Chap 381+382
Chương 381
Sau bữa cơm tối mang bầu không khí “u ám” đến kinh người, ba tôi lên lầu vừa hút thuốc vừa xem ti vi. Mẹ tôi thì loay hoay ở sau bếp, thi thoảng bà thở dài nói đại loại vài câu “phải chi bé Mai còn ở đây” rồi lại tất bật với việc sơ chế sẵn mấy món ăn cho ngày mai.
Tôi thật tình là nãy giờ cũng lẩm nhẩm trong đầu đến hơn chục lần cái suy nghĩ là phải chi Tiểu Mai vẫn còn ở đây, ngay nhà tôi lúc này. Tự dưng đang yên đang lành thì nhà trường thông báo đi học quân sự làm gì không biết.
Nếu không có cái thông báo trời đánh đó thì Tiểu Mai ắt hẳn vẫn còn ở cùng với tôi rồi. Đến cả con mèo đần Leo giờ cũng theo nàng về dinh, đầu không ngoảnh lại, quên luôn cậu chủ lúc nào cũng cho nó ăn đến nứt bụng.
Không, nếu truy ra cho ra nhẽ thì tự dưng mùa hè lại đi… kết thúc mới đúng. Tại sao ba tháng hè không nới ra hẳn thành sáu tháng luôn đi? Còn lại ba mùa thu, đông, xuân chia nhau nửa năm coi sao thì coi.
Tôi mà là thượng đế, tôi đôn hẳn mùa hè thành nửa năm cho sướng. Chắc chắn việc này sẽ được cả thế giới ủng hộ cho xem, bởi vì trẻ em học sinh ai lại chẳng muốn mùa hè càng lâu càng tốt. Mà trẻ em là tương lai thế giới, tức là… cả thế giới đó thôi.
Càng nghĩ càng thấy bức bối nhưng lại biết bản thân mình chẳng thể làm gì khác được, thế cho nên tôi đâm chán. Buồn buồn không biết làm gì, tôi tính lôi cây Lakewood ra chơi một bản nhạc nào đó thật sầu thảm, như bản “Song from a Secret Garden” chẳng hạn.
Nhưng bây giờ trong nhà không khí đang cực kì yên lặng, tôi mà gảy lên giai điệu buồn bã đó thì khác nào biểu tình, mời ba tôi xuống nhà dợt cho thằng út lì lợm một chập nữa.
Thế cho nên, tôi quyết định xách xe đạp ra ngoài đi dạo với hi vọng khung cảnh nhộn nhịp bên ngoài sẽ giúp mình khuây khỏa ít nhiều tâm trạng.
- Con qua nhà thằng Khang xíu thôi à, về liền mà! – Tôi nói rồi phóng xe ra khỏi nhà không dám trì hoãn thêm phút giây nào vì sợ mẹ thộp đầu bắt ở lại.
Nhưng thực ra tôi không chạy đến nhà Khang mập mà chỉ đạp xe lòng vòng vô định. Phố biển đêm hè không mưa nhưng tiết trời vẫn dịu mát dễ chịu, mảnh trăng treo trên cao đang tỏa sáng vằng vặc cùng những vì sao lấp lánh giữa tầng không.
Như một thói quen, tôi cuối cùng cũng lại chạy xe ra con đường biển Nguyễn Tất Thành. Dọc hai bên và cả ở công viên cây xanh dài dọc giữa đường là những người đi dạo buổi đêm, đi bộ cũng có mà chạy xe đạp hóng gió như tôi cũng có.
Mới đầu tôi còn có ý định chạy sang Tiểu Mai chơi, nhưng suy đi tính lại thì hai đứa mới mạnh ai về nhà nấy chưa được nửa buổi nên thật tình là không nên. Cũng phải để nàng có không gian riêng tư, thêm cả tôi cũng sợ gặp nhau riết chẳng may lại đâm chán thì bỏ xừ.
Thế cho nên khi chạy xe đến đường Tuyên Quang tôi không rẽ vào hướng nhà Tiểu Mai như mọi khi mà cứ thong dong chạy thẳng, lòng nửa khấp khởi hi vọng sẽ tình cờ gặp nàng cũng đang đi bộ dạo mát, nửa lại cố kiềm chế bản thân rằng để mai hẵng gặp thì tốt hơn.
Lúc chạy ngang quán net hay chơi, tôi theo phản xạ đưa mắt nhìn vào xem có gặp người quen như Khang mập không nhưng chẳng có ai mà tôi biết. Bất giác tôi chợt nhớ đến câu nói của Tuấn rách khi đến tập võ hôm vừa rồi:
- “Sau đó tình cờ mấy bữa thằng Khang đi net mới thấy nhỏ Uyển Nhi hay ở trong quán mình chơi trên Tuyên Quang. Không biết nó có mê game tới mức dọn nhà vô trong đó ở luôn hông ta?”
Ái chà, nếu đúng như lời Tuấn rách thì lúc này tôi phải thấy Uyển Nhi đang ngồi trước màn hình máy tính mới phải chứ nhỉ. Và chiếu theo tình hình trong mắt tôi lúc này rõ là thằng bạn rách quần chỉ giỏi vớ vẩn, dẫu có mê game đến mức nào thì làm gì có chuyện Trình tiểu thư dọn nhà ở luôn trong quán net.
Nhẩm ra thì tôi cũng đã không gặp Uyển Nhi được hơn tuần, tính từ lần cuối cùng là lúc tôi hẹn nhỏ này ra café để nghe giải thích sự vụ tại sao lại cùng với Dạ Minh Châu song hành quá bộ đến nhà mình.
Gần trọn mười ngày ở cùng Tiểu Mai cũng là ngần ấy thời gian tôi không còn liên lạc với Uyển Nhi nữa, kể cả nhắn tin hay trả lời điện thoại. Tuy cả hai không hề có xích mích mâu thuẫn gì nhưng tôi tự giải thích với bản thân rằng khi đang ở cạnh Tiểu Mai thì sẽ dành hết quan tâm đến nàng, chẳng cần phải mất thời gian với những người con gái khác nhằm tránh sa lầy vào những hậu quả không đáng.
Nếu cả tình lẫn lí tôi đều đúng thì cớ sao cái cảm giác bức bối từ lúc Tuấn rách nhắc đến Uyển Nhi giờ đây lại kéo đến lần nữa vậy chứ.
- “Có khi nào nhỏ đó về nước rồi không ta? Sao không đến tạm biệt bạn bè một câu chứ!” – Tôi nghĩ thầm trong đầu, quên béng mất là bữa giờ mình có ngó ngàng gì đến người ta đâu thì bản thân lấy tư cách gì đòi hỏi điều tương tự.
Và tôi cũng quên mất một điều nữa là, Uyển Nhi có thói quen đi bộ từ quán net ra đến tiệm café đầu ngõ mà hai đứa thường uống rồi gọi một nước chanh đá bào, vì cho rằng món uống kì cục này sẽ giúp đầu óc mình tỉnh táo trở lại sau mấy tiếng đồng hồ dán mắt vào màn hình vi tính.
Thế cho nên khi trông thấy Trình tiểu thư bước ra khỏi tiệm café rồi chuẩn bị bước lên chiếc taxi đang chờ sẵn, tôi đột ngột thắng xe cái kít, cảm giác tim như ngừng đập một nhịp vì không tin được lại có sự trùng hợp đến thế này.
Rồi không ồn ã kịch tính như cái lần hai đứa mới gặp, chúng tôi chỉ đứng đó lặng im, nhìn nhau không chớp mắt.
Bất giác một câu nói vang lên trong đầu, cảm giác mới chỉ vừa hôm qua được nghe:
- “Ông là bạn duy nhất của tui ở đây đó, tui không muốn ông giận tui đâu, hôm nay mà có gì chắc tui… chết mất”.
oOo
“Lần cuối”, hay “cuối cùng” là từ ngữ dễ tạo cho người nghe một cảm giác nuối tiếc, buồn man mác. Lẽ tất nhiên là tôi đang đề cập đến ngữ cảnh từ này được gắn liền để diễn tả một điều tốt đẹp đang đi đến hồi kết thúc.
Chứ không phải là “cuối cùng cũng tới mùa hè”, hay “đây là lần cuối mình ăn cái món dở như thế này”, mấy cái điều xui xẻo thì ai chả trông mong nó sẽ một đi không trở lại, ở đó mà tiếc với chả buồn.
Chỉ là ở phương Tây có câu “all good things must come to an end”, mọi điều tốt đẹp cuối cùng rồi cũng sẽ kết thúc, tan vào thinh không.
Và sau một hồi nhìn nhau bối rối, nếu bác tài taxi mà không bóp còi đánh tan sự im lặng này thì đồ rằng hai đứa sẽ còn nhìn nhau chưa tới biết bao giờ, Uyển Nhi mới quyết định không lên xe mà đi đến nói với tôi, giọng nghe có chút nghèn nghẹn:
- Đi dạo với tui lần cuối đi, mai phải về nước rồi…!
Thế cho nên vì là “lần cuối”, vì cảm giác buồn man mác đang dần lan tỏa trong lòng, tôi gật đầu đồng ý không chút do dự.
Trời đêm mát mẻ, những trụ đèn hắt xuống lòng đường một thứ ánh sáng nhàn nhạt khiến lòng người trở nên thư thái. Tôi chở Uyển Nhi chạy loanh quanh đoạn biển Đồi Dương gần sân golf Novotel, qua cả cầu Trần Hưng Đạo rồi ngang qua đường về nhà, tiếp tục chạy thẳng ra đoạn ngã ba, nơi mà quẹo phải là sẽ đến bến sông trăng ngày trước.
Mãi một lúc sau, khi tôi đang chả biết tiếp theo phải chạy đi đâu thì Uyển Nhi mới lên tiếng trước:
- Sao hôm giờ tránh mặt tui vậy?
- À… đâu có tránh…! – Tôi bối rối đáp rồi cũng nhận ra ngay mình đang chối càn, đành thở dài đối mặt sự thật. – Thì… bà cũng biết rồi mà!
Ý của tôi là Tiểu Mai về nước rồi, lẽ dĩ nhiên phải dành hết thời gian cho bạn gái thôi thì Uyển Nhi nên biết chuyện này mới phải, còn hỏi cái gì nữa mà hỏi.
Có vẻ cô nàng đoán biết được điều tôi ám chỉ nên lại tiếp tục im lặng.
Rồi ngay vào lúc tôi đang tính thắc mắc sao dạo này không đi chơi với tụi hội bàn tròn nữa thì Uyển Nhi đột ngột hỏi:
- Tui có phải người yêu của ông không Nam?
- Hả?
Nghe cô nàng hỏi mà tôi điếng người vì có nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy tới tình huống oái ăm này.
- Trả lời tui đi! – Uyển Nhi hỏi gặng, trong ngữ khí đã có vài phần uất ức.
Tôi thu hết can đảm, lắc đầu kiên quyết:
- Dĩ nhiên là không!
Thôi xong, thế là hết. Tôi nghĩ như vậy, đây có lẽ là lần cuối cùng gặp mặt luôn rồi.
Nhưng Uyển Nhi vẫn tiếp tục:
- Vậy tui có phải bạn của ông không?
- Phải, tui coi bà là bạn mà!
- Là bạn bè thì lâu lâu gặp mặt, đi chơi ăn uống, hay ít nhất là trả lời điện thoại, cũng là bình thường phải chứ?
- Ừ… thì vậy!
- Thế tại sao ông không đi chơi với tui nữa?
- Thì… bữa giờ tui bận mà, có đi chơi với ai đâu!
- HOW DARE YOU LIE TO ME? – Uyển Nhi hét lên.
- Cái… cái gì? – Tôi loạng choạng suýt ngã xe, vội dừng lại bên đường.
Đến đây thì cô nàng bất thần đấm vào lưng tôi thùm thụp như trút hết nỗi lòng uất ức từ trước đến giờ:
- Nói dối, ông nói dối, mấy người kia kể tui nghe hết rồi. Ông có đi chơi với họ mà, sao lại tránh mặt tui?
- …!
- Đồ ích kỉ, đồ xạo sự, đồ… đồ…!
Ắt hẳn bọn Tuấn rách đã có kể với Uyển Nhi rằng tôi có lần đi xem bói cùng mọi người rồi, nhưng quả thật là mới nãy tôi có nói dối thật, tình hình là sai đứt đuôi nòng nọc, vô ngôn dĩ đối.
Tôi nghẹn cả thở không nói được lời nào, một vài người đi đường xung quanh tò mò nhìn sang với ánh mắt hiếu kì. Và dù là không quay lại nhìn nhưng tôi cũng có thể cảm giác được Uyển Nhi đang tức giận cực kì, cố gắng… rủa cho hết câu:
- Đồ ích kỉ, đồ LIAR!
- …!
Im ru cả một lúc sau, tôi mới ngần ngừ hỏi nhỏ:
- Chửi xong chưa…?
- Xong rồi! – Uyển Nhi bực dọc đáp.
- Thôi mà, tui xin lỗi. Lần sau không vậy nữa đâu! – Tôi xuống nước nằn nì.
- Làm gì còn lần sau nữa, mai tui về rồi! – Cô nàng hứ một tiếng, lại đánh vô lưng tôi.
Tôi tiếp tục đứng hình như mọi khi, vẫn không biết phải nói gì trong những lúc thế này, câm nín nghe Uyển Nhi rủa tiếp:
- Nếu ông thật sự coi tui là bạn thì bớt chút thời gian trả lời điện thoại có sao không? Hay là ông có ý gì đó với tui mà ông không chắc, nên mới tránh mặt, sợ đi riêng với tui chứ?
- Không có phải mà, tui ngại bạn gái tui biết thôi! – Tôi cười nhăn nhở giải thích.
- Biết thì đã sao, tui có bắt ông phải đi riêng với tui đâu. Mấy lần trước toàn đi chung cả nhóm con trai lớp ông còn gì? Ông cứ nói là đi chơi với bạn bè một chút thì có làm sao?
- Ai biết được…!
- Thì ông có biết gì đâu, đồ… sợ vợ!
- Ê ê cái này động chạm nha, tui không có sợ à nha!
Nghe tôi sĩ diện, Uyển Nhi tức khí lại đánh thêm vào lưng phát nữa:
- Ai cũng đồng ý vậy hết, không phải mình tui!
- …!
- Người yêu là người yêu, bạn bè là bạn bè, đều là những mối quan hệ tốt, đừng có bên trọng bên khinh. Tới hồi cần thì chẳng ai giúp lại bảo sao bạn bè không tốt!
- …!
- Nói gì đi chứ, ông sợ tui à? Tui có phải vợ ông đâu mà sợ, coi tui như bạn ông đi, như mấy người con trai ấy!
Nghe con nhỏ này thuyết giáo mỗi lúc một cao giọng, tôi phi thân xuống xe quay người lại, tức khí quát:
- Con trai cái con khỉ, sao coi bà là con trai được? Có đứa nào con trai mà đẹp gái vậy không?
Chứ sao, phật cũng có lửa mà, đừng có được nước lấn tới, tôi cũng có uy chứ. Ơ nhưng mà… ôi không, ôi cái đệch… tôi vừa nói gì thế này.
Không hề biết là tôi vừa hớ mồm và đang đứng phỗng ra như trời trồng, Uyển Nhi nộ khí bỗng chốc tiêu tan, gương mặt đang tức giận rất nhanh trở nên bất ngờ rồi chuyển sang nét cười tủm tỉm, ánh mắt xanh biếc đang sáng lên nửa vui nửa ngượng. Cô nàng vuốt tóc bồng bềnh, bối rối thỏ thẻ:
- Bộ ông… nghĩ vậy thiệt hả?
- Ừ thì…!
- Thì sao?
- Thì… thiệt, mà bà còn hỏi chi nữa, trước giờ lúc nào cũng nói bà biết bà đẹp mà!
- Quan trọng là ông khen, hi hi!
Không ngờ có ngày chỉ đơn giản nói ra sự thật mà tôi phải lóng ngóng khó xử đến vậy. Nhưng quả tình nhan sắc Uyển Nhi rất đặc biệt, từ lần gặp đầu tiên tôi đã thấy vậy.
Không phải kiêu sa lạnh lùng cũng chẳng xinh xắn dễ thương, mà thiên ngôn vạn ngữ dùng mô tả chỉ tóm gọn lại trong một từ: đẹp. Có lẽ do xuất thân của Trình tiểu thư là con lai mang hai dòng máu chăng?
Uyển Nhi bật cười giòn tan, phẩy tay nói:
- Tha lỗi cho baby đó, giờ chở tui về nhà đi!
Tôi nhất thời chả biết phải hành xử ra sao với con nhỏ buồn vui thất thường thế này, đành thúc thủ cam tâm leo lên xe đạp về hướng ngược lại. Nhưng dù sao tình hình giờ đây đã khá hơn vừa nãy rất nhiều, Uyển Nhi chủ động bắt chuyện, cộng thêm thiên phú khéo léo dẫn dắt cuộc đối thoại nên chẳng bao lâu sau mà hai đứa đã trở lại đối đáp liến thoắng như thường ngày.
Từ chủ đề đá banh, chơi CS cho đến tình hình Luân khùng dạo này tấn công Uyển Nhi tới tấp, hay cả việc Tuấn rách đang gặp khó khăn trong tiến trình cưa cẩm Thu Sương, chúng tôi đều kẻ tung người hứng, phối hợp hoàn hảo như mấy lần chuyền bóng bật tường.
Quãng đường về vì vậy trở nên ngắn lại, một lúc sau khi tôi đang bon bon trên đường Thủ Khoa Huân thì Uyển Nhi ngồi sau giật giật tay áo chỉ trỏ:
- Đó, ông chạy qua cái chỗ tượng đài ghi công thì quẹo phải vô, chạy thêm chút nữa!
Tôi y như hướng dẫn mà chạy theo.
- Rồi rồi, bên phải có cái hẻm kìa, dừng ở đó là được!
- Sao không để tui chở vô tận nhà luôn?
- Tui tự đi vô được rồi, lỡ để ông bà ngoại thấy thì… xấu hổ lắm!
- Ha ha, Trình Trình từ lúc nào cũng biết mắc cỡ vậy?
- Uh huh, tui chứ đâu phải ông đâu!
Con hẻm dẫn vào nhà ngoại Uyển Nhi hiện ra trước mắt, tôi giảm tốc rồi dừng xe lại.
- So,… this is it! – Uyển Nhi xuống xe nhưng chưa vào nhà vội, đứng lại nói.
- Hử? Là cái gì? – Tôi ngẩn tò te.
- Là kết thúc rồi đó, tới đây là hết! – Cô nàng nhoẻn miệng cười.
- Hết là sao? Mà nãy bà nói lần cuối là sao, không về Việt Nam nữa hả? – Tôi hỏi dồn dập, bản thân cũng không nhận ra tại sao mình lại gấp gáp như thế.
- Ông có chơi với tui nữa đâu mà về, hứ, biết mỗi Trúc Mai tiểu thư thôi chứ có thèm nhận ai nữa đâu!
- Ê cái nào ra cái đó nha, nãy nói rồi còn gì!
- À ừ, thì tui sẽ về lại, mà khi nào thì chưa biết. Sắp tới tui bận dữ lắm, so so busy!
- Bận gì mà dữ?
Uyển Nhi suy nghĩ một chút rồi nháy mắt tinh nghịch:
- Kiếm người yêu!
- Uhm… nhớ dắt về cho tui xem xem thằng cha nào vô phước vớ phải bà nhé!
Nhưng thế quái nào khi nghe Trình tiểu thư nói sẽ tìm bạn trai thì tôi lại cảm thấy có chút gì đó gần như là nôn nao trong lòng vậy nhỉ.
- Ok let’s see. À mà ông có chơi Twitter không? – Uyển Nhi bĩu môi rồi hỏi.
- Hả? Cái gì quýt? – Tôi đần mặt ra, chả hiểu cô nàng đang nói cái quái gì.
- Là mạng xã hội Twitter đó, nhìn là hiểu ông không biết gì rồi ha. Thôi đứng đây đợi tui chút, chạy ra liền!
Nói rồi Uyển Nhi chạy vụt vào trong, tôi ngồi trên xe đạp dõi theo phía sau, trong đầu vẫn ngơ ngác chả hiểu Twitter hay mạng xã hội là cái quái gì.
Vài phút sau, cô nàng chạy ra, tay cầm theo một mẩu giấy nhỏ.
- Gì đấy? – Tôi thắc mắc.
- Nick Yahoo của tui đó! – Uyển Nhi thủng thẳng đáp.
- À, cái này thì tui biết nghen, xài đó giờ rồi! – Tôi toét miệng cười ra vẻ thông thái.
Uyển Nhi tủm tỉm rồi gấp mẩu giấy lại, tự tay nhét vào túi áo trước ngực tôi rồi vỗ vỗ vai nói:
- Ừa, vậy giữ liên lạc nha baby!
- Uhm, bà vô nhà đi!
Tôi nói với một sự quyến luyến chân thành, vì dẫu sao Uyển Nhi cũng là một người bạn đặc biệt mà thật tâm tôi chẳng muốn để mất.
Hai đứa bỗng chốc im lặng một lúc. Đêm hè về khuya làm phố phường trở nên vắng lặng, trên đường lúc này chỉ có mỗi chúng tôi, thế cho nên không khí lại càng thêm yên tĩnh. Và khi tôi mấp máy môi định nói thêm câu gì đó thì Uyển Nhi bằng một điệu bộ duyên dáng bất thần nhón chân, nhẹ hôn lên má tôi.
Rồi Trình tiểu thư bước lùi lại, nhoẻn miệng cười tươi, vẫy tay nói khẽ:
- Này là hôn tạm biệt thôi, đừng nghĩ nhiều quá. Keep in touch, baby!
Tôi hơi đờ đẫn, nghe tim bỗng dưng ngừng đập một nhịp trước ánh mắt xanh biếc hơn cả đại dương, sáng lên hơn cả vì sao xa kia.
Điều này, có lẽ thôi tôi giữ riêng mình tôi biết.
Rồi mới mỉm cười nhẹ tênh: - Ừ, tạm biệt!
Và Uyển Nhi quay bước vào trong, tôi cũng vòng xe lại chạy nhanh về nhà, dọc đường không hiểu sao đầu óc cảm thấy thật thong dong, chẳng hề có lấy một suy nghĩ nào vướng bận.
Vậy là đã kết thúc cuộc chia tay cuối cùng, cũng là kết thúc của mùa hè năm 2007. Ngày hôm nay dài ơi là dài, phải tiễn đến tận ba người. Thôi, xem như xong rồi.
Trình tiểu thư, tạm biệt!
Hết chương 381
oOo
Chương 382
Thường nói anh em chiến hữu thì đồng bệnh tương lân, một thằng có chuyện tất cả chung tay, huống hồ gì đây là… cả đám cùng có chuyện.
Vì vậy dẫn tới sau ba tháng hè nói dài không dài nói ngắn cũng không ngắn, hội bàn tròn A1 cuối cùng đã có một ngày tụ họp đông đủ.
Mở đầu là tôi, lúc này đang nói chuyện với Tiểu Mai qua điện thoại.
- Thôi, đồ đã tặng là không lấy lại! – Tôi nhất quyết giữ nguyên ý định không lấy lại cây tre đã tặng nàng hồi học quân sự năm vừa rồi.
- Chứ anh lấy gì mà dùng? Hay ngày mốt em cầm theo đưa anh nhe! – Nàng kiên trì thuyết phục tôi như từ nãy đến giờ.
- Thôi, anh mua cây mới!
- Em có dùng đâu, mua chi phí tiền vậy. Hồi trước anh còn kể là không thích dùng tre để được gọi lên lắp ráp súng thật mà!
- Trời ơi, tre rẻ òm à, anh không qua lấy đâu. Qua nhà em chơi thì được, hề hề!
Nghe giọng cười khả ố của tôi, Tiểu Mai có vẻ hơi khó chịu:
- Cười gì thấy ghê, hôm nay em bận rồi, bữa khác anh qua nha!
- Hử, bận gì thế? – Tôi chưng hửng.
- Em định tập đàn hết ngày hôm nay, bữa giờ không tập cũng hơi lâu rồi! – Nàng đáp.
Cũng đúng, hè này từ lúc tôi đón nàng ở Sài Gòn về đến Phan Thiết là sang nhà tôi ở hơn một tuần. Thời gian đó thi thoảng chở nàng về lại nhà ở đường Tuyên Quang thì tôi thấy Tiểu Mai hiếm khi có dịp chạm đến phím piano.
Hơi ngần ngừ một chút rồi tôi thắc mắc:
- Ủa chứ có anh thì em không tập được hay sao? Mọi khi vẫn đàn cho anh nghe mà!
- Lúc đó là đàn cho anh nghe, là… biểu diễn. Còn giờ em tập bài mới, khi nào xong thì mới cho anh qua nghe tiếp! – Tiểu Mai thở dài.
- Ừm… ngồi yên một chỗ cũng không được à? – Tôi nằn nì.
- Không, em cần yên tĩnh. Anh qua lấy tre thì qua, còn không thì… ôn lại bài vở đi, sắp vô năm học mới rồi! – Nàng đột ngột nghiêm giọng.
Tiểu Mai chốt hạ một lời chí mạng khiến tôi hết ham chầy cối. Gì chứ tuy ngày mốt là vào học quân sự nhưng đối với tôi thì hết mùng còn mền, hết mền lôi chiếu ra đắp, mùa hè vẫn còn đọng lại dư âm. Việc gì giờ này phải ôn bài ôn vở cho mệt tấm thân vậy.
- À à rồi, vậy thôi, có gì anh gọi sau nhe! – Tôi đánh trống lảng.
- Gì đấy? – Tiểu Mai có vẻ đã nhận ra tôi đang giở trò lấp liếm cho qua chuyện.
- Không có gì, thằng Khang tới rủ đi mua tre đó mà, bái bai em!
Rồi tôi dập máy cái rụp, không dám sa lầy vô tình trạng đêm dài lắm mộng, cù cưa thêm một chốc nữa kẻo lại bị Tiểu Mai hạ chỉ bắt ở nhà ôn bài thì khốn.
Suy đi tính lại, việc cần kíp lúc này là lộng giả thành thật. Vừa mới nói với Tiểu Mai là Khang mập đến rủ đi mua tre, đề phòng vạn nhất lỡ có tình huống nàng tra hỏi thì tôi phải lôi người anh em lớp trưởng vào cuộc ngay. Nghĩ là làm, tôi nhấc điện thoại bấm số nhà Khang mập. Chuông đổ đến mấy hồi mới có người nhấc máy.
- A lô…! – Thằng này có lẽ đang ngủ trưa hay sao mà nghe giọng nhão nhẹt.
- Người anh em, cây tre của mày còn không? – Tôi vào thẳng vấn đề.
- Thằng Nam đó hả…? Tre trúc gì ở đây, để yên cho tao ngủ…! – Nó vẫn lè nhè.
- Tre để đi học quân sự đó, ngày mốt, thứ hai tuần sau, mày không xem ti vi hả? – Tôi nói như hét vô điện thoại hòng giúp thằng bạn mình tỉnh ngủ.
- À à… tao vứt đâu mất rồi!
- Tao cũng không còn, giờ đi mua không?
- Ờ… khi nào đi? Mà để cho tao ngủ thêm xíu nữa đi… oáp!
- Giờ mới hai giờ, tầm ba giờ cho mát, ngủ tiếp đi mày, tí tao chạy qua rủ!
- Ok… ok…!
Triệu hồi thành công được một người anh em, tôi lại tiếp tục gọi sang nhà Tuấn rách.
- Cây tre của mày còn không?
- Năm trước tao múa đao Quan Vân Trường với thằng Luân, bị tịch thu luôn rồi! – Tuấn rách làu bàu thú nhận.
- Ok tí ba giờ tập trung nhà thằng Khang nhe, anh em đi mua chung! – Tôi hồ hởi nói.
- Ờ, để tao rủ thêm thằng Luân, chắc nó chưa mua đâu!
- Ngon, rủ thêm được thằng nào cứ rủ, để tao hỏi thằng Dũng xem thử!
- Ok ok!
Qua thêm vài lần “ok ok” nữa thì dẫn đến tình hình thằng này rủ thằng nọ, thằng nọ rủ thằng kia. Lúc ba giờ chiều, khi tôi thắng xe cái kít trước nhà Khang mập thì có nằm mơ cũng không ngờ rằng hội bàn tròn mấy anh em tập trung đông đủ cả.
- Ôi má ơi, thánh xuất sơn rồi à? Quả là chuyện lạ đó nha! – Dũng xoắn cười toét mang tai.
- Ừ, tụi mày cũng không còn cây tre nào hả? – Tôi vui vẻ đáp.
- Không, năm trước học xong tao lười cầm về, vứt luôn trong bãi xe! – Nó nhún vai nói.
Luân khùng trờ tới sau lưng:
- Thằng Nam được vợ thả cho đi chơi một ngày đó, chứ dễ gì sổng chuồng ra được!
- Ê tao không phải chó à nha, bố mày cũng không sợ vợ nhé! – Tôi cự lại.
- Chắc là không sợ, tao kể tụi nó hết rồi con ạ, Trúc Mai hét một tiếng thì mày sợ vãi ra quần, mất mặt đàn ông quá! – Tuấn rách cười nham hiểm, nó ỷ mình hay sang nhà tôi tập võ nên tự cho là biết tất cả.
- Á à cái thằng nội gián này, tin tao phế võ công mày, khai trừ ra khỏi môn phái không? – Tôi cười gằn, xắn tay áo lên dọa nó.
Nhưng nó nhảy lùi lại một bước, hất hàm nói:
- Bố thách, tao nhờ thằng Chiến cũng được nhé!
- Cha chả, mày khi sư diệt tổ quá rồi đó con à. Chấp cả Thái Cực Quyền của mày với võ cổ truyền của thằng Chiến đấy, bơi vào đây!
- Ngon, mày chưa nghe câu lấy thịt đè người sao? – Thằng Chiến cũng nhập cuộc, cái thằng này nghỉ hè chỉ lo ăn với ngủ hay sao mà giờ nhìn đô con ác.
Cậy mình đã có đồng minh, Tuấn rách lại cù nhây:
- Hê hê, cái thằng sợ vợ, vừa bị hú một tiếng là đã vãi cả ra quần!
- Ờ, còn đỡ hơn thằng bị tao gạt chân một cái liền rách quần. À mà chừng nào mày trả quần cho tao? Tính giữ làm kỉ niệm luôn à?
- Đệch…!
Tôi chơi cú này quá hiểm khiến Tuấn rách há hốc mồm, tắt cười ngay tắp lự.
- Gì, vụ gì cái quần, nó lại rách nữa hả? – Thằng Quý vừa mới chạy tới hóng được vài câu cũng tò mò muốn biết chuyện.
- Ủa mày chưa nghe hả? Đây đây…! – Tôi cười nham hiểm, liếc sang đã thấy Tuấn rách đang đỏ mặt tía tai.
Thế nhưng may phước cho nó, tôi chưa kịp giở trò bêu riếu bạn bè thì Khang mập đã đẩy cửa dắt xe ra. Mấy thằng tôi lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng y chang hội huynh đệ trong phim giang hồ Hồng Kông, lại đấu láo tí toét thêm một hồi nữa rồi mới đạp xe xuất phát đến chỗ bán tre.
- Ủa, mà thằng Xung đâu? – Luân khùng thắc mắc.
- Nhà nó gần đó mà, chạy ngang hốt đi luôn! – Khang mập đáp.
- Dạo này cũng ít thấy nó quá he? – Thằng Quý trầm ngâm.
- Thằng Nam mới là ít thấy, dính vô gái gú là quên hết anh em! – Tuấn rách hãy còn cay cú vụ tôi cứ lôi chuyện nó bị rách quần ra chọc nên chớp thời cơ đía vô liền.
Tôi cười tỉnh bơ, hất hàm nói:
- Kệ tao, tụi mày thử có bạn gái đi rồi biết!
- Biết cái gì? Lúc nào cũng sợ vãi ra quần hả thánh? – Dũng xoắn tăng tốc lên chạy ngang hàng với xe tôi.
- Nói về quần thì phải hỏi thằng Tuấn kìa! – Tôi bơm đểu liền.
- Đệch… quần… quần què!
Câu chửi đổng của Tuấn rách kết thúc luôn màn đấu khẩu của cả đám, vì bọn tôi thằng nào cũng nghĩ nếu cứ nhây ra chọc nó nữa thì dám thằng này nổi máu điên bỏ về luôn chưa biết chừng.
Nơi bán tre nằm gần khu di tích Dục Thanh, ngay sau lưng trường cấp hai Trần Phú tôi từng theo học, cũng là nơi mà năm lớp mười hội bàn tròn A1 từng đến mua nhiều tre đủ kích thước để về dựng trại.
Trên đường đi, tụi tôi chạy ngang nhà thằng Xung sẵn tiện hốt luôn nó, đợi hơn mười phút mới thấy thằng này ló mặt ra với lí do… ngủ quên. Sự vụ này dẫn đến tình trạng một chốc sau, Dũng xoắn cứ than thở suốt khi đứng xếp hàng:
- Tại mày đó Xung, ăn với chả ngủ, giờ thấy chưa? Kiểu này có khi tới tối cũng chưa mua được!
Trước mắt cả đám lúc này là một hàng dài các học sinh cũng đang đến xưởng mua tre về chuẩn bị cho tuần lễ học quân sự, cùng trường có, khác trường cũng có. Chắc hẳn mấy đứa này cũng mang tâm lí nước đến chân mới nhảy như tụi tôi, đợi gần sát giờ rồi mới rủ nhau đi mua nên giờ đây tư tưởng lớn đụng nhau, đứng xếp hàng rã cả chân.
Hơn ba mươi phút sau thì đám đông mới vãn dần, cũng tức là giờ đó mới tới lượt tụi tôi.
- Thằng Xung vô trước, hét mười cây đem về, tự trả tiền cho tao! – Dũng xoắn hừ mũi.
- Cái quần tao nè chứ tự trả tiền, mạnh ai nấy xử nha! – Thằng Xung quắc mắt cự lại.
Tôi nghe đến “cái quần” là chớp ngay thời cơ:
- Cái quần mày sao Xung? Có như quần thằng Tuấn không?
- Như nó là sao? – Thằng Xung ngơ ngác.
- Là hay rách chớ sao, ố hố hố! – Khang mập chêm vào.
Tuấn rách nghiến răng trèo trẹo, nó thu nắm tay lại rồi đấm Khang mập một phát rõ đau khiến thằng này la oai oái, bỏ chạy khỏi hàng.
- Mua lẹ đi, giỡn giỡn xong tí nữa xếp hàng lại thì bỏ mẹ nha!
Luân khùng sầm mặt, nói rồi nó nhích lên thêm một hàng nữa, chính thức bước qua cổng chính. Cả đám tụi tôi ngoan ngoãn đột xuất lẽo đẽo theo sau, bước vô trong xưởng nghe mùi thơm của tre trúc đang dậy lên sực nức, xộc thẳng vào mũi.
oOo
Dũng xoắn tay cầm tre huơ qua múa lại, làm điệu bộ như đào kép mấy gánh sơn đông mãi võ:
- Hê, có Quan nhị ca ở đây, tụi bây còn dám làm càn?
Thằng Quý giả vờ sợ sệt, chộp lấy cây tre tiến vào thế thủ:
- Nào dám nào dám, Thường Sơn Triệu Tử Long đệ đây xin được bồi tiếp vài chiêu!
- Vài chiêu là thế nào, phải đại chiến ba trăm hiệp mới đã chứ hả, ai da da da! – Dũng xoắn xoay người lại trưng ra cái bản mặt bặm trợn, hét lớn.
Đúng lúc đó thì Tuấn rách từ đằng xa gọi to:
- Ê tới rồi, ra đi anh em!
- Lên, giã bầm dập tụi nó cho tao! – Tôi hăm hở ứng tiếng, phủi mông ngồi dậy.
“Giã bầm dập” ở đây không phải là tụi tôi mua tre xong coi như vũ khí rủ nhau đi đánh lộn, mà sự thật chỉ là đi đá banh. Đầu đuôi là sau khi mỗi thằng trong tay đã lăm lăm mỗi cây tre, yên chí ngày mốt đầu tuần đã có hành trang đi học quân sự rồi thì Luân khùng mới đề nghị lâu lắm anh em mới có dịp tụ họp đông đủ, hay là đi đá banh vài trận cho sướng chân.
Được lời như cởi tấm lòng, nghe thế thì cả đám nhất loạt đồng ý ngay. Dẫu sao thời tiết chiều nay cũng mát mẻ, bầu trời trong xanh không một gợn mây, rộng đến vô cùng vô tận dễ khiến lòng người sảng khoái cực kì.
Sân bóng vẫn là khu 36 hecta quen thuộc, điểm đến này từ lâu đã là chiến trường của các đội bóng học sinh tự phát. Luật thi đấu cũng đơn giản, đội nào thắng được quyền đá tiếp trên sân, đội thua ra ngoài ngồi ngóng, cứ thế đá giỏi thì được đá lâu. Bên nào muốn cá cược hai ba chục ngàn tí ra uống nước mía thì tự hai đội thỏa thuận với nhau.
Thế nhưng trong lúc chờ đến lượt đội mình đá thì tụi tôi có tán dóc với nhau, chuyện nọ xọ chuyện kia thế nào lại dẫn tới việc Uyển Nhi bất thình lình trở về nước không lời từ biệt khiến cho cả đám há hốc mồm ngạc nhiên không để đâu cho hết.
- Vậy thôi, tao chở nhỏ đó về rồi bái bai, hết chuyện! – Tôi bùi ngùi kể lại.
- Trời ơi, biết vậy tối đó tao cũng ra chơi net là ngon rồi! – Tuấn rách ôm mặt tiếc rẻ.
Trong khi Dũng xoắn với thằng Chiến tặc lưỡi lắc đầu thì Luân khùng mặt mũi ỉu xìu như bánh bao chiều bị thiu. Nó dường như mất hết sinh khí khiến cho lúc này đây, khi cả đội đã tiến vào sân bóng rồi mà nó vẫn còn ngồi trơ ra như tượng ở ngoài.
- Vô, mày ngồi làm cái quái gì thế? – Khang mập chưng hửng.
- Kệ tao, mất Uyển Nhi rồi, đời buồn như chó cắn! – Luân khùng sầu thảm giải trình.
Bắt buộc cả đám phải chạy ngược trở ra, một hai ba nhịp cùng kéo thằng đội trưởng đội hình chạy vào sân, thiếu điều muốn năn nỉ quỳ lạy nó tỉnh táo trở lại chứ kiểu này lát đá thua thì nhục lắm.
Nhưng có vẻ tình hình diễn biến ngược lại với những gì chúng tôi dự đoán, vì không rõ Luân khùng có biến đau thương thành thù hận hay không mà khi vào trận, một mình nó diễn mấy pha đột phá dứt điểm thần sầu, giã nát đối phương đến năm bàn không gỡ.
Khiến cho tiền đạo Tuấn rách và tiền vệ là tôi đây trở nên vô công rồi nghề, chỉ biết chạy loanh quanh chuyền banh kiến tạo mỗi khi Luân khùng hú hét.
Đám hậu vệ Dũng xoắn, Chiến, Xung với Quý thì lại càng sướng hơn, tụi nó chỉ việc chạy đội hình cho có vẻ vận động thể thao, trận bóng đỡ bị mang tiếng một chiều.
Riêng Khang mập thủ môn thì ngồi bệt ra đất, kệ bố khung thành mà nhìn trời nhìn mây, miệng lẩm bẩm như đang ngâm thơ tả cảnh.
Sau khi thắng liên tiếp ba trận, tổng số tiền chúng tôi thắng được đã lên đến chín chục nghìn đồng. Nếu cứ đà này thì hôm nay hội bàn tròn được ăn uống một bữa thả cửa là cái chắc.
Khi tình hình của trận thứ tư vẫn đang nghiêng về tụi tôi, lẽ tất nhiên công lớn thuộc về Luân khùng thì chẳng hiểu thế quái nào mà khi Tuấn rách vừa tạt bóng sang ngang, Luân đội trưởng đã hét to lên giữa sân:
- Uyển Nhi, ah da da da!
Rồi nó tung chân sút thẳng ngay từ giữa sân. Quả bóng bắn đi như đạn pháo thần công, bay thẳng vào… mặt hậu vệ đội bạn khiến cho thằng cầu thủ tội nghiệp kia bật ngửa ra sau, ôm mặt rống lên như heo bị thọc tiết. Khi cả đội nó xúm lại vực thằng này lên thì lỗ mũi nó đã ăn trầu, máu đang chảy ròng ròng.
- Đá kiểu gì mất dạy thế mày? – Một thằng to con bên kia trừng mắt nhìn Luân khùng lúc này đang đứng trơ ra như ông phỗng.
- Muốn chơi không? – Cả đội bên kia đã muốn nhảy bổ vào tụi tôi.
Thấy tình hình không ổn, tôi nháy mắt với Khang mập ý bảo người anh em ra đại diện giải quyết tình hình cho đẹp rồi tụi mình rút êm thôi. Khang mập búng tay cái chóc tỏ ra hiểu ý, rồi nó ngoắc Dũng xoắn tới, sau đó hai thằng cùng bỏ chạy khỏi sân.
- “Tụi mày làm cái quái gì thế? “ – Tôi ngẩn tò te.
Ít giây sau, hai thằng bạn trời đánh này lại lục tục chạy vào, ôm theo… đống tre mới mua hồi nãy, rồi phát cho mỗi thằng một cây. Khang mập còn thì thầm, chiến đi tụi bây.
Dũng xoắn tay phải cầm tre gõ gõ xuống sân, tay trái chống nạnh, mắt long lên sòng sọc:
- Gậy đánh chó ở đây, thằng nào muốn gặm xương thì tới!
Tất cả tụi tôi thấy thế mà điếng hồn, thầm chửi Dũng xoắn không lời lẽ bút mực nào tả hết. Ngay lập tức, tôi với Tuấn rách cùng thằng Chiến liền huy động tiền bạc cho đủ một trăm ngàn rồi mang đến đội bạn lúc này đang ba máu sáu cơn, thằng nào thằng nấy hăm he đòi đánh, mà xem như là tiền cấp dưỡng thuốc men.
May phước thằng đội trưởng bên đó một là ham tiền hai là chẳng muốn giao tranh nên nó hất hàm đồng ý, phẩy tay ý bảo tao đã tha thứ, tụi mày cút đi cho khuất mắt.
Bọn tôi mừng mừng tủi tủi, cung kính dạ thưa kéo nhau chạy ngay tút xuỵt. Tôi còn cẩn thận cắt cử người bảo vệ Luân khùng với Dũng xoắn, trực tiếp lôi hai thằng này ra sân đề phòng tụi nó đang quay lưng thì bị đội kia bội tín, quay ra phục kích.
Trên đường về, Tuấn rách với thằng Xung, thằng Quý đồng loạt quay sang rủa xả Luân khùng với Dũng xoắn như bắn súng liên thanh, chửi không thương tiếc.
Không riêng gì tụi nó, mà tôi với Khang mập cũng đang tiếc tiền hùi hụi, cứ tưởng hôm nay được phen no bụng thì lại tốn thêm một trăm ngàn.
Nhưng suy đi tính lại thì cũng nhờ công Luân khùng kiếm ra chín chục ngàn kia, nên thôi coi như của thiên trả địa, còn lành lặn trở về là may lắm rồi.
Ấy vậy mà có vẻ vận xui vẫn còn đeo bám, khi thằng Chiến đang chạy xe song song với Tuấn rách thì chả hiểu nó lái xe thế nào lại để tuột cây tre đang cầm trong tay. Cây tre trượt xuống, cơ duyên xảo hợp kiểu gì mà chui vào… bánh xe trước của Luân khùng đang cắm cúi chạy đằng sau.
Thành ra lại là “chọc gậy bánh xe”, Luân khùng đã buồn tình còn gặp hạn xui, nó loạng choạng rồi ngã bổ ra đường, tay chân vừa trầy trụa vừa dơ vì đất cát.
Cả đám há hốc mồm, vội xúm lại đỡ thằng bạn mình dậy. Tôi nhanh trí nhận ra mình quanh khu này chỉ mỗi nhà Tiểu Mai là gần nhất, liền bảo mấy thằng bạn chạy nhanh lên chút.
- Kính coong!
Thằng Chiến tới trước, khi nó đưa tay bấm chuông cửa nhà Tiểu Mai thì cũng là lúc tôi trờ xe tới, nghe được tiếng đàn piano đang thánh thót vọng ra từ bên trong nhà, có vẻ như nàng đang tập đàn.
- Đừng bấm nữa, tao có chìa đây!
Tôi chưa kịp mở khóa thì tiếng đàn bỗng ngưng bặt, rồi giây lát sau Tiểu Mai bước ra mở cổng.
- Chuyện gì… thế này? – Nàng tròn xoe mắt.
- Hi, Trúc Mai, bạn… đẹp gái quá! – Thằng Xung tính hỏi gì lại nhỡ mồm nói xằng.
- Ừm…! – Tiểu Mai không tỏ thái độ gì, chỉ nhẹ gật đầu.
Tiểu Mai lúc này đang mặc váy màu xanh nhạt, khoác hờ thêm một chiếc áo ngoài. Tôi thì nhìn mãi rồi nên cũng chả trách được mấy thằng bạn mình lâu lâu được chiêm ngưỡng giai nhân, cứ tròn xoe mắt nhìn, quên bẵng luôn Luân khùng đang nhăn nhó xuýt xoa vì đau.
Tôi giải thích tình hình đại khái với Tiểu Mai rồi lôi Luân khùng ra sau cho nó rửa vết thương, phụ Khang mập băng bó vài chỗ.
Xong xuôi đâu đó, tôi lại kéo đám bạn về ngay cho kịp, vì không dám nấn ná lâu hơn. Bởi lẽ tôi thấy Tiểu Mai đang hơi khó chịu, tuy rằng vẫn pha trà mời đám con trai vào nhà nhưng nàng có vẻ ít nói.
Và nàng đã chứng minh cảm giác của tôi là đúng, khi hai đứa đang đứng tiễn mấy thằng bạn lục tục dắt xe ra về thì nàng lại gần, ngữ khí băng sương tỏa ra lạnh toát:
- Em đã bảo là cần yên tĩnh rồi mà… Hay ha, lại còn đi chơi, rồi té xe nữa!
- Thằng Luân chứ có phải anh đâu…! – Tôi lúng búng giải thích, cảm thấy cả người đờ đẫn như bị đóng băng.
Tiểu Mai lườm mắt nhìn tôi rồi nhẹ véo vào hông khiến tôi la oai oái:
- Anh đóng cửa rồi về thẳng nhà đi, coi chừng mẹ anh lo đó. Đi từ chiều đến giờ!
- Ui da… ừ ừ… giờ về nè, còn em? – Tôi ôm hông nhăn nhó.
- Em tập nhạc tiếp!
Nàng buông một câu gọn lỏn rồi quay vào trong nhà. Giây lát sau tiếng đàn lại vang lên, cũng đồng thời mang luôn ý nghĩa tiễn khách. Tôi đành đóng cửa rồi thất thểu chạy xe về nhà, cảm thấy ngày hôm nay cứ quái dị thế nào, lúc hên lúc xui chả biết đâu mà lần.
Đầu tiên là được tụ họp anh em, sau đó đứng chờ xếp hàng mua tre cả buổi, rồi thắng banh giòn giã, rồi lại suýt đánh lộn. Rồi giờ lại thấp thỏm chả biết liệu Tiểu Mai có xử bắn tôi không đây nữa.
Ôi da mệt cái đầu thật, cũng tại thằng Luân khùng hết, do nó té xe nên tôi hết cách mới phải dẫn cả đám đến nhà Tiểu Mai chứ không thì nàng đâu có biết. À không, truy ra ngọn nguồn phải là tại thằng Chiến mới đúng, có mỗi cây tre không biết giữ, lại đi… thọt gậy bánh xe.
Au grừ… thứ hai lên trường tao phải xử hết tụi mày mới được!
Tôi rủa thầm trong bụng rồi dồn sức đạp mạnh pêđan để chạy lên dốc cầu Lê Hồng Phong. Những cơn gió trên sông Cà Ty thổi qua cũng một phần làm dịu đi đầu óc của tôi lúc này đang nhiễu loạn.
Rồi bất giác, tôi chợt nhớ ra mảnh giấy có ghi nick YM của Uyển Nhi vẫn còn nằm trong túi áo, bèn tò mò cho tay vào túi lấy ra, xem thử nick YM nhỏ này là gì còn kết bạn.
Thế nhưng khi tôi đang một tay giữ tay lái, một tay định mở mảnh giấy gấp ra xem thì gió chợt thốc mạnh khiến mảnh giấy bất thần tuột khỏi tay tôi, bay lên vài vòng giữa không trung như diều đứt dây, lượn tán loạn các hướng.
Rồi trong cái với tay đầy bất lực và ánh mắt thảng thốt nhìn theo của tôi, mảnh giấy của Uyển Nhi lượn thêm một vòng trong gió sau đó rơi lảo đảo xuống sông, dần trôi mất hút.
Ôi đệch…
Tôi đã làm gì thế này? Quả này trong phim thường gọi là mất liên lạc đây mà…
ÔI CÁI… ĐỆCH!
Hết chương 382
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro