12, 13, 14
Câu 12 : Biện pháp phòng chống nhiễm độc nghề nghiệp (P107)
4.1. Biện pháp phối hợp kỹ thuật và vệ sinh
4.1.1. Thay các chất độc bằng những chất ít độc hoặc không độc trong quá trình sản xuất là phương pháp hợp lý nhất để đề phòng nhiễm độc nghề nghiệp.
Ví dụ: Trong công nghiệp sơn, thay chì bằng kẽm hoặc titan... dùng xăng, cồn thay cho benzen, không dùng a naphylamin trong sản xuất thuốc nhuộm...
4.1.2. Cơ giới hóa, tự động hóa quá trình sản xuất hóa chất.
4.1.3. Bọc kín máy móc và thường xuyên kiểm tra chất lượng xem có rò rỉ không và sửa chữa kịp thời.
4.1.4. Tổ chức hợp lý hóa quá trình sản xuất. Bố trí riêng các bộ phận tỏa ra hơi độc. Nếu nhà có nhiều tầng, vì hơi khí độc có tỷ trọng thấp hơn không khí, nên bố trí ở tầng cao và đặt ở cuối gió. Tường, trần, sàn xây bằng vật liệu không hút ẩm, không ăn mòn, dễ lau chùi.
4.1.5. Nếu không bịt kín được quy trình công nghệ thì phải tổ chức hệ thống thông gió, hút hơi khí độc tại chỗ. Ngoài ra phải thiết kế hệ thống bơm không khí trong sạch vào nơi sản xuất để hạ thấp nồng độ chất độc còn lại xuống dưới mức cho phép.
4.1.6. Xây dựng và kiện toàn chế độ an toàn lao động
4.1.7 Có kế hoạch kiểm tra an toàn máy móc để kịp thời phát hiện hư hỏng và tu sửa ngay.
4.1.8. Thường kỳ phải xét nghiệm cấu tạo hóa học của không khí trong nhà máy.
4.1.9. Các công nhân làm việc nơi có khí độc bắt buộc phải mang dụng cụ bảo vệ cá nhân như : mặt nạ, găng, ủng, áo quần chống thấm.
4.2. Biện pháp y tế
Công nhân tiếp xúc với chất độc phải được khám tuyển. Người mắc bệnh không được làm việc tiếp xúc với chất độc. Khám định kỳ (3,6,12 tháng) để kiểm tra lại sức khỏe, phát hiện người nhiễm độc nghề nghiệp và điều trị kịp thời, tiến hành giám định khả năng lao động và bổ túc công tác mới thích hợp hơn.
Đối với công nhân thường xuyên tiếp xúc với chất độc cần được hưởng chế độ bồi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể với chất độc.
Câu 13: Quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế trong phòng chống các bệnh lây nhiễm nghề nghiệp (P109)
Để phòng chống nhiễm khuẩn nghề nghiệp NVYT cần áp dụng tại các cơ sở y tế và có liên quan đến công tác quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho NVYT tại từng cơ sở, ví dụ:
- Lập và lưu giữ đầy đủ các hồ sơ sức khoẻ của NVYT.
- Khám sức khoẻ định cho NVYT và bổ sung các tư liệu khám sức khoẻ định kỳ vào hồ sơ sức khoẻ của nhân viên.
- Khám tuyển nhân viên mới về tiền sử nhiễm các bệnh lây truyền. Chủng ngừa các bệnh có thể phòng được bằng vắc - xin cho nhân viên mới tuyển.
- Khai báo, lưu trữ dữ liệu các trường hợp tai nạn nghề nghiệp.
- Đưa ra nhận định, đánh giá và hướng dẫn việc hạn chế làm việc hoặc chuyển sang làm việc khác đối với nhân viên bị các bệnh nhiễm khuẩn hoặc bị phơi nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn.
Đối với những NVYT thuộc đối tượng được khám bệnh nghề nghiệp theo qui định của pháp luật nêu trong chương VI của tài liệu này, bản thân NVYT đó và đơn vị chủ quản cần nắm vững những nội dung sau để thực hiện.
- Trách nhiệm thực hiện các qui định về khám bệnh nghề nghiệp
+ Về phía NVYT/ người lao động: Có trách nhiệm tham gia đầy đủ các đợt khám bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động tổ chức; Tuân theo các chỉ định của bác sĩ về khám, điều trị và phục hồi chức năng.
+ Về phía cơ sở y tế/ người sử dụng lao động: Có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động và hoàn chỉnh hồ sơ để người lao động được giám định bệnh nghề nghiệp sau khi có kết luận. Trường hợp người lao động có yêu cầu tự đi khám, người sử dụng lao động hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 mục II của Thông tư số 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006 của Bộ Y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được đi khám; Quản lý và theo dõi sức khỏe người lao động; Thanh toán chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo các quy định của pháp luật.
Quy trình và nội dung khám bệnh lây nhiễm nghề nghiệp:
+ Gửi hồ sơ đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp: Các giấy tờ cần thiết do cơ sở chuẩn bị và gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp gồm:
Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động;
Hồ sơ sức khoẻ của người lao động bao gồm hồ sơ khám sức khỏe tuyển dụng và hồ sơ khám sức khỏe định kỳ;
Kết quả giám sát môi trường lao động mới nhất (không quá 24 tháng kể từ ngày đo) theo mẫu số 1 quy định tại Thông tư số 1 3/BYT-TT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế về quản lý vệ sinh lao động quản lý sức khỏe bệnh nghề nghiệp và đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp các yếu tố vi sinh vật theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 12/2006/TT-BYT ngày 10/11/2006.
+ Thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho NVYT:
Sau khi nhận đủ hồ sơ nói trên, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian khám bệnh nghề nghiệp cho cơ sở/người sử dụng lao động hoặc người lao động và thực hiện việc khám bệnh nghề nghiệp lần đầu và định kỳ theo các nội dung đã quy định, (xem hướng dẫn tóm tắt thời gian và nội dung khám phát hiện lần đầu và khám định kỳ các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm gồm bệnh lao nghề nghiệp và bệnh viêm gan do vi rút nghề nghiệp tại Phụ lục 4.1. của tài. liệu). Đối với các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính, NVYT được khám, cấp cứu và điều trị kịp thời thì không cần áp dụng các quy định về thời gian khám bệnh nghề nghiệp nêu trong bảng trên.
Lập hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp : Với NVYT mắc bệnh lây nhiễm nghề nghiệp cần phải có hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp được lập theo biểu mẫu nêu trong Thông tư nói trên.
Câu 14: Các yếu tố quyết định tác hại của tiếng ồn đối với cơ thể con người (P121)
2.1. Bản chất vật lý của tiếng ồn
Tiếng ồn có cường độ càng mạnh, ảnh hưởng của nó tới cơ thể càng lớn. Tiếng ồn có cường độ tới 150 dB có thể gây đau chói ở tai và làm thủng màng nhĩ.
Tiếng ồn có tần số càng cao, càng gây tác hại lớn, đặc biệt đối với các cơ quan phân tích thính giác.
Những tiếng ồn luôn thay đổi về tần số và cường độ tác hại mạnh hơn những tiếng ồn ổn định. Tiếng ồn thay đổi có quy luật ít tác hại hơn những tiếng ồn thay đổi không có quy luật. Các tiếng ồn bất ngờ và không tự ý gây tác dụng kích thích mạnh hơn là những tiếng ồn do tự mình phát ra.
Tiếng ồn có phối hợp thêm yếu tố rung chuyển, cộng hưởng thì tác hại càng mạnh.
2.2. Tính chất công tác
Thời gian tác dụng liên tục của tiếng ồn càng lâu, tác hại do tiếng ồn biểu hiện càng rõ và mạnh. Số giờ hàng ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn càng nhiều thì tác hại càng nhiều. Tuổi nghề làm việc với tiếng ồn mạnh càng cao, ảnh hưởng của tiếng ồn đối với cơ thể càng rõ và nặng. Để hạn chế những nhân tố ảnh hưởng này, có thể bố trí trong ca lao động những khoảng giải lao ngắn.
Khi khám phát hiện bệnh điếc nghề nghiệp, cần chú ý tới những công nhân có tuổi nghề cao, những người có tổng thời gian tiếp xúc với tiếng ồn nhiều. Nên xây dựng những nhóm công nhân trong cùng một ca kíp, có khả năng thay nhau làm việc ở nơi có tiếng ồn mạnh.
Tác dụng của tiếng ồn sẽ càng mạnh nếu tiếng ồn phát sinh ở nơi kín, chật hẹp và con người phải làm việc thường xuyên ở đó.
2.3. Tính chất cảm thụ tiếng ồn ở từng người
Trẻ nhỏ, phụ nữ, người kém sức khỏe dễ nhạy cảm với những tiếng ồn mạnh. Những ngươi sẵn có bệnh ở cơ quan thính giác như viêm tai giữa, xơ tai, viêm thần kinh thính giác, bệnh thần kinh suy nhược ... thì khả năng chịu đựng tiếng ồn kém.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro