Chờ người quay lại
"Báo cáo sư đoàn trưởng, cậu Gia Nguyên đến ạ!"
“Để cậu ấy vào đi.”
Người ngồi trên ghế ngước mặt lên nhìn cậu lính vừa khép lại cánh cửa phòng làm việc, đưa tay chỉnh trang lại đồng phục của mình rồi đẩy gọng kính bị tuột do cúi xuống xem tài liệu lúc nãy lại.
Cửa phòng mở ra, là cậu trai thân cao hơn mét tám, đầu đội một chiếc mũ nồi, đeo thêm cặp kính gọng tròn màu đen, nước da trắng của cậu dường như không bị chút tác động nào bởi sương gió nơi sa trường.
“Kha Vũ đợi em có lâu không? Hôm nay hơi nhiều việc nên em chỉ nấu qua loa vài món đơn giản, Kha Vũ đừng chê nhé!”
Cậu giao liên đưa cánh tay đang cầm chiếc cà mên bằng sắt lên giữa không trung lắc qua lắc lại cho người kia xem rồi mới đi thẳng tới chỗ bàn trà mà ngồi xuống.
Kha Vũ nhìn đôi tay thon dài kia đang dán miếng băng keo cá nhân bên trên thoăn thoắt bày biện đồ ăn ra bàn. Chắc là cậu giao liên nhỏ này lại bị thương trong lúc đi đưa tin rồi.
Kha Vũ là sư đoàn trưởng của sư đoàn 6, đóng quân tại mặt trận Tây Nguyên. Anh là lính giải phóng đi từ Bắc vào theo sự sắp xếp của bộ chỉ huy. Với sự thông minh và mưu lược của mình mà bên trên không ngần ngại giao cho anh chức vụ sư đoàn trưởng tại điểm đóng quân lớn này khi tuổi đời anh còn khá trẻ.
Còn Gia Nguyên là cậu giao liên nhỏ, vì bệnh tim bẩm sinh của mình mà cậu không thể tham gia vào hàng đội binh lính ra chiến trường. Tuy vậy dòng máu nóng khát khao chiến đấu, hy sinh thân mình vì đất nước của cậu đã thôi thúc cậu không thể ở yên làm một cậu sinh viên trẻ tuổi của trường nghệ thuật, Gia Nguyên chọn cho mình con đường làm một giao liên.
Anh và cậu gặp nhau lần đầu tiên là vào một đêm mùa xuân của năm 1974, khi ấy cậu giao liên nhỏ chỉ vừa tròn 18, sư đoàn trưởng trẻ tuổi thì vừa bước qua ngưỡng 25. Cậu theo sự phân phó đến gặp chị Liên, một người chị kiên cường bất khuất của vùng cao, để nhận nhiệm vụ mới. Vừa hay hôm đó chị Liên và sư đoàn trưởng đang cùng nhau bàn công việc, cậu bước vào miệng cứ liến thoắng mãi mới nhìn thấy trong nhà còn có người khác.
“Chị Liên ơi, em đói quá có gì cho em ăn không ạ?”
Cậu thích tay nghề nấu nướng của chị Liên lắm, lần nào đến cũng dùng câu hỏi này thay cho lời chào. Mà có vẻ hôm nay cậu đến không được đúng lúc lắm, đang định một mình lủi thủi xuống bếp thì chị Liên đã kéo tay cậu lại rồi đẩy đến trước mắt vị khách kia mà giới thiệu.
"Gia Nguyên, cậu ấy là Kha Vũ, sư đoàn trưởng của sư đoàn 6 đó. Còn đây là Gia Nguyên, chàng giao liên ‘bé bỏng’ của vùng cao nguyên này.”
Cậu vui vẻ đưa tay ra bắt tay với vị sư đoàn trưởng trước mặt dù trong đầu vẫn còn đang nghi hoặc rằng tại sao người này trông trẻ tuổi như thế đã làm được chức vụ cao như vậy.
“Cậu ấy còn trẻ mà giỏi lắm, cứ đi theo cậu ấy là đảm bảo toàn mạng trở về.”
Chị Liên như đọc được suy nghĩ của cậu mà cười xởi lởi rồi nói.
Lần thứ hai hai người gặp lại nhau là khi Gia Nguyên đột nhiên nhận được lệnh đến sư đoàn 6 có người cần gặp, mang theo cái đầu đầy dấu chấm hỏi mà bước vào phòng chờ, rồi một anh lính trẻ dẫn cậu đi thẳng đến căn phòng ở cuối dãy hành lang. Trên cửa phòng chỉ vỏn vẹn ba chữ đã đủ làm Gia Nguyên ngạc nhiên, “SƯ ĐOÀN TRƯỞNG”.
Rồi cũng không biết từ khi nào mà tình cảm bên trong hai người lại nảy nở, nó tự nhiên và thầm lặng, cũng có chút phô trương như cách mùa xuân đến rồi lại đi. Trong đêm hè, Kha Vũ hẹn cậu đến con suối nhỏ bên trong bìa rừng, hai người cùng nhau ngắm trăng, ngắm sao rồi lại nhìn xuống dòng nước đang chảy nhè nhẹ, cuốn theo cả bóng hình hai cậu trai in trên đó.
“Nguyên này...”
Cậu quay sang nhìn người vừa gọi mình, có chút cảm giác mong chờ đang len lỏi bên trong đáy mắt cậu, người kia nhìn cậu, nhìn rất lâu, cuối cùng cũng bật ra được lời cần nói.
“Tôi thích Nguyên. Không phải là kiểu thích bình thường... Là kiểu nếu như nghe Nguyên đi đến nơi nguy hiểm tôi sẽ lo lắng không yên, nếu nghe Nguyên tới tìm tôi sẽ vui mừng ra mặt, nếu nghe Nguyên nói hôm nay nấu cho tôi, tôi gần như bỏ bữa chỉ để chờ cơm của Nguyên, nếu Nguyên gọi tôi hai tiếng “Kha Vũ” tim tôi sẽ đập rộn ràng, nếu Nguyên nhìn tôi mỉm cười làm tôi cũng không cách nào khép miệng. Đó là tình trai Nguyên ạ... Nguyên.. Nguyên không chê tôi chứ...”
Chẳng biết từ lúc nào mà anh đã đưa hai tay mình ra nắm chặt lấy đôi tay của cậu, đôi tay trắng trẻo nhưng lại có vài vết chai sần do chơi ghi-ta và đôi ba vết thương vẫn còn chưa lành hẳn từ những lần va quẹt trên đường đi làm nhiệm vụ.
“Tôi không chê anh...”
“Ý tôi là tôi cũng thích Vũ, thích như cách Vũ thích tôi vậy đó..”
Hai bàn tay lại có chút siết chặt. Đêm đó trăng tỏ, tròn và sáng đến nổi soi rõ bóng hai chàng trai đang nằm trên tảng đá lớn, người bé hơn gối đầu lên tay người lớn hơn, hai cái đầu tựa sát vào nhau trong khi hai tay đan chặt, cùng nhau tâm tình về chuyện lứa đôi.
Chuyện tình cảm của cả hai chỉ có anh, cậu và chị Liên biết. Bởi chị Liên đã quá hiểu đứa em trai của mình, có cố giấu cũng không qua được mắt chị. Nhưng điều làm cả hai bất ngờ là chị Liên vô cùng ủng hộ chuyện của hai người, còn hết lòng giúp đỡ cho cả hai thường xuyên được gặp nhau. Cậu thật sự thấy rất biết ơn chị.
Vị sư đoàn trưởng và cậu giao liên nhỏ vẫn thường xuyên gặp nhau dù cho công việc bận rộn đến thế nào. Cậu quen mặt với người ở sư đoàn 6 đến nổi ai gặp cậu cũng vui vẻ mà cười nói, một cậu trai trẻ đi đến đâu cũng mang tới đầy năng lượng tích cực thì ai mà không thích cơ chứ. Cậu và anh ban ngày sẽ như hai người bạn, hai người đồng chí thân thiết của nhau. Đêm đến nếu anh được về nhà, cậu sẽ ghé qua nhà anh rồi ở lại đó cả đêm, cả hai ghì chặt lấy nhau, kể cho nhau nghe ti tỉ chuyện trên đời.
Tình cảm của cả hai cứ lớn dần, lớn dần trong sự vui vẻ và hạnh phúc dù ở chiến trường khắc nghiệt, lớn đến nổi Gia Nguyên gần như quên mất chuyện anh đã có hôn ước, cũng quên mất chuyện ngày đất nước thống nhất anh sẽ phải quay về Hà Nội.
Nhưng bảo Gia Nguyên không lo sợ thì chắc chắn là nói dối. Cảm giác lo lắng, thấp thỏm, bất an bên trong cậu đã có từ ngày biết gia đình anh ở Hà Nội là một gia đình nhà giáo có tiếng, mẹ anh là giáo viên dạy trung học, còn ba anh là giảng viên tại trường đại học. Cậu còn biết cả chuyện anh đã có hôn ước với một cô gái ngoài Hà Nội, cậu nghe ngóng được ba mẹ cô gái đó là bác sĩ, gia đình hai bên đều là bạn bè thân thích nên đã định sẵn hôn ước cho hai người. Một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối.
.
11 giờ 30 phút ngày 30/04/1975, lá cờ cách mạng tung nay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu cho sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước chính thức độc lập, thống nhất hai miền Nam – Bắc.
Sư đoàn 6 của Kha Vũ nhận lệnh giải tán, ai trực thuộc đơn vị nào thì về lại đơn vị đấy.
Đất nước được độc lập. Cuối cùng thì ngày Kha Vũ phải về lại Hà Nội cũng đã đến.
Kha Vũ bảo Gia Nguyên hãy tin anh, anh nhất định sẽ trở vào tìm và đón cậu.
“Nhất định anh sẽ quay lại!”
Gia Nguyên tin Kha Vũ. Cậu đã chờ anh, chờ ngày anh quay vào miền Nam tìm và đón cậu.
.
Kha Vũ thật sự đã vào lại miền Nam, nhưng là khi anh đã ngoài 70, còn cậu thì vừa tròn 65.
Kha Vũ suốt bao nhiêu năm không quay lại miền Nam, nhưng lại quyết định vào vì một ngày thu Hà Nội nọ, anh nhìn thấy cô cháu gái của mình khóc sưng đến cả hai mắt. Hỏi ra mới biết là do con bé vừa đọc một quyển tự truyện.
“Nó là một quyển nhật ký ông ạ. Quyển nhật ký nói về câu chuyện tình trai giữa anh sư đoàn trưởng và cậu giao liên, hai người yêu nhau vào thời kì cuối của chiến tranh, đến khi thống nhất thì người kia trở về Hà Nội, cậu giao liên đã tin vào lời hứa của anh sư đoàn trưởng, chờ anh trở vào miền Nam đón mình, nhưng cháu thấy chỉ viết tới năm cậu giao liên đó được 30 tuổi thì kết thúc ông ạ. Hình như vẫn còn đang dang dở...”
“À đúng rồi, sư đoàn trưởng tên Vũ ông ạ, tên giống ông mà chức vụ cả nơi đóng quân cũng giống nữa. Ông có từng quen người nào tên Nguyên không ông?”
Kha Vũ nghe tới đây cảm thấy tim mình như ngừng đập, hô hấp có chút khó khăn doạ cho cả nhà hoảng sợ phải vội đưa anh vào viện kiểm tra.
Sau khi ra viện anh dùng mọi mối quan hệ mà mình có được để tìm gặp tác giả của quyển tự truyện kia. Trên suốt chuyến bay từ Hà Nội vào lại Sài Gòn, anh không hề giấu giếm mà kể cho cháu gái mình nghe, rằng đó là anh và cậu trai mà anh đã dùng cả đời này để day dứt vì bản thân hèn mọn, sợ người đời gièm pha, vì anh không dám đứng lên đấu tranh vì tình yêu của mình như cách mà vị sư đoàn trưởng năm xưa đấu tranh vì hoà bình của đất nước, vì hối hận khi không tìm cậu sớm hơn. Anh đã cố tự trấn an với lòng mình rằng chắc là cậu chờ anh đến năm 30 tuổi thì đã đi tìm cho mình một bến bờ hạnh phúc mới nên quyển tự truyện kia mới dang dở như vậy.
Vào tới Sài Gòn, người bạn cũ dẫn anh đến gặp người tác giả nọ. Anh đã rất lo lắng, lo rằng không biết nên nói xin lỗi cậu thế nào, không biết cậu có đồng ý tha thứ cho mình không. Nhưng rồi mọi thứ như một toa tàu chạy lệch đường ray, người đứng trước mặt anh là một người phụ nữ chỉ mấp mé 40. Người đó tự giới thiệu mình với anh trước, còn đưa tay ngỏ ý cho một cái bắt tay.
“Chào chú ạ, không biết chú tìm tác giả có chuyện gì không... Thú thật với chú, đây là nhật ký của một người bạn hồi trước mà mẹ cháu gặp trên chiến khu. Mẹ cháu đã cất giữ quyển nhật ký đó suốt mấy chục năm nay, dạo này sức khoẻ bà có chút yếu, nên đã giao lại quyển nhật ký này cho cháu, vừa hay cháu làm bên toà soạn nên sau khi đọc xong cháu đã quyết định sẽ xuất bản thành một quyển tự truyện, bởi lẽ từng câu từng chữ trong đó đều được trau chuốt cẩn thận như muốn sẽ đưa cho người nào đó đọc lại vậy...”
“Mẹ cháu tên Liên đúng không, chị bảy Liên ấy...”
“Ơ dạ chú biết mẹ cháu ạ, chú cũng từng làm chung đơn vị công tác với mẹ cháu sao? Nếu vậy chú có muốn đến gặp mẹ cháu không?”
Kha Vũ dẫn theo cháu gái của mình cùng người phụ nữ nọ đến một căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm chật chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy chạy qua cùng lúc.
Bước vào nhà, Kha Vũ nhìn thấy một người phụ nữ với mái tóc bạc trắng được búi gọn gàng đang ngồi quay lưng về phía cửa. Song gương mặt người nọ khi quay lại nhìn anh vẫn là những nét xưa cũ đó, là chị gái làm bên đơn vị giao liên năm nào đã giúp đỡ anh và Gia Nguyên rất nhiều.
Chờ cho hai người thôi xúc động, ngồi vào bàn bình tĩnh uống tách trà chị Liên mới từ tốn kể lại.
Chị kể Gia Nguyên đã không quay về nhà từ sau giải phóng, bởi lẽ gia đình cậu đều đã ra đi trong cơn mưa lửa đạn khắc nghiệt của đất Gia Định thời kỳ cuối chiến tranh Việt Nam. Cậu một mình ở lại đất Tây Nguyên, dựng lên một lớp học làng nhỏ tại nơi sư đoàn 6 từng đóng quân. Cậu bảo, cậu sợ cậu đi anh sẽ không tìm được cậu. Chị Liên vào Sài Gòn lập gia đình, nhưng chị thương đứa em trai xa lạ này, chị vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với cậu. Cho đến một ngày, vào mùng năm Tết Bính Dần, chị nhận được thư tín được gửi từ Tây Nguyên, bảo chị lên gấp. Chị lập tức bắt xe đi ngay, nhưng đến nơi người ta lại bảo chị lên bệnh viện tỉnh, Gia Nguyên đang nằm trên đó. Gia Nguyên với bệnh tim bẩm sinh, lại sống và làm việc lao lực ở nơi có điều kiện thấp suốt thời gian dài dẫn đến bệnh tình trở nặng, gần như không thể cứu chữa. Đồng nghiệp phát hiện cậu ngất ngay trên bàn làm việc, trên tay còn đang cầm cây bút máy, trang giấy trên bàn đã bị quẹt một đường dài, có lẽ đang viết thì ngất. Cậu hôn mê suốt mấy ngày liền, bác sĩ bảo có lẽ nên rút ống thở của cậu đi, nhưng rồi cậu lại tỉnh lại như một kỳ tích, cậu nhờ người gửi điện tín cho chị Liên. Chỉ chờ được thấy mặt chị Liên là cậu lấy ngay quyển sổ đang giấu dưới gối nằm nhét vào tay chị, nhờ chị đưa cho anh nếu hai người gặp lại. Chị từ chối, chị bảo chị muốn Gia Nguyên đưa tận tay cho Kha Vũ. Chỉ vài tiếng sau đó, cậu nói với chị cậu mệt rồi, muốn đi ngủ. Và rồi cậu giao liên ngày nào đã ngủ một giấc dài khi cậu vừa tròn 30, khi chỉ còn vài tháng nữa là Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới.
Hai người đã cùng nắm tay nhau đi qua được bom đạn của chiến tranh nhưng lại không thể cùng nhau nắm tay đi đến cuối đời.
Chị không trách Kha Vũ, chị chỉ thấy thương, thương cho hai đứa em của mình khi sinh ra vào cái thời mà người ta xem việc yêu đương đồng giới là một căn bệnh quái ác, một căn bệnh phải tìm mọi cách để chữa trị.
Kha Vũ theo chân chị Liên về vùng đất Tây Nguyên năm nào. Nơi năm ấy Gia Nguyên bảo cậu muốn được ở lại đây cả đời, ở lại đây để chờ anh quay lại. Kha Vũ quay lại rồi, mộ phần của Gia Nguyên cũng đã xanh ngát màu cỏ. Anh đặt lên phần mộ đoá hoa cúc vạn thọ nhỏ. Năm ấy Kha Vũ rời đi vào đúng ngày sinh nhật, Gia Nguyên trao cho anh một chậu cúc vạn thọ nhỏ. Cúc vạn thọ, chúc thọ cho người. Cúc vạn thọ, mong người mãi được hạnh phúc.
.
Kha Vũ bảy mươi hai tuổi, Gia Nguyên ba mươi tuổi.
Kha Vũ đi rồi, anh đi cùng với nụ cười thanh thản trên môi, anh đi về nơi có cậu trai mà anh yêu.
Bên cầu Nại Hà, mùa hoa bỉ ngạn năm ấy nở rộ, đỏ rực cả một vùng không gian lạnh lẽo. Cậu trai mặc chiếc áo sơ mi màu xanh, đội một chiếc mũ giao liên nhỏ đứng giữa biển hoa đỏ màu máu.
Gặp nhau rồi, sau ngần ấy năm Kha Vũ được gặp lại Gia Nguyên rồi.
Cậu mỉm cười nhìn anh, nụ cười nhẹ nhàng và tươi mới như nắng ấm tháng giêng. Cậu trao cho anh một bông hoa cúc vạn thọ thay cho lời tha thứ. Anh lồng vào ngón áp út của cậu một chiếc nhẫn, thứ anh đã nợ cậu cả đời.
Cả hai tay đan chặt tay bước qua cầu Nại Hà.
Đời này không thể cùng nhau đi hết kiếp, vậy thì đợi nhau nơi hoàng tuyền, cùng nắm tay nhau đi gặp Mạnh Bà.
.
“Vợ ơi, là sinh đôi đó!!! Em muốn đặt tên con là gì?”
“Kha Vũ và Gia Nguyên.”
“Được, đều nghe em.”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro