Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

06. Những chiếc xe chở bình yên

Cuộc sống này có nhiều lúc không như chúng ta mong muốn nhưng cũng không tệ như chúng ta nghĩ.

Sau sự việc chơi xấu kia thằng Nổ phải xin lỗi nhóc Nguyên trước toàn thể các bạn trong lớp. Ba nó bắt nó xuống tận nhà xin lỗi ba mẹ Trương, sau đó chuyển lớp cho nó, như nghiệm ra bài học đầu đời, tính tình của nó dần thay đổi, bớt đáng ghét hơn chút xíu.

Cô giáo Mỹ thuật vừa tiếc vừa giận thay cho học trò cưng của mình, mà cô thấp cổ bé họng không làm được gì cho nhóc, nghĩ tới nghĩ lui cô mua tặng nhóc Nguyên một hộp màu nước làm quà an ủi. Nhóc Nguyên vui lắm, cảm ơn cô cả nửa ngày trời. Các anh độ đó cưng nhóc như cục vàng, cơm bưng nước rót tận mồm tận miệng chẳng để nhóc phải động một đầu ngón tay. Chỉ nhiêu đó thôi đã đủ để an ủi vết thương đau nhức của nhóc rồi, nhóc hồn nhiên nghĩ, tính ra thì bị chó cắn cũng không tệ lắm.

Cơ mà cậu chủ nhỏ thì không hồn nhiên như thế, cậu biết rõ nhóc đau thế nào, tối nào ngủ nhóc cũng rên ư ử như mèo con, bởi vậy cậu xót hết lòng mề. Mấy anh chăm nhóc một thì cậu chủ nhỏ chăm bằng mười, suốt ngày sợ đụng chạm vết thương của nhóc, cậu hết bợ nhóc đi học, rinh nhóc đi chơi, cõng nhóc đi ăn, chăm còn hơn mẹ chăm con.

Nhưng mà cậu xót cũng phải, nhóc Nguyên chịu đau đớn đã không vui rồi, nhóc lại còn mang thêm ám ảnh tâm lí nữa chứ. Bình thường mạnh mẽ cỡ nào thì sự thật nhóc vẫn là một đứa con nít, bị dọa cho một trận như thế bây giờ chỉ nghe tiếng chó sủa đằng xa thôi nhóc đã rùng cả mình. Mấy ngày đầu đi học lại, trên đường mà nhìn thấy bóng dáng con chó nào là nhóc đổ mồ hôi lạnh, vòng tay ôm hông cậu chủ nhỏ cứng ngắt, cái đầu nhỏ chôn vào lưng cậu. Cậu chủ nhỏ phải vỗ vỗ tay nhóc an ủi.

"Đừng sợ, có tớ ở đây mà"

Dù nỗi sợ không thể tan biến ngay tức khắc nhưng ít ra nó đã bị sự dịu dàng của cậu chủ nhỏ trấn áp ít nhiều.

----

Hồi đó ở xóm tôi có nhiều cây ăn quả lắm, hầu như nhà nào cũng trồng một hai cây, vừa cho bóng mát vừa có trái ăn, ổi, xoài, nhãn, mận, dừa tràn lan hết cả. Lúc chưa bán đất ông bà nội trồng đủ loại trên miếng đất nhà nhóc Nguyên bây giờ. Tới hồi xây nhà phải đốn bỏ hết, bà tiếc gần chết. Tiếc nhất là cây trăm được trồng từ hồi bà cố còn sống, năm nào cũng say trĩu quả, đợt nó bị chặt ngay mùa quả chín, nhóc Nguyên được cho ăn thử rồi đâm ra bị ghiền. Vậy là năm nào đến mùa trăm chín nhóc cũng triệu hồi các anh đi hái trộm ở nhà ông Tám. Mọi người đừng thắc mắc sao cứ phải hái trộm, tại đồ ăn trộm lúc nào cũng ngon hơn một chút ớ.

Ông Tám là người khó có tiếng ở cái xóm này, lần nào đến nhà ông trộm mấy anh đều rén dữ lắm, mà ngặt nỗi cả xóm này chỉ có mình nhà ông có cây trăm thôi. Mấy đợt trước có nhóc Nguyên gánh team còn đỡ, bây giờ nhóc thành thương binh rồi, mấy anh cứ nhường qua nhường lại xem đứa nào hy sinh vào tròng. Nhóc ngồi nghe tức muốn nổ bong bóng.

"Mấy anh nhát như thỏ đế á, mấy lần em trèo vô có sao đâu"

"Tại mày chưa bị bắt lần nào, hồi bữa thằng Hùng ngắt mấy trái khế bị bắt tại trận. Ông Tám lôi nó vô nhà cho nó uống nước trà đắng nghét, giảng cho nó nghe tám chục bài kinh xám hối. Bắt nó đọc khi nào thuộc mới thả về đó"

"Thôi khỏi cần nhắc, tao thề tao tởn tới già"

"Vậy giờ không ai hái trăm cho em à? Em thèm lắm, mấy anh không thương em nữa hả?"

Nhóc Nguyên khôn bỏ xừ, nhóc biết mỗi lần nhóc trưng ra bộ dạng tủi thân là không ai từ chối nổi. Mấy anh trố mắt nhìn nhau đầy thương tâm, cuối cùng quyết định may rủi bằng trò oẳn tù tì. Kết quả người phải hiến thân trèo cây là anh Đằng với anh Chương, cậu Siêu anh Mặc đứng ở dưới canh chừng báo động.

Mới đầu thuận lợi lắm, được nửa đường anh Chương vô ý đạp trúng nhành cây khô rớt lên đầu anh Mặc. Ta nói hai cái người này là oan gia truyền kiếp, anh Mặc tưởng anh Chương kiếm chuyện với mình, ảnh rống lên chửi bới ỏm tỏi. Cậu Hùng với cậu chủ nhỏ đứng ngoài đường còn nghe, sợ không ai biết mình đi ăn trộm hay gì mà chửi nhau như hát tuồng.

Ông Tám đạp đôi dép lào lẹp xẹp đi ra, cậu Siêu hoảng hồn bỏ chạy, mấy anh kia nghe động tỉnh cũng thi nhau dọt lẹ. Lúc bình an vô sự rồi mấy anh mới thấy kì kì.

"Ủa Đằng, quần của mày đâu?"

Nhìn cảnh anh Đằng lúc đi nguyên vẹn lúc về bán khỏa thân cả hội cười muốn lếch, thì ra trong lúc nguy cấp cái quần của anh Đằng mắc vô cành cây, tám chục bài kinh xám hối xẹt qua đầu ảnh, ảnh bỏ của chạy lấy người luôn. Giờ ảnh nhục không biết giấu cái mặt vô đâu.

"Tại hai thằng khứa này nè, cái miệng bài hãi bài hãi, làm mất cái quần của bố"

Cậu chủ nhỏ phải bức đại tàu lá chuối quấn khố cho ảnh về nhà thay quần. Vậy mà thương lắm, mất quần ảnh không lo, cứ lo giữ khư khư nắm trăm hái được trong vạt áo đem về cho nhóc Nguyên.

Tên siêu quậy ở nhà ngó thấy mấy anh đem trăm về cho mình cười khoái chí, chưa kịp rửa đã bỏ vào miệng mấy trái liền, nhai đã đời phun hột phẹt phẹt rồi lè cái lưỡi tím ngắt ra trêu cậu chủ nhỏ. Cả đám tụm năm tụm ba dành nhau một nắm trăm sứt đầu mẻ trán.

"Ủa mà sao bữa nay không thấy anh Hằng ta?"

Nhóc Nguyên mãi lo ăn giờ mới để ý thấy thiếu quân số.

"Nãy tao lên rủ mà ảnh nói bữa nay không đi chơi được, nhìn ảnh buồn buồn, hỏng biết nhà có chuyện gì?"

Cậu Siêu nhớ lại nét mặt lúc nãy của anh Hằng, cứ lo lo trong lòng. Anh Mặc nghe vậy sực nhớ tới lời má ảnh mới nói hồi sáng.

"Tao biết nè, má tao nói hình như mẹ ảnh sắp lấy chồng khác"

"Lấy chồng gì, hong phải mẹ ảnh đang chờ ba ảnh về hả?"

"Ai biết đâu má tao cũng nghe người ta nói vậy thôi"

"Đi, đi tìm ảnh liền, đâu có để ảnh buồn một mình được."

Anh Hằng nhìn một đám nhoi nhoi trước cổng nhà mình ngơ ngác, sau khi bị mấy anh tra khảo một hồi ảnh cũng chịu khai ra. Câu chuyện về gia đình ảnh dài lắm, má ảnh là con nhà giáo, ông bà ảnh sống theo lễ giáo gia phong, coi trọng xuất thân, học thức. Còn ba ảnh là người trong đoàn hát hội chợ, sống rày đây mai đó. Hồi biết ba mẹ ảnh yêu nhau, ông bà cấm cản đủ đường, cuối cùng chịu không nổi cái cảnh bị ông bà nhục mạ, ba ảnh bỏ đi xứ khác làm ăn, hứa với mẹ ảnh khi nào lập nghiệp thành công mới quay về.

Rồi đùng cái mẹ ảnh phát hiện mình mang bầu, mặc kệ ông bà phản đối vẫn một mình sinh con. Hồi đó xóm làng dị nghị dữ lắm, mẹ ảnh vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình. Suốt mấy năm nay ông bà hết lòng khuyên nhủ, mai mối nhiều người mẹ ảnh vẫn không ưng, mà mong ngóng biết bao lâu, vẫn không có một mống tin của ba ảnh.

Cái đâu mấy ngày gần đây, bà Hai lên thành phố khám bệnh gặp một người trông giống ba anh Hằng lắm, mà người ta có vợ con đuề huề rồi. Vậy là khi về bà Hai đi đồn thổi chuyện này khắp xóm, từ miệng người này qua miệng người nọ, phóng đại thêm đủ loại tình tiết. Ông bà anh Hằng nghe được chuyện, lên ruột lên gan, ép mẹ ảnh phải đi lấy chồng nếu không ông bà có chết cũng không yên lòng.

Lời nói thật sự có thể giết chết con người, cậu chủ nhỏ là người được nếm trải chân lí này rõ nhất. Hồi bé cậu từng ngập ngụa trong những lời bàn tán chói tai. Hàng xóm láng giềng, bà con họ hàng hay đùa với ông chủ rằng nhà gặp vận dữ quá thì lấy thêm một cô vợ đi, không thì ra ngoài sinh thêm đứa con gái về nuôi giải hạn. Thêm những lần họ dắt theo con cháu qua nhà tôi, cậu chủ nhỏ mà ló mặt ra thể nào họ cũng kêu cậu lại chơi với em đi, chắc muốn có em lắm mà không được chứ gì.

Mấy câu bông đùa ấy không hề vui tí nào, lọt vào tai bà chủ như dao cắt thịt. Có lần bà tủi thân đến cùng cực, đề nghị với ông chủ sinh thêm con. Ông chủ dĩ nhiên không thể để bà chủ liều mạng như thế, lời qua tiếng lại cãi một trận thật to.

Sự sụp đổ của người lớn, luôn đến và đi một cách bất thường. (1)

Như mẹ anh Hằng có thể vin vào một lời hứa suông mà vững dạ bao nhiêu năm nay, rồi cũng vì một lời nói suông mà sụp đổ. Cuối cùng ngậm ngùi đồng ý đi xem mắt người ta.

Như bà chủ tôi luôn dùng tình yêu chồng con mà gồng mình chống chọi với định kiến của bà nội, rồi sụp đổ bởi những thị phi miệng đời.

----

Anh Hằng nói anh không giận ba, ông ấy đâu có biết sự tồn tại của ảnh trên đời này. Ảnh chỉ thương mẹ ảnh, bị nỗi đau dằn vặt theo tháng năm đằng đẵng.

"Lỡ như người bà Hai nhìn thấy không phải ba anh thì sao?"

Nhóc Nguyên không hiểu hết suy nghĩ của người lớn, nhóc đơn giản nghĩ thế này, con người ấy, bị ép ăn món mình không thích đã khó chịu rồi, đằng này phải lấy người mình không yêu, sống với người ta cả phần đời còn lại, khổ sở biết chừng nào.

"Đúng đó, lỡ ba anh vẫn đang làm lụng vất vả chờ ngày đoàn tụ với mẹ anh thì sao?"

Cậu Siêu cũng thấy tiếc cho mối tình dang dở của người lớn, cậu mất ba mẹ từ hồi chập chững đứng chựng, sự thèm muốn đối với hai chữ quý giá đấy chất đống trong lòng cậu. Cậu quý anh Hằng lắm, hồi nhỏ anh Hằng nhiều lần xả thân bảo vệ cậu và cậu Hùng khỏi những tiếng cười cợt coi thường, vì thế hơn ai hết cậu mong anh Hằng nhất định phải hạnh phúc.

"Nhưng mà năm nay anh lên lớp sáu rồi, ba anh muốn về thì đã về từ lâu. Mẹ anh phải chờ đến bao giờ, ông bà ngoại nói thanh xuân của mẹ hết mất rồi"

"Vậy anh có hỏi mẹ việc chờ ba anh với việc phải lấy người khác, cái nào buồn hơn chưa?"

Cả đám nghe câu hỏi của cậu chủ nhỏ xong trầm ngâm hết cả, chẳng ai nghĩ tới việc này.

Con người hãy đối xử thật dịu dàng với chính mình, hãy đơn giản hóa những chuyện phức tạp, giữa một biển lựa chọn, cái nào cũng buồn, hà cớ gì ta không chọn phương án ít buồn hơn.

Đương lúc buồn nẩu ruột, bên nhà anh Chương vang lên tiếng check micro, bác Lưu mới sắm dàn karaoke mới, chiều nào vợ chồng bác cũng mở mic phục vụ văn nghệ cho cả xóm.

"Alo 1,2,3,4...4,3,2,1...5,10,15,20"

Sau màn khởi động huyền thoại, âm nhạc chính thức vang lên.

"Ầu ơ...Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai
Chẳng thà ăn sắn, ăn khoai
Không ở dượng ghẻ om tai láng giềng"

Tôi chửi trong lòng một tiếng "đệch" nhạc gì mà hợp hoàn cảnh quá, mấy anh tôi nhìn nhau quan ngại sâu sắc.

"Ê Chương hong ấy mày chạy về nhà đổi bài khác cho mẹ mày hát đi"

"Thôi tao xin, mới bữa kia cha con tao tranh nhau cái mic bị mẹ tao quánh cho bờm đầu tới giờ còn sưng đây nè"

Cả bọn cứ nơm nớp sợ anh Hằng nghe cái bài này xong nước mắt lưng tròng, thi nhau chuyển chủ đề qua chuyện khác, may là lúc đấy ông Tư xuất hiện cứu cánh cho mấy anh. Ông Tư không phải người xóm này, ông có một xe bán kẹo kéo, kẹo chỉ, địa bàn buôn bán của ông rộng lắm, hầu như đi chỗ nào cũng gặp được ông. Đều đều mỗi chiều ông sẽ chạy qua xóm tôi, không có giờ giấc cố định, đứa nào số đỏ thì đón được. Ông vui tính lắm, bán cái kẹo hỏng có nhiêu tiền hết trơn mà ông đứng kể chuyện gần nửa tiếng đồng hồ.

Nhiều đứa dù không có tiền mua kẹo vẫn tụ lại nghe ké tí chuyện, ông kể hồi xưa ông đi lính, mình ông quật hết mười thằng lính Tây bự như hà mã, ông quăng lưu đạn cho tụi nó chết chùm, rồi ông còn làm bộ diễn lại cảnh ông nã đạn lúc giáp lá cà ra sao. Đứa nào đứa nấy tròn mắt ngưỡng mộ, tấm tắc về độ ngầu lòi của ông.

Ông tài lắm, tên của mấy đứa trong xóm ông nhớ hết á, mà không phải mỗi xóm này, chỗ nào ông đi qua ông đều nhớ cả. Bữa nay thấy cả hội tụ tập trước nhà anh Hằng, ông dừng xe cái két hỏi thăm liền.

"Ê thằng quỷ nhỏ, nghe đồn mày bị chó cắn hả?"

Nhóc Nguyên chìa cái chân đầy thẹo của nhóc ra méc ông Tư.

"Dạaaaaa, ông coi nó cắn muốn nát cái giò con"

"Tội ghê hong, chắc đau dữ lắm, bữa nào ông đi ngang ông tét đít con chó đó cho mày. Rồi tụi bây có đứa nào ăn kẹo không, bữa nay kẹo chỉ có dừa bào ngon lắm à nha"

Ăn thì muốn đó mà cả hội không đứa nào có tiền lận lưng, nhóc Nguyên cười cầu tài nhìn ông Tư.

"Hì hì tụi con hỏng có tiền, ăn thiếu một bữa nha ông Tư"

"Thôi tao không chơi thiếu, mắc công nhắc nợ tao mệt lắm. Bữa nay ông chơi lớn không tính tiền mày luôn"

"Thiệt hả ông?"

"Tao có xạo tụi bây bao giờ, tới ăn lẹ lên, coi như tao bán hết sớm về đi nhậu"

Vậy thôi là đủ làm tâm tình các anh tươi vui trở lại, cả đám reo hò tung hô ông Tư là số một.

Thấy vậy thôi chứ mấy ai biết được hoàn cảnh của ông Tư đâu, ông nội kể cho tụi tôi nghe, ông Tư từng có vợ với năm sáu đứa con gì đấy. Đang êm ấm hạnh phúc thì giặc kéo tới, ông xung phong ra chiến trường, mưa bom bão đạn không quật ngã được ông, vậy mà tới hồi ông mang chiến thắng trở về vợ con ông đều mất hết cả. Từ đó ông cứ sống thui thủi một mình, cả ngày rong rủi ngoài đường pha trò mua vui cho biết bao đứa trẻ, không biết phần đau thương kia ông giấu đi đâu rồi.

Ngoài xe kẹo kéo của ông Tư, nhóc Nguyên còn một chiếc xe ruột khác nữa, xe kem của chú nón rơm. Gọi là chú nón rơm vì không ai biết tên thật của chú, do quanh năm suốt tháng chú đồng hành với cái nón rơm trên đầu nên người ta gọi như thế. Chú kể cái nón đó do vợ chú bện cho, chú quý lắm, mặc cho nó nát bươm cả rồi chú vẫn cứ đội. Trên xe chú treo một cái chuông nhỏ, mỗi lần rẽ vào xóm chú chỉ cần lắc lắc cái chuông là bọn trẻ liền nhận được ám hiệu. Nhóc Nguyên mỗi lần nghe tiếng leng keng ấy là phi thân cái một ra đường, mặc kệ có nhiều bữa nắng bể đầu, sỏi đá dưới chân nóng muốn rợp da. Kem mà chú bán là loại que tròn có nhiều vị, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, sầu riêng...vị ngọt thanh, vừa thơm vừa béo, bây giờ có muốn tìm mua cũng không biết lần đâu ra.

Tuy chú không vui tính như ông Tư nhưng hào sảng thì không kém miếng nào, chỉ cần nịnh chú một chút là chú cắt cho que kem thiệt dài. Tại vợ chồng chú không có con nên chú thương con nít lắm, mỗi que kem mà các anh ăn như được chú gửi gắm tí nỗi niềm nho nhỏ, bởi vậy hương vị mới khó quên đến thế.

Ăn xong kẹo kéo thì cả bọn tản ra đi về, câu chuyện nhà anh Hằng cứ ngổn ngang dang dở, vài ngày sau đấy ảnh vẫn buồn thiu. Cho tới một tối, cũng không khuya lắm, nhóc Nguyên đang chăm chú vẽ tranh bằng hộp màu nước cô giáo tặng thì nghe tiếng leng keng giống hệt tiếng chuông trên xe của chú nón rơm. Quái lạ, giờ này chú còn chạy ngang đây làm gì, hỏng lẽ bữa nay ế tới độ chú phải làm thêm buổi tối. Nhóc nhịn không được chạy ra ngó một chút, lạ hơn nữa là nhóc không chỉ nhìn thấy chú nón rơm mà còn cả ông Tư nữa, sau xe ông không có thùng kẹo quen thuộc, ông chở theo người nào đấy lạ hoắc.

Cơn tò mò chưa dứt đã thấy anh Chương hớt hải chạy xuống nhà nhóc thông báo ba anh Hằng về rồi, về thật rồi!

Ai cũng nghe thấy hết cả, cả đám chộn trộn như chim chích bông xách mông chạy lên nhà anh Hằng. Cuộc hội ngộ bữa đó đẫm nước mắt lẫn tiếng cười, thì ra ba anh Hằng về lâu rồi, sau bao năm lang bạt kiếm đủ vốn, mấy năm trước ông về mở một vựa trái cây trên huyện á. Ba ảnh vẫn chưa quên lời hứa với mẹ ảnh, ổn định cơ sở làm ăn xong liền tìm về xóm tôi, xui thay nhìn thấy cảnh mẹ mẹ con con lại hiểu nhầm người thương của mình đã yên bề gia thất, ông đành im lặng rời đi. Vậy mà lòng nhịn không được, lâu lâu vẫn lén về đây nhòm ngó một cái dằn xuống nỗi nhớ mong.

Bởi hay kiếm cớ vì công việc thập thò ngang xóm tôi nên ba anh Hằng làm quen được ông Tư, hai người thành bạn nhậu chí cốt, trùng hợp sao ông Tư lại quen biết chú nón rơm. Lắm cái trùng hợp như vậy thế mà đến hôm nay cái trùng hợp cần nhất mới xuất hiện. Lúc nghe chuyện của ba anh Hằng trên bàn nhậu ông Tư cứ ngờ ngợ, tới hồi hỏi rõ ra ba người nhìn nhau một cái liền không nhiều lời xách xe chở ba ảnh tới đây ngay.

Anh Hằng nước mắt nước mũi tèm lem ngây ngốc nhìn ba ôm mẹ, cũng khó cho anh quá, khoảng cách xa lạ mười mấy năm trời, tiếng gọi ba cứ nghẹn ứ ở cổ họng. Cậu Siêu đứng kế bên nhắc bài cho ảnh.

"Ôm ba đi anh, ôm ba đi"

Ảnh không nhích nổi chân, cậu Hùng nhìn anh Hằng đứng như trời trồng, nhìn gương mặt đầy khổ tâm lẫn mong chờ của ba ảnh mà bực mình. Cậu thẳng tay đẩy lưng anh Hằng một cái, nhào vào lòng ba ảnh. Thêm một màn nước mắt cùng lời xin lỗi trào ra.

Ông Tư và chú nón rơm bên cạnh cũng rưng rưng, tôi ngưỡng mộ hai người ghê. Trên đời này có những người tiêu cực cứ chăm chăm vào nổi đau mà sống trầy trật, cũng có những người ôm hàng vạn thương đau vẫn cố mang tới chút niềm vui bình yên cho đời. Xe của ông Tư hay xe của chú nón rơm đối với tôi không đơn thuần chỉ là xe kẹo, xe kem. Tôi gọi những chiếc xe này là xe chở bình yên. Chúng chở tới bình yên của năm tháng, chở tới niềm vui của đám trẻ xóm làng. Và cũng chở đi những muộn phiền trăn trở của con người.

Việc nhà người ta, nhiều chuyện nhiêu đó đủ rồi, đoàn tụ là viên mãn, tình cảm cứ theo thời gian mà vun vén, đời người vẫn còn dài mà.

Sáng hôm sau lúc chuẩn bị đến trường, nhóc Nguyên nhìn thấy cảnh ba anh Hằng lúng túng đưa ảnh đi học mà vui lây. Nhóc ngồi phía sau xe đạp líu lo với cậu chủ nhỏ.

"Mẹ tớ nói từ rày nhà anh Hằng tìm được bình yên rồi đó Dũ"

"Ừ"

"Tớ có hỏi mẹ đoàn tụ thì gọi hạnh phúc chứ sao lại bình yên?"

"Rồi mẹ trả lời nhóc sao?"

"Mẹ nói sống phải bình yên cái đã rồi mới mong cầu hạnh phúc"

"Vậy nhóc thấy nhóc sống có bình yên không?"

"Có chứ, mỗi ngày được Dũ chở đi học thế này là đã thấy bình yên rồi nè. Mà lần này nhờ hết vào ông Tư với chú nón rơm Dũ hén, tớ quyết định rồi, từ giờ không ăn đá bào nữa để dành tiền mua kẹo kéo, mua kem ủng hộ ông với chú"

"Ăn ngọt cho lắm vào, sâu đục răng đừng có khóc với tớ"

Nhắc tới chuyện ăn nhiều nhóc Nguyên lại phiền lòng, bữa giờ dưỡng thương nhóc toàn ăn với ăn, mẹ nhóc sợ tiêm thuốc phòng dại xong ốm o gầy mòn nên cứ liên tục bồi bổ cho nhóc. Bạn bè trong lớp ai cũng nói nhóc phát phì rồi, nhóc rầu dễ sợ, nhìn cậu chủ nhỏ hì hục chở nhóc mỗi ngày nhóc càng tủi thân cho cái bụng tròn vo của mình.

"Dũ chở tớ có thấy mệt hong, dạo này tớ ăn nhiều thiệt bụng tớ sắp bự hơn bụng bé Hành rồi"

Ủa? Mắc cái gì phải so với bụng của tôi?

"Không mệt"

"Xạo, không mệt mà mồ hôi tuôn như suối"

"Thiệt, nhóc được mỗi cái bụng, tay chân gầy còm như que củi ấy. Làm gì như bé Hành, chỗ nào nó cũng mập"

Ừm tôi ổn, tôi không sao!

"Vậy tí nữa tới lớp Dũ mua thêm cho tớ hai cái bánh cam nhen"

"Ừ"

Nhóc Nguyên được chiều cười không thấy con mắt đâu nữa, nhóc đung đưa cái chân có vết thương đang kéo da non ngẫm nghĩ, bình yên thế này thật tốt.

Còn tiếng lòng của ai kia nhóc chẳng thể nghe thấy, câu trả lời vừa nãy cậu chủ nhỏ giấu đi một nửa mất rồi, đầy đủ phải là.

"Không mệt, tớ chở bình yên của tớ, sao mà mệt được"

Bình yên là như thế nào? cậu chính là đáp án. Lúc cậu đi cùng với tớ, tớ không còn ngưỡng mộ bất kì ai nữa. (2)

-----------

(1) Sưu tầm

(2) Sưu tầm

Đa số những câu trích dẫn mình hay lấy từ các bài thảo luận của group Weibo Việt Nam hoặc các bài viết ngắn mình tình cờ đọc được, những câu có tên tác giả mình sẽ chú thích rõ còn những câu không tìm được tên tác giả mình sẽ chú thích là Sưu tầm, nếu bạn nào đọc những trích dẫn mà biết tên người viết cmt giúp mình để mình bổ sung nhé ^^

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro