Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

9. Thanh mai trúc mã là như thế nào vậy?


Tôi chưa từng có nên tôi muốn biết cảm giác có người lớn lên cùng với mình theo năm tháng là như thế nào.

Dịch bởi: #PhuongHoang
Link Zhihu: https://www.zhihu.com/question/27238186
Trả lời: [2011 Bình luận]
________________
[Ze Ran] [3680+]
Hồi trung học cơ sở có một buổi họp lớp mà thầy giáo để tụi tôi viết một bài văn về vấn đề làm sao để ngăn chặn chuyện yêu sớm, viết xong mới được về. Có người thì viết rất chi nghiêm túc, viết đến mấy trăm chữ, còn tôi thì vội nên chỉ viết đúng một câu:
Bớt tiếp xúc với nhau là được.
Giáo viên đọc xong thì khen lấy khen để, còn nói lại với mẹ tôi nữa, thầy bảo là con chị có cách nhìn nhận vấn đề rất sắc bén. Nhưng mà thầy ơi thầy đưa ra câu hỏi là làm sao để ngăn chặn chứ không hỏi em là có muốn ngăn chặn hay không.
Tôi nộp câu trả lời rồi về, đến chỗ rẽ thì dừng lại lẳng lặng đứng chờ em. Em tới, rồi hai đứa đạp xe cùng nhau, trên con đường rộng chỉ có đôi chiếc bóng. Khi đó bầu trời còn xanh và trong lắm, chúng tôi đạp xe trên con đường ven hồ, mất mười phút thì đến nhà em.
Em biết tôi thích em, và tôi biết em cũng thích tôi như thế, nhưng chẳng ai nói ra cả.
Sau đó chúng tôi học phổ thông ở hai trường khác nhau, sau nữa tôi lên đại học còn em thì du học nước ngoài, em thành bạn gái tôi, rồi yêu xa bốn năm, em trở thành vợ tôi.
Còn cảm giác ra sao thì hình như là ngay từ khi còn rất nhỏ đã có nhà, không phải nhà của bố mẹ mà là nhà của mình, trong nhà có một người và người đó là em. Có mục tiêu và có cả lo lắng, có một nơi để trút nỗi lòng có một người để san sẻ niềm vui, có một vòng ôm ấm áp giúp tôi an tâm chìm vào giấc ngủ, không cần phải tỏ ra mạnh mẽ cứng rắn, được dỡ xuống tất cả phòng bị bên ngoài. Có thể chiến đấu đến chết, cũng có thể thoải mái nhẹ nhàng.
Em dạy cho tôi biết rung động là gì, tương tư là chi, dạy cho tôi không được từ bỏ, dạy cho tôi cả biệt ly chia lìa. Tôi biết thế nào là chờ mong, thế nào là làm bạn, thế nào là vui sướng, thế nào là thấu hiểu lẫn nhau. Tôi học được cách quý trọng cũng học được cách buông tay, học được đau khổ và áp lực, học được lầm lũi tiến lên trong đêm tối, học được rằng chuyện của mình thì phải tự mình giải quyết.
Biết được em và cũng biết chính bản thân tôi.
________________
[Lý Bằng Trình] [3052+]
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện thật, có lẽ sẽ không buồn cười đâu.
Năm tôi bảy tuổi, nhà tôi chuyển đến một thị trấn nọ. Ở đó nhà cửa san sát thuần một màu ngói đỏ, phía trước phía sau nhà đều có sân, gia đình tôi chung một cái sân với nhà hàng xóm bên tay trái. Gia đình đó có một cô bé năm nay lên bốn, ba nhỏ với ba tôi cùng làm việc cho một cơ quan, mẹ nhỏ và mẹ tôi cùng dạy học ở một trường tiểu học trong thị trấn. Cũng bởi vì những tầng quan hệ trong công việc cũng như trong sinh hoạt này và tính chất công việc của bọn họ, nên khi nhà hàng xóm bận quá thì sẽ gửi cô con gái nhỏ sang bên nhà tôi.
Tôi rất ghét nhỏ đó, nó như cái đuôi cứ chạy theo tôi mỗi ngày, gọi anh Bằng Trình luôn miệng không ngớt, lúc nó chơi ở nhà tôi thì chẳng còn thiết tha gì đến bố mẹ, có lẽ là vì ba mẹ tôi rất quý nó và tiếp đón nó nhiệt tình nên mới thế. Dĩ nhiên tôi thì không. Một thằng nhóc học lớp một như tôi khi ấy đã biết thế nào là cảm giác phức tạp như xấu hổ rồi, nên tôi không muốn ngày ngày bị một con bé bám rịt lấy, dẫu cho tôi còn chưa phân biệt được con trai với con gái khác nhau chỗ nào.
Gia đình tôi rất đông người, là kiểu gia đình truyền thống điển hình của Trung Quốc, tôi có một đống cô dì chú bác cậu mợ thím dượng nhiều không đếm xuể, ông bà ngoại cũng còn khỏe mạnh nên thường hay tới nhà tôi chơi, thành thử bỗng dưng có một nhỏ em gái chẳng máu mủ ruột già ngày ngày đóng đô trong nhà như thế khiến tôi khó chịu cực kỳ. Nhưng nhỏ đó thì chẳng hề hay biết, nó tưởng tôi là anh nó thật nên cứ ba câu nó nói thì lại có một câu gọi anh Bằng Trình ơi.
Tóc con bé đó ngắn như con trai vậy, mặt nó trái xoan còn cái cằm thì nhòn nhọn, mẹ tôi bảo nó từ bé đã là người đẹp có độc nhưng tôi thì chẳng thấy như vậy. Tôi rất ghét cái sự hồn nhiên ngây thơ dính nhớp của nó, nó chẳng biết cái gì hết nên luôn khiến tôi lúng túng trước mặt người thân. Có một lần tôi nói thẳng trước mặt tất cả người nhà của mình cũng như bố mẹ nó, rằng sau này khi lớn lên tôi muốn xuất gia làm hòa thượng, cả đời không kết hôn. Con bé nghe thế thì bảo, vậy em muốn làm ni cô để đi theo anh Bằng Trình. Tôi bảo tôi sẽ trốn đến rừng sâu núi thẳm, con bé lại nói em sẽ đi trốn với anh. Tôi nói chó sói sẽ chạy ra ăn em, con bé bảo em không sợ chó sói, nếu có chó sói em sẽ bảo vệ anh Bằng Trình. Nó nói xong cả nhà đều cười.
Phòng ngủ nhà chúng tôi có một chiếc giường đất rất lớn, đến mùa hè mẹ tôi sẽ trải chiếu ra đó rồi hai đứa nhảy lên trên chơi trò gia đinh, giả vờ làm ba và mẹ, còn khâu một em bé bằng miếng vải con, mỗi lần như thế là lại chơi đến tối mịt mới thôi. Lúc bố mẹ đến đón con bé mà nó không muốn về là lại nằm ra giường giả vờ ngủ, bố con bé đành phải bọc nó lại rồi bế về nhà, tôi thì nằm bên cạnh rúc đầu vào gối trộm cười vui vẻ. Có một hôm hai bọn tôi ngồi ăn dưa hấu trên giường rồi nó làm bẩn lưng áo, mẹ tôi bảo để mẹ tôi giặt giúp cho, thế là nó cởi sạch quần áo, trần trùng trục chơi cùng với tôi. Tôi ngồi xổm bên cạnh mà xem, sau đó phun hạt dưa hấu trong miệng ra đầy giường, thì ra con trai với con gái khác nhau thật…
Tối đến tôi với nó ngồi hóng mát trên ghế con ngoài sân, bầu trời đêm ở thị trấn sáng cực, những vì sao lấp lánh như điểm xuyết cho mảnh trời màu đen. Con bé kia thì cứ ồn ào mãi, tôi ngồi cạnh thấy phiền quá bèn bảo nếu nó im lặng thì sẽ nghe thấy tiếng sao băng bay trên bầu trời. Con nhỏ yên lặng thật, và rồi như một kỳ tích, tối đó chúng tôi thực sự thấy được sao băng bay qua, còn nghe được cả tiếng vèo nhè nhẹ. Con bé vui sướng chạy đi khoe chuyện này với mẹ của nó, còn tôi thì ngồi đó há hốc mồm. Từ đó về sau mỗi lần hai đứa ngắm sao, nó đều rất im lặng.
Có một năm vào dịp nghỉ hè, cậu tôi phải đi làm đồng nên dẫn tôi theo ra ruộng lúa mạch, con bé cũng bám theo. Giữa biển vàng mênh mông con bé như kẻ điên chạy lăng xăng khắp nơi bắt cào cào cho tôi, nó cầm con cào cào bằng tay không rồi dí sát vào mặt tôi làm tôi sợ đến nỗi lùi về sau mấy bước liền. Tôi bèn nói với nó là chân cào cào ăn được, bạn của tôi đều thích ăn cái này. Thế là con bé vặn một cái chân cào cào bỏ vào miệng nó, rồi vặn một cái còn lại nhét vào miệng tôi.
Đến mùa thu hoạch, họ hàng người thân của tôi ai ai cũng bận mải, nên họ để bọn tôi ở sân xát thóc. Quê bọn tôi không có biển, thế là hai đứa dùng thóc trong sân làm thành bãi cát rồi lăn qua lăn lại trên đó, còn xây cả “lâu đài thóc“, nếu đói thì chọn đại một bông lúa nướng lên ăn. Có hôm chúng tôi định chơi trốn tìm, tôi để kệ nó trốn trong bụi cỏ đằng xa còn mình thì nằm trong sân thóc ngủ thiếp đi. Hôm đó nắng nhẹ gió mát, lúc tôi đang ngủ thì bị tiếng khóc của nó gọi dậy, mẹ con bé nghe thấy tiếng nó khóc thì cũng lật đật chạy đến lôi nó ra ngoài. Bấy giờ mới thấy hai chân của nó bu đầy kiến, tôi và mẹ nó vội suổi sạch chúng đi, lúc đấy tôi còn oán thầm trong lòng là có chút chuyện cỏn con mà nó cũng khóc to như vậy trước mặt mẹ nó, tự chui ra từ trước có phải hơn không. Nó vừa khóc vừa nói với mẹ nó rằng, anh Bằng Trình kêu con đứng trong này không được động, nên con đứng im nhưng mà chúng nó bò lên nhiều quá.
Mùa đông đến, chú tôi làm cho tôi một cái xe trượt tuyết, thế là tôi bắt con bé kéo tôi trượt khắp trấn nhỏ. Đương nhiên lúc nó mệt thì tôi cũng đổi chỗ để nó ngồi lên, sau đó thì cả hai chúng tôi đều mệt, nó hỏi tôi giờ phải làm sao đây, tôi bảo nếu có chó kéo thì tốt rồi. Nó nghe thế thì vui vẻ vỗ tay nói với tôi, à chó kéo xe, chó kéo xe trượt tuyết! Sau đó nó dắt ba con chó về thật, là ba con chó con bẩn thỉu, rồi nó kéo tay tôi chạy biến, chẳng biết đấy là chó nhà ai. Đúng vậy, chuyện như thế chỉ có nó mới làm được, tôi không dám.
Thật ra nhà hàng xóm hai bên trái phải nhà chúng tôi không phải chỉ có mỗi tôi với nó là con nít, chẳng qua là quan hệ không tốt như chúng tôi thôi. Nhà hàng xóm bên phải của tôi có con bé Z kém tôi một tuổi, tính con bé đó hướng nội nên cả hai chúng tôi đều không thích nó, đã thế còn hay nói xấu sau lưng Z với nhau, nói xong thì cả hai lại ha ha cười.
Có năm nọ con bé lên tiểu học, bố nó mua cho nó một chiếc xe đạp con, là loại có bánh xe phụ ở hai bên ấy, xe như thế thì nó chỉ mất mười phút là học đi được. Còn tôi thì sắp lên trung học cơ sở rồi mà chưa sờ qua cái xe đạp nào. Khi đó tôi thấy nhục lắm nên trộm mượn xe của nó chạy ra sân to tập đi, kết quả là vừa đạp hai đạp đã phi vào rãnh, một bên bánh phụ chịu không thấu nên đã hi sinh. Lúc trả xe đạp tôi bảo là tôi cho Z mượn đi thử rồi nó làm hỏng mất, xong tôi với nó lại chụm đầu vào nói xấu Z một thôi một hồi rồi ha ha cười với nhau. Sau thì may là con bé thông minh, chẳng cần bánh phụ cũng đạp được ngon nghẻ.
Chúng tôi cứ thế, cứ cùng nhau vượt qua những ngày tháng chẳng biết đã trôi về đâu như thế, từ hạ sang đông, thời gian lướt qua những ngọn cỏ dại những cái cây rừng, nhoáng một cái vụt mất. Lúc tôi tốt nghiệp tiểu học, ba tôi đổi công tác, nên tôi buộc phải chuyển khỏi cái trấn nhỏ nơi có cỏ mọc cao cao chim bay khắp trời để đến huyện thành nơi ngựa xe như nước, bắt đầu học trung học cơ sở. Sự ly biệt cứ luôn đến trong cái lơ đãng như thế, trước khi đi nhỏ tặng tôi một chiếc hộp nhạc, đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe được thứ âm thanh hay như khúc “Tặng cho Elise“. Còn về lời chia tay thì tôi đã sớm quên mất rồi, và cả chiếc hộp nhạc thì cũng đã vỡ nát vào mấy năm sau, khi ba tôi về nhà trong cơn chếnh choáng, lỡ tay gạt khỏi tủ kính khiến nó rơi xuống đất.
Tôi ở lầu bảy trong khu chung cư của cục nông nghiệp, trong khu có một cái sân to, mỗi khi tan học thì đám trẻ con lại tụ tập dưới đó chơi đùa, tôi quen biết thêm vài bạn mới ở đó, có nam có nữ, khi ấy tôi cũng chơi vui quên cả đất trời, từng bị người ta lột mất chiếc quần cộc, cũng từng bị búng vào khu tam giác vàng. Nhưng mỗi lần đến giờ cơm tối, sau khi về nhà và đóng lớp cửa chống trộm lại thì tôi luôn cảm thấy giữa bọn tôi có một tầng ngăn cách, nhưng chẳng thể nói rõ đó là thứ gì. Như thể chúng tôi chơi đùa với nhau giữa dòng suối chảy, tất cả cảm giác đều trôi tuột đi mất.
Sau đó nữa thì là câu chuyện trưởng thành. Khi lên trung học phổ thông, tôi một mình chuyển đến thành phố lớn hơn để đi học, rất nhiều những câu chuyện ấu thơ bị cuốn theo đám hormone rồi dần dần phai nhạt trong ký ức tôi. Tôi để ý đến những cô gái mặc váy hoa và áo thủy thủ hơn, quên đi mất cô bé mặc chiếc áo bẩn hết sau lưng và chiếc quần đùi đứng giữa vũng bùn trong trí nhớ.
Khi tôi gặp lại nhỏ là hè năm lớp mười lúc tôi về nhà mình trên huyện. Đó là một ngày hè nắng gắt, tôi đang đi lang thang, lúc đó cũng khá vắng trên đường chẳng có mấy người, tôi và nhỏ vừa thấy nhau đã nhận ra nhau, nơi cổng trường trung học của tôi ngày trước. Nhỏ vẫn để tóc ngắn, tay cầm chiếc cặp màu lam nhạt, mặc chiếc áo trắng và cái quần bò sạch sẽ gọn gàng. Đôi lông mi của nhỏ đẹp động lòng người, như thể tôi đã quay về cái lúc mẹ tôi nói nhỏ là người đẹp có độc kia. Đứng dưới ánh nắng gay gắt, chúng tôi chỉ hàn huyên vài câu đơn giản, cuộc nói chuyện ngày đó chẳng dài gì, nhỏ bận đi học thêm và trường cũ của tôi trở thành trường của nhỏ. Lúc đấy tôi ngạc nhiên lắm, trộm nghĩ thì ra nhỏ đã lên trung học rồi, trong trí nhớ của tôi thì nhỏ vẫn còn là con bé cả người toàn bùn nhưng cười đến là xán lạn kia mà. Trước khi tạm biệt, nhỏ có xin số điện thoại của tôi.
Hôm đó khi về nhà tôi có nói với mẹ rằng mình tình cờ gặp nhỏ trên đường, bảo nhỏ lớn lên rồi giờ giống cô bé xinh xắn nhà bên. Mẹ tôi cười rồi do dự đôi chút, sau đó bà kể với tôi về chuyện xảy ra giữa hai nhà. Đại khái thì ba mẹ tôi và bố mẹ nhỏ có một mâu thuẫn mãi mãi không thể hòa giải được, hai nhà chúng tôi sau này đến khi chết già cũng không qua lại với nhau nữa. Nghe mẹ kể xong tôi ngẫm lại lời bà thật kỹ rồi thì chẳng cảm thấy gì, dường như ấn tượng của tôi về bọn họ cũng chả lấy làm sâu sắc mấy. Vài ngày sau tôi lên thành phố rồi tiếp tục đi học.
Lại qua một thời gian dài, khi đó là một ngày sau lễ khai giảng lớp mười hai, đột nhiên tôi nhận được tin nhắn từ một số máy lạ. Nhỏ nói với tôi rằng, anh Bằng Trình đây là số điện thoại của mẹ em, sau này khi rảnh em sẽ nhắn tin cho anh, em gửi xong thì sẽ xóa luôn, nhưng anh đừng chủ động nhắn cho em nhé, được không anh?
Tôi cười, rồi trả lời tin nhắn của nhỏ. Từ đó về sau nhỏ thường dùng điện thoại của mẹ để nhắn tin cho tôi, lần nào câu cuối cũng là, anh Bằng Trình, em trả điện thoại lại cho mẹ đây, anh đừng trả lời nữa nhé. Có khi tôi cúp học ra ngoài chơi, nhỏ sẽ chờ tầm bốn mươi phút thấy tôi không trả lời thì bảo tôi không cần nhắn lại. Mỗi tuần nhỏ nhắn cho tôi một hai lần gì đấy, cũng có khi thì một hai tuần mới nhắn một lần. Chúng tôi chỉ chuyện trò vài chuyện vụn vặt trong sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu là mấy chuyện trường lớp của nhỏ, hoặc là mấy ký ức thời thơ bé mà tôi đã quên nhưng nhỏ vẫn còn nhớ như in. Điều khiến tôi bất ngờ là khi đó nhỏ còn bé như vậy mà lại nhớ được nhiều chuyện hơn cả tôi. Nhưng những chuyện liên quan tới bố mẹ nhỏ thì nhỏ chưa từng nhắc tới bao giờ.
Cứ thế, nhỏ lén lút nhắn tin cho tôi, rồi cũng thường hỏi tôi thành phố có to không? Lớp mười hai thế nào? Học lớp mười hai có vất vả không? Lúc đó tôi vừa chơi bóng xong, người ngợm đầy mồ hôi ngồi trong lớp, tôi trả lời rằng, rất mệt.
Nhỏ cũng nói với tôi về những tưởng tượng tốt đẹp của mình, nhỏ muốn thi đại học, muốn lên thành phố, nhỏ muốn ngắm nhìn biển cả muốn tóc của nhỏ mau mau dài ra, nhỏ nói với tôi, đúng rồi anh Bằng Trình này, em đang nuôi tóc đấy, tóc em đã dài hơn lần trước anh gặp em nhiều rồi, chờ khi nào nghỉ đông anh về chơi em mời anh đi ăn kem, đến lúc đó cho anh xem tóc em dài như thế nào.
Tôi nghĩ mà thấy buồn cười, tuổi này chúng tôi toàn mời nhau ăn cơm, mà nhỏ lại hẹn tôi đi ăn kem. Nhỏ cũng hỏi tôi, anh Bằng Trình còn hay bị sổ mũi như hồi nhỏ không, còn tháng nào cũng bị ốm một lần không? Tôi trả lời, dĩ nhiên là không! Sau đó tôi hỏi lại, tim của em thế nào rồi?
Tim con bé có chút vấn đề bẩm sinh, không phải tật gì lớn lắm nhưng bình thường vẫn phải uống thuốc, nhỏ nói với tôi là nhỏ vẫn uống thuốc đều đặn, khi nào đủ tuổi thì nhỏ muốn phẫu thuật, giờ không có vấn đề gì lớn, nhỏ có thể chạy có thể nhảy như thường.
Chúng tôi cứ nói mấy chuyện vụn vặt như vậy, tôi thì bị động duy trì liên lạc với nhỏ, thời gian đều là do nhỏ chọn. Dù loại cảm giác này không hay ho lắm nhưng vẫn y nguyên như khi còn bé, tôi không có biện pháp đối phó với con bé này. Khi nhỏ bặt tăm bặt tích hai tuần rồi áy náy xuất hiện trở lại, thì tôi chỉ có thể cười nhạt bảo không sao. Nhỏ luôn biết kiếm cớ, nào là bận thi cử, học thêm, ôn tập, rồi mẹ đi ra ngoài nên nhỏ không có điện thoại, nhỏ bảo mẹ nhỏ hứa khi nhỏ lên cấp ba thì sẽ mua cho nhỏ một cái di động. Mấy chuyện này thì đương nhiên là tôi tin, nhưng nhỏ lại sợ tôi không tin nhỏ. Có lẽ là dưới góc nhìn của nhỏ thì tôi quan tâm nhỏ cực kỳ. Nhưng thật ra thì có phải vậy đâu, tôi cũng có bận bịu riêng mình mà, tôi còn có cô gái mà mình thầm thích ở trên lớp nữa, tôi chỉ không nói cho nhỏ biết thôi, cái này là một câu chuyện khác.
Tôi kể về nhỏ với một người bạn tốt của mình, tên đó ghen tỵ với tôi lắm, cậu ta bảo là ấy thế mà tôi lại có một em gái thanh mai trúc mã lớn lên cùng nhau. Lúc đấy tôi còn muốn miêu tả chi tiết loại tình cảm này ra, thậm chí còn viết một cái nhật ký gì mà thanh mai trúc mã hai nhỏ vô tư này nọ. Nhưng mà cuộc sống chẳng biết khi nào lại vật đổi sao dời, đứa trẻ thực sự chìm đắm trong đấy, đâu ai hiểu được cái cảm giác của nó khi có thứ tình cảm chôn chặt nơi đáy lòng.
Quãng thời gian đó tôi đang xem một bộ phim hoạt hình tên là “Touch“, tôi thấy mình như Tatsuya Uesugi, còn con nhỏ là Minami Asakura, mặc dù tính cách bọn tôi chẳng giống vậy. Tôi nói với nhỏ kênh chiếu bộ phim này rồi bảo nhỏ, em đi xem nhanh lên, phim này giống chúng ta đó, với cả tên em giống tên nữ chính trong phim nữa. Nhưng TV nhà em không bắt được kênh đó, nhỏ sốt sắng gửi tin nhắn cho tôi, nhỏ không xem được nhưng nhỏ hỏi bạn học của nhỏ, người mà có xem bộ phim này, hỏi nhiều lắm. Nhỏ biết kịch bản của nhó như nào, nhỏ bảo nhỏ sẽ nhớ bộ phim này cho kỹ, khi nào tốt nghiệp trung học thì chắc chắn nhỏ sẽ xem. Sau đó bọn tôi chuyện trò về những bộ phim hoạt hình từng xem cùng nhau lúc nhỏ, nhỏ còn cười tôi đến cả “Tòa nhà Rubic“ cũng không dám xem.
Sắp đến năm mới, hình như là vào dịp thi cuối kỳ, nhỏ khá là bận nên số lần nhắn tin cũng ít lại, có lần hơn ba tuần không gửi tin nhắn nào. Cuộc trò chuyện lần trước dừng ở chỗ tôi nói nhỏ chuyện chiếc hộp nhạc nhỏ tặng tôi bị ba tôi sơ ý làm vỡ, câu cuối cùng mà tôi nói là tôi muốn tặng nhỏ ngôi sao băng mà hồi bé chúng tôi từng cùng nhau nhìn thấy, tôi muốn tặng nhỏ ngôi sao băng được đựng trong chiếc hộp nhạc có kèm theo điệu “Tặng cho Elise“. Nhưng có thể là câu cuối cùng mà tôi gửi này nhỏ không đọc được, tôi rất sợ cái tin nhắn đó bị mẹ nhỏ xem, nếu vậy thì đối với cả hai nhà đều không tốt.
Về sau đột nhiên có một hôm, mẹ gọi điện thoại cho tôi kể là, bởi vì chuyện thành tích nên nhỏ thấy tổn thương lòng tự trọng mới cãi nhau với mẹ vài câu, trong lúc giận dữ nhỏ đã uống rất nhiều thuốc trợ tim, và qua đời trên đường đi cấp cứu.
Đó là một ngày đông yên tĩnh.
Tôi thả điện thoại xuống, tâm trạng phức tạp vô cùng. Đấy là một loại cảm xúc không thể nào miêu tả được, là loại yên lặng quái dị không thể nói ra được. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, bầu trời vẫn xanh, mây trắng lững lờ. Tôi bình thản tiếp nhận sự thật này, đêm đó khi về ký túc xá tôi chỉ lặng im không nói gì, tôi nằm trên giường trong lớp màn ngăn cách, lẳng lặng nhìn danh bạ điện thoại.
Cho dù nhiều năm về sau, khi tôi đã trưởng thành, khi tôi đã đổi mấy đời bạn gái, và rất nhiều chiếc điện thoại, thì cái tên lưu trong trí nhớ ấy, cái dãy số mà tôi chưa từng nhận thêm một tin nhắn nào từ nó nữa ấy, vẫn luôn hiện hữu trong phần lưu giữ tin nhắn của tôi:
Giai Nam
.
.
.
Sau Tết năm đó tôi có về nhà, tôi lục lại album ảnh ngày xưa để tìm ảnh chụp chung của hai đứa. Thế nhưng chẳng ngờ tôi lại phát hiện ra trong album chỉ còn lại ảnh của mình tôi mà thôi, phần ảnh của nhỏ đã bị cắt đi mất rồi. Tôi hỏi mẹ nguyên nhân, mẹ trả lời là tránh xui xẻo. Chỉ hờ hững ba chữ, tránh xui xẻo. Sau đó tôi lại hỏi bà, mẹ cất đi đâu rồi? Mẹ tôi nói, đốt rồi.
Tôi nhìn mẹ tôi, lẳng lặng bình tĩnh, rồi quay về phòng mình và tiện tay đóng cửa lại. Trong phòng không bật đèn, tôi đứng tựa vào cửa sổ. Thế giới bên ngoài như một vũ trụ tĩnh mịch. Tôi nghe được từ trong đêm đen, tiếng nhạc phát ra trong tai nghe của chiếc mp3 ở nơi xa xa, vọng về một khúc nhạc thuần khiết đang lặp đi lặp lại.
Đêm nay bầu trời có một ngôi sao băng vụt qua.
________________
Zhihu Việt Nam

#Thanhmai_trúcmã
#Phuong_Hoang

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro