Oneshot
1.
Từ lúc còn nhỏ, tôi đã rất thích mùa hè. Không cần đến trường, mỗi ngày đều có thể la cà lên đồi với mấy đứa trẻ con trong xóm, chiều chiều lại chạy ra biển đắm mình trong dòng nước mát.
Đến một năm nào đó, thằng Haram nhà kế bên lôi đâu ra một lọ nước lạ, thổi một hơi tạo ra hàng chục quả bong bóng lớn nhỏ khác nhau, trong suốt và ánh lên như cầu vồng dưới nắng, làm tôi nhìn đến chăm chú, miệng trầm trồ không ngớt. Ngày đó chưa có điện thoại, đồ chơi cũng chưa đa dạng, hầu như đều tìm đến thiên nhiên mà rong chơi, nên đó là cảnh tượng đẹp tuyệt diệu trong trí óc của đứa trẻ con non nớt như tôi.
Haram bảo, lọ nước này là anh họ nó mua trên thành phố. Hè nào anh ấy cũng về, mỗi lần lại tặng cho Haram những món quà độc lạ từ thủ đô. Mặt nó khệnh lắm, thể như chê cười tôi là con một, cũng không có anh em họ nào "xịn", lúc nào cũng chỉ có thể dựa vào nó mà "giải ngố".
Tôi vừa tức mà cũng vừa tủi, tôi cũng muốn có những thứ đồ chơi thú vị như nó, nhưng ngặt nỗi nhà tôi không khá giả, tôi chẳng được vòi vĩnh hay nuông chiều.
Nhưng anh họ của Haram, Moon Woochan là một người rất dịu dàng. Lần đầu tiên tôi thấy anh là lúc anh được Haram dắt đi thả diều với tôi. Anh còn hào phóng tặng cho tôi lọ nước xà phòng kỳ diệu kia mặc cho Haram ở bên cạnh léo nhéo, thậm chí lăn ra ăn vạ khóc lóc vì nghĩ tôi cướp đi anh nó. Cho nên trước mặt nó, tôi chỉ có thể ngậm ngùi trả lại anh, rồi ôm diều khư khư mà quay đầu chạy biến về nhà.
2.
Những lần gặp nhau tiếp theo, tôi không nhắc về chuyện lọ nước xà phòng ấy nữa, nhưng cũng không đủ can đảm nói chuyện riêng với anh. Tôi và Haram đầu têu dẫn anh leo lên đồi rồi xuống dưới biển, trò nào cũng dám chơi, có khi đi cả ngày trở về với bộ dạng lấm lem như dính lọ nghẹ. Anh là kiểu trai phố điển hình, về đây thấy gì cũng lạ, tay chân lóng ngóng cả lên, Haram lại chỉ biết vui phần mình, đâm ra tôi là người chỉ dẫn anh từng thứ một.
Đợt đó chúng tôi thích thả diều lắm, Haram có con diều hình cá chép vừa đẹp vừa to, chẳng bù cho con diều "nhà làm" mà bố bày tôi gấp. Nhưng diều của tôi được cái nhẹ, chẳng mấy chốc đã bay phấp phới trong gió. Có lần ngang qua hàng bán diều, Haram rủ rê Woochan mua một cái, anh ngập ngừng một lúc rồi bảo thôi, về thành phố cũng không chơi được.
"Với lại, anh chơi chung với Kiin cũng được. Diều của Kiin bay êm lắm."
Haram hừ mũi giận dỗi làm anh cười xoà xoa đầu, còn tôi vui một niềm vui rất riêng.
Tối hôm đó, tôi hỏi bố về bộ dụng cụ làm diều. Cặm cụi lắp ráp một lúc, tôi thấy con diều mới này còn đơn điệu quá, đem đi tặng cũng có hơi thiếu thành ý. Nghĩ nghĩ sao đó, tôi vẽ thêm một vầng trăng khuyết màu trắng lên trên con diều xanh dương, tượng trưng cho họ của anh. Tôi trân quý cất vào một góc trong tủ, đợi tới lúc anh đi sẽ tặng.
Lần cuối gặp nhau đó đến nhanh hơn tôi tưởng. Anh đến tìm tôi mà không có Haram đi theo, cho tôi một lọ nước xà phòng cùng tầm chục cái kẹo sữa, loại kẹo nhập khẩu rất đắt đỏ thời đó, gửi lời xin lỗi tôi thay cho Haram. Anh nói Haram được chiều hư quen rồi, mong tôi kiên nhẫn với nó, nó chỉ nghịch ngợm chứ không xấu tính. Tôi ôm một đống quà ngọt ngào trên tay, gật đầu theo từng lời anh nói, len lén nhìn anh rồi cụp mắt khi anh quay sang. Lòng tôi man mác buồn, tôi quên béng đi cả món quà của mình.
Ngay lúc anh định rời đi, tôi mới lắp bắp hỏi với.
"Hè năm sau anh có về không?"
Anh quay đầu lại, mỉm cười rạng rỡ như nắng ban mai, sau này tôi mới hiểu cái gọi là khoảnh khắc chỉ đến một lần trong đời. Thật sự khó quên, cũng giống như lần đầu tiên tôi được thấy bong bóng xà phòng.
"Hẹn gặp lại Kiin nhé!"
3.
Mùa hè năm sau anh không trở lại.
Nghe bảo anh bắt đầu học ở một trường chuyên cấp hai, phải học cả học kì hè, không có thời gian về quê ngoại nữa.
Haram buồn lắm, lúc đầu cứ tìm tôi than thở mãi. Nhưng nó rất nhanh đã vui trở lại, vì bố mẹ đã mua cho nó một bộ lắp ghép mô phỏng theo nhân vật của một phim hoạt hình rất nổi tiếng lúc bấy giờ, thậm chí còn nói tôi sang chơi cùng. Chẳng mấy khi nó hào phóng như vậy, nhưng tôi lại không có hứng chút nào.
Không có anh, tôi bỗng cảm thấy mùa hè nhạt nhẽo đến lạ.
Con diều xanh vẫn còn nằm im lìm trong một góc tủ sâu nhất.
Cứ thế tôi ấp ủ những tương tư đầu đời, đợi chờ những cơn mưa mùa hạ tưới mát.
4.
Cho đến năm lớp tám, tôi bước vào kì nghỉ hè với những sáng ngủ nướng đến gần trưa. Mẹ tôi ngứa mắt vô cùng, chiều đến bèn sai tôi ra vườn cắt cỏ, tưới cây. Có phải con người đến lúc bực tức rồi cái gì cũng nói được không? Khu vườn này bố tôi trồng toàn cây kiểng trong chậu, đa số cây còn là loại cây cần ít nước, tự mình vươn lên sinh trưởng. Nhưng tôi sợ mẹ cũng chôn tôi trong những cái chậu còn lại, nên tôi nhanh chóng tọt ra vườn.
Xui cho tôi quá. Tôi vừa xịt nước vừa ngáp một tiếng thật lớn sau một giấc dài, nào ngờ có tiếng cười của ai đó vọng lại phía bên kia hàng rào. Tôi chột dạ bụm miệng, đầu óc bắt đầu ngưng trệ, linh tính được điều gì đó không ổn.
"Giờ mà em mới ngủ dậy à?"
Tôi ngượng đến đứng hình, trông thấy anh ngồi xích đu ở căn nhà bên cạnh. Anh ngồi ở nhà vòm mà gia đình Haram xây riêng trong vườn, giương mắt nhìn tôi mỉm cười. Chắc tại học nhiều quá, anh mang thêm một cặp kính cận, nhưng đôi mắt to tròn long lanh chẳng hề đổi. Anh bận một cái sơ mi xanh lá mạ cổ tàu, quần tây ngắn thư sinh mà lịch sự. Nhìn lại mình, vì bị cưỡng ép phụ việc, tôi vẫn mặc nguyên cái áo ba lỗ màu trắng sắp ngả vàng, cái quần xà lỏn in hình thú mỏ vịt Perry, mắt còn dính ghèn, tóc tai bù xù, bộ dạng như vừa ngã cây.
Ánh mắt anh dời xuống cái quần của tôi, điệu bộ giống nín cười khiến tôi ngượng muốn nóng bừng cả mặt.
"Lâu rồi không gặp, em vẫn khoẻ chứ?"
Tay tôi bối rối ôm khư khư lấy cái bình nước, ngại ngùng gật đầu như bổ thóc.
Chắc anh nhận ra tôi đang ngượng nên không cười nữa, đi đến gần hàng rào gọi tôi, "Ngày mai em có rảnh không? Đi chơi cùng anh được chứ?"
Nửa tiếng trước tôi còn lầm bầm hờn trách mẹ, giờ tôi công nhận mẹ là người tuyệt vời nhất thế giới, nhìn xa trông rộng, tài ba chiến lược, chỉ có tôi ếch ngồi đáy giếng, ngựa non háu đá, trứng đòi khôn hơn vịt.
5.
Anh của tuổi mười sáu cao hơn tôi một cái đầu, tôi thầm chửi tuổi dậy thì sao có thể bỏ tôi ở lại, ngay cả Haram cũng nhổ giò rất nhanh. Nhưng tất cả chỉ là mặc cảm của riêng tôi, anh vẫn ân cần trìu mến như lần đầu gặp mặt. Đoạn đường lên đồi phải băng qua một con suối nhỏ, suối không lớn nhưng chảy khá xiết, mặt đá lại trơn, tôi theo quán tính chìa tay ra cho anh nắm. Nhưng tôi quên mất, anh đã lớn rồi, đây cũng không còn là lần đầu anh cung đường này. Tôi bẽ bàng định rút tay lại, nhưng anh nhanh chóng nắm lấy tay tôi, còn hơi bĩu môi, "Sao lại rút tay thế? Anh suýt mất đà đấy..."
Tôi hơi bối rối, nhưng đã có thể gồng tay để giữ anh lại.
"Em xin lỗi. Anh bám chắc vào em nha."
Vốn dĩ tôi chỉ định nói miệng thế thôi, nào ngờ anh thật sự níu lấy một góc áo tôi thủ thỉ, "Đừng đi nhanh quá nhé."
Tôi gật đầu.
Một nhỏ một lớn nối đuôi nhau, chậm rãi đi lên đỉnh đồi săn hoàng hôn theo như ý muốn của anh.
Bọn tôi đã lớn rồi, sẽ không la cà ngoài đường chạy nhảy nô đùa nữa. Thật ra lúc đồng ý với anh, tôi vẫn không biết mình sẽ dẫn anh đi đâu, chơi cái gì. Tôi và anh đã mấy năm không gặp rồi, tâm sinh lý tuổi này thất thường, lỡ đâu anh đã thấy những thú vui của tôi tầm thường thì sao.
Nhưng anh đã nhanh chóng gỡ rối cho tôi. Anh muốn nghe gió thổi, muốn ngắm toàn cảnh thành phố dưới ánh hoàng hôn, muốn tận hưởng sự bình yên thân thương này.
Nhìn từng lọn tóc anh bay bay, tôi nén lại khát khao vuốt chúng xuống, lặng lẽ ngồi bó gối cạnh anh cho đến khi trời sập tối.
Cho đến khi anh trở lại thành phố, Haram mới kể tôi chuyện anh bị bắt nạt.
6.
Ngôi trường cấp hai liên thông cấp ba của anh là trường chuyên của thành phố, nhưng trái lại, có rất nhiều học sinh là con em của các gia đình thượng lưu vào trường để lấy danh, không lấy thành tích. Bọn chúng cậy bố mẹ làm lớn nên lộng quyền, ngay cả thầy cô cũng phải nhún nhường một phép.
Chỉ vì một lần vô tình bảo vệ bạn học, anh bị bọn này ngắm trúng, bị tụi nó đem ra là trò tiêu khiển. Nhưng anh không kể gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng, uất ức và bất mãn cứ dồn ứ lại khiến anh dễ mất bình tĩnh, đôi khi lại nóng giận và đập phá đồ đạc một cách cực đoan. Biết chuyện, gia đình mới đưa anh về quê ngoại cho khuây khoả, rồi quyết định chuyển anh về học một trường bình thường, không cần học trường chuyên lớp chọn nữa.
"Mấy ngày vừa rồi tao phải theo bố mẹ thăm họ hàng ở xa, chỉ có anh ấy ở nhà với bà ngoại. Mà bà ngoại cũng không biết chuyện, dì hai vừa mới gọi về kể cho mẹ tao thôi. Tao thấy tội anh ấy quá, giá mà tao quan tâm anh ấy hơn."
Hai lỗ tai tôi nghe mà cứ lùng bùng. Đáng lẽ lúc nhìn thấy anh ấy trở nên dè dặt hơn, tôi nên nhận ra mới phải. Haram còn có lý do đi xa, còn tôi ở ngay sát bên mà còn chẳng làm được gì. Tôi thấy mình vô dụng quá, nhưng tôi còn buồn hơn khi nghĩ về những gì mà anh phải trải qua.
Những mùa hè của tôi đã trôi qua trong chán nản, nhưng mùa hè trong anh là sự tuyệt vọng với những nỗi niềm không biết nói cùng ai.
7.
Hết năm lớp 10, anh lại về thăm quê ngoại.
Tôi vẫn còn nhớ, Haram đã ôm chặt anh nó rất lâu, miệng không nói một lời nhưng bọn tôi đều hiểu.
Lúc không có Haram, anh còn tâm sự với tôi, "Anh nghe mẹ kể, Haram đã khóc rất nhiều. Anh cũng không hiểu tại sao nó lại khóc nhiều như thế, nhưng đổi lại là anh, anh cũng sẽ rất buồn, thấy rất thương nó."
Chẳng biết lấy đâu ra can đảm, tôi khẽ vỗ vai anh, "Nếu anh sợ nó lo thì có thể nói với em."
"Em á?" Woochan tít mắt cười, "Em sẽ giúp anh làm gì?"
Tôi không dám kể rằng bản thân cấp bách đi học võ ngay sau khi nghe chuyện của anh. Dù sao chuyện cũng qua rồi, nói ra có hơi ấu trĩ, nên tôi lại lòng vòng.
"Em... Em có thể lắng nghe anh, có thể dẫn anh lên đồi ngắm cảnh, lặn xuống biển tìm san hô, cũng có thể... thả diều cho anh, cho diều của anh bay cao nhất."
Những lời nói ngây ngô ấy đều xuất phát từ suy nghĩ thật lòng của tôi. Tôi không khéo léo, sợ đâm thẳng vào vấn đề sẽ khiến anh mất tự nhiên, cũng không biết nói lời hoa mỹ hay làm nũng như Haram. Tôi giống một chú gà con mở mắt chào đời đã thấy anh, từ đó về sau luôn lẽo đẽo theo anh, mắt chỉ dõi về một phía
Anh không cười nữa, đột ngột gục mặt lên vai tôi, thì thầm, "Ừm, nhờ em nhé."
Gió thổi lồng lộng hôn lên mái tóc anh, tôi khẽ vuốt từng sợi tóc phản chủ, thuận thế mà xoa tấm lưng gầy.
Mùa hè của tôi.
Bong bóng xà phòng của tôi.
Anh của tôi.
8.
Hoàn cảnh gia đình tôi không đến nỗi nào, nhưng lại không ổn định, lâu lâu hay xảy ra những biến cố làm cả nhà điêu đứng. Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi là ngư dân, còn mẹ mở một quán ăn chủ yếu về hải sản. Có mấy tháng không đánh bắt được, cả nhà chỉ ăn cơm với rau, tôi không có tiền mua quà vặt mà chỉ ăn ké của Haram.
Đến khoảng cấp hai, nhà tôi lại phất lên nhờ quán ăn gặp thời, tôi đã có thể sống mà không cần nghĩ nhiều. Nhưng lúc trước nhà nghèo nên ăn uống không đủ, lại phải hay ra quán phụ việc cho mẹ, tôi bị chậm phát triển so với các bạn cùng lứa. Vì thế nên mẹ mới luôn muốn tôi vận động, chê tôi trai tráng mà èo uột như cá cơm.
Biến cố lại ập đến vào năm tôi mười sáu. Bố tôi hùn tiền với một người bạn kinh doanh trại nuôi cá tôm, nào ngờ bị người ta lừa, cả một khoản tiền lớn biến mất trong chớp mắt. Tiền vẫn có thể kiếm lại, nhưng quan trọng là bố bị đả kích rất nhiều, mẹ lại dễ nổi nóng hơn, tình hình gia đình rất căng thẳng. Tan học tôi cũng muốn không về nhà ngay, thấy bố mẹ cãi vả chi bằng ở với bạn bè thêm một lúc.
Haram biết ý, luôn để tôi tá túc cho đến quá giờ cơm, thậm chí còn nhiệt tình không cần thiết mà đem kể cho anh. Tôi còn muốn xử tội nó thì đã vội mềm lòng bởi những dòng anh viết trong thư.
"Đừng trách Haram nha! Là anh hỏi nó trước, anh muốn biết dạo này em thế nào... Anh rất tiếc về chuyện gia đình em, nếu em không thoải mái với việc anh biết thì cho anh xin lỗi."
Thật ra tôi đã quen sống với cảnh bầu trời lúc nào cũng bình yên trước bão trong gia đình. Rồi cũng qua. Chật vật đến mấy, rồi cũng qua. Nhưng những lời anh nói đã xoa dịu tâm hồn trống rỗng rệu rã của tôi bấy giờ.
Năm tôi lên mười một, tài chính trong nhà khá lên, bố mẹ tôi không còn nặng nhẹ mà hoà thuận như xưa. Bỗng dưng tôi nghĩ, thời điểm đến rồi, bây giờ không nói thì bao giờ mới nói.
Tôi thú nhận với mẹ là tôi thích con trai, cụ thể là Moon Woochan.
Cái xóm tôi ở bao năm vẫn chừng đấy người, mẹ dĩ nhiên biết người tôi đang nói đến là ai.
Mẹ tôi buồn đi trông thấy, im lặng một lúc mới nghẹn ngào, "Nhưng mà nhà mình có gì bằng nhà người ta đâu con?"
Câu nói ấy làm rúng động tâm can của tôi.
Bố mẹ của anh là tầng lớp tri thức, dù xuất phát của họ cũng từ xóm này nhưng nhờ học vấn xuất chúng mà lập nghiệp ở thủ đô, rồi sinh ra anh và nuôi dạy anh theo cùng một cái khuôn như vậy.
Dường như tôi đã giác ngộ ra rất nhiều điều.
Từ lúc ấy tôi không còn lông bông nữa, tôi bắt đầu chú tâm rất nhiều đến việc học.
Chỉ có một con đường giúp tôi đứng ngang hàng với anh mà thôi.
9.
Gần hết năm lớp mười một, tôi được mẹ mua cho một cái điện thoại mới. Không phải đời mới nhất, nhưng một chiếc điện thoại cảm ứng cũng đủ làm tôi lâng lâng trên mây. Tôi lưu số điện thoại của bố mẹ, rồi sang nhà Haram hỏi xin số điện thoại của anh.
"Ủa mà mày lưu số tao chưa?"
Tôi chạy thẳng về nhà sau khi có thứ mình cần, mặc kệ mấy câu "yêu thương" mà Haram nói vọng theo phía sau.
Tôi soạn tin nhắn đầu tiên gửi cho anh, nội dung là tôi đã có điện thoại rồi, từ bây giờ có thể nhắn tin, anh lưu số tôi đi.
[Anh lưu rồi nha. Nhưng mà em gửi thêm icon đi, nhìn em nhắn nghiêm trọng quá TT]
[Ừm]
[Dạ chứ sao ừm với anh 😾]
[Dạ]
[Ngoan]
Có thế tôi mà cười tủm tỉm cả tối.
Với tiến độ đó, chuyện bọn tôi thành đôi cũng xảy ra tự nhiên như chuyện mùa hè nhất định sẽ về.
Biết tin, Haram từ đâu xông vào phòng nắm lấy cổ áo tôi, gấp gáp nhả chữ, "Mày mày mày quen anh Woochan? Thật sự luôn hả?"
Tôi gật đầu, chuẩn bị sẵn tinh thần bị nó dằn một trận lên bờ xuống ruộng.
Không ngờ nó trầm ngâm một lúc lại buông tay, nhìn chằm chằm tôi rồi nói, "Đừng làm anh ấy buồn."
Thằng nhõi này bình thường chập mạch, nhưng cần nghiêm túc thì sẽ rất thành thật. Tôi vỗ vai nó, tôi biết mình cần phải làm gì.
11.
Anh thuận lợi bước vào đại học, tôi tiến vào năm học cuối cùng trong đời học sinh.
Chuyện học tập của tôi đã tiến triển tốt, đậu vào trường đại học hạng hai nào đó ở thủ đô là việc nằm trong khả năng. Tôi còn chăm tham gia các lớp tự học ở trường, Haram mỗi lần thấy tôi giở sách ra học liền run rẩy đưa ra một cây thánh giá rồi lùi về sau chạy biến.
Thật ra học hành chẳng có gì vui cả, đối với tôi việc giải được một bài toán khó cũng không khác gì việc ăn cơm có thịt. Nhưng học hành mới giúp tôi gần lại với anh, tôi muốn biết về thế giới của anh, tôi muốn ở bên cạnh anh những lúc anh cần giúp đỡ nhất.
Lại một hôm thứ bảy, hôm đó tôi tham gia lớp tự học buổi chiều. Thường giờ này rất nóng, lớp tự học dựa trên tinh thần tự nguyện, phòng học khá vắng, nhưng tôi vẫn miệt mài ngồi lại, tôi còn thích học vào những hôm thế này vì giáo viên sẽ giải đáp kĩ hơn.
Đến lúc chuông reo, tôi mới mở máy đọc tin nhắn anh gửi đến.
[Em đang làm gì đó?]
[Đang trong giờ tự học à?]
[Bạn trai anh chăm học quá ^w^]
[Nhớ em quá đi mất]
Không biết dây thần kinh nào của tôi lại kích động, tôi xách cặp chạy ra khỏi lớp như một cơn gió.
Loay hoay một hồi, tôi đã nhận ra mình đứng trước quầy bán vé của nhà ga.
"Chỉ còn một vé cuối cùng thôi, mà em phải nhanh lên nha, tàu chuẩn bị xuất phát rồi."
Tôi nhận lấy vé rồi chạy hết tốc lực chen lên tàu. Trái tim tôi đập dồn dập, tâm trí còn chưa hoàn hồn. Bảo vệ mắng chửi gì đó, vài người khác đổ dồn ánh mắt về, tôi ngoảnh đi vờ như không nghe thấy.
Mang một con tim bồi hồi trên chuyến tàu hơn hai tiếng, tôi vẫn không nghĩ gì, chỉ nhất nhất muốn gặp anh.
Trước đây tôi đã theo bố lên thủ đô gặp các nhà đầu tư trại cá, nhưng lần đầu tiên một thân một mình giữa chốn rộng lớn xa lạ, tôi bỗng thấy bỡ ngỡ. Đi theo ứng dụng chỉ dẫn, tôi tìm được đường đến trường Đại học của anh. Trường rất rộng, cổng trường to gấp rưỡi trường tôi. Người ngoài không được vào trong trường nếu không có giấy phép, điện thoại tôi lại xui xẻo hết pin. Cuối cùng tôi đành cầu may bằng cách chôn chân ở phía trước cổng, tay dè dặt ôm lấy quai cặp trước những ánh nhìn tò mò cho một học sinh trung học đứng trước nơi mình không thuộc về.
Một tốp sinh viên nữ đi ngang qua, một chị gái trong số đó đánh rơi một thỏi son. Tôi cất tiếng gọi, đối phương quay lại ngơ ngác nhìn tôi. Tôi kiên nhẫn lặp lại rồi chỉ vị trí của thỏi son, người ta mới nhận ra vấn đề và cúi đầu cảm ơn.
"Người ở đâu mà nói giọng lạ ghê."
"Ừ, giọng địa phương đặc sệt..."
Bọn họ không biết tôi hoàn toàn có thể nghe được. Tôi vô thức lùi một bước, mặt hơi cúi xuống. Vượt cả trăm cây số rồi bị người khác săm soi, đứng dưới cái nắng gần nửa tiếng mà chưa gặp được người mình cần gặp, tôi bỗng thấy bí bách, lạc lõng quá. Tôi phân vân nửa muốn đi nửa muốn ở, tôi không biết anh có muốn gặp tôi không, liệu tôi đến không báo trước có làm anh khó chịu không.
Rồi tôi cũng trông thấy anh từ phía xa. Bên cạnh anh còn có một người con trai khác, rất cao, đang khoác vai anh vô cùng thân thiết. Bỗng dưng tôi thấy chết trong lòng một ít. Sau đó thấy anh nhăn mặt rồi gỡ tay người kia ra, tôi nhận ra mình thở phào.
Thấy tôi, anh mở to mắt, rồi nhanh nhảu chạy về phía tôi như một con sóc, giọng nói còn mang theo hơi thở hổn hển.
"Tại sao... Tại sao em lại đến đây? Không phải em đang đi học à? Sao em không gọi cho anh?"
Cái nắng chiều vẫn luôn đốt cháy tôi như đang dịu đi rất nhiều. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo, tôi vẫn khẽ khàng vuốt lại tóc cho anh, lấy tập trong cặp quạt cho anh mát.
"Điện thoại em hết pin rồi. Giờ tự học, em có thể nghỉ được. Đến đây vì... anh nói nhớ em."
Đôi mắt của anh híp lại cong cong, "Thế em không nhớ anh à?"
Tôi ngượng ngùng không đáp lại, nhận ra anh định nhào đến ôm tôi liền hoảng, "Người em nhiều mồ hôi lắm."
"Không sao," anh một mực ôm tôi vào lòng, "Người em nóng quá, sao không tìm chỗ mát mà đứng?"
"Em sợ anh không thấy em."
Bọn tôi đi với nhau cho đến sát giờ chuyến tàu cuối cùng lăn bánh. Anh tiếc nuối nắm lấy tay tôi thủ thỉ, "Em học hành nhưng cũng nhớ giữ sức khoẻ, không cần trả lời tin nhắn anh thường xuyên. Nếu không học ở đây cũng chẳng sao cả, quan trọng là tinh thần em thoải mái."
"Cũng đừng đột ngột đến đây như thế, mất công lắm."
Tôi siết lấy tay anh đáp lại, "Anh thấy em phiền à?"
"Không có mà," anh dụi đầu vào vai tôi nũng nịu.
"Anh có vui không?"
"Có chứ. Anh còn nghĩ mình nhớ em quá mà nhìn gà hoá cuốc."
"Vậy là được rồi."
Tôi thiệt một chút có sao đâu.
12.
Cuối cùng tôi cũng thi đậu vào Đại học mơ ước. Nhưng mức học phí khá cao khiến tôi phải lao đầu vào kiếm tiền như thiêu thân sau khi tốt nghiệp.
Thỉnh thoảng anh nói để anh giúp tôi một khoản, tôi chỉ ậm ừ rồi để đó. Vốn dĩ tôi cũng không muốn anh nhìn thấy những mặc cảm khó khăn mà tôi trải qua. Rồi một lần vô tình tôi trông thấy vết sẹo bên hông phải của anh. Anh cũng không giấu, kể rằng đó là vết tích của một trận bắt nạt ở trường cấp hai. Anh bị đẩy vào hàng rào, nhưng bọn bắt nạt không ngờ có một cái đinh chưa được xử lý nhô lên, ma sát quá lớn làm rách áo anh và đâm vào da thịt.
Hốc mắt tôi nóng lên, tôi nhìn anh bình thản mà đau xót. Hình như đó là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt anh, không kể những lần còn nhỏ dẫn anh vào rừng rồi nức nở vì chẳng tìm thấy anh đâu.
Cho nên tôi vừa học vừa làm không thấy mệt nữa. Tôi có thể kiếm tri thức, kiếm tiền. Tôi biết võ, cũng biết nấu ăn nhờ kinh nghiệm phụ mẹ. Tôi muốn trở thành một người đường đường chính chính ở bên cạnh anh, che chở cho anh suốt quãng đường còn lại.
Bởi vì anh là điều diệu kỳ hệt như bong bóng mùa hè năm ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro