chương 1. tình đầu bỏ ngỏ;
mùa hè, năm 2019.
1.
Hai năm trước, Hoseki lần đầu đặt chân đến Hokkaido cùng bố mẹ, bỏ lại tất cả những điều còn dang dở ở Miyagi sau lưng, qua loa thông báo với người xung quanh rằng họ sẽ có một kì nghỉ dài. Kì thực mà nói việc chuyển nơi ở đột xuất của gia đình cô là vì sức khoẻ đang ngày một yếu đi của mẹ. Bố cô đã hiện thực hoá ước mơ cuối cùng mà bà khắc khoải là được dành khoảnh khắc cuối đời cho Hokkaido. Mẹ cô không sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, bà vốn là người đến từ nước Nga. Ngày còn bé, Hoseki thường được nghe kể về xứ sở bạch dương xinh đẹp. Cảm giác thích thú và hồi hộp vẫn đong đầy nơi lòng ngực mỗi lần cô nhớ về mùa đông tuyết trắng ê ẩm những đôi tay trần hiện lên trong giọng nói ấm áp và hiền từ của mẹ.
Hoseki chưa từng đặt chân đến nước Nga nhưng cô lớn lên trong những áng văn đến từ vùng đất ấy. Tuổi thơ ấu của cô nảy mầm từ ý thơ tình thiết tha của Pushkin, rồi chàng Siegfried* chọn quyên sinh cùng nàng Odette** để tình yêu của họ kéo dài miên viễn, cho đến tình yêu Tổ quốc mãnh liệt mà "Thép đã tôi thế đấy" âm vang. Văn học Nga đối với cô mà nói, đó là tình yêu. Những yêu thương sâu sắc và tinh tế choán lấy hồn cô, tưới tiêu cho mảnh đất cằn cỗi thành cánh rừng taiga hùng vĩ. Tình yêu ấy chết vào một buổi mai hai năm về trước, khi mẹ cô trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh vào một ngày đông tháng Mười hai buốt giá. Nước Nga trong cô từ đó bỗng nhạt nhoà và chỉ còn lại nước mắt.
Thi thoảng, sau khi đã soạn giáo án xong, Hoseki sẽ tiếp tục thưởng thức những tác phẩm văn học kinh điển từ xứ sở mẹ lớn lên, cái mà khi còn sống bà vẫn hằng gối đầu giường. Mẹ của cô say mê nhất những áng thơ tình đẫm ý vị của Pushkin, bà tôn sùng tình yêu và ngâm nga nó cho giây phút cuối cùng mình tồn tại trên cõi đời. Bài thơ bà tâm đắc nhất có lẽ là Цветы последние милей..., hay tạm dịch Cánh hoa đồng nở muộn màng. Tuổi trưởng thành đến là khi Hoseki nhận ra các tác phẩm thi ca về tình yêu đã không còn là món ăn tinh thần mê luyến hồn cô. Nhưng ấn tượng của cô dành cho bài thơ đó là quá lớn. Trước lúc lâm chung, mẹ cô vớt lấy chút sức tàn thì thào hai câu thơ mà bà tâm đắc nhất:
"Cánh hoa đồng nở muộn màng
Đẹp hơn nhiều đóa huy hoàng đầu xuân."***
Một người phụ nữ khiêm tốn và xinh đẹp như bà Eustolia, hay mẹ Hoseki, chắc hẳn đã trải qua vài mối tình trước khi chính thức có một bến đỗ ấm êm bên bố cô. Cô từng thắc mắc về cách mà hai con người đến từ hai vùng đất riêng biệt biết đến sự tồn tại của nhau và đem lòng mến thương người kia. Đó có lẽ là câu chuyện cổ tích đầu tiên cô được nghe trong đời. Ngày còn bé, mẹ ngại kể về những chuyện ở thế giới thầm kín xa xôi ấy song bà không giấu giếm toàn bộ. Bà kể rằng trước khi trở thành mẹ của cô, bà đã từng có một tuổi xuân nhiều quyến luyến. Thuở còn là thiếu nữ với mái tóc bạch kim thướt tha, Eustolia được bạn bè mệnh danh là nữ thần, bà luôn là điểm đến của những bài thơ tình không tên. Thiếu nữ ngày ấy khẽ cười, đọc hết tất cả tình yêu mà các chàng trai gửi gắm và cất chúng trong hộp kỉ niệm thanh xuân.
Bố của Hoseki đã từng là một chàng trai như thế. Ông là sinh viên trao đổi được gửi đến Nga trong mùa đông rét buốt, dù cho có mặc áo phao và đeo bao tay vẫn còn cảm nhận rõ sự tê tái. Cái lạnh của Nga tan vào từng ngóc ngách da thịt làm ông Masaru phải khốn khổ vật lộn với từng cơn rùng mình. Moskva mùa lá rụng đã qua đi trả lại những cành bạch dương khẳng khiu thẳng tắp dọc vệ đường. Những con đường trải lá vàng mùa thu bị chôn vùi dưới lớp tuyết trắng đầu mùa. Hồng Trường là địa điểm đầu tiên ông dự định sẽ đến thăm, kế đó là điện Kremli nguy nga tráng lệ và kết thúc chuyến tham quan tại Nhà thờ chính toà Thánh Vasily. Lối kiến trúc cổ kính của Liên Bang Xô-Viết khê đọng trong lòng nước Nga luôn làm ông trầm trồ, và choáng ngợp. Với tư cách là một sinh viên kiến trúc say mê tìm tòi và ham học hỏi, hiển nhiên ông bị linh hồn của nước Nga hút hồn. Song trái tim nhạy cảm và suy tư của chàng thanh niên Nhật Bản cũng đã vô tình vương vấn một cô gái Nga sở hữu mái tóc bạch kim sáng ngần.
Ông Masaru gặp bà Eustolia khi bà đang độc diễn bản Cây thuỳ dương bằng đàn Balalaika loại Prima ở ngoài nhà thờ Thánh Vasily. Giọng hát truyền cảm của bà đã làm gián đoạn chuyến ghé thăm của chàng sinh viên trẻ, bà đã hát bằng thứ ngôn ngữ ông không sành sõi nhưng ông vẫn đắm chìm trong thanh điệu du dương ấy. Bà kết thúc bản nhạc bằng một nụ cười kiều diễm cùng tiếng vỗ tay hân hoan tán thưởng từ người đi đường. Nhà thờ Thánh Vasily từng là nhân chứng vĩnh cửu cho mọi thăng trầm xảy ra trên nước Nga vĩ đại hãy còn là người chứng giám cho mối nhân duyên kéo dài một thập kỉ. Một thập kỉ là hành trình từ cái chạm mắt đầu tiên cho đến khi hai trái tim đồng điệu tìm đến nhau. Họ đã có nhiều vết xước xây và biến cố trong suốt chuyến đi dài, đôi khi lạc mất nhau, và rồi tìm thấy tình yêu hao mòn trong tất thảy lá thư tình thấm đẫm nước mắt gửi bằng đường chim bay. Hoseki tin rằng tình yêu kiên cường đó xứng đáng được tôn vinh và ghi nhớ bằng tất cả trân trọng. Cô cũng tin rằng tình yêu của bố mẹ cô trường tồn bất diệt như những áng thơ của Pushkin, như cái cách tình yêu hiện lên trong Cánh hoa đồng nở muộn màng: ta bỏ lỡ nhau vào thời trẻ để rồi về bên nhau khi đã chai sần bởi thời gian.
Hay đó chính là lí do lớn nhất để mẹ cô yêu bài thơ này nhường ấy? Tuổi trẻ của bà có nhiều nuối tiếc, những chàng thơ dạo bước cùng bà năm tháng ấy, một gã người Pháp tài hoa, hay một chàng trai Nga điềm đạm đều đến và đi trong vội vã. Cuối cùng chỉ có một mình chàng thanh niên người Nhật vụng về ở lại và thành tâm cam kết bằng chiếc nhẫn đính kim cương tinh xảo. Kết thúc một thập kỉ hoài thương nhớ xứ sở xa xôi.
Bà Eustrolia luôn khuyến khích Hoseki tìm kiếm một người bạn đời đồng hành cùng cô cho vơi bớt nỗi cô đơn. Đôi ba lần, bà nhắc về người bạn trai cũ cô đã yêu năm tháng tuổi trẻ. Bà cho rằng cậu ấy là một thiếu niên tốt bụng và sau này chắc chắn sẽ là một bờ vai vững chãi để dựa dẫm. Hoseki luôn từ chối bàn luận về người đàn ông ấy. Đối với cô mà nói, mối tình đầu đó đã từng rực rỡ giữa lưng chừng tuổi xuân, không lí gì phải tự rước thêm phiền muộn để hoài vọng. Dù sau này cô có yêu thêm ai, đều không còn là anh ấy nữa. Đoá hoa tuổi trẻ đã nở rộ ắt sẽ sớm tàn để đón một mùa hoa muộn màng đưa hương.
2.
Sau khi bà Eustolia qua đời, lễ tang của bà được tổ chức một cách kín đáo, chỉ một vài người họ hàng thân thích bên nội đến dự. Mẹ cô là con gái duy nhất trong gia đình, nhưng ông bà ngoại đều không sống sót sau một vụ tai nạn đường bộ cách đây hai mươi năm. Người thân họ ngoại bên Nga cũng không cách nào liên lạc được để thông báo nên từ đầu đến cuối tang lễ không có lấy một bóng người ngoại quốc. Ông bà nội cô đã đến căn nhà ở Hokkaido vào tháng Mười một để trông nom cô con dâu bạc mệnh. Vẻ sầu não trên khuôn mặt già cỗi của hai người làm cô thêm đau buồn. Cô tự hỏi họ có từng nghĩ đến việc đưa tiễn người con dâu về cõi niết bàn trong khi hai ông bà tóc trắng vẫn còn minh mẫn không. Suy nghĩ ấy thoáng qua thôi đã làm cô không cầm được nước mắt. Lễ tang diễn ra tuần tự trong bầu không khí trang nghiêm nhất cô từng trải qua. Không có bàn tiếp đãi, cũng không có nhiều tốp người vào ra thắp hương tiễn đưa linh cửu người đã khuất, tiếng người thì thầm cũng mất hút.
Lễ thông dạ kết thúc, mọi người quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Một vài người họ hàng sau vài năm mất liên lạc khi gặp lại đều trầm trồ vì ngoại hình của Hoseki chẳng khác nào hiện thân thời trẻ của bà Eustolia. Họ trêu rằng tương lai số phận của cô cũng sẽ đào hoa như mẹ. Cô băn khoăn liệu lời nói đó có cố ý mỉa mai về đường tình duyên hạn hẹp của cô không? Thiếu nữ ở tuổi cô đều có dăm ba mối tình chớp nhoáng, riêng cô lại chưa từng đề cập đến chuyện hẹn hò khó lòng làm người khác không nghi ngại. Mẹ cô cũng là một người phụ nữ quá lứa lỡ thì so với chúng bạn đồng niên. Bà kết hôn với bố cô vào năm ba mươi hai tuổi, khi tuổi xuân bà đã bị rút cạn. Sớm thôi, cô sẽ chạm đến cột mốc ấy mà chưa từng có một mối tình đúng nghĩa nào. Hoseki không nghĩ mình thích hợp với tình yêu.
Mấy người họ hàng lần lượt xin phép rời đi trả lại nguyên trạng yên tĩnh cho tang gia. Ông Masaru và Hoseki đã có một cuộc trò chuyện ngắn ngủi về những dự định cho tương lai. Chuyến ghé thăm Hokkaido dài ngày đã kết thúc. Ông đề nghị cô con gái cùng ông trở về Miyagi để chăm sóc ông bà nội và tiếp tục công việc còn dang dở. Nhưng cô còn sứ mệnh với những đứa trẻ mồ côi ở mảnh đất này, cô không đủ dã tâm để cướp đi niềm hạnh phúc hiếm hoi của bọn chúng nên cô ngậm ngùi từ chối và không đòi hỏi sự khoan dung từ ông. Bố cô thế mà đã thông cảm cho cô dưới tư cách là một bậc phụ huynh mẫu mực. Nét mặt khắc khổ của vị kiến trúc sư già có làm lòng cô thoáng dao động. Ông là bố cô, đồng thời cũng là con trai út của ông cô, việc đồng ý cho cô ở lại Hokkaido có lẽ là một quyết định cần thời gian suy nghĩ kĩ lưỡng. Đơn độc trở lại Miyagi không khiến tâm trạng ông chuyển biến tích cực hơn, song ở lại Hokkaido chỉ làm ông thêm hoài niệm về người vợ quá cố.
Cuộc trò chuyện ấy không biết bằng cách nào đã lọt vào tai ông nội cô. Một quyết định được đưa ra mà cả bố và cô đều không thể tin được: ông Tanji tuyên bố muốn ở lại Hokkaido tận hưởng tuổi già. Chính xác thì cả ông và bà đều muốn dành thời gian cuối đời bên cô cháu gái nhỏ. Hoseki rất cảm động. Nhưng rồi cô sực nhận ra, không rõ từ khi nào mà cô quên mất bản thân là đứa cháu ông thương nhất. Hình như cô đã quá sơ sẩy khi mải lo xoá đi kí ức về thiếu niên hiên ngang trong thấu kính tuổi trẻ để chính cô cũng lạc mất những mảnh hồi ức mà mình trân trọng. Thật ra cô không muốn quay về Miyagi còn là vì chốn đó Hoseki đã chôn cất mối tình đầu thảm hại của mình.
Trở về vùng đất đó, cô sợ sẽ phải đối diện với những con người của tuổi thiếu niên rực rỡ và huy hoàng mãi ngủ yên. Chọn biệt tăm biệt tích là cô, chọn từ bỏ tuổi xuân non nớt cũng là cô. Thật không tưởng tượng nổi nếu cô thực sự trở về từ thinh không. Dù cho hiện tại mỗi người đã có một cuộc sống riêng nhưng ai chắc chắn được không có những biến số ngẫu nhiên xuất hiện. Hiếm để tìm được nhau không có nghĩa là rủi ro quay vào ô gặp gỡ thấp. Điều bản thân mình càng lo sợ, càng dễ thành hiện thực. Nhất là khi ông trời luôn khéo léo tặng cho những con người bỏ lỡ nhau một cơ hội để gặp lại quá khứ của mình.
Thi thoảng vào mùa du lịch của Hokkaido, Hoseki sẽ bắt gặp một vài người bạn học cùng cấp ba cũ. Cô không có nghĩa vụ phải tỏ ra thân thiết với những người ấy. Ba năm theo học dưới mái trường Shiratorizawa không để lại cho cô một người bạn cùng lớp đúng nghĩa nào. Thời niên thiếu của cô chỉ gói gọn ba thứ: học tập, bóng chuyền và bóng lưng của thiếu niên trong nhà thi đấu. Các mối quan hệ ngày ấy chỉ quanh quẩn trong câu lạc bộ bóng chuyền nam, những người đó đều dễ dàng nhận ra cô bằng kí ức sắc nét chưa từng bám bồ hóng. Trước khi trở thành một nữ sinh trung học vô danh, Hoseki đã từng làm chao đảo giới mộ điệu trong suốt nhiều năm trời. Vì thế ấn tượng cô để lại không thể coi thường. Gặp lại nhau, họ đều bảo, cô chẳng thay đổi chút nào cả. Lời nhận định đó càng làm trái tim cô khiếp sợ. Cô sợ đến một ngày cô sẽ gặp lại người mình muốn né tránh nhất.
Mối tình đầu của cô.
Tuyển thủ đội bóng chuyền quốc gia Nhật Bản, Ushijima Wakatoshi.
.
04062024
(*), (**): Hai nhân vật chính trong vở ballet Hồ thiên nga của Pyotr Ilyich Tchaikovsky.
(***): Bản dịch thuộc về Thuý Toàn và Hoàng Yến.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro