Giông bão (1)
Tháng mười một, trời bắt đầu trở lạnh, Tourane khắp nơi đều nghe tin tức bão. Ngày trước khi bão vào, các hàng quán trong chợ đều tan phiên nghỉ sớm. Bà con từ già tới trẻ ai nấy cũng tất tả ngược xuôi, người gánh người gồng để về nhà cho kịp trước khi trời đổ mưa.
"Bão sắp vô rồi, dọn hàng chị Năm ơi."
"Tiền đã không có mà cứ ăn rồi mưa với bão, khổ chi mà khổ dễ sợ."
Tôi ngồi trong nhà nhìn qua khe cửa khép hờ, thấy mọi người nhốn nháo qua lại, trong đầu tôi bỗng nảy ra một ý tưởng.
Tôi lấy ra một tờ giấy trắng, đặt nó nằm thẳng thớm trên bàn rồi cầm cây bút chì lên.
"Tourane ngày chín tháng mười một, năm một chín bốn mươi..."
Tôi bắt đầu vẽ, hình ảnh phiên chợ tan sớm của một ngày mưa bão đang hiển hiện trong đầu tôi.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới vẽ tranh lại. Bàn tay tôi lẽ ra không nên dành cho việc ghi chép mật thư, nó phải là bàn tay dùng để tạo nên những bức hoạ, bởi vì ước mơ của tôi là trở thành hoạ sĩ.
Tôi từng tưởng tượng nếu mình sinh ra ở thời bình, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ là một tình báo quân. Từ nhỏ tôi đã có sở thích đi đây đi đó và vẽ lại những cảnh đẹp của thế gian, thế mà xui rủi thay, tôi lại chẳng thể thực hiện được ước mơ của mình.
Nơi tôi đi tràn ngập máu đổ, cảnh tôi vẽ hoang vắng điêu tàn. Tôi luôn hỏi rằng liệu giữa chốn chiến trường hỗn loạn ấy, mình có thể tìm thấy chút bình yên của cuộc đời không?
Và đáp án là có. Tôi đã tìm được một vùng đất an nhiên mà bản thân tôi hằng mong muốn, đó chính là Annam.
Annam không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nhưng từ khi nào tôi đã xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Con người Annam mộc mạc, chất phác, mà trong những người đó thì Tư Thành chính là một điển hình.
Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ và thật thà kể cho tôi nghe về những thứ vặt vãnh của cuộc sống. Họ không mảy may biết rằng tôi là kẻ ghi chép lại lời kể của họ, để rồi tôi đem chính lời nói ấy tướt đoạt đi mạng sống, cướp lấy chút hạnh phúc giản đơn mà họ hằng mong mỏi.
Tôi biết tội lỗi mình to lớn, dù có chết một cách thê thảm cũng không thể trả hết những gì mà bản thân đã gây ra. Nhưng trước khi chết đi, tôi vẫn muốn lưu lại một chút kỉ niệm đẹp đẽ. Tôi sẽ giữ bức tranh đầu tiên và cũng là cuối cùng mà tôi vẽ Annam, với những con người đi chân đất, đội nón lá, dù nắng hay mưa cũng vẫn nở nụ cười trên môi. Và khi về lại Nhật Bản, tôi sẽ lấy nó ra để ngắm mỗi ngày, nhắn nhủ bản thân mình không bao giờ được quên vùng đất xa lạ mà ấm áp tình người.
"Anh Thái, anh Thái ơi."
Không biết là tôi có nghe nhầm hay không, giữa lúc mưa to gió lớn thế này mà sao Tư Thành lại sang tìm tôi vậy nhỉ?
Tôi lật chăn đứng dậy, vội chạy ra mở cửa. Trước mặt tôi, Tư Thành toàn thân ướt sũng như con mèo bị nhúng nước. Tôi xót ruột dẫn em vào nhà, thuận tay kéo cửa lại để ngăn bớt tiếng ồn ở bên ngoài. Em nép người vào lòng tôi, toàn thân run lên bần bật.
"Nửa đêm rồi, em đi đâu về mà ướt nhẹp vậy? Trời bão sao không ở nhà?"
"Hôm qua nội em mất, ba mẹ em ra Huế để chôn nội...hức...Nhưng mà lúc đi...bọn Tây, bọn Tây hắn bắn ba em...Bọn hắn bắn ba em rồi."
Tư Thành vừa kể vừa khóc nức nở, tôi bàng hoàng lau nước mắt cho em, nhưng càng lau thì nước mắt em cứ càng chảy. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc ôm em lại, mặc cho nước mưa trên người em làm ướt quần áo tôi. Chắc là Tư Thành đau lòng lắm, tôi hiểu cảm giác đó mà, bởi vì cha tôi cũng bị quân giặc bắn khi đang xông pha ngoài chiến trường. Tôi cũng đã từng khóc nhiều như Tư Thành vậy, tôi thấy thương em quá.
"Nín đi em, bình tĩnh kể cho anh nghe. Là ai nói với em hả? Mẹ em có sao không?"
"Hức...mẹ em bị tụi hắn bắt đi rồi. Bác Xuân đi chung với ba mẹ...hức...kể lại. Bác nói...ba em đi làm cho cách mạng, bị tụi hắn theo dõi..."
Tôi ngậm ngùi tiếc thương cho số phận của Tư Thành. Hoá ra cha em vì tổ quốc mà phải chịu hy sinh. Tư Thành chỉ có mỗi cha mẹ nuôi để được che chở, nay họ đi mất rồi thì ai sẽ bảo vệ em đây?
"Anh Thái ơi, bọn hắn có thả mẹ em ra không hả anh Thái? Em nhớ mẹ...hức hức...em chỉ còn có mình mẹ thôi à..."
"Nín đi em, đừng khóc nữa mà."
Tôi chẳng biết nói gì để xoa dịu Tư Thành. Làm sao tôi biết được bọn chúng có thả mẹ em ra hay không? Cha em hoạt động cho cách mạng, đó là một tội danh vô cùng nghiêm trọng. Bọn Pháp nếu không giết thì cũng bắt giam những người thân trong gia đình. Mà cũng may Tư Thành không phải là con ruột nên không bị liên luỵ, chứ không thì bây giờ có khi em cũng đang ngồi trong nhà lao rồi cũng nên.
Nhưng bây giờ ai sẽ nuôi nấng em đây? Chẳng lẽ em sẽ phải sống mồ côi suốt quãng đời còn lại sao? Tôi chỉ ở Annam tạm thời, chẳng thể chăm sóc cho Tư Thành mãi được.
"Có phải mẹ em không về không anh? Rồi mai mốt em ở một mình đúng không? Anh Thái?"
"Không có, mẹ em sẽ về mà. Bây giờ em ở với anh, anh thương, nín đi nha."
Những lời tôi nói ra đều là lời xuất phát từ tận đáy lòng. Không cần biết tôi còn ở đây được bao lâu nữa, chỉ cần ngày nào vẫn còn tồn tại trên mảnh đất này, tôi nhất định sẽ bảo vệ và che chở cho em. Tư Thành đáng thương của tôi ơi, sao mà em giống tôi ngày xưa quá.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro