Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Nguyên và một phần của Vũ.

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..." (1)

Trên tấm bảng lớn của trường, người ta vừa dán lên những biểu ngữ vận động học sinh, sinh viên tham gia vào những phong trào học tập, lao động hướng về miền Nam ruột thịt. Xung quanh tấm bảng cơ man là người. Bọn học sinh có đứa xúm xít đọc to những khẩu hiệu trên biểu ngữ, rủ rê nhau tham gia. Có đứa lắc đầu từ chối vì không muốn phí thời gian học tập, chỉ nán lại xem thông báo của trường dán ở góc nhỏ bảng.

Thành phố chìm trong một buổi chiều mùa hè oi ả, khắp sân trường không có lấy một bóng cây lay. Những cơn gió bỏ đi từ cuối xuân chẳng chịu về, trong khi nắng thì cứ bám riết lấy cái gáy mướt mồ hôi của mấy đứa học trò nhỏ, hà làn hơi nóng cháy lên đó.

Nguyên co hai tay trước ngực, lách qua những bạn học lạ mặt, cố gắng thoát khỏi đám đông đang vây xem trước bảng thông báo. Hai hàng lông mày của nó xô vào nhau, một đôi lần còn nín thở trong vô thức vì bị ép chặt trong không gian chật hẹp tẩm đủ thứ mùi lạ.

Bước đi trên con đường đầy những viên sỏi nhỏ dẫn ra cổng trường, Nguyên nhẩm lại thời gian, địa điểm của những hoạt động ghi trên bảng. Nó muốn tham gia hết. 

Vì miền Nam, vì Tổ quốc.

Nguyên sinh ra trong một gia đình bình thường đến không thể bình thường hơn. Một gia đình bình thường trong cái thời đại này. Bố ở tham gia kháng chiến, nó lớn lên từ những buổi chiều ngồi trong lòng mẹ trông ra cổng nhà.

Lúc nhỏ chưa biết chuyện nhà, nó không hiểu tại sao chiều nào mẹ cũng ngồi mãi một chỗ mà trông ra cổng, hát vu vơ một điệu thật buồn. Những lúc ấy, Nguyên chỉ biết trèo vào lòng mẹ, bắt chước mẹ mà hướng mắt ra ngoài cổng, nhưng cũng chỉ được độ năm phút là lại chạy vụt ra sân.

Mẹ nó bảo, Bố nó đi đánh thằng giặc Tây, khi nào Tổ quốc không chỗ nào còn giặc thì Bố nó về.

Nguyên không biết bao giờ mới hết giặc. Nó cũng không quá nhớ Bố, bởi nó mới chỉ thấy Bố qua những tấm ảnh của Mẹ. Bố nó trong ảnh dong dỏng cao, trông hao gầy và khó tính như bao ông Bố khác.

Như bao ông Bố khác, nó đoán vậy.

Nhưng Nguyên mong Bố nhanh về vì Mẹ nhớ Bố nhiều. Có lần sau khi chơi vật tay với bọn trẻ con trong xóm, nó chạy về nhà. Một thân chân đất chạy uỳnh uỵch trên đường đất của phố huyện, nó vừa chạy vừa gọi Mẹ như thể nó nghĩ làm thế sẽ tránh được cơn nắng to.

Nhưng nó chạy từ ngoài đồng vào đến cái sân phơi đầy những tôm, tép mới kéo của nhà nó, vẫn chẳng thấy Mẹ đáp lại.

Nguyên tái mét mặt. Nó không sợ ăn đòn. Nó chỉ sợ Mẹ nhớ Bố quá, Mẹ đi đánh thằng giặc Tây theo Bố, bỏ nó lại. Nó chạy sầm sập băng qua khoảng sân nhỏ, tay đẩy mạnh cái cửa cũ, miệng í ới gọi Mẹ.

Rồi nó thấy Mẹ nó ngồi bên chiếc bàn con đầu giường, xung quanh đầy những thư từ và ảnh chụp của Bố. Mẹ nó cầm trong tay một lá thư nhìn rất mới, nhìn nó mà khóc lặng lẽ. Nó sợ lắm, nhảy lên giường ôm lấy Mẹ, kề sát má vào gò má xương xương ướt nước mắt, vội vàng dỗ dành:

"Mẹ! Mẹ đừng khóc, đừng khóc. Mẹ đau ở đâu Mẹ nói cho Nguyên biết, Nguyên sang nhà bác Dần mua thuốc cho Mẹ uống!"

Mẹ chỉ lắc đầu không nói rồi vòng tay ôm lấy nó chặt hơn. Chốc sau Mẹ bảo:

"Bố vừa gửi thư về, Bố nói việc nước còn loạn, Bố chưa về ngay được. Bố dặn cu Nguyên phải ngoan đấy, ngoan thì Bố về Bố mới mua quà, cu Nguyên nghe chưa?" - Giọng Mẹ vẫn còn nghẹn ngào.

"Vâng ạ"

Nguyên biết Mẹ rất hay viết thư cho Bố. Những đêm ôm nó ngủ trong mùng, Mẹ luôn đợi nó ngủ rồi ngồi dậy, vặn cao ngọn đèn, hôm thì viết thư, hôm thì thêu cái khăn tay, vá lại chiếc quần cũ sờn. Mẹ không ngồi gần giường vì sợ đèn sáng nó sẽ thức, nhưng hôm nào nghe tiếng Mẹ khóc là nó biết Mẹ đang viết thư.

Mẹ khóc nhiều đêm. Tiếng khóc đầy tủi hờn, nhớ nhung của người phụ nữ chờ chồng đi lính mòn mỏi. Mẹ không bao giờ khóc lớn, nhưng lại khóc rất lâu. 

Mãi sau này khi đã lớn, Nguyên vẫn nghĩ người trưởng thành chỉ khóc vào đêm khuya, khi trăm nhà đã tắt hết đèn điện. Tiếng khóc, hình như chỉ lúc ấy, mới được phép tràn ra khỏi cõi lòng vụn vỡ, bật lên giữa không gian tĩnh lặng hanh hao.

Nguyên nghịch giỏi, học cũng giỏi. Học hết cấp ba (2), Nó xin Mẹ cho nó lên thành phố học, nó bảo muốn học thật giỏi để được cất nhắc đi những nơi xa, nó sẽ đi tìm Bố, đưa Bố về với Mẹ. Rồi cả nhà sẽ đoàn tụ, Mẹ không cần phải đọc đi đọc lại những lá thư đã nhòe chữ nữa.

Đó là lần đầu tiên nó làm Mẹ khóc. Nhưng Mẹ bảo Mẹ rất vui, rồi cũng soạn đồ cho nó lên thành phố cho kịp năm học mới. 

Từ đó tới nay cũng đã gần một năm. Một mình Nguyên lên thành phố học, được một người bác là đồng đội cũ của Bố thu xếp một chỗ ở khá gần trường. Phòng ốc thì còn xa lắm mới được gọi là rộng rãi tiện nghi, nhưng với chỉ một đứa nhỏ dễ ăn dễ sống như nó thì nhiêu đó là quá đủ.

Ban ngày nó đi học, chiều lại tham gia các buổi mít tinh chính trị do trường tổ chức hoặc làm mấy việc vặt chỗ ủy ban, rỗi rãi nữa thì ra bờ hồ ngắm hoàng hôn xuống. Đi lang thang một chốc rồi lại về nhà ăn tạm gì đấy, cũng có khi leo phắt ngay lên giường co người nằm ngủ với cái bụng đói meo.

Cuộc sống chẳng khá khẩm gì cho cam nhưng ít ra nó không cần suy nghĩ chuyện học phí hay cơm ăn áo mặc. Nguyên là học sinh học bổng, đã học đến bậc đại học, lại còn chăm tham gia các phong trào thi đua nên không mất tiền học, còn lương thực thì cũng được cho vừa đủ. (3)

Lại một buổi chiều rỗi rãi vì buổi mít tinh bị hủy đột xuất do sự cố gì đó ở bộ phận âm thanh. Nguyên tiu nghỉu hẳn, nhưng nó chưa muốn rúc về lại căn phòng nóng hầm hập trong cái tiết trời nực nội này, bèn chẹp miệng rồi  men theo con đường rợp cây trước trường ra bờ hồ ngồi hóng gió. 

Nhưng mà chỗ nó hay ngồi hôm nay lại bị người khác ngồi trước mất rồi.

Nguyên tự nhận rằng chỗ này chẳng mấy khi mà có người nhìn thấy chứ đừng nói là ngồi lại. Người ta hay đi thành đôi, thành nhóm ra hồ nói chuyện, thường thì sẽ chọn những chỗ có hai ba chiếc ghế đã cạnh nhau. 

Nguyên thì luôn chỉ đi một mình. Không phải nó không có bạn, nó có nhiều ấy chứ. Nhưng nó chưa bao giờ chủ động thân thiết với ai, cũng chẳng có ý định đó trong đầu. Bởi nó không xem thành phố này là chốn dừng chân lâu dài. 

Nó muốn học thật giỏi rồi đi tìm Bố, tìm được rồi thì nó sẽ bảo Bố rằng Mẹ và nó nhớ Bố biết bao nhiêu, Bố về rồi thì nó sẽ đi đánh thằng Tây thay cho Bố, để Bố về với Mẹ. Chuỗi ngày đánh Tây rồi sẽ đến lượt thế hệ trẻ như nó tiếp tục kế thừa.

Cho đến khi Tổ quốc sạch bóng quân thù, như Bố nó bảo.

Một người chưa kịp nán lại nơi thành đô hoa lệ này được bao lâu đã vội muốn đi như nó, tốt nhất là quen càng ít người càng tốt. Sống trong cảnh li biệt từ nhỏ, nó biết nỗi đau chỉ xảy ra với người ở lại. (4) Không quen thân thì sẽ chẳng ai quyến luyến, đến lúc đó nó rời đi cũng nhẹ lòng.

Nguyên bước gần đến ghế đá, thấy có người thì hơi chùn bước, nghĩ bụng thôi thì hôm nay chỉ đi lang thang trên mấy con phố gần đây rồi về nhà thôi vậy. Nó không định làm phiền người kia, nhưng cũng đứng lại quan sát một chút.

Hắn trông cũng tươm tất, tóc chải gọn, đeo kính, quần âu bọc lấy đôi chân dài, áo sơ mi trắng xắn tay gọn gàng, khoác thêm gi-lê đen bên ngoài. Gương mặt nghiêm nghị, nom chỉ trạc tuổi nó là cùng nhưng lại có vẻ lõi đời lạ lùng.

Chưa kể hình như người ta còn đang đọc sách. 

Người thanh niên đặt cuốn sách lên đùi, tay phải lật giở từng trang một cách chậm rãi, tay trái kẹp điếu thuốc đang cháy dở. Ngón tay thon dài, trông khá tinh tế, đến mức nó trộm nghĩ chắc tên này chưa bao giờ phải làm việc gì nặng nhọc trong đời.

Lúc này, khoảng cách giữa Nguyên và người kia trước khi nó quay lưng bỏ đi là mười bước chân, mỗi bước rộng bằng vai. 

Nó đâu biết được, chừng hai tháng nữa thôi, nó sẽ yêu người kia say đắm. Mà người kia cũng sẽ dùng cánh tay rắn rỏi ấy ôm lấy nó, sưởi ấm nó qua mùa đông dài cắt da cắt thịt.

Nó đâu biết được. Nó quay lưng đi. 

Nguyên gặp lại người thanh niên kia trong một buổi mít tinh của trường nó chừng một tuần sau. Hôm nay hắn ta bảnh bao hơn nhiều so với hôm nó nhìn thấy bên bờ hồ. Tóc chải nếp kĩ càng, kính đeo gọng bạc, có cả dây, suit nâu vừa vặn, đi giày da bóng, trên tay còn cầm một quyển sổ bìa da thuộc cùng một cây bút máy. 

Người thanh niên chăm chú ghi chép, đôi lần lại ngẩng lên bắt tay, cười nói với những người tiến đến chào hỏi. Hành động, cử chỉ hết sức tự nhiên và hợp lí như thể đã làm cả trăm lần. 

Nguyên ngồi ngay hàng đầu của sinh viên, chăm chú lắng nghe những vấn đề được bàn đến trong buổi mít tinh, thi thoảng cau mày vì tiếng loa rè, giơ tay đặt câu hỏi khi được cho phép. Vẫn chăm chú như thường lệ, ngoại trừ đôi ba lần liếc nhìn người thanh niên lạ mặt.

Đến cuối buổi, nó đang ở lại dọn dẹp bàn ghế thì thầy hiệu trưởng cùng người thanh niên tiến lại gần. Thầy hiệu trưởng giới thiệu Nguyên là sinh viên học bổng, tư tưởng học tập, kỷ luật hay chính trị đều rất vững vàng, hắn cứ việc đặt câu hỏi cho nó. Xong việc, thầy vỗ vai nó rồi rời đi.

 Hắn gật đầu chào nó, tay đưa ra cùng nụ cười mỉm mà nó nghĩ là hoàn hảo nhất trên đời. 

"Chào cậu, tôi là Kha Vũ đến từ báo Nhân Dân (5). Tôi có thể biết tên cậu không?"

Nguyên gật đầu và nói ra tên mình. Sau đó nó cùng người thanh niên - mà giờ nó đã biết tên hắn là Vũ - nói chuyện về một số vấn đề của buổi mít tinh hôm nay. Vũ chăm chú nghe nó nói, bút máy nhẹ nhàng ghi lại lời nó vào cuốn sổ tay. Nó nhìn tay Vũ chuyển động tới lui trên mặt giấy, tự dưng thấy hơi ngại, âm lượng cũng dần nhỏ hơn khiến Vũ phải nghiêng đầu về trước để nghe rõ. 

"Đó là tất cả những suy nghĩ của tôi." - Nó nói, ngừng lại một chút rồi lại tiếp tục - "Mà Vũ này, hôm nay anh trông bảnh bao quá. Nhà báo bây giờ ai cũng thế thật sao?"

Vũ có vẻ khá ngạc nhiên trước câu hỏi của nó. Hắn lắc đầu:

"Không phải đâu, có thể do phong cách cá nhân của tôi thôi. Phần khác là vì tôi có linh cảm hôm nay mình cần phải ăn mặc chỉnh tề vì sẽ có chuyện quan trọng xảy ra."

"Ra vậy" - Nó gật gù. 

"Mà sao Nguyên lại nói là hôm nay? Tôi và Nguyên đã từng gặp nhau rồi à?"

"Không, không phải. Chỉ là tôi từng nhìn thấy Vũ rồi thôi. Ở chỗ bờ hồ cách đây chừng một tuần, khi Vũ đang đọc sách."

"Ồ, hôm đấy tôi đang đọc lại tập thơ mình vừa xuất bản. Không biết Nguyên có nhìn ra không, tôi cũng là một nhà thơ đấy. Dù chỉ là sao xẹt giữa trời thôi."

Rõ ràng Nguyên là một người thích văn thơ. Lớn lên giữa những lá thư tay mùi mẫn, dù không theo nghiệp văn chương nhưng nó vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho những con chữ. Nghe Vũ bảo thế, nó cao hứng hẳn, hỏi chuyện Vũ liên miên đến lúc hai người ra đến cổng trường. 

"Vũ ơi, thú thật thì tôi cũng thích văn thơ lắm, dẫu cho có không bén duyên thành nghề. Tôi có thể kết bạn với Vũ không? Để thi thoảng mình cùng ngâm nghiệm dăm ba câu thơ chẳng hạn, nếu Vũ không chê?"

Nguyên bình thường thật ra không khách sáo đến thế, nhưng cứ hễ đứng trước những người có nhiều chữ trong bụng, nó lại nghiêm chỉnh đến bất ngờ. Vũ nãy giờ vẫn chầm chậm trả lời những câu hỏi của nó bằng một giọng từ tốn, êm ả như ru. Nghe nó hỏi vậy, Vũ cười đến là dịu dàng:

"Tôi tưởng chuyện gì khó lắm, chứ kết bạn ngâm thơ cùng Nguyên thì tôi làm được."

Nguyên chỉ chờ mỗi câu này, cười tít mắt rồi hẹn hắn một ngày gần để gặp nhau.

Như cánh én chao nghiêng trên nền trời xuân, đầy tự nhiên và chầm chậm, độ cảm tình và thân thiết của Vũ và Nguyên tăng nhanh đến bất ngờ, trước cả khi ai đó trong hai người kịp nhận ra. 

Vũ hay đến trường chờ Nguyên tan học, rồi sẽ cùng nhau đi dạo trên con đường đầy đá sỏi, rợp bóng cây trước trường, rẽ vào một hàng nước chè nào đó tránh nắng, trên môi Nguyên vẫn còn nguyên nét cười nhàn nhạt vì mấy tình huống gàn dở Vũ gặp khi đi tác nghiệp.

Đến khi bụng no nước, hai người sẽ lại chia nhau bao thuốc hút chẳng đáng tiền, đi quanh bờ hồ chỉ để đắm mình trong sắc du dương khi trời tàn như cách Vũ rủ rê. Nguyên bảo rằng những chiều hoàng hôn trong kí ức của nó luôn buồn bã, ủ ê. Để rồi khi Vũ hỏi, nó chỉ lắc đầu rồi bảo rằng:

"Ôi Vũ ơi, chuyện vợ trông chồng, con trông Bố thường tình của nước non thôi."

Vũ bảo, đấy không phải là chuyện thường tình. Ít nhất là với hắn. Bố hắn không đi lính, Mẹ hắn cũng chẳng chờ Bố hắn về bao giờ. Giữa hai người thiếu chút gì đó cháy bỏng như tình yêu, ngày cưới nhau Bố Mẹ hắn mới biết người kia trông ra làm sao. 

Vũ bảo, hình như đó không phải tình yêu.

"Nguyên đã yêu ai bao giờ chưa?" - Vũ quay sang nó sau một chốc lặng lẽ.

"Tôi yêu Mẹ tôi" - Như lẽ dĩ nhiên, nó nghĩ.

Vũ phá lên cười, rồi gật gù đồng tình rằng hắn cũng yêu Mẹ, dù lâu lắm rồi hắn chưa gặp Mẹ hắn.

"Ý tôi không phải thế, tôi hỏi chuyện tình yêu đôi lứa cơ. Nguyên có đang phải lòng cô gái nào không?"

"Nếu thế thì tôi không." 

"Vậy đã từng phải lòng thì sao? Cũng chưa à?" 

"Ừ, chưa. Chưa từng. À mà cũng không biết nữa." 

Đến đây thì Vũ bối rối hẳn. Có lẽ người làm thơ như hắn đã yêu nhiều lắm, và thậm chí cũng chẳng có mối tương tư nào gọi là à mà cũng không biết nữa đối với hắn. 

"Vậy với Nguyên, tình yêu là gì?"

Ái chà, thách đố trẻ con à

Nguyên chợt nhớ lại mấy dòng thơ nổi tiếng mà Bố nó từng viết vào thư gửi Mẹ nó. Thế là nó đọc.

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."

Đọc xong khổ thơ tình, Nguyên nghe mình cười khúc khích. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu chứ, Vũ làm sao thế, cái đấy mà cũng phải hỏi à.

Chợt, không biết có phải là do đọc thơ tình giữa trời hạ hay không, Nguyên nghe thấy tim mình đập nhanh một cách kì lạ. Chiếc trống ngực đập theo một điệu bình lặng mòn cũ bao nhiêu năm nay của nó bỗng đổi sang chơi một điệu lạ hoắc, ồn ào, gấp gáp hơn nhiều.

Nguyên hoảng loạn đảo mắt nhìn quanh, thầm nghĩ sao hoàng hôn hôm nay lâu phai thế, nhuộm đỏ cả đô thành trong ráng chiều, bầu trời ươm những tia nắng muộn sau từng cụm mây tựa như có đứa bé đánh đổ lọ nước màu lên khay bông trắng. 

Ngọn gió bình thường nó mong ngóng nhưng chẳng thấy tới hôm nay lại cứ vờn đưa trên tóc nó, lại như vờn cả cơ quan nào đó sâu trong người nó, làm nó nhột nhạt không thôi.

Nguyên quay sang nhìn Vũ.

Nó thấy Vũ không còn nhìn về phía mặt hồ nữa. Vũ cũng đưa mắt nhìn nó, môi lại mỉm lên tinh tế hệt lần đầu hai đứa gặp nhau. Nó nghe tim nó đập nhanh hơn, mạnh hơn nữa.

Nó cảm thấy Vũ đang nói gì đó với nó, rồi lại cười nhẹ nhàng. Nó nghĩ thế, bởi nó chẳng nghe thấy gì nữa ngoài tiếng tim đập trong lồng ngực mình.

Nó rất muốn hỏi Vũ xem, này Vũ, tay chơi trống trong lồng ngực của Vũ có đang đổi sang một điều gằn gân không? Nó có đập thình thịch từng hồi, tai Vũ có đỏ lên, mặt có nóng rát như phải bỏng không?

Mà Vũ ơi, tay ấy đang chơi điệu gì thế? Có cùng một điệu với tôi không? 

Từ ngày hôm ấy, Nguyên nhận ra trong thảng thốt rằng, có cái gì đó trong nó vừa thức giấc, và sẽ không bao giờ ngủ yên được nữa. 

Thứ đó có vẻ đang hoạt động theo một chu kì gì đó rất đỗi kì lạ. Nguyên lẳng lặng theo dõi.

Trong giảng đường, khi chép bài, khi phát biểu trước lớp. Lặng thinh.

Khi nghe mít tinh, dọn dẹp bàn ghế, đi đến ủy ban. Lặng thinh.

Tham gia văn nghệ, hát hò và cười đùa. Lặng thinh.

Nghĩ lại thì, thứ ấy hoạt động như thế nó là một bộ phận cơ thể của Vũ vậy. Nguyên giật thót mình khi nhận ra điều này.

Nhưng mà đúng thế, nó chỉ rung lên ầm ĩ mỗi khi Vũ một thân áo sơ mi, quần ka-ki thụng, máy ảnh đeo chéo hông đứng trước cổng trường chờ Nguyên tan học. Mà cũng đâu chỉ có thế.

Ở hàng nước chè, dọc con đường đầy sỏi và bóng cây, quanh bờ hồ, những hàng quán mà hai người nghỉ chân, bất cứ đâu chỉ cần có Vũ đi cạnh, nó lại reo lên như đứa trẻ đói mềm bỗng được thức quà ngon.

Một cách so sánh kì cục vô cùng, nhưng Nguyên nghĩ thế thật. Có lần nó hỏi Vũ, rõ ràng hắn cũng bất ngờ về tình huống này. Thứ gì đó trong cơ thể một người lại hoạt động như-một-phần của một người khác? 

"Vũ này, có thứ gì trong cậu hoạt động như thể nó là một phần của tôi không?"

Nguyên nghiêng mái đầu tròn, thành thật thắc mắc. Vũ nhìn nó đăm chiêu, ra chiều suy nghĩ lắm. Gió mùa cứ lặng lẽ thổi qua không kể ngày tháng, chầm chậm, chầm chậm mang mùa hè đi mất.

----- Còn tiếp ------

(1): Khổ thơ trích từ bài Vì sao của nhà thơ Xuân Diệu.

(2): Năm 1956, hệ giáo dục phổ thông ở miền Bắc bao gồm 10 năm:

Tiểu học (cấp I), bốn năm; Trung học gồm cấp II và cấp III, mỗi cấp có ba năm.

Nguyên học xong cấp ba tức là khoảng hơn 16 tuổi.

(3): Đoạn học bổng thì mình quy chiếu theo giáo dục miền Nam cùng thời đấy, biết là không giống đâu nhưng mình không tìm được tư liệu về học phí ở miền Bắc, ai biết thì nhắc mình với nhé. 

(4): trích từ phần lời bài hát Mấy khi của The Flob. 

(5): Báo Nhân Dân được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Số báo đầu tiên ra đời ngày 11 tháng 3 năm 1951. 

----

Bạn đọc gần xa ơi, thứ lỗi cho mình vì không viết cả họ tên của hai em ra. Vì ngẫm lại thì người Việt mình chẳng có mấy ai giới thiệu hay trò chuyện mà gọi đầy đủ họ tên nhau cả, nghe kì lạ lắm. Nên mình cũng sẽ viết mỗi tên hai em thôi. Ai có khó chịu thì cho mình xin lỗi nhé, nhưng tên hai em nghe hay mà nhỉ?

Để lại bình luận nhé vì mình muốn nghe ý kiến của bạn đọc lắm lắm. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro