Yes, No, No, Yes
Yes
Trong công ty, anh làm phụ trách việc xuất hàng đi nhóm nước Đông Á và Đông Nam Á. Anh rất ít khi kêu than về công việc. Nhưng trong bữa trà chiều hôm đó, anh nói với tôi:
- Người Á lạ thật! Chưa hiểu rõ hay đồng ý mà cứ yes yes hoài. Có nhiều việc tuần trước anh nói, họ yes lia lịa rồi tuần sau, hỏi lại hay bàn luận y như mới.
- Uhm... Yes. - Tôi ậm ừ.
- Em cũng thấy thế à? - Anh háo hức trước sự đồng tình của tôi.
- À... No, em chỉ đang lắng nghe câu chuyện của anh.
Tôi giải thích với anh rằng, không hiểu người châu Á khác nói ngôn ngữ khác thế nào, chứ người Việt, khi lắng nghe một người lớn hơn tuổi nói thường nói theo "Vâng, vâng", ý chỉ sự lắng nghe, tôn trọng người nói chứ không mang quan điểm đồng tình hay phản đối. Nếu phản đối, chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, sẽ từ tốn giải thích sau khi người nói đã nói xong. Nói "No", ngay khi người kia đang nói được coi là bất lịch sự. Anh vò đầu, bứt tai ra chiều bế tắc. Từ đó chúng tôi đồng thuận: Mỗi khi bày tỏ sự lắng nghe như thế, tôi chỉ cần "Uhm" hay "Hmmm", chứ không nói "Yes" để anh khỏi rối. Tôi cũng chưa quen lắm, thấy mình hơi bất lịch sự với cái thái độ ừ hứ đó nhưng xét trên hiệu quả của việc trao đổi thông tin thì thấy anh có lý hơn tôi.
No
Yes hay No tưởng đơn giản thế thôi mà hóa ra phức tạp ra phết. Và tất cả đều là từ văn hóa mà ra. Một ngày, trước khi đi làm, anh hỏi tôi:
- Trưa anh qua ăn trưa với em nhé!
- Nhưng có mỗi 1 tiếng nghỉ thôi mà. (No)
- Thì ăn ở luôn căng-tin văn phòng em.
- Thôi, anh lại mất công lái xe qua. (No)
- Thế em không thích ăn trưa với anh à?
- Có chứ ạ! (Yes)
- Anh nhận ra em luôn nói 2 lần "No" trước khi nói "Yes" trước bất kỳ đề nghị chăm sóc nào của anh. - Anh bỗng đưa ra 1 kết luận có tính giật mình.
Ừ nhỉ, tôi công nhận. Một cách vô thức, tôi và nhiều cô gái Á được dạy rằng nên ngại ngần 1 chút trước khi nhận bất cứ điều gì từ ai, kể cả người yêu: thử món ăn cùng anh ấy, dùng khăn quàng của anh ấy cho khỏi lạnh hay kể cả lời mời yêu. Chúng ta từ chối để chờ đợi người kia thuyết phục, để chúng ta thấy sự chân tình trong lời mời của người đó và - nói thẳng ra là - để chúng ta kiêu một chút. Nhưng người châu Âu, trong trường hợp này là anh, lại có suy nghĩ khác hẳn.
Anh kể với tôi rằng trong những cuộc hẹn đầu tiên, anh mấy lần bị bẽ bàng khi mời hay gợi ý rủ tôi làm gì đó. Ngược lại với câu chuyện về sự lắng nghe ở trên, tôi có xu hướng nói "No, thanks" với tất cả các lời đề nghị của anh.
- Em ăn thử món cheese cake này không?
- Thôi anh ăn đi. (No)
- Thử một miếng thôi!
- Giống món ở Expresso House đúng không ạ? (No)
- Không, khác, em thử đi!
- Vâng. (Yes)
Sau một thời gian, anh đưa ra được kết luận giật mình nói trên: Tôi luôn nói "No" hai lần trước khi nói "Yes".
- Và nếu em nói "No" lần thứ ba thì đúng là "No" thật. Thế nên, anh sẽ thuyết phục em trong ba câu hỏi thôi, anh tự tin trước phát hiện văn hóa của mình.
Còn tôi, để tiết kiệm thời gian và làm người đàn ông của tôi hạnh phúc, tôi quyết định sẽ giảm một lần "No". Tôi sẽ (giả vờ) từ chối anh một lần thôi rồi làm đúng với những gì trái tim mình muốn.
- Nhưng em đừng (giả vờ) nói "No" khi anh hỏi cưới nhé. Anh sẽ quá đau khổ để hỏi em lần thứ hai. - Anh đùa tôi với khuôn mặt nghiêm trọng ( có lẽ là để xứng tầm với vấn đề nghiêm túc mà anh đang nói).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro