Phần 1. Ông Trùm
GIỚI THIỆU
Năm 2012 mình có lập một một hội nhóm trên Facebook kể về những người ki bo, keo kiệt, bủn xỉn... và được rất nhiều anh chị em nhiệt tình ủng hộ, đóng góp bài viết, ý kiến, chia sẻ cảm nhận... Đến nay, mình đã tổng hợp được số lượng lớn các bài viết, chia sẻ có giá trị và chất lượng, đồng thời được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của anh chị em muốn xuất bản một cuốn sách hoàn thiện, đầy đủ để chia sẻ cho tất cả mọi người, bạn bè cùng đọc và cảm nhận khi phải sống cùng họ sẽ như thế nào, đặc biệt khi người đó lại là anh chàng đang tán tỉnh mình, là người yêu của mình, và hơn nữa là người đầu gối tay ấp mỗi đêm.
Cuốn sách "Yêu chàng keo kiệt" này có gì đặc biệt : "Sốc", "Choáng", "Kinh hoàng", "Bó tay", "Cười"... và "Buồn". Đó là những cảm nhận khi đọc cuốn truyện này, một cảm xúc khó diễn tả bằng lời và đọng mãi trong tâm trí độc giả. Mình tin rằng đây là cuốn sách mà mỗi người cần đọc ít nhất một lần trong đời, là cuốn sách bạn muốn chia sẻ ngay cho bạn bè, người yêu, người thân trong gia đình cùng đọc, cùng cảm nhận; là cuốn sách bạn muốn lưu giữ làm kỷ niệm nhất, đọc đi đọc lại nhiều lần, cuốn sách như một kim bài để dễ dàng đề phòng và đối phó với người keo kiệt, nếu đó là người yêu thì chỉ cần cầm cuốn sách này mà "táng vào đầu chàng cho chừa.. chết với bà nè... nài thì ki bo nè... nài thì kẹo kéo nè..."
Cuốicùng xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã chia sẻ và giúp đỡ mình hoànthành cuốn sách này. Những bạn cónickname được tác giả Đổng Phi Phi nhắc đến trong cuốn sách nhớ liên hệ vớimình để được tặng quà và sách nhé.
Phần 1
ÔNG TRÙM
Nhà mình có một ông Trùm, không ai khác chính là ba mình. Cái tên ông Trùm không phải do mình đặt, mà do mấy lão hàng xóm gọi như vậy. Chẳng phải tự nhiên mà ba mình được gọi là ông Trùm, "không có lửa sao có khói", đến cả mình và mẹ cũng thỉnh thoảng gọi vui thế.
Mình xin giới thiệu một chút về ông Trùm nhà tớ. Ba mình là con cả, sinh ra trong gia đình nghèo, thời cấp ba ông học giỏi lắm, cả văn lẫn toán, giỏi kinh khủng luôn ý, tốp ba của huyện, đồng thời là lớp trưởng luôn. Nói về việc học giỏi của ông thì sau này mình mới hiểu được, toán cấp hai, cấp ba ông giải được hết, mình và thằng em trai suốt ngày bị chửi học ngu như bò à. Có ông anh con chú thi đại học, có một câu khó bỏ không làm, thế mà về ông làm được mới ghê chứ. Người ta nói "văn ôn võ luyện", vậy mà mấy chục năm ba mình không có động đến sách vở gì cả, vẫn có thể giải được các bài toán cơ bản và nâng cao, trí nhớ của ông kinh thật. Ông còn được trường cấp hai mời làm giáo viên toán nhưng không dạy, vì kiếm cái khác nhiều tiền hơn, hơn nữa giáo viên trường toàn là đàn em ông ý mà.
Học xong cấp ba, ông xung phong đi bộ đội đánh Mỹ, huân chương danh hiệu đủ cả. Bị thương trở về, lại lao vào học đại học tiếp, ra trường có bằng cấp, lại là đảng viên, thương binh, thêm tài ăn nói diễn thuyết giỏi, rất được lòng mọi người, năm yếu tố đó giúp ông thăng tiến vù vù, giữ nhiều chức vụ cao. Nhưng thời bao cấp, lãnh đạo cũng chẳng có gì ăn, lương ba cọc ba đồng, lại xa nhà, xa vợ con, ông chán xin về quê làm kinh tế. Có thể nói, ông xin về thì được cũng nhiều, mà mất thì cũng có. Nếu còn ở lại, thì giờ ông là "sếp lớn" rồi, đàn em ông giờ cũng toàn là lãnh đạo cả. Tuy vậy, về quê kinh doanh ông cũng kiếm được rất nhiều tiền, coi như gỡ gạc lại được chút ít.
Nói về tài sản của ông Trùm kiếm được, về bất động sản có khoảng hơn hai mươi miếng đất, chưa kể nhà đất đang ở, mỗi miếng giá từ một - hai tỷ, còn tiền mặt và "của chìm" thì mình cũng không nắm được, nhưng giá trị cũng chẳng thấp hơn chỗ bất động sản kia. Với số tài sản đó, thì ở làng quê được coi là rất giàu, vậy mà tính ông vẫn cứ keo kiệt mới lạ.
Bây giờ mình xin kể về tính keo kiệt của ông Trùm nhà mình nhé:
Đầu tiên là tiền bạc ông nắm giữ hết, mẹ mình muốn tiêu gì phải xin mới đưa cho, ngay cả tiền đi chợ hàng ngày mẹ cũng phải chờ ông đưa thì mới đi được, sáng nào ông cũng đưa. Mình chẳng hiểu sao không đưa cả tháng hay tuần luôn một thể, chắc ông muốn biết chính xác ngày hôm nay chi tiêu như thế nào, có đúng với số tiền bỏ ra hay không, có lãng phí không.
Tiền đi chợ hàng ngày cũng tiết kiệm lắm, nên mẹ phải nấu thức ăn mặn, kho thịt, cá ăn hai - ba ngày liền là bình thường. Đấy là hồi trước khi mình còn bé, còn bây giờ thì ngược lại, nấu mặn tý là ông kêu liền, rồi ca bài ăn mặn hại thận, chẳng biết có phải ông sợ tốn tiền chạy thận không nữa. Hi hi...
Mỗi lần mẹ mình nấu canh đổ nhiều nước mà ăn không hết sẽ bị ba mình cằn nhằn là lãng phí, tốn tiền ga để đun sôi, tốn gia vị, mất chất dinh dưỡng....
Rót nước mắm thì toàn rót tý một, hết lại rót tiếp sao cho vừa đủ dùng, nếu còn dư tý tẹo cũng để lại bữa sau ăn tiếp, lúc rửa bát mình toàn đổ đi, giữ lại chỉ "làm mất vệ sinh chứ tốt lành gì".
Ba mình rất "mê tín", có hoa quả bánh kẹo mua mới hay ai biếu thì đều đem thắp hương cho các cụ ăn trước. Mỗi lần như vậy ông lại đem xấp tiền mặt dày cộp đặt lên bàn thờ cúng luôn, chẳng hiểu làm vậy mục đích gì, chắc báo cáo cho các cụ đợt này thu nhập được từng đó tiền à.
Vì cái gì cũng đem thắp hương, nên hoa quả toàn để héo quay héo quắt hoặc gần thối mới đem ra ăn, có hiếu với các cụ thế chứ, vợ con thì mốc meo ra. Mâm hoa quả thờ ngày tết thì cứ phải mồng 10 đến 15 âm lịch mới cho dọn dẹp bàn thờ, ông bảo những nhà nào dỡ xuống sớm thì mất lộc, suốt đời nghèo khổ, còn để càng lâu thì càng giàu, rồi lấy ví dụ cụ thể ông A, ông B trong làng, nghe triết lý lắm cơ...
Bánh kẹo cũng thế, thắp hương xong là cho vào tủ cất, nhiều quá nên không kiểm soát được, toàn gần hết hạn mới bóc cho con cháu, thế mới tài, chẳng hiểu để làm gì, ăn ngay cho nóng không thích, cứ muốn chuẩn bị hết hạn mới đem ra.
Đồ ăn thì toàn giấu đi rồi quên, sữa, bia lon hết hạn mấy tháng rồi vẫn cứ xài, bảo vẫn dùng được, lý luận là trong lon nó kín, không bị làm sao, rồi kể ở nước Mỹ hay Anh gì đó, đồ hết hạn họ còn đóng mác sửa lại hạn để bán tiếp vì nó vẫn dùng tốt. Đợi lúc ông đi vắng, mình đem vứt luôn xuống ao trước cửa nhà cho chắc ăn, đố tìm được, chứ vứt chỗ khác là ông lại tha về cho coi. Biết mình vứt đi, ông quạc cho một trận, cằn nhằn mãi là lãng phí, không biết tiết kiệm.
Tiết kiệm từ cái nhỏ nhất trong nhà, đến cái tăm xỉa răng cũng không tha, một cái tăm ông bẻ làm đôi cho đỡ phí, nếu mua loại tăm to thì ông ngồi chẻ nhỏ ra làm đôi, làm bốn, thế là được 4 đến 8 cái, đúng là nghệ nhân có khác, chẻ đến nỗi cái tăm còn mỏng dính, mềm doặt, ngắn củn, xỉa phải thật khéo nha. Ông bảo là dùng tăm nhỏ xỉa không bị hỏng lợi, không bị chảy máu chân răng... vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ lợi, thế mới ghê chứ, may mà ông Trùm nhà mình còn chưa xài chiêu rửa lại tăm rồi dùng lại như trong phim hài "keo kiệt" trên VTV.
Cái bàn chải đánh răng thì dùng đến cùn trơ lõi thì thôi, bảo vứt đi thì nói vẫn xài được. Tuýp kem đánh răng thì phải nặn cho bẹp dí, bóp không ra được nữa thì lấy dao rạch ra rồi dùng bàn chải quẹt cho hết. Đôi khi mình tự nhủ, chỉ cần nhìn cái tuýp kem đánh răng bỏ đi là có thể biết tính cách chủ nhân là người như thế nào rồi.
Thời đi đánh Mỹ, ông Trùm nghiện thuốc lá, hồi đấy thì đa phần anh lính nào cũng thế. Sau khi ra quân một thời gian thì bỏ, ông bảo hút thuốc có hại cho sức khỏe. Nghe đã thấy xạo rồi, thời đấy thì làm gì có phong trào tuyên truyền hút thuốc có hại sức khỏe như bây giờ, mình đoán chắc là ông tiếc tiền, lúc đi lính thì hút miễn phí, ra quân rồi muốn hút thì tự bỏ tiền túi ra, mà thuốc lá thì đắt cộng với cái tính tiết kiệm không ai bằng, thế là ông cai được luôn.
Tiền lẻ thì ông Trùm vuốt phẳng phiu lắm, rồi dạy chị em mình cũng phải làm vậy, như thế mới biết quý trọng đồng tiền làm ra. Mình nghe cũng thấy chí lý phết, nên đúc kết ra kinh nghiệm, sau này nếu có gặp anh chàng nào tán tỉnh mà cũng gấp tiền lẻ như vậy thì "bỏ dép chạy lấy người" luôn. Không phải vì mình không coi trọng đồng tiền, mà những người có tính cách như vậy đa phần keo kiệt, chặt chẽ, chi li từng đồng, lấy về khổ lắm!
Kể tiếp về ông Trùm nhé, quần áo mặc thì toàn đồ cũ, vừa xấu vừa bẩn, quần áo lót thì không khác mớ giẻ lau, bảo vứt đi mà không nghe, mua cái mới cho thì cất tủ dùng sau, thế mới bực. Đi ra ngoài đường cũng chẳng hơn mấy, nhìn như bác nông dân quê mùa, nhìn bề ngoài không ai ngờ trong tay ông có cả trăm tỷ. Mua quần áo về cho thì mình phải báo giá thấp còn một nửa đến phần tư giá gốc, kẻo ông ấy lại tiếc tiền, vậy mà vẫn bị chê, nói ở ngoài kia nó bán có một trăm nghìn được bốn cái áo, lại còn khen đẹp nữa chứ. Quần áo mặc cứ phải gọi là mặc đến rách thì thôi, đã thế đồ cũ, hỏng không dùng được thì không bao giờ vứt đi, chất một đống trong nhà, lấy ra làm rẻ lau mà vẫn tiếc. Mình toàn la: "Ai cũng như bố thì công nhân may chết đói hết".
Chuyện về đôi dép, ông Trùm hay đi dép tổ ong huyền thoại, mà đôi dép cũng cũ mèm, lại còn rách mép nữa, thế mà ông vẫn tung tăng đi chơi được. Có lần ông đi đám vào buổi tối, lúc về không thấy đôi tổ ong huyền thoại đâu, có người đi nhầm dép, ông chờ đến cuối buổi chỉ còn một đôi dép tổ ong khá mới, thế là đành đi tạm về. Mọi người biết vì sao ông Trùm không đi dép mới không, là ông sợ bị nhầm như vậy đó, đi dép cũ cho chắc ăn, nếu có bị nhầm thì cũng không sao, có khi được cái đẹp hơn. Ông Trùm không cố tình đi nhầm đâu nhé, ông ý tốt tính và thật thà lắm, chỉ mỗi cái keo thôi!
Vì cái tính keo kiệt nên dùng điện cũng rất tiết kiệm, bóng đèn toàn mua loại công suất thấp, phòng cứ tối mò mò. Tiếc tiền không sắm nóng lạnh, ông ý mua loại năng lượng mặt trời về dùng, nói chung như thế là tốt, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường, nhưng loại này có nhược điểm vào hôm trời mùa đông không nắng hoặc mưa phùn là không có nước nóng xài, thế nên nó thiết kế có chỗ cắm điện giống như máy nóng lạnh, song ông Trùm sợ tốn điện không cho cắm, mà thực ra là không thiết kế chỗ cắm luôn ý, vậy là lại phải túc tắc cắm siêu điện để dùng, ghét thế không biết.
À, còn cái chuyện tiết kiệm nước không ai bằng nữa. Đi vệ sinh nhẹ không bấm dội nước ngay mà đợi đi mấy bận nữa hãng dội một thể cho tiết kiệm để nó bốc mùi rồi bị cả nhà quây mắng cho trận ông ấy mới chừa, sợ ông Trùm quá cơ.
Bây giờ mình kể chuyện đồ đạc, thiết bị trong nhà nhé, bực không chịu được. Đầu tiên là con xe máy, tên nó là Dream tàu, ông mua khoảng đầu những năm 2000, không phải là tàu loại một, mà là loại hai thôi. Con xe ông đi đến tận bây giờ, trông nó tã lắm rồi, tã từ trong ra ngoài, hỏng hết cái này đến cái nọ, chỉ có nước bán sắt vụn thôi. Nhìn nó đã cũ còn bẩn nữa chứ, không thể diễn tả nổi, vậy mà ông vẫn khen cho được, nào là nó còn tốt lắm, máy móc nổ êm ru (trong khi nó rung như máy cày), rồi gẩy phát là nổ máy (đề hỏng lâu rồi, nhiều lúc mình đạp mãi nó mới nổ cho), máy bốc lắm, kéo nhẹ ga cái là nó lao vù vù (thực tế mình kéo vẹo cả tay mà nó mới lên được chút). Đi con xe đó mình chỉ sợ nó rụng cả bánh thì chỉ có nước "ăn cám".
Mình bảo bán đi mua con khác mà xài, ông kêu không được, bảo con này phải giữ lại, vì nó đem lại lộc cho ông, chẳng biết lộc lá gì, nên nhất quyết không bán. Đi đám cưới, giao lưu bạn bè... thì con xe của ông lúc nào cũng xấu xí nhất hội, trong khi giàu chẳng ai bằng, bạn bè ai cũng bái phục độ keo của ông Trùm. Con Dream có vứt ra đường cũng chẳng ai thèm lấy, trộm cắp nó còn không thèm nhìn lấy một cái, thế mà ông ấy vẫn cẩn thận, dựng xe luôn trong tầm nhìn an toàn nhất. Con xe đấy mà mang đi làm xe ôm thì chắc ngồi cả tuần cũng chẳng được cuốc nào, khách nhìn con xe mà tụt hứng. Vậy mà đợt mình xin tiền mua xe đi làm, ông còn bảo cho mình con xe đấy mới hãi. Đến khi mua xe thì ông cứ bảo mình lấy xe số thôi, nó nhẹ, đi không tốn xăng, bền máy, không sợ trộm cướp... Biết tỏng ông tiếc tiền, vì xe số rẻ hơn xe ga rất nhiều, mình vẫn bắt mua bằng được con xe ga, hồi đấy mà đồng ý mua xe số thì có mà ân hận chết mất.
Kể chuyện đến cái ti vi, có con 21 inch loại đít nồi ngày xưa, chẳng nhớ của hãng nào, mình cũng không chê gì con đấy, chỉ ghét cái tính ông ý, lúc nào cũng khen con tivi nhà mình là nhất, màu đẹp, nét, âm thanh hay, bền... và chê tivi nhà khác kém hơn, trong khi của họ đắt tiền hơn nhiều. Cái gì ông mua lúc nào cũng là nhất, rẻ nhất mà chất lượng tốt nhất mới kinh! Chê tivi nhà khác hay bị hỏng, trong khi con của mình thì cũng hỏng lên hỏng xuống. Cái cần anten thì cũ nát chẳng thay, bắt sóng thì chập chờn, trong khi có người cho một bộ cần anten mới tinh, ông ấy cất kho, bảo cái cũ vẫn dùng tốt, cất đi để dành. Cuối cùng con đít nồi hỏng, thợ bảo không sửa được nữa, thu mua lại năm mươi, rồi lên bẩy chục nghìn, ông ý thấy tiếc không bán, đem về cất kho, đến giờ vẫn còn. Sau đó thì ông mua tivi đời mới bây giờ, trong khi hàng xóm, bạn bè họ xài loại này từ lâu rồi, đi sau người ta thế mới đau chứ. Mua tivi mới cũng loại rẻ, có 7- 8 triệu thôi, của cái hãng mới ra lạ hoắc luôn. Mua về rồi thì lại cái điệp khúc khen nức nở, nét thế, màu đẹp thế.... tivi nhà hàng xóm mười mấy triệu chỉ có xách dép, sao đẹp bằng được...
Đến chuyện cái tủ lạnh, bảo ông mua một cái về dùng, ông không nghe, nói chưa cần... trong khi nhà nào họ cũng có rồi, lạc hậu so với thiên hạ bao nhiêu năm. Ông chê cái tủ lạnh đủ thứ, nào là ăn đồ lạnh không ngon, buốt răng, mất chất dinh dưỡng, thịt cá cho vào tủ lạnh ăn bở không ra cái gì, mất mùi vị, rồi tốn tiền điện để nuôi nó... Phải đến tận khi mình lĩnh tháng lương đầu tiên, bỏ tiền ra mua cái tủ lạnh luôn, chờ ông ấy có mà trời sập. Mua về ông còn chê, dùng làm gì cơ chứ, cắm điện vào thì cứ nhìn cái đồng hồ điện quay tít mà xót của, rồi lẩm nhẩm tính xem một giờ hết bao số điện, ngày hết bao nhiêu, tháng hết bao nhiêu tiền rồi lắc đầu chê. Tiếp đến cái màn chuyên rút phích tủ lạnh ra, ông bảo nó giữ lạnh rồi không cần phải cắm nhiều, ngày cắm 8 tiếng thôi (giống y như người ngày làm 8 tiếng rồi nghỉ), bị cả nhà mắng cho bao nhiêu lần mới chừa, đến khổ với bố già. Thế rồi ông ý ăn đồ lạnh thành quen, chẳng nói gì nữa, không còn chê ăn đồ lạnh dở, mùa hè ăn thịt kho đông cứ tấm tắc khen ngon...
Kể chuyện cái điều hòa nhé. Ông Trùm có cái tính hay chê đối với những thứ đắt tiền, tốn điện.., cái điều hòa cũng vậy, mà chê thì kinh rồi, mấy nhà phê bình phải gọi bằng cụ. Để không phải mang tiếng là keo kiệt, ông lấy lý do không hợp điều hòa, nào là cảm thấy khó chịu, nôn nao, mệt mỏi... rồi dùng điều hòa bị sốc nhiệt, đang ở ngoài nóng vào lạnh đột ngột sẽ bị sốc, dễ đột tử... và dẫn chứng hùng hồn ông A, ông B... nằm điều hòa xong đi cấp cứu, sau đó bỏ không dám dùng điều hòa nữa, rồi kể ông C, ông D,... cũng giống ông ấy không chịu được điều hòa. Thêm một câu chuyện nữa ông Trùm kể mãi không chán đó là: Một cặp vợ chồng có con nhỏ, đứa con hay bị ốm đi viện, bác sĩ bảo không bị làm sao cho về, được mấy hôm lại ốm, lại lên viện... Mấy lần như vậy vẫn không tìm ra nguyên nhân, sau đó bác sĩ hỏi nhà có dùng điều hòa không, cặp vợ chồng bảo có, thế là từ khi tắt điều hòa không dùng nữa thì đứa con khỏe mạnh chẳng bị ốm nữa. Nghe ông ấy kể chuyện mà hài, cả thiên hạ dùng điều hòa chắc chết hết rồi, đúng là Trùm keo kiệt có khác. Đợt có tiền, mình tự sắm điều hòa, mua về ông ấy lại ca điệp khúc chê như mình kể trên. Rồi đến lúc cắm điện, ông nhìn công tơ điện chạy như ăn cướp, tặc lưỡi: "Chết .. chết.., thế này thì chết... tiền sao chịu nổi". Mình đoán trước kiểu gì cũng thế nên trước đó hóa đơn tiền điện mình đã tự bỏ tiền thanh toán rồi, nếu để ông Trùm trả tiền mà nhìn hóa đơn tăng vọt chắc ông xỉu mất.
Nồi cơm điện ông Trùm cũng toàn mua loại rẻ tiền, vậy nên nó nhanh tã và hỏng lên hỏng xuống. Vậy mà ông ấy vẫn khen là nó xịn, nấu cơm ngon lắm. Nhà thì hơn chục cái nồi hỏng, không bán sắt vụn mà vẫn lưu kho, chẳng hiểu giữ để làm gì, kỷ niệm một thời oanh liệt chăng.
Có lần khiến cả nhà bực mình vì cái tội xin đồ cũ về dùng. Chẳng là có ông bạn trong làng thay mới đồ nội thất, có cái tủ gỗ cũ thanh lý cho, ông Trùm nhà mình thấy thế xin về dùng, còn mượn chủ nhà con xe bò chở về. Cả nhà ai cũng tức, mắng cho một trận, nhà có thiếu thốn gì đâu, tha về cũng chẳng dùng được việc gì, trong khi nhà mình giàu gấp mấy chục lần nhà họ, tai tiếng không chịu được, thiên hạ cười vào mặt cho, con cái biết úp mặt vào đâu cơ chứ.
Kể chuyện xây nhà mới, nhà bốn tầng, nhà cũ hai tầng bên cạnh thì giữ nguyên. Nhà mới nhìn bên ngoài đẹp long lanh, nhưng vào bên trong thì ôi thôi, không thể chấp nhận được. Nội thất ông Trùm toàn xài đồ rẻ tiền hoặc đồ cũ dùng lại, bàn nghế, tủ, kệ... bê y nguyên từ nhà cũ sang, nhìn nó quá kệch cỡm không chịu được. Gạch lát loại rẻ tiền, ai đời lát cái loại gạch men kiểu cũ nhìn chán không tả nổi, may mà phòng khách lát gạch đẹp, còn chỗ khác và tầng trên ông bảo gạch thường là được rồi. Cái nhà tắm từ tầng hai trở lên ông ý không lát gạch chống trơn, mà lát hẳn loại gạch nhẵn mới sợ, có ngày ngã dập mặt lúc nào không biết. Đồ nội thất vệ sinh thì mua loại rẻ tiền, chưa được một năm cái bệ rửa mặt đã hỏng, cái miếng sắt tròn để thoát nước nó bong tróc rồi tuột ra luôn, cả mấy cái bị liền mới sợ chứ.
Ngày tết, người ta thường chúc câu: "Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin", câu đấy đúng chẳng sai với trường hợp ông Trùm nhà mình. Tiền chỉ có vào, chứ ra thì khó lắm nha, đừng nói đến tiền, mà cả đồ đạc, vật dụng ông cũng chẳng vứt đi bao giờ, "bán sắt vụn á, khỏi đi, cất vào kho làm kỷ niệm nhé". Thế nên nhà thì toàn chứa rác và đồ linh tinh, từ tầng một đến tầng bốn và cả cái nhà hai tầng bên cạnh, từ cái túi nilon, vỏ hộp bánh cũng giữ lại, đến cái giỏ kẹo ngày tết đan bằng mây tre bóc ra rồi vẫn gói bọc lại cất đi, còn bảo là để sang năm dùng lại (biết là ông chém vậy chứ dùng thế quái nào được, thừa hiểu cái tính chẳng vứt đi cái gì hết, chỉ có vào mà không có ra). Chính vì cái gì cũng giữ lại nên nhà như một viện bảo tàng, đồ cũ, đồ cổ nhiều vô kể, từ thời các cụ các kỵ cũng còn lưu lại: tủ, kệ, sập, hòm, đài, quạt, đèn, sách vở từ thời đi học, quần áo các cụ quá cố... đến cả sừng trâu, sừng bò cũng có, sau này không biết có di chúc để lại cho thằng em trai không nữa. Trong các ngăn tủ, ngăn kéo thì ôi thôi, một đống hổ lốn toàn thứ linh tinh nhét vào chật ních cả tủ. Nếu có thằng ăn trộm mò vào thì nó cũng phải kinh hãi, cạy tủ nào cũng thế, mở ra toàn rác là rác, nó chắp tay lạy ông Trùm rồi chuồn sớm cho nhẹ xác.
Đợt dẫn mình đi thi đại học, ở quận Hoàn Kiếm, ba mình không thuê nhà trọ mà ở nhờ nhà người quen trên Hà Nội, mà có phải thân thiết gì đâu, chỉ là quen bình thường, làm con bé ngại chết đi được, ở nhờ người ta bất tiện vô cùng. Ông bảo quận này khó tìm phòng trọ, lại gần trường đi lại dễ dàng, xong đến đợt thằng em đi thi cũng lại ở nhờ người quen, khổ thế chứ! Rồi con bé trượt đại học, buồn thối ruột, thấy vậy ông bảo về học cao đẳng ở tỉnh cho gần, đỡ tốn tiền, con bé nghe được câu an ủi cũng thấy mát lòng.
Ông Trùm keo kiệt vậy thôi ấy mà đối xử với bạn bè thì rất chi là thoáng. Đi ăn uống thì ba mình đa phần là người trả, nếu đi trong nhóm mà toàn người nghèo thì ông sẽ kiên quyết giành phần trả tiền.
Ra ngoài thì đối xử khéo léo lắm, về nhà thì nóng tính, gia trưởng,... Nên mình rút ra kinh nghiệm là những người ở bên ngoài mà khéo léo thì 90% về nhà với vợ con rất nghiêm khắc, chị em đọc mà rút kinh nghiệm.
Ủng hộ, đóng góp thì lúc nào cũng hăng hái lắm, luôn đi đầu, người ta góp 1 thì ông phải gấp mấy lần. Giúp đỡ người nghèo thì nhiều vô kể, công khai có, kín cũng có (vì sợ vợ con mắng cho chứ sao!)
Ông Trùm cho người ta vay tiền thì bị lừa mấy lần, họ chuồn mất, hoặc cứ ỳ ra chẳng đòi được, tại cái tính cả nể với bên ngoài. Thực sự nhà giàu cũng nhiều cái khổ, nhiều khi họ hàng, người quen đến vay tiền. Họ đến ngồi mấy ngày liền, than vãn kể khổ, có người còn khóc lóc.... Nhức đầu lắm, thương họ mà cho vay thì xác định còn lâu mới đòi được, lúc đấy mình lại thành con nợ của chính họ.
Nói chung đánh giá về ông Trùm nhà mình thì thật thà, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác, mỗi tội cái tính gia trưởng, keo kiệt, hà tiện... làm vợ con khổ. Chốt lại nếu là mình, sẽ không bao giờ yêu và lấy một người như ông Trùm.
Chính vì phải ở với một người keo kiệt như ông Trùm khiến mình luôn bị ám ảnh, stress tâm lý kinh khủng. Vì vậy năm 2012 mình có lập một diễn đàn để mọi người cùng tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về tính keo kiệt, bủn xỉn,... và được rất nhiều anh chị em ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình. Đến nay, mình đã tổng hợp được rất nhiều bài viết, câu chuyện hay và ý nghĩa,... và chợt một ngày mình nghĩ đến việc sao mình không tập hợp lại thành một cuốn sách để chia sẻ cho tất cả mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận, đặc biệt là chị em phụ nữ, những người sẽ chịu thiệt thòi nhất nếu yêu phải anh chàng keo kiệt.
Sách "Yêu chàng keo kiệt" chỉ bán online độc quyền tại các gian hàng của Đổng Phi Phi trên Tiki, Shopee, Lazada, Adayroi, Sendo. Vì vậy nếu bạn mua sách ở bên ngoài như nhà sách, vỉa hè, trên mạng... thì chắc chắn đó là sách giả, sách kém chất lượng. Rất mong độc giả lưu ý tránh mua nhầm sách không đúng nguồn gốc và nếu phát hiện sách giả thì hãy liên hệ qua Zalo hoặc Email để mình có biện pháp xử lý nhé. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ.
Zalo : 0969.560.691
Email : [email protected]
Facebook : facebook.com/yeuchangkeokiet
Fanpage : Facebook.com/Keokiet.com.vn
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro