Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

72. CON MỘT LIỆU CÓ HÂM MỘ NHỮNG NGƯỜI CÓ ANH CHỊ EM HAY KHÔNG?

Người dịch: Cheng (lược dịch)

Link Zhihu: https://www.zhihu.com/question/36737243

[2547 trả lời] [3809 quan tâm] [3204639 lượt xem]

Mỗi lần trông thấy người khác có anh có chị, tôi đều cực kì hâm mộ, đã thế có người lại còn có nhiều anh chị em cơ QAQ
Bản thân tôi khá thích được người khác chăm sóc, nhưng thực ra có thêm một đứa em trai hay em gái tôi cũng sẵn sàng chấp nhận.
Tiếc thay tôi lại là con một, hơn nữa dù sao anh em họ cũng chẳng thể thân thiết được như ruột thịt, có ai đồng cảm với tôi không?

­____________________

[Giang Tế Thế] [+1519]

Đó giờ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc nhà nước triệt để thả lỏng chính sách một con sẽ khiến dân số gia tăng cả. Không phải là vì tôi cho rằng hiện tại mong muốn có con của mọi nhà đều đã giảm xuống như đa phần người dùng trên Zhihu vẫn nghĩ đâu, mà là vì trên thực tế trong suốt mười mấy năm qua, trừ những năm xét chặt nhất ra thì chỉ có ba loại gia đình thật sự nghiêm túc tuân theo chính sách này, đó là nhân viên chính phủ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Bởi vì đây là những nơi mà chính phủ có thể kiểm soát chặt chẽ nhất, chưa kể sinh vượt chỉ tiêu đồng nghĩa với việc hai vợ chồng sẽ đánh mất công ăn việc làm. Mà vào những năm đó, cái thời nhà nước vẫn còn thâu tóm tất cả ấy, những người dân sống trong thành phố mà đánh mất công việc của mình thì hậu quả không cần nói các bạn cũng hiểu ha.

Tôi sinh ra và lớn lên ở mỏ dầu, trường mẫu giáo, tiểu học, cấp hai, cấp ba của tôi đều ở đó cả, mãi đến tận khi lên đại học mới rời khỏi đó. Trước khi lên đại học, tôi vẫn luôn tưởng rằng cả nước đều nghiêm túc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bởi tất cả các bạn cùng trường tôi đều là con một. Đến lúc lên đại học tôi mới nhận ra, trong một lớp, số con một chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi. Tôi có ba người bạn cùng phòng, nhà bọn họ ít nhất phải có hai con trở lên, nhiều nhất có bạn còn có tận ba người chị gái.

Mỗi lần nhắc đến chính sách một con, rất nhiều người đều kêu rằng bọn họ phải đối mặt với áp lực phụng dưỡng cực kì lớn. Hai người con một đến với nhau đồng nghĩa với việc bọn họ phải gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng bốn cụ già, so ra thì nặng nề hơn những người có anh chị em nhiều. Nhưng rất nhiều người đã quên mất một điều rằng, cha mẹ của những đứa con một đa phần đều xuất thân từ nhân viên chính phủ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Bọn họ được hưởng mức lương hưu cực kì hậu hĩ, hoàn toàn không cần con cái phải gánh vác về mặt tài chính, ngược lại còn có thể trợ giúp nếu gia đình của thế hệ sau không khá giả. Mặt khác, những người mẹ trong gia đình một con luôn về hưu ở tuổi 50, mà lúc này bọn họ vẫn còn trẻ trung khỏe mạnh, có thể giúp đỡ con cái chăm sóc các cháu.

Ngược lại, những gia đình nhiều con năm ấy có thể lọt qua cơ chế nhà nước thì đa phần cha mẹ đều làm trong doanh nghiệp tư nhân hoặc là hộ nhà nông. Những người này sẽ không được đơn vị cấp tiền lương hưu, vậy nên họ mới là những cụ già cần nhờ vả vào con cái. Những gia đình như vậy mới thực sự phải đối mặt với áp lực phụng dưỡng nặng nề, bởi bọn họ không thể bảo đảm được cuộc sống về già sau khi mất đi năng lực lao động, chỉ có thể dựa vào các con mà thôi. Mà ở nước ta, phần lớn các gia đình như vậy thường có một trai một gái để ghép cho tròn chữ “tốt”(*). Cha mẹ sẽ dành hết của cải tích lũy cả đời cho đứa con trai, rồi đòi thêm một phần sính lễ của con gái, khi về già lại đến ở cùng quý tử nhà mình. Cụm từ “ô sin của em trai”(**) trên Zhihu khiến người nghe tái mặt cũng từ đây mà ra.

*Chữ “tốt” 好 trong tiếng Trung được ghép từ hai chữ “con trai” 子và “con gái” 女.
**Nguyên văn là “phù đệ ma”, “phù” trong “phù trợ” tức “giúp đỡ”, “đệ” là “em trai”, “ma” trong “ma quỷ”, ý chỉ những người chị gái trong các gia đình mang tư tưởng trọng nam khinh nữ luôn phải hy sinh bản thân vì em trai, không khác gì người mẹ thứ hai cả.

Vậy thì con một liệu có hâm mộ những người có anh chị em không? Đa phần là không, bởi nếu là con trai trong gia đình một con, từ nhỏ bọn họ đã được hưởng toàn bộ sự quan tâm của cha mẹ, sau này trưởng thành còn có thể nhận được sự giúp đỡ cực lớn từ phía gia đình, từ việc mua nhà cho đến chuyện nuôi con luôn. Còn nếu là con gái trong gia đình một con thì càng không thể nào, bởi bọn họ mới là những người được lợi nhiều nhất từ chính sách một con. Vì không có anh em trai nên bọn họ sẽ không bị kì thị, cha mẹ cũng sẽ không vì chăm sóc con trai mà lơ là bọn họ, càng không bắt họ phải giúp đỡ những người mang tên “gia đình anh em”. Nếu như trong nhà dư dả mà lại không có anh em trai, cha mẹ sẽ giúp con gái chăm sóc cháu trai cháu gái, sẽ mua nhà cho bọn họ trước khi kết hôn, sẽ giúp bọn họ nắm được quyền lên tiếng trong gia đình tương lai. Đây đều là những ưu thế cực lớn của con gái trong gia đình một con. Tôi vẫn luôn cho rằng, Trung Quốc phải triệt để thi hành chính sách một con thì mới có thể thật sự đạt đến bình đẳng nam nữ. Trong xã hội ngày nay, những gia đình có thể mua nhà cho con gái trước khi kết hôn đa phần đều là gia đình một con.

Có một vấn đề vẫn luôn được thảo luận trên Zhihu, đó là tại sao cha mẹ lại trọng nam khinh nữ, để con trai kế thừa toàn bộ gia sản. Tôi xin được giải đáp một cách rõ ràng rằng, có lẽ có một số người cũng giống như tôi, không hề trọng nam khinh nữ, mà chỉ đơn giản là sống thực tế hơn thôi. Bởi về cơ bản, nếu con trai không có nhà riêng thì không thể nào cưới được vợ, còn nếu con gái có nhà riêng thì cũng chỉ là một điểm cộng mà thôi. Vậy nên nếu sau này tôi có hai đứa con, chắc chắn tôi vẫn sẽ để con trai kế thừa phần lớn tài sản. Nhưng thực ra thì sau này tôi cũng chỉ chuẩn bị sinh một đứa thôi, mà tốt nhất là con gái ấy.

Hơn nữa về mặt hôn nhân, những người con một tất nhiên cũng sẽ thích đến với nhau. Bởi đây không phải việc gia tăng áp lực phụng dưỡng như mọi người vẫn nghĩ, mà là sự kết hợp giữa những kẻ mạnh. Trong tương lai có thể thấy trước được câu chuyện “sáu cái ví tiền” nuôi một đứa trẻ con. Mà trong những gia đình như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ xuất hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Vậy mới nói, con một khó mà hâm mộ những người có anh chị em lắm.

----------

[Cây Gì Đó] [+2155]

Thật lòng mà nói, thân là con một, nếu không phải bạn cứ gặng hỏi tôi thì tôi hoàn toàn chưa từng nghĩ đến chuyện có hâm mộ những người có anh chị em hay không.

Nếu không phải mỗi ngày trên mạng đều lải nhải chuyện có phải con một không, nên sinh đứa thứ hai không, rồi thì tỉ lệ sinh đẻ các thứ.

Nếu không phải từ 10 năm trước người ta đã bắt đầu chửi con một chúng tôi ích kỉ ra sao, không hiểu thế nào là tình thân, không hiểu huyết thống vĩ đại nhường nào blah blah các kiểu.

Thì những người có anh chị em đối với tôi mà nói cũng chỉ như không khí thôi, tôi hoàn toàn không quan tâm cuộc sống của bọn họ ra sao, cô đơn hay náo nhiệt, anh chị em rốt cuộc là yêu thương nhau hay đánh nhau vỡ đầu, cha mẹ có trọng nam khinh nữ hay không, liệu có phải cứ có nhiều anh chị em mới trấn áp được cái ác bên trong con người, mới không ích kỉ chỉ biết đến mình, mới có thể cảm động Trung Quốc hay không.

Tôi không nhìn thấy cũng không muốn nhìn thầy, không tò mò, càng không muốn tìm hiểu bọn họ. Đến cả việc tìm đối tượng tôi cũng chưa từng nghĩ đến những người có anh chị em, đối với tôi bọn họ là những người sống trong một thế giới khác, càng khỏi phải bàn đến chuyện thương họ hay hâm hộ họ, hiểu không?

Bởi vì tôi là chính tôi, sống cuộc đời của riêng tôi, còn người ta cũng chỉ là người ta mà thôi. Tôi hoàn toàn không hiểu, cuộc sống của người khác có liên quan gì đến tôi, sao tôi phải tò mò, càng chẳng có gì đáng để ngưỡng mộ cả.

Đừng nói là những người có anh chị em, đến cả những boss lớn như Trương Tử Lâm, Vương Tư Thông, Đồ U U, tôi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện có hâm mộ họ hay không.

Bọn họ không thể chia một nửa nhan sắc, một nửa tài sản, một nửa trí tuệ cho tôi, càng không thể nào cho tôi một chức quan làm sương sương được.

Hâm mộ bọn họ chẳng bằng để ý xem làm thế nào mới có thể hoàn thành tốt công việc được giao/nhà cửa nên dọn dẹp kiểu gì/bao giờ thịt lợn mới giảm giá.

Nhưng nếu như bạn cứ gặng hỏi tôi, vậy thì phải xem quan hệ thế nào rồi.

Cũng giống như con của bạn tôi, có xấu thế nào đi chăng nữa tôi cũng phải cắn răng khen nó đáng yêu, có khí chất.

Nếu bạn bè bảo tôi: "Anh/chị/em tao tốt với tao thế này thế nọ thế lọ thế chai, mày hâm mộ tao lắm đúng không?"

Thì mặc dù trong thâm tâm tôi đang chửi chết mịa nó: “Cái gì cơ? Tao hâm mộ cái gì cơ? Sao tao phải hâm mộ mày?”

Nhưng ngoài mặt chắc chắn tôi vẫn sẽ gật đầu đáp: “Ừ ừ, tao hâm mộ mày chết đi được á, anh/chị/em mày tốt ghê!”

Nếu cấp trên hỏi tôi câu này, thì không chỉ phải trả lời là hâm mộ, mà còn phải tự hạ thấp bản thân thêm nữa.

“Chứ còn gì nữa, anh X/chị X, em đâu có được may mắn như anh/chị, tình cảm gia đình tốt như thế lại còn giúp đỡ lẫn nhau, hơn nhà em biết bao nhiều lần!”

Nhưng ngoài đời được người khác khách sáo khen vài câu quen rồi, đừng tưởng rằng trên mạng người ta cũng sẽ chiều theo bạn. Hoặc có khi là do chính bạn hâm mộ nên mới cho rằng người khác cũng hâm mộ, bản thân mình cô đơn nên mới cảm thấy người khác cũng cô đơn.

Bạn đăng tấm hình một đứa trẻ mũi dãi lòng thòng lên, chắc chắn sẽ có người thấy xấu thấy bẩn, lát sau bạn lại khóc lóc tỉ tê kêu rằng “Nó chỉ là một đứa trẻ con, sao mấy người lại độc mồm độc miệng thế?”

Tự mình giữ lấy mà ngắm, đừng đăng lên những chỗ công cộng nữa chẳng phải là được rồi sao?

Chuyện này cũng tương tự, bạn hỏi người khác có hâm mộ hay không thì chắc chắn sẽ bị người ta phỉ nhổ.

Có anh chị em thì sao? Ngon lắm à? Có ăn được không? Sao tôi lại phải hâm mộ?

Chưa kể bây giờ lắm người cứ lải nhải dăm ba chuyện pháp luật, năm ấy chính sách con một mới là nền tảng quốc sách nhé. Chúng tôi không sinh vượt chỉ tiêu, không phạm pháp, tuân theo quy định nhà nước, là công dân tuân thủ pháp luật có công ăn việc làm đàng hoàng, tại sao lại phải hâm mộ những kẻ vi phạm pháp luật trốn chui trốn nhủi, nên bị trừng trị tận gốc? Nghe thế có hợp lí không?

Thế mà không hâm mộ cũng không được, chúng tôi mà không hâm mộ thì sẽ chứng thực cho “căn bệnh con một” trong mồm một số người, sẽ khiến người ta đau lòng đến mức tưởng chừng như 5000 năm văn hiến Trung Hoa sắp đi đến hồi kết vậy.

Đỉnh Everest không cần phải đạp lên người khác cũng đã đủ cao rồi. Chỉ có những người không đủ cao mới cứ phải đi so kè với người khác để chứng minh là mình không lùn.

Rốt cuộc bạn phải yếu ớt, tự ti đến nhường nào mới cần phải tìm cảm giác tồn tại trong sự ngưỡng mộ của người khác?

Vẫn là câu nói đó, tôi hoàn toàn không quan tâm bạn có ghen tị hay không, cũng hoàn toàn không tò mò, vậy nên chẳng có gì để mà hâm mộ hay không ở đây cả. Dù sao thì hiện tại tôi vẫn sống rất tốt, không có ý định trở thành người khác. Sau này trách nhiệm phụng dưỡng nặng nề gì gì đó, tôi sẽ tự giác gánh vác, thật sự không cần người khác phải lo hộ đâu.

Mỗi người tự sống tốt cuộc đời mình là được.

Ai thích hâm mộ thì cứ hâm mộ đi.

Nếu thật sự có những người cứ nhất định bắt người khác phải hâm mộ mình thì mới vui lòng, nếu không sẽ đau đớn than rằng “người nay chẳng bằng người xưa”, vậy thì đó là chướng ngại tâm lí đấy, phải đi chữa đi.

Cuối cùng, tôi là một trong đứa con một đầu tiên thuộc thế hệ 8x.

Đừng lúc nào bất đồng quan điểm cũng quy chụp cái tội danh “ích kỉ, thiếu trưởng thành” lên đầu thế hệ 9x, 10x, bắt nạt trẻ con thì có gì giỏi giang?

----------

[Vọng Minh] [+2185]

Đáp án quả nhiên là đúng như dự đoán của tôi, chẳng ai hâm mộ cả.

Ngoại trừ một số ít những người có quan điểm khác biệt ra thì mọi người đều phải thừa nhận rằng:

Nếu bạn là con một, thì bạn sẽ là người được lợi.

Còn nếu bạn có nhiều anh chị em, thì cha mẹ bạn mới là người được lợi.

Trong số những gia đình nhiều con mà tôi từng gặp, chuyện "thương cho roi cho vọt" diễn ra thường xuyên như cơm bữa, là một hiện tượng vô cùng phổ biến.

Con cái cũng giống như những đồ vật khác, càng nhiều thì càng mất giá.

So với con cái, cha mẹ càng có thể cảm nhận sâu sắc được sự khác biệt giữa gia đình một con và gia đình nhiều con.

Nếu chỉ sinh một đứa thì cha mẹ sẽ không có sự lựa chọn nào khác để đầu tư cả.

Dưới sự ép buộc của chính sách một con, những đứa con một sẽ trở thành nguyên nhân làm lũng đoạn sự đầu tư của phụ huynh dành cho con cái.

Nhưng nếu sinh nhiều đứa thì cha mẹ chắc chắn sẽ có thêm lựa chọn để đầu tư và thiên vị.

Đứng từ góc độ của phụ huynh mà nói, nếu lựa chọn đầu tư vào đứa trẻ có tương lai hơn thì sau này sẽ nhận được nhiều sự báo đáp hơn, còn nếu lựa chọn đầu tư vào đứa trẻ mình yêu thương hơn thì sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn.

Tiếp đến, phụ huynh có thể biến đứa con giỏi giang hơn thành công cụ kích thích anh em của nó, không cần đầu tư gì thêm mà vẫn có thể cổ vũ những đứa con khác.

Mặc dù đây có thể không phải là loại cổ vũ mà bọn trẻ mong muốn, nhưng đối với cha mẹ thì đây lại là bản năng mà họ không thể kiềm chế được.

Không cần phải nhấn mạnh thêm, trong một gia đình, năng lực và thu nhập của phụ huynh sẽ không có nhiều sự thay đổi đâu.

Dành toàn bộ sự đầu tư cho một đứa trẻ hay nhiều đứa trẻ đều sẽ đem lại khác biệt rất lớn cho cha mẹ và con cái.

Nếu đứa trẻ giỏi giang mà lại là con một thì nó sẽ có thu nhập cao hơn, khiến bản thân ngày càng phát triển hơn.

Còn nếu đứa trẻ kém cỏi thì thân là con một, nó sẽ được hưởng nhiều tài sản hơn, sống cuộc sống sung túc hơn.

Tất nhiên, đối với phụ huynh mà nói, bỏ một khoản đầu tư nhất định để đổi lấy thêm một đứa con thì sau này sẽ có thêm một người đền đáp công ơn, tỷ lệ lợi nhuận cũng sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong chính sách một con thì những đứa con một là người được hưởng lợi nhiều nhất, mặc dù chúng cũng sẽ bị kỳ vọng và yêu cầu cao hơn. Nhưng đồng thời chúng cũng không nhất thiết phải đạt đến những yêu cầu đó, vì dù sao con cái không thể lựa chọn cha mẹ, và phụ huynh cũng không thể trả lại đứa con duy nhất được.

Vậy nên đáp án của câu hỏi này rất rõ ràng.

Nếu chủ thớt muốn biết thêm những ưu điểm của việc không phải là con một thì bạn nên hỏi xem phụ huynh có hâm mộ những người có anh chị em hay không.

Nếu bạn có thể tìm ra những người đồng ý trả lời, vậy thì bạn sẽ được chứng kiến những cụ già mất đi đứa con duy nhất, những người cao tuổi neo đơn và những ông lão, bà lão bình thường hối hận vì sao năm ấy không sinh thêm đứa nữa.

____________________

Bản dịch thuộc về Do Quynh Trang Nguyen – Zhihu Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro