07. Chè trôi nước không nhân, bánh trung thu không vỏ
Con người ta càng lớn lên, càng trưởng thành lại càng thích nhớ và tìm về những điều xưa cũ. Không ít lần tôi nghe người lớn xung quanh dành nhiều sự nuối tiếc để nói về tuổi thơ, họ ước gì một sáng nào đó thức dậy bỗng thấy mình bé lại, giờ lớn rồi, áp lực quá, mở mắt ra liền nhìn thấy những gánh nặng vô hình.
Người lớn thật ra rất khổ. Sẽ chẳng bao giờ được sống chỉ-vì-mình (1)
Ba mẹ, ông bà của các anh tôi cũng thế, mỗi lần đốc thúc con cháu mình học hành vẫn hay bảo, chẳng có gì sướng bằng thời đi học đâu. Nghe nói vậy chứ có đứa nào du hành được thời gian đâu mà biết có thật là so với sau này thì thời đi học là sướng nhất hay không.
Bọn trẻ chỉ thấy ôi sao chín tháng đến lớp đến trường sao mà dài quá, sao mà lâu đến hè quá, mà hè chỉ có vỏn vẹn ba tháng, trốn ngủ trưa mấy buổi là hết hè mất rồi.
Hồi đi học đứa nào cũng kêu gào được nghe tiếng trống tan trường, chỉ mong thế giới này không có khái niệm kiểm tra mười lăm phút, kiểm tra một tiết, thi giữa kì và thi học kì. Hay mỗi lần thầy cô rà bút trên danh sách kiểm tra bài miệng là nhịp tim lên xuống như đồ thị hàm số.
Thế rồi sau này càng lớn lên, mong ước càng nhỏ lại, nhỏ bằng một giấc ngủ trưa.
Thời gian cũng chiều lòng người lắm nhé, trôi qua nhanh thật, mới đó mà mùa hè của lớp ba trôi theo cơn mưa cuối mùa đi mất. Cậu chủ nhỏ và nhóc Nguyên lên lớp bốn, cậu Hùng, anh Chương và anh Đằng tiếp bước anh Hằng vào trung học, giờ tan trường chẳng còn xôm tụ nữa. Vậy là ba Trương mua cho nhóc Nguyên cái xe đạp mới để nhóc đèo anh Mặc, nhà tôi cũng sắm một chiếc cho cậu Siêu đèo cậu chủ nhỏ.
Đâu chắc tầm được ba hôm đi chung với nhóc Nguyên, anh Mặc lén má ảnh thó một tô chè trôi nước thiệt bự đem qua nhà tôi làm cống phẩm mua chuộc cậu chủ nhỏ. Ảnh tha thiết cầu xin cậu chủ nhỏ hãy đổi bạn cặp với ảnh chứ không ảnh chẳng sống thọ nổi.
À thì ra do cái nết lái xe đạp của nhóc Nguyên làm ảnh hãi, ảnh kể nhóc Nguyên chạy xe mỗi ngày một kiểu, ngày đầu tiên nhóc cầm lái, gác chân lên bẹ sườn xe bắt anh Mặc ngồi yên sau thò chân lên đạp. Anh Mặc chửi vầy thì thà cho ảnh chở luôn đi, đạp kiểu này mệt muốn tuột cái giò ra mà nhóc nhất quyết không chịu. Ngày thứ hai đang chạy ngon ơ thì nhóc thả cả hai tay làm xiếc cho ảnh Mặc xem, tim ảnh bay lên trời. Ngày thứ ba thì nhóc bốc luôn đầu xe, xém tí anh Mặc lộn nhào xuống đất, thôi mấy cái phúc phần này ảnh phải nhường cho cậu chủ nhỏ. Ảnh nói "Mày là cục cưng của nó, chở mày nó không có ngựa như chở tao".
Vậy thì đổi, mà đúng thiệt là chở cậu chủ nhỏ thì nhóc Nguyên có yên thân yên phận hơn một chút, cơ mà so với cậu Hùng thì nhóc cũng một chín một mười. Có lần gần về đến nhà rồi mà nhóc vẫn còn hưng phấn, miệng líu lo kể về chiến tích bắt được chuột trong lớp, nhóc lao thẳng vào cửa rào nhà tôi, cong luôn lớp lưới kẽm. Cậu chủ nhỏ sương gió đủ rồi, cậu quyết định từ rày về sau, cậu sẽ chở nhóc!
Lớp bốn chia lớp không khác gì lớp ba, nhóc Nguyên vẫn một mình một cõi, khác cái là giờ nhóc thành đàn anh của kha khá đứa rồi, quậy banh trời kiểu đó mà. Nhóc bắt đầu có hứng thú hơn với việc học, ví dụ như hồi trước nhóc chỉ thích mỗi môn Mỹ thuật thì giờ nhóc thích được thêm tận hai môn nữa, Âm nhạc và Kỹ thuật.
Ừ thì thích là được rồi, quan trọng môn nào làm cái gì. Nhóc tìm thấy thú vui trong việc cắt dán giấy màu và mấy bài tập gấp thuyền nan, gấp con ếch, làm quạt giấy. Mỗi lần có bài tập môn Kỹ thuật nhóc sẽ túm tụm các anh khác lại làm chung với mình, vừa học vừa chơi như vậy mới vui.
Cái phản dưới mái hiên nhà anh Hằng thường là điểm tụ hợp cho tiết mục thủ công mỹ nghệ, trưa nắng chang chang đứa nào cũng để đầu trần xách theo bịch giấy màu tới nhà anh Hằng.
"Bữa nay học gấp con ếch nhen"
"Xời tưởng gì khó, tao gấp cái một"
"Ừ gáy sớm giống ông Chương đi, lát hồi gấp ra con yêu quái sáu chân như ổng"
"Nè nè không có chơi xỏ xiên kiểu đó nha"
Còn chưa có lấy được giấy màu ra khỏi bịch đã cãi nhau ầm trời, biết thế tôi ở nhà ngủ cho nó khỏe cái thân, đi theo nhiều chuyện chi không biết.
Những lúc ồn ào thế này cậu chủ nhỏ của tôi thường ít khi xía miệng vào lắm, cậu đang chăm chú đo đạc tờ giấy theo sách giáo khoa hướng dẫn. Anh Mặc như nhớ ra cái gì đó ngưng xí xa xí xồ với anh Chương, ảnh quay qua hỏi cậu.
"Ê Vũ hồi sáng tao thấy con Mận cho kẹo mày hả? Mày làm gì mà nó cho mày kẹo?"
Wow, tôi thấy quyết định đi theo cậu chủ nhỏ tới đây đúng đắn trở lại rồi, Mận là đứa nào? Nó để ý cậu chủ nhỏ của tôi à? Nhóc Nguyên cũng bất ngờ như tôi, nhóc học khác lớp nên có biết cái chi đâu.
"Gì nhỏ Mận cho kẹo Dũ hả, sao Dũ không kể tớ nghe gì hết vậy?"
"Con Mận cháu bà Mơ xóm trên á hả?"
"Chứ còn ai vô đây"
À tôi nhớ ra rồi, hồi trước nhỏ Mận có xuống nhà tôi chơi vài lần do bà Mơ với bà nội có chút quen biết, mà khi khổng khi không sao nó lại tặng kẹo cho cậu chủ tôi.
"Nó thích mày hả Vũ?"
"Không có"
"Chứ nó cho kẹo cho mày chi, phải thích mới cho chứ!"
Đúng, tôi hoàn toàn đồng tình với luận điểm trên của anh Đằng.
"Hồi qua nó chơi nhảy dây trước cửa lớp, dây mới tới lưng quần à mà nó nhảy qua kiểu gì bị vấp, té nằm một đống như con nhái, mấy đứa bạn cười quá nó quê nó khóc luôn, em thấy tội mới đỡ nó dậy. Nó cho kẹo cảm ơn em thôi."
"Vậy kẹo đâu, Dũ ăn hết rồi hả?"
"Tớ không có ăn, để trên bàn không biết bạn nào ăn mất rồi"
"Má chán á, không ăn cũng không biết đem về cho tụi tao ăn"
"Anh chửi má Dũ á hả?"
"...Haha không có, tao chửi má cục kẹo ai dám chửi cục cưng của mày"
Buổi tra khảo chấm dứt, mấy cục kẹo của nhỏ Mận không làm các anh hứng thú bằng mớ giấy màu trước mặt. Nhưng, với kinh nghiệm đu phim giờ vàng lâu năm, tôi linh cảm chuyện chẳng dừng lại ở đây đâu.
Mà đúng thiệt, ngay ngày hôm sau là linh nghiệm liền. Bình thường cậu chủ nhỏ đi học về tôi chẳng có hứng chạy ra chào đón liếm láp, hân hoan các kiểu như cách mấy con thú cưng thường làm giống trên phim miêu tả, nóng gần chết ai rảnh đâu. Giờ cậu tan trường là lúc tôi thường lim dim đôi mắt trong cái ổ của mình, hôm nay tôi đang mơ màng thì cô hoa giấy gọi tôi bảo mấy anh đi học về rồi nhưng chẳng thấy cậu chủ nhỏ đâu cả. Tôi tỉnh cả người, lại có chuyện nữa à? Tôi còn chưa kịp chạy xuống nhà đã nghe giọng cậu Hùng.
"Ủa em tao đâu Nguyên, sao mày về một mình vậy?"
"Em anh đưa nhỏ Mận về rồi, chắc đang lếch bộ từ nhà nó về á"
"Sao phải đưa nhỏ Mận về?"
"Nhỏ Mận học thể dục bị té trật chân, trong lớp có tụi em là gần nhà nhỏ nhất cô chủ nhiệm nhờ tụi em chở nó về, rồi trong ba đứa em thì nó lựa thằng Vũ"
Ồ cậu Siêu thật là biết tóm tắt, chỉ một câu mà cậu nhấn nhá trọng điểm đúng chỗ ghê luôn.
"Xương cốt cái con này sao á, té miết vậy? Rồi sao tụi bây không đi theo nó, nắng vầy mà để nó đi bộ từ xóm trên về hả?"
"Em mắc chở thằng Mặc rồi, còn thằng Nguyên nè nó không chịu đi theo"
"Tại em bực Dũ, Dũ đi với nó mà Dũ không nói em câu nào hết á, giờ đi bộ cho chừa cái tội"
Sự tình là hôm nay lớp cậu chủ nhỏ tan học muộn hơn lớp nhóc Nguyên, thường ngày ra lớp nhóc chỉ việc phi thẳng ra góc cây bàng trước sân trường đợi cậu chủ nhỏ lấy xe, bữa nay nắng đổ lửa chờ lâu đã ứ vui rồi, vậy mà nhóc còn thấy Dũ đèo theo nhỏ Mận chạy cái vèo qua mặt mình. Ơ kìa, nhóc chưng hửng chả hiểu chuyện gì. Tới lúc anh Mặc, cậu Siêu ra nhóc mới biết đầu đuôi, nhóc giận luôn.
Cậu chủ nhỏ cũng oan quá đi, cậu dặn anh Mặc, cậu Siêu báo lại cho nhóc Nguyên rồi mà, với cái lúc tan trường như vỡ chợ, cậu làm gì thấy nhóc Nguyên đứng chờ đâu.
Nói hai ba câu thì cậu chủ nhỏ của tôi cũng lếch bộ về tới, nhìn cái mặt đầy mồ hôi của cậu nhóc Nguyên thấy bức bối trong người quá, nhóc không thèm đoái hoài gì cậu nữa, nhóc bỏ vô nhà.
Cậu chủ nhỏ chưa trải sự đời đâu có biết người ta đang giận mình, cậu lên phòng ra ban công ngó qua nhà nhóc Nguyên cất tiếng gọi nhóc.
"Nguyên ơi"
"Gì?"
"Mấy ngày tới tớ đi chung với nhỏ Mận nhen, nhà nó không có ai đưa nó đi học hết, bà Mơ nhờ tớ"
"Ừ"
"Nguyên sao vậy?"
"Chả sao"
Cậu chủ nhỏ chưa kịp hỏi thêm thì nhóc Nguyên bỏ đi ăn cơm rồi, chiều đó nhóc ra chợ chơi với mẹ mà không nói cho cậu chủ nhỏ biết, xem như trả thù. Tính nhóc Nguyên dễ giận cũng mau quên, ra chợ làm xiếc với mấy cô mấy dì rồi đánh một giấc dậy là nhóc chả nhớ mình có giận cậu chủ nhỏ nữa.
Mấy ngày sau đó sáng nào nhóc cũng chở cậu chủ nhỏ lên nhà nhỏ Mận, cậu chở nhỏ Mận bằng xe đạp của nó, nhóc Nguyên chạy theo sau. Trưa về cũng thế, nhóc tò tò ở phía sau đến nhà nhỏ Mận nhóc lại đèo cậu chủ nhỏ về nhà. Trước giờ nhóc có đi một mình kiểu này bao giờ, hồi trước đu theo anh Đằng, sau này là cậu chủ nhỏ, nên giờ nhóc thấy thiếu thiếu, có hơi buồn một chút.
Bữa nay cả hội lại tụ họp dưới hiên nhà anh Hằng, không khí có hơi long trọng chút, mấy anh sẽ tập thêu khăn tay. Đó là bài tập Kỹ thuật mới nhất được giao, tôi thấy theo quan niệm từ xa xưa việc thêu thùa may vá chỉ dành cho con gái, nhưng tôi nghĩ trai gái gì cũng bình đẳng như nhau thôi. Chuyện con trai học nấu ăn, thêu thùa hay chuyện con gái học đá banh, chuyền bóng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Các anh của tôi cũng nghĩ thế nên ai nấy đều hết sức nghiêm túc. Nhóc Nguyên vẽ đẹp, các anh nhờ nhóc vẽ khung hình lên vải, cậu Siêu chọn con sóc, anh Mặc chọn con ếch, cậu chủ nhỏ nhờ nhóc Nguyên vẽ một mặt trời nhỏ.
Mấy anh chọn xong hình cho mình hết rồi còn mỗi nhóc Nguyên, cậu chủ nhỏ khều khều tay nhóc.
"Nguyên định thêu cái gì thế?"
"Hỏng biết nữa, chưa nghĩ ra"
"Hay Nguyên vẽ bé Hành đi"
"Ờ hén, bé Hành dễ thương"
Hì hì hì hì, vì câu này của nhóc tôi có thể vui đến hết tháng này.
Lúc nhóc Nguyên hí hoáy vẽ thì nhỏ Mận xuất hiện, à mấy ngày nay đi chung nói chuyện qua lại nhỏ biết bữa nay các anh làm bài tập chung nên xin ké một chỗ. Nhỏ vẽ xấu có tiếng trong lớp, bữa nay xin đi theo mục đích cũng là nhờ nhóc Nguyên vẽ hộ. Nhỏ chìa miếng vải ra trước mặt nhóc.
"Nguyên vẽ giùm tui với"
"Cậu muốn vẽ cái gì?"
"Trái mận"
Hợp lí không thể hợp lí hơn.
Nhưng, khoảng ba phút sau nhỏ Mận đổi ý.
"Nguyên, tui muốn đổi hình"
"Đổi hình gì?"
"Vẽ cho tui con mèo kia đi"
Nhỏ chỉ thẳng vào mặt tôi, hèn gì nãy giờ tôi cứ thấy nhỏ nhìn chằm chằm mình.
"Không được, bé Hành của tớ rồi"
Đúng thế, tôi là của nhóc Nguyên và cậu chủ nhỏ.
"Nhưng tui thích nó, bạn vẽ cho tui đi, tụi mình khác lớp mà, giống cũng có sao đâu"
Không biết nhóc Nguyên có sao không chứ tôi thì có đó, tự nhiên ở đâu lòi ra dành tôi với nhóc Nguyên, tôi chả thích miếng nào.
"Dũ! mèo của Dũ, Dũ quyết đi Dũ cho ai thêu hình bé Hành"
Cậu chủ nhỏ ngơ ngác, sao lại lôi cậu vào. Không khí xung quanh căng thẳng không kém, mấy anh tôi bật chế độ hóng hớt cực căng. Tim tôi thì đánh trống lộn tùng phèo, tôi điên cuồng gào khẩu hiệu nhóc Nguyên, nhóc Nguyên, tôi xin cậu hãy trả lời như thế.
"À thì...ai thêu cũng được mà"
Cậu chủ nhỏ của tôi đúng là người không hiểu phong tình.
Nhóc Nguyên lẫy rồi, nhóc không thèm dành nữa, nhóc lấy miếng vải của nhỏ Mận vẽ hình tôi lên đấy.
Tình cảm của trẻ con dễ thương lắm, hôm nay thích màu hồng ngày mai có thể thích màu đỏ, hôm nay thích mèo ngày mai thích chó, hôm nay thích làm giáo viên ngày mai thích làm bác sĩ là chuyện rất bình thường. Nhưng chúng cũng có những chấp niệm của riêng mình, như ăn cơm phải ăn bằng cái tô này, uống nước phải uống bằng cái li kia, đi ngủ nhất định phải ôm con thú bông nọ. Vốn vẫn chưa hiểu rõ ái tình thế thái nhưng cũng biết kì vọng sự ưu tiên về vị trí của mình trong lòng người mà chúng yêu thích.
Nhóc Nguyên biết cậu chủ nhỏ từ lúc nhóc còn chưa hiểu hết khái niệm về tình bạn, lớn lên trong sự thiên vị mơ hồ của cậu chủ nhỏ, khoảng trời riêng của nhóc vốn đang bình yên như thế. Nhóc đã quen với việc trong một dãy đáp án trắc nghiệm, thể nào cậu chủ nhỏ cũng khoanh tròn lựa chọn có tên nhóc. Hôm nay không như thế, cảm giác như bị cướp mất cái kẹo mình thích, nhóc bực mình quá.
Giữa khoảng lặng ấy, tiếng bác Sáu vang lên lảnh lót, bác Sáu là má anh Mặc, bác mang tới cho mấy anh một tô chè trôi nước thiệt bự. Bác nói bữa nay có người đặt chè, bác lỡ tay nấu dư. Có chè ăn, đám nhóc này lại ồn ào ngay tắp lự, anh Hằng vô nhà lấy một đống chén muỗng phân phát cho các em.
Cậu chủ nhỏ nhận nhiệm vụ chia chè, cậu múc vào chén mỗi đứa hai viên tròn vo, chè bác Sáu nấu ngon phải biết, mùi thơm lừng nức mũi. Nhỏ Mận ngồi kế cậu, nó tò mò chỉ vô tô chè.
"Mấy cái cục nhỏ nhỏ này là gì vậy Vũ?"
"Chè lỏn tỏn á"
Thường thì chè trôi nước truyền thống là viên to tròn ở trong có nhân đậu xanh, nhưng nhiều khi bác Sáu chuẩn bị dư bột, bác sẽ vo thành mấy viên tròn tròn nhỏ nhỏ. Mấy viên này không có nhân, ăn dai dai bùi bùi, vì âm thanh khi cho vào nồi nước đường mà mấy anh gọi nó là "chè lỏn tỏn". Mà bác Sáu kinh nghiệm nấu chè lâu năm rồi, có dư bột cũng dư hỏng có nhiều, thành ra chè lỏn tỏn thành của hiếm.
Nhỏ Mận ăn chè trôi nước rồi còn chè lỏn tỏn thì chưa, mà nó thấy cậu chủ nhỏ chia kiểu gì ngộ ghê, cậu chỉ múc mấy viên to thôi, chè lỏn tỏn cậu chừa lại hết. Nó cũng muốn ăn thử chè đó coi có ngon không.
"Vũ múc cho tui chè lỏn tỏn với"
"À cái này để riêng cho nhóc Nguyên, Nguyên thích chè trôi nước không nhân"
Ối dồi ôi, hình tôi thì cậu để cho ai muốn thêu thì thêu, còn chè trôi nước không nhân của nhóc Nguyên thì đừng ai hòng giành được à.
Tôi thừa biết nhóc Nguyên vui trở lại rồi, nhóc nhận chén chè từ tay cậu chủ nhỏ mà cười phơi phới ấy. Cái miệng ăn chè thấy ghét thật sự, cứ phồng phồng cái má núng nính lên chi không biết, dễ thương vậy cho ai coi. Nhóc vừa ăn vừa nhịp giò, lắc lư cái đầu nhỏ.
"Chè ngon ghê Dũ hén"
"Ừ"
----
Đã được tuần rồi mà chân nhỏ Mận vẫn chưa khỏi hẳn, tôi bắt đầu giống cậu Hùng quan ngại sâu sắc cho tình trạng xương khớp sau này của nhỏ. Mấy bữa nữa tới Tết Trung thu rồi, nhỏ cũng rầu lắm, cứ cà nhắc vầy sao đi rước đèn cùng chúng bạn được.
Vào thứ tư mỗi tuần tiết cuối lớp nhóc Nguyên là giờ Âm nhạc, tâm hồn của thầy Hoàn bay bổng lắm, cứ dạy xong bài hát là thầy cho về chẳng quan trọng giờ giấc, nên có bữa thì được về sớm ơi là sớm, có bữa lại lố giờ tận 10-15 phút. Bữa nay hên, nhóc lại ra sớm, lấy xe xong nhóc đứng dưới bóng cây bàng chờ lớp cậu chủ nhỏ và nhỏ Mận.
Từ ngày có người đón đưa nhỏ Mận cũng giống nhóc Nguyên, tan học là lếch ra gốc bàng chờ cậu chủ nhỏ đi lấy xe. Nhỏ đụng mặt nhóc Nguyên, trong giỏ xe của nhóc hôm nay có thêm một xấp giấy kiếng màu đỏ.
"Nguyên mua giấy kiếng làm gì á?"
Nhỏ nhớ đâu có bài tập Kỹ thuật nào cần sử dụng giấy kiếng đâu.
"Làm lồng đèn, sắp tới Trung thu rồi mà"
"À, tui được ba mẹ mua cho lồng đèn chạy bằng pin, bật cái là sáng cả ngày còn có nhạc nữa, đã lắm"
"Ờ"
"Lát tui rủ Vũ mấy bữa nữa lên rước đèn với tui nè"
Ừm thì nhỏ Mận khoe nó có cái lồng đèn xịn sò nhóc cũng không nói gì, đằng này nó còn khoe rủ cậu chủ nhỏ lên rước đèn với nó. Nhóc Nguyên thì bỏ cho ai? Nhóc không biết Dũ có thích cái lồng đèn chỉ cần nhấn nút là sáng đèn còn biết phát nhạc kia không, lỡ như Dũ thích thì cái lồng đèn ông sao phát sáng bằng đèn cầy mà nhóc định làm, bỏ cho ai đây? Cả đoạn đường về hôm đấy nhóc cứ nghĩ mãi.
Năm nào gần đến Trung thu bác Sáu cũng làm bánh trung thu cho bà con trong xóm, bác Sáu nấu chè ngon, làm bánh cũng ngon nốt. Ngày thường bác bán chè bán xôi ngoài chợ, khi nào có người đặt chè xôi thì bác nhận nấu cho người ta. Xôi gấc, xôi lá cẩm, xôi đậu xanh, xôi đậu phộng, chè trôi nước, chè đậu...đều là các món mấy anh tôi ăn đến nghiện. Bữa nào có người đặt xôi thì bữa sáng của mấy anh không cần phải lo nữa, sau này đi học xa nhà, có ăn xôi ăn chè ở nhiều chỗ mà chẳng tìm được chỗ nào ngon bằng hương vị tuổi thơ.
Nay có người đặt chè xôi lại còn phải làm thêm bánh Trung thu nữa, ba đầu sáu tay bác Sáu cũng không kham nổi, vậy là anh Mặc tập trung mấy anh lại phụ bác một tay. Anh Mặc anh Chương phụ bác nhào bột làm bánh, cậu Siêu anh Hằng lột vỏ đậu phộng, cậu Hùng anh Đằng cắt gừng, cậu chủ nhỏ với nhóc Nguyên cùng bác Sáu vo chè. Bữa nay cũng bị dư bột, bác Sáu vo xong mấy viên có nhân bỏ đi làm việc khác, giao lại phần chè lỏn tỏn cho hai đứa nhỏ. Nhóc Nguyên thích tiết mục này lắm, mấy lần toàn tranh làm với các anh lớn. Vậy mà giờ chẳng thấy nhóc vui gì cả, cậu chủ nhỏ nhìn ra được.
"Nguyên sao vậy?"
"Có sao đâu"
"Nhìn mặt Nguyên buồn dữ lắm"
"Dũ nè"
"Đây"
"Nhỏ Mận có rủ Dũ lên xóm nó chơi lồng đèn biết phát nhạc chưa?"
"Rồi"
"Rồi Dũ trả lời nó chưa?"
"Rồi luôn"
"Dũ trả lời sao, Dũ có đi hông?"
"Không, tớ nói chơi lồng đèn giấy vui hơn nó thích thì xuống đây chơi với tụi mình. Tớ nói ba rồi, mai ba đem tầm vong về chuốt, tớ làm lồng đèn cho Nguyên"
Nhóc Nguyên nghĩ nồi chè này bác Sáu cho lố đường rồi, chén chè trôi nước không nhân bữa nay sao mà ngọt quá chừng.
Theo lời hứa hẹn ông chủ tôi đem về một mớ tầm vong, ông chẻ ra rồi chuốt thành từng cây nhỏ, đám nhóc tụm đầu lại với nhau bàn bạc làm lồng đèn đủ loại hình dạng. Dù đèn ông sao, đèn cá chép hay đèn bươm bướm thành phẩm có méo mó chẳng ra hình thù, nhưng tiếng cười của đám nhóc làm người lớn trong xóm nghe mà vui lây.
Tôi thấm thía được rằng, niềm vui của tuổi thơ chẳng thể nào dùng tiền mua được.
Đêm Trung thu mỗi anh một cái lồng đèn trên tay nối đuôi nhau vừa rước đèn vừa hát. Đèn cầy nhỏ trong lồng đèn thắp sáng cả con đường làng.
"Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi" (2)
Khi đèn cầy chảy hết cả hội tụ lại bên mảnh đất trống cùng nhau ăn bánh trung thu bác Sáu làm, nhóc Nguyên cầm bánh lên miệng cạp lấy cạp để.
"Nhìn mày y như con chuột chũi á Nguyên"
Nhóc không thèm chấp anh Đằng, nhóc cắn đã đời rồi chìa tới trước mặt cậu chủ nhỏ một cái bánh bị cạp sạch vỏ ngoài. Cậu chủ nhỏ nhận lấy nó như một lẽ đương nhiên rồi cho vào miệng. Ừ tôi quên mất, cậu chủ nhỏ của tôi không thích ăn vỏ bánh Trung thu. Nhóc Nguyên vậy mà nhớ rõ ghê, hình như Trung thu nào nhóc cũng cạp vỏ bánh cho cậu thì phải. Bây giờ nhóc vẫn tiếp tục cạp thêm cái khác đây này.
Ăn uống no say xong mấy anh nằm luôn ra đất, lâu lâu mới có một tối được chơi đã đời mà. Trăng đêm rằm tròn vành vạnh, nhóc Nguyên cảm thán với cậu chủ nhỏ.
"Trăng sáng ghê Dũ há"
Cậu chủ nhỏ nghiêng đầu nhìn cặp mắt long lanh như có nước của nhóc.
"Tớ thì thấy mặt trời sáng hơn"
"Tào lao, ban ngày với ban đêm sao mà so được"
Không, tớ so được, có là ban đêm đi chăng nữa, mặt trời nhỏ của tớ vẫn sáng hơn.
----
Lúc về nhà tôi cứ đi qua đi lại ngẫm nghĩ, cô hoa giấy hỏi tôi tương tư ai rồi à làm tôi giật mình giãy nảy. Tôi chỉ là đang thắc mắc liệu rằng cậu chủ nhỏ có thích chè trôi nước không nhân, và nhóc Nguyên có thích bánh trung thu không vỏ không. Tôi không biết, đến sau này vẫn không biết, chỉ biết là lúc nào cậu chủ nhỏ cũng múc chè trôi nước không nhân vào chén nhóc Nguyên, còn nhóc Nguyên cạp hai cái vỏ bánh là đủ ngán rồi, bụng dạ đâu mà ăn thêm nhân bánh nữa.
Cô hoa giấy phì cười, cô bảo thích hay không có gì đâu mà quan trọng, quan trọng là, dù không thích mà vẫn thương.
Thương như thương chè trôi nước không nhân, thương như thương bánh trung thu không vỏ!
---------
(1) Sưu tầm
(2) Thằng Cuội - Lê Thương
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro