Chương 5
Hàn Trí Thành lấy đà quẳng mạnh thân người nhỏ bé của em vào cửa chính, liên tục, cố gắng tạo ra những tiếng động ồn ào hết mức có thể. Tấm kính mờ đục ốp ở nửa trên cánh cửa cứ đánh cầm cập vào thành kim loại, nghe đinh tai nhức óc, cảm tưởng như nó sắp bung ra khỏi khung sắt và rơi thẳng xuống đỉnh đầu em bất cứ lúc nào. Vậy mà đứa nhỏ 10 tuổi chưa chịu dừng lại, em đứng mếu máo trong cái hiên nhà bẩn tưởi và chật cứng đồ bỏ đi, mặt mũi tèm nhem nước mắt.
- Mẹ ơi! Cho con vào nhà đi mà! Con sai rồi!
Tiếng Trí Thành vỡ bục ra giữa những tràng nức nở. Em dùng hai tay đấm mạnh vào mặt cửa từ bên ngoài, chỉ với một hi vọng nhỏ rằng mẹ có thể nghe thấy em.
- Mày có im đi không? Tao sẽ đánh gãy tay mày nếu mày còn đập cửa!
Đứa nhỏ chết điếng, nín thin. Họng em cố nuốt xuống những tiếng khóc rấm rứt. Đôi tay bé xíu co rụt lại, chẳng dám sờ vào mặt cửa thêm một lần nào. Là do em hiểu nhầm rồi, người mà em gọi bằng mẹ kia không phải không nghe được tiếng em van xin, bà ta chỉ cố tình không muốn mở cửa cho em vào mà thôi.
- Nhưng mẹ ơi, trời mưa rồi... Ở ngoài sân lạnh lắm!
- Câm miệng lại và ở đó suy nghĩ về sự vô dụng của mày đi!
- Con sai rồi... Con sai rồi mà... Ngoài này tối lắm mẹ ơi... lần sau con hứa sẽ cố gắng nhiều hơn mà, mẹ cho con vào nhà có được không?
- Mày nghĩ còn lần sau? Cô giáo khen mày phổng cả mũi cơ mà, mày tự hào lắm cơ mà, tại sao cuối cùng lại rớt khỏi top 5 của lớp hả? Có biết tiền chăm mày ăn học nặng lắm không? Mày không thương tao với ông già mày vất vả à? Có mỗi cái học bổng cũng để mất thì tao còn cho mày đi học làm gì nữa?
Trí Thành dùng hai tay quệt vội đi nước mắt, khối óc non nớt của em cố nặn ra những lý do và lời biện minh ngây ngô, bất cứ thứ gì cũng được, miễn sao chúng có khả năng giúp mẹ em nguôi ngoai phần nào cơn giận.
Từ bầu trời đen kịt phóng xuống một tia chớp loá mắt, khiến đứa nhỏ giật thót tim bởi tiếng gầm rền vang nối tiếp ngay sau nó. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, dội đùng đùng trên những lớp tôn gỉ sét, át mất tiếng khóc nức nở của em.
- Con xin lỗi! Con xin lỗi! Mẹ cho con vào nhà với! - Trí thành lấy hết hơi trong buồng phổi mình mà gào lên, cơ thể em run cầm cập trước những đợt gió thốc rét buốt.
- Mày nín liền, muốn hét cho cả cái khu này nghe hay làm sao? Định bôi tro vào mặt tao chắc?
Mẹ em chửi bới xối xả từ bên trong, giọng điệu hấp tấp, chì chiết và đầy cay nghiệt. Chao ôi, nghe như thể bà ta vẫn còn tí thể diện nào để mà mất, sau nhiều lần lượn lờ trước mặt những ông chồng già cuối xóm trong chiếc áo hai dây khoét sâu và ngắn cũn cỡn ấy.
- Mẹ ơi mưa to quá... Lần sau nhất định con sẽ lấy được học bổng mà. Cho con vào nhà đi mẹ ơi. Lạnh quá!
- Mẹ ơi?
- Mẹ!
- Mở cửa cho con với mẹ ơi. Con xin lỗi mà.
- Con sai rồi...
Trong nhà đột nhiên yên ắng và bức bối lạ thường. Mẹ em chẳng còn lên tiếng nữa và Trí Thành bắt đầu chết chìm trong những cơn quýnh quáng. Em thở dốc, bỏ ngoài tai lời đe doạ độc địa của mẹ mình trước đó, hai tay không kìm được đập thùm thụp lên cửa. Mưa trút như thác đổ, trắng xoá cả khoảng không trước mắt em mờ mịt, hắt vào ướt sũng cái sân chật chội và bắn lên khắp người em lạnh buốt. Hàn Trí Thành nhăn nhó đứng nép sát rạt vào cửa. Vải áo ướt mưa bám dính trên lưng cứ khiến đứa nhỏ rùng mình mỗi khi có gió thổi luồn vào sân nhà.
Tiếng sấm rền thứ hai đập vào màng nhĩ em rát buốt. Sét chọc thủng trời, rọi sáng trong tích tắc lối mòn lụt lội trước cổng nhà em, và Trí Thành vô tình trông thấy lão già cáu kỉnh ở căn nhà đối diện đang nhìn em chằm chằm từ trong sân nhà lão. Cái bóng đen lom khom đứng chắp tay sau lưng, chẳng hề cử động, như thể lão ta đã đơ người ở đó quan sát nhất cử nhất động của em được một lúc rất lâu rồi.
Hàn Trí Thành vẫn luôn là một đứa trẻ rụt rè. Em mỗi ngày đi học rồi về thẳng nhà, lầm lũi chẳng giao tiếp với ai, nên hàng xóm quanh khu phố nọ em cũng không thật sự nhớ hết. Duy chỉ có mỗi lão ta khiến em bận tâm - lão già làm chức lớn trong một xí nghiệp sản xuất đồ gia dụng, có nhà đẹp, vợ hiền và một cô con gái nhỏ vô cùng ngoan ngoãn - bởi vì lão làm em sợ. Lão già cao lêu khêu và xương xẩu, với "bộ nhá" lệch pha cái ra cái vào, ngả màu vàng đen do ám khói thuốc lâu ngày. Trái với những bộ vest đắt đỏ khoác trên người - thứ mà em luôn thấy người vợ trẻ của lão hì hục giặt tay rồi phơi phóng cẩn thận trước sân mỗi buổi chiều - lão thuộc kiểu ở dơ và có một cái mồm hôi thối chẳng ai chịu được. Cái mùi ấy khủng khiếp đến mức chỉ cần lão mở miệng ra, bất cứ ai cũng có thể ngửi được nó cách đấy hai mét. Trí Thành thấy tội nghiệp cô vợ. Em thường nghe vài người phụ nữ trong khu to nhỏ với nhau trên đường đi học về, rằng cô ấy chỉ cưới lão già giàu sụ để trả một khoản nợ lớn cho gia đình, rồi từ đó phải cam chịu phục tùng tên chồng bẩn thỉu và thô lỗ vô điều kiện, mỗi ngày, cho đến lúc lão ta xuống mồ, hoặc, chính người phụ nữ khốn khổ ấy lìa xa thế gian này.
Lão già đứng quan sát em trong cái sân tối om. Hàn Trí Thành chẳng thấy được mặt lão, cái bóng đen liêu xiêu cứ lấp ló thậm thụt, đi vài bước rồi dừng lại, đứng im như một khúc gỗ. Lão núp sâu đến mức ngay cả những đợt chớp sáng nhất cũng không soi rõ được mặt, nhưng Trí Thành không cần thấy mặt lão, em đã quá rành cái ánh mắt chòng chọc sởn da gà lão dùng để nhìn em. Nó in sâu vào tiềm thức của đứa nhỏ, khiến em gai người, run rẩy và toát mồ hôi lạnh. Lão thậm chí còn chẳng buồn giấu diếm những cái nhìn đầy hứng thú mỗi khi Trí Thành đi ngang qua. Hai con mắt mở trừng, lồi lên, dán cứng ngắc trên người em suốt đoạn đường dài, mãi đến lúc em rẽ vào một khúc quanh mới chịu thôi. Trí Thành vẫn cảm nhận được từng cơn ngứa ngáy sau ót mình và một cảm giác bất an nổi cộm trong ngực kể cả khi em không cố tình chú tâm đến lão. Em hãi lão đến độ phải đặt báo thức sớm hơn một tiếng mỗi ngày, chuẩn bị xong xuôi và rời nhà khi trời mới tờ mờ sáng, tránh giờ lão đi làm để không phải chạm mặt nhau. Thế mà giờ em bị kẹt trong chiếc hiên nhà bé tẹo, lão thì ở kia, cách em chỉ một con hẻm nhỏ và một lớp cổng sắt, kĩ càng ẩn náu như loài gián tởm lợm, chỉ đợi em sơ hở một tí thôi, liền nhanh nhảu luồn vào trong, tiếp cận em bằng những chiếc chân gai góc và lông lá.
Trí Thành không dám thở mạnh, căng thẳng nhìn chăm chăm về hướng nhà lão. Em ép lưng vào cửa, tay chân cứng đờ chẳng dám nhúc nhích. Như thể theo cách tự trấn an vụng về của một đứa nhỏ 10 tuổi, chỉ cần em bất động như một vật dụng vô tri thì lão ta sẽ chẳng nhìn thấy em được nữa.
Nhịp thở của em dần trở nên nặng nề khi em trông thấy lão bắt đầu di chuyển hướng ra cổng trong làn mưa trắng xoá, cánh tay gầy trơ trượt chìa khoá vào ổ, chậm rãi xoay nhẹ. Một tia chớp gắt gỏng cắt ngang bầu trời đen kịt. Đôi vai Hàn Trí Thành giật nẩy, chân em nhũn ra, cặp mắt hoen lệ lay động dữ dội khi từ phía bên kia, em chợt thấy rõ rệt trong vài giây ngắn ngủi thôi, hàm răng ố vàng lởm chởm của lão lộ ra bên dưới một nụ cười nhăn nhở khoái trá.
Hàn Trí Thành dần trở nên hoảng loạn, họng em bật ra những tiếng ú ớ gọi mẹ, khuỷu tay theo quán tính chõi thẳng vào cửa chính sau lưng em, liên tục và nhanh dần. Lão già đối diện đã mở xong cổng nhà. Lão chẳng buồn đóng cổng, cứ vậy đầu trần đội mưa, bước chân ra đường. Trí Thành dường như bùng nổ, em la toáng lên, tống mạnh lưng vào cửa nhà trong lúc nước mắt tuôn ròng ròng. Em không dám dời mắt đi đâu khác, sợ rằng mình không để ý sẽ khiến lão già nọ được thời cơ di chuyển nhanh hơn. Mọi chuyện gần như rơi vào bế tắc, Hàn Trí Thành quýnh đến mức em nghĩ rằng mình có thể ngất xỉu ngay tại chỗ, cho đến khi cánh cửa sau lưng em bị một lực mạnh tống về trước. Nó bật tung, hất em té sấp ra đất. Mẹ em bực dọc từ trong nhà bước ra, lôi xộc người đứa nhỏ dậy chỉ để tát một phát đau điếng vào mặt con trai mình.
Hàn Trí Thành nhăn nhó khóc ré lên, và bà ta dùng tay bóp chặt lấy miệng em, nghiến răng ken két.
- Tao đã bảo với mày như nào, hả? Tao bảo sẽ đánh gãy tay mày nếu mày còn làm ồn đúng không?
- Mẹ ơi... con sợ... Có cái ông kia... nhìn con mãi...
Hàn Trí Thành cố nặn ra từng tiếng tròn vành xen lẫn giữa sự nức nở đầy tủi nhục. Em chỉ tay về căn nhà đối diện, cắn răng nén lại những tiếng khóc tỉ tê. Người mẹ nhìn theo hướng em chỉ, lúc đấy lão già biến thái đã chuồn mất hút từ bao giờ, để lại cái vườn nhà trống trơ. Lão tinh lắm, hiển nhiên biết rõ lúc nào có thể tiếp cận đứa nhỏ và lúc nào thì không nên. Kết quả, Hàn Trí Thành liền hứng trọn toàn bộ cơn thịnh nộ của mẹ em. Sau vài cú tát đau điếng vào cả hai bên má và một tràng chửi rủa tục tĩu mà khi ấy em còn chưa đủ lớn để hiểu hết ý nghĩa, bà cúi xuống, túm lấy chiếc gáy nhỏ và ấn đầu em về trước, dí sát vào mặt mình.
- Chừa chưa? Lần sau còn dám nói dối mẹ mày không? - Bà quắc mắt, phun ra từng tiếng nặng nề. - Học ở đâu cái mòi xảo trá của lũ đầu đường xó chợ hả? Tao dạy mày như vậy à?
- Con không nói dối, mẹ ơi! - Đứa nhỏ sụt sùi, run bần bật dưới lực nắm tay mạnh bạo của người phụ nữ. Em rụt rè ngước nhìn, đối mắt trực tiếp với cơn giận sục sôi của mẹ mình. - Ông ta đã đứng ngay đó, con thề, mẹ ơi, ông ta đáng sợ lắm!
- Cấm cãi! Hôm nay mày đừng hòng bước vào nhà nửa bước, cho đến khi thằng cha mày chịu lết cái thân về đây!
Mặc kệ Hàn Trí Thành có khóc lóc van xin, bà gạt mạnh cái níu tay của em ra khỏi vạt áo mình, thẳng thừng đóng sầm cửa, bỏ lại đứa nhỏ 10 tuổi bơ vơ trong đêm bão.
Ngoài trời tối đen như mực, và thứ duy nhất có thể rọi sáng mọi vật xung quanh em lại chính là thứ khiến em run sợ chẳng thôi. Sấm chớp giật ầm ầm trên những tầng mây u ám và đặc nghẹt. Trí Thành chỉ biết ngồi thu mình vào một góc nhỏ tí trong sân, cạnh chậu cây cảnh đã úa vàng phân nửa. Lũ kiến lửa trên lá cây rũ xuống, đốt khắp vai và lưng em, ớn người và ngứa ngáy không chịu nổi. Nhưng Trí Thành chẳng dám di chuyển đi đâu khác, bởi lẽ đó là góc sân duy nhất mưa không thể hắt đến, và lão già biến thái ở đối diện không thể quan sát được em từ phía bên kia của chiếc cửa sổ.
Hai hốc mắt Hàn Trí Thành đã cạn khô. Đôi mi em sưng húp, nặng nề sụp xuống, và tròng mắt thì đỏ ngầu. Đứa nhỏ đã mệt lử sau những đợt gào khóc khản cổ. Em lạnh run lên và chiếc dạ dày cồn cào từ đầu giờ chiều vẫn chưa hề được lấp đầy bởi chút thức ăn nào. Cơn mưa như thác đổ vẫn không có dấu hiệu ngơi bớt, Trí Thành chẳng thể làm gì khác ngoài việc bấm móng tay lên những vết kiến đốt và gục mặt vào giữa hai gối, mong mỏi đêm đen đi qua thật nhanh.
Ngày hôm ấy, gã đàn ông tệ bạc mà em gọi bằng một tiếng cha, gần 5 giờ sáng mới trở về nhà...
.
.
.
.
.
Hàn Trí Thành giật mình, hiện thực khô khốc kéo tuột em khỏi một cơn mơ đẫm lệ. Bên tai em, âm thanh gây gổ ồn ào của cha mẹ đương đều đều vang lên.
Trí Thành động đậy từng khớp ngón tay đơ cứng. Em chậm rãi hé mắt, hai hàng mi sũng nước tách nhau ra, nặng trịch. Tấm trần cũ nát loang lổ hiện ra trước mắt em, cánh quạt bám bụi quay ù ù. Em nhổm người dậy, nghe văng vẳng tiếng bước chân của cha mẹ lộn xộn lẫn vào những thanh âm rơi vỡ của đồ đạc dưới nhà. Họ cãi nhau to - chẳng phải là chuyện lạ ở ngôi nhà cấp bốn chật hẹp ấy. Trí Thành không rõ nguyên nhân là gì, nhưng đã khá lâu rồi giữa họ mới xảy ra một trận cãi cọ căng thẳng như thế. Gia đình em không phải loại khá giả, nên cha mẹ thường chỉ dùng hết hơi trong phổi mà quát thẳng vào mặt nhau, sỉ nhục đối phương hay cùng lắm là động tay động chân, thay vì đập phá vật dụng trong nhà - việc sẽ làm họ đau xé lòng và giằn vặt rất nhiều ngày sau đó.
Em kiểm tra màn hình di động - mới bảnh mắt ra gần 7 giờ sáng.
Hàn Trí Thành mỏi mệt di di thái dương. Em lồm cồm bò ra khỏi chăn bông, lững thững tiến đến cửa phòng, lặng lẽ khoá trái lại.
Chẳng ngoài dự đoán của em, chỉ chưa đầy 5 phút sau khi những tiếng quát tháo tắt hẳn - nghĩa là mẹ em có thể đã bỏ đi đâu đó, hẹn hò với những tay chơi giàu sụ, hoặc lân la ở những sòng mạt chược - em liền trông thấy cái núm cửa phòng mình kêu lên cọc cạch và rung giật liên hồi. Cha em bên ngoài đạp đùng đùng lên cánh cửa tội nghiệp, chỉ vì nó không chịu mở lối cho ông ta đến chỗ em để trút hết toàn bộ cơn giận phun trào lên người đứa con trai duy nhất.
Trí Thành đã quá quen với đòn roi của cha mình. Mẹ em luôn là người to tiếng hơn. Miệng lưỡi bà độc địa, và bà cũng hay sinh sự vô cớ với em qua những chuyện rất vặt vãnh, nhưng lại ít khi ra tay đánh em, có đánh thì cũng chẳng thể nào bì được với sự tàn bạo mà cha em giáng lên người con trai mình. Ông ta ngày thường chẳng bao giờ nói chuyện với em, ngay cả mắng nhiếc cũng không. Trong mắt ông, Hàn Trí Thành căn bản chẳng hề tồn tại. Vậy mà lần nào cãi nhau với mẹ em xong, ông ta lại lập tức nhớ đến đứa con trai của mình. Ông nhớ đến em qua bạo lực và sự ghét bỏ. Em hứng hết tất cả sự thù hằn mà người đàn ông hèn hạ đó không dám trút lên vợ mình, không phải do thương yêu gì, ông ta chỉ sợ mất đi nguồn tiền trợ cấp từ các mối quan hệ giàu có ngoài luồng của bà ta.
Hàn Trí Thành của những năm tháng ấu thơ đã từng nghĩ rằng em hẳn phải làm sai chuyện gì đó rất nghiêm trọng, rằng em không ngoan, không xứng đáng với kì vọng của mẹ cha, rằng em tồi tệ lắm, bởi vì chỉ có những đứa trẻ hư đốn mới phải chịu sự ghẻ lạnh và những lần trừng phạt tàn khốc như vậy. Đứa trẻ non nớt đó chỉ không biết mình đã làm sai ở đâu và phải sửa sai như thế nào, chẳng ai chỉ cho em, cha mẹ không quan tâm em nghĩ gì, nhưng em đã cố - hàng trăm lần - để rồi kết quả chẳng mảy may đổi thay trong suốt quãng đời trẻ thơ vụn vỡ.
Hàn Trí Thành của những năm tháng sau này đã ngừng đặt câu hỏi, bởi vì em đủ lớn khôn để hiểu rằng mình không làm sai bất cứ điều gì. Sự thật rất đơn giản - đơn giản mà đau đớn hơn tất cả mọi thứ em từng hình dung - rằng cha mẹ, nói một cách thẳng thừng, vô cùng căm ghét em.
Sự có mặt của em trên đời này là một gánh nặng, một thứ chẳng ai mong muốn. Em trói chân cha mẹ mình dính vào nhau - những kẻ ở thời điểm ấy đã chẳng còn tình cảm gì và đang trên bờ vực của sự chia cách, những kẻ sống trong ích kỉ, căm hận và vùi mình dưới sự ghét bỏ tột cùng dành cho thứ tình yêu từng được cả hai ca ngợi không ngớt lời.
Có lẽ em vẫn luôn là một con người nhỏ bé, ngay cả khi còn là một bào thai. Mẹ em thời trẻ sống buông thả và sinh hoạt chẳng hề lành mạnh, ngày đèn đỏ của người phụ nữ ấy vốn luôn rất lộn xộn. Lúc mang thai em, bụng bà nhỏ đến mức chẳng một ai để ý cho đến khi mọi chuyện đã muộn màng. Bào thai quá lớn và quá nguy hiểm để phá bỏ, rồi cha mẹ em, dưới sức ép của hai bên gia đình, buộc phải lấy nhau. Vậy nên Hàn Trí Thành từ khi chào đời, trong mắt cha mẹ em, đã là một kẻ mang trọng tội.
Trí Thành ngồi co lại thành một cụm nhỏ cạnh chân bàn học. Ánh mắt hướng đến một nơi vô định và xa xăm, bên ngoài ô cửa sổ lem nhem bụi bẩn. Tiếng doạ nạt hằn hộc của cha em vẫn miệt mài cào cấu lên mặt bên kia của cánh cửa, nghe như vuốt nhọn mài rin rít trên những vân gỗ mục nát. Âm thanh luồn vào từng ngóc ngách trong căn phòng, chảy sâu nơi ống tai em như bão trên biển lớn, sóng động dữ dội, gào rú và dập tan vạn vật nó càn quét qua. Nó dùng chiếc lưỡi tung đầy bọt nước cuốn Hàn Trí Thành vào bụng, vặn nát em trong cơn thịnh nộ, bít nghẹt mọi đường hô hấp, nhai ngấu nghiến cơ thể em và thưởng thức từng chút một sự đau đớn của sinh vật bé nhỏ bị mắc kẹt nơi chiếc bụng trong suốt của mình. Nó ăn da em, thịt em, và hồn em - ăn sống em, liếm láp tận từng mảnh xương vụn, một cách rề rà đến mức tàn ác.
Hàn Trí Thành biết đây không phải mơ - ước gì nó vô hại như thế. Mọi thứ đều có thật, thật đến nỗi cơn ám ảnh vẫn còn chảy trong huyết mạnh và từng hơi thở đứt quãng của em. Sự nhức nhối đọng lại thành một vũng nước đen trong tim, trong mỗi ánh nhìn bất lực đến tuyệt vọng, và trong cái màu tím bầm loang lổ phủ khắp cùng tay, lưng và bụng em.
Trong đầu Trí Thành lúc đó lại loé lên một suy nghĩ bất chợt: mọi chuyện liệu có dễ dàng hơn cho tất cả mọi người - cha em, mẹ em, và chính bản thân em, nếu em của năm tháng xưa đã thật sự bị cha mình dìm chết dưới làn nước lạnh lẽo ấy?
Em đẩy ra khỏi miệng một tiếng thở nặng nề, tay ôm lấy mặt, ngũ quan xô nhau đến méo mó.
Nếu như năm xưa Hàn Trí Thành có thể ra đi một lần dứt điểm, thì hiện tại em đã chẳng phải chết đi chết lại nhiều lần.
Cửa phòng rung lên mạnh mẽ sau một tiếng động lớn bất thình lình. Trí Thành giật bắn người, ánh mắt kinh sợ phóng thẳng đến lối ra, nơi dường như mới vừa ngập tràn sự rủa xả của cha em, nay chỉ còn lại những tiếng ầm ầm vang lên cách quãng, bạo lực tống thẳng vào bề mặt của nó. Thanh bảng lề kêu rít từng hồi đinh tai, rung giật và bung dần ra sau mỗi lần cha em đạp mạnh lên cửa.
Tay chân Hàn Trí Thành trở nên tê liệt. Em ngồi chết cứng tại chỗ, thở hổn hển như một kẻ sức cùng lực kiệt. Em nhìn thấy cha mình ở phía bên kia - qua dòng kí ức nhuốm đầy roi vọt và nước mắt - với chiếc áo thun màu xám cũ mèm quen thuộc của ông ta, đường mày rậm rạp căng thẳng chau lại, răng nghiến ken két và đôi mắt đỏ lừ trợn trừng mang đầy vẻ doạ nạt.
Cha em gần như phát dại, hơi thở nặng nhọc mang theo tiếng gầm rít. Con súc vật hoang dã từ sâu bên trong ông ta chẳng đợi được để tóm lấy chân em, nhai nát chúng và khiến em không thể bò đi đâu xa khỏi lãnh thổ của nó. Nó muốn ngoạm lấy và kéo lê cơ thể của thiếu niên trên mặt đất bằng chiếc cổ thon gọn của em, nghiến chặt đến khi cả xương em cũng gãy rời, gầm lên khoái trá trước tiếng rít khô rát của con mồi và nhìn cái xác tím tái nằm quặt quẹo trong vòm họng lỉa chỉa đầy răng. Con thú vẫn sẽ tiếp tục tra tấn em sau đó, quăng quật thể xác nhão nhoét và bầm dập ra tứ phía. Từng cú va đập và âm thanh nứt rạn của những khúc xương còn lại trong em làm nó sung sướng tột cùng. Rồi sau hàng trăm cú quật tàn bạo như thế, đến lúc cơn thịnh nộ của gã đàn ông nguội dần, con súc sinh được thoả mãn và lặn đi để chìm vào một giấc ngủ khoan khoái, thể xác của Hàn Trí Thành sẽ chẳng còn lại gì ngoài một đống bèo nhèo xương máu trộn lẫn, bẹp dí trên chính sàn nhà nơi phòng ngủ của em, mắt mở trừng trừng, vặn vẹo và tức tưởi.
Hàn Trí Thành có chừng vài ba giây để phản xạ, và quyết định em đưa ra có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc em ở lại hay rời bỏ cõi đời khốn nạn này. Cha em luôn biến thành một kẻ ám đầy bạo lực mỗi lúc ông ta bị giận dữ chiếm lấy, nhưng chẳng bao giờ ông ta tức đến độ muốn phá sập cửa phòng, và em e rằng mình có thể sẽ chết rất đau đớn nếu để cha bắt được ngay giờ phút này.
Em sẽ chẳng đời nào để chuyện đó xảy ra.
Không, Hàn Trí Thành sớm muộn cũng sẽ chết, vào một ngày nào đó, có thể rất xa - hoặc rất gần, em chẳng quan tâm, nhưng không phải hôm nay, không phải theo cách tồi tệ như thế này.
Trí Thành tự cấu vào đùi mình, cơn nhói buốt tạm bợ thức tỉnh các dây thần kinh trì trệ của em; và em vùng lên, tóm lấy chiếc ba lô lộn xộn quần áo cũ còn chưa kịp soạn lại, vội vàng mở cửa sổ phòng ngủ - thứ cách mặt đất ít nhất phải 5 mét - rồi gần như ngay tức khắc, chẳng có chút lưỡng lự hay sợ hãi nào, lao thẳng xuống.
Hàn Trí Thành chỉ có một cơ hội duy nhất.
Để sống sót,
hoặc để chết bằng một cách nào đó tốt hơn.
Trí Thành chẳng nhớ mình đã đáp đất ra sao, thẳng đứng người hoặc trên cả bốn chi, sau khi va đập cơ thể vào chiếc mái vòm chắn trên cửa sổ nhà bếp - em có quá nhiều thứ khác để lo ngại hơn là chuyện vặt vãnh ấy.
Em thở dốc một hơi, răng nghiến lên môi dưới đến khi bật máu, để nén lại phần nào sự đau đớn dữ dội đang nhanh chóng lan rộng khắp cùng cơ thể mình. Bằng một cách ngu xuẩn nào đó, em còn chẳng nhận biết được cơn đau bắt nguồn từ đâu, hay cơ thể em liệu có còn lành lặn hay chăng. Tất cả những gì thiếu niên khốn khổ ấy có thể nghĩ đến chính là việc bỏ chạy.
Em vắt chiếc ba lô chưa kịp kéo khoá lên đôi vai gầy rộc, hai mắt mở to hướng về con đường xa xôi trước mặt và bắt đầu khập khiễng những bước chân rệu rã đầu tiên. Từ phía sau, tiếng cửa phòng em bị phá gãy dội ngược vào màng nhĩ, và cha em rú lên, khản đặc, giọng ông vang dọc cả một khu phố vắng lặng, vắt kiệt sức lực ở cả chân và tay em.
- Thằng chó! Mày giỏi thì cút xéo luôn và đừng bước chân về đây nữa!
- Thứ vong ơn bội nghĩa!
Răng hàm Trí Thành nghiến chặt, đủ cho em chút ít thời gian và tỉnh táo để hớp lấy một ngụm khí vào buồng phổi héo hon của mình.
- Thứ bất hiếu!
- Thằng vô lại!
- Súc sinh!
Em nấc lên, xong lại nuốt xuống, nức nở chen vào đôi ba tiếng thở khô khan, trong những cơn đau chảy xuyên nơi quả tim mềm mại đang co thắt dữ dội, tựa một mảnh gai bén ngót bị mắc kẹt lưng chừng, cứa ra cứa vào liên tục cứ sau mỗi lần em hít thở.
Nếu mai sau có ai đấy hỏi Hàn Trí Thành một câu: trên đời này thứ gì là đau đớn nhất, em sẽ trả lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ, rằng đó là cảm giác khi cố gắng vươn mình đến kiệt quệ nhưng không được một kẻ nào công nhận; hoặc khi chúng ta bị đọa đày và ruồng bỏ bởi những con người ta từng xem là cả mặt đất và bầu trời; lại cũng có khi đơn giản hơn - là khoảnh khắc khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa đến mức phải cắm đầu bỏ chạy khỏi chính căn nhà của mình.
Mà cuộc đời Hàn Trí Thành lại đủ chó má để khiến em nếm trải cả ba thứ ấy, hàng ngày, hàng giờ, trong từng phút và từng giây, chưa bao giờ được ngơi nghỉ. Rồi em lại ước ao, ước một điều viển vông đầy ngu xuẩn trong sự cùng quẫn của chính mình, rằng phải chi ngày đó em chưa từng được sinh ra.
"Sao mày lại tồn tại hả?"
"Mày! Chính là mày! Mày đã hủy hoại cuộc đời của tao!"
"Cái thứ con cái đẻ ra vô tích sự!"
"Đậu đại học thì đã làm sao? Ghê sớm lắm hay sao mà khoe khoang? Chẳng phải cái đó là điều tối thiểu mày phải đạt được à?"
"Nếu không đẻ mày ra thì dáng tao vẫn còn ngon nghẻ lắm, biết không hả? Mày chả được gì ngoài làm gánh nặng cho tao!"
"Tự đi mà nấu cơm ăn, nhiệm vụ của tao là hầu hạ mày à?"
"Mệt thì đừng có đi làm nữa, than với tao làm gì? Kiếm ra bao nhiêu đồng bạc mà báo mẹ báo cha!"
"Càng nhìn mày càng thấy có nét giống con gái mẹ mày hồi xưa, tao chướng mắt chết đi được!"
"Đừng có mà ngửa tay ra xin tiền đóng học này học kia. Tự kiếm lấy hoặc là nghỉ ở nhà."
"Lớn già cái đầu rồi tự ra đời mà kiếm tiền về đây đi chứ? Định ăn bám cái nhà này tới bao giờ?"
"Mày là con trai sao lại yếu đuối thế? Nhìn con nhà người ta mà xem?!"
Mũi chân Trí Thành vấp trúng một chỗ gồ lên trên mặt đường, chẳng kịp phản ứng, em theo quán tính té sấp xuống đất. Nơi lòng bàn tay sượt dài trên những viên đá dăm lụn vụn, tứa máu. Em chống khuỷu tay trên mặt đường nhám rát, khổ sở quỳ lên, nhìn hai lòng bàn tay phủ đầy những vết sước nông sâu xen kẽ, nước mắt em lại bất giác chảy dài.
"Chà, Trí Thành sao lại giỏi thế!? Một mình em cân bao nhiêu đây bàn hả?"
"Anh xin lỗi vì đi vắng lúc khách đông như thế nhé!"
"Sao vậy Thành? Trông em xanh xao quá, có cần nghỉ nửa ca sau không?"
"Băng vết thương lại cẩn thận chứ. Vết cắt sâu quá trời nè. Đau lắm không? Đau thì bảo để anh làm giúp cho, cứ cố tỏ ra mạnh mẽ làm gì mấy chuyện vặt vãnh này chẳng biết nữa. Khờ thế em!"
"Trí Thành đói bụng chưa? Mẹ anh vừa nấu xong cơm tối. Ăn chung với mẹ và anh luôn nhé?"
"Đậu đại học là chuyện vui mà sao em lại dửng dưng thế thằng nhóc này!? Hôm nay đóng quán sớm một chút anh dẫn em đi ăn mừng nha."
"Không sao, vỡ có vài cái ly nhỏ thôi mà em cuống cuồng lên thế? Vì là Trí Thành của anh lỡ tay làm vỡ nên anh không phạt đâu mà sợ."
Phương Xán... Ôi Phương Xán của em, Phương Xán của những giấc mơ an bình. Phải chi anh có thể chạm vào "Trí Thành của anh" bất cứ khi nào em khẩn thiết, và dùng sự bao dung nơi anh tưới lên linh hồn khô rộc của đứa nhỏ chưa bao giờ biết đến hạnh phúc là gì.
Trí Thành chẳng cần gì hơn ngoài một cái xoa đầu của người đàn ông ấy, một câu khen ngợi cỏn con, hoặc một ý cười đeo trên đôi môi đầy đặn xinh đẹp. Khi đó em sẽ lại tràn đầy sức lực mà đứng lên từ vũng nước đen hôi thối, tự gội sạch sự bẩn tưởi đang bao quanh mình để tiếp tục cuộc sống đầy đau đớn và bất công. Mà cũng vì thói đời vốn bất công như vậy, chỗ dựa tinh thần của em lại có thể chưa bao giờ từng thuộc về em. Em làm sao mà rõ được, người đàn ông lịch thiệp kia liệu có đang dành cho em một sự quan tâm đặc biệt, hay Hàn Trí Thành vốn chỉ là một kẻ thiếu thốn tình thương đến mức sinh ra hoang tưởng - căn bệnh hoang tưởng sẽ tàn nhẫn đâm chết em vào một ngày nào đó chẳng còn xa. Đặc ân từ Phương Xán - thứ mà đứa con trai khờ dại này ấp ôm mỗi ngày - đối với người ngoài chắc cũng chỉ là sự tử tế đơn thuần xuất phát từ bản tính của hắn, không có bí mật, cũng chẳng chứa ân tình sâu xa. Chỉ có Hàn Trí Thành là chạy theo mộng tưởng, mù lòa đâm đầu vào một chút tốt đẹp của người ta, xem đó là trân quý cất sâu trong lòng, đến lúc mang bạo bệnh vào người cũng chưa từng một phút giây cảm thấy hối hận.
Phương Xán, và cả Từ Chương Bân đều đã từng bảo em sao mà khờ khạo quá. Em cứ sống bất cần và cố chấp như vậy, không tìm cách giải thoát, cũng chẳng hề chống đối cuộc sống này, như thể em chẳng buồn bận tâm đến người, đến đời, và đến mình. Giống cái ngày khi đón tin về căn bệnh tai quái đang lây lan nơi lá phổi, em gật đầu, chớp mắt một cái, vậy là xong. Chẳng còn gì khác em làm để cứu rỗi mình, em kệ đấy, cứ như cái lá khô rụng xuống đất, phơi xác một chỗ, theo thời gian dần mục ra rồi tự nhiên tan rã.
Loài người lúc nào mà chẳng khó hiểu. Bản tính của chúng ta và cả cái cách chúng ta yêu đều quái đản và dị biệt như vậy. Làm gì có ai sống mà chỉ dùng mỗi cái đầu để tính toán, để phân biệt đúng sai thôi đâu. Nếu được thế thì đã chẳng còn tội phạm, chẳng có thói hư tật xấu, cũng chẳng tồn tại dăm ba kẻ yêu đơn phương như những đứa nhóc khù khờ, bị phụ lòng cũng không màng than trách. Nếu trái tim của Hàn Trí Thành có thể nằm im nghe não em chỉ dẫn, chắc em đã không khổ như thế này, không cố chấp nghĩ đến người đàn ông mà em cho rằng chẳng thương em như cách em thương hắn, mặc kệ lá phổi héo úa của mình cứ quặn lên từng cơn. Rồi em lại bịt chặt miệng, hối hả chui rúc vào một con hẻm cụt nào đó - đâu cũng được, chỗ tối tăm và neo người nhất mà em có thể tìm thấy - lệ nóng chảy ròng ròng, trợn trạo mửa nhọc ra một mớ hoa màu đỏ máu gai mắt. Chúng rơi lác đác đầy trên mặt đất, nằm thành từng cụm nhớp nhúa trắng đỏ loang lổ, trộn với máu và dịch họng của em. Trí Thành thấy xác mình héo đi chút ít sau mỗi đợt nôn khan, như thể trong em đang bị rút cạn mầm sống, từng giọt một, để đến khi em bình tĩnh lại, dụi mắt vài cái, dưới chân mình đã ngập ngụa đầy hoa.
Hàn Trí Thành cúi đầu nhìn ngắm mớ hỗn độn, mùi máu tanh tưởi xộc lên mũi em, trong khi lá phổi kiệt quệ bên trong em vẫn đang bận kẽo cọt từng hơi thở yếu ớt.
Em nức nở, lại cười phá lên như lũ người điên chẳng còn gì để mất.
- Chúa ơi... Chúa ơi... Nếu đây là cách mà Ngài muốn con chết, xin hãy mang con đi...
Mang con đi.
Mang con đi.
Mang con đi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro