Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

oOo

[Zhihu Ask] Bạn đã thoát khỏi bóng đêm như thế nào vậy?

---
[+3140, -88] Tôi tin rằng mọi người sẽ nghĩ những lời sau đây là sáo rỗng, nhưng điều đưa tôi ra khỏi bóng đêm chính là tình yêu.

Chia sẻ một chút về tôi vậy, tôi từng là tội phạm vị thành niên, hiện tại đã là một công dân hết sức mẫu mực, "chịu giám sát" bởi một cán bộ công an. Đúng rồi, bạn nghĩ đúng rồi đó, cán bộ ấy là người yêu tôi, cũng là người giúp tôi cảm nhận được tình yêu và kéo tôi khỏi vực thẳm.

Có rất nhiều yếu tố để hình thành nên một tội phạm vị thành niên, nhưng bằng kinh nghiệm và sự quan sát của mình, tôi thấy đa phần đều là vấn đề từ cốt rễ gia đình. Tỉ lệ phạm tội của những đứa trẻ có gia đình từ bình thường đến tốt đều luôn ít hơn so với những gia đình không tốt. Trong quan niệm của tôi, một gia đình tốt là một nơi mà ai trong gia đình ấy cũng cảm thấy bản thân mình thật sự đang sống về mặt tinh thần. Tôi thì không may mắn đến thế, dẫu cho tôi biết bố mẹ mình là ai, nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể chấp nhận xem đó là một gia đình.

Tôi sinh ra trong một khu ổ chuột, tiện nghi không đầy đủ, môi trường sống có chút nguy hiểm. Bố mẹ tôi đều làm những việc không lành mạnh cho lắm, vì thế tôi thường xuyên tiếp xúc với những hạng người không đâu ra đâu. Tôi không muốn đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng bạn thử nghĩ xem, một đứa trẻ con vốn dĩ đều nhờ việc bắt chước những người xung quanh mình để lớn lên, học ăn học nói. Từ bé tôi đã tiếp xúc với những tư tưởng có chút lệch lạc, mà bản thân là không hề biết đó là lệch lạc. Mãi cho đến khi đi học mẫu giáo, tôi chịu sự xa lánh của bạn bè, và nhìn cách bọn họ được bố mẹ chăm lo, tôi mới đặt ra những câu hỏi về gia đình mình. Đây có phải là gia đình không? Sao bố mẹ không làm thế với mình? Ngày hôm đó đi học về, lần đầu tiên tôi đòi mẹ mua một con siêu nhân, bà ấy nhìn tôi với ánh mắt không tin được, sau đó vứt một đồng cho tôi rồi bảo tự đi mua đi. Một đồng khi ấy chỉ mua được một cục kẹo mà thôi. Từ ấy tôi không đòi bố mẹ mua cho cái gì khác, và cũng dần bất mãn với nơi mà mình đang sống. Một đứa trẻ bất mãn thì làm được gì chứ, cáu bẳn một chút cũng chẳng ai dỗ, cứ thế tôi cũng dần quen, mỗi ngày chỉ về nhà để ngủ, sau đó lại đi khắp cùng đầu đường xó chợ.

Học mẫu giáo được vài hôm thì tôi không được đến lớp nữa, tôi nghe bảo bên tổ dân phố có xuống vận động bọn họ cho tôi đi học nhưng họ không chịu, bảo tốn tiền. Sau đấy là những tháng ngày phá làng phá xóm, mãi cho đến năm tôi mười sáu tuổi.

Năm ấy xã hội chưa phát triển như hiện tại, sự tác động của nền kinh tế hàng hoá chưa quá lớn mạnh, nên bọn trẻ ranh như tôi không làm được mấy việc gì to tát, cùng lắm là hẹn nhau ra đánh một trận, đua xe, đánh bạc, trộm cắp, phá phách, hay đi gọi gái. Tôi năm ấy cũng được xem là dân anh chị vì sức đánh như trâu, cho nên các vị có thể hiểu là chưa có gì đã liệt kê mà tôi chưa từng trải qua. Năm ấy vì xô xát với một đám phía Nam, không may gặp phải cảnh sát đi tuần tra, thế là cả đám bị đưa lên đồn cảnh sát.

Đây cũng là lần đầu tôi gặp được "cán bộ", cứ gọi là Tiểu Lục đi. Năm ấy Tiểu Lục chỉ vừa ra trường, là chân sai vặt trong đồn cảnh sát, tối đó là ca trực của anh. Tiểu Lục có ngoại hình rất khá, lần đầu gặp tôi còn không nghĩ cảnh sát cũng có người đẹp trai đến vậy. Ở anh có một cảm giác liêm khiết đến nỗi tôi tự cảm thấy mình bẩn, không xứng đứng gần anh. Hôm ấy anh là người lo liệu việc gọi người thân của chúng tôi. Bọn đó chỉ là một đám nhóc con hiếu thắng, lúc đánh nhau thì hăng, tới khi bị đưa lên đồn liền run như cầy sấy. Dẫu sao chúng cũng chỉ là con của bố mẹ chúng.

Lúc ấy tôi ngồi một góc nhìn người thân chúng nó rối rít lên gặp con, nhìn một lúc thì buồn ngủ, sau đó tôi thật sự ngủ gục ngay trên ghế. Mãi một lúc sau mới có người lay tôi dậy, mở mắt ra lại thấy nụ cười của Tiểu Lục, "Bạn nhỏ, uống chút sữa đi."

Tôi nhớ chính xác câu nói ấy sau ngần ấy năm bởi vì đó là lần đầu tiên có người gọi tôi là "bạn nhỏ", cũng là lần đầu tiên có người mời tôi sữa. Lúc ấy tôi cứ đực mặt ra nhìn hộp sữa dâu trên tay anh, rồi lại nhìn anh, cảm thấy thật sự phi thường.

"Em không thích vị dâu hả? Nhưng anh chỉ còn mỗi hộp này thôi."

Sau đó tôi đành nhận hộp sữa, vốn dĩ cũng đã đói, mà lại không biết khi nào mới được ăn. Tôi ngồi đó chờ người đến bảo lãnh, chờ đến lúc ở đồn chỉ còn mình tôi. Tiểu Lục có vẻ là thanh niên nhiệt huyết với đời, được lí tưởng dẫn lối, cho nên anh mới quan tâm đến tôi. Những lần trước tôi đều ngồi ở góc ấy như người vô hình, vẫn là kẻ sau cùng được đến bảo lãnh, nhưng chẳng ai quan tâm.

Tiểu Lục là người đầu tiên.

Anh đưa cho tôi băng bông và thuốc sát trùng, cũng không hỏi gì hơn rồi tan ca. Thật may là anh ấy đã không hỏi gì hơn, vì anh chỉ cần tiến đến một chút nữa thì rào chắn của tôi sẽ thật sự sụp đổ. Trẻ con thật ra rất dễ tủi thân.

Sau lần ấy tôi bị đưa vào trại giáo dưỡng vì vi phạm quá nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, và lần xô xát trước còn đem theo vũ khí. Ở trong ấy thật sự là một trải nghiệm bức bối, những giờ học văn hoá tôi lại ngủ, chỉ có lúc vận động chân tay là được việc nên các giám thị cũng nương tay. Mà điều làm tôi thật sự sụp đổ khi ở nơi ấy chính là bố mẹ, bọn họ thật sự từ bỏ tôi. Cảm giác chờ đợi trong vô vọng, chỉ để nhận được một cuộc gọi từ một người hàng xóm rằng bố mẹ đã dọn đi nơi khác sống rồi, còn là tận đầu kia của đất nước. Lần đầu tiên tôi đối mặt với bản thân rằng tôi đã luôn khát khao được bố mẹ yêu thương, tôi không phải thằng nhóc cứng đầu, cũng không phải là người vô cảm.

Trưa ấy không thể ngủ, tôi liền lén ra sân sau, vốn định theo lối cũ trốn ra ngoài, nhưng tôi lại bắt gặp bao thuốc lá ở ghế đá gần đó. Giống như có điều gì thôi thúc, tôi lén lấy từ hộp ra một điếu thuốc. Tôi còn nhớ rõ bàn tay tôi đã run đến mức nào, chỉ khi đưa được đầu lọc lên môi thì lòng tôi mới bớt rạo rực.

Tôi không châm thuốc, cứ ngậm không như thế một lúc để trấn tĩnh lại. Bỗng một bàn tay đặt lên vai tôi khiến tôi giật mình, quay lại thì thấy anh ấy, là Tiểu Lục. Chúng tôi đối mắt với nhau một lúc, anh nhìn điếu thuốc trên môi tôi, rồi lại nhìn bàn tay vẫn chưa bớt run rẩy kia. Bóng lá đổ lên dáng hình của anh, trong đôi mắt ấy là một thế giới thật khác.

"Viên, em không được hút thuốc đâu."

Sau đó anh lục trong túi áo đồng phục một viên kẹo sâm, bóc vỏ ra rồi đưa vào miệng tôi, sẵn tiện lấy điếu thuốc lá đi mất. Vị ngọt của kẹo và mùi sâm tràn ngập khoang miệng, tôi đã nói rằng anh đừng tiến thêm nữa, nhưng anh vẫn tiến, thế là sẵn dịp tủi thân tôi liền khóc một trận đầu tiên trong đời mình.

Tiểu Lục lúc ấy rất bối rối, anh cứ đứng đấy nhìn tôi một lúc, sau mới kéo tôi về phía ghế đá ngồi. Anh đợi tôi dứt mới hỏi han, tôi như trở về làm một đứa bé xả hết tất cả ra khỏi lồng ngực. Tiểu Lục tựa như là điều kì tích vậy, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi tâm sự với ai đó, lại còn là một người tôi chỉ gặp lần thứ hai.

Tôi tin rằng không có gì đủ lớn để chứa đầy những nỗi đau, quy luật của thế giới này là sự tuần hoàn, chỉ khi vạn vật lưu thông theo một quy tắc thì mới có thể tiếp tục tồn tại. Cho nên sau rất nhiều năm sống trên đời, tôi cũng bắt đầu để những nỗi niềm ấy được xoa dịu, được tuần hoàn. Cảm giác lúc ấy như sống lại một cuộc đời khác.

Tiểu Lục lắng nghe tất cả, anh nói rằng tôi đã rất giỏi khi có thể cố gắng đến hiện tại. Sau đó anh lại kể về mình. Câu chuyện ấy thật ra rất giống với nhiều câu chuyện đời người khác. Anh mồ côi từ nhỏ, sống với bà. Cuộc sống của hai bà cháu không khá giả mấy, năm ấy liều mình thi vào trường Công an cũng là vì được miễn học phí, lại còn có trợ cấp. Anh nói với tôi rằng vì đã trải qua cảnh nghèo đói, một đứa trẻ lớn lên trong nghèo đói thật sự rất thiệt thòi và đáng thương, nên anh quyết tâm không để cho con cháu sau này của mình cũng phải chịu cảnh ấy, thế là anh cố gắng học đến hiện tại.

Anh kể xong cũng không nói gì thêm, nhưng tôi hiểu anh muốn nói với tôi rằng chỉ có tôi mới có thể thay đổi được cuộc đời mình, và vì tôi đã hiểu nỗi đau từ một tuổi thơ như thế, thì hãy cố gắng cho thế hệ sau không bị lặp lại. Giống như một chú ếch cuối cùng cũng được nhìn thấy biển trời bao la, có chút sợ hãi, nhưng cũng khát vọng vô vàn. Tôi hỏi anh có thể kèm tôi học không, vì tôi thật sự bắt không kịp bài vở trên lớp. Tiểu Lục nghe thế thì cười rất tươi, nói được.

Có lẽ Tiểu Lục sẽ không bao giờ biết nụ cười ngày hôm ấy của anh và câu đồng ý đó mãi mãi là ánh sáng nơi cuối đường hầm mà tôi luôn cố gắng đuổi theo.

Thời gian tiếp theo tôi chuyên tâm học hành hơn, mỗi cuối tuần anh lại đến thăm. Vì anh có thẻ viên chức và mối quan hệ tốt với các nhân viên trong trại giáo dưỡng nên mỗi khi anh đến bọn họ đều chào đón rất nhiệt tình. Các giám thị khi thấy anh giúp tôi học trong phòng đọc sách thì cũng du di cho những lần anh ở lại lố giờ thăm. Tôi từ dạo ấy cũng kết bạn được với nhiều người, nhất là thầy Đại Trương, là bạn cùng trường cấp ba với Tiểu Lục.

Hai năm trong trại giáo dưỡng sắp kết thúc, Tiểu Lục cũng được thăng chức, thời gian dành cho công việc cũng nhiều hơn, nhưng vì mối quan hệ của tôi trong trại đã tốt hơn rất nhiều nên cũng không chịu cảnh cô đơn lẻ bóng. Hôm ấy anh lại đến, chúng tôi ngồi ở nhà ăn vừa nói chuyện vừa uống trà sữa. Cuộc nói chuyện không đầu không đuôi lại quay về vấn đề kế hoạch của tôi sau khi ra khỏi trại.

Thật ra tôi cũng chưa tính kĩ, chỉ nghĩ là tìm một việc gì đó để làm, thuê một căn trọ nào đó sống qua ngày. Tôi chẳng nghĩ xa đến việc tôi không có giấy tờ, hay tìm việc gì, sống ở đâu. Tôi cũng chẳng quan trọng những điều ấy lắm, tôi đã từng sống ở dưới đáy thì thế nào mà tôi chẳng chịu được. Sau đấy Tiểu Lục lại hỏi tôi có muốn về nhà anh sống không, chỗ không quá rộng nhưng đầy đủ tiện nghi. Tôi mới hỏi anh sao tốt với tôi thế. Anh cười rồi nói, vì anh xem tôi như em trai của mình. Lúc đó tôi cũng chưa nghĩ xa hơn về mối quan hệ của cả hai, nên khi nghe được lời ấy, tôi thật sự rất cảm kích.

Tôi dọn về nhà anh sống, là một khu trọ lành mạnh, bên dưới còn có những quán ăn đêm. Người dân xung quanh cũng rất tốt bụng, họ không vì những hình xăm hay vết sẹo lồi lõm của tôi mà lời ra tiếng vào, còn hết mực chiếu cố. Tôi lúc ấy liền nghĩ đến câu "vật họp theo loài", Tiểu Lục tốt như vậy, đương nhiên sẽ sống chung với những người tốt rồi.

Sau đó tôi có đi xin giúp việc tại một quán ăn cách nhà vài con đường. Buổi sáng Tiểu Lục đi làm, còn tôi ở nhà làm một chút việc dọn dẹp, đi học lớp bổ túc, sau đó nấu cơm tối trước để ở bàn ăn. Vì quán ăn tôi làm là quán ăn đêm, nên chiều tối mới là giờ tôi làm việc, làm cho đến bốn giờ sáng. Tiểu Lục về nhà thì tôi đã đi làm mất, nếu hôm nào anh được nghỉ phép hay tan ca đêm thì sẽ đến quán ngồi chơi một chút rồi cùng tôi trở về nhà. Dẫu sao bác chủ quán cũng là người quen của anh ấy.

Cuộc sống trông có vẻ bình yên, nhưng tôi đâu thể cứ bảo bỏ là sẽ bỏ được ngay những gì của quá khứ. Vì ngày xưa gây thù chuốc oán cũng nhiều, nên một vài rắc rối được dịp sẽ luôn tìm đến tôi. Giống như việc tan làm về sẽ bị chặn ở một góc đường để "hỏi han". Bởi vì đã từng hứa với Tiểu Lục rằng sẽ không đụng tới bạo lực nữa, nên gặp cảnh ấy tôi cũng chỉ biết chạy ra nơi đông người, cũng may là chân tôi dài. Nhưng có những lần không thể né tránh thì tôi vẫn phải xuống tay, chỉ là giấu nhẹm mấy vết thương đi không cho anh hay một tí gì.

Nhưng có một hôm trời xui đất khiến tôi tan làm cùng Tiểu Lục, thì một bọn lại đến chắn ngang đường.

"Thằng Viên lại có thể tởm hơn được nữa rồi này, là đi bám chân đàn ông để sống đấy, nghĩ mình xứng à. Này anh trai, thằng Viên thế nào, ngon chứ hả? Trông cũng trắng trẻo ra phết mà."

Lúc ấy tôi chỉ muốn xông lên đấm cho thằng đó vỡ cái miệng thối của nó đi, nhưng Tiểu Lục lại ngăn tôi. Anh đưa thẻ công tác rồi nói mình là cảnh sát, muốn gây hấn thì đi lên đồn. Bọn đấy nghe thế thì xanh cả mặt, chỉ dám quăng lại vài câu chửi vô thưởng vô phạt rồi chạy mất hút.

Thật ra tôi rất bực bội, cũng rất xấu hổ với Tiểu Lục, không hiểu vì sao bỗng dưng lại thế. Đoạn đường về nhà ấy chúng tôi chẳng nói gì. Sáng ấy lúc chuẩn bị đi ngủ thì Tiểu Lục lại sang phòng tôi, hỏi vấn đề ấy xảy ra lâu chưa, sao không nói anh biết. Tôi chỉ qua loa là vì không xảy ra thường xuyên, chuyện cũng không to tát gì nên không nói anh biết. Tiểu Lục nghe vậy cũng chẳng nói gì thêm. Nhưng những ngày tháng sau anh lại hay đến cùng tôi tan làm, mặc cho anh có ca trực sớm hay vừa mới tan ca đêm. Tôi hỏi anh vì sao lại làm thế, anh chỉ nói là anh muốn bảo vệ tôi. Tôi từng nói Tiểu Lục rất đẹp trai rồi đúng không? Nhưng trong khoảnh khắc anh nói ra những lời ấy, anh đẹp hơn cả vạn lần. Bạn hiểu không, là kiểu có hào quang toả ra xung quanh anh ấy, thật sự rất đẹp. Giây phút đó tôi nhận ra mình đã động tâm mất rồi. Tôi tự hỏi trên đời này sẽ có ai không yêu Tiểu Lục cơ chứ, anh ấy thật sự quý giá như thế kia mà.

Nhưng tôi biết bản thân mình cũng chẳng xứng, không cầu mong điều gì cao xa hơn. Bây giờ có thể sống với nhau như thế này, nhưng sau này anh ấy còn có gia đình, tôi còn chẳng nghĩ đến sẽ cùng anh như thế này mãi mãi. Cho nên khoảng thời gian ấy tôi cố gắng đối tốt với anh ấy, vừa học bổ túc văn hoá, vừa học nghề, tiết kiệm một chút để có thể dọn ra nơi khác tránh làm phiền anh ấy quá nhiều. Vì không muốn anh ấy cực nhọc cùng tôi tan làm vào cái giờ ấy nên tôi xin nghỉ việc, chuyển sang làm ở một quán mì. Làm việc ở đây tôi cũng phát hiện mình có năng khiếu về nấu nướng, thế là quyết định học nghề, vã lại khi thực hành còn có thể nấu cho Tiểu Lục ăn ngon.

Quãng thời gian ấy rất vui, chúng tôi dường như xích lại gần nhau một chút, nhưng mặc cảm của tôi vẫn còn đó, giống như hai trạng thái trái cực, anh càng đối tốt với tôi bao nhiêu, tôi càng cảm thấy mình không xứng bấy nhiêu. Dẫu sao hình xăm và vết sẹo vẫn luôn còn đấy. Tôi lại nhớ về lần đầu gặp anh, là cảm giác quá thuần khiết đến mức không muốn vấy bẩn. Tôi lo rằng mình sẽ vấy bẩn anh.

Nhưng Tiểu Lục mãi mãi là ánh sáng cuối đường hầm. Anh chẳng những nhận ra nỗi băn khoăn ấy, còn chủ động kéo tôi khỏi vực sâu, tựa như bao lần khác anh đã từng.

Được nghe anh ấy thổ lộ vào ngày đầu xuân, cảm giác giống như bắt đầu một cuộc đời mới. Mãi về sau tôi vẫn nhớ rõ cảm giác lần đầu được anh ôm vào lòng, ấm đến nỗi tôi thấy hốc mắt mình ẩm nước.

"Anh muốn chăm sóc em đến già. Cũng muốn được em chăm sóc đến già. Chúng mình già đi cùng nhau. Đừng nghĩ bản thân không xứng đáng, chỉ cần biết anh thật sự yêu em."

Tôi nhận thấy tình yêu thật ra rất diệu kỳ. Dẫu là tình gì đi chăng nữa, thì Tiểu Lục cũng đã dành hết cái tình của mình để cứu tôi hết lần này đến lần khác. Anh giúp tôi cảm nhận được yêu thương, ba năm bên anh cũng đủ để đứa trẻ thiếu thốn tình cảm năm ấy được chữa lành triệt để. Tôi từng nghĩ rằng không cần anh có muốn hay không, tôi vẫn sẽ chăm sóc anh đến già, nhưng may quá, là chúng tôi đã có thể cùng nhau.

Hiện tại chúng tôi sống rất tốt, đã dọn ra một căn hộ tiện nghi hơn. Vì dịch bệnh nên tôi không thể đi làm, liền chuyển sang mở tiệm bánh mang đi, mỗi ngày đều là nướng bánh rồi đưa cho shipper không ngừng nghỉ. Tiểu Lục thì lại được thăng chức, năm sau là có thể lên quân hàm mới rồi. Anh đã nói với bà chuyện chúng tôi, đợi dịch bệnh giảm một chút sẽ dẫn tôi về gặp bà, đến năm sau nếu mọi việc đều thuận lợi theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ nhận nuôi bé đầu tiên.

Bạn biết không, tôi cảm thấy cuộc đời mình rất thần kì. Chính tôi đôi khi cũng bất ngờ vì bản thân có thể thoát khỏi con đường ấy để tiến đến cuộc sống hiện tại. Nói sao nhỉ, chính là Thượng Đế sẽ không bỏ rơi ai, Ngài sẽ đưa đường dẫn lối, miễn là bạn đủ can đảm để nghe theo. Và trong ví dụ của tôi thì sự xuất hiện của Tiểu Lục chính là ánh sáng mà Thượng Đế ban tặng.

Mong rằng các bạn cũng sẽ tìm thấy được ánh sáng của mình. Tạm biệt!

end.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro