Prologue
Trước tiên, bản thân mình muốn làm rõ, mình đặt bút viết về Thích Dung không phải vì thần thánh hóa, hay yêu quý nhân vật này tới mức muốn mang tới mọi điều tốt đẹp, muốn mọi chuyện đều thuận theo họ. Mình viết về Thích Dung chỉ đơn giản vì thấy trong nguyên tác quá là bất công với ẻm.
Trước tiên, mình sẽ bắt đầu với gia cảnh của Dung. Như chúng ta đã biết, ẻm sinh ra trong gia đình có người bố tổi tệ, bạo lực, tóm lại là điển hình của một nhân vật có quá khứ bi thương, vậy nên điều này có lẽ lí giải một phần cho tính cách của ẻm. Nhưng mình phải đính chính lại, trong Thiên Quan Tứ Phúc, Mặc Hương Đồng Khứu đã rất cố gắng để xây dựng một thế giới có cả thiện và ác, không ai tốt hoàn toàn mà cũng không ai xấu hoàn toàn, nhưng mình phải nói trong lượt truyện này má Mặc đã quá tay trong phần "xấu" của thế giới. Thế giới này dường như quá mức xấu xá, như khi ta thấy Tạ Liên, Quân Ngô không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người thì đều bị tất cả chỉ trích. Thật lòng mình thấy nó hơi thái quá, chẳng nhẽ tất cả đều tin vào họ, tin nhiều tới mức khi không có thứ mình muốn thì quay ra hành hạ, rồi phỉ nhổ người từng là tín ngưỡng của mình đến như một thứ rác rưởi sao? Hi vọng nhiều đem lại thất vọng nhiều là thực, nhưng mình không tin là "chúng sinh" ở đây lại tin vào họ nhiều tới vậy. Nếu những người từng tôn sùng Tạ Liên, Quân Ngô có thể làm ra những chuyện bất bình, xúc phạm với những vị thần từng là tín ngưỡng như vậy thì có thể thấy tất cả họ đều là loại chẳng ra gì. Mà những con người như vậy sẽ đặt nhiều niềm tin như thế vào một thứ mà bản thân chưa bao giờ tiếp xúc, chưa bao giờ chạm tới sao? Mình thực lòng không nghĩ lại sẽ có những người ngu ngốc như vậy. Bản thân Thích Dung cũng bị khắc họa giống như vậy: khi thần linh mình tôn sùng không đáp ứng được kì vọng thì quay lưng lại với họ. Vậy còn chi tiết ẻm hành hạ Hoa Thành vì buổi lễ bị phá thì sao? Mọi người khác cũng sùng bái Tạ Liên mà có làm vậy với Hoa Hoa sau khi buổi lễ kết thúc đâu? Nếu em ấy làm vậy vì thấy tức giận thay cho Tạ Liên vì buổi lễ bị gián đoạn, vậy chứng tỏ sự kính ngưỡng của ẻm đối với biểu ca cũng phải nằm ở mức độ khác so với mọi người rồi. Thế mà khi Tạ Liên rớt đài, thái độ của em chẳng khác gì với những người bình thường khác. Hóa ra chi tiết ẻm đối đãi gay gắt với Hoa Thành chỉ là để bôi nhọ ẻm và lôi kéo lòng thương cho Hoa Thành thôi à. Vậy nên má Mặc xây dựng hình tượng của Thích Dung ở đây vẫn chưa hoàn toàn làm mình hài lòng. Ẻm là một đứa trẻ bị bạo hành, bị ngược đãi ở trong gia đình, vậy mà từ khi vào cung, tác giả chỉ đơn giản kể rằng ẻm ngưỡng mộ Tạ Liên, rồi đem biểu ca trở thành tín ngưỡng, rồi kiêu ngạo, hống hách. Mình hiểu được phần kiểu căng, tự phụ của Thích Dung là từ đầu. Lớn lên trong môi trường tồi tệ như thế, trong đầu ẻm dĩ nhiên sẽ hình thành suy nghĩ nếu có tiền, có quyền, có sức là có thể chèn ép người khác, phải đè nát những kẻ yếu hơn thì mới có thể vươn lên trên. Thêm một điều nữa, một đứa trẻ yếu đuối, có nhận định sai lệch về thế giới lại được trao quyền lực vào tay thì chẳng khác nào đang bảo ẻm là muốn làm gì thì làm cả, và như vậy chính xác là ngòi kích phát cho mọi thói xấu có thể của một con người. Hành động của Thích Dung khi này vô cùng đáng giận, nhưng nó hoàn toàn là sao chép của người mà ẻm tiếp xúc với nhiều nhất – người bố vô trách nhiệm của mình. Và khi Thích Dung cư xử như vậy, thì tệ hơn nữa là chẳng ai chỉ ra cho ẻm đó là sai, rằng như thế nào mới là đúng. Tạ Liên lúc này còn chưa tròn 17 tuổi, đặt lên vai y gánh nặng chỉ bảo một đứa trẻ ngỗ nghịch trong khi bản thân còn bị đè nén bởi bao kỳ vọng là không phải, dì Thích Dung – mẹ Tạ Liên lại chỉ biết nuông chiều hắn, bởi bà chỉ đơn giản muốn bù đắp, nhưng chính sự dung túng này lại trở thành mầm mống cho tính cách phản nghịch của Thích Dung. Vậy nên người duy nhất mình thấy có thể trách nhất ở đây là quốc sư Tiên Lạc – Mai Niệm Khanh. Tạ Liên 17 tuổi, mẹ Tạ Liên chưa sống hết một đời thì thôi, quốc sư là người dày dạn kinh nghiệm, từng trải qua bao sự đời, chứng kiến sự lụi tàn và tha hóa của một vị thần đáng kính, của cả một quốc gia từng phồn vinh mà lại làm ngơ trước Thích Dung. Thích Dung thật lòng mà nói mình thấy không giống như yêu Tạ Liên, mà là yêu ý tưởng của bản thân về y. Loại người như Thích Dung chẳng phải giống những dân chúng đã từng quay lưng lại với Quân Ngô nhất sao? Vậy tại sao Mai Niệm Khanh lại không nhận ra được, hay không chịu thấu hiểu để tìm cách ngăn chặn một vận mệnh bi kịch lặp lại? Đây Mai Niệm Khanh chỉ đơn giản thấy khó chịu, chối bỏ Thích Dung chẳng khác nào nói y không hề đồng cảm được cùng chúng sinh, cùng một giuộc với Quân Ngô cả. Đồng ý rằng Thích Dung lúc này là một đứa trẻ láo xược, đáng ghét, hống hách lại lì lợm. Nhưng xin cho phép mình liên hệ, rằng chắc chắn thành phần này không hề thiếu trong những lớp học ngày nay. Mà các thầy cô vẫn có thể xử lý và dạy dỗ chúng thành người được, nói gì một người đã trải qua bao thăng trầm cuộc sống như quốc sư. Mình cho rằng nếu, nếu quốc sư chịu làm ra một nỗ lực, một cố gắng với Thích Dung, và ngồi nghiêm túc nói chuyện với hắn chứ không phải đối xử với Thích Dung như một đứa trẻ và yêu cầu hắn cư xử như người lớn thì Thích Dung đã có cơ hội giác ngộ, và nhận ra bản thân đã hành xử tệ như thế nào và thay đổi.
Điều thứ hai mình muốn nhắc đến là Tạ Liên. Ám ảnh với Tạ Liên của Thích Dung là điều khiến mình vô cùng thắc mắc. Nó xuất phát từ đâu? Dần hình thành từ những điều gì? Và tại sao lại trở nên cực đoan như này? Trước tiên, mình xin được đề cập lại đến vấn đề gia đình của Thích Dung, với một cuộc sống tuyệt vọng như vậy, được đưa đến hoàng cung hưởng thụ một cuộc sống sung túc là một ước mơ thành thực với ẻm. Thích Dung được mẹ mình đưa về hoàng cung từ năm 5 tuổi, vậy khả năng là sự yêu thích đối với biểu ca của ẻm bắt đầu sau khi vào sống tại đây, nghĩa là phải có một sự kiện sâu đậm nào đó xảy ra, lấn át cả tình cảm dành cho mẹ của ẻm - người đã cho Thích Dung một cuộc sống mới, thì ẻm mới thích Tạ Liên như vậy được. Trong đa số truyện viết "AllDung" mình đọc từ nhiều nguồn đều đặt tư thiết rằng nó bắt đầu từ khi Tạ Liên giúp Thích Dung khỏi một lũ bắt nạt vào đêm thả đèn, bởi đó là lời giải thích hợp lý nhất. Mình lại không cho là vậy, xin phép nêu rõ giả thiết trên, tóm tắt lại thì là: Trong đêm hội đèn hoa đăng, Thích Dung muốn thả cho mẹ một trản đèn (lúc này là tuyến thời gian Thích Dung mẹ đã mất), nhưng lại không biết chữ, một đám trẻ con nhà quyền thế thấy vậy ra chỉ, nhưng lại là chỉ sai, chỉ cho Thích Dung viết linh tinh, những thứ không hay lên đó. Tạ Liên bắt gặp và đuổi chúng đi, đồng thời giáo Thích Dung viết những điều hắn muốn rồi cũng hắn thả đèn. Qủa là một cái cớ nghe chừng thì có vẻ hợp lý. Nhưng hãy phân tích tâm lý lúc này của Thích Dung, ẻm sau những trận bị đánh đập của bố mình thì hiển nhiên sẽ không dễ dàng tin người, buông cảnh giác trước mọi người xung quanh, mẹ là người Thích Dung hẳn kính yêu vô cùng, vậy mà lại có thể để một đám trẻ không quen không biết ra viết lên ngọn đèn quan trọng của mình? Thêm vào đó, lúc này Thích Dung đã là kính vương, sao lại có những đứa trẻ ngu xuẩn tới độ đi chọc vào người có quyền có thế cao hơn mình được, vậy cũng quá không hợp lý, lại thêm Tạ Liên đến, xuất hiện như một anh hùng từ trong cổ tích bước ra rồi giúp Thích Dung đuổi những kẻ xấu, bắt nạt kia đi rồi từ đó mà thành ám ảnh của ẻm lại càng khiến mình không thể nuốt trôi. Một người đã sinh hoạt quá lâu trong bóng tối, quen đủ với mọi thứ ti tiện, dơ bẩn của cuộc đời lại dễ dàng mở lòng như thế sao? Chắn chắn Thích Dung trong trường hợp này nên thấy kỳ quái, muốn tránh xa chứ không phải ấn tượng bởi Tạ Liên. Vậy nên mình xin phép loại phương án này. Má Mặc để trống một trong những nguyên do chính khiến Thích Dung trở thành như này làm mình hoàn toàn không thể hiểu được nhân vật, và thấy nhân vật không hề thực tế, mà lại có phần sơ sài, qua loa, thậm chí nếu bạn nào đã đọc bộ "Hệ thống tự cứu của nhân vật phản diện", thì sẽ thấy được ẻm bị viết còn không trau chuốt và hợp tình hợp lý bằng Thẩm Cửu, nhân vật phụ của phụ, không xuất hiện trong truyện chính luôn. Nếu xét hết những tình huống mình đưa ra ở trên, thì mình thực sự không thấy có lý do nào để Thích Dung có dấu ấn sâu đậm như vậy về Tạ Liên cả.
Cuối cùng mình muốn nói đến là về Cốc Tử. Dù phút cuối Thích Dung có lựa chọn hi sinh để cứu Cốc Tử, nhưng mình thực lòng không ấn tượng về chi tiết này. Bởi vì trước đó, Thích Dung chính xác là vô cùng vô tâm với đứa con hờ này. Y bỏ mặc nó khi nó sốt và đói, rồi nói những lời vô nghĩa với nó, coi nó chẳng khác nào món đồ chơi. Phải khẳng định rằng trừ bỏ phút cuối cùng bị thiêu trong biển lửa dưới tay Quân Ngô (và sự thật rằng Thích Dung chưa làm thịt thằng bé nữa), thì mình không nhìn ra tí tình cảm nào luôn. Mình thực sự thấy như má Mặc nhét cái kết chết để bảo vệ một đứa trẻ vào cho Thích Dung chỉ là để vớt vát rằng nhân vật này vẫn còn tình người vậy. Câu truyện của Thích Dung có quá nhiều lỗ hổng và "sạn", vậy nên cho dù có lời giải thích hợp lý cho toàn bộ diễn biến tâm lý và hành động của ẻm thì mình vẫn không hề hài lòng với Thiên Quan Tứ Phúc. Mình cho rằng một quyển sách tốt, thì một trong những tiêu chí là mọi nhân vật đều chân thật, hợp lý, không bị hình tượng hóa hay quá phi lý về mặt tính cách, sức mạnh, nó phải gần gũi với người đọc và để cho họ hiểu được, chứ không phải nghĩ về như một thứ gì đó chỉ tồn tại trong sách truyện. Các nhân vật không thể quá xấu hoặc quá tốt, đó là lẽ hiển nhiên. Nhưng với Thích Dung thì mình hoàn toàn không thấy được mục đích ẻm xuất hiện trong truyện, ngoại trừ để bị gán cho cái vai thấp hèn, bị mọi người phỉ báng và coi rẻ cả. Thích Dung đã bị viết với một tính cách khốn nạn, không coi ai ra gì, vậy tại sao má Mặc còn để ẻm bắt chước Hoa Hoa, rồi Hạ Huyền cốt để tạo cái uy, để nhận được sự công nhận của mọi người làm gì, đó là hai mảng tính cách hoàn toàn trái ngược nhau luôn, bởi nếu đã thực sự không quan tâm đến ý kiến của bất kì ai, thì ẻm cũng chẳng thấy mình cần làm theo người khác để nhận được sự nể sợ của những người xunh quanh. Thích Dung bị đối xử quá là bất công luôn, vậy nên mình muốn viết về Thích Dung, viết về một Thích Dung thực tế hơn chứ không cư xử mâu thuẫn như trong nguyên tác.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro