CHỨNG BỊA CHUYỆN
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn biết khi nào bạn đang tự lừa dối bản thân.
SỰ THẬT LÀ
Bạn thường không nắm rõ về động cơ thúc đẩy đằng sau những hành vi của mình, và thường tự tạo dựng nên những câu chuyện để giải thích về quyết định, cảm xúc, lịch sử của bản thân mà không hề nhận ra điều đó.
----------------------------------
Khi một bộ phim được bắt đầu với dòng chữ "Dựa trên một câu chuyện có thật", bạn sẽ nghĩ gì? Liệu bạn có cho rằng tất cả những cuộc hội thoại, tất cả những bộ trang phục, hay những bài nhạc nền được chiếu trên màn ảnh giống hệt như ngoài đời thực? Tất nhiên là không phải vậy rồi. Bạn biết những phim như Trân Châu Cảng hay Erin Brockovich là những chuyển thể nghệ thuật dựa trên những sự kiện có thật, được biến tấu, nhào nặn lại thành những câu chuyện dễ hiểu với bố cục bao gồm mở đầu, phần thân và phần kết. Có những điều bị lược bỏ, có những con người ở ngoài đời thì khác nhau mà trong phim lại bị ghép vào thành một nhân vật. Lúc bạn xem những phim loại này, bạn cảm thấy chi tiết nhỏ không quan trọng bằng bức tranh lớn hay ý tưởng chung toàn cục.
Giá mà bạn cũng sáng suốt được như vậy khi nhìn vào bộ phim tài liệu về cuộc đời của bản thân ở trong đầu bạn. Nhưng bạn chẳng thông minh như bạn tưởng. Sự thật là bộ phim trong tâm trí bạn cũng được cường điệu hóa, kịch tính hóa nhiều lần, và các nhà khoa học đã biết điều này từ khá lâu rồi.
Tất cả đều khởi nguồn từ nhu cầu lấp đầy những khoảng trống của bộ não.
Bạn hãy đưa hai ngón cái lên và đặt chúng cạnh nhau ngay trước mặt. Nhắm mắt trái lại và từ từ di chuyển ngón bên phải theo một đường ngang về bên phải trong khi giữ nguyên hướng nhìn vào ngón bên trái. Bạn có nhận thấy điều gì không? Có lẽ là không. Nhưng đâu đó trên khoảng mà ngón cái tay phải của bạn vừa di chuyển có một điểm được gọi là điểm mù, một điểm ở sau cầu mắt, giao điểm của thần kinh thị giác với võng mạc. Tại đây không có các đầu dây thần kinh nên không thể cảm nhận ánh sáng, và bạn có một điểm này ở mỗi bên mắt. Nó cũng lớn hơn là bạn tưởng đó, chiếm tới khoảng 2% toàn bộ vùng nhìn thấy của bạn. Nếu bạn muốn xác định được rõ điểm mù này, hãy lấy một tờ giấy trắng và vẽ lên đó hai chấm to bằng khoảng nửa đồng xu, cách nhau khoảng 5cm. Giơ tờ giấy ra trước mặt, tập trung nhìn vào điểm bên trái và nhắm mắt trái lại. Đưa tờ giấy vào gần thật chậm rãi và không di chuyển ánh nhìn, tới một lúc nào đó bạn sẽ thấy chấm bên phải đột nhiên biến mất. Đó chính là một trong hai điểm mù của bạn.
Giờ thì hãy nhìn quanh căn phòng bạn đang ngồi với một mắt vẫn nhắm. Hãy thử lại trò trên với một số chữ được in trên trang giấy này. Bạn có thấy gì không? Bạn có nhận ra một khoảng trống trong tầm nhìn của mình? Chắc là không. Bộ não của bạn đã lấp đầy khoảng trống đó như thể nó dùng Photoshop vậy. Những thông tin hình ảnh ở xung quanh điểm mù đã được sao chép và dán đè vào phần còn thiếu một cách tự động. Bộ não đã đánh lừa bạn một cách nghệ thuật, và bạn thì không hề nhận ra điều đó.
Cũng như việc bộ não luôn lấp đầy khoảng trống trong tầm nhìn của bạn một cách khéo léo để bạn không thể nhận ra, bạn cũng luôn lấp đầy những khoảng trống trong chính ký ức và lý luận của bản thân.
Đã bao giờ bạn kể câu chuyện về việc bạn đã làm cùng với một ai đó từ ngày xửa ngày xưa, và ngay lúc bạn đang cao hứng thì họ ngắt lời bạn, nói rằng "Không, không đúng. Chuyện đó không phải như vậy."? Bạn kể rằng đó là vào một bữa tiệc Giáng sinh, và bạn đã nhại lại tập cuối của bộ phim Lost với đôi bít tất dài trên tay; họ thì bảo rằng đó là bữa ăn tối Phục sinh. Bạn nhớ rõ việc mở quà và uống rượu trứng, nhưng họ thì lại chắc chắn rằng đó là những quả trứng, và thậm chí người mở quà còn không phải là bạn. Đúng hơn, đó là người em họ của bạn, và họ đã dùng một con thỏ sôcôla để giả làm quái vật khói.
Thử ngẫm lại xem những chuyện như thế này có thường xuyên xảy ra không, nhất là nếu bạn đang có quan hệ với một người luôn có thể bắt lỗi những câu chuyện của bạn. Liệu có khả năng là não bạn có một cuộn phim quay lại từng khoảnh khắc trong đời, nhưng khi xem lại, bạn chẳng thấy giống chút nào so với những gì bạn nhớ? Hãy thử nghĩ về tất cả những bức ảnh khiến bạn phải sửng sốt khi thấy mình từng tạo dáng tại những nơi mà bạn chẳng thể nhớ ra là đâu. Hãy thử nghĩ về những điều mà cha mẹ bạn thường hay kể lại về thời niên thiếu: Có những câu chuyện mà bạn chẳng có ý niệm nào cả, hoặc là bạn nhớ rằng nó xảy ra theo hướng khác. Nhưng bạn vẫn có cảm giác về một dòng ký ức và trải nghiệm xuyên suốt về cuộc đời mình. Những chi tiết nhỏ có thể thất lạc, nhưng bức tranh tổng thể của cuộc đời bạn thì vẫn còn đó. Nhưng bức tranh lớn này thực ra lại là một sự lừa dối được dựng lên từ những mẩu chuyện do bạn luôn tự bịa ra một cách vô thức. Tất cả tạo nên câu chuyện về con người bạn, những điều bạn đã làm, và tại sao bạn làm những việc đó.
Bạn làm điều này nhiều và thường xuyên tới nỗi bạn sẽ chẳng thể chắc chắn được bao nhiêu phần trong quá khứ của bạn là thật. Bạn chẳng thể biết chắc được tại sao ngay bây giờ bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này, mà không phải đang lê la tại một góc phố hay đang chu du vòng quanh thế giới. Tại sao bạn lại không dám hôn cô ấy? Tại sao bạn lại nói những lời lẽ nặng nề với mẹ mình? Tại sao bạn lại mua chiếc laptop ấy? Tại sao bạn lại giận thằng cha đó đến vậy? Sự thật về bản thân bạn và lý do bạn đang ở đây là gì?
Để hiểu được về chứng bịa chuyện này, chúng ta sẽ cần nhờ tới giải phẫu. Thi thoảng, trong một số ca bệnh khó mà không phương pháp nào có hiệu quả, các bác sĩ cũng phải tính đến phương án cuối cùng là bổ đôi não của bệnh nhân ra. Và những gì họ phát hiện được thật đáng ngạc nhiên.
Để có được một ý niệm cơ bản về sự bổ đôi bộ não, bạn hãy nắm hai bàn tay lại, úp vào nhau sao cho các ngón tay hướng lên trên. Mỗi nắm tay của bạn tượng trưng cho một bán cầu não. Hai bán cầu não giao tiếp với nhau thông qua một mạng lưới dày đặc những nơ-ron thần kinh được gọi là thể chai. Tưởng tượng rằng giữa hai bàn tay đang nắm của bạn là một bó những sợi chỉ kết nối với nhau, bó chỉ đó chính là thể chai của bộ não. Trong trường hợp của những bệnh nhân mắc chứng động kinh nặng tới nỗi không loại thuốc nào có thể chữa trị và giúp họ trở lại trạng thái bình thường, bác sĩ sẽ tiến hành cắt những sợi chỉ trên. Trong một cuộc phẫu thuật cắt thể chai, hai nửa của bộ não sẽ được chia cắt một cách cẩn thận giúp cho bệnh nhân có thể sống tương đối bình thường sau đó.
Những bệnh nhân đã tách não trông bên ngoài thì có vẻ ổn. Họ có thể làm các công việc và giao tiếp một cách tương đối bình thường. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn về các đối tượng này, các nhà khoa học đã tìm ra được những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi bán cầu não. Từ những năm 1950, nghiên cứu về bệnh nhân sau khi cắt thể chai đã cho chúng ta biết thêm rất nhiều về hoạt động của bộ não. Để tập trung đúng vào trọng tâm chủ đề chương này, chúng ta sẽ chỉ đi sâu vào khả năng tạo ra những câu chuyện một cách rất nhanh chóng và thản nhiên, và rồi sau đó lại tin rằng đó là sự thật của những đối tượng này. Đây được gọi là chứng bịa chuyện tách não, nhưng bạn không cần phải có một bộ não đã bị bổ đôi để có thể bịa chuyện.
Bạn cảm thấy mình là một cá thể độc lập với một bộ não duy nhất, nhưng trên nhiều khía cạnh, thực chất bạn có tới hai bộ não. Suy nghĩ, ký ức, và cảm xúc được xử lý bởi toàn thể khối óc, nhưng một số chức năng khác thì lại được giải quyết một cách hiệu quả hơn bởi một bên bán cầu não. Lấy ví dụ như ngôn ngữ chẳng hạn. Đây là một chức năng được xử lý chủ yếu bởi bán cầu não trái, rồi mới được đẩy qua đẩy lại giữa hai bên bán cầu. Một số hiện tượng lạ sẽ xảy ra khi hai bán cầu não bị chia tách và sự trao đổi thông tin này không còn nữa.
Nhà tâm lý học Michael Gazzaniga từ Đại học California tại Santa Monica là một trong những người đầu tiên, cùng với Roger Sperry, nhờ tới sự trợ giúp của những người đã phẫu thuật cắt thể chai trong nghiên cứu của mình. Trong một thí nghiệm, đối tượng sẽ nhìn vào chữ thập ở giữa màn hình, sau đó một từ, ví dụ như xe tải nháy lên thật nhanh ở phía bên trái. Sau đó họ sẽ được hỏi là đã nhìn thấy gì. Tất nhiên là những người với não còn nguyên vẹn sẽ trả lời ngay được là xe tải. Những người đã qua phẫu thuật thì nói rằng họ không biết, nhưng kỳ lạ là khi được yêu cầu vẽ lại điều mà họ thấy bằng tay trái, họ lại dễ dàng vẽ một chiếc xe tải.
Một điều bạn cần chú ý đó là: Tay phải của bạn được điều khiển bởi bán cầu não trái, và tay trái bởi bán cầu não phải. Tương tự như vậy đối với thị giác. Những thứ mà mắt trái nhìn thấy được đi chéo qua hộp sọ vào bán cầu não phải, và ngược lại. Những dây thần kinh này không bị ảnh hưởng khi thực hiện giải phẫu cắt thể chai.
Bình thường thì điều này không phải là vấn đề, bởi vì thông tin được xử lý bởi một bên bán cầu não sẽ được chuyển qua cả bên còn lại. Tuy nhiên, một người đã phẫu thuật cắt thể chai sẽ không còn khả năng này. Bởi vì trung tâm xử lý ngôn ngữ nằm ở bán cầu não trái, khi thiếu đi kết nối cần thiết, bán cầu não phải (bên nhìn thấy hình ảnh trên màn hình) không thể truy cập vào đây để đưa ra được miêu tả bằng lời. Tuy nhiên với một cây bút, não phải có thể vẽ ra hình ảnh đó. Và một khi đã vẽ được ra giấy, não trái có thể nhìn thấy, và lúc này người đó sẽ bật ra "Ồ, đó là một chiếc xe tải". Mối liên hệ bình thường diễn ra giữa hai phần của bộ não nhờ thể chai giờ diễn ra trên giấy.
Đây là điều vẫn xảy ra trong thế giới của những người đã phẫu thuật cắt thể chai. Nhưng quá trình tương tự cũng diễn ra trong đầu bạn nữa. Cũng phần não trái đó chịu trách nhiệm biến suy nghĩ thành từ ngữ và chuyển cho miệng nói ra. Những gì mà não phải thấy được trong cuộc sống được chia sẻ với não trái trong những cuộc trao đổi mà bạn không biết tới. Dưới góc độ sinh học, đây chính là gốc rễ của chứng bịa chuyện, và điều này cũng đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm.
Khi một người đã qua phẫu thuật tách đôi não được cho xem từ chuông bằng mắt trái và từ âm nhạc bằng mắt phải, rồi được yêu cầu sử dụng tay trái để chỉ thứ mà anh ta đã thấy trong bộ 4 bức ảnh, anh ta chọn bức ảnh của một quả chuông. Anh ta đã bỏ qua những bức ảnh của người đánh trống, một cây đàn organ và một chiếc kèn trumpet. Khoảnh khắc sự bịa chuyện diễn ra là vào lúc người này được hỏi lý do chọn bức hình đó. Anh ta nói thứ âm nhạc cuối cùng mà anh ta được nghe là tiếng từ tháp chuông của một trường đại học. Bán cầu não phải nhìn thấy chữ chuông và điều khiển tay trái chỉ vào bức ảnh thể hiện vật thể đó. Nhưng não bên trái lại thấy chữ âm nhạc, và nó phải nhào nặn lên một câu chuyện để giải thích cho việc người đó bỏ qua những hình ảnh liên quan nhiều hơn tới khái niệm mà nó thấy.
Phần não phụ trách về ngôn ngữ đã nhận thấy tay trái chỉ vào quả chuông, nhưng thay vì thú nhận là nó không biết lý do tại sao lại có sự bất đồng quan điểm, nó tự bịa ra một lý do. Phần não phải cũng chẳng thông minh hơn, nó ngay lập tức đồng tình với những gì não trái nói ra. Những người tham gia thí nghiệm không nói dối, vì họ thực sự tin rằng lý do họ đưa ra là thật. Họ đã tự đánh lừa bản thân mình và những người làm nghiên cứu trong vô thức. Họ không hề thấy nghi ngờ hay bối rối, họ cảm thấy bình thường hệt như bạn vậy.
Trong một thí nghiệm khác, người đã phẫu thuật tách đôi não được yêu cầu phải thực hiện một hành động mà chỉ bán cầu não phải có thể nhìn thấy, bán cầu não trái lại tiếp tục đưa ra những lời giải thích như thể nó biết rõ nguyên nhân. Mệnh lệnh bước đi hiện ra; đối tượng nghiên cứu đứng dậy. Khi được hỏi tại sao lại đột nhiên đứng dậy như vậy, họ trả lời: "Tôi định đi tìm nước để uống." Trong thí nghiệm khác khi được xem một cảnh bạo lực chỉ bằng mắt trái, người đó đã nói rằng họ cảm thấy bồn chồn lo lắng, và đổ lỗi cho cách bài trí của căn phòng. Trung tâm phụ trách cảm xúc ở sâu bên trong vẫn giữ được mối liên hệ giữa hai bán cầu não, nhưng chỉ có bán cầu não trái có khả năng miêu tả và giải thích cảm xúc lúc đó. Hiện tượng bịa chuyện tách não này đã được chứng minh rất nhiều lần qua nhiều năm. Khi mà não trái bị buộc phải giải thích về một hành động của não phải, nó thường tạo ra những câu chuyện giả tưởng và rồi cả hai bên cùng đồng tình như đó là sự thật hiển nhiên.
Hãy nhớ là về cơ bản, bộ não của bạn cũng hoạt động y như vậy, chỉ khác là bạn có lợi thế hơn một chút vì hai bán cầu não có thể trao đổi thông tin để tránh nhầm lẫn. Nhưng mối liên kết trao đổi thông tin này không phải là hoàn hảo tuyệt đối. Có những lỗi nhỏ vẫn xảy ra thường xuyên. Nhà tâm lý học Alexander Luria so sánh ý thức của chúng ta như là điệu nhảy của hai bán cầu não, với bán cầu trái là người dẫn. Bởi vì nó nhận hết trách nhiệm về ngôn ngữ, nên nhiều lúc nó cũng kiêm luôn phần giải thích. Hội chứng bịa chuyện tách não chỉ là phiên bản được phóng đại của xu hướng tạo ra những câu chuyện không có thực và rồi tin vào nó. Chứng bịa chuyện này tồn tại một cách tự nhiên trong bạn. Bạn luôn tự giải thích cho bản thân về những động cơ cho mọi hành động, về những nguyên nhân dẫn tới các hệ quả trong cuộc sống của mình, và bạn thường hay tự dựng lên những câu chuyện khi không biết chắc câu trả lời. Dần dần, những lời giải thích, những câu chuyện này trở thành định nghĩa về con người bạn và vị trí của bạn trên thế giới. Nó trở thành bản chất của bạn.
Nhà thần kinh học V. S. Ramachandran đã từng gặp trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật tách não có bán cầu não trái tin vào Chúa Trời, trong khi bán cầu não phải lại là một kẻ vô thần. Ông đã đưa ra kết luận rằng, về bản chất, đây là trường hợp có hai người, hai bản ngã khác nhau tồn tại trong cùng một cơ thể. Ramachandran tin rằng ý thức về bản thân mà bạn có được một phần là nhờ vào hoạt động của những nơ-ron gương. Những cụm nơ-ron thần kinh phức tạp này kích hoạt khi bạn thấy ai đó bị thương hay khóc lóc, khi họ tự gãi tay mình hay cười ầm lên. Chúng đặt bạn vào vị trí của người khác nên bạn cũng phần nào cảm thấy được sự đau đớn hay ngứa ngáy của họ. Nơ-ron gương giúp chúng ta có thể đồng cảm và học tập từ việc quan sát. Một trong những phát kiến lớn nhất trong vài năm qua là việc phát hiện ra những cụm nơ-ron này của bạn cũng được kích hoạt khi chính bản thân bạn hành động. Cứ như thể là một phần trong não bộ đang quan sát chính bạn ở góc nhìn của một người ngoài cuộc.
Bản thân bạn là một câu chuyện bạn tự kể với chính mình. Nhìn vào nội tâm, bạn có thể tự tin nhớ về câu chuyện cuộc đời mình với tất cả những nhân vật và bối cảnh, và bạn là nhân vật chính. Tất cả đều là một màn kịch đẹp đẽ, tuyệt vời mà nếu không có nó, bạn sẽ không thể tồn tại được.
Mỗi ngày trong cuộc đời mình, bạn không ngừng đưa ra hàng loạt những giả thiết về tương lai, hay về những tình huống có thể xảy ra ngoài tầm tiếp nhận của các giác quan. Khi đọc tin tức thời sự hoặc những cuốn sách về chuyện có thật, bạn tạo ra những thế giới giả tưởng để hình dung về những điều mình đang đọc. Thời điểm bạn hồi tưởng lại quá khứ là thời điểm bạn tự tái tạo lại ký ức. Hồi tưởng ấy trở thành một giấc mơ đan xen giữa sự thật với giả tưởng, nhưng bạn vẫn tin vào nó một cách tuyệt đối. Nếu bây giờ bạn nằm xuống và tưởng tượng rằng mình đang lái một chiếc du thuyền vòng quanh thế giới, ghé thăm mọi kỳ quan từ nơi này tới nơi khác, ở một mức độ nào đó, bạn có thể hình dung tương đối chi tiết về hành trình từ Paris tới Ấn Độ, từ Campuchia tới Kansas, mặc dù bạn biết rõ rằng mình chưa hề làm điều này. Nhưng cũng có các chứng rối loạn tâm thần khiến người mắc phải không thể phân biệt được giữa thực tại và những chuyện do họ tự bịa ra:
Bệnh nhân mắc hội chứng Korsakoff mặc dù có thể nhớ về quá khứ của mình nhưng lại không có khả năng ghi nhớ các sự kiện diễn ra trong quá khứ gần. Họ tự tạo nên những câu chuyện để trám vào chỗ trống trong ký ức và tin vào những câu chuyện đó một cách tuyệt đối. Nếu bạn hỏi một người bệnh Korsakoff họ đã làm gì trong thời gian vài tuần vừa rồi, họ có thể nói rằng họ đang làm nhân viên bảo vệ tại bãi đỗ xe của bệnh viện, trong khi thực tế là họ đang được điều trị hàng ngày tại chính bệnh viện đó.
Người mắc chứng mất nhận thức về bệnh tật của bản thân (anosognosia) có thể bị liệt mà không chịu chấp nhận đó là sự thật. Họ sẽ nói với bác sĩ và người thân rằng mình bị viêm khớp rất nặng, hoặc là đang phải ăn kiêng. Khi được yêu cầu dùng bên tay đã bị liệt để nhặt một viên kẹo, họ nói dối, nhưng không biết rằng mình đang nói dối. Sự lừa dối này hướng vào chính bản thân họ, và họ không hề nghi ngờ nó.
Một người mắc hội chứng ảo giác Capgras sẽ tin rằng người thân và bạn bè mình đã bị thay thế bởi những kẻ mạo danh với ngoại hình y hệt. Phần não với chức năng xử lý cảm xúc khi gặp người quen ở những người này đã mất khả năng hoạt động. Họ nhận diện được những người họ gặp, nhưng không cảm thấy gì cả, bởi vậy họ dựng nên một câu chuyện để tự giải thích và chấp nhận nó một cách hoàn toàn.
Những người mắc chứng Cotard tin rằng mình đã chết. Họ nghĩ mình là những linh hồn đang tồn tại ở thế giới bên kia, nhiều trường hợp quá nặng không chịu ăn và đã chết vì đói.
Các nhà tâm lý học từ lâu đã cho rằng bạn không có khả năng nhận biết được về hoạt động nhận thức bậc cao của bản thân, điển hình là trong bài báo xuất bản trên tạp chí Psychological Review (Đánh Giá Tâm Lý) năm 1977 của Richard Nisbett và Timothy DeCamp Wilson từ Đại học Michigan. Trong bài nghiên cứu của mình, hai nhà tâm lý học đã chỉ ra những lỗ hổng của việc nội quan (introspection). Họ cho rằng bạn hiếm khi biết được tác nhân kích thích thực sự cho các quyết định của mình trong quá khứ, kể cả là từ nhiều năm trước hay mới chỉ hôm qua. Trong một thí nghiệm được miêu tả trong bài nghiên cứu, họ đã hỏi các đối tượng tham gia về tên khai sinh của mẹ mình.
Nào. Bạn thử đi. "Tên khai sinh của mẹ bạn là gì?"
Câu hỏi tiếp theo trong thí nghiệm là: "Làm sao bạn biết được cái tên đó?"
Hãy thử trả lời xem.
Bạn không biết. Bạn vừa nghĩ vậy phải không? Bạn sẽ không bao giờ hiểu được cách bộ não của mình hoạt động. Và mặc dù bạn thường tin là mình hiểu hết mọi suy nghĩ hay hành động, mọi cảm xúc hay động cơ của bản thân, nhưng thực tế là, trong hầu hết các trường hợp, bạn chẳng biết chút nào. Việc nhìn lại chính mình đã bị tách ra khỏi ký ức mà bạn vừa gợi lại. Tuy nhiên, điều này lại không cản trở việc bạn tự cho rằng mình biết hết tất cả, và rằng bạn có thể nhớ lại mọi thứ kể cả những chi tiết nhỏ nhất, và thế là các câu chuyện ra đời. Đây là cách mà chứng bịa chuyện xây dựng nên một khuôn mẫu để bạn hiểu bản thân mình.
Nhà tâm lý học George Miller đã từng nói: "Điều xuất hiện trong tâm thức của bạn là kết quả của sự suy nghĩ, chứ không phải là quá trình của sự suy nghĩ." Nói theo cách khác, bạn chỉ có thể cảm nhận, hành động dựa trên thứ mà tâm trí của bạn đã sản xuất ra, chứ không thể điều hành hoạt động của nó. Dòng chảy của tâm thức và việc hồi tưởng ngược lại dòng chảy đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau, vậy mà bạn lại thường coi hai điều này là một. Đây là một trong những khái niệm lâu đời nhất trong tâm lý học và triết học – hiện tượng học. Một trong những cuộc tranh luận đầu tiên của các nhà nghiên cứu trong mảng này là về việc khoa học tâm lý có thể đào sâu vào tâm trí con người tới mức nào. Từ đầu những năm 1900, các nhà tâm lý học đã phải vật lộn với câu hỏi hóc búa là tại sao, ở một mức độ nhất định, trải nghiệm cá nhân là thứ không thể chia sẻ được. Ví dụ, màu đỏ trông như thế nào? Quả cà chua có mùi thế nào? Hay khi bạn vấp ngón chân, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn sẽ phải nói gì để có thể giải thích những cảm giác đó cho một người chưa từng trải nghiệm chúng? Bạn sẽ miêu tả màu đỏ cho một người bị mù bẩm sinh, hay miêu tả mùi hương của quả cà chua tươi cho một người chưa từng biết chúng thế nào?
Đó là những cảm thụ tính (qualia), tầng trải nghiệm sâu nhất mà bạn có thể cảm nhận trước khi chạm đáy. Hầu hết mọi người đều đã thấy màu đỏ, nhưng không thể nào giải thích màu đỏ là gì. Mọi định nghĩa về tất cả các trải nghiệm trong đời của bạn đều chỉ có thể được xây dựng nên từ cảm thụ tính chứ không thể nào đi sâu hơn nữa. Chúng là những thành phần căn bản nhất của nhận thức. Bạn chỉ có thể so sánh chúng trong mối quan hệ với những trải nghiệm khác, chứ không bao giờ có thể miêu tả một cách chi tiết vẻ các cảm thụ tính cho một người khác, hay cho bản thân mình.
Nhưng trí não bao gồm những tầng lớp bạn không thể nào truy cập được; bên dưới tầng đáy còn có những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp mà bạn không thể nắm bắt trực tiếp. Một số hành vi của bạn là kết quả của quá trình tiến hóa và thích nghi, là khuynh hướng hành động được thừa hưởng qua hàng ngàn thế hệ những con người đã sống và phát triển. Bạn muốn ngủ vùi trong một buổi chiều mưa lạnh có thể là bởi tổ tiên của bạn đã luôn phải tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn trong điều kiện tương tự. Đối với những hành động khác, nguyên nhân thúc đẩy có thể khởi nguồn từ một thứ mà bạn không nhận ra. Bạn không biết tại sao lại cảm thấy muốn ra về giữa buổi tiệc lễ Tạ ơn, nhưng bạn vẫn bịa ra được một lý do có vẻ hợp lý vào lúc đó. Giờ ngẫm lại thì lý do có thể đã thay đổi rồi.
Nhà triết học Daniel Dennett gọi việc nhìn nhận bản thân này là hiện tượng học từ góc nhìn người thứ ba (heterophenomenology). Về căn bản, Daniel khuyên rằng khi bạn tự đưa ra biện minh cho cảm xúc hay hành vi của mình, đừng chấp nhận chúng một cách dễ dàng mà hãy biết nghi ngờ một chút, giống như khi bạn nghe ai đó kể về buổi đi chơi qua đêm của họ vậy. Khi nghe người khác kể chuyện, bạn thường cho rằng câu chuyện đó đã ít nhiều có thêm thắt, và bạn biết họ chỉ đang kể về sự việc dưới góc nhìn của bản thân họ. Tương tự như vậy, bạn biết thực tế đang hoặc đã xảy ra như thế nào, nhưng đó mới chỉ là góc nhìn của một mình bạn thôi, bởi vậy hãy biết cách nghi ngờ về câu chuyện của chính bản thân mình một chút.
Trong nghiên cứu của mình, Miller và Nisbett đã dẫn ra các ví dụ cho thấy nhiều người nhận thức được suy nghĩ của mình, nhưng không thể xác định quá trình dẫn tới suy nghĩ đó. Mặc dù vậy, các đối tượng nghiên cứu thường không hề gặp khó khăn trong việc đưa ra giải thích nội quan, nhưng những giải thích này không chỉ ra được nguyên nhân thực sự. Trong một thí nghiệm, các đối tượng được chia ra làm hai nhóm và đều bị cho giật điện nhẹ trong lúc thực hiện một số bài tập về trí nhớ. Sau khi hoàn thành, cả hai nhóm đều được yêu cầu thực hiện lại một lần nữa. Nhóm thứ nhất được phổ biến rằng lần lần giật điện thứ hai này rất quan trọng trong việc tìm hiểu về hoạt động trí não của con người. Nhóm còn lại thì được cho biết là lần chạy thứ hai chỉ có tác dụng thỏa mãn trí tò mò cho các nhà khoa học mà thôi. Sau khi so sánh kết quả, người ta thấy rằng nhóm thứ hai đã thực hiện bài kiểm tra trí nhớ tốt hơn, bởi vì họ phải tự nghĩ ra một động cơ thúc đẩy mình thực hiện thí nghiệm. Họ nghĩ rằng những cú giật điện này không đau đớn lắm. Thực tế rút ra từ phỏng vấn sau thí nghiệm cho thấy trong tâm trí của những người ở nhóm thứ hai, so với những người ở nhóm thứ nhất, thì những cú giật điện này không gây đau đớn bằng.
Trong một thử nghiệm khác, hai nhóm người nói rằng mình rất sợ rắn được xem những bộ ảnh trình chiếu về các loài rắn, cùng lúc được nghe thứ mà họ được phổ biến là tiếng tim đập của chính mình. Điểm khác nhau ở hai nhóm là: Một nhóm sẽ thỉnh thoảng được thấy bức ảnh với chữ giật điện, bị cho giật điện nhẹ, và nghe thấy tiếng tim đập của mình trở nên to hơn. Họ không biết là thực chất các nhà khoa học đã cố ý điều chỉnh âm lượng của tiếng tim đập. Sau đó, khi cả hai nhóm được đề nghị cầm một con rắn trong tay, những người trong nhóm bị giật điện và nghe tiếng tim đập bị điều chỉnh đã mạnh dạn hơn nhóm còn lại. Họ đã tự thuyết phục mình rằng họ sợ bị giật điện hơn là sợ rắn, và sử dụng chính nội quan này để trở nên thực sự gan lì hơn.
Nisbett và Miller cũng tự thực hiện một thí nghiệm ở cửa hàng bách hóa. Họ xếp bốn đôi quần tất giấy cạnh nhau rồi bảo các khách hàng đi qua chọn đôi có chất lượng tốt nhất. Có tới 80% số người được hỏi chọn đôi tất bên tay phải, mặc dù thực chất cả bốn đôi giống hệt nhau. Khi được hỏi tại sao, những người này đã bình phẩm về chất tất và màu sắc, nhưng không đả động gì tới vị trí của đôi tất họ chọn. Khi hai nhà nghiên cứu hỏi kỹ lại xem liệu vị trí sắp xếp có ảnh hưởng lên lựa chọn của họ hay không, họ đá khẳng định là không.
Trong những nghiên cứu như thế này, đối tượng thí nghiệm không bao giờ nói rằng họ không thể giải thích cho cảm xúc và hành động của mình. Việc không biết lý do không làm họ bối rối; thay vào đó họ đưa ra những biện hộ và không hề để ý tới những hoạt động ẩn sâu trong trí não của bản thân.
Vậy làm sao để bạn có thể tách bạch được tưởng tượng và thực tế? Làm sao để bạn có thể chắc chắn được rằng những câu chuyện về cuộc đời bạn, cả từ ngày xửa ngày xưa lẫn chỉ mới vài phút trước là thật? Bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn ở mức nào đó khi chấp nhận sự thật rằng bạn không thể làm điều đó. Không ai có thể làm thế, vậy mà con người chúng ta vẫn tồn tại và phát triển tốt. Câu chuyện về cuộc đời bạn cũng giống như một bộ phim dựa trên những sự kiện có thật. Điều đó không nhất thiết là xấu. Các chi tiết có thể đã bị thay đổi và thêm thắt, nhưng ý tưởng chung hay bức tranh toàn cảnh thì vẫn là một câu chuyện đáng để kể phải không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro