình thường. Nhà vua đứng giữa nhà, trước một đống lửa nhỏ cháy bập bùng. Vẻ mặt vị vua trẻ tuổi đầy tin tưởng. Đôi mắt sáng lên long lanh và một nụ cười thoáng nở trên môi. Trần Quốc Tuấn hỏi:
-Nghe nói Bảo Nghĩa hầu có tới hai người thuộc đường Màn Trò phải không?
-Thưa Quốc công, chính là cha con người lính chăn ngựa của tiểu tướng.
-Có phải thằng bé dẫn ta đi xem thế đất chiều hôm qua chăng?
-Dạ phải.
-Thế thì tốt lắm. Nhưng ta chỉ cần một ngươi dẫn đường thôi. Hiện nay Bảo Nghĩa hầu có bao nhiêu binh sĩ?
-Thưa, trên một ngàn quân bộ, năm trăm quân cưỡi ngựa và mươi chiếc thuyền chiến.
Trần Quốc Tuấn lẩm nhẩm tính rồi nói:
-Bây giờ có hai việc cần làm. Một là phải bảo vệ Quan gia về lộ Thiên Trường tránh giặc. Hai là tìm đến quân doanh của Thượng tướng quân Trần Quang Khải để đưa một bản mệnh lệnh rất quan trọng và cũng rất bí mật. Nhưng muốn làm trót lọt hai việc này cần có kế lừa giặc. Ta định dùng nghi binh trên nhiều hướng và ta cũng giao cho Bảo Nghĩa hầu một mệnh lệnh quyết tử đấy.
Trần Bình Trọng chắp hai tay trước ngực:
-Xin Quốc công cứ ra lệnh.
-Bảo Nghĩa hầu sẽ chặn không được cho giặc vào cửa bãi lầy.
-Xin vâng lệnh.
-Hãy khoan. Nhưng Bảo Nghĩa hầu không có đầy đủ số quân Thánh dực này đâu. Ta sẽ lấy đi khoảng một nghìn, hầu hết số ngựa và tất cả những chiếc thuyền chiến dùng vào việc nghi binh đấy.
-Quốc công đã tính toán đủ mọi bề, xin cứ ra lệnh.
Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc nhìn Trần Bình Trọng. Ông chăm chú ngắm ánh mắt đầy tin tưởng của ông tướng Thánh dực.
-Đã vậy, việc nghi binh ta giao nốt cho Bảo Nghĩa hầu. Bảo Nghĩa hầu hãy chừa cho ta con đường Màn Trò nhé. Từ trước tới nay chưa ai biết có đường thông qua Màn Trò. Không nghi binh đường ấy mới chính là mưu cao đấy.
-Thưa Quốc công, ta nên chọn người nào dẫn đường đưa Quan gia về Thiên Trường?
-Chọn ai cũng tùy ở Bảo Nghĩa hầu. Người ấy phải trung thành, dũng cảm và mưu trí. Bảo Nghĩa hầu nên nghĩ rằng chọn ai đi cũng là trao việc quân vinh dự cho người ấy đấy.
Trần Bình Trọng xuống các đô chọn mười người chỉ huy thông minh, gan dạ. Ông dặn dò họ kỹ lưỡng về kế hoạch nghi binh. Khi canh tư sắp hết, họ chia làm mười toán nhỏ, mỗi toán một trăm người. Toán nào cũng đều dùng hiệu cờ Long phụng. Mỗi toán đi một ngả đường, toán dùng thuyền, toán dùng ngựa. Ở bến thuyền vào bãi lầy Màn Trò, Trần Bình Trọng sai sắp những chiếc thuyền nhẹ chờ sẵn. Sau đó ông đi tìm cha con ông già Màn Trò để chọn người dẫn đường cho Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn. Ông gặp họ đang ở chỗ buộc ngựa. Họ đang mê mải với đàn ngựa, không biết có Trần Bình Trọng tới. Ông nép vào sau một bụi cây để xem xét. Ông đang phân vân xem nên chọn trong hai cha con lấy người nào đi dẫn đường cho nhà vua. Cậu bé nô tì đang quần một con ngựa non cho cha xem. Con ngựa chưa đầy ba tuổi, hãy còn chưa quen cương. Nó hất đầu, hất cổ lồng lên, bờm tung bay trước gió. Hoàng Đỗ cưỡi vo, không yên cương. Cậu chỉ dùng một sợi dây thừng quấn quanh mõm ngựa. Con ngựa non tinh quái hất Hoàng Đỗ ngã xuống đất hai ba lần liền nhưng cậu bé lại thót lên lưng nó, miệng vẫn cười toe toét. Con ngựa chồm dựng hai vó trước, rồi hất ngược hai vó sau. Nó làm đủ phép nhưng không sao làm cho cậu bé nô tì hoảng sợ. Cậu cứ ghì chặt lấy cổ nó và buộc nó phải chuyển sang nước kiệu ba. Con ngựa thật tốt. Nước kiệu ba của nó đều tăm tắp. Đúng là nó được một tay luyện ngựa rất giỏi chăn dắt bấy nay. Trần Bình Trọng chợt mở to mắt kinh ngạc. Ông trông thấy Hoàng Đỗ nhún hai nhịp sai với nước kiệu của con ngựa. Nhưng ông chợt nhận ra cái nhún của Hoàng Đỗ chính là có dụng ý. Con ngựa đã ngoan ngoãn đổi chân cho khỏi mỏi. Trần Bình Trọng mỉm cười. Ra cái thằng bé này tinh quái thật. Nó biết mọi mánh khóe của những người cưỡi ngựa có tài nhất.
-Bố ném cho con cái roi.
Ông già Màn Trò tung cái roi liễu cho Hoàng Đỗ.
Nhưng cậu bé không dùng roi để trị ngựa. Cậu vung roi múa bài kiếm ngắn, bài kiếm tuyệt diệu mà những vị tướng dòng tôn thất nhà Trần thường tự hào. Trần Bình Trọng nhận thấy cậu bé tuy có múa vài đường không đúng bài, nhưng cách múa của cậu thực sinh động và có khí thế. Từ buổi sáng qua tới giờ chưa đầy một ngày đêm mà xem ra Hoàng Đỗ thay đổi khá nhiều. Cậu hồn nhiên trổ tài cho bố xem. Cậu lộn trên lưng ngựa, cậu cưỡi xoay mặt lại như những tay bắn cung tuyệt giỏi khi muốn bắn chặn đường địch đuổi. Cậu bắt con ngựa nhắc từng chân theo ý muốn. Mỗi lần ra xong một trò gì, cậu lại vung roi ngựa chào ông già Màn Trò. Tiếng cười của cậu tươi trẻ, giòn tan. Đứng trong chỗ nấp, Trần Bình Trọng quan sát kỹ lưỡng. Hoàng Đỗ thật là một mầm cây sung sức. Cho Đỗ đi theo Quốc công chính là để mở đường cho mầm ấy thành một cây lớn sau này. Trần Bình Trọng lại gần hai cha con. Ông báo cho Đỗ sửa soạn để đưa Quan gia và Quốc công lên đường. Nhưng chợt nghĩ đến hai cha con mới gặp nhau chưa đầy một ngày, Trần Bình Trọng lại nói với ông già Màn Trò:
- Ông lão cũng có thể đi luôn chuyến này với cháu đấy!
Ông già Màn Trò lưỡng lự:
-Lão còn xem đã.
Trần Bình Trọng dẫn họ về nhà Nhân Tông đang ở. Trần Quốc Tuấn hỏi cậu bé chăn ngựa một lần nữa về con đường qua Màn Trò. Ông hài lòng vì Hoàng Đỗ tỏ ra hiểu rõ bãi lầy. Ông giơ một viên sáp lớn lên trước mặt:
-Đây là một đạo lệnh bí mật bọc sáp. Khi vượt xong bãi lầy, cháu tách đi một đường riêng tới quân doanh của Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Cháu sẽ trao tận tay Thượng tướng quân bản lệnh này và chỉ được trao cho chính tay Thượng tướng quân mà thôi. Nếu nửa đường gặp giặc, cháu phải cố vượt thoát. Nếu vượt không được thì phải nhai nuốt bản lệnh này đi. Việc lớn của nước nhà nằm trong viên sáp này đó!
Trần Quốc Tuấn trao viên sáp cho Hoàng Đỗ. Chú bé chăn ngựa nhận viên sáp và cúi đầu nghĩ ngợi. Trần Quốc Tuấn chăm chú ngắm cậu bé. Ông đã được Trần Bình Trọng kể lại trận phá vây ải Khả Lá và những người lính được thưởng đồng tiền bạc. Ông hỏi:
-Cháu còn vương vấn điều chi trong lòng thế?
-Thưa Quốc công, cháu chỉ là thằng bé chăn ngựa. Nhưng bố cháu đã dạy cháu phải trung với nước. Dù có chết cho nước, cháu cũng không sợ, nhưng cháu sợ không đảm đương nổi việc này.
- Ờ, cháu cứ nói nữa đi. Thật thà như vậy là đáng khen đấy!
-Cháu sợ nửa đường gặp giặc.
-Thì cháu làm thế nào?
-Cháu sẽ cố vượt vòng vây.
- Nếu chúng vây kín quá?
-Thì cháu sẽ làm đúng như lời Quốc công đã dặn là nhai nuốt bản lệnh này đi.
-Thế là cháu hiểu kỹ lời ta đó.
Nhưng cậu bé chăn ngựa tỏ ra băn khoăn hơn:
-Nuốt xong, cháu không chịu chết một mình đâu. Cháu sẽ xông vào chúng nó. May ra cháu đổi mạng cháu được vài mạng giặc.
-Thế thì ta lại càng khen cháu chứ sao!
Hoàng Đỗ kêu lên:
-Nhưng dạo chúng cháu phá vây trên ải Khả Lá thì lại thế này cơ. Khi chúng cháu xông vào, chúng cháu liều chết với giặc, cuối cùng... cuối cùng chúng cháu không chết mà chính lũ giặc đứa thì chết, đứa thì bỏ chạy bán mạng...
Trần Quốc Tuấn bật cười lớn:
-Binh pháp gọi như thế là "vào đất chết để tìm lấy sống" đó. Có ai ngăn cháu làm như vậy đâu!
Trần Bình Trọng cũng cười:
-Thì lúc ấy ta lại thưởng thêm cho một đồng tiền bạc nữa chứ sao.
Cậu bé chăn ngựa ngơ ngác:
-Nhưng nếu vào đất chết mà lại sống thì khi cháu gặp Thượng tướng quân, cháu biết ăn nói làm sao?
-Sao hử?
-Bởi trước khi liều chết, cháu đã phải nuốt bản mật lệnh này, còn đâu để mà trao tay cho Thượng tướng quân được nữa.
Trần Quốc Tuấn nheo mắt cười. Mặt ông tươi tắn và trẻ trung, Sinh động. Ông móc trong bọc ra một vật và khẽ rung cổ tay. Tiếng lanh canh reo vui lại vang lên:
-Ta cũng đã nghĩ trước điều đó rồi. Khi ấy, cháu sẽ trao cái khóa bạc này cho Thượng tướng quân. Thượng tướng quân suy nghĩ rồi sẽ hiểu được ý ta. Nếu vật này có rơi vào tay quân Nguyên, chúng cũng không thể nào ngờ được rằng chiếc khóa bạc có liên quan gì đến vận nước đâu.
Hoàng Đỗ yên lòng. Cậu sụp lạy Trần Quốc Tuấn rồi quay sang lạy từ Trần Bình Trọng. Trần Quốc Tuấn muốn để hai thầy trò tự do hơn, ông vẫy ông già Màn Trò cùng ra khỏi lều. Hai thầy trò Trần Bình Trọng lặng nhìn nhau. Căn nhà trở nên yên lặng. Cả hai người cùng nghẹn ngào. Trần Bình Trọng ngắm vẻ mặt của Hoàng Đỗ. Cậu bé chăn ngựa đã biết đem tất cả những gì mình có, từ trí tuệ, tài năng đến tấm lòng hiến dâng cho nước. Có được những người lính như thế này thật là một hạnh phúc đối với những người làm tướng. Bất giác, Trần Bình Trọng lặp lại điều mà Quốc công Tiết chế đã từng nói. Nhưng đột nhiên ông nhớ lại và thấy trước đây ông chưa đối xử rộng tình với quân sĩ và gia nô của ông.
- Em... em!...-Trần Bình Trọng lúng túng.
-Ta... ta muốn... muốn...
Trần Bình Trọng lần trong mình để tìm thưởng cho cậu bé gia nô một vật gì trước lúc lên đường. Ông muốn vật ấy phải xứng với một cậu bé như Hoàng Đỗ. Nhưng ngoài bộ quần áo chiến và thanh kiếm dùng làm vật giữ mình ra, Trần Bình Trọng không còn vật gì khác.
Bất chợt nhìn xuống mặt Hoàng Đỗ, Trần Bình Trọng sực nghĩ ra một điều lớn lao. Ông trang nghiêm bảo cậu bé nô tì:
-Em hãy quỳ xuống và ngẩng mặt lên!
Trần Bình Trọng rút kiếm cầm lên phía mũi nhọn. Ông tha thiết nói:
-Lòng em hẳn khao khát điều này.
Trần Bình Trọng dùng mũi kiếm rạch lên trán Hoàng Đỗ thành một ô vuông nhỏ và lột lần da có thích chàm ba chữ "Quan trung khách", ba chữ phân biệt những người dân tự do với các nô tì thân phận gần như loài vật. Máu từ trán Hoàng Đỗ chảy xuống khuôn mặt rạng rỡ của cậu bé chăn ngựa. Trần Bình Trọng cắt một vạt áo chiến của mình và dùng thuốc dấu buộc trán cho Hoàng Đỗ. Đây là môn thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm mà ông luôn luôn đem theo bên mình. Ông đặt hai tay lên đôi vai của cậu bé và nói với tất cả niềm xúc động, trìu mến của mình:
-Hoàng Đỗ! Kể từ lúc này, em không còn là một nô tì nữa. Kể từ lúc này, em là em nuôi của ta! Em có bằng lòng không?
Hoàng Đỗ toan cúi lạy Trần Bình Trọng để tạ ơn nhưng ông ngăn lại và ôm cậu bé vào lòng. Giữa lúc hai thầy trò Trần Bình Trọng gần gụi nhau như thế, tiếng trống đồng bỗng ình ình đánh. Từ ngoài cửa, Trần Quốc Tuấn và ông già Màn Trò vội vã bước vào.
-Giặc đến. Thuyền của chúng đã thấp thoáng ngang bến đò Chương Dương rồi.
Ông già Màn Trò hổn hển báo tin. Nhưng ông chợt sửng sốt nhìn mãi lên trán đứa con trai. Rồi ông kêu lên một tiếng nghi hoặc:
-Con? Có thật không con?
Ông già bước mau lại gần cậu bé chăn ngựa. Ông đưa tay định cởi mảnh vải buộc trán cậu bé. Nhưng bàn tay gầy guộc của ông vừa mới giơ lên tới nơi lại hạ xuống, rờ rẫm rồi đặt lên vai con. Trần Bình Trọng im lặng nhìn hai cha con người lính chăn ngựa. Ông cảm thấy sung sướng và bằng lòng về hành động của mình. Trong khi đó Trần Quốc Tuấn vẫn bình tĩnh. Vị tướng già thoạt nhìn đã hiểu hết. Quốc Tuấn cũng bằng lòng về việc làm tốt, đúng lúc của Trần Bình Trọng. Ông chờ cha con người chăn ngựa lắng bớt tình cảm xuống rồi nghiêm khắc ra lệnh:
-Quan gia đã xuống bến thuyền ở cửa bãi lầy. Ta đi kẻo chậm. Còn Bảo Nghĩa hầu!
- Dạ!
Quốc Tuấn chăm chú nhìn vẻ mặt ông tướng Thánh dực, một vẻ mặt bình thường với đôi gò má cao. Nhưng đôi môi dày mím chặt và cặp mắt trong sáng nhìn thẳng của Trần Bình Trọng đã tạo cho ông một vẻ đẹp mới mẻ. Đó là vẻ đôn hậu, trung thực, nhân từ của vị tướng chỉ huy một đạo quân cha con. Trần Quốc Tuấn giữ vẻ nghiêm và ra lệnh:
-Bảo Nghĩa hầu đem toàn bộ số quân còn lại chặn giặc ở bờ sông Thiên Mạc. Phải kìm chặt chân chúng ở đấy để Quan gia đi cho thực xa. Phải cố gắng không cho địch hay biết một chút gì về tung tích của Hoàng Đỗ và đoàn thuyền vượt Màn Trò!
-Tiểu tướng xin tuân lệnh!
Trần Quốc Tuấn chậm rãi:
-Hãy khoan đã! Đây là một cuộc tử chiến với một cánh quân địch đông hơn ta gấp bội. Bảo Nghĩa hầu hãy tỏ cho giặc biết thế nào là hào khí Đông A, hãy tỏ cho giặc biết thế nào là tinh thần Sát Thát của dân Việt! Bảo Nghĩa hầu hãy chiến đấu sao cho xứng đáng là dân con của nước Việt anh hùng!
Trần Bình Trọng đứng thẳng người, khảng khái nói:
-Tiểu tướng là một người Việt. Tiểu tướng sẽ sống và sẽ chết như một người Việt.
Ông quay ra, bước lên một bước. Vỏ kiếm đeo bên sườn ông kêu lách cách. Ông ra lệnh cho ông già Màn Trò:
-Truyền các đô bày trận!
Ông già Màn Trò chạy ra khỏi lều. Trần Bình Trọng sụp lạy Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn:
-Tạ ơn Quốc công đã tin cậy. Xin Quốc công tâu lên Quan gia rằng Trần Bình Trọng quyết không làm nhục mệnh nước. Kính chúc Quan gia muôn tuổi!
-Hãy nhớ lấy! Kìm được giặc ở đây là một thắng lợi rất lớn có liên quan đến toàn bộ kế hoạch diệt giặc của ta. Quan gia rất tin ở Bảo Nghĩa. Quan gia đã ban chỉ. Từ nay Bảo Nghĩa là một vị vương của nước Việt. Bảo Nghĩa vương, hãy đứng dậy đi! Hãy đem tất cả lòng yêu nước của mình để chiến đấu. Đất nước và trăm họ sẽ nhớ ơn Bảo Nghĩa.
-Tiểu tướng xin đem hết sức mình tạ lại ơn vua, ơn đất nước!
Trần Bình Trọng và cha con ông già Màn Trò đi rất nhanh ra khỏi làng Xuân Đình. Đến ngã ba đường, một ngả rẽ xuống trận địa của quân Thánh dực, một ngả dẫn đến bến thuyền vào bãi lầy, ba người dừng lại dưới chân một gốc gạo cao lớn. Ông già nhủ con:
-Hãy ngẩng mặt lên mà ra đi, con ạ! Trước kia làm thân nô tì, sống cũng như chết. Bây giờ con trở lại làm người rồi, cha có nằm xuống cũng vui lòng hả dạ.
Cậu bé chăn ngựa sụp lạy cha:
-Bố tha tội cho đứa con bất hiếu. Con đi vì việc nước nhưng con vẫn mong có ngày về hầu hạ bố!
Ông già cười gượng:
- Ờ, con đi! Đến khi nào hết giặc thì lại về với cha. Cha sẽ dạy cho con cách đánh chông lao bắt cá trắm cỏ. Nhưng kìa, hãy đứng dậy đi. Đừng có sụt sịt mà làm mềm lòng người ở lại.
- Ông lão ở lại thực à?
Trần Bình Trọng chăm chú nhìn vẻ mặt dày dạn, cứng cỏi của ông già. Ông nghĩ về hai cuộc chia tay trong cuộc đời của cha con người lính chăn ngựa. Ông đã thấu hiểu tất cả lòng yêu nước lớn lao của ông già Màn Trò.
-Lão e tướng quân còn cần đến lão.
Trần Bình Trọng thong thả nói:
-Bây giờ ta không cần người dẫn đường nữa. Ông lão nên đi với Hoàng Đỗ.
Ông già Màn Trò cũng chăm chú nhìn ông tướng Thánh dực. Ông biết rằng Trần Bình Trọng không muốn để cho ông ở lại trong trận quyết tử này. Nhưng cảm tạ tấm lòng của Trần Bình Trọng, ông đáp lại:
-Lão nghĩ dùng binh thường gặp lắm chuyện không ngờ. Có thể tướng quân vẫn còn cần tới lão. Vả chăng, lão thấy mình phải ở lại với tướng quân trong trận này.
Ông già nghiêm nét mặt quay sang nói với con, giọng rắn rỏi không ngờ:
-Con lên đường ngay kẻo Quan gia đợi!
Hoàng Đỗ lạy cha hai lạy. Người cha già chăm chú nhìn vạt áo chiến của Trần Bình Trọng buộc trên trán con. Hoàng Đỗ vái chào vị tướng Thánh dực rồi toan quay đi.
-Khoan đã em!
Trần Bình Trọng gọi giật Hoàng Đỗ lại. Ông đặt một tay lên vai Hoàng Đỗ và dặn cậu bé:
-Sau này khi ở Diễn Châu trở về, em hãy tìm đến bờ sông Thiên Mạc. Ta mong em sẽ chiến đấu ở đấy và lập nên công lớn.
Trần Bình Trọng không thể nói hết những lời đoán trước của Trần Quốc Tuấn. Ông tháo chuỗi răng cá sấu choàng lên cổ cậu bé. Ông yên lòng nghĩ rằng Màn Trò phải có người làm chủ xứng đáng như cậu bé chăn ngựa này. Tại bến thuyền vào Màn Trò, một cảnh tượng lên đường nhộn nhịp diễn ra. Những người dân Xuân Đình đứng trên mũi những chiếc thuyền chiến nhẹ. Họ chống sào đợi sẵn và Nhân Tông đã ngồi trong khoang chiếc thuyền đi đầu. Đoàn thuyền nhổ sào. Để giữ bí mật, không một lời tung hô nổi lên. Nhưng tất cả những người Xuân Đình có mặt đều kính cẩn, tin tưởng, chắp tay vái chào nhà vua và Quốc công Tiết chế. Đằng sau đoàn thuyền bảo vệ Nhân Tông, một đoàn thuyền nữa chở nặng gạo, cỏ. Đó là phần đóng góp vào công cuộc đánh giặc giữ nước của Xuân Đình và mấy làng gần đấy. Trần Bình Trọng không chờ đoàn thuyền đi xa. Ông vẫy ông già Màn Trò đi về phía trận địa của quân Thánh dực. Hai người không hề ngoảnh lại nhìn phía sau lưng một lần nào. Lúc bấy giờ mặt trời đã lên nhưng sương mờ vẫn phủ trùm cảnh vật. Tiếng giọt sương rỏ lách tách từ chót lá xuống đất và tiếng sóng vỗ bờ ì ầm họp thành một mớ âm thanh trầm đục. Trên trời, chim én mùa xuân chao nhanh như thoi. Đàn chim hoảng hốt kêu, chứng tỏ chúng nhìn thấy có nhiều người đến...
Khi sương đang tan, trận đánh bắt đầu, một trận đánh kỳ lạ xảy ra trên bãi cát sa bồi bên bờ Thiên Mạc. Quân Thánh dực xếp đội hình vuông chính giữa bãi cát. Bốn bề, họ dựng khiên mây ken thành những bức vách phẳng chắn tên. Họ không kéo ngọn cờ lớn mang hiệu quân Thánh dực bởi vì ngọn cờ ấy Trần Bình Trọng đã giao cho Hoàng Đỗ mang đi theo trên đoàn thuyền vượt Màn Trò. Chỉ còn lại hàng chục lá phướn nhiều màu, thêu hiệu các đô. Gió sớm nổi rất mạnh. Nhưng phướn ẩm ướt nặng sương đêm chỉ bay phe phẩy. Cũng vì vậy, phướn bay càng đường bệ. Đằng sau những lá khiên mây, những tay cung cứng đứng im lìm, mặt bừng bừng...
Chính giữa trận, Trần Bình Trọng đặt đội quân đánh trống do ông già Màn Trò chỉ huy. Đoàn thuyền của tướng giặc Khoan Triệt lượn ba lần qua bãi sông trước khi chúng đổ bộ. Từng toán quân Nguyên lao xuống bãi. Chúng nhanh chóng vượt qua những vũng nước nông ven sông. Vó ngựa đập nước bắn tung tóe. Khoan Triệt cho nổ pháo ra lệnh tiến mạnh. Tiếng pháo nổ đì đùng vang động làm cho những con ngựa chiến hăng máu hí vang. Vùng Thiên Mạc mất hẳn vẻ trầm lặng êm đềm của bến sông hoang vắng. Nhưng trước sự điều quân quay cuồng của giặc, đội hình quân Thánh dực vẫn đóng sừng sững giữa bãi. Không một tiếng trống, không một tiếng quân reo, không một người lính nào cử động. Tất cả như kết liền thành một khối im lìm...
Khoan Triệt xông lên trước hàng quân. Con ngựa của tướng giặc lồng lộn chạy lên đầu trận lại chạy về cuối trận. Khoan Triệt nghi hoặc ngó nghiêng lung tung trước khi ra lệnh cho trận đánh bắt đầu. Bọn giặc Nguyên reo hò đã nhiều nên cũng khản cổ. Chúng phải vất vả lắm mới kìm nổi những con ngựa chiến đang bị tiếng nổ và khói pháo kích thích. Viên quan cầm cờ của Khoan Triệt gàn y:
-Hữu thừa hãy chờ đạo quân bộ đến đã.
-Chờ gì! Cái lão Lý Hằng ấy bao giờ cũng gần xong trận đánh mới dẫn xác tới.
Khoan Triệt nổi nóng khi nhắc tới tên Lý Hằng, viên Tả thừa chức cao hơn Khoan Triệt một cấp. Hắn nói tiếp:
-Cái lão ấy toàn vớ công to mà chính do ta mới có. Ta cứ đánh trước đây.
Viên quan cầm cờ lại vội vã nói:
-Tướng quân nên cẩn thận. Hiệu phướn của quân túc vệ thượng đô đấy!
-Mặc! Thượng hạ gì cũng đánh. Chúng chỉ có năm sáu trăm quân thôi.
Khoan Triệt quát lên:
-Đội cung thứ nhất, theo tao!
Pháo hiệu của quân Nguyên nổ luôn ba loạt. Những tên giặc cưỡi trên những con ngựa chiến cao lớn nối đuôi nhau phi. Chúng chia thành nhiều vòng, vây vòng ngược, vòng xuôi đội hình quân Thánh dực. Khoan Triệt rút cây cung đeo lủng lẳng bên cổ ngựa. Theo kinh nghiệm Khoan Triệt đã thu được trên chiến trường nhiều nước mà y đã tham gia đánh trước đây, đối phương thường không giữ được bình tĩnh trước những vòng vây xuôi ngược ấy. Họ sẽ xáo động đội hình và Khoan Triệt sẽ đánh khoét sâu vào những kẽ hở ấy. Nhưng từ khi tiến quân vào đất Việt, Khoan Triệt chưa hề áp dụng được kinh nghiệm của y. Lần này cũng vậy. Thấy đội hình quân ta không nhúc nhích, Khoan Triệt đâm hăng tiết, y cũng xông vào những vòng người ngựa xoáy lốc bụi mù ấy. Những vòng vây của giặc theo hiệu của Khoan Triệt thít dần sát vào đội hình quân Thánh dực. Hai bên chỉ còn cách nhau một tầm tên bắn.
Khoan Triệt rạp xuống bờm ngựa, gào lên:
-Bắn! Bắn!
Bọn giặc Nguyên lắp tên. Chúng ngả người nấp sang một bên cổ ngựa và bắn luôn qua bụng ngựa vào đội hình quân Thánh dực. Tiếng dây cung bật và tiếng tên cắm trúng khiên mây nối nhau liên tiếp. Đội hình quân Thánh dực vẫn im lìm sau hàng khiên. Một số chiến sĩ bị trúng tên lọt qua kẽ hở. Họ ngã xuống đất nhưng những người khác đã tiến lên thế chân ngay. Trên bãi sông Thiên Mạc, đội hình quân Thánh dực vẫn sừng sững như một tòa thành nổi. Khoan Triệt và bọn xạ thủ Nguyên trổ hết tài nghệ. Chúng lật người bắn qua khe chân ngựa. Chúng móc chân vào bàn đạp, thả mình là sát đất, bắn những mũi tên lướt mặt cỏ. Nhưng Khoan Triệt càng nổi giận, bọn giặc Nguyên càng trổ tài, quân Thánh dực vẫn không xáo động đội hình. Khoan Triệt loay hoay mãi vẫn không tìm nổi một kẽ hở để nhờ đó y có thể đánh dấn vào. Y tức giận toát mồ hôi. Bên dưới lần áo lông cừu, mảnh giáp sắt mang từ nước Thổ Nhĩ Kỳ về cứa vào cổ, vào nách y. Khoan Triệt bị xót, ngứa điên người. Y cáu tiết giật đứt dải buộc, giằng mảnh giáp sắt ra quẳng đi. Mồ hôi y chảy ròng ròng trên má, thấm đẫm cả chòm râu quai nón viền quanh hàm. Y cảm thấy nóng bức vô cùng. Giá như chòm râu ấy giằng ra được thì y cũng vứt Quych đi rồi! Khoan Triệt quát tên quan cầm cờ:
-Đem cờ hiệu đuôi báo đến đây cho ta!
Thế rồi y sai lính cầm cờ đuôi báo dẫn một đội quân cưỡi ngựa xông thẳng vào chính giữa đội hình quân Thánh dực. Y cũng lẩn vào giữa đám người ngựa nhốn nháo ấy. Y gào thét để thúc bọn lính hăng chiến.
-O... Ô...! ại! ại... y... a... a... a!
Bọn giặc Nguyên rạp xuống nấp sau đầu ngựa. Bờm những con vật xù lên, lẫn lộn với mớ lông cáo nâu viền mũ của giặc. Đàn ngựa chồm tới hàng khiên mây... Đúng lúc ấy, những người lính túc vệ quân Thánh dực mới ra tay. Những tay cung cứng bắn luôn ba loạt tên rất nhanh, rất chụm vào lũ giặc đang xông đến. Dường như những chiến sĩ Sát Thát đã giao hẹn với nhau trước. Có những mũi tên nhằm bọn giặc và có những mũi tên dành cho đàn ngựa chiến của chúng. Một số đứa ngã ngựa, lăn tròn dưới đất trong khi bọn sống sót hoảng hốt bỏ chạy trước những loạt tên sau hàng khiên bắn ra...
Từ lúc trận đánh bắt đầu, Trần Bình Trọng vẫn điềm đạm chỉ huy những người lính Thánh dực. Chỉ khi vào trận đánh, đức tính bình tĩnh, tài năng cầm quân và trí thông minh của Trần Bình Trọng mới lộ rõ vẻ sắc sảo. Hình như mọi giác quan của ông tăng sức hơn lúc thường gấp mấy lần. Bên cạnh Trần Bình Trọng, ông già Màn Trò trở nên nhanh nhẹn như một người trai trẻ. Ông tỏ ra có biệt tài về nghề bắn. Mỗi mũi tên của ông, một tên giặc ngã xuống. Vừa bắn, ông vừa đếm:
-Một... Hai... Ba... Ba rưỡi... Bốn...
Khi đội hình quân Nguyên rối loạn, Trần Bình Trọng hạ lệnh cho toán câu liêm ra trận. Giữa bức tường của "tòa thành nổi", hai lá khiên bỗng mở ra như đôi cánh cửa. Đội câu liêm nhanh như cắt xông lên, dùng thứ vũ khí lợi hại đó ngoặc cổ những tên quân Nguyên còn sống sót. Sau đó, họ rút vào thành rất nhanh. Cửa thành lại khép kín như cũ. Khoan Triệt thoát chết. Y chỉ bị một phát tên trúng bả vai phải. Mũi tên trúng chỗ thịt mềm, đeo lủng lẳng sau lưng. Tốp tàn binh cùng Khoan Triệt rút ra ngoài vòng người ngựa. Chúng tức uất lên. Tên nào cũng tả tơi mũ giáp. Tên nào cũng bị thương mất máu. Chúng đều không còn hơi sức và nhất là không còn tinh thần để đánh tiếp đợt thứ hai. Viên quan cầm cờ lại phi ngựa tới gần Khoan Triệt. Hắn e ngại trước vẻ cáu giận của tên tướng giặc bị thương vốn có tính nóng như lửa.
-Hữu thừa hãy tạm ngừng đánh. Tôi e...
-E gì?
Khoan Triệt hằm hằm nhìn viên quan cầm cờ.
-Tôi e có tướng giỏi chỉ huy đám quân Trần này.
Khoan Triệt tức quá. Y phì một tiếng. Còn e gì nữa! Nhất định là trong thế trận vững chãi kia phải có một tướng tài năng chỉ huy. Nhưng Khoan Triệt không chịu mang tiếng tướng hèn. Y đã từng theo Đại hãn Hốt Tất Liệt sang cả bên châu âu. Trên mình Khoan Triệt bây giờ có biết bao nhiêu đồ vật y đã cướp được trên các chiến trường của nhiều nước. Cái mũ viền lông cáo xám này y đã đoạt được của một ông tướng Hồi Hột; cây gươm lưỡi cong này là vật y thu được sau một trận đánh với người Ba Tư; lá đồng phủ đầu gối này là của một quốc vương người áo; còn mảnh giáp mà y đã giằng vứt đi lúc nãy là của người Thổ Nhĩ Kỳ... Chỉ có con ngựa y đang cưỡi là của nước y. Một con ngựa rất to, vó tròn như miệng bát lớn, quen đi trên cát, quen nhịn khát, ăn ít cỏ. Nhưng chính những mặt tốt của giống ngựa sa mạc ấy lại chẳng cần thiết ở miền đất này. Ở đây nhiều cỏ, nhiều nước, đất êm. Bộ lông dày của con ngựa lại càng vô ích. Vì tiết trời ở đây nóng quá, mồ hôi ngựa thấm bết bộ lông. Con vật hếch mũi như hất lửa để thở hồng hộc. Khoan Triệt thay con ngựa khác.
-Vó ngựa quân ta lướt qua đâu, cỏ ở đấy sẽ không mọc nổi được nữa!
Khoan Triệt gầm ghè nói rồi thình lình y quát tướng lên:
-Đội cung thứ hai! Theo tao!
Bọn giặc Nguyên trong đội cung thứ hai vội vã xếp thành ba khối hình thuôn như con thoi. Tướng giặc Khoan Triệt nhổ mũi tên cắm trên bả vai rồi lại tự mình chỉ huy đợt đánh phá mới. Ba mũi dùi của giặc lại xông thẳng tới trước "tòa thành nổi". Cứ như thế, quân Nguyên đánh liền năm lần và cả năm lần đều không phá nổi "tòa thành" xếp bằng những chiếc khiên Thánh dực ken mây. Trong thế trận của quân Thánh dực, ông già Màn Trò mới chỉ ra lệnh thúc trống đồng có một lần. Còn Trần Bình Trọng, mặc dầu hai lần bị thương, ông vẫn thấy nghị lực và sức khỏe của mình thật dồi dào. Nhưng dù sao "tòa thành" ken khiên mây vẫn bị thu hẹp bề dài và bề rộng, so với trước thì chỉ còn non nửa. Ông già Màn Trò gạt mồ hôi trán đang tràn xuống mắt. Ông nhìn lên vầng mặt trời trên đầu và lại gần Trần Bình Trọng nói nhỏ:
-Ta giam chân chúng lâu rồi đấy. Bây giờ thuyền của Quan gia chắc chắn đã đi xa rồi, chúng không thể nào tìm được tung tích đâu.
Trần Bình Trọng gật đầu. Trận đánh kỳ lạ giữa bãi cát bên bờ Thiên Mạc đã thắng lợi rồi. Trần Bình Trọng ra lệnh cho quân sĩ sẵn sàng mở đường máu rút lui. Đứng giữa đội hình quân Thánh dực, Trần Bình Trọng sung sướng ngắm cảnh Thiên Mạc mênh mang, hùng vĩ. Mặt trời lên đã cao, chiếu xuống mặt sông gợn sóng lấp lánh. Xa xa, dãy núi đá miền nam lộ Quốc Oai trùng điệp nối nhau. Trên nền xanh đen của núi, những con cò điểm từng chấm trắng dịu dàng. Trần Bình Trọng hít một hơi thở rất dài. Hương cỏ mật đầu xuân ngây ngất tràn vào phổi ông. Trần Bình Trọng lẩm bẩm:
-Ta sẽ trở lại đất này! Thăng Long... Thiên Mạc...
Nhưng cuộc rút lui của Trần Bình Trọng và các chiến sĩ còn lại đã không diễn ra. Khi họ sắp sửa mở đường máu thì một cánh quân Nguyên cưỡi ngựa phi tới. Đó là đội quân chính của giặc do Lý Hằng chỉ huy. Chúng là đơn vị lính chiến đã từng đánh hàng trăm trận lớn trên cao nguyên Ba Tư, trên vùng đồng cỏ miền trung châu âu và cả trên vùng rừng núi của nước Đại Lý. Ngựa của chúng đeo những lá giáp sắt Há Lạp. Mũ chúng đội bằng đồng có chấn song che mắt. Chúng còn kéo theo mấy chiếc xe cần bật đá dùng để phá thành theo kiểu La Mã nữa. Viên quan cầm cờ vội vã phóng ngựa lại đón Lý Hằng. Y nói:
-Thưa Tả thừa, Hữu thừa đã đánh năm đợt mà chưa vỡ thế trận này...
-Sao?
Lý Hằng đưa mắt lướt rất nhanh qua chiến trường. Đôi mi mắt của y rất dày giấu kín cách nhìn xói móc tinh ác bỗng ánh lên một tia nghi ngờ:
-Năm lần rồi à? Có một đám người thế kia thôi à?
-Thưa Tả thừa, đúng thế đấy! Năm lần rồi. Tả thừa xem kia.
Viên quan cầm cờ chỉ về phía chiến trường ngổn ngang xác chết. Y nói tiếp:
-Đánh gần nửa ngày rồi ạ!
Một nụ cười khinh thường thoáng nở trên cặp môi mỏng của Lý Hằng. Với đàn ngựa bọc giáp sắt, với những cần bật đá, Lý Hằng tin chắc y không đến nỗi bị khốn khổ như Khoan Triệt. Nhưng nụ cười ấy lại tắt ngay và vẻ nghi ngờ mỗi lúc một tăng thêm lên trong cách nhìn chậm chạp xói móc của Lý Hằng.
Có điều gì đây sau thế trận kỳ lạ bày giữa bãi cát kia! Mối nghi ngờ ấy càng tăng lên khi một viên tướng nhỏ của y nhận ra người chỉ huy quân Thánh dực là Trần Bình Trọng.
-Người này không phải là tay cầm quân bình thường!
Lý Hằng lẩm bẩm một mình. Y lưỡng lự, nhưng Khoan Triệt đã phóng ngựa đến. Nhìn thấy Khoan Triệt giáp mũ tả tơi, Lý Hằng cười thầm nhưng y bỗng đâm sợ. Khoan Triệt hất mũ lên chỏm đầu, hung hăng:
-Tả thừa không cần phải nhúng tay vào. Cứ để mặc tôi đánh keo nữa.
Lý Hằng nhắm tít hai mí mắt, cười thầm tâm trạng lo mất công lao của Khoan Triệt. Y mềm mỏng nói ra vẻ thương viên tướng dưới quyền:
-Tướng quân bị thương và mệt lắm rồi. Để ta mở đường cho.
Khoan Triệt gạt phắt đi:
-Chẳng cần, mặc tôi!
Lý Hằng muốn quát lên, nhưng lại thôi. Y nghĩ bụng: "Đã vậy, tao mặc kệ cho mày chết!" Khoan Triệt họp bọn quân bắn cung lại. Y chỉ huy luôn hai đợt đánh nữa. Trong khi đó, Lý Hằng đứng trên một mỏm đất cao xem xét. Từ áy náy, Lý Hằng chuyển dần sang kinh dị. Y đã thấy diễn ra trước mặt y một trận đánh quyết tử mà những người lính Trần đã dùng cả cát ném vào mắt đối phương. Lý Hằng còn được thấy rõ tài đánh giáp lá cà của những người lính Thánh dực. Đường khiên, nhát mã tấu, đòn câu liêm và nhất là ngọn thiết lĩnh đã quật tan nát luôn hai đợt đánh nữa của Khoan Triệt. Lý Hằng quyết định dốc hết quân ra trận. Y lo sợ cho trách nhiệm của y sau trận này. Lý Hằng cẩn thận chia số quân của y ra làm nhiều đội. Y định bụng dùng nhiều hướng đánh vào "tòa thành nổi", nhưng chỉ một hướng do chính y chỉ huy mới thực sự đánh xuyên vào đội hình của quân Thánh dực. Y ra lệnh cho viên quan cầm cờ:
-Chờ ta bày xong quân, ngươi sẽ đốt pháo hiệu!
Lý Hằng lướt ngựa sang mé bên trái. Ở hướng này, Lý Hằng thấy hàng khiên dày đặc. Viên Tả thừa cho rằng ở nơi nào hàng khiên dày đặc thì ở đấy đối phương chắc sẽ bày ít quân. Tiếng pháo hiệu của quân Nguyên nổ vang... Lý Hằng dẫn quân xông lên trước. Quân giặc theo nhiều hướng xốc tới. Từ lúc giặc tản quân ra nhiều hướng, Trần Bình Trọng đã nhận ra ngay chúng đang có mưu mô mới. Ông gọi ông già Màn Trò lại gần và hai người chăm chú theo dõi cách bày quân của giặc. Ông già Màn Trò nhìn rất kỹ bốn bề rồi chỉ tay sang mé trái:
- Tướng quân xem kia! Tướng giặc ở chỗ kia đấy! Bên phía giặc, một toán quân cưỡi ngựa xúm xít đứng thành một hàng rào che cái gì không biết.
Trần Bình Trọng lẩm bẩm:
-Hừ! Bọn giặc xảo trá thực. Chúng mày lừa tao sao nổi!
Trần Bình Trọng gọi đội câu liêm và đội thiết lĩnh. Ông dặn dò những người lính của ông kỹ lưỡng, và quân Thánh dực ào đi thi hành mệnh lệnh của Trần Bình Trọng. Những hướng đánh từ các phía của quân Nguyên tràn tới, trong đó có cả những tên lính của Khoan Triệt tả tơi giáp, mũ. Nhưng trái với những lần đánh trước, quân Thánh dực không cho chúng lại gần. Họ bắn những mũi tên rất trúng, và ngay khi lũ giặc còn cách nửa tầm tên bắn thì chúng đã tối tăm mặt mũi và hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, bọn lính của Lý Hằng hộ vệ chủ tướng của mình vẫn xông đến ào ào. Chúng thúc ngựa nhảy vọt qua cả vách thành ken khiên. Khi hàng quân thứ nhất của địch vọt qua rồi, đội câu liêm mới từ hai bên vọt ra. Những người lính Thánh dực không nhằm bọn giặc mà họ quét câu liêm là mặt đất đánh vào vó ngựa. Ngựa ngã quay lông lốc, giặc cũng lăn quay lông lốc. Chúng lăn vào cả những lá khiên mở ngửa lởm chởm chông nhọn hoắt... Đợt thứ hai của giặc chưa vọt được qua vách khiên mây...
Từ sau hàng khiên, đội thiết lĩnh của quân Thánh dực đánh vòng ra. Những cây thiết lĩnh lợi hại gồm một thanh mẹ và bảy thanh con nối liền nhau bằng những đốt xích sắt. Đòn thiết lĩnh đánh cong vút lên cao, đánh vòng qua hàng khiên Thánh dực, đánh vòng qua hàng quân thứ hai của giặc, đánh thẳng vào một tốp quân Nguyên đang xúm xít hộ vệ Lý Hằng. Thật là những đòn bất ngờ. Lý Hằng bị một trận phủ đầu thất kinh hồn vía. Chung quanh y, bọn lính hộ vệ bị chết, bị thương rất nhiều. Riêng y thì hút chết, nhưng con ngựa y cưỡi bị một nhát thiết lĩnh đánh vút qua cổ, cứa đứt tung dây cương và quật lìa cả chiếc bàn đạp bên phải. Con ngựa đau mép, lồng vọt lên. Lý Hằng lộn phốc xuống, chân chỉ còn móc vào chiếc bàn đạp bên trái. Bọn quân Nguyên chạy vung ra bốn phía. Chúng hoảng hốt nhìn tên tướng đang bị ngựa kéo quệt lê trên mặt cát... Viên quan cầm cờ vội cho lính chạy đón đầu giữ ngựa để cứu Lý Hằng. Khoan Triệt cũng vội chạy lại. Hai tên tướng Nguyên nhìn nhau, không thằng nào còn tâm trí nghĩ đến tranh công và chế giễu nhau nữa. Lý Hằng cởi tấm áo lông cừu rách tả tơi vứt đi.
-May mà có cái áo này chứ không thì cũng tan thây đấy!-Lý Hằng hú vía nói với viên quan cầm cờ.
Khoan Triệt và Lý Hằng thu hết quân, sửa soạn kỹ lưỡng cách bày trận. Lần này Lý Hằng tung đội cần bật đá và dùng cả đội quân cưỡi ngựa có đeo giáp sắt. Trần Bình Trọng điềm tĩnh chỉ huy quân phá liền mấy đợt tấn công nữa của giặc. Ông bị nhiều vết thương. Nhưng chỉ đến đợt thứ mười một của trận đánh bên bờ Thiên Mạc, Trần Bình Trọng và ông già Màn Trò mới bị sa vào tay giặc, trong tay chỉ còn hai mẩu cán giáo gãy. Khoan Triệt bị thương rất nặng. Một nhát mã tấu xả vai trái y, một mũi lao xuyên qua đùi, nhưng vết thương nguy hiểm nhất đối với tính mạng y lại chỉ là một mũi chông độc nhỏ bé hình củ ấu găm vào ngón chân út. Máu đọng phù bắp chân Khoan Triệt, y nửa tỉnh, nửa mê. Lý Hằng cũng chẳng hơn gì. Tên Tả thừa sau đòn thiết lĩnh hút chết, không dám liều mạng xông lên trong những hàng quân đi đầu, và y đã phải thay một con ngựa trúng tên. Y không bị qua một vết thương, nhưng sự thua thiệt nặng nề làm cho y lo sợ bị quan trên trừng trị. Khoan Triệt đã kề bên cái chết. Khi đánh xong trận bãi sa bồi, bọn lính Nguyên cho viên Hữu thừa lên võng để khiêng về thuyền. Lúc chiếc võng đưa qua trước mặt Lý Hằng, tên Tả thừa đang ngơ ngác nghĩ đến dâng thư lên cấp trên thưa trình sao cho thoát tội, y buột miệng nói một câu:
-Đúng là thua chứ không phải thắng! Mà thua to!
Rồi nhìn võng Khoan Triệt đi qua, Lý Hằng chợt nảy ra một kế hiểm. Y nói to cốt để Khoan Triệt nghe thấy:
-Nếu đừng cản ta đốc quân đánh ngay thì đâu đến nỗi...
Khoan Triệt tinh thần đang hoang loạn, câu nói của Lý Hằng lại bồi dấn vào làm cho y lồng lộn trên võng. Khoan Triệt muốn chồm dậy nhưng vì kiệt sức nên y cũng không trả đũa lại viên Tả thừa được câu nào. Võng Khoan Triệt đi đã xa, Lý Hằng nhìn theo, tiếp tục lẩm bẩm. Lần này không phải y châm chọc Khoan Triệt mà chính là y nói cho y nghe:
-Thật là thua nhục nhã!
Mối nghi ngờ chớm nở từ khi y mới tới bên bờ Thiên Mạc lại dấy cao trong lòng y. Trần Bình Trọng là một tướng nổi tiếng, đã từng đánh nhiều trận rất hay trên lộ Lạng Giang. Không có lý nào một người như vậy lại bày một thế trận kỳ lạ như thế.
Vì sao nhỉ? Lý Hằng triền miên suy nghĩ. Y đã hồi lại cách tính toán chi lá thâm trầm của y. Nhưng càng suy nghĩ thì mọi tính toán cứ trôi tuột đi. Cái cớ dẫn đến thế trận bãi sa bồi vẫn là một điều khó hiểu đối với tên tướng giặc có cặp mí dày. Hơn nửa ngày trời! Để làm gì? Thắng hay thua? Hay là vua Trần ở đâu đây? Hay là Trần Bình Trọng đã giam chân y và Khoan Triệt ở đây để cho quân Trần bày trận bao vây tiêu diệt? Lý Hằng vội nhìn bốn bề nhưng bốn bề vẫn yên lặng... Có thể trong khi y và Khoan Triệt loay hoay với thế trận kỳ lạ kia thì chính Thoát Hoan đang bị hãm trong một vòng vây dày đặc ở Thăng Long...
Lý Hằng nghĩ lung tung. Mỗi lần thử đặt ra một cách tìm hiểu thế trận bãi sa bồi là một lần y lại lúng túng. Lý Hằng gọi tên quan cầm cờ hiệu đến. Y cho tung đi rất nhiều toán quân trinh sát ra nhiều hướng. Sau đó Lý Hằng cho cắm lều trận trên bến sông Thiên Mạc và ra lệnh cho quân lính dẫn Trần Bình Trọng với ông già Màn Trò vào. Lý Hằng vội vã xuống bờ sông. Y vục đầu xuống nước rửa bộ mặt lem luốc mồ hôi dính đầy đất cát. Sau đó y bắt tên quan cầm cờ phải lột chiếc áo khoác ngoài để cho y mặc tạm. Sửa soạn xong vẻ bề ngoài, Lý Hằng vào lều trận. Tên Tả thừa nhìn một lượt rồi tỏ vẻ bằng lòng. Y lại gần cái bàn gỗ nhẹ và thử ngồi xuống chiếc ghế bọc da báo. Y lựa đi lựa lại một dáng ngồi sao cho hợp với âm mưu của y...
Trong lúc đó bọn giặc giải Trần Bình Trọng và ông già Màn Trò về lều của Lý Hằng. Bảo Nghĩa vương cảm thấy thấm mệt sau những đợt xung sát giáp lá cà. Ông bị thương nhiều lần. Máu chảy thấm xuống đôi hài chiến. Khi bọn lính Nguyên lôi ông đi, Trần Bình Trọng chợt có một nhận xét làm cho chính ông cũng phải bật cười. Những tên giặc Nguyên khi ngồi trên ngựa nom cũng to lớn. Mặt đứa nào đứa nấy tròn xâ như cái nắp tráp. Nhưng khi chúng rời lưng ngựa xuống đất đi bộ, nom đứa nào cũng lạch bạch như vịt. Đôi chân của chúng khẽng nẽng, vòng kiềng và ngắn một mẩu.
-Này ông lão! Lần sau là ta cứ nhằm ngựa chúng mà choảng.
Ông già Màn Trò cũng cười:
-Tốt nhất là cho chúng một mồi lửa. Cái giống ngựa chúa là sợ lửa.
Trần Bình Trọng cười to lên. Bọn lính Nguyên hung hăng nạt nộ líu lô nhưng ông tướng Thánh dực đứng lại, trừng mắt nhìn vào mặt chúng. Giặc phải đấu dịu giả tảng quay đi. Càng gần đến cửa lều Lý Hằng, ông già Màn Trò càng bồn chồn, ông cứ liếc nhìn vị tướng của mình.
Trần Bình Trọng im lặng bước đi. Mặt ông không hề có một vẻ gì khiến người ngoài có thể hiểu được ông đang nghĩ gì, nhưng hình như ông đang mải mê với một điều gì trong lòng. Trận đánh trên bãi sa bồi bên bờ Thiên Mạc đã xong rồi, bây giờ lại một trận thứ hai cũng trên cái bãi cát bên bờ Thiên Mạc ấy. Chẳng những cần phải thắng trận trước, mà xem ra trận sau acòn quan trọng hơn nhiều. Trận sau dính líu đến cả giang sơn gấm vóc và vận mệnh của dân tộc nữa... "Bây giờ là lúc phải đấu trí với chúng đây!" Chỉ trước khi bước vào lều của Lý Hằng, Trần Bình Trọng mới thầm nhủ trong lòng mình như vậy. Lều trận của Lý Hằng rất rộng, lợp bằng da bò khô. Khi Trần Bình Trọng vào lều cũng là lúc tên Tả thừa đang thay đổi dáng ngồi. Y đang nhổm trên ghế, chiếc ghế phủ lông báo và lông chó sói. Lý Hằng ngượng, vội ngồi xuống và cũng chẳng còn kịp chọn lấy một dáng ngồi nào cho hợp ý nữa. Y nheo mắt nhìn, thầm thán phục tầm vóc cao lớn và dáng điệu đường bệ của Trần Bình Trọng. Ông tướng Thánh dực tuy bị trói hai tay ra sau lưng nhưng bước chân đĩnh đạc và ánh mắt sáng ngời vẫn toát ra chí khí quật cường bất khuất. Tên lính Nguyên dẫn ông già Màn Trò dạt sang một bên. Một tên khác đẩy Trần Bình Trọng tới trước mặt Lý Hằng. Nó kiễng chân, vít cổ Trần Bình Trọng, định bắt ông quỳ lạy tướng giặc. Nhưng ông vằng mạnh người, quát lên một tiếng, đá cho tên lính hỗn xược một cái trời giáng. Ông già Màn Trò thích chí, còn bọn lính Nguyên xô đến, đứa đỡ bạn, đứa giơ mã tấu...
-Đừng có láo!-Lý Hằng đứng bật dậy. Y quát bọn lính:
-Bay không được hỗn!
Mắng xong, Lý Hằng tự tay cởi trói cho Trần Bình Trọng rồi sai lính lấy ghế mời Trần Bình Trọng ngồi đối diện với mình:
-Tôi rất quý những người anh hùng.
Câu nói của Lý Hằng làm cho ông già Màn Trò giật mình ngước nhìn Trần Bình Trọng... Bảo Nghĩa vương im lặng nhìn Lý Hằng, cặp mắt mở to không chớp... Ông nhìn thẳng vào đôi mắt lim dim của tên Tả thừa và nhìn rất lâu.
-Lính đâu! Dọn rượu lên mau!
Theo lệnh của Lý Hằng, bọn lính hầu vội vã ra ngoài lều. Một lát sau, chúng bưng vào cả một con cừu nướng vàng đặt trên chiếc mâm bồng chân quỳ. Kèm theo con cừu là một vò rượu và những chiếc cốc làm bằng sừng dê núi, chót xoắn như râu mực khô. Thình lình, cửa lều trận bị vén mạnh lên và Khoan Triệt lảo đảo bước vào.
-Hữu thừa nhất định đòi đến bằng được!
Viên quan cầm cờ nhăn nhó nói với Lý Hằng. Trong khi đó, tên tướng giặc bị thương thều thào:
- Đâu?... Đâu? Nó đâu?... Cho ta nhìn nó một tí.
Căn lều trận im lặng, căng thẳng. Trần Bình Trọng vẫn đường bệ ngồi yên, Khoan Triệt nhìn thấy một khuôn mặt lạnh lùng mà những vệt máu khô không hề làm xấu đi chút nào. Khoan Triệt gạt bọn lính đang nâng đỡ mình. Y loạng choạng bước tới trước mặt Trần Bình Trọng:
-Thế là cuối cùng ta vẫn bắt được mi. Mi vẫn thua ta.
Đôi mắt của Trần Bình Trọng thoáng lóe lên một ánh đáng sợ. Ông già Màn Trò lo lắng nhìn Lý Hằng. Ông biết rằng tên Tả thừa đang theo dõi mọi hành vi và lời nói của Trần Bình Trọng. Nhưng ánh mắt của Trần Bình Trọng chỉ thoáng lóe lên như vậy, rồi ông điềm nhiên ngắm khuôn mặt của tên Hữu thừa. Cặp mắt điên dại của Khoan Triệt đang vì tính khát máu và lòng ham danh vọng mà tăng vẻ tàn bạo lên rất nhiều.
-Đúng rồi, mi thua ta. Sở dĩ mi phá thủng vòng vây trên ải Khả Lá là vì bữa đó tao ốm.
Trần Bình Trọng suýt bật cười. Ông nhớ đến câu nói của Hoàng Đỗ với Trần Quốc Tuấn hồi sáng. Ra cái bọn chạy bán mạng trước cậu bé chăn ngựa của ông là quân Khoan Triệt. Trần Bình Trọng lạnh lùng không đáp.
-Vậy là cuối cùng mi thua ta.
Im lặng... Khoan Triệt không chịu nổi không khí căng thẳng trong căn lều trận. Y từ từ xỉu xuống.
-Đưa Hữu thừa về thuyền nghỉ.
Lý Hằng ra lệnh cho bọn lính hầu. Từ lúc Khoan Triệt xô vào lều, Lý Hằng im lặng theo dõi vẻ mặt của Trần Bình Trọng. Nhưng y không tìm nổi một đầu mối nào để có thể hiểu được Trần Bình Trọng coi trận đánh bên bờ Thiên Mạc là thắng hay thua. Trong khi bọn lính dìu Khoan Triệt ra khỏi lều trận, Lý Hằng lại mềm mỏng với Trần Bình Trọng:
- Ông đừng chấp Khoan Triệt, ông ấy bị thương đâm bẳn gắt thế thôi. Người làm tướng ai chẳng muốn thắng trận. Có phải không ông?
Lý Hằng hỏi gặng, Trần Bình Trọng vẫn im lặng nhìn y. Viên Tả thừa ngượng. Y giả vờ gọi lính hầu rót rượu.
-Nào xin mời. Trước lạ sau quen. Anh hùng bốn bể đều một nhà cả.
-Nước nào chẳng có phong tục nấy. Trong lều có bậc cao tuổi, sao ông không mời, lại đi mời ta?
Lần đầu tiên câu nói của Trần Bình Trọng thốt lên trong lều. Lý Hằng bị đánh trúng vào cách tiếp khách niềm nở giả dối nên mất bình tĩnh. Nhưng chỉ một thoáng sau y lại xởi lởi ngay. Y nhìn ông già Màn Trò một cái rồi sai viên quan cầm cờ:
- Cởi trói cho ông lão và mời cả ông lão ngồi đây. Nhà ngươi cũng ở lại giúp ta tiếp khách.
Lý Hằng nhìn viên quan cầm cờ có ý hỏi. Viên quan cầm cờ khẽ lắc đầu. Y đã theo lệnh Lý Hằng tung đi rất nhiều lính trinh sát ra xung quanh Thiên Mạc. Nhưng nhiều tên lính đã trở về đem theo những tin tức trái ngược nhau khiến cho sự phán đoán càng bị rối mù. Lý Hằng thản nhiên giơ cốc mời Trần Bình Trọng. Y nhìn trả lại ánh mắt của Trần Bình Trọng rất lâu. Thầy trò Bảo Nghĩa vương cầm cốc lên, ngửa cổ uống một hơi cạn. Đó là một thứ rượu rất nặng, người không quen chỉ ngửi hương cũng đủ say. Lý Hằng nhìn hai người uống vừa phục vừa mừng. Y rút dao cắt một miếng đùi cừu lớn đưa cho Trần Bình Trọng nhưng ông từ chối:
-Ta chưa hề ăn thịt cừu. Uống suông cũng được.
-Chết nỗi! Đãi khách như thế sao được.
Tên tướng giặc sai đi lấy thức ăn khác. Một lát sau, bọn lính bưng vào một hỏa lò than và những kẹp cá chép tươi cùng những đồ gia vị.
-Bây giờ thì xin mời. Mỗi người một ý thích...
Lý Hằng xẻo một rẻo sườn cừu, nhai sụn rau ráu. Vẻ bề ngoài thô lỗ ấy giấu kín bản tính thâm trầm của y.
- Ông là Trần Bình Trọng, tướng chỉ huy quân Thánh dực?
Lý Hằng chú ý nhìn Trần Bình Trọng nhưng ông tướng Thánh dực vẫn thản nhiên ăn uống.
-Có đúng không?
-Đúng. Các ông có nhiều người biết tôi rồi.
Lý Hằng mềm mỏng:
-Tôi cũng biết tiếng ông.-Y chú ý tìm những lời lẽ bình thường nhất.
-Tôi không ngờ ông lại ở vùng này đấy.
Trần Bình Trọng không đáp.
-Đại nguyên soái của chúng tôi cũng muốn được gặp mặt ông.
Trần Bình Trọng nhìn lên, ông bình thản đáp:
-Điều ấy cũng dễ dàng thôi, ông gợi ra làm gì?
Lý Hằng uống rượu. Y nghĩ rất lâu. Con người ngồi trước mặt y đây không thể đem tiền tài ra dụ dỗ được. Chỉ có nói khích thì may ra đạt được mẹo chăng?
-Đại nguyên soái của chúng tôi thường ca tụng tài cầm quân của ông! Chúng tôi cũng thường phải dặn dò nhau dè chừng khi đối trận với ông... Thế mà hôm nay, may mắn làm sao chúng tôi lại mời được ông về lều trận này.
Trần Bình Trọng uống rượu. Ông thản nhiên như không:
-Thắng hay thua là sự thường mà người làm tướng gặp phải. Nay tôi thua, mai các ông thua, điều đó có gì là lạ.
Lý Hằng cười to lên. Y tỏ ra thích thú với lời nói của Trần Bình Trọng:
-Đại nguyên soái của chúng tôi cũng chẳng muốn hai nước xảy ra chuyện binh đao. Nhưng ngặt vì chúng tôi muốn gặp vua nước ông mà không được.
Trần Bình Trọng bẻ lại:
-Trước đây sứ hai nước thường đi lại bình thường. Vua nước tôi không hề đối xử khinh bạc với những người biết giữ lễ.
-Thế ông cho rằng Đại nguyên soái của chúng tôi không biết giữ lễ chăng.
- Ông muốn nói ai nhỉ?
-Thái tử Thoát Hoan!
-Có phải cái người đã giết một nửa nước Đại Lý phải không?
Lý Hằng cười ra tiếng:
-Tại cái bọn ngu dại ấy không biết tôn Đại nguyên soái lên ngôi báu. Chúng không biết rằng được một người thượng dân như Đại nguyên soái làm vua thì chúng sẽ được chăm sóc như con đỏ vậy.
Trần Bình Trọng mỉm cười, lần đầu tiên ông cười trong căn lều trận:
-Nước chúng tôi đã có câu thơ như thế này: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư!" ông có biết không?
Lý Hằng thôi cười. Y tức lắm bởi vì y quen nghĩ rằng chỉ có vua nước y mới có quyền xưng đế. Là người chịu đọc sách và học lịch sử, y cũng hiểu nghĩa câu thơ đó, cũng biết cả người làm câu thơ đó chính là Lý Thường Kiệt, vị tướng tài năng của nước Việt đã từng đánh quân xâm lược đại bại tới hai lần. Lý Hằng tức lắm, y đã dùng mềm mỏng không xong, nói khích cũng không xong. Y thay cách khác. Y hỏi bất ngờ:
-Thế thì vua nước Nam bây giờ trị vì ở đâu? Làm gì có chỗ nào mà ngủ?
Cốc rượu của Trần Bình Trọng sóng sánh tràn ra và hầu như cùng một lúc cốc rượu của ông già Màn Trò cũng tràn đổ lênh láng xuống cả quần áo. Ông già Màn Trò nói chữa:
-Già lão có khác. Chưa uống đã say.
Lý Hằng chăm chú nhìn ông già Màn Trò. Trần Bình Trọng đã nén được cơn giận đột ngột. Ông chậm rãi đáp:
-Nước Việt ta ngang dọc hàng vạn dặm, Quan gia ta muốn ở chỗ nào chẳng được.
Không hiểu viên Tả thừa đã ra lệnh từ lúc nào mà bọn giáp sĩ đang khênh vào lều nhiều đồ dùng tra tấn. Chúng im lặng làm việc nhưng những đồ dùng ấy vẫn va chạm vào nhau thành những tiếng ghê lạnh. Lý Hằng thoáng mỉm cười. Y ngắm sắc mặt Trần Bình Trọng. Nhưng đôi mắt của viên Tả thừa cứ mở to ra mãi... Ông tướng Thánh dực cầm cốc rượu trong bàn tay phải, còn tay trái vẫn bình thản nướng cá. Viên Tả thừa lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Y bỏ hẳn vẻ mặt mềm mỏng, y bỏ hẳn cách nói năng kiểu cách, y nói thẳng không úp mở nữa:
- Ông quả là tay gan góc. Bây giờ tôi cần biết điều này: tại sao ông lại bày trận đánh trên bãi sa bồi như thế?
Trần Bình Trọng uống cạn chén rượu thứ chín. Ông nhướng lông mày ra vẻ ngạc nhiên;
-Thế nào?
-Thế trận ấy là một thế trận quyết tử. Ông là người cầm quân có tài, không khi nào ông bày trận thế ấy nếu không cần thiết!
-Tại sao ông lại hỏi ta điều đó?
-Tại vì hai bên đang đánh nhau và bên nào cũng muốn mình thắng.
Trần Bình Trọng lạnh lùng:
-Câu trả lời của tôi chính là câu ông vừa nói đó.
Trần Bình Trọng vừa nói vừa thong thả vén tay áo chìa cho Lý Hằng xem hai chữ "Sát Thát" thích trên bắp tay. Lý Hằng lim dim mắt, hỏi gặng:
- Ông không biết rằng nếu ông bướng bỉnh thì đời ông sẽ ra sao ư?
Trần Bình Trọng không đáp. Ông già Màn Trò nổi nóng:
-Cả dân Việt ta ai chẳng có lời nguyền như vậy. Xem đây!
Ông già cũng vén tay áo lên và tiếp:
-Đừng hỏi nữa vô ích.
Lý Hằng lim dim mắt. Ông già Màn Trò dằn từng tiếng:
-Ngươi không dò hỏi được một điều gì ở hai chúng ta đâu!
- Ởtrên đời này có nhiều điều muốn cũng không làm được.
-Đúng đấy. Nhất là việc ăn cướp nước người!
Lý Hằng quát lên:
-Thằng già này! Ta không hỏi mi. Đã như cá nằm chốc thớt còm dám láo.
Trần Bình Trọng đứng thẳng dậy. Ông bình thản bảo Lý Hằng:
-Sát Thát là ý chí chung của cả dân tộc ta. Mi hãy dẹp hết mưu mẹo đi. Mi không cạo được ở ta một lời nào đâu.
Ông già Màn Trò quát lên:
-Thằng giặc kia, dân tộc ta đã giết hàng vạn quân cướp nước như mày rồi đó.
Lý Hằng nổi giận, y rút dao lưng. Nhưng ông già Màn Trò tiện cái cốc trong tay đã choảng cho y một đòn giữa trán. Tiếng xô xát ồn ào làm cho bọn giáp sĩ canh cửa lều trận hoảng hốt xông vào. Chúng nắm chặt tay ông già bẻ quặt ra sau lưng. Chòm râu rối bù của ông vểnh lên. Lý Hằng bưng vết thương trên trán. Y quát bọn lính hầu:
-Bay lôi thằng giặc già này ra chém ngay lập tức.
Ông già Màn Trò nhổ vào mặt y. Ông vằng bọn lính, vùng ra. Nhưng bọn giáp sĩ đông hơn đã xúm lại lôi ông đi. Ông bị chúng kéo xềnh xệch trong khi tiếng ông vẫn sang sảng:
-Chúng mày không cạo nổi một lời nào của chúng tao đâu!
Bọn lính kéo ông ra khỏi lều. Không khí căn lều trận càng trở nên nặng nề và căng thẳng. Lý Hằng khép hai mi mắt lại:
-Trần Bình Trọng, ông nghe kỹ lời tôi sắp nói đây: một là ông sẽ thoát chết và được phong vương nếu như ông biết khai ra những điều chúng tôi cần biết. Hai là ông sẽ thành quỷ không đầu.
Nhưng câu nói đe dọa với những điều kiện rõ ràng của Lý Hằng chỉ như đổ thêm dầu vào lửa đang cháy. Ông tướng Thánh dực đứng thẳng người lên giữa căn lều trận, cao hơn bọn giặc hẳn một đầu. Ông nói dằn từng tiếng với tất cả vẻ hiên ngang của một người tình nguyện chết cho đất nước sống lâu dài:
-Hãy im ngay đi, thằng giặc dữ! Tao thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vua đất Bắc!
Lý Hằng tái mặt:
-Ta không nói nữa. Cho mi nghĩ tới lúc mặt trời lên.
Trần Bình Trọng không đáp. Lý Hằng chờ một lát rồi ra lệnh:
-Giải đi!
Chương 5
Bọn giáp sĩ trói Trần Bình Trọng vào một cái cọc trên bãi cát bên bờ Thiên Mạc. Từ đây ông có thể nhìn thấy tất cả vẻ đẹp của một vùng mà trước đây hai hôm chưa hề có gì gắn bó với ông. Đêm tàn, bãi sông bắt đầu xao động, báo hiệu thiên nhiên sắp thức giấc. ánh lửa giặc đốt làng Xuân Đình vẫn bốc cao lên, hừng hực đỏ. Sau màn lửa là cả một khoảng lau sậy mênh mang kéo ngút ngàn tới đâu đâu chẳng biết. Trên cao, vạc đang về tổ. Vạc cất tiếng kêu khan gợi cho Trần Bình Trọng nhớ đến những buổi ra quân hồi trước tết. Trời lạnh lắm mà trên lưng ông chỉ một manh áo chiếc sơ sài. Trần Bình Trọng tụt đôi hài chiến, đặt chân không lên nền cát ẩm mềm.
Một cảm giác dịu dàng khiến ông thấy kể từ lúc này, vùng Thiên Mạc sẽ gắn bó mãi mãi với lòng mình. Trần Bình Trọng ngả đầu dựa vào cái cọc. Biết bao nhiêu hình ảnh thân thiết diễu qua trong tâm hồn bình thản của ông. Chắc bây giờ đoàn thuyền của Quan gia đang xuôi mạnh về phủ Thiên Trường. Tiếng ngâm thơ của nhà vua bỗng vẳng lên bên tai Trần Bình Trọng. Trước mắt ông hiện lên toàn cảnh Thiên Trường mênh mang hùng vĩ, và văng vẳng đâu đây tiếng chày đập vải chểnh choảng trong sương sớm Thăng Long. Kinh thành yêu dấu vẫn đẹp như xưa, mặc dù trải biết bao cơn giông tố mịt mùng...
Từ Thăng Long, con sông Cơ Xá chảy xuống đông nam. tới lộ Khoái, Cơ Xá mang cái tên Thiên Mạc. Bên kia sông Thiên Mạc là bến Chương Dương hiện bây giờ còn chìm trong màu xám bạc của đêm tối sắp tàn. Còn bên này sông, chỉ cách chỗ đứng của Trần Bình Trọng vài dặm, cửa Hàm Tử rộng mênh mông hòa lẫn với dòng nước Thiên Mạc và màu xanh đen của bãi Màn Trò. Trần Bình Trọng khẽ nghiêng đầu. Ông tưởng mình nghe thấy tiếng lá lau xát vào nhau, nhưng không phải, đó chỉ là tiếng gió đổi chiều, báo hiệu bình minh đến... Trần Bình Trọng bỗng mỉm cười. Ông nghĩ đến buổi bình minh của cuộc đời cậu bé chăn ngựa. Bây giờ chắc Hoàng Đỗ đang nghỉ tạm ở Thiên Trường, nhưng cũng có thể Tiết chế đã ra lệnh cho cậu bé đi ngay vì ít nhất cũng phải giao được cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải chiếc khóa bạc. Chắc chắn rằng một khi nhận được chiếc khóa này, Thượng tướng quân sẽ hết lòng hết sức cổ vũ ba quân chiến đấu cùm chân giặc lại, bẻ gãy một gọng kìm địch từ phía nam giương ra Thăng Long. Chiếc khóa bạc nhỏ cùm chặt chân tướng giặc Toa Đô! Trần Bình Trọng chợt mỉm cười... Có ai ngờ được là có sự dí dỏm đến thế trong tâm hồn một vị tướng già trang nghiêm như Quốc công Tiết chế.
Cậu bé Hoàng Đỗ được theo Tiết chế là một điều may mắn cho con người mới thoát kiếp nô tì ấy. Trần Bình Trọng lại mỉm cười sung sướng... Khi bị trói, chờ lúc mặt trời lên, Trần Bình Trọng mới hiểu đến chỗ diệu kỳ thế nào là lòng yêu tự do của những người mang trên trán ba chữ "Quan trung khách" thích chàm. Ông chợt thấy thương Hoàng Đỗ, nhưng rồi ông lại mừng cho Hoàng Đỗ. Cậu bé chăn ngựa ấy sẽ lớn lên trong lòng dân tộc. Cậu đã góp phần công sức mình cho đất nước, và đất nước đã đem lại cho Hoàng Đỗ điều cậu ta vẫn hằng mơ ước. Chỉ đến lúc bị trói, chờ mặt trời lên, Trần Bình Trọng mới hiểu rằng Hoàng Đỗ và biết bao nhiêu con người cùng chung thân phận như cậu đã lập công, đã nhận những việc khó khăn, đã hiến dâng cả cuộc đời, trí tuệ, tài năng và tấm lòng của mình cho đất nước.
Trần Bình Trọng bỗng mở to đôi mắt. Không hiểu ông già họ Hoàng bây giờ yên nghỉ nơi nao. Trần Bình Trọng cố hình dung lại vẻ mặt ông già. Thật kỳ lạ! Tiếng cười ha hả ngang tàng, cách nói năng khiêu khích cố tình, ánh mắt trong sáng long lanh, chòm râu rối bù bướng bỉnh... bấy nhiêu hình ảnh, âm thanh trộn lẫn nhau, nhưng không hợp lại thành được một ông già họ Hoàng như ý mong muốn của Trần Bình Trọng...
Lúc thì một nét này trội lên, lúc thì một nét khác chói ngời hào quang, vẻ mặt ông già lồng lộng như vầng trăng soi lung linh đáy nước. Trần Bình Trọng khẽ chớp mắt. Hình như thiên nhiên đã đặt ông già ấy ở Xuân Đình, xui khiến con người ấy gặp ông để truyền cho ông biết bao nhiêu bài học tuyệt vời. Sự suy nghĩ miên man của Trần Bình Trọng diễn ra âm thầm nhưng rất mạnh. Ông quên hết những vết thương mang đầy người. Ông không còn nhớ đến Lý Hằng với lời giao hẹn của y. Trần Bình Trọng quên hết những điều nhỏ nhen vặt vãnh. Tất cả tâm hồn ông, trong nửa canh cuối cùng của cuộc đời, dành cho những người thân thiết và thiên nhiên đất Việt...
Khi nắng chớm hửng lên, thiên nhiên hiện ra lộng lẫy với cảnh sông Thiên Mạc rộng bao la. ánh tím của dãy núi đá lộ Quốc Oai chưa gặp nắng nên vẫn thẫm màu. Cũng vì thế đàn cò giăng hàng càng thêm trắng... Sáng hôm nay, Thiên Mạc gần gụi với Trần Bình Trọng biết bao nhiêu. Ông đã chiến đấu một trận tuyệt vời trong khung cảnh bao la hùng vĩ ấy và làm tròn được mệnh lệnh mà Quốc công Tiết chế đã trao cho. Trong khi ông chiến đấu ở đây, biết bao mệnh lệnh khác của Quốc công Tiết chế đang được thực hiện trên khắp chiến trường đất nước. Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản... và những bạn chiến đấu thân thiết của ông cũng đang ra sức làm tròn phần việc của mình trong công cuộc đánh giặc giữ nước. Trần Bình Trọng bằng lòng về mình. Ông càng thấy niềm tin chói ngời trong tâm hồn ông. Rồi đây, một trận quyết chiến lớn nằm trong kế hoạch diệt giặc đã lập sẵn sẽ diễn ra trên vùng sông Thiên Mạc rộng bao la này. Ông khẽ nhắm đôi mắt lại, mường tượng cảnh chiến trường ồn ã, quân reo ngựa hí. Một rừng cờ, trong đó có ngọn cờ Thánh dực hiên ngang, bay phấp phới trước mũi thuyền chiến. Thiên Mạc rồi sẽ sạch làu bóng giặc. Thiên Mạc... Thăng Long... Thiên Mạc... Ông càng thấy Thiên Mạc gần gụi với ông biết bao nhiêu. Ông thấy yêu tha thiết mảnh đất sẽ là nơi yên nghỉ của ông, mảnh đất mà trên đó, ông đã thu được nhiều bài học về tự do, về lòng yêu nước, mảnh đất mà ông chỉ mới đặt chân lên vừa đúng hai ngày... Thế rồi, ánh nắng chiếu vàng vầng trán của ông.
Thăng Long, mùa đông Bính Ngọ. (1966)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro