Năm Mươi Lăm
- Giỡn vậy hổng...hổng vui nha.
- Ai thèm giỡn? Chính mắt tui thấy xe ông chở bà mà!
Thằng Tèo hoảng tới mức lắp ba lắp bắp nói không ra chữ nào, bị con Nụ nạt cho cái thì liền im thin thít. Cả lũ người làm mấy chục đứa nhao nhao chạy ra ngóng coi chuyện có đúng vậy không, và sự thật như một cú tát vào mặt chúng nó khi mà bóng dáng tròn trịa của bà hội đồng xuất hiện trước mặt. Bên cạnh còn có ông hội đồng. Nhưng kì lạ là ông không dìu, cũng không chủ động ôm ấp bà như ngày xưa. Đóng cửa xe cái ầm mà ông ngoảnh mặt đi thẳng, mặc kệ bà lầm lũi theo sau. Cảnh tượng hiếm có này làm chúng nó hoảng hồn một phen.
Ngay sau đó thì xe cậu hai cũng từ từ đỗ vào sân, chắc là ông và cậu mợ vừa đi đón bà về đó. Gớm khổ, nhớ hôm nào còn to tiếng đuổi bà dữ lắm cơ mà, đàn ông mà không cương quyết gì cả. Nhưng nói cho cùng thì, ông hội đồng vẫn là không thể buông bỏ vợ mình đó thôi.
Ngày đầu về nhà sau bao tháng ngày xa cách, bà hội đồng cứ hết dạo quanh vườn kiểng rồi lại ngồi thu lu ở trường kỷ gần ao cá. Cậu hai nom má mình buồn buồn như vậy mà tủi thay. Trước khi bà về đây, cậu hai đã tìm cha mình mà hỏi cho ra lẽ. Tội bà mang trên vai nhiều như thế, chưa cạo đầu bôi vôi là may lắm rồi, cớ sao ông lại còn dung túng một lần nữa? Nhưng ông không phản bác, cũng không đồng tình, chỉ khàn khàn đáp lại cậu hai, rằng dù hết tình thì cũng còn cái nghĩa, bao năm qua bà ấy gây hoạ cũng chỉ vì ông, nay làm sao ông khoanh tay đứng nhìn bà ấy khổ sở chật vật được chớ.
Nghe vậy thì cậu cũng chỉ còn biết lặng thinh, có nói nữa cũng bằng thừa. Ông nghiêm lắm, cậu nào dám cãi.
Rồi Tú Bân lại đảo mắt qua chỗ mợ Thư đang chơi với con chó của thằng Tèo. Mới đó mà cũng nhanh thật, cậu mợ lấy nhau được một năm rồi chứ ít ỏi gì, vậy mà tin mừng mãi chưa thấy. Nom mợ còn vô tư quá, cậu không có dám đụng chạm gì hết. Thiệt tình, cả cái làng này có con gái nhà ai mà gần hai mươi tuổi đầu rồi vẫn cười cười nói nói một cách hồn nhiên như mợ nhà cậu đâu.
Tú Bân đi lên nhà trước, lấy áo mặc vào rồi kêu người làm mở cổng, mợ hai thấy thế liền chạy vào hớt hải hỏi sắp tới giờ cơm chiều mà cậu còn đi đâu cho lỡ bữa, thế mà cậu lắc đầu, nói rằng chỉ sang làng bên coi sóc cái xưởng gỗ thế nào thôi, mấy nay nhà nhiều chuyện quá nên cậu bỏ bê nhân công, sợ người ta ăn chặn thì mệt lắm.
Xe vừa đỗ vào sân, cả cái xưởng bỗng dừng lại mà ngóng ra. Tú Bân giơ tay chào một lượt rồi thong thả đi tới từng khu mà trực tiếp giám sát. Mấy cô công nhân dòm cậu mà mê tít thò lò, tướng tá cao ráo đẹp trai, mặt mũi sáng sủa lại tài giỏi, ai mà không ham. Nhưng khi biết tin anh chủ là bông đã cắm chậu thì mấy cô chỉ còn biết than trời, trong lòng thầm ganh tỵ với mợ hai kể chẳng hết.
- Cậu hai, cậu cả có gửi thư nè cậu.
Lúc cậu ngoảnh chân định ngồi vào xe thì bỗng có thằng nhóc chạy tới dúi vào tay một phong bì nhỏ, ngó nghiêng một hồi thì nhận ra không phải gửi cho mình.
Là cậu cả gửi thư cho Phạm Khuê.
Vừa về đến nhà là cậu hai đã nhanh nhanh chóng chóng kiếm Phạm Khuê mà đưa ngay rồi. Ban đầu nó còn hơi thắc mắc nhưng nghe là của cậu cả thì mừng húm, mắt mũi sáng ngời ngời vui lắm. Nhưng mà khổ nỗi nó không biết chữ thì làm sao mà hiểu cậu cả viết cái chi trong này.
Thế là Tú Bân lại ngồi xuống mà đọc từng chữ cho nó nghe, trong thư cậu cả viết, rằng bỗng dưng công chuyện nhiều quá nên phải nán lại Sài Gòn lâu lâu chút, chắc là dăm bữa nửa tháng cậu về. Rồi thì thật ra cậu không muốn để nó chờ lâu vậy đâu, ở trên này một mình cậu cũng nhớ nó quá trời quá đất. Cậu còn dặn nó ăn uống nhiều vào, đừng có còng lưng ra mần công chuyện nhiều quá mà bỏ bữa, cậu xót. Trong phong bì còn có một xấp tiền dày, cậu bảo cậu cho nó để muốn mua gì thì có mà xài. Biết bao nhiêu câu yêu thương nhớ nhung thắm thiết mà cậu hai đọc ra làm nó ngượng muốn xỉu.
Trong thư cậu cả viết nhiều lắm, nhưng Phạm Khuê nhớ nhất câu cuối, rằng là cậu bảo, cậu thương nó nhiều.
Hỡi ôi, có một câu thôi mà làm nó thao thức cả đêm không ngủ nổi. Cứ nhắm mắt là lại mơ thấy hình bóng cậu, nó nhớ cậu đấy, nhớ đến mức ngủ cũng nhìn thấy được. Chưa bao giờ nó thèm được nằm trong vòng tay cậu đến vậy, từng hơi ấm, cảm giác của Nhiên Thuân cứ như đã thật sự khiến nó mê đắm mà không cách nào dứt ra được. Nhưng thôi, nó cũng không muốn dứt.
●●
Bữa nay cũng là một ngày trời trong nắng đẹp, mợ Thư vừa tỉnh dậy thì đã phát hiện cậu hai đâu mất tiêu. Chạy lên chạy xuống thì mới biết là cậu đã đi bắt cá rồi. Mà nói mới nhớ, kể từ cái hôm cậu cưới mợ về, mợ chẳng còn thấy cậu quanh quẩn ngoài ruộng nữa. Mà bữa nay chắc có hứng nên mới dậy từ sớm đặng mà ôn lại chuyện xưa đó.
Biết cậu đi đâu rồi thì mợ cũng không lo nữa, mợ hớn hở chạy vào nhà thay áo quần rồi xách cái giỏ đệm đặng ra chợ. Tụi người làm thấy vậy í ới gọi mợ cần gì cứ nói, tụi nó mần cho chứ mợ đụng tay vô làm gì cho mệt, nhưng mợ lắc đầu xua tay cười hì hì, bảo là cái gì cũng nhờ người khác thì mợ thành con sâu lười mất thôi.
Tầm nửa canh giờ sau, mợ trở về với bịch nước cốt dừa, túi đậu phộng rang, vài miếng dừa bào mỏng và một túi bột báng, trong giỏ còn có nải chuối sứ chín ngà.
- Mợ nấu chè hở mợ?
- Ừa, hổng hiểu sao trong miệng thấy đắng đắng, cái tự nhiên mợ thèm ngọt.
Vài ba đứa người làm tụm lại, vừa lột vỏ chuối vừa nói chuyện rôm rả với mợ. Mà kể cũng hay, mợ hai coi là tiểu thơ quyền quý vậy mà dễ gần hết sức, tánh mợ thoáng nên gặp ai cũng bắt chuyện được hết trơn à, bởi vậy nên tụi người làm quý mợ lắm luôn.
Nồi chè vừa nấu xong thì cũng là lúc Tú Bân xách cần câu mà thong thả bước vô nhà. Nghe cậu về, mợ Thư liền hớn hở lao ra đón chồng, ngặt nỗi lúc cậu vừa giơ xâu cá lóc lên khoe thì tự nhiên mợ tái mặt, hoảng lên ôm miệng chạy ra sân sau mà nôn thốc nôn tháo, sáng giờ có ăn gì đâu mà sao cái cổ họng mợ nó nhợn nhợn kì lắm, cậu hai bị hoảng theo mợ mà liệng hết đồ đạc xuống rồi lao tới đỡ mợ lên, mặt mũi mợ xanh như tàu lá chuối doạ người trên kẻ dưới trong nhà được phen hú hồn.
Con Nụ nghĩ mà thấy lạ, đó giờ mợ hai cũng quen với mấy con cá sống giãy đành đạch vầy rồi, lâu lâu bị cậu hai hù thì chỉ giật mình thôi chớ đâu có tới nỗi này. Thím Năm đứng kế bên nghe con nhỏ nói một hồi thì lắc đầu ngán ngẩm, chê nó còn non và xanh lắm. Nom mợ chật vật như vậy, đoán chừng đâu chắc nhà này sắp có cháu nữa rồi đó.
Quả đúng như cậu nghĩ, anh đốc tờ Hiệu Tích được mời tới coi thế nào, ngay lập tức liền phán mợ có hỷ sự. Nghe vậy, bà hội đồng liền chen lên mà hỏi:
- Thế là con trai hay con gái vậy đốc tờ?
Nhưng Hiệu Tích lắc đầu, anh nói cái này thì anh không biết, đợi tới chừng nào đứa nhỏ lọt ra thì mới tỏ tường chứ anh không phán lung tung được, bà hội đồng nghe vậy xong thì mặt buồn thiu.
Riêng cậu hai nãy giờ cứ đờ đẫn mãi, ai lay cũng không đáp, chỉ ngồi nghệt mặt ra đó như trời trồng. Thiệt tình, có phải tin sét đánh gì đâu chớ.
- Anh, anh sắp được làm cha rồi hả em?
Tú Bân ú ớ chỉ vào mặt mình mà như thể chưa tin lắm. Tụi người làm nhìn vậy cũng hết cách, chỉ đành cười bất lực trước sự bần thần của cậu chủ.
- Thưa ông, mợ hai có bầu rồi!
Con Nụ vội vã chạy lên nhà trước thưa chuyện với ông hội đồng, mặt ông không giấu nổi nét mừng rỡ, vội chạy tới buồng của cậu mợ hai xem thế nào. Vừa hay lại thấy Tú Bân đang sai tụi người làm đi mua đồ ngon tẩm bổ cho mợ, phụ nữ có bầu kén ăn nên cậu dặn dò rất kĩ cái nào cần cái nào tránh. Nom cậu như vậy, ai cũng mừng cho mợ hai vì cưới được chồng tốt.
Nhìn cậu mợ hai hạnh phúc như vậy mà Phạm Khuê vui lây, thầm nghĩ sau này em bé chắc là giống cậu hai Bân lắm. Ngẩn ngơ một hồi, nó lại tự nhủ giá mà nó sanh ra là thân đờn bà con gái thì chắc cũng dễ đến được với cậu cả hơn rồi đó. Tiếc là ông trời lại muốn nó là nam nhi, ngang trái trăm bề.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro