Chương 5: Một người bạn mới
Đặt chân lên mảnh đất của giá lạnh, lên một miền đất hứa, lòng tôi xao xuyến lạ. Năm nay tôi mười sáu. Chẳng trẻ gì mấy. Đủ để đi rồi. Thật nóng lòng để mà thấy một mảnh đất mới trông như thế nào.
Tôi được đưa về nhà trọ. Nơi này sáng sủa hơn tôi nghĩ. Có đèn, có lò sưởi ấm, có đồ ăn, thức uống. Việc của tôi chỉ có học thôi.
À, có cả một người bạn nữa.
- A, xin chào, cậu là Kì phải không?
- Vâng, tôi tên Mẫn Doãn Kì. Còn anh?
- Tôi tên Kim Thạc Trấn, rất vui được gặp.
Anh Thạc Trấn sang đây được một năm rồi. Anh học ngành Y, sau này quay lại làm quân y cho mình. Còn tôi, tôi theo ngành giáo. Ba tôi trước đây từng làm cán bộ tuyên huấn mặt trận, hy vọng sau này tôi cũng phần nào trở nên tuyệt vời như vậy.
Anh Thạc Trấn ở cùng phòng với tôi, anh cũng có đôi mắt hay cười. Nhưng tôi thích thấy anh tự nở nụ cười hơn là để đôi mắt anh làm việc này thay cho anh. Và may thay anh cười thật là nhiều. Anh còn thích đùa nữa, dù có nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi anh đang đùa gì. Chắc lúc đấy anh cáu lắm, nhưng anh vẫn cứ lạc quan từng ngày, mặc cho cái mặt cứng đơ của tôi chả mấy khi cười nổi.
Nhưng mà, tôi không hay cười, trông cũng chẳng thân thiện gì mấy, sao cả anh Thạc Trấn lẫn Điền Chính Quốc lại vẫn quý tôi nhỉ?
Ở với anh được ba tháng, tôi quý anh như người nhà. Anh là một người rất tốt bụng. Thỉnh thoảng gắt lên cầm đôi dép đem từ Việt Nam sang ném vào người tôi mỗi khi tôi cố chấp học quá giờ quy định là thế thôi, chứ tôi thừa biết thực ra là anh muốn tôi đi ngủ hơn là để anh ngủ. Lúc ấy đã là tháng mười một. Quê tôi ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, có mùa đông, nhưng không rét buốt như thế này. Có những lúc tôi sốt run người, anh cũng đi xin chút nước đường với gừng cho tôi. Mỗi phòng chỉ có hai chiếc chăn bông, còn lại chỉ có đệm với gối, tôi kêu lạnh dù đã nằm sát lò sưởi, quấn chăn quanh mình, anh cũng cứ thế mà đưa chăn của anh cho tôi, để rồi nằm co quắp giữa đêm đông lạnh giá. Anh chỉ hơn tôi một tuổi, cao hơn tôi vài phân, nhưng anh đã quan tâm tôi như một người mẹ chăm sóc đứa con của mình.
Rồi cũng đến ngày tôi quen với thời tiết khắc nghiệt. Ngày ngày tôi sắp sách vở đi học, học về lại ăn cơm với anh, rồi lại học. Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng tôi lại hứng thú một cách kỳ lạ. Tôi học ngày học đêm, từ lúc mặt trời mọc tới khi anh phàn nàn đã quá muộn, tắt đèn nhanh cho anh còn ngủ, không anh sẽ dùng dép. Ở nơi đây, tôi chỉ có thể nói thứ tiếng quê hương với anh, mỗi lần như vậy tôi lại có chút nhớ xóm làng, nhớ ba, nhớ nội, và nhớ cả Chính Quốc của tôi, nhớ đôi mắt biết hát của em. Mọi thứ cứ diễn ra đều đều như thế.
Cho tới khi anh Thạc Trấn về nhà với chiếc áo nồng nặc mùi rượu.
Quê tôi là làng lao động, đôi lúc các chú các bác có tụ tập lại uống đôi ba chén đến khi ngà ngà say thì về. Hiếm lắm mới thấy một ông bác cầm chai rượu mặt đỏ hây, vừa đi vừa nghêu ngao hát những câu tôi chưa từng nghe. Nhưng anh lúc này khác hẳn hình ảnh của họ. Giọng anh lè nhè. Chân anh đứng không vững. Chiếc áo sơ mi trắng tinh của anh - chiếc áo tôi đặc biệt thích nhìn anh mặc, trông thư sinh vô cùng - giờ đây lại lốm đốm những vệt máu. Hơi thở anh gấp gáp, phả ra thứ mùi nhuốm đầy hình bóng của men say. Tôi phải chạy vội xuống vác anh lên trong ánh mắt kì quặc của bà chủ trọ. Lên đến nơi, tôi vừa buông anh ra, anh đã lăn đùng xuống đất, còn chẳng kịp leo lên giường.
Máu trên áo không phải máu của anh. Trên người anh chỉ có vài vết xước nhẹ. Đến trưa hôm sau thì anh tỉnh lại với cái đầu như bị ai đè xuống, nhưng đến khi chiều tà tôi mới về. Anh bảo anh đi uống một mình, xui thế nào bàn bên cạnh có hai người đánh nhau, đập vỡ cả một chai rượu. Mảnh vỡ sượt qua người anh, còn một trong hai người ngã thẳng vào người anh, xô ngã anh. Máu bắn tung tóe. Tạng người hắn cao to, lại nặng, đè anh muốn ngạt thở. Ông chủ quán vội lôi anh ra và bảo anh về luôn, vì lúc đấy anh say quá rồi không biết gì cả. Anh nói ông chủ quán vừa qua thăm và kể anh như thế, anh cũng đưa tiền cho ổng rồi.
Tuy vậy anh không nói cho tôi biết tại sao anh lại đi uống đến say nhè như thế. Tôi cũng không hỏi, vì nghe có vẻ hơi riêng tư.
Tôi lại nghĩ nhỡ đâu sau này tôi cũng có ngày như thế. Nếu thế thật chắc lúc quay về, Chính Quốc thất vọng về tôi lắm.
Sau cái ngày ấy khoảng một tuần thì tôi nhận được hai bức thư. Bức đầu là của ba tôi gửi.
"Gửi Doãn Kì của ba,
Dạo này con thế nào? Ba và mọi người vẫn khoẻ cả. Con sang bên đó, chắc đã học được nhiều điều mới mà ba chưa thể dạy cho con. Có lẽ con cũng đã gặp được những người bạn mới, những người sẽ hết lòng giúp đỡ con trong suốt những năm tháng sắp tới đây.
.
.
.
.
.
Ở nhà, Nội cũng nhớ con lắm, Nội cứ lo con sang bên đó mặc không đủ ấm, ăn không đủ no. Rồi không chỉ Nội, mà cả chú Điền với thím Hai. Chú thím cứ dăm bữa lại qua hỏi, hỏi xem cậu Kì học hành ra sao, rồi bao giờ về để còn kèm thằng Quốc cho thím. Mấy đứa trẻ con trong lớp ba dạy cũng thế. Sau cái hôm con đi, ba lên lớp thấy đứa nào đứa nấy mặt mũi tèm nhem, chúng nó ngoảnh ra cửa thấy ba đến lại khóc tu tu, khóc như muốn làm ngập lụt cái lớp vậy đó. Cả buổi hôm đấy ba chẳng dạy chúng nó thêm được chữ nào.
.
.
.
.
.
Mấy hôm nay thằng Quốc cũng chăm học hơn, dạo này cũng có tiến bộ rồi. Thỉnh thoảng nó cũng qua nhà mình hỏi ba mấy chỗ, tiện chăm sóc cho cái mảnh vườn nhỏ của con nữa. Nó có viết thư gửi con đó, bao giờ rảnh rỗi thì giở ra đọc cho nó mừng nghe con.
Con cũng nhớ học hành chăm chỉ, giữ gìn sức khỏe cẩn thận.
Ba chờ hồi âm của con.
Thương con,
Ba của con."
Vậy là bức thư thứ hai là của Chính Quốc gửi tôi. Tôi toan cầm bức thư lên thì anh Thạc Trấn mở cửa bước vào. Chẳng hiểu tại sao tôi lại vội giấu bức thư của em đi.
- Đọc thư người nhà gửi hả? Cứ đọc đi...
Tôi thấy giọng anh chùng xuống, nét mặt anh có chút buồn. Không kìm nổi sự tò mò, cũng muốn quan tâm tới anh chút, tôi hỏi anh có chuyện gì.
Hoá ra anh đã mất hết người nhà từ lâu.
Ba mẹ anh trước kia làm việc đồng áng, khi đi kháng chiến thì ba anh hy sinh. Sau rồi mẹ anh đi xung phong, cũng dính bom của địch rồi qua đời. Lúc đó anh mười lăm, vừa qua bên đây được vài tháng. Gia đình anh còn đi di dân, không biết người thân họ hàng ra sao, như nào.
Tôi nghe mà lòng buồn thay cho anh. Tôi mới nói:
- Thôi thì anh đã không có gia đình như vậy, từ nay gia đình em cũng là gia đình anh.
Tôi chính thức nhận anh làm anh trai như thế đó.
Tôi còn kể cho anh về Chính Quốc của tôi, thằng bé có đôi mắt to tròn lấp lánh. Tôi còn kể anh cái lần thằng bé ngã cái ùm xuống sông rồi tôi nhảy xuống cứu em. Anh có vẻ thích lắm, anh bảo bao giờ anh với tôi rời xứ này, anh nhất định phải đi cùng với tôi. "Đã là anh em với nhau, đừng có mà tách rời". Anh nói vậy đấy.
Anh Thạc Trấn là anh trai tôi.
Vậy Chính Quốc là gì của tôi nhỉ?
____________________________________________
Chap này không có nhiều Yoonkook lắm, hẹn những chap sau nha :>>
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro