Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

20. Liệu " Vườn sao băng " thật sự có ngoài đời thực?


(Tên gốc: “Phú nhị đại”* liệu có để mắt đến con gái nhà nghèo không? Những người muốn gả vào gia đình giới thượng lưu cuối cùng nhận ra điều gì?)
Người dịch: Trang Hoàng (có lược dịch)
[+1684 trả lời] [+11461 quan tâm] [+17117251 lượt xem]
Link: https://www.zhihu.com/question/307758373/answer/568980000
*"Phú nhị đại" hay còn gọi là “thế hệ siêu giàu thứ hai”, cụm từ này dùng để chỉ tầng lớp các cậu ấm cô chiêu được sống cuộc sống xa hoa từ trong trứng nước, hầu như họ đều là con của những chủ tập đoàn, công ty lớn hoặc con của các quan chức chính phủ cấp cao.
----------------------
[Mèo ban đầu là gấu] [+46108 likes] (Thạc sĩ về Khoa học dữ liệu ở Đại học Monash có tick xanh của Zhihu)
Tôi là một du học sinh. Thế nên, những người trong vòng  bạn bè của tôi dù không phải “phú nhị đại” (tài sản gia đình khoảng 10 triệu (32 795 236 730 VND) trở lên)thì cũng là những “tiểu phú” thuộc tầng lớp thượng lưu hay bét nhất cũng phải là trung lưu. Nhưng tôi nghĩ rằng, đối với đại bộ phận bạn đọc Zhihu mà nói, mấy người như vậy cũng được xem là siêu giàu có rồi.
Tài sản gia đình bình quân của mỗi Zhihu-er sẽ dao động trong khoảng 500 nghìn (163 9761 836 VND) đến 3 triệu (9 838 571 019 VND). Còn đối với mỗi gia đình “tiểu phú”, trong nhà ít nhiều cũng phải có 7 – 8 triệu (22 956 665 711 – 26 236 189 384 VND). Một số người cho rằng như vậy cũng không tính là giàu có gì cả. Nhiều người còn hay nói: “Bây giờ 1 tháng ai cũng phải kiếm được ít là 10 nghìn (32 795 236 VND).”
Thế nhưng, sự thật không phải như vậy. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường chắc hẳn cũng biết rằng, ngày nay một tháng kiếm được 10 nghìn tệ khó khăn như thế nào. Đương nhiên, nếu các bạn tốt nghiệp từ Thanh Hoa, Bắc Đại hay Phúc Đán thì không nói làm gì, mà nếu đã đặt chân được vào những trường này thì có lẽ các bạn cũng chẳng có thời gian lướt Zhihu đâu.

1. Bạn sẽ chẳng có cơ hội gặp mặt huống chi là làm quen kết giao với những “phú nhị đại”.
Thông thường mà nói, khi học cấp 2 hay cấp 3, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để làm quen với tầng lớp này hơn là khi lên đại học.
Vì sao ư?
Thứ nhất, ở môi trường đại học, mối quan hệ xã hội sẽ trở nên “lỏng lẻo” hơn. Tôi có một người bạn cũng coi như thân thiết. Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp tôi mới biết rằng nhà cô ấy làm chủ cả một nhà máy. Tuy rằng cũng chẳng phải giới thượng lưu cao quý gì nhưng 10 triệu đối với nhà cô ấy chắc chắn chẳng phải chuyện gì to tát cả.
Thứ hai, bản thân đại học cũng chính là một môi trường đã qua sàng lọc. Nhà nghèo thì khó sinh quý tử. Con nhà trung lưu hay thượng lưu người ta cũng đi du học cả rồi, thế nên ở những trường bình thường trong nước, tỉ lệ mà bạn gặp được các “phú nhị đại” vô cùng thấp. Đó là lý do mà khi biết nhà cô bạn kia mở một nhà máy, tôi đã vô cùng bất ngờ. Tôi nghĩ: Mình cũng có thể học cùng 1 trường đại học với người giàu như vậy ư?
(Để tránh mọi người hiểu lầm, tôi muốn giải thích một chút: tôi thuộc diện sinh viên trao đổi, tức là 2 năm đầu học ở trường Đại học rồi 2 năm sau theo học một trường tại Úc. Vì thế nên tôi đã có trải nghiệm từ cả 2 môi trường.)
Thế nên bạn cần hiểu rõ: Tại sao những người kia được gọi là “phú nhị đại” còn tất cả chúng ta chỉ là tầng lớp “thường dân”? Chính là bởi vì không cùng đẳng cấp nên sự tiếp xúc qua lại đã là một chuyện khó xảy ra rồi.
Bình thường, việc quen biết, thậm chí là nảy sinh quan hệ mờ ám yêu đương với “phú nhị đại” hầu như chỉ xảy ra khi chúng ta học cấp 2, cấp 3. Bỗng một ngày bạn phát hiện crush của bạn năm đó thật ra là một quý tử con nhà giàu có? Điều này có khả năng xảy ra, dĩ nhiên không nhiều. Và khả năng hai người đi đến được hôn nhân cũng chỉ có  nhiêu đó mà thôi.
Một cuộc nghiên cứu khoa học của Mĩ đã chỉ ra rằng: Những người không cùng một tầng lớp trong xã hội mà thành đôi kết hôn, nguyên nhân phổ biến là họ học cùng cấp 3.

2. Người thật thà thì lại quá thành thật còn trai “hư” thì thật sự rất “hư”. Cái này chuẩn không trượt phát nào!
Tôi hay nói với bạn bè một nghịch lý:
“Bạn có muốn gả cho một chàng trai trẻ vừa đẹp trai vừa giàu có không?”
Okay!
Một chàng trai không ăn chơi đua đòi, không biết ăn vận mà vẫn có thể đẹp trai, liệu có phải từ năm 18 tuổi anh ấy đã được rất nhiều người theo đuổi không? Ngoại hình tôi thuộc cái loại “thất bại của tạo hóa” mà hồi cấp 3 cũng có một vài bạn nữ theo đuổi nói chi mấy anh chàng đẹp trai sáng sủa rạng ngời. Trai đẹp nhà nghèo thì cũng có sức hút mà.
Vậy nếu như người ta 20 tuổi đã định hôn với một cô bạn gái ưu tú hoặc là gia đình đôi bên đã gặp gỡ thì sao?
Điều này không phải rất bình thường ư? Dù gì thì người  ta cũng là kiểu vừa ưu tú lại chung tình, vừa trọng tình trọng nghĩa lại vừa có tri thức.
Vậy thì sau này đến khi bạn gặp anh ấy ở một nơi nào đó (đại học, công ti,...) sẽ phát hiện người ta đã có hôn ước, thậm chí là đã kết hôn. Bạn với người ta ngay cả cái gọi là “cơ hội” cũng chẳng có (bởi những người như anh ta sẽ không đi chệch khỏi đường ray đã được định trước đâu.)
Tiếp tục nghĩ một hướng khác: Giả dụ như có một anh chàng “phú nhị đại” ưu tú, 25 tuổi rồi mà vẫn chưa kết hôn thì sao? Đầu tiên thì, anh ta chẳng thiếu gì đối tượng: Gia đình giới thiệu, các mối quan hệ xã hội và cả những người chủ động theo đuổi, vân vân mây mây đâu đâu cũng có. Thêm vào đó, yêu cầu của anh ta chắc chắn sẽ rất cao (học vị, ngoại hình, tính cách,...).
Thế mới nói, những quý tử nhà giàu tài giỏi xuất sắc lại không ăn chơi vô cùng hiếm có khó tìm. Anh ta giống như một chiếc huy chương cao quý mà cả ngàn, cả vạn người đang tranh nhau giành lấy. Những đối tượng này càng ngày càng ít, thậm chí là giảm theo cấp số chia.
Xét cho cùng, việc tích lũy của cải thật sự không dễ dàng gì, mấy triệu thôi cũng là cả một vấn đề (nghĩ mà xem: giả sử mỗi tháng bạn kiếm được 30 nghìn, 1 năm cũng chỉ được tầm trên dưới 300 nghìn nếu bạn không ăn tiêu gì nhiều trong khi người ta một năm có thể dễ dàng kiếm được 3 triệu, bằng những 10 năm bạn cày cuốc sấp mặt lợn rồi).
Thế nên, một chàng trai nghèo xuất thân từ chốn thôn quê mà thành tài được ở cái chốn đô thị phồn hoa đất chật người đông, làm công ăn lương 1 tháng kiếm được 30 nghìn (30 nghìn là những người thật sự giỏi ấy) thì cũng phải làm cật lực 10 năm mới bì kịp những đứa trẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng thìa bạc kia.
Vậy, nếu như bạn vừa tốt nghiệp hoặc đang đi làm, thật tiếc phải nói với bạn rằng, tỉ lệ bạn gặp được “phú nhị đại” gần như là con số 0, trừ khi bạn trời sinh đã đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, có sức quyến rũ cộng thêm một học bạ chẳng thể hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, phần đông những “phú nhị đại” mà bạn gặp vào giai đoạn này của cuộc đời lại là những “playboy” hư hỏng.
Bạn đã từng nghĩ: Tại sao những chàng trai “ngậm thìa vàng” kia giỏi giang, xuất sắc lại có điều kiện gia đình hoàn hảo như vậy đến tuổi đó mà vẫn chưa kết hôn? Bố mẹ của họ chắc hẳn cũng rất nóng lòng mong con cái mình sớm yên bề gia thất, những gia đình, họ tộc lớn thì càng quan trọng điều này. Liêu bọn họ có giống “dân thường” chúng ta, đợi kiếm đủ tiền mua nhà mua xe rồi mới lấy vợ không?
Dĩ nhiên là không rồi!
Đáp án rất đơn giản: Họ vẫn muốn chơi bời, không muốn bị cái xiềng xích “hôn nhân” trói buộc khỏi những thú vui cuộc đời.
Và có một điều trớ trêu rằng, nếu bạn thật sự là một cô gái “sắc nước hương trời” thì những người theo đuổi bạn phần lớn sẽ là những “phú nhị đại” ăn chơi, bởi mấy chàng trai giàu có mà chân thành thật thà thì làm gì biết “tán gái” hahaha.
Trong một mối quan hệ trai gái, người phụ nữ sau này sẽ mang thai, phải trải qua 9 tháng 10 ngày đầy vất vả và thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, người đàn ông chẳng hề mất mát gì cả. Thế mới nói gái đẹp thì phải kén cá chọn canh, trai đẹp thì cô nào cũng ôm tất.
Để dễ hiểu hơn thì lấy 1 ví dụ nhé, tôi là một anh chàng bên ngoài đẹp trai bên trong nhiều tiền, và tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều cô gái âm thầm thích mình. Và rồi khi lên cấp 3, tôi nhận ra chỉ cần nói vài lời đường mật thì sẽ có hàng loạt các cô em “sa bẫy”. Tôi có người bạn gái đầu tiên, rồi chúng tôi chia tay. Dùng cách tương tự, tôi lại có bạn gái, và rồi lại chia tay. Nhiều lần như vậy, tôi cảm thấy việc thay bạn gái như thay áo khá là bình thường. Điều này thật sự tàn nhẫn. Rồi tôi còn tán tỉnh mấy cô em trên mạng, tỉ lệ thành công cũng tương đối cao (khoảng 80%). Tôi cũng dễ dàng ngủ với bọn họ một đêm rồi coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Cùng lắm thì yêu đương 1 năm rồi “đá”. Chẳng phải còn rất nhiều cô gái tốt vẫn đang chờ tôi sao? Tôi chỉ đang trong hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực của cuộc đời mình thôi mà.

3. “Phú nhị đại" không phải người giàu có, người thật sự giàu có là cha mẹ họ. Đồng thời, họ cũng chẳng phải là những kẻ ngốc.
Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng bạn chẳng có gì cả mà lại nhận được tình cảm hay sự chú ý từ người khác. Cuộc đời chẳng giống như phim Hàn Xẻng đâu.
Tình yêu vốn dĩ là một thương trường. Và vì thế nên chúng ta cứ theo luật kinh tế thị trường mà tính. Những gia đình có khối tài sản khoảng 10 triệu ở Trung Quốc rất ít,   thậm chí 5 triệu cũng chẳng nhiều, thế nên “phú nhị đại” là những món hàng được người người săn lùng. Bạn đừng có bảo rằng bạn có mấy người bạn ở Bắc Thượng Quảng* sở hữu 2 - 3 ngôi nhà, rồi là 10 triệu đối với người ta chẳng khó khăn gì bla bla. Nhưng không phải là cả thế giới đều như vậy đâu, tôi cũng đã làm một phép toán đơn giản bên trên rồi đó.
*Bắc Thượng Quảng: Là chữ cái đầu trong tên của 3 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Bắc Thượng Quảng là một cụm từ phổ biến trên mạng, dùng để chỉ 3 nơi có nền kinh tế phát triển nhất Trung Quốc.
Tương tự, những cô gái “sắc nước hương trời” thì sao?
Thật ra việc đẹp hay không đẹp đều do ý kiến chủ quan của mỗi người. Cũng giống như việc chúng ta định nghĩa “phú nhị đại” vậy, nếu để định nghĩa này ở mức 5 triệu thì cũng có tương đối nhiều đó, thế nhưng chỉ cần nâng lên 10 triệu thôi thì số lượng đã giảm đi đáng kể rồi.
Nếu bạn cho rằng mình thuộc cái kiểu chỉ cần trang điểm hay phẫu thuật thẩm mĩ đã có thể được 7/10 điểm rồi thì cái gọi là “sắc nước hương trời” ở Trung Quốc cũng coi là nhiều đi. Song nếu bạn là cái kiểu mặc bừa một bộ đồng phục cũng có thể thành nữ thần thì những cô gái như bạn quả thật là “khan hiếm”. Và dĩ nhiên bạn CÓ KHẢ NĂNG được gả vào những nhà giàu có, quyền quý, bởi kiểu người như người ta cũng “khan hiếm” như bạn.
Giải thích một chút về “khan hiếm”. Đó là khi cầu thì nhiều, cung thì ít. Nói cách khác dễ hiểu hơn: nhu cầu về “loại mặt hàng người” này nhiều, nhưng số người đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì lại ít. Thế nên, cái gọi là “nồi nào úp vung đấy” chính là “khan hiếm” chỉ đi với “khan hiếm” mà thôi.
Vì vậy, mọi người đều cần phải học được cách tự lượng sức mình, nếu không mọi cố gắng cũng sẽ vô nghĩa giống như việc chơi piano trên lưng một con bò hay xây một lâu đài nguy nga tráng lệ trên không trung vậy.
Tôi cũng không phải loại quá giàu có gì, thế nhưng khi tìm đối tượng, tôi cũng đặt ra những tiêu chí nhất định. Ít nhất thì cũng phải có trình độ học vấn ổn + ngoại hình trung bình + không béo + gia đình thuộc tầng lớp trung lưu (bố mẹ làm ăn kinh doanh nhỏ hoặc là công nhân viên chức). Thế nên, về cơ bản thì tôi chỉ tìm trong số đám bạn bè đi du học. Đương nhiên nếu tìm không được đối tượng ưng ý thì cũng đành đi xem mắt thôi. Điều này cũng chẳng có gì lạ cả, dù sao thì cũng coi như có thêm hiểu biết về điều kiện của đối phương.
Ở cái thời buổi mà trai thì sợ bị cắm sừng gái thì sợ yêu phải badboy này, ai cũng chẳng phải dạng vừa. Không tìm hiểu xem “background” của bạn “dư lào” ai biết bạn trước đây có lịch sử tình trường huy hoàng ra sao.
Đối với những gia đình giàu có, họ càng đặt nặng “môn đăng hộ đối”. Bạn nghèo không vấn đề gì nếu như bạn có tấm bằng tốt nghiệp Bắc Đại. Bố mẹ của “phú nhị đại” thường can thiệp rất nhiều vào chuyện hôn nhân của con cái, dù sao người càng có tiền thì càng đắt giá. Người ta lấy vợ cho con đồng thời cũng là tìm người để sinh cháu kế nghiệp gia đình, làm sao có thể tùy tiện được.

4. (bổ sung) Thế giới rất rộng lớn, ngay cả khi có hàng triệu người bình thường giống như bạn, bạn cũng không nhất định là dạng tầm thường.
Nhiều người nghĩ rằng, từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có khoảng 10 người theo đuổi, vậy có tôi phải rất “hot” không?
Đúng, nhưng cũng không hẳn là đúng. Chính xác thì bạn phải có một cái khung tham chiếu. Ví dụ nhé, hồi đi học tôi cũng là một "nhân vật" có tiếng tăm của thành phố. Cấp 2 thì luôn luôn đứng đầu lớp, cấp 3 thì chẳng bao giờ out khỏi top 5. Có phải tôi sẽ nghĩ mình hẳn là một người đặc biệt? Dĩ nhiên, một phần nào đó trong tôi sẽ có suy nghĩ đó.
Nhưng đến lúc thi đại học lại chẳng đỗ vào một trường top nào cả. Tại sao ư?
Bởi vì tôi tự nghĩ bản thân mình tài giỏi, học hành có tiếng trong thành phố thì còn sợ gì. Thế nhưng, đại học không chỉ là kì thi của những người trong thành phố mà là của học sinh cả tỉnh, mà tỉnh tôi là tỉnh Sơn Đông. Đương nhiên, giữa thành phố và tỉnh có sự khác biệt lớn, thế nên thành tích của tôi so với những người trong tỉnh … ừm ... không nói thì các bạn cũng biết rồi đấy.
Thế nên, những người quá tự tin thì chỉ như ếch ngồi đáy giếng. Bạn ở thành phố nhỏ của bạn thì có thể là một ông quan tai to mặt lớn đấy, nhưng khi đến Bắc Kinh thì bạn cũng chỉ là một con tôm nhỏ bé không hơn không kém mà thôi.
Có một câu chuyện như này:
Bạn cấp 3 của tôi là một du học sinh Mĩ, được bạn học cũ mời đến nhà ở Thượng Hải dùng bữa. “Thường dân” như chúng ta nhất định sẽ nghĩ là mẹ người bạn đó sẽ tự tay làm cơm đãi khách, hoặc là nếu điều kiện dư dả thì sẽ gọi cao lương mĩ vị ở ngoài về, đúng không?
Nhưng sự thật là: trong nhà có đến 4 người bảo mẫu, 1 người thì chăm sóc cậu con trai còn nhỏ, 3 người còn lại thì làm cơm, mà lại còn làm cơm theo ba phong cách khác nhau nữa.
Nói chung, bạn căn bản chẳng hiểu nhà giàu người ta sống như thế nào thì làm sao nghĩ tới việc kết giao qua lại hay thậm chí là yêu đương này nọ với người ta.
Ngược lại, cũng có nhiều lúc chúng ta rất tự ti, rất mặc cảm, cảm thấy bản thân chẳng có chỗ nào tốt cả. Nhìn bạn học Trương ngày càng thăng quan tiến chức, thấy bạn học Lý học lên Thạc sĩ, lại nghe nói có anh bạn tiến sĩ nào đó tiền đồ xán lạn hay bạn học cũ tự kinh doanh làm ăn khá phát đạt, nhìn lại bản thân mình quả thật là thứ vô dụng, kém cỏi.
Thật ra, mọi thứ không hoàn toàn như bạn nghĩ đâu. Sau khi du học về nước, rảnh rỗi không có việc gì làm nên tôi đã đi du lịch đó đây. Ngắm nhìn đoàn người ở ga tàu, tôi phát hiện ra rằng:
Dù tôi có không cao không đẹp trai thì tôi cũng khó có thể tìm được ở xung quanh một người cao hơn tôi, mặt mũi sáng sủa hơn tôi. Đương nhiên, phụ nữ cũng vậy, phần lớn mọi người đều không quá cao, không quá xinh đẹp và dáng cũng chẳng phải loại chuẩn gì.
Dù tôi chẳng phải người dễ dàng mua được nhà ở một thành phố lớn thì trong số hàng triệu triệu người ở Bắc Kinh Thượng Hải, chẳng phải ai cũng sở hữu ngôi nhà của riêng mình cả.
Dù bằng cấp của tôi cũng chỉ thuộc hạng hai, rất rất bình thường, nhưng bao nhiêu người ở ga tàu kia có khi chỉ có bằng cấp hạng ba, thậm chí là thấp hơn nữa, mấy ai có học vị cao hơn tôi.
Mẹ tôi không phải là một người đi nhiều, biết nhiều, thế nên bà thường thay đổi suy nghĩ của mình liên tục. Khi tự tin bà sẽ bảo với tôi: “Con trai à, con phải ngẩng cao đầu lên, nhà chúng ta cũng coi như có điều kiện rồi.” Lúc tự ti bà lại nói: “Con xem xem người ta giàu như vậy, chúng ta có làm cả đời chúng chẳng bì kịp, con phải cố gắng làm sao đừng đề người ta coi thường mình.”
Có lẽ, đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người. Càng hiểu ít về thế giới thì suy nghĩ của người ta càng không ổn định, càng mơ hồ, đặc biệt là khi nhận định về địa vị của chính bản thân mình.

Đời người có một số cảnh giới mà “tu luyện” nhiều rồi chúng ta có thể đạt đến:
1. Thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông.
Chẳng có âm mưu tính toán gì sâu xa, người này bắt chước người kia. Bạn muốn gả vào nhà giàu có, tôi cũng vậy, bạn muốn tìm một bộ ngực cỡ bự, tôi cũng chẳng khác gì, bạn làm kinh doanh thì tôi cũng buôn bán. Thế giới rất đơn giản.
2. Thấy núi mà chẳng phải là núi, sông mà chẳng phải là sông.
Bắt đầu suy ngẫm, bắt đầu nghĩ về những vấn đề của cuộc sống. “Phú nhị đại” liệu có hạnh phúc không? “Phú nhị đại” sẽ để ý đến bạn không? Nhiều lúc cái gọi là kết giao bạn bè chẳng phải chỉ là một giao dịch đôi bên cùng có lợi ư? Ăn uống cũng chỉ là một hình thức con người nạp năng lượng mà?
3. Thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.
Không sai, có thể “phú nhị đại” chẳng hạnh phúc, cũng có thể anh ta sống rất vui vẻ. Thế nhưng điều này có liên quan gì đến bạn? Bạn vẫn phải sống bằng năng lực của chính bạn mà thôi. Ăn cơm đúng thật là một loại đánh lừa thị giác nhưng bạn sẽ vì điều này mà không ăn “cao lương mĩ vị” nữa ư? Nếu không “trần tục” mà ăn uống như bao người chẳng lẽ "tao nhã" để rồi bị chết đói?

Nếu trưởng thành chỉ để thỏa hiệp với thế giới thì liệu bạn có sẵn sàng mài giũa những góc cạnh của mình để thích nghi với thế giới này không?
Tôi có nhiều ý tưởng để trả lời câu hỏi này nhưng có vẻ tôi viết cũng chưa được rõ ràng lắm, mong mọi người thông cảm.
_______________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro