Chương 389+390
Chương 389
Đến tận bây giờ, trong trí nhớ của tôi về thời phổ thông có những tiết học đã để lại dấu ấn sâu đậm đến nỗi chỉ cần nhắc lại là kí ức tái hiện rõ ràng ngay trước mắt. Như đầu năm lớp 11 thầy Song Toàn dạy Toán đã thẳng thừng quất ngay cho tôi một con điểm 3 to tổ nái vì… sai chính tả. Và đầu năm lớp 12, cô giáo dạy Văn mà bọn tôi hay gọi vui bằng cô Tuyết Nhiệt Đới ở tiết học đầu tiên đã khiến cả lớp một phen khiếp đảm sợ vãi linh hồn, đến ngước mặt lên nhìn bảng đen cũng không đủ dũng cảm.
Hôm đó, tôi đã thấy ngờ ngợ khi cả lớp dò hỏi về giáo viên môn Văn tiết kế tiếp thông qua cô chủ nhiệm Tuyết Yêu Thương, mà đáp lại cô chỉ lặng im không phản hồi. Thế nên cả bọn tự bám vào cái lí sự cùn rằng môn Văn là môn của những dòng chữ bay bổng thoát tục, tất nhiên giáo viên dạy Văn cũng sẽ là một người hiền hòa thân thiện, yêu trò như con, mỗi lời cất ra đều êm dịu như rót mật vào tai, dẫu tụi nhỏ có làm sai cũng nhắm mắt cho qua bảo đúng.
Còn nhược bằng không á hả, thì là ngược lại.
Khi điều không may có xu hướng xảy ra thì nó sẽ xảy ra, cái chân lí oái ăm này lại một lần nữa vả thẳng vào mặt tôi đau điếng.
Chuông reo chuyển tiết vang vọng khắp trường, ít phút sau cô giáo dạy Văn năm cuối cấp lớp tôi thư thả bước vào. Cả lớp lục tục đứng dậy chào cô trong sự hồi hộp xen lẫn hi vọng.
Cô vẫy tay ra hiệu cả lớp ngồi xuống, rồi giới thiệu cô là cô Tuyết, sẽ phụ trách môn Văn của 12A1. Một đứa bàn đầu láu táu nói leo lên:
- Ể, cô cũng trùng tên với cô chủ nhiệm tụi em á cô!
- Ừ, cô biết rồi! - Cô mỉm cười.
Đến lúc đó, không riêng gì tôi mà cả lớp đều nảy sinh một ấn tượng đầu tiên là cô rất nhẹ nhàng từ tốn, thong dong đến thoát tục, mà bọn tôi cho rằng từ cô tỏa ra một khí chất đặc biệt mà chỉ có ở một người chọn văn học làm sự nghiệp cả đời.
Nếu được quay lại hôm ấy, tôi sẽ không ngần ngại mà gào vô tai từng bạn học một rằng:
- “Tỉnh lại đi, đó là bá khí đó, không phải khí chất đâu. Chạy ngay đi!”
Ít phút sau, cô Tuyết chứng minh sự thật liền, bằng cách hỏi một câu mà độ phá hủy không kém bom nổ là bao:
- Ai chưa soạn Văn hôm nay, đứng dậy!
Tụi nhỏ bên dưới ngơ ngác mất cả lúc rồi mới sè sẹ đứng dậy, tất nhiên trong đó có cả tôi, cũng không sót bất kì thành viên nào của hội bàn tròn. Tôi nhìn quanh tính nhẩm hơn hai phần ba cả lớp lúc này đều đứng lên, người ngoài nhìn vào không biết có khi lại tưởng lớp này đang chào cờ tại gia.
Chỉ một vài người còn ngồi như chị đại Yên ù, học sinh mới Ái Khanh, và một số ít thành phần siêng bất tử khác.
Điều làm tôi thấy bản thân mình tội nghiệp là trong đám tội đồ bây giờ, không có Tiểu Mai, nàng vẫn ngồi yên vị tại chỗ thở dài nhìn tôi. Bắt gặp ánh mắt của nàng, tôi nhăn nhó khổ sở thầm trách sao em… không rủ anh soạn bài cùng với chứ.
Nhưng điều làm tôi và đám tội đồ cảm thấy cũng vững dạ phần nào là do gần hết lớp không soạn bài rồi thì không lẽ cô viết hết tên gần ba chục mạng vô sổ đầu bài, vậy thì mỏi tay chết, không nên cô ơi!
Và điều làm tụi tôi an ủi nhất chính là Khả Vy cũng đứng dậy, cán sự Văn mà quên không soạn Văn thì trách nhiệm đầu tàu ở đây chứ còn ai nữa. Cầm tặc cầm vương, bắt giặc phải bắt vua trước, đám quần thần tụi tôi chỉ là thượng bất chính hạ tắc loạn mà thôi. Cô Tuyết là giáo viên môn Văn, ắt phải biết đạo lí này.
Có lẽ cô biết, hoặc giả cô đọc được suy nghĩ của tôi, nên sau đó cô mới hỏi:
- Em nào là cán sự Văn?
- …!
Khả Vy ngượng ngùng chầm chậm giơ tay chịu trói khiến cô Tuyết lắc đầu thở dài ngao ngán:
- Các em biết hôm nay là có môn mà sao không soạn bài trước? Không có chuẩn bị thì sao hôm nay học tốt được. Bài soạn là tự giác, mà cũng một phần là để bản thân tìm hiểu trước về nội dung bài mới, nắm được những điểm thắc mắc mà lên lớp nghe cô giảng, rồi hỏi thêm. Vậy mớ là có trước có sau, đầu xuôi đuôi lọt, việc học mới mau tiến bộ. Đâu riêng gì môn cô, các môn khác thì mình cũng nên như vậy mới phải!
- …! - Cả lớp im phăng phắc lắng nghe những lời vàng ngọc của cô.
Quả đúng là cô giáo dạy Văn, từ chỗ tâm lí bọn tôi đang nghĩ soạn bài đầu năm là chuyện thừa thãi sang chỗ bỗng dưng thấy cô nói cũng có lí, cả lớp vô ngôn dĩ đối.
- Tất cả ngồi xuống…!
Bỗng dưng được tha bổng, cả đám mừng hết lớn vội y theo mệnh lệnh, nhủ thầm cô giáo quả là có lòng vị tha bao dung vũ trụ, dù cái chuyện kiểm tra vở soạn bài ngay đầu năm thiệt tình là oái ăm hiếm có.
Sự đời không dễ dàng thế, cô tiếp lời ngay:
- Trừ cán sự Toán, Lí, Hóa, Anh Văn đứng lại!
Tôi nghe mà giật bắn người, ngồi xuống chưa nóng mông đã phải đứng lên trở lại. Hai thằng Luân khùng, Tuấn rách cũng chung số phận, mặt chảy dài ra như trái dưa leo.
Gọi tên bốn cán sự bộ môn nhưng lúc này tình hình trong phòng chỉ có mỗi ba ông con trai đang chình ình trước mặt nên cô Tuyết thắc mắc:
- Còn hai em nữa đâu?
Thì lúc này trong ánh mắt vốn dĩ vẫn luôn ngưỡng mộ của 12A1 dành cho người con gái ấy, Tiểu Mai ôn nhu đứng dậy thưa:
- Dạ cán sự Anh Văn là em!
Nhìn khí chất ưu nhã của nàng, cô Tuyết thừa biết chuyện này cũng chẳng có gì lạ, không phải bất ngờ đến mức kiểm tra cô học trò này có nói thật về việc soạn bài hay không. Cô nhẹ vẫy tay ra hiệu cho Tiểu Mai ngồi xuống, quét mắt lạnh lùng lia khắp mặt ba thằng tội đồ đang rúm ró:
- Tôi là tôi biết các anh này chuyên gia học lệch, biết mỗi mình môn của mình đúng không?
Tôi nhíu mày suy nghĩ, tính đi tính lại thì đúng là ngoại trừ các môn tự nhiên ra, môn nào tôi cũng dở ẹc. Nhưng nếu vậy thì cô Tuyết nói sai rồi, tôi cũng rất khá Lí với Hóa chứ bộ.
Thằng Luân chứng thực suy nghĩ của tôi liền, nó nhanh nhảu đáp:
- Dạ không, tụi em cũng thích học lẫn nhau lắm cô ơi, đâu có một môn đâu!
- Ừ hử, ý em là sao? - Cô Tuyết thắc mắc.
Tuấn rách hiểu ý đồng đội, nó nhận đường chuyền từ Luân khùng mà tung cú dứt điểm:
- Ý tụi em là, như em là cán sự Hóa nè cô, nhưng em cũng thích học Toán với Lí nữa. Rồi thằng Luân là cán sự Lí thì giỏi Toán với Hóa, thằng Nam làm cán sự Toán lại cũng thích Hóa với Lí luôn, cô hỏi nó đi cô!
Nghe thằng bạn khốn nạn không sút dứt điểm lại đi giật lùi chuyền quả banh trách nhiệm sang mà tôi điên tiết thu nắm tay, lại cúi đầu xuống thấp hơn nữa. Rõ là nó trả lời đại ngu, nói thế thì khác nào bảo trừ Toán, Lí và Hóa ra thì tôi coi các môn còn lại như cỏ rác chứ. Trong lớp cũng có một vài đứa nhận ra đã bụm miệng cười hích hích.
Dĩ nhiên cô Tuyết không dễ bị mắc lừa, cô nheo mắt hỏi lạnh tanh:
- Vậy tức là môn của tôi thì các anh không ưa gì, phải không?
- Dạ hông… ý em đâu phải vậy đâu cô! - Tuấn rách tái mặt, lắp bắp chống chế.
- Chứ sao không soạn bài hôm nay? - Cô tiếp tục truy vấn, câu này hỏi luôn cả ba thằng.
- Em… em quên! - Tôi cụp mắt xuống, bất lực đáp.
Bộ dạng đau khổ của tôi có vẻ làm cô động lòng hay sao mà cô quay sang... đánh lan cả lớp:
- Các em phải nhớ năm nay là năm cuối rồi, cứ mang tư tưởng học lệch thế này thì thi tốt nghiệp làm sao? Chưa kể đến thi đại học, tôi biết rất nhiều anh chị bây giờ đã bắt đầu học lệch. Nhưng các em có xem qua nguyện vọng trường và khối thi sẽ biết có những trường khối A Toán Lí Hóa, lấy điểm rất cao, trong khi cùng ngành đó nhưng nếu thi vào khối D Toán Văn Anh thì điểm sẽ thấp hơn. Bù lại tỉ lệ chọi cũng cao hơn, học lệch thế này thì sao mà đậu đại học?
Lúc ấy, vì đang quá khiếp đảm nên lời cô nói tôi nghe cứ tai nọ xọ tai kia, lọt mất ra ngoài. Nhưng sau này nghĩ lại thì những lí lẽ này là hoàn toàn chính xác, mà ở thời đó thì lại rất ít các chương trình tư vấn hướng nghiệp cũng như chọn trường. Mạng xã hội cũng chưa phổ biến, vì vậy thông tin hữu ích thật sự rất hiếm, làm bối rối hầu hết các sĩ tử vốn mang nặng tư tưởng không giỏi Toán Lí Hóa khối A cũng phải vớt vát được khối B Toán Hóa Sinh. Nhưng tìm hiểu xong lại thấy chiến trường khối B còn khốc liệt hơn khối A, vì ngành chính yếu khối B lại là thi vào bác sĩ, nắm giữ thiên chức cứu chữa sinh mệnh nên tỉ lệ chọi phải gọi là cao nhất. Ông anh bá đạo của tôi tuy siêu giỏi nhưng đậu vào đại học Y Dược TP. HCM chắc chắn cũng có phần may mắn.
Thành thử ra ở tiết học đầu tiên của môn Văn, cả lớp hầu hết ngồi vểnh tai nghe giáo viên thuyết giáo một tràng như ở chương trình hướng nghiệp, hướng học thực thụ. Và cô Tuyết cũng chẳng buồn dạy lấy một chữ trong bài đầu tiên sách giáo khoa. Mãi đến khi chuông reng báo hiệu hết tiết thì cô mới dặn cả lớp về soạn bài học hôm nay vào vở, lúc đó tiết học mới thật sự hiệu quả được.
Cô vừa xách cặp ra khỏi lớp là cả lớp nhao nhao cả lên vì hoang mang, lúc đó ba thằng tụi tôi mới ngồi phệt xuống ghế, hai cẳng chân đã mỏi nhừ vì đứng suốt bốn mươi lăm phút. Lớp phó học tập Luân khùng hơi sức không còn, đành nhờ lớp trưởng Khang mập phi lên bàn giáo viên xem thử trong sổ đầu bài cô “kể tội” làm sao.
Và tin mừng duy nhất của ngày hôm đó là cô Tuyết thay vì viết một đống tên tuổi tội đồ vô sổ đầu bài thì cô chỉ phê rằng “Lớp ổn, trật tự”.
Đây gọi là giơ cao đánh khẽ, cả lớp ngoài mặt than khổ kêu trời nhưng cũng thầm cảm ơn cô Tuyết vì đã nương tay không chém.
Dũng xoắn giở trò mèo khóc chuột, ôm mặt tru tréo:
- Tội cho mấy anh em đứng gãy chân quá, thôi tao phải về soạn bài thôi. Cô này dữ quá, không dám giỡn mặt được rồi!
Sau đó trong những âm thanh rộn rã dưới sân trường vào giờ ra chơi, cả lớp trở lại là những học sinh vô lo ít nghĩ, hớn hở rủ nhau xuống sân chơi hay túa ra ngoài căn tin uống nước.
Trừ Luân khùng và Tuấn rách ôm chặt lấy chỗ ngồi, cho rằng được ngồi là việc sướng nhất thế gian này.
Và trừ cả tôi, gục mặt hẳn lên bàn, vừa mệt vừa nhục.
Để rồi bên tai truyền đến một âm thanh êm ái du dương như tiếng đàn:
- Em xuống căn tin mua Sting mang lên nhe, anh ngồi nghỉ đi!
Tôi nghe mà thấy rưng rưng toàn thân, giấu sự cảm động không bút mực nào tả xiết xuống mặt bàn, gục gặc đầu nói giọng làm nũng:
- Ừ… coi có khô bò thì mua luôn nha!
Nàng khúc khích cười hì hì, véo khẽ vào hông tôi:
- Không có đâu ông. Về nhà đi, em mua!
Ôi Tiểu Mai, vẫn là khi cả thế giới quay lưng lại với anh thì em luôn ở cạnh bên động viên, và chắc chắn sẽ ở phía sau chống đỡ. Yêu quá là yêu!
oOo
Nhưng tôi không kịp có cơ hội ngồi thư thả đợi Tiểu Mai mang Sting lên, vì chỉ sau khi nàng rời đi được vài phút thì từ phòng phát thanh của nhà trường, tiếng loa ồm ồm vang lên:
- Mời đội hình bóng đá trường mình có mặt tại phòng sinh hoạt Đoàn ngay bây giờ, các em sau đây đến gặp thầy Hào…
Vừa nghe đến đấy là tôi đã nhảy dựng lên, ngồi phắt dậy. Dù đã biết trước nhưng tôi vẫn chờ đợi suốt cả mùa hè vừa qua, và trong sự hồi hộp lắng nghe của một vài đứa bạn không ra sân chơi vẫn ngồi lại trong lớp, tên tôi được xướng lên ngay sau hai vị trí tiền đạo, là tiền vệ tổ chức. Cuối cùng thì giờ phút tập trung đội hình những cầu thủ chủ lực trường Phan Bội Châu cũng đã đến.
- Chà chà, bảnh chưa con, tập hợp đội hình kìa, phen này trường mình giã trường Chuyên nát gáo cho tao! - Khang mập trầm trồ.
- Đi đi thầy kêu kìa, trời ơi, sao thầy lại không chọn tao chứ, tao đá trung phong ngon vậy mà! - Luân khùng nửa đẩy tôi đi, nửa nhăn nhó than trời vì ghen tị.
Tôi dù sướng rơn nhưng cũng cố tỏ ra vẻ phớt đời, ý tứ ra mặt rằng ba cái đồ yêu này bình thường thôi, tao vừa bị phạt đứng mỏi chân chỉ muốn nằm nghỉ đây này. Giả vờ uể oải đứng dậy rồi bằng điệu bộ thở dài ngao ngán, tôi lắc đầu đi một cách lười biếng ra cửa.
Nhưng chỉ vừa khuất tầm mắt mấy đứa bạn là tôi phóng nhanh như khói, xuống hai vòng cầu thang rồi băng qua sân trường là đã đến phòng sinh hoạt Đoàn. Đến nơi đã thấy các cầu thủ đồng đội khác cũng đang lục tục vào cửa, bên trong là thầy Hào chờ sẵn với một tập tài liệu trong tay.
- Chà chà, bàn chiến thuật hay sao vậy ta?
- Cỡ đội hình trường Chuyên, tao thở một phát là thủng lưới!
- Mấy anh yên tâm, em có nhỏ em học bên đó, thám thính hết trơn rồi!
- Ủa sao đứa em học trường Chuyên mà thằng anh lại vô đây vậy, lo đá banh quá hả!
Vẻ như sau mùa giải bóng đá toàn trường năm ngoái, đội ngũ giáo viên thể dục trường tôi đã lựa chọn ra các cầu thủ từ những đội hình khác nhau, đếm tổng cũng tầm mười lăm thành viên ở cả khối 11 và khối 12. Vì vậy xung quanh mỗi người lúc này có thể gọi bằng đối thủ hôm qua nhưng là đồng đội hôm nay. Tôi cũng hơi vểnh mũi lên hãnh diện một tí vì được một thằng tiền đạo bên A23 tới vỗ vai nói rằng chỉ cần tôi kiến tạo bóng đẹp như giải vừa rồi là nó ghi bàn cái một.
Thầy Hào đập đập xấp tài liệu vào tay ra hiệu tập trung, rồi trước ánh mắt hồ hởi đợi mong của cả đội, thầy nói:
- Nhanh, mình không có nhiều thời gian nên hôm nay thầy nói vắn tắt thôi để mấy đứa còn vào tiết học. Lí ra thì tầm tháng sau là bên mình với trường chuyên Trần Hưng Đạo sẽ có một trận bóng giao hữu, đó cũng là lí do mà nhà trường tập trung các em lại từ nhiều lớp khác nhau!
Nghe tới đây thì mọi người ồ lên xuýt xoa, sự hãnh diện vì được chọn vào đội hình trường vẫn đang lan tỏa khắp phòng. Nhưng nếu tinh ý thì sẽ nhận ra trong lời thầy Hào có điều gì đó không ổn. Y như rằng, câu tiếp theo của thầy đã khiến toàn đội phải khóc thầm lặng lẽ:
- Nhưng hiện tại thì bên trường họ vừa thông báo có một số lí do khách quan khiến hai bên phải hoãn trận giao hữu này lại. Khi nào có cập nhật mới nhất thì họ sẽ thông báo cho bên mình biết!
Đến đây thì bọn tôi đần mặt ra rồi phút chốc chuyển sang chán nản toàn tập. Đọc được sự thất vọng nặng nề trên gương mặt của mấy cầu thủ, thầy Hào hạ giọng an ủi:
- Mấy đứa đừng buồn, thầy sẽ tính toán lại rồi báo lịch tập dợt đến từng người. Coi như chuẩn bị sẵn, có lịch là đấu luôn!
- Lỡ không có lịch thì sao thầy? - Một đứa thắc mắc.
- Thì… thôi chứ sao. Nói chung ban đầu các thầy định tổ chức một giải vô địch liên trường, nhưng phải xin giấy phép này nọ, mà cũng chưa chắc đủ quy mô để các trường khác tham gia. Nên mấy đứa tạm vậy đi, có tin mới thì thầy báo liền. Thôi giải tán về lớp, chuông reo hết ra chơi rồi kìa!
Nghe vậy nên chẳng đứa nào ham hỏi nữa, tình hình có vẻ không khả thi rồi, xui xẻo cho đội nhà vừa mới ra đã chết từ trong trứng. Rồi chẳng ai bảo ai, toàn bộ lục tục xin phép thầy Hào về lớp. Khi đến ầm ầm như một đoàn quân, khi đi rủ rỉ rù rì như đàn gà rù trụi lông, sạch cả khí thế.
Tôi vừa nản vừa chán, đã bị phạt đứng rã cẳng bốn mươi lăm phút xong chưa kịp nghỉ ngơi, uống Sting Tiểu Mai mua cho lại còn bị triệu tập đội hình gấp gáp. Lúc đi mang bao nhiêu là niềm hi vọng tin yêu, bây giờ nghe tin hủy bỏ trận đấu, tôi biết ăn nói giải thích làm sao đây. Mất dịp chứng tỏ bản thân với mọi người làm tôi chán một, mất dịp vì màu cờ sắc áo trường Phan sút banh mành lưới trường Chuyên, tôi chán đến một trăm.
Lê chân nặng nhọc lên từng bậc cầu thang, tôi đi vào lớp. Vừa bước qua cửa đã thấy giáo viên dạy Anh Văn là thầy Triều đang đoạn giới thiệu. Trong ánh mắt vừa háo hức vừa tò mò của cả lớp, tôi cúi đầu xin phép thầy rồi mò về chỗ.
Thấy bản mặt như đưa đám của tôi, Khang mập với Luân khùng ngơ ngác chả hiểu mô tê gì, thì thào chồm lên hỏi:
- Sao mày? Chừng nào đá? Sao mặt như cái mâm vậy?
- Hay thầy không cho vô đội hình nữa hả?
Tôi nhăn nhó lắc đầu, giải thích gọn lỏn:
- Trường Chuyên báo bận, hủy kèo!
Hai thằng nghe tôi nói mà há hốc mồm rồi đấm tay tiếc rẻ. Ở bên trên, thầy Triều có vẻ cũng biết tin này từ trước nên nói vọng xuống:
- Bị hủy rồi, phải không Nam?
- Dạ… dạ thầy! - Tôi nghe thầy gọi thì vội đứng dậy, thắc mắc không hiểu sao thầy biết tên mình.
- Thôi đừng tiếc, chỉ là tạm hoãn thôi. Cũng chưa chắc là hủy!
- Dạ, cũng cầu được vầy!
Lời thầy Triều nói ra xem như thay tôi nói cho cả lớp biết tin xấu này, đồng thời cũng giải thích vì sao bản mặt tôi đang chình ình hai từ thất vọng.
Tôi hậm hực lôi quyển sách tiếng Anh trong hộc bàn ra, ấm ức nghĩ thầm trong bụng:
- “Đầu năm mà xui như quỷ. Lỡ mất cơ hội giã banh chành trường Chuyên, tức cha chả là tức!”
Lúc ấy tôi chẳng hề nhận ra điều làm tôi tức nhất không phải vì trận bóng giao hữu giữa hai trường bị hủy, càng không phải là lỡ mất cơ hội chứng tỏ bản thân với mọi người. Mà có lẽ từ thẳm sâu trong vô thức, là một đốm lửa hận tưởng đã lụi tàn nay vừa len lén bùng lên.
Đốm lửa ấy thấp thoáng hình ảnh một gã trai tên Vũ hoặc đang ôm đầu la bài hãi trong tiếc nuối ở khán đài, hoặc đang thẫn thờ vì thất bại dưới màu áo đội nhà. Còn tôi thì oai phong lẫm liệt trên sân cỏ, đường hoàng lập hat-trick thần sầu sút nát khung thành trường Chuyên.
Rồi rất nhanh như khi bùng lên, đốm lửa này cũng vụt tắt bởi hai lí do, đầu tiên năm nay là năm cuối cấp của tôi, cũng tức là năm nhất đại học của tên kia nên hắn đã cao chạy xa bay vô Sài Gòn từ đời tám hoánh rồi.
Cuối cùng là do lúc đó tôi còn chả mảy may biết đến trong vô thức mình lại tồn tại như vậy nữa là. Nên muốn người không biết thì ta đừng làm.
Thôi, dập lửa.
Hết chương 389
oOo
Chương 390
Mang tâm trạng chán chường, tôi trải qua hai tiết học còn lại của ngày hôm đó một cách nhạt toẹt đầy lơ đễnh. May phước là thầy Triều dạy Anh và cô Lan dạy Sinh không có kiểm tra bài soạn giống như cô Tuyết dạy Văn nên buổi học đầu tiên kết thúc êm xuôi.
Trống đánh báo hiệu tan trường, toàn thể học sinh khối sáng túa ra như ong vỡ tổ, từng dòng người lũ lượt đổ về các bãi gửi xe nằm nép dưới mái hiên dọc theo sân thể dục.
- Ê Nam, chiều đi đá banh hông mày? Có kèo ngoài sân 36 hecta nè! - Tuấn rách í ới gọi, có vẻ thằng này tính bù đắp cho tôi vụ hụt giải đấu liên trường.
- Thôi, đang chán mày ơi, về ngủ khỏe đi! - Tôi lắc đầu từ chối, xốc cặp lên vai.
- Mới nhiêu đó chán gì, tao cũng bị phạt nè, có sao đâu! - Luân khùng đứng dậy theo.
- Hên sao tao không làm cán sự môn gì, lớp trưởng nên được ưu tiên cho ngồi hé hé! - Khang mập cười mãn nguyện, và trong một thoáng ngắn ngủi tôi đã nghĩ là mình nhìn thấy ánh mắt của thằng bạn mình đang hướng về phía Ái Khanh.
Nhưng lúc đó tôi không quan tâm lắm nên chỉ quay sang nhìn Tiểu Mai đợi ra về chung, cố nặn ra một nụ cười gượng gạo. Nàng biết ý, khẽ cười rồi cùng tôi bước ra cửa.
- Chiều qua nhà em chơi đi!
- Hử? Chuyện lạ nha, sao hôm nay chủ động rủ anh vậy? - Tôi ngạc nhiên trước yêu cầu này của nàng, rồi nheo mắt ngờ vực hỏi tiếp.
- Ế hay là… dụ anh qua để bắt soạn bài ngày mai đó?
- Mai không có môn nào trùng hôm nay cả, cho anh thoải mái bữa đầu!
- Ồ… vậy thì được!
- Thế ha, qua tập Guitar với em!
Nghe đến đây thì tôi có hơi lạnh gáy, không lẽ Tiểu Mai tính kiểm tra trình độ của mình sao ta.
- Có một cây, ai đàn ai nhịn?
- Anh tập Guitar, em tập Piano. Để em chọn một bản song tấu, mình tập dần là vừa!
- Vừa cái gì cơ? - Tôi thắc mắc.
- Từ từ sẽ biết, anh cứ lo tập đi đã! - Nàng mỉm cười bí ẩn.
Vậy là chiều hôm đó, tôi y hẹn đeo cây Lakewood sau lưng, lọ mọ đạp sang nhà Tiểu Mai. Đến nơi thì đã thấy nàng chuẩn bị sẵn trà đào với một dĩa khô bò nho nhỏ trên bàn.
- Ối chà…! - Tôi buông túi đàn, sà vào ngay món khoái khẩu nhất trần đời, vừa nhâm nhi vừa hớp ngụm trà đào mát lạnh, thiệt sướng không gì bằng.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, tôi quơ tay một nhoáng đã hết veo dĩa khô bò mà vẫn chưa bõ thèm. Bắt gặp ánh mắt cầu khẩn của tôi, Tiểu Mai nhún vai tỉnh bơ:
- Ăn thế được rồi, lấy đàn ra nào!
Biết giở trò nằn nì với nàng là vô ích nên tôi đành chịu thúc thủ, ra vẻ cam chịu ngoan ngoãn mở bao đàn, lôi cây Lakewood ra.
- Sao, song tấu là sao? - Tôi hỏi.
- Là anh với em sẽ chơi chung một bản nhạc, anh đàn Guitar, em đàn Piano chứ sao! - Tiểu Mai tuy có ngạc nhiên nhưng vẫn giải thích cho tôi hiểu.
- Rồi, bài gì thế?
- Twilight của Kotaro Oshio!
- Hả? Anh mới nghe á, hay không em?
- Chơi thử một lần cho anh nghe nha, rồi biết hay không liền!
Tôi háo hức giao đàn cho nàng, tự động ngồi ngay ngắn lại để xem biểu diễn. Tầm khoảng hơn ba phút sau đó cũng chính là độ dài bản Twilight, tôi mê mẩn lắng nghe những âm thanh tuyệt vời thoát ra từ đôi tay nàng phối hợp cùng Lakewood. Tiểu Mai quả là Tiểu Mai, danh bất hư truyền, đến tận khi nàng kết thúc bản nhạc rồi thì tôi vẫn còn đờ người ra trên ghế.
Nhìn thoáng qua cũng biết là thính giả duy nhất này đã bị mê hoặc mất rồi, Tiểu Mai tủm tỉm:
- Sao, chịu tập chưa?
- Được, chịu! - Tôi gật đầu cái rụp, háo hức tưởng tượng đến ngày mình cũng chơi được bản nhạc này thành thục như vậy.
Nhưng tôi chợt ngẩn người ra:
- Mà… em nói bài này của Kotaro Oshio phải không?
- Ừa, đúng rồi!
- Mới tập đã lựa ngay bài của trùm chơi “fingerstyle”, anh chịu gì nổi?
- Bài này là dễ rồi đó anh, không khó đâu. Không sử dụng nhiều kĩ thuật “fingerstyle”, chỉ chịu khó cảm âm và chơi đúng nhịp, phiêu thêm một chút là được!
Nghe nàng thuyết phục gãy gọn đâu ra đấy cũng khiến tôi yên tâm phần nào, mạnh dạn nhìn vào trang nhạc đầu tiên.
- Ủa mà… anh chưa rành nhạc lý! - Tôi lại lúng búng gãi đầu.
- Thế cho nên dưới mỗi khuông nhạc em có kẻ thêm một khuông nữa nè! - Dường như đã lường trước được vấn đề này nên Tiểu Mai đã có chuẩn bị trước.
Tiểu Mai chỉ đưa tay vào khuông nhạc bên dưới là tôi đã hiểu ngay rằng để đọc bản nhạc này, không cần học nhạc lý cũng dư sức tung hoành. Đối chiếu với khung trên có 5 dòng kẻ thì khung dưới là một tổng hợp của các nốt nhạc được thể hiện bằng những con số kèm các kí hiệu hợp âm. Có cả thảy 6 dòng kẻ, mỗi dòng kẻ đại diện cho một dây đàn, và mỗi con số đại diện cho một ngăn trên mỗi dây của cần đàn. Tôi tuy dốt nhạc lý nhưng cũng không đến mức ngu si, nhận ra được cách viết bản nhạc này hợp với mình lắm đây.
Tiểu Mai dặn dò thêm:
- Thật ra anh nếu thuần thục rồi thì hoàn toàn có thể chơi solo bản Twilight này dựa theo “tab” em vừa viết ra. Nhưng để chơi song tấu với Piano thì cần một bản chuyển soạn khác để cho giọng Guitar làm “key”, giọng Piano làm “beat”, “tab” đó em sẽ viết sau. Trước mắt anh cứ tập rành rẽ “tab” này đã nha!
Lạy hồn, có cô giáo vừa xinh đẹp vừa chu đáo tận tâm thế này thì học trò nào mà chẳng giỏi, e rằng đến khỉ cũng còn biết đàn á chớ. Tôi ôm mộng một ngày được cùng nàng thả hồn giữa đồng xanh, chàng dạo Guitar nàng dạo Piano, hai đứa song tấu một bản Tiếu Ngạo Giang Hồ, quả là viễn cảnh đẹp như mơ.
Nhờ vậy mà hôm đó tôi tập tành tấn tới, tuy có đôi chỗ khó khăn nhưng theo nhận xét của Tiểu Mai thì tôi quả là tiến bộ thần tốc, chỉ trong một buổi chiều đã thuần thục được… một phần mười bản nhạc. Còn chưa hết, nàng bảo nếu tôi được cho học Guitar từ nhỏ thì có khi giờ hai đứa ngang tài ngang sức cũng nên. Tôi nghe mà phổng mũi hết cỡ, lâng lâng đến tận khi dắt xe ra về.
- Anh hết buồn chuyện bóng đá chưa? - Tiểu Mai tựa cổng, mỉm cười hỏi tôi.
- Rồi, cho nó qua đi. Tập đàn hay hơn! - Tôi gật đầu đáp.
- Vậy thì sau này có lúc nào tâm trạng không tốt, cứ lấy đàn ra tập nhe! - Nàng khuyên.
- Ok, em nói gì anh cũng nghe mà!
- Giỏi nịnh, hứ!
Nàng lườm yêu tôi rồi đóng cổng lại, quay bước vô trong nhà.
Tôi thì đợi nàng bước hẳn vào trong rồi mới đạp xe ra về, lòng thầm cảm ơn Tiểu Mai vì nhờ nàng mà tâm trạng đang từ chán nản ê chề lúc trưa đã chuyển sang mười phần phấn khởi lúc chiều. Có người yêu thiệt là thích quá đi!
oOo
Kết thúc tuần học đầu tiên, tôi tranh thủ một buổi tối ba mẹ không có nhà liền chạy sang Tiểu Mai, cùng nàng gọi điện thoại cho “tiền bối” hỏi xin vài quẻ dự đoán con đường học hành sau này.
Hai đứa ngồi trên ghế, chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại đang bật loa ngoài ở trên bàn. Màn hình hiển thị tên người nghe là “Ông hai”.
- A lô, có gì nói nhanh, tao còn đi giặt đồ! - Ông Phúc nghe máy, nói giọng lạnh tanh.
- Hả, huynh mà giặt đồ á? - Tôi há hốc mồm.
- Móa, ở kí túc xá mày làm như ở nhà, không tự giặt thì ở dơ à. Tận hưởng năm cuối được xài máy giặt đi con, năm sau mày cũng phải chịu đày đọa thôi!
Tôi với Tiểu Mai không hẹn mà cùng nhau tủm tỉm cười.
- Sao, gọi tao có gì thì nói lẹ!
- À, đệ học xong tuần đầu, biết hết tên giáo viên rồi. Gọi hỏi huynh ý kiến á mà!
- Lẹ, môn gì, ai dạy?
- Toán cô Bình, Lí cô Tuyết kiêm luôn chủ nhiệm, Hóa thầy Thành!
- Cô Bình thì tao chưa học, nhưng dạy lớp chọn thì chắc chắn là ổn. Cô Tuyết thì xịn rồi, thầy Thành là trưởng bộ môn, xịn nốt!
- Anh Văn thầy Triều!
- Trưởng bộ môn luôn, A1 được ưu ái quá ha!
- Hê hê, môn văn thì cô Tuyết dạy, trùng tên với cô chủ nhiệm luôn!
Nghe đến đây thì ông anh tôi bất ngờ rú lên thích thú:
- Chết cụ mày rồi con à, “tổ sư bà bà” này tao cũng học năm 12, dạy hay nhưng siêu siêu hắc ám. Thôi, xong mày rồi!
Tôi nghe ông anh mình đặc tả mà ảo não tán thành:
- Chuẩn luôn, mới ngày đầu đệ bị phạt đứng hết tiết!
- Không soạn bài phải không? Tao quên dặn mày, hé hé! Còn ai nữa, tiếp mau!
- Cô Lan dạy Sinh, thầy Phương dạy Địa, cô Hồng dạy Sử, thầy Hào dạy Thể Dục, hai môn Kĩ Thuật Công Nghiệp & Nông Nghiệp thì cô Tuyết với cô Hồng kiêm luôn!
- Chà… để coi. Thầy Phương thì trưởng bộ môn Địa, lớp mày ngon đấy. Cô Lan nghe nói dạy hay, những người còn lại thì tao chưa được học, không biết!
Đưa mắt nhìn Tiểu Mai, có vẻ hai đứa đang cùng một suy nghĩ là thầy cô năm nay toàn những giáo viên xuất sắc của trường.
- Vậy hết rồi đó huynh à!
- Ok, nghe tao dặn đây. Mấy môn Toán, Lí, Hóa, nói chung là môn tự nhiên thì mày liệu mà học hành đàng hoàng. Thầy cô hầu như biết tao, tới lượt mày thì đừng có mà bôi tro trát trấu vô mặt đàn anh!
Tôi thè lưỡi nói:
- À… thì biết mà. Nhưng mấy môn còn lại thì sao huynh?
- Còn lại mày học sao cũng được, càng ngu càng tốt!
- HẢ? Huynh không sợ bị đệ bôi tro trát trấu à?
Ổng gầm lên qua điện thoại, giọng sang sảng:
- Ngu quá, mấy môn đó tao học lè tè, mày mà học giỏi hơn tao thì cũng coi như BÔI TRO TRÁT TRẤU lên mặt tao rồi!
- Huynh nói vậy thì thiệt khó cho đệ quá…!
- Câm, mày coi làm sao thì làm. Tết tao về nhìn sổ liên lạc rồi tính toán với mày sau. Bai!
Nói rồi ông Phúc cúp máy cái rụp, không cho tôi kịp phản ứng thêm câu nào.
- Ổng nói vậy là… là anh phải học ngu mấy môn kia thiệt sao ta?
Tiểu Mai phì cười, nàng trả lời bằng giọng điệu êm ả nhưng nội dung thì cũng lạnh tanh không kém:
- Anh tính sao thì tính nha, với em thì anh học dở môn nào em cũng treo cổ hết!
Tôi đần mặt ra, ngồi trơ như đá tảng. Ở nhà thì bị anh hai ăn hiếp, ra đường tới lượt bạn gái bạo hành, “Tia chớp vàng” hóa ra chỉ là hữu danh vô thực, có tiếng nhưng không có miếng thôi ư?
oOo
Một chiều nọ của tuần học thứ hai, sau khi lòng vòng dạo biển Đồi Dương một lúc thì tôi đưa Tiểu Mai về trước, sau đó mới về nhà mình. Khi đó là tầm sáu giờ rưỡi chiều, đường phố đã lên đèn.
Lúc gần tới nhà thì tôi thấy trước thềm có một chiếc xe máy dựng sẵn.
- “Bữa nay nhà có khách sao ta?”
Thầm đoán là khách của ba nên tôi định bụng lúc dắt xe vô nhà sẽ cúi chào rồi té luôn thật nhanh xuống bếp, dù sao cũng đói bụng lắm rồi. Ở lại lấn cấn chào hỏi có khi bị cái bao tử hành hạ đến chết mất.
Nhưng khi bước vào thì trong nhà lúc này có đến hai người đang làm khách, ngồi nói chuyện với mẹ tôi chứ chẳng phải là ba.
- À, nó về rồi kìa! - Mẹ tôi nhìn thằng con trai hí hoáy dắt xe vào, nói với người phụ nữ đang ngồi ở phía đối diện.
- Ủa, đây là…!
Tôi giật mình ngơ ngác khi nhận ra hai người khách này vốn chẳng phải ai xa lạ, một người là Dạ Minh Châu, còn người phụ nữ kia chính là mẹ của cô nàng, tôi thi thoảng có chạy ngang qua và thấy cô đang trông cửa hàng hoa gia đình.
- Hi, chào Nam! - Minh Châu vừa thấy tôi đã đứng dậy.
- À, ờ… chào! - Tôi hơi bối rối vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây mà hai người họ lại tìm tới nhà mình.
Ngay lúc tôi còn đang dựng xe tính cúi chào mẹ của Minh Châu thì cô đã mở lời trước:
- Cô chào con!
- Dạ… con chào cô!
Cả nhà bỗng chốc tự dưng trở nên khách sáo, xã giao qua lại đến mấy câu thì tôi mới dần dà nhận ra lí do tại sao hôm nay hai mẹ con họ lại đến nhà tôi.
Đầu đuôi cơ sự phải kể từ sau cái hôm tôi đi mua chả cuốn nem nướng giữa đường về thì bị mắc mưa, chạy đôn chạy đáo mới tìm được mái hiên thì tình cờ gặp Minh Châu cũng đang ở đó. Thế là cô học trò thủ thỉ tâm sự rằng ba mẹ mình sắp thuê gia sư về nhà kèm riêng môn Toán. Tôi dù gì cũng làm thầy của Minh Châu, cũng một kèm một có kém gì ai, nên tức khí xui khiến cô nàng cứ đồng ý học. Đợi lúc người gia sư ra đề Toán kiểm tra trình độ thì cứ mặc sức mà tung tăng, làm sao thì làm, đừng để thẹn với kẻ làm thầy là tôi đây.
Hóa ra danh sư xuất cao đồ, liền hai ba buổi học sau đó Minh Châu đã chứng minh được rằng trình độ môn Toán của mình đã ở một tiến cảnh vượt bậc. Tuy không đến mức xuất sắc nhưng cũng đủ gọi là ổn định. Với việc giải đề đúng răm rắp, người gia sư buộc phải đặt nghi vấn có phải cái nhà này thuê mình về chỉ để khoe họ có đứa con gái siêng năng học giỏi không, hay là tính luyện thi vô đại học Harvard với MIT mới chịu.
Đến buổi thứ tư thì người gia sư ấy đem chuyện nói hết với khách hàng rồi cáo từ một mạch. Thế là trong sự hân hoan lẫn kinh ngạc của ba mẹ, Dạ Minh Châu mới hào hứng khoe rằng “con được như vậy là nhờ bạn Nam kèm suốt mùa hè đó”.
Nên hôm nay, hai người họ đến đây là để chân thành cảm ơn tôi.
Thi ân bất cầu báo, tôi dĩ nhiên là một mực khiêm tốn, luôn miệng nói rằng do Minh Châu tư chất sẵn rồi chứ tôi có làm cái quái gì đâu. Nhưng thực bụng thì tôi sướng điên người, cảm giác làm việc tốt ắt được ngợi ca này cũng tương đương với làm người hùng sân cỏ. Đúng là hụt cái này thì được cái kia, tái ông mất ngựa chưa hẳn đã xui.
Lại nói chuyện thêm hồi nữa thì mẹ Minh Châu mới vỡ lẽ ra tôi chính là oan gia khiến cho con gái mình không theo học trường chuyên Trần Hưng Đạo mà nằng nặc đòi vào Phan Bội Châu. Cũng vì việc đó mà đôi khi ba mẹ cô nàng xích mích với nhau. Giờ đây nỗi lo về cô con gái duy nhất đã không còn, ắt hẳn tương lai ngày nào một nhà ba người họ cũng sẽ cơm lành canh ngọt. Thế cho nên việc tốt lần này xem như là tôi đoái công chuộc tội, đường hoàng trả lại Minh Châu món nợ ân tình từ ba năm trước. Với kết cục vẹn toàn thế này, tôi cảm giác như số mệnh đã an bài rồi vậy.
Và điều làm tôi bất ngờ nhất chính là bản thân mình với Minh Châu cũng gọi là có dây mơ rễ má với nhau. Bởi mẹ tôi có một người em gái đã lập gia đình hiện đang sinh sống trong Sài Gòn. Thì dì tôi lấy chồng, chồng của dì có một người em trai nuôi. Và người em trai này chính là ba của Minh Châu, hôm nay vì bận nên hết sức tiếc không đi được cùng hai mẹ con.
Rồi từ đó mới lòi chành ra Dạ Minh Châu thực tế sinh năm 1991, tức nhỏ hơn tôi một tuổi. Năm đó mẹ Minh Châu sinh cô nàng tại quê ngoại là Di Linh vào dịp trước Tết Nguyên Đán, ba thì đang ở lâm trường, may phước bà ngoại từng làm hộ sinh nên có kinh nghiệm đỡ đẻ chứ khi ấy điều kiện di chuyển tại vùng núi khó khăn, đợi chuyển ra viện có khi không kịp mẹ tròn con vuông. Sau đó ông bà ngoại bế cháu đi làm thủ tục khai sinh, mừng vui như nào lại khai thành ngày tháng âm lịch. Kết quả Minh Châu được học sớm một năm, không biết đây là may mắn hay xui xẻo nữa.
Bàn chuyện tới lui một hồi thì cũng vừa lúc ba tôi về nhà, thế là mẹ Minh Châu mở lời mời cả nhà tôi hôm nào đến dùng một bữa cơm gọi là cảm ơn. Suy đi tính lại thì cũng xem như là người quen họ hàng dù không cùng quan hệ huyết thống, Phan Thiết tuy nhỏ nhưng có dịp thì cứ kết giao, bà con xa không hơn láng giềng gần. Rồi cao hứng thế nào mà mẹ Minh Châu còn đùa một câu rằng:
- Em thấy hai nhà mình kết thành thông gia luôn càng tốt anh chị ạ!
Khiến tôi nghe mà tá hỏa tam tinh, còn Minh Châu cạnh bên mặt đỏ hồng như gấc chín.
Phần ba mẹ tôi thì chắc là đang nửa tự hào về việc tốt hiếm hoi do ông nhõi con nhà mình làm được, nửa sẽ ngạc nhiên chẳng hiểu tại sao thằng út này lại có duyên với con gái nhà lành đến vậy. Mà sau này ba mẹ tôi vu vơ nói Dạ Minh Châu đem so với Tiểu Mai cũng có khi một chín một mười.
Đến lúc cáo từ ra về, khi nhà tôi tiễn hai người họ ra cổng thì tôi mới lúng búng mở lời cho đỡ ngượng:
- Chà, hóa ra là nhỏ hơn đây một tuổi!
- Hì, tại vì cũng chưa có dịp nào tiện để nói Nam biết thôi! - Cô nàng đáp.
- Vậy mà hồi mới gặp lại chửi thằng này xối xả! - Tôi cười cười thòng một câu chọc quê.
Cứ đinh ninh cô nàng sẽ cự lại là do tôi trước mới phải thì không dè lại chỉ hơi cúi đầu thủ thỉ:
- Không có như vậy nữa đâu…!
Và khi mẹ Minh Châu dắt xe ra mới quay lại giục con gái:
- Chào anh Nam đi, à… chào bạn về đi con!
Thì Minh Châu có hơi giật mình, giây lát sau mới khẽ khàng thưa với tôi, nhỏ nhẹ mà rõ ràng từng chữ một:
- Chào anh, em về!
Tôi há hốc mồm, đờ đẫn cả người luôn trước cổng.
Hết chương 390
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro