Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Y ĐỨC NGƯỜI THẦY THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN

                                                                                                            Lương y Nguyễn Kỳ Nam

                                                                                     Phó chủ tịch Hội Đông y Tỉnh Cà Mau

I. ĐẶT VẤN ĐỀ :

          Nhiệm vụ của người thầy thuốc là bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, kiến thức và lương tâm của người thầy thuốc cốt lõi là để hoàn thành nhiệm vụ nầy. Phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Nhìn chung nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, riêng ngành y là một ngành mang tính: Trách nhiệm, lương tâm, đạo đức cao quí.

  Gần đây, đất nước chúng ta chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường, tạo nên nhiều yếu tố tích cực trong phát triển. Nó là động cơ thúc đẩy, sản xuất, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và tạo ra nhiều  tài năng sáng tạo. Nhưng về mặt tiêu cực thì thị trường là nơi cạnh tranh để chạy theo lợi nhuận, nên thị trường đã làm phân hoá xã hội. Trong đó nhiều  thủ đoạn gian trá và lừa lọc dẫn tới sa sút đạo đức. Đó là qui luật chung xã hội.

 Cho nên nâng cao y đức người thầy thuốc trong nền kinh tế thị trường là điều tất yếu mà giải pháp vẫn còn nhiều vấn đề bàn cải  bức xúc.

II. THỰC TRẠNG VỀ Y ĐỨC VÀ  NHỮNG VẪN ĐỀ  NÂNG CAO Y ĐỨC TRONG  ĐỘI NGŨ THẦY THUỐC  Y HỌC CỔ TRUYỀN :

          Y đức lúc nào cũng là vấn đề thời sự, nó vừa mang tính đặc thù phản ảnh văn hoá của một dân tộc, con người phát triển, khoa học phát triển do đó y đức cũng phải phát triển sao cho phù hợp với những yếu tố và điều kiện sinh hoạt của cá nhân và tập thể xã hội, đồng thời thể hiện được lý tưởng cao đẹp. Càng suy nghĩ về y đức càng thấy hành động và đối xử cho phù hợp với y đức không phải là chuyện dễ, bởi vì người thầy thuốc cũng là một con người với những nhược điểm, những đòi hỏi, những dục vọng, cho nên, nếu  không có những qui định về y đức để làm kỷ cương, luật pháp, mà trông cậy vào tự giác, tự nguyện,  thì đạo đức của người thầy thuốc cũng bị xoáy mòn theo dòng xoáy của thị trường.

          Hội Đông y Tỉnh Cà Mau qua nhiều năm hoạt động, tư cách pháp nhân của nhiều hội viên vẫn còn chưa được công nhận, trình độ chuyên môn hội viên còn nhiều vấn đề phải lo lắng, bên cạnh những ưu điểm về đạo đức vẫn còn tồn tạị không ít  hội viên  đã có chiều hướng sa sút về y đức . Trước nhất về  thực trạng chúng ta thấy nổi  lên những ưu điểm như sau :

          ƯU ĐIỂM : Thời gian qua. Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh cùng với sự hổ trợ về chuyên môn của ngành y tế. Hội Đông y tỉnh nhà đã phát triển gần  700 hội viên. Đang hoạt động trong 414 phòng chẩn trị. Hằng năm cũng đã khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo bằng thuốc nam, bắc và các phương pháp không dùng thuốc trên 400.000 lượt người. Tổng kinh phí miễn phí hằng năm hơn 1 tỉ đồng. Đó là những con số nói lên những thành tích thể hiện một tinh thần y đức chung của toàn thể thầy thuốc Hội Đông y Tỉnh Cà Mau.

Trong những thành tích đó, có những cá nhân tiêu biểu, điển hình nhự: Lương y Nguyễn Minh Chiếm. Hội Đông Y Huyện Đầm Dơi. Đã xây dựng phòng thuốc nam trị bệnh miễn phí cho nhân dân, thành lập vườn thuốc nam, sưu tầm các cây thuốc quí hiếm  từ các tỉnh khác về trồng nhân giống, tạo nguồn dược liệu phong phú phục vụ cho nhân dân trong huyện. Như y sĩ Ong Thanh Tươi. Hội Đông y Thành phố Cà Mau. Vận động  thầy thuốc các tiệm thuốc bắc trong thành phố, đóng góp nhiều loại thuốc cao đơn hoàn tán để về các vùng nông thôn khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân và chữa bệnh cho những người cao tuổi trong Thành Phố Cà Mau. Hằng năm kinh phí lên đến vài chục triệu đồng và còn rất nhiều cá nhân khác nữa v…v….

Qua 25 năm hoạt động. Hội Đông y Tỉnh Cà Mau ngày nay, đã phát triển được 414 phòng chẩn trị , 48 vườn thuốc nam với  tổng diện tích gần 6 ha, Trồng được trên 250 loại cây thuốc đưa vào trong điều trị. Hội viên Hội Đông y đã tạo thành một màng lưới rộng khắp trong toàn tỉnh. Chăm lo sức khoẻ cho nhân dân thực hiện chủ trương “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ, chăm sóc tại nhà” cũng là thể hiện tinh thần y đức gần gủi, gắn bó với nhân dân khi ốm đau tại tuyến cơ sở.

Cùng với Hội Đông y, còn có rất nhiều hội viên  trong lĩnh vực tôn  giáo tham gia vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Điển hình như : lương y Ngô Tấn Phát, lương y Huỳnh Văn Hạnh.Tại phòng thuốc nam phước thiện chùa Tịnh độ Cà Mau, đã cùng tập thể thầy thuốc ở đây khám bệnh, hốt thuốc nam, miễn phí cho nhân dân. Mỗi năm hằng trăm ngàn thang thuốc, Châm cứu  hằng trăm ngàn lượt người, miễn phí lên đến hằng trăm triệu đồng. Việc làm từ thiện có qui mô lớn, có quĩ đất thành lập vườn thuốc riêng đủ nguồn dược liệu phục vụ cho dân, cùng vận động nhân dân tham gia sưu tầm dược liệu tạo thành một tập thể phục vụ chí công vô tư, không nhận một khoản thù lao nào.

 Một số chùa khác trong tỉnh như: chùa Phật Mẫu, chùa Quan Âm Cổ Tự phường 4, và một số chùa ở các huyện v.v… Với qui mô nhỏ hơn cũng đã tạo thành những tập thể làm từ thiện theo tinh thần Tuệ Tỉnh ‘’Nam Dược Trị Nam Nhân’’,trị bệnh miễn phí  cho dân thể hiện một tinh thần y đức tốt đẹp.

Một số hội viên trong hệ thống Hội Chữ Thập Đỏ, cũng đã tổ chức các phòng  khám bệnh nhân đạo để  điều trị bệnh miễn phí cho dân nghèo, tạo được nhiều thành tích đáng kể trong  công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.  Đó là những hoạt động nói lên tính cách đạo đức của người thầy thuốc có lòng nhân ái, có thể giúp được cho nhân dân với tất cả những gì mình có.

          Ở một lĩnh vực chuyên sâu hơn. Một số lương y được đào tạo chính qui, đã tham gia đào tạo đội ngũ kế thừa, tập huấn YHCT cho thầy thuốc các tuyến y tế xã, phối hợp cùng ngành y tế  tập huấn các lớp cai nghiện ma tuý trong cộng đồng, phát triển công tác khám chữa bệnh cho nhân dân bằng các phương pháp không dùng thuốc, đở tốn kém mà hiệu quả, đưa công nghệ  tin học vào ứng dụng  quản lý hồ sơ bệnh án, nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài có giá trị, Thiết kế trang Web chuyên sâu về Đông y trên mạng Internet , tư vấn miễn phí cho hàng ngàn độc giả về lĩnh vực Y Học Cổ Truyền qua thư điện tử. Những hoạt động chuyên môn đó đã được các lương y tham gia  trên tinh thần cống hiến mà không đòi hỏi một biên chế chính thức của nhà nước, đó cũng là một cách thể hiện tinh thần y đức  qua nhân cách của người thầy thuốc y học cổ truyền trong xã hội phát triển.

          Nhìn chung các hoạt động của hội viên Hội Đông y đã thể hiện cơ bản trên tinh thần phục vụ, nhân cách về y đức  luôn được chú trọng, đã chia sẽ rất lớn gánh nặng cho ngành y tế trong công tác  chăm lo sức khoẻ cho nhân dân.

          NHƯỢC ĐIỂM : bên cạnh những ưu điểm đáng khích lệ  cũng còn những tồn tại không ít. Một số thầy thuốc chạy theo lợi nhuận đã  đưa  mê  tín dị đoan vào trong điều trị và nhận thù lao một cách quá đáng làm cho nhân dân phản ảnh. Nhưng đó chỉ là những cá nhân mà người dân có thể nhìn thấy phê phán và tính cách  đó sẽ làm cho nhân phẩm người thầy thuốc đó  bị hạ thấp để rồi họ bị bệnh nhân xa lánh.

          Ngày nay, y đức của người thầy thuốc không đơn thuần ở tư cách phục vụ hay ở chỗ xem trọng tài vật, mà trong các sách giáo khoa y học trên thế giới đã nói đến danh từ ‘bệnh do thầy thuốc gây ra’.

Chẩn đoán, điều trị sai, dĩ nhiên làm cho bệnh không khỏi, kéo dài và sinh ra biến chứng  khác, nhưng nhiều khi chẩn đoán đúng, điều trị tốt vẫn gây ra những rối loạn bệnh lý mới, ngoài ý muốn của thầy thuốc. đó là một loại “bệnh” do thầy thuốc gây ra. Thế nên sự yếu kém về kiến thức là một nguyên nhân lớn dẫn đến vi phạm y đức.

Gần đây có những loại thuốc khá độc đã không được quản lý tốt, nhiều “thầy thuốc” trộn corticoid vào thuốc bắc, làm thuốc tễ, thuốc trị suyễn, thuốc mập. Làm cho bệnh nhân phải chịu ảnh hường xấu do  tác dụng  phụ của thuốc để lại.

Ngoài việc yếu kém về kiến thức, lời nói của thầy  thuốc cũng có thể gây bệnh, rất nhiều bệnh là do thầy thuốc  gán cho họ một cái tên bệnh này hay bệnh khác làm họ mang ấn tượng bệnh tật suốt đời.

Hiện nay, một số nước tiên tiến trên thế giới đang đào tạo lại người thầy thuốc gia đình, thầy thuốc cộng đồng. Là những người cùng sống tại địa phương, thấu hiểu được những ưu tư, những khó khăn của bệnh nhân trong cuộc sống. Họ chăm sóc toàn diện và tham vấn cho người bệnh, gởi người bệnh đến chuyên khoa nếu cần. Một mẫu thầy thuốc cho người - bệnh cũng như không bệnh, nhờ đó mà hy vọng giảm thiểu tình trạng những “rối loạn” do thầy thuốc gây ra.

Người thầy thuốc Đông Y tại địa phương mang dáng dấp một thầy thuốc cộng đồng. Nhưng  thực trạng đáng quan tâm là mẫu người nầy chưa được đầu tư kiến thức chính qui. Họ chưa được đào tạo qua trường lớp căn bản. Chuyên môn của họ còn nhiều giới hạn, cho nên trong chẩn đoán và điều trị vẫn còn nhiều điều lo ngại các rối loạn do thầy thuốc gây ra.

Vì thế trau dồi học tập để nâng cao kiến thức chuyên môn, tránh được những sai sót không đáng có trong điều trị, cũng là cách thể hiện y đức, song song với thái độ phục vụ và vấn đề tài vật.

NGUYÊN NHÂN :

Như đã nói, càng suy nghĩ về y đức càng thấy hành động và đối xử cho phù hợp với y đức không phải là chuyện dễ bởi vì người thầy thuốc YHCT cũng là một con người với những nhược điểm, những đòi hỏi, những dục vọng. Nhưng họ chưa được sự ưu đãi của nhà nước  kể cả về vật chất lẫn chuyên môn, họ không được nhà nước đào tạo bằng trường lớp chính qui mà chỉ được chấp vá bồi dưỡng bằng những kiến thức do các thầy thuốc địa phương. với kinh nghịêm cha truyền con nối, họ có rất nhiều lổ hổng trong kiến thức chuyên môn,  khi lâm sàng họ  lúng túng, họ ít được tiếp cận với kiến thức y học hiện đại nên còn bảo thủ . Họ hành nghề cá thể nên không có điều kiện trao đổi học tập với nhau, mặt bằng về văn hoá  khiêm tốn nên khó lĩnh hội  được chuyên sâu kiến thức y học. Có nhiều thầy thuốc  rất thương yêu chăm sóc bệnh nhân , thể hiện được những tinh thần nhân đạo bác ái trong điều trị, nhưng sai lệch về qui chế chuyên môn do thiếu kiến thức, đó cũng là vi phạm về y đức của người thầy thuốc.

          Nền y học xưa của nước ta, Y Đức luôn được đặt lên hàng đầu đức tính của người thầy thuốc. Thông qua những lời dạy của các danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu.

          Để dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam và để phục vụ nhân dân nghèo khổ được rẻ tiền. Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ Việt Nam dùng để chữa bệnh, đã sưu tầm ý nghĩa các bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian, đã thu thập các kinh nghiệm trị bệnh của Trung y,  xây dựng một sự nghiệp y dược có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong một thời kỳ mà thuốc bắc rất thịnh hành. Tuệ Tĩnh đã để lại hai tác phẩm là: Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư và Nam Dược Thần Hiệu cho hậu thế. Đó là một tính cách y đức lớn, được thể hiện bằng hành động  mà không cần phải nói lên  đức độ của mình.

          Danh y  Nguyễn Đình Chiểu là một thành tựu xuất sắc của Đạo y. Qua tác phẩm Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp, đã thể hiện cho chúng ta thấy nghề y không phải là một nghề nghiệp mà là thể hiện một nhân cách Y đạo. Nguyễn Đình Chiểu mất đi nhưng đã để lại cho nhân dân ấn tượng cao đẹp, cũng như để lại cho giới thầy thuốc Việt Nam một nhân cách tiêu biểu của người thầy thuốc Việt Nam.

Trong lời dạy cho học trò, danh y Hải Thượng Lãn Ông nói:

"Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức".

"Thầy thuốc không được lợi dụng nghề nghiệp để lừa dối bệnh nhân"

"Thầy thuốc không được coi nghề nghiệp của mình như là nghề buôn bán"

“Thầy thuốc phải siêng năng, lúc nào cũng nghĩ đến giúp người, đừng vì vui chơi mà bỏ lỡ cấp cứu".

“Trong trường hợp có bệnh nặng, thầy thuốc cần hỏi ý kiến bạn đồng nghiệp".

"Thầy thuốc không được phân biệt đối xử vì bệnh nhân giàu hay nghèo hèn; người giàu thì thăm trước người nghèo sau; người giàu bốc thuốc tốt, người nghèo bốc thuốc xấu".

Ðáng quý hơn nữa và điều này hầu như ít thấy ở những thầy thuốc trước và sau Hải Thượng Lãn Ông. Đó là tinh thần không giấu dốt, dám mạnh dạn trình bày những trường hợp trị bệnh không khỏi, người bệnh đã chết, để đời sau rút kinh nghiệm. Hải Thượng đã viết một tập "Âm án", trình bày 12 trường hợp bệnh khó đã đem hết tinh thần cứu chữa, nhưng cuối cùng người bệnh vẫn chết. Hải Thượng đã viết như sau:   

    “Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Thì đó mới là cái may cho đạo y".

          Tất cả những gương sáng về đạo đức người thầy thuốc đã để lại cho chúng ta  những bài học như khuôn vàng thước ngọc để làm kim chỉ nam cho  nhân cách của người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ kinh tế thị trường.

III. MỘT SỐ GIẢI PHẤP NÂNG CAO Y ĐỨC NGƯỜI THẦY THUỐC YHCT:

          Muốn nâng cao  phẩm chất  y đức của người thầy  thuốc YHCT.  Chúng ta phải có một số vấn đê suy nghĩ về  quyền lợi và bổn phận cùa người thầy thuốc YHCT

          1- Về quyền lợi  có mấy loại quyền lợi :

-         Quyền được hành nghề : Người thầy thuốc Y Học Cổ Truyền phải được hành nghề theo tính cách toàn diện của họ. Không nên tách các dịch vụ, châm cứu bấm huyệt,  riêng ra với khám bệnh hốt thuốc. Không nên đưa các dich vụ Xông hơi massager vào nhà hàng khách sạn làm mất đi tính chất  y thuật của YHCT ảnh hưởng đến phẩm giá đạo đức chung  nghề nghiệp.

-         Quyền được bồi dưỡng nâng cao học tập : Thầy thuốc YHCT  phải được  hưởng những quyền lợi về học tập, nâng cao bồi dưỡng kiến thức hằng năm, để kịp thời nắm được những thông tin mới , giảm bớt được những sai phạm về chuyên môn cũng là để nâng cao y đức

-         Quyền được đối xử một cách xứng đáng:  Thầy thuốc YHCT phải được đối xử xứng đáng, phải có học hàm học vị rỏ ràng,  phải được thi đua khen thưởng các huy hiệu như thầy thuốc ưu tú , thầy thuốc nhân dân, vì đó là những huy hiệu thể hiện tính cách y đức, để tất cả các hội viên Hội Đông y lấy đó làm chuẩn mực, phát huy  gìn  giữ y đức cá nhân .

-         Quyền được bảo trợ, bảo hiểm nghề nghiệp đối vớI hội Đông y : Thầy thuốc YHCT phải được sự bảo trợ  của Hội Đông Y , phải được bảo hiểm nghề nghiệp, khi có sai sót lổi lầm .Nếu có xảy ra tai biến  làm thiệt hại cho bệnh nhân, người thầy thuốc chỉ bị kết án sau khi được xét xử công minh  và được đại diện hội Đông y  bênh vực trên tinh thần vô tư và khoa học.

-         Quyền được tham gia trao đổi và nghiên cứu khoa học : Thầy thuốc YHCT  có quyền và cũng có bổn phận nghiên cứu khoa học, tham gia các hội nghị trong và ngoài nước, với điều kiện tuân theo  các qui đinh của ngành

-         Quyền được tư vấn và phản biện :  Thầy thuốc YHCT có quyền và cũng có bổn phận đóng góp vào sự phát triển của ngành, làm tư vấn cho ngành các vẩn đề y tế, văn hoá, đào tạo, giao lưu quốc tế, hay tham gia vào hội đồng khoa học để phản biện .

2. Về bổn phận người thầy thuốc để giữ gìn tính chất nghề nghiệp :

-         Tính nhân đạo : Phải tôn trọng nhân phẩm bệnh nhân.

-         Tính nhân bản : Đối xử tận tình mọi người như nhau.

-         Tính cao quí : Không thể hiện cử chỉ, hành vi, lời nói, làm lem ố nghề nghiệp.

-         Tính độc lập : Không để uy quyền  lấn áp  tinh thần trách nhiệm.

-         Tính trung thực : trung thực với chính mình, bệnh nhân và đồng nghiệp.

-         Tính khoa học : phải tin tưởng vào khoa học.

-         Tính nghệ thuật : phải khéo léo trong cư xử, tránh tổn thương  đến bệnh nhân cả về thể chất lẫn tâm thần.

-         Tính xã hội : có trách nhiệm với những loại bệnh có tính chất xã hội.

IV.              KẾT LUẬN :

Ngành y không phải là ngành thương mại. Ngoài tính chất khoa học nghề nghiệp y học mang tính chất nhân đạo . Do đó nên mới có y đức. có lời thề Hyppocrate, có tinh thần vị tha của Tuệ Tỉnh, có y huấn cách ngôn của Hải thượng Lãn ông, có 12 điều y đức của ngành y tế. Người thầy thuốc hành nghề công hay tư, đều có mục tiêu đem sức khoẻ đến cho mọi người,dù người đó có giàu sang hay nghèo khổ . Trước mắt thầy thuốc  chỉ có một hạng người. Đó là người bệnh, trong tình trạng nặng hay nhẹ. Giữa thầy thuốc và bệnh nhân có một cuộc đối thoại chân tình, có tin cậy có tình thương, đây là một cuộc trao đổi  giữa lòng tin của người bệnh và sự hiểu biết của thầy thuốc, mà lòng tin và sự hiểu biết  không có thước đo. Cho nên món tiền trả công cho thầy thuốc được gọi là thù lao  mà  thù lao không phải lúc nào cũng bằng tiền bạc đôi khi là lời cám ơn, là bọc trái cây,  là con gà, con vịt .v..v….

 Qua các thời kỳ lịch sử. Xã hội mang nhiều sắc thái, y đức cũng có nhiều biến động. Tất nhiên thù lao của thầy thuốc là tuỳ ông thầy định đoạt theo lương tâm của mình. Vì thế mà hình ảnh ông thầy thuốc thời xưa mang dáng dấp cao quí hiền hoà . Dáng dấp ấy càng ngày  càng mờ nhạt đi theo qui luật của kinh tế thị trường, Tình trạng y đức của Hội viên Hội Đông y phải công nhận là có sa sút ở mức độ nào đó. Cho nên  còn con người thì còn bệnh tật và còn y đức . Trong nền kinh tế thị trường và mạng lưới  thầy thuốc hành nghề y dược tư nhân, Y đức vẫn phải duy trì và phát triển , mặc dù có nhiều cám dổ, nhưng tất cả phải dựa vào phẩm chất  của cá nhân người thầy thuốc là chính  sau đó mới đến pháp luật và xã hội.

     Sau cùng cũng đừng quên rằng : Thầy thuốc cũng chỉ là con người với những đòi hỏi chánh đáng về đời sống cá nhân gia đình. Không ai yêu cầu thầy thuốc phải là  một bồ tát  tại thế lúc nào cũng phải thể hiện tâm phật.

          Có một câu nói : “ Hạnh phúc trong cuộc đời ví như một cái mền, nếu chúng ta đấp quá ấm thì người kế bên chúng ta sẽ lạnh “ . Một xã hôị lành mạnh, lấy công bằng thương yêu đùm bọc lẩn nhau làm phương châm sẽ là đất lành cho y đức phát triển.

NGƯỜI XƯA NÓI VỀ Y ĐỨC  

BÙI BÌNH THI 

Xã hội của loài người, trước khi xuất hiện các nền văn minh; đối với bệnh tật của con người đã có cách điều trị theo số đông, cộng đồng. Bấy giờ còn chưa xuất hiện nghề y và người làm nghề y, nên cộng đồng nào có bệnh nhân thì người nhà khiêng người ấy ra chỗ có tụ tập đông người. Thế rồi những người khỏe chân mạnh tay lần lượt vây quanh người đau ốm đó để từng người một căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân này, mà họ đã gặp trong đường đời và đã được chứng kiến cách chữa cho người đó khỏi. Bây giờ họ nói ra để cho người nhà bệnh nhân này theo đó mà chữa trị.

Vậy là ngay thời ấy, Y Đức đã được quan niệm như sau: Mọi người phải có bổn phận thăm hỏi người bệnh, không được phép làm thinh và bỏ đi... Thế rồi lần lượt các nền văn minh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và mỗi nền văn minh đều có những cống hiến xuất sắc cho việc xây dựng Y Đức. Nền văn minh BaTư có điều răn như sau: "Chỉ thật sự công bằng và tốt, là kẻ không làm cho người khác những gì mà thấy rằng không nên làm cho chính mình".

Nền văn minh Hêborơ (Do Thái) Kinh thánh phần cựu ước viết: "Này con, nếu con ốm chớ có sao nhãng. Hãy cầu xin Chúa, Chúa sẽ chữa cho con khỏi, sau đó sẽ mời thầy thuốc, vì Chúa đã sinh ra họ... Đời sống của thầy thuốc là để giúp đỡ bệnh nhân, vì cho sức khỏe của bệnh nhân". Và, kinh thánh phần tân ước viết tiếp: "Tất cả y học do Chúa tạo ra. Hãy vứt bỏ kiêu ngạo khi cứu bệnh nhân, vì đó là ơn của Đức Chúa Trời. Hãy tận tâm với chức vụ vì đó là thiên chức. Tất cả những gì ngươi muốn người khác làm cho mình thì ngươi hãy làm cho họ. Đó là Luật và Tiên tri".

Nền văn minh Trung Hoa, Khổng Tử nói đến điều nhân, trong nhân có đức: "... Ôi! Người nhân là người muốn gây dựng điều gì cho mình cũng gây dựng cho người điều đó, muốn mình thông đạt ra sao cũng muốn người thông đạt như vậy." (Luận ngữ)

Nền y học xưa của nước ta, Y Đức luôn được đặt lên hàng đầu đức tính của người thầy thuốc. Thông qua những lời dạy của các danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu.

Trong lời dạy cho học trò, danh y Lãn Ông nói: "Chữa bệnh cho người nghèo, nhất là con hiếu, vợ hiền, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật... Trong trường hợp bệnh không chữa được, người thầy thuốc không bao giờ được từ chối không giúp đỡ. Họ có bổn phận nói sự thật cho bệnh nhân, nhưng về phần họ, họ phải mang hết sức mình để tìm sự sống trong cái chết, cho tới lúc âm và dương thật sự mất hoàn toàn".

"Tận tình cứu chữa coi người đau như mình đau, nếu cần thì ngày đêm đứng ở bên phải người bệnh".

"Thầy thuốc phải coi trọng nghề nghiệp là một nhân thuật, chuyên bảo vệ mạng sống con người".

"Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức".

"Thầy thuốc phải làm cho bệnh nhân sống toàn diện, như thế mới có nhân thuật".

"Nghề thuốc là nghề thanh cao nên thầy thuốc phải giữ khí tiết cho trong sạch, không được tâng bốc kẻ giàu sang để cầu lợi".

"Thầy thuốc không được lợi dụng nghề nghiệp để lừa dối bệnh nhân"

"Thầy thuốc không được coi nghề nghiệp của mình như là nghề buôn bán"

"Thầy thuốc phải coi nghề nghiệp là đầu mối của đạo đức chân chính".

"Thầy thuốc phải thành thật mới thu được kết quả"

"Thầy thuốc phải bào chế thuốc theo sách, theo phương, nhưng biết theo thời theo bệnh mà gia giảm".

"Thầy thuốc phải biết biến hóa các kiến thức thâu nhận được, để nhập tâm và đem ra ứng dụng tùy trường hợp, như thế mới không phạm sai lầm".

"Khi kê đơn thuốc, thầy thuốc phải cân nhắc, nếu lập phương thức mới cần phỏng theo kinh nghiệm của người xưa, không được kê bừa bãi"

"Thầy thuốc phải biết nhiệm vụ của mình là quan trọng như thế nào và không được chểnh mảng".

"Thầy thuốc phải siêng năng, lúc nào cũng nghĩ đến giúp người, đừng vì vui chơi mà bỏ lỡ cấp cứu".

"Thầy thuốc phải biết phân biệt bệnh nặng hay nhẹ, để sắp xếp thì giờ đi thăm bệnh trước sau".

"Thầy thuốc không được ngại vất vả, dù có gian nan cũng vượt qua để cứu người".

"Dù vất vả, phải dầm mưa dãi nắng, qua đèo vượt núi, đã là bệnh cấp cứu, thầy thuốc không được quản ngại".

"Thầy thuốc không được phân biệt đối xử vì bệnh nhân giàu hay nghèo hèn; người giàu thì thăm trước người nghèo sau; người giàu bốc thuốc tốt, người nghèo bốc thuốc xấu".

"Thầy thuốc không được chữa cho người sang thì sốt sắng, người nghèo thì lạnh nhạt, sống chết mặc bay".

"Thầy thuốc gặp bệnh khó khăn, không nên vì giàu nghèo sang hèn mà thay lòng đổi dạ".

"Thầy thuốc phải coi con hát, nhà thổ như con nhà tử tế và phải đối xử đúng đắn, không đùa cợt để khỏi mang tiếng bất chính tà dâm".

"Thầy thuốc gặp người ăn mày đau cũng phải chữa và cho thuốc".

"Thầy thuốc gặp người "cô quạnh mẹ cha", hay đói khổ, phải giúp đỡ, nếu cần cho cả cơm áo".

"Bổn phận của người thầy thuốc là cứu người, cứu người đui mù, người ngọng, mà không sợ ai chê cười".

"Thầy thuốc không được mưu cầu quà cáp khi chữa khỏi bệnh, để tránh sự nể nang, hay sự khinh rẻ".

"Thầy thuốc chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không được cầu lợi kể công".

"Thầy thuốc không được dùng lối quỉ quyệt hành động bất lương; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được".

"Thầy thuốc không được lợi dụng bệnh ngặt nghèo mà đòi ăn của người".

"Thầy thuốc không được bắt bớ bệnh nhân khi có bệnh nguy cấp".

"Thầy thuốc phải cho bệnh nhân thuốc tốt, không được ham rẻ mà mua thuốc xấu".

"Đối với đồng nghiệp giỏi thầy thuốc phải coi như bậc thầy".

"Gặp đồng nghiệp kiêu ngạo thầy thuốc phải nhún nhường".

"Đối với đồng nghiệp kém mình, thầy thuốc phải dìu dắt".

"Thầy thuốc không được khoe khoang".

"Thầy thuốc phải học cả người dưới mà không thẹn".

"Trong trường hợp có bệnh nặng, thầy thuốc cần hỏi ý kiến bạn đồng nghiệp".

   Lê Xuân Tài                                                                        Neu-Anspach, 27.07.2005     Rudolf-Diesel-Str. 861267 Neu-Anspach  CHLB Đức

Tel.      0049 6081 44197   Fax      0049 6081 963661  

EMail       [email protected] 

Kính gửi:   Thầy thuốc Nguyễn Kỳ Nam   46 Phan Bội Châu  Phường 7    Thành phố Cà Mau

EMail                [email protected]

                  Phòng bệnh     Lê Xuân Tài (CHLB Đức)  

Chất lượng hình thức và nội dung của các trang WEB này làm tôi, một người Việt sống tại CHLB Đức, rất cảm phục tác giả, thầy thuốc Nguyễn Kỳ Nam. Tôi không ngờ là được xem các tin tức y học và cả các thông tin về đạo lý bổ ích và lý thú như vậy lại không phải từ Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà từ Cà Mau thân thương, cực nam của đất nước. Xin cám ơn thầy thuốc Nguyễn Kỳ Nam và các cộng sự của thầy.   

Nhân đây tôi xin nêu lên hai điều suy nghĩ:  

1. Đối với các thầy thuốc:    Các thầy thật hạnh phúc vì được hiểu biết nhiều điều tuyệt diệu của cơ thể con người, được sáng tạo bởi Đấng tạo hoá khôn ngoan. Các thầy đề cao y đức,  lời thề Hyppocrate, tinh thần vị tha của Tuệ Tỉnh và Hải thượng Lãn ông, sống và làm việc theo luật pháp. Song các thầy còn có bổn phận chăm lo đời sống gia đình, cả về mặt tài chính nữa. Tôi được biết có nhiều trường hợp éo le. Chẳng hạn một người bác sĩ mới ra trường, xin được việc làm ở một bệnh viện lớn không phải là đơn giản. Có được việc làm rồi mà đồng lương thì eo hẹp, nhận tiền của bệnh nhân thì không được phép và cũng không muốn tự cho phép. Trách nhiệm với gia đình lại lớn. Vậy phải làm gì?

2. Đối với người bệnh:    Trình độ dân trí của mình còn thấp kém. Vì sao tôi nói như vậy? Đất nước mình có biết bao nhiêu người hút thuốc để bị ung thư phổi, ngoại tình để rồi mắc bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, uống rượu quá độ khiến bị sơ gan... Khi phải gặt hái những gì mình gieo thì có người lại oán trách Đấng tạo hoá như trong Kinh thánh, sách Châm ngôn 19:3 đã nêu: “Sự ngu dại của người nào làm cho hư hỏng đường lối mình, và lòng người oán Đức Giê-hô-va“, chứ không biết rằng chính Đấng tạo hoá, thông qua lời Ngài trong Kinh thánh, đã cho con người những lời chỉ dẫn đầy thương yêu, vô cùng bổ ích và dẫn đến sự sống. Thường xuyên đọc, suy gẫm và thực hành những lời dạy dỗ đó sẽ được hạnh phúc, như trong Kinh thánh, sách Thi thiên 1:3 đã nêu:  

“ Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,

Sanh bông trái theo thì tiết,

Lá nó cũng chẳng tàn héo,

Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng“ .  

Và hiển nhiên người ấy cũng tránh được nhiều bệnh tật về thân và về tâm.

Nhớ Hải Thượng Lãn Ông nghĩ tới nhiệm vụ mới của ngành y tế

    Xuất thân dòng dõi công khanh (ông nội, bố đẻ, chú, bác ruột... đều đậu tiến sĩ làm quan triều Lê), nhưng ông đã từ bỏ công danh phú quý để tự nguyện làm người thầy thuốc nơi thôn dã, cứu chữa cho người nghèo. Ông không bao giờ dùng nghề để xu phụng kẻ giàu sang và người quyền thế. Trong cứu chữa người bệnh, ông luôn nêu cao tinh thần “còn nước còn tát” chứ không theo thói thường ích kỷ “chạy bệnh khó” để bảo vệ uy tín cá nhân. Khi có bệnh nhân tử vong, ông trầm ngâm suy nghĩ, thẩm tra tỷ mỷ lại bệnh án để bổ cứu phần thiếu sót của mình chứ không đổ lỗi cho khách quan.

Ông luôn đoàn kết với đồng nghiệp, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm trong dân để tìm ra những phương thuốc hiệu nghiệm nhất.

Ông khám chữa bệnh rất thận trọng: bắt mạch, chẩn đoán dịch bệnh chính xác, lấy việc bồi dưỡng sức đề kháng của bệnh nhân làm cơ sở.

Ngoài công tác điều trị, ông còn chú ý nghiên cứu các phương pháp phòng bệnh để ngăn ngừa bệnh tật và đồng thời giáo dục đạo đức luân lý, chống tệ nạn của xã hội đương thời nhằm hạn chế tai nạn và chết chóc cho dân.

Ông bày cho dân: Cách giữ vệ sinh cá nhân:

“... Bất kỳ kẻ có, người nghèo,

Ăn mặc sạch sẽ chẳng tiêu tốn tiền.

Áo quần giặt giũ cho bền,

Vỏ găng, bồ kết, chu biên, bồ hòn...”

Vệ sinh nhà cửa:

“... Siêng năng quét cửa, quét nhà,

Soi giường, giặt chiếu mới là vệ sinh...”;

Bảo vệ môi trường:

“... Nhà nông cần phải lấy phân bón màu,

Góc vườn đào hố, ủ sâu,

Nên làm chuồng lợn, chuồng trâu xa nhà...”

Ông khuyên phụ nữ không nên đẻ nhiều:

“... Đẻ nhiều huyết bại, khí hư,

Dần dần thủy kiệt, từ từ sinh lao...”

Còn đối với trẻ thơ:

“... Anh nhi như cái mầm non

Cần nên vun tưới, chăm nom giữ gìn...”

.... Muốn cho con cái khang cường

Khuyên người phụ nữ nên tường cách nuôi...”

Lãn Ông còn quan tâm vấn đề dưỡng sinh cho người cao tuổi:

“... Giữ lòng trong sạch, cho thần được yên,

Định tâm như kẻ tọa thiền,

Bỏ lòng lợi dục, đua chen với đời...”

Về ăn uống, cụ khuyên:

“... Chăm lo ăn uống hàng đầu,

Nhưng đừng quá bội mà đau dạ dày,

Riêng ăn các thứ đắng, cay,

Các thức sống, lạnh tích đầy khó tiêu...”

Đối với tai nạn, cụ khuyên phải để phòng:

“... Chớ nên mạo hiểm, hiếu kỳ,

Đứng đi cẩn thận, sợ gì chiết thương.

Lưới chài, săn bắn phải phòng:

Biển khơi, rừng rậm, tố giông lạc đường.

Đừng nên táo bạo khôn chừng

Sông sâu chớ lội, đò đầy khoan sang...”

Đề phòng hỏa hoạn, cụ khuyên:

“... Tường xây vách đất, trát lò lửa om.

Nên đào ao, giếng trong vườn.

Phòng hỏa quan trọng vô cùng,

Giữ gìn cuộc sống, đề phòng hỏa thương...”

Phòng chống lũ, lụt:

“... Thủy tai nguy hiểm phi thường,

Đê điều cần phải chăm thường đắp luôn

Cấm người đào đất, xẻ mương

Lợi riêng thì ít, hại chung rất nhiều!”

Đối với tệ nạn rượu chè:

“... Rượu say, mê muội tâm thần

Khiến người làm bậy, làm càn hại thay...”

Đã gần 300 năm nhưng những phương pháp vệ sinh toàn diện của Lãn Ông vẫn giữ nguyên giá trị, nhất là đối với bà con vùng sâu, vùng xa nghèo khó.

Lãn Ông luôn nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền y học Việt Nam toàn diện và tiến bộ.

Ông lấy việc bảo vệ sức khỏe cho dân, nhất là người nghèo, làm mục tiêu cao cả nên không quản ngại khó khăn, cực nhọc, hôi tanh, dơ bẩn.

Bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của ông bao gồm cả phòng bệnh đến điều trị, từ lý luận đến thực hành, cả y lẫn dược, đủ nội, ngoại, sản, nhi đến các bệnh dịch... đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu cho dân tộc. Công lao của Hải Thượng Lãn Ông thật là to lớn đối với nền y học nước nhà.

GS. Lê Sỹ Toàn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: