Ba Mươi Bốn
Thoắt cái đã đến hăm ba tháng Chạp.
Cái bàn gỗ tròn chiễm chệ ở giữa nhà lớn. Hai bên là ông bà hội đồng ngồi ngay ngắn ở trường kỷ, rất ra dáng bề trên. Bởi vì là ngày sum họp gia đình nên ông hội đồng phải đích thân chủ trì. Mà nói trắng ra thì ngày này chỉ có tụi gia đinh háo hức thôi, tại vì tụi nó được lĩnh tiền lương mà. Còn ông bà hội đồng thì chẳng có hứng thú gì sất.
Các phong bao tiền được chuẩn bị sẵn, ông gọi tới tên ai thì người đó lên nhận. Tất cả đều được một tay bà hội đồng chuẩn bị hết. Những đứa về quê ăn Tết thì nghiễm nhiên được nhiều hơn.
Dần dà cũng tới lượt Phạm Khuê. Chẳng hiểu sao nó lại bị xếp ở cuối cùng, mà phong bao của nó lại mỏng tang mới lạ, thiếu điều chỉ thua miếng giấy một tí thôi. Bà hội đồng ngồi chiễm chệ nhấp trà ở trường kỷ kế bên, tay cứ phe phẩy cánh quạt lụa mà dòm tụi gia đinh nom khinh thường. Rồi đến lúc Phạm Khuê bước lên, bà xốn con mắt quá, cầm chén trà ném thẳng vào mặt nó.
Tiếng choang choảng của thủy tinh vỡ vang ầm ĩ trong khoảng không. Mấy chục con mắt đều dán vào bà hội đồng hết. Riêng Phạm Khuê vì choáng váng mà ôm đầu ngã quỵ xuống sàn còn cậu Thuân thì đã chạy lên đấy từ lúc nào, mảng áo lụa thấm đẫm màu máu.
Ai nấy có mặt ở đấy đều sững sờ, chẳng dám nghĩ tới chuyện bà hội đồng sẽ làm càn như vây. Ánh mắt ông hội đồng chuyển từ ngạc nhiên sang bàng hoàng rồi sau đó chùn xuống vài phần, nom thất vọng lắm.
Uất ức đến không nói thành lời, cậu cả nhanh tay bế thốc nó lên rồi đi về buồng của mình trước con mắt của biết bao nhiêu người. Mặc kệ cái ánh mắt khinh miệt của mẹ kế, mặc kệ lời bàn ra tán vào của lũ gia đinh, mặc kệ cái sửng sốt trên gương mặt già nua của cha mình, cậu chẳng quan tâm gì sất.
Một canh giờ sau, người trong nhà đã thấy Hiệu Tích xuất hiện. Dĩ nhiên nguyên do thì ai cũng hiểu, nhưng chẳng ai dám hó hé nửa lời. Chỉ có giọng bà hội đồng vang lên đầy chát chúa:
- Ối giời! Chỉ là một con chó quèn, hà cớ gì phải nhọc công mời đốc tờ về? Cậu cả rỗi rãi quá nên lấy tiền rửa mặt đấy à?
Tụi con Nụ thằng Tèo nghe mà ức thay, chẳng hiểu sao bà có thể thốt ra mấy lời cay nghiệt đó nữa. Biết phận tôi tớ nghèo hèn chẳng đáng, nhưng là bà gây hoạ, mà sao lại chẳng động tâm thương xót?
Trong buồng cậu cả, không gian yên ắng đến rùng mình. Chẳng phải do trời lạnh đâu, là vì cảm giác uất ức khiến cậu khó chịu thôi. Vậy mà lại khiến vị thầy thuốc trẻ tuổi đổ mồi hôi hột ướt cả mảng áo.
- Ờm, vết thương không đáng kể. Nhưng cần nghỉ ngơi, hoạt động mạnh sẽ choáng. Tạm thời giữ cậu ấy ở đây đi, đừng để ra ngoài đó.
Có vẻ Hiệu Tích cũng hiểu được phần nào câu chuyện, lời nói đậm giọng khuyên nhủ đứa em kết nghĩa của mình. Nhìn điệu bộ u sầu kia, nỗi nghi ngờ trong đầu anh lại càng rõ hơn.
- Anh không nói em cũng sẽ giữ.
Đáp lại một câu, Nhiên Thuân cảm ơn anh mình rồi tiến đến cái giường gỗ, bàn tay xoa nhẹ lên vết thương trên trán nó. Vẻ lo lắng lẫn xót xa hiện trong ánh mắt, giờ phút này đây, Nhiên Thuân thấy lòng mình rối như tơ vò.
Biết ở đây thêm lâu nữa thì chỉ tổ vướng chân cặp chim sẻ kia, Hiệu Tích liền im lặng rời khỏi. Tới khi anh về rồi, căn phòng lại trở về vẻ yên tĩnh vốn có.
Một người bất tỉnh, một người thức.
Bàn tay Nhiên Thuân vẫn cứ xoa nhẹ đều đều lên gò má nó, ánh mắt cậu thẫn thờ đến lạ. Phạm Khuê của cậu, nó có tội tình gì mà phải chịu cay đắng như thế? Phải chăng cái kiếp nghèo hèn cứ đeo đuổi nó không buông, hay là vì cậu nên nó khổ? Cậu đã hứa đem hạnh phúc cho nó, hứa không để nó chịu kiếp nghèo hèn thêm nữa, vậy mà sao cậu thấy mình bất lực quá. Cậu muốn chờ thời cơ chín muồi, nhưng nếu vậy phải để Khuê đợi, mà đợi, là đợi đến bao giờ? Mười năm, hai mươi năm? Hay là đợi đến cả đời?
Rồi tí tách tí tách, từng giọt lệ lóng lánh rơi xuống giường, thấm ướt lớp chăn mềm. Cậu khóc rồi.
Khóc cho cái số phận thảm thương, khóc cho những cay đắng tủi nhục, khóc cho cái cuộc đời đầy khốn nạn. Cậu thương nó, cậu nói sẽ mang cho nó cuộc sống an nhàn. Vậy tại sao mộng chưa thành mà cay đắng cứ ập đến? Phải chăng vì cái mối tình này trái với luân thường đạo lý, nên đến cả ông trời cũng ngăn cản?
Càng nghĩ lại càng thấy lòng mình đớn đau.
●●
Vài con sẻ non chập chững trong sân nhà, gió khẽ đưa tán lá xào xạc, ông bà hội đồng ngồi ngoài trường kỷ uống trà, thế nhưng không gian lại căng thẳng đến lạ.
- Sao bà làm thế?
Nghe là biết ông hỏi việc gì, bà hội đồng ngồi vắt chân mà nhâm nhi tách trà lài, gương mặt bỗng nhăn nhó khi nghe ông hỏi.
- Tôi bực thì tôi ném, chỉ là cái mạng nghèo thôi mà, chết thì vứt xác, việc quái gì phải lo?
Mấy cái lời đó nghe sao mà chua chát quá. Ông chẳng còn tin người trước mặt là vợ mình nữa, người con gái hiền lành mà ông thương đâu rồi? Bà hội đồng của hai mươi năm trước đâu có cay độc như thế. Có phải do lòng ganh ghét đố kị khiến con người ta thay đổi, hay là do bản chất thật sự của bà là như vậy?
- Mà nè, ông xem lại cậu cả với thằng quỷ đó có gì với nhau không nhá. Tôi thấy cậu ta cứ bám theo nó suốt thôi.
Dĩ nhiên thì đó là lời khiêu khích của bà chứ chẳng có ý khuyên nhủ gì ông cả. Vì sao à? Vì bà ngứa mắt.
Bà thấy cậu cả được ông thương yêu, bà tức, bà thấy cậu cả tài giỏi hơn cậu hai, bà tức, bà sợ cơ ngơi nhà này đều rơi vào tay cậu cả, bà tức, và bất kì đứa nào liên quan đến cái thằng con riêng ôn nghiệt đó, bà đều ghét hết.
Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng? Từ cái hồi cậu cả còn đỏ hỏn thì bà đã gai mắt lắm rồi. Cái thằng con riêng đó, chỉ vì là máu mủ của người đờn bà kia mà ông lại thương nó hơn cả. Vì cớ gì mà bà chung chăn chung gối với ông hơn chục năm nay, lòng ông vẫn cứ in hằn bóng hình người đờn bà năm xưa ấy?
Ngày nào mà cậu cả còn sống trong cái nhà này, thì ngày đó bà vẫn còn ăn không ngon ngủ không yên.
Gió trời lồng lộng thổi qua hiên nhà, nhè nhẹ mang về những kí ức xưa cũ, những kí ức tưởng chừng như đã ngủ vùi mãi mãi.
Hôm ấy là một ngày đầu thu của hai mươi năm về trước, bầu trời chuyển màu xám xịt, cái lớp mây đen ấy ích kỷ mà bao trọn cả bầu trời của làng quê nhỏ. Rồi cái gì tới cũng sẽ tới, gió lớn nổi lên, giông cuồn cuộn quật qua từng mái nhà. Mưa đổ xuống như thác rồi ngày một to hơn. Có vẻ ông trời đang nổi cơn tam bành vì một điều gì đó mà chẳng ai biết, chẳng ai hay. Gió cứ vậy mà làm tới, dữ tợn thổi qua biết bao tán cây cao vút, thổi luôn cả hy vọng sống của người dân thấp cổ bé họng. Ở cái làng này, chưa bao giờ có giông to đến vậy. Một vài cụ mê tín lại lo sợ, phải chăng đây là điềm gở?
Cánh cửa gỗ nằm ở căn buồng thứ hai gian nhà trước bỗng dao động, rồi một bóng người chầm chậm bước vào.
- Mợ cả.
Tiếng nói nhè nhẹ vang lên giữa không gian yên ắng, thế mà lại đánh thức được người đang say giấc trên giường. Cái người được gọi là mợ cả chầm chầm ngồi dậy, cơn buồn ngủ vẫn dai dẳng không buông. Nhìn thấy chủ nhân của tiếng gọi thì có hơi bất ngờ.
- Mợ hai. Nửa đêm nửa hôm mợ không ngủ, mợ qua buồng tôi mần cái chi?
Sau khi đã an toạ ở cái bàn gỗ giữa buồng, mợ hai mới mở lời tiếp, giọng nói vẫn cứ nhè nhẹ như sợ ai thức giấc.
- Mợ cả, em nói mợ nghe. Hổng ấy bây giờ em đưa mợ một số tiền, rồi mợ dắt cậu Thuân đi chỗ khác sống, được không mợ?
Nghe vậy thì nét sửng sốt hiện lên trên khuôn mặt mợ cả. Trời ơi ngó xuống mà coi, con cái nhà lễ nghĩa mà sao suy nghĩ lại tâm cơ như thế hả trời? Chẳng lẽ mợ hai nghĩ nhà mợ ấy có quyền có thế, từ nhỏ đã sống trong nhung lụa nên đã quen dùng tiền bạc giải quyết mọi chuyện hay sao chớ?
- Tôi đã nói với mợ bao lần rồi mà sao mợ lì thế hả mợ hai? Tôi không đi đâu hết, chồng tôi ở đâu thì tôi ở đó!
Rồi đột nhiên mợ hai quỳ rạp xuống mà ôm lấy chân mợ cả, nước mắt giàn giụa trông đến tội, giọng mợ nức nở khẩn nài:
- Em lạy mợ, em van mợ. Em thương anh lắm, mà anh chỉ để ý đến mợ thôi. Mợ làm ơn làm phước thì giúp em với! Em lạy mợ em van mợ!
Buồn cười nhỉ. Giúp là giúp thế nào? Ông hội đồng là người thương của mợ hai, nhưng cũng là chồng mợ cả. Bây giờ van xin nhờ mợ cả giúp, mà lại còn là giúp ông thương mợ hai hơn. Há chẳng phải người chịu thiệt là mợ cả sao?
- Giúp làm sao? Tôi giúp mợ, rồi ai giúp tôi?
Lời nói bất lực thốt ra, gương mặt mợ cả trầm đi vài phần, nom thất vọng lắm. Trần đời có ai tự làm khổ mình bao giờ đâu?
Gương mặt mợ hai sững sờ, mợ chẳng nghĩ mợ cả sẽ dám nói như thế. Gớm, cái phận gái quê nghèo hèn mà tưởng được ông thương là một đường lên tiên chắc? Đã nghèo còn kêu, được ông rước về đã là phúc đức ba đời rồi, giờ lại còn ở đây giở giọng thanh cao à? Suy cho cùng cũng chỉ là cái hạng dân quèn rách nát.
- Mợ nhất quyết không giúp em à mợ cả?
Chẳng phải mợ cả không biết thân biết phận. Mợ biết phận mợ nghèo hèn, nhưng mợ thương ông, và may mắn thay ông cũng thế. Biết bao lần má mợ dặn mợ về nhà chồng thì phải giữ lễ nghĩa, nhường các mợ lẻ một tí thì có chết ai đâu. Mợ biết chứ, mợ hiểu hết đó. Nhưng mà bây giờ bắt mợ rời xa ông, mợ không làm được, hay đúng hơn, là mợ không đành lòng.
- Thôi, mợ về đi. Tôi chẳng giúp mợ được đâu.
Nói xong, mợ cả trở mình nằm lại giường, ôm đứa con nhỏ của mình vào lòng mà âu yếm dỗ dành.
Chỉ là sau đó, mợ cả thấy lưng mình rát rát mà lại còn nhói lên. Vừa quay qua thì đã thấy lưỡi dao ghim trên lưng, còn gương mặt mợ hai hằn lên tia máu nom rất phẫn uất.
- Mợ không chịu cút, vậy để tôi tiễn mợ!
Con dao bóng loáng cứ hết vung lên rồi lại đâm xuống tấm lưng gầy của người đờn bà tội nghiệp. Chiếc chiếu vàng rơm nay đã thấm đẫm màu máu. Lưỡi dao hằn một màu đỏ thẫm, phẫn uất ghì chặt xuống từng thớ da thớ thịt, thật không may, lúc vừa định đâm xuống một nhát nữa thì cậu Thuân từ đâu lao tới ôm lấy, che chắn cho má mình mà nức nở.
- Mợ hai, con lạy mợ, con xin mợ dừng tay!
Tiếng khóc than ai oán của đứa trẻ năm tuổi cũng chẳng thể xoa dịu con thú điên đang làm loạn trong người mợ hai. Bởi lẽ ở đời, có mấy ai đủ bao dung cho con riêng của chồng bao giờ đâu?
- Tha à? Dừng tay à? Đã thế tao cho má con chúng mày chết!
Ngay cái lúc mợ hai vung dao lên để sắp sửa tiễn hai mạng người về với tổ tiên thì cánh cửa buồng bật mở, một bóng người lao vào ôm lấy Nhiên Thuân ra xa. Há ra là ông hội đồng.
- Mợ hai, mợ điên rồi à!?
Ôm chặt con trai nhỏ trong lòng, ông ngước lên mà mắng nhiếc cái người gây ra bãi máu me kinh khủng này. Thật chẳng dám tin, vợ cả ông nằm trên giường với cái xác bê bết máu, vợ hai lại là người cầm dao đâm chết vợ cả. Máu bắn lên tứ phía, căn phòng không nơi nào là nguyên vẹn. Đồ đạc gối chăn lộn xộn lung tung lên hết cả. Cảnh tượng kinh hoàng như vậy, đến ông còn thấy sợ nữa là.
Trái với sự tức giận của ông, mợ hai lại uất ức gào lên như dại:
- Phải! Tôi điên! Tôi điên vì ông thương chị ta hơn tôi, tôi điên vì ông xem cái thằng đó quan trọng hơn tôi! Vì cớ gì tôi thương ông, mà một đứa nhỏ ông cũng chẳng thèm cho tôi, hả ông!?
Dường như bao nỗi uất hận trong thâm tâm bao lâu nay của mợ hai đều đã tuôn ra hết, tức nước thì vỡ bờ. Mợ hận, mợ căm cái con tiện tì ấy, cái con gái quê mà dám lên mặt với mợ.
- Mợ không thể an phận được hay sao?
Câu nói của ông vang lên nhưng rồi lại giảm dần. Có lẽ ông cũng thương cũng xót, thương mợ cả vì ông mà chịu tiếng oán, xót mợ hai trao duyên cho ông mà chẳng vẹn.
- Ông bảo tôi an phận thế nào đây? Không phải tôi không muốn, nhưng nhìn chồng mình cưng chiều đứa khác thì đến thú vật còn ghen mà!
Đến lúc này, mợ hai bật khóc, khóc thật thảm thiết và xé lòng. Vì tranh giành tình yêu, trong một phút ghen tuông mà mợ đã cầm dao giết người, đôi tay mợ dính đầy máu đỏ tội lỗi, mắt mợ long sòng sọc vì kinh hãi. Quăng vội con dao sang một bên, mợ ấy ôm đầu gào khóc thảm thiết.
Cả căn phòng bỗng chốc biến thành nơi ghê rợn ngập mùi tanh tưởi.
- Cha nó...tôi nói này....
Khuôn miệng mợ cả mấp máy vài chữ đứt quãng, có lẽ mợ sắp chẳng chịu nổi nữa rồi. Ông hội đồng nghe vậy thì vội vã bò đến cái giường gỗ, nơi mà mợ cả đang thoi thóp, rồi ông ngồi xuống, ân cần ôm mợ cả vào lòng. Mặc kệ cái mùi máu tanh nồng, mặc kệ cái dáng vẻ tàn tạ của mợ, ông cứ vậy mà dỗ dành người thương trong hàng nước mắt đắng cay.
- Tôi chết...là do số tôi tới đây là tàn. Tôi đi rồi, ông cũng đừng đem mợ hai ra xử, tội nghiệp mợ ấy, nghe ông...
Đến tận lúc chết, mợ cả vẫn sợ mợ hai mang tiếng oán trên vai. Có phải mợ cả nhân từ quá rồi không? Mợ nghĩ cho mợ hai, rồi ai sẽ nghĩ cho mợ?
- Nhiên Thuân, má xin lỗi. Con...phải sống thiệt tốt đó...nghe chưa...
Mợ cả vuốt ve gương mặt con trai nhỏ, ánh mắt lưu luyến chẳng rời. Giờ phút này đây Nhiên Thuân đớn đau khôn xiết, cậu khóc đến mức nước mắt nước mũi tèm nhem hết cả, cứ luôn miệng gọi má ơi trong vô vọng. Nhưng má cậu không đáp, cứ thế mà khép chặt đôi mắt đẫm lệ. Hơi thở cứ nhẹ dần rồi cả người lạnh toát hết cả.
Sợ con mình đau khổ vì mất mẹ, ông hội đồng chật vật bối rối an ủi rằng má cậu chỉ đi thăm ông bà thôi, khi nào xong sẽ về. Nhưng mà cậu đâu có ngu, cậu biết rõ sự thật đằng sau những gì ông đang nói nhằm che mắt cậu mà. Chuyện xảy ra rành rành như thế, nói dối qua loa mà được à? Ông tưởng cậu là con nít chắc?
Và cậu cũng biết, cái người gọi là mợ hai kia cũng chính là kẻ tàn nhẫn cướp đi người cậu thương nhất. Bằng mọi giá, dù có phải đánh đổi thứ gì đi chăng nữa, cậu nhất định phải khiến bà ta khuất khỏi tầm mắt mình và sống dở chết dở đến cuối đời.
Sau sự việc mợ cả ra đi, đám người làm trong nhà được một phen hỗn loạn. Chúng nó cũng ghê sợ mợ hai hẳn đi. Nhưng ông hội đồng đã lệnh rằng nguyên nhân cái chết là do mợ cả lên cơn đột quỵ, cũng là để che đi tội lỗi của mợ hai. Tuy vậy, sự việc thế nào thì ai cũng tỏ tường, chỉ là không dám hé răng mà bàn tán.
Thi thoảng, người ta vẫn thấy một cái bóng trắng lướt ngang sân nhà, nhè nhẹ dừng lại rồi lặng im ngước lên ngắm nhìn ánh trăng mờ, và lả lướt về căn buồng quen thuộc, sau đó biến mất trong màn đêm.
Than ôi cái kiếp chung chồng
Ganh đua ghen ghét, biết lòng làm sao?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro