Chương 9 : Tuổi thơ không êm đềm
Thành phố Đà Lạt nằm bên dải thung lũng đồng cỏ xanh ngắt một màu, xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn trải dài miên man. Mặc dù nơi đây là một địa điểm thu hút khách du lịch trên địa hình đồi núi quanh co, trù phú thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng lại khiêm tốn đằm mình trong sự thanh bình, yên ả. Vì nằm trên cao nguyên với khí hậu ôn hòa và dịu mát quanh năm, nên Đà Lạt còn được mọi người dành tặng cho cái tên hết sức thi vị: Thành phố sương mù.
Chiếc xe chở đoàn kiến trúc sư đang chạy dọc trên thung lũng nhỏ dưới sườn đồi, từ từ tiến vào trung tâm thành phố. Cứ mỗi giây phút trôi qua, Tuệ Anh lại khắc khoải. Chẳng rõ đã bao lâu rồi cô không trở lại đây, hình như từ năm cô mười tuổi. Tuệ Anh đưa đôi mắt trầm buồn nhìn ra xa xăm. Ngay dưới thung lũng kia thôi, tuổi thơ của cô đang dần tái hiện. Một tuổi thơ không êm đềm như dòng sông lơ đãng ngoài kia.
Đoàn người nghỉ chân tại một khách sạn gần nơi xây dựng. Vừa phải đi một quãng đường dài nên mọi người tranh thủ lên phòng nghỉ ngơi. Riêng Tuệ Anh lại muốn tản bộ một mình. Từng con đường, từng ngã rẽ đều hết sức quen thuộc, những ký ức năm xưa vô thức hiện về. Đã bao năm trôi qua, cô từ một đứa bé giờ đã trưởng thành, vậy mà nơi này cơ hồ vẫn không thay đổi gì nhiều. Dừng trước một cửa hàng bày bán quần áo trẻ em, Tuệ Anh ngậm ngùi hồi tưởng. Cô thường đứng đây ngắm nghía và mơ ước về những chiếc váy xinh xắn qua khung kính. Cách đó không xa là nơi cô được bác bán cháo tốt bụng thương tình cho một bát cháo quẩy nóng hổi...Tưởng như cô còn có thể thấy một con bé mặt nhọ nhem mặc một bộ quần áo cũ sờn, đầy những mảnh chắp vá. Tuổi thơ của cô vô cùng nghèo khó, cơ hàn.
Đi ngang qua một tiệm mì nổi tiếng nhất nhì thành phố, cô dừng lại nhìn biển hiệu hồi lâu. Đôi mắt trong suốt lục lọi điều gì đó từ quá khứ, chân bước vào bên trong.
– Ông chủ, cho tôi một tô mì bò. – Tuệ Anh gọi món, ngồi vào chiếc bàn sát cửa sổ.
Cô đưa mắt quan sát một vòng. Có lẽ đang là sáng sớm nên cửa hàng khá vãn khách. Cách bài trí so với ngày xưa được thay đổi theo phong cách hiện đại và mới mẻ hơn. Chủ quán cũng đã là một người khác. Ngày cô còn ở đây, đó là một người đàn bà béo mập, luôn tất bật tay chân. Nhìn về phía cuối cửa hàng, có một cánh cửa đóng kín, thỉnh thoảng vài người phục vụ hối hả đi ra đi vào. Đằng sau cánh cửa là con đường dẫn tới nhà bếp, cuối hành lang có một khu riêng để rửa bát đĩa. Cô đã từng rửa những chồng bát cao ngất, tưởng như cả thế kỷ mới xong ở đó.
Và ngay tại chiếc bàn này, một cậu bé trong tâm tưởng đã ngồi đây, nơi quá khứ đi qua.
Năm mười tuổi, cô xin vào làm công cho tiệm mì. Việc của cô là rửa những chồng bát đĩa chất cao như núi, thi thoảng nếu khách đông cũng ra phụ bưng bê. Vì nhà quá nghèo, mẹ cô phải làm việc quần quật cả ngày, nhưng vẫn không đủ sống, cô phải giấu mẹ đi kiếm việc làm thêm. Ban ngày đi học, tối đến lại rửa bát tận khuya.
Dạo đó, mẹ cô bệnh nặng phải nằm nhà nên không có tiền trang trải. Vì không được tẩm bổ đầy đủ, sức khỏe của bà ngày càng yếu dần. Có một hôm, nhà không còn gì để ăn nên Tuệ Anh đã liều lĩnh trộm một ít thức ăn ở quán mang về. Chẳng may bị phát hiện, bao người xúm đông xúm đỏ vây quanh cô, hết trì chiết rồi động tay động chân cấu véo. Họ còn định đưa cô đến đồn công an, dọa tống vào trại cải tạo. Cô sợ đến nỗi không dám cử động, khóc cũng không dám khóc, đứng im thin thít chịu trận. Đúng lúc đó, anh xuất hiện.
Khi ấy, anh mới chỉ là một cậu thiếu niên thường xuyên lui tới tiệm này, lần nào cũng chỉ gọi một tô mì bò không hành, nhiều giá đỗ. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng anh đã dũng cảm lên tiếng trước chuyện bất bình. Sâu trong đôi mắt ánh lên niềm thương cảm khi thấy cô cắn môi chịu đau, xoa xoa vết bầm trên cánh tay.
"Cô bé, em hãy ghi nhớ điều này: Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, một vực thẳm cho kẻ yếu đuối. Trong cuộc sống, không sự trở ngại nào lớn bằng việc cho bản thân cái quyền được vấp ngã."
Đó như lời răn đe, cũng là lời động viên. Anh chi trả cho những đồ cô đã lấy, còn đưa thêm một khoản khi biết về hoàn cảnh khó khăn của cô. Thế rồi, từ đó anh không bao giờ trở lạinữa. Cô đã đứng ngây ngẩn nhìn bóng lưng ấy rất lâu, lòng trở nên ấm áp khôn cùng. Hôm đó, cô đã có tiền mua thức ăn và thuốc men cho mẹ trong một tháng trời.
Tuệ Anh luôn lưu giữ và nâng niu phần ký ức này, nó giúp cô vượt qua chuỗi tuổi thơ trắc trở. Cứ ngỡ rằng chỉ như bèo nước gặp nhau, vậy mà số phận đưa đẩy thế nào, cho cô gặp lại cậu thiếu niên tốt bụng ấy. Và, cô đã trót yêu.
Bước ra khỏi tiệm mì, lòng ngổn ngang những hoài niệm, Tuệ Anh lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm tuổi thơ. Cô đang đi trên con đường dẫn lối về nơi cô sinh ra và lớn lên. Ngày xưa, nó chỉ là con đường sỏi đá gồ ghề, trên lề trồng những cây xà cừ xanh um tươi tốt. Bây giờ, nó được lát gạch hoa đẹp và sạch sẽ, nhưng rặng cây thì vẫn thế, chỉ có điều chúng vươn cao lớn và cành lá sum suê hơn. Cuộc sống là thế, có những thứ không hề thay đổi để nhắc nhở ta về sự tồn tại của việc đã từng.
Chẳng mấy chốc, cô đã đứng trước một xóm nghèo nàn, nơi ở của những người vô gia cư. Mẹ con cô đã từng sống ở khu này, trong một căn nhà cấp bốn cũ nát, ẩm thấp. Trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng, trời lạnh thì rét cóng. Nhưng những thứ đó chẳng làm cô phiền hà, chỉ cần mẹ còn bên cô. Dù cô không biết ba mình là ai, ở đâu và làm gì. Tại sao ông lại để mẹ con cô phải khổ sở như vậy, nương tựa vào nhau mà khó khăn cầm cự qua ngày như vậy. Thế nhưng, mẹ luôn nhắc tới ông với ánh mắt chất chứa đầy yêu thương, bà không hề oán giận. Vậy nên, Tuê Anh cũng không hề oán trách người ba ấy, vì mẹ cô yêu người đó, có lẽ là rất sâu đậm. Đối với cô, mẹ là cả thế giới, cô cũng chỉ cần có bà mà thôi.
"Tuệ, đừng khóc! Mẹ sẽ luôn ở bên con." Câu nói đầy ắp tình yêu thương này bà vẫn luôn dành cho cô, cũng là lời cuối cùng của bà. Bà đã ra đi để cô ở lại với cuộc đời đầy rẫy ác nghiệt, khổ đau chất chồng.Không phải, người mẹ yêu dấu của cô, người mẹ đáng thương của cô, bà bị người ta bức hại. Cứ ngỡ gần mười lăm năm trôi qua, khi quay trở lại, cô có thể đối mặt với khỏang ký ức kinh hoàng nhất. Nhưng rốt cuộc vẫn không thể!
Rất lâu sau, cô lạc đến một chân đồi, ngồi xuống thềm cỏ xanh ngắt nghỉ chân, cô đưa mắt ngắm nhìn những đứa trẻ nô đùa đằng xa. Bỗng, một gương mặt ngô nghê từ đâu xuất hiện, nhìn cô không chớp mắt. Cô bé ước chừng sáu – bảy tuổi, quần áo mặc trên người hơi nhàu nhĩ với vài mảnh chắp vá, mặt mày lem luốc, bộ dạng rất tội nghiệp. Duy chỉ có đôi mắt ngây thơ như chú nai con mở to tròn long lanh, còn cái miệng chúm chím, trông xinh xắn y hệt bông hoa nhỏ.
– Em là ai?
– Em tên Linh Lan. Mọi người hay gọi em là Lila. Chị cũng có thể gọi em như vậy! – Thấy Tuệ Anh bắt chuyện, cô bé tỏ ra vui mừng trông thấy, lân la làm quen.
– Tên của em đẹp lắm! Đó là một loài hoa nở vào tháng Năm, mang ý nghĩa 'sự trở về của hạnh phúc'.
– Chưa ai nói với em về điều này, mà sao chị biết? A! Em biết rồi! Ba mẹ em trên thiên đường nhờ chị nói với em phải không?
Lila thay đổi biểu cảm trạng thái trên khuôn mặt liên tục khiến Tuệ Anh không khỏi bật cười. Có điều, cô bé nói ba mẹ đang ở trên thiên đường. Vậy cô bé là trẻ mồ côi?
– Ba mẹ em chắc chắn muốn bông hoa nhỏ xinh là em sống thật vui vẻ, thật hạnh phúc. Vậy nên mới lấy tên của một loài hoa tượng trưng hạnh phúc để đặt tên cho em.
Gương mặt thanh thoát như mây trời của Tuệ Anh nở một nụ cười, Lila ngẩn ra nhìn. Đột nhiên, cô bé đứng phắt dậy, chạy thật nhanh về chỗ đám trẻ đang chơi đùa cách đó không xa, miệng hô lớn.
– Các cậu ơi, mình vừa tìm thấy một chị thiên thần!!!!!!
Tuệ Anh dở khóc dở cười. Thật là một sự hiểu lầm ngoài ý muốn. Cũng nhờ vậy mà cô được biết Lila và lũ trẻ chính là đối tượng trong dự án từ thiện lần này. Nếu không phải làm việc, thời gian rảnh rỗi cô hay đến thăm bọn trẻ, mang cho chúng những món quà nho nhỏ. Ví dụ như một bịch kẹo, một túi trái cây, hay bút vở.
Nơi ở của bọn trẻ hiện tại là một ngôi nhà cũ kỹ, do một người phụ nữ có tấm lòng thiện lương dựng nên cho những đứa trẻ mồ côi. Tên bà là Tịnh Yên, năm nay bà đã ngoài bốn mươi. Bà sống cùng với lũ trẻ đã nhiều năm nay, chăm sóc và yêu thương chúng thay cho cha mẹ chúng.
Căn nhà nhỏ hai buồng đơn sơ của bà sơn màu vàng chanh giản dị, bên trong không có nhiều đồ đạc, chỉ có vài cái tủ gỗ nhỏ bị mối mọt, hai cái giường ọp ẹp, thêm chiếc võng lủng lẳng treo giữa hai vách tường và một vài chậu hoa. Thứ đáng giá nhất có lẽ là chiếc đàn dương cầm màu nâu đã bị thời gian làm cho bạc màu. Bà vẫn hay dạy chúng hát và múa bằng cây đàn này. Bà nghĩ âm nhạc sẽ nuôi dưỡng tâm hồn một đứa bé. Có điều, lũ trẻ ngày một đông hơn, điều kiện của bà không thể gánh nổi nên cuộc sống khá chật vật. Hàng xóm xung quanh biết chuyện, cùng nhau nhờ truyền thông tìm những nhà hảo tâm giúp đỡ. Chẳng ngờ được các doanh nghiệp đầu tư cho hẳn một ngôi trường từ thiện, lại còn chu cấp vốn và những trang thiết bị cần thiết.
Khoảnh đất sau căn nhà nhỏ là một cánh đồng hoa cải, bốn mùa nở rộ, trải một màu vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Khu vườn do bà và bọn trẻ cùng nhau chăm sóc, cũng là nơi kiếm miếng cơm manh áo. Lúc này, Tuệ Anh và bà Tịnh Yên đang trò chuyện thì bé Lila chạy lại kéo tay cô, lanh lợi gọi.
– Chị ra chơi với chúng em đi!
Bàn tay mềm như búp bê nắm lấy tay cô, kéo cô ra phía cánh đồng cải hoa vàng. Cô mỉm cười, theo sau hình dáng bé nhỏ hòa vào sắc vàng tươi. Hình ảnh cô gái và lũ trẻ nô đùa trên cánh đồng hoa khiến bà Tịnh Yên cảm thấy thanh bình đến lạ. Cuộc sống có gì hạnh phúc bằng việc được nhìn thấy những người xung quanh mình vui vẻ. Bỗng một giọng nói trầm lôi kéo sự chú ý.
– Xin lỗi, cho cháu hỏi. Đây có phải là nhà bà Tịnh Yên không ạ?
Bà quay lại, thấy một người thanh niên thư sinh, dáng dấp toát lên vẻ nho nhã, thanh lịch. Hình như không phải là người nơi này.
– Tôi chính là Tịnh Yên. Cậu là ai?
– Cháu là bạn của Tuệ Anh. Đồng nghiệp nói cô ấy đang ở đây nên cháu tới tìm. – Người kia nở một nụ cười lịch thiệp.
– À, tới tìm Tuệ Anh sao? Con bé ở đằng kia!
Người thanh niên nhìn theo hướng tay bà, thoáng chốc ngẩn ngơ. Hiện ra trước mắt anh là khung cảnh thơ mộng như bức tranh sơn dầu mang linh hồn đất trời. Bức tranh khắc họa bầu trời xanh thẳm hòa quyện với màu vàng ươm của cánh đồng hoa, tiếng trẻ con cười rộn rã vây quanh một thiếu nữ. Cô gái mặc chiếc váy trắng tinh khôi nổi bật trên nền sắc vàng hoa cải, mái tóc dài tung bay theo gió, nụ cười sáng rực rỡ cả một góc trời.
Từ buổi dạ tiệc hôm đó, Hải Đăng luôn mang mối nghi ngờ về quan hệ giữa Tuệ Anh và người đàn ông kia, nhưng chưa có cách nào mở miệng hỏi thăm. Anh bèn mượn dự án từ thiện lần này hợp tác với bên công ty cô, chỉ đích danh cô chủ trì thiết kế, tiện thể bầu bạn cùng cô.
***
Lúc này, ngồi trong ô tô, Vũ Uy đang trên đường công tác đến Đà Lạt. Đi qua một con phố, bỗng hương vị thơm lừng hấp dẫn từ đâu bay tới. Anh nhìn ra ngoài, trông thấy quán mì gia truyền nổi tiếng từ xưa đến nay. Hồi nhỏ, anh rất thích ăn mì bò của tiệm này. Nhưng có một sự việc xảy ra khiến anh không bao giờ đặt chân tới đó nữa.
Anh vẫn nhớ, ở quán có một cô bé giúp việc xấu xí, gầy guộc và xanh xao. Cô bé nom còn nhỏ tuổi hơn anh mà đã phải ra ngoài xã hội bươn trải. Trong anh bỗng hình thành một loại cảm xúc mãnh liệt như sự cảm thông. Rồi một ngày, chứng kiến những người lớn vây quanh động tay động chân với cô bé yếu ớt không có sức kháng cự, anh chẳng thể ngồi yên nuốt nổi tô mì trước mặt. Cuộc sống vốn dĩ khắc nghiệt, anh hy vọng cô bé sẽ giống ngọn cỏ dại với sức sống bền bỉ, vượt qua giông gió cuộc đời. Còn không, chắc gì cô bé còn tồn tại.
Đang mải suy nghĩ mông lung, bỗng một bóng người lọt vào tầm mắt của Vũ Uy, anh vội vã kêu tài xế dừng lại, xuống xe đuổi theo người đó.
– Dì Hương?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro