xuất khẩu việt nam 2008
Theo Bộ Thương mại, năm 2006 tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 39,6 tỷ USD, tăng 7,163 tỷ USD, đạt nhịp độ tăng trưởng 22,1% so với năm 2005 và vượt gần 5% chỉ tiêu kế hoạch năm. Loại trừ yếu tố giá cả, việc mở cửa thị trường đã góp phần quan trọng tăng thêm kim ngạch xuất khẩu. Năm 2007, Việt Nam phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu tối thiểu phải đạt 47,74 tỷ USD.
Kết quả của hoạt động xuất nhập khẩu trong những năm gần đây cho thấy ngoại thương Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh và tương đối toàn diện. Hiện, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với gần 220 quốc gia và vùng lãnh thổ ở các châu lục. Xuất khẩu đã tăng ở hầu hết các khu vực và đang chuyển dịch từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ, cụ thể, châu Á - Thái Bình Dương tăng 19%, châu Âu tăng 27%, châu Mỹ tăng 33,4%, châu Phi - Tây Nam Á tăng 77,1% so với năm 2005. Tuy nhiên, xét về mặt giá trị thì châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 20,84 tỷ USD, chiếm 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, châu Mỹ là 9,2 tỷ USD, chiếm 23,1%, châu Phi - Tây Nam Á chỉ có 2,1 tỷ USD, chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu....
Kể từ tháng 1/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khung pháp lý về thị trường được mở cửa hoàn toàn cho hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, chấm dứt thời kỳ dài bị phân biệt đối xử do Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO. Nhiều thị trường mới, mặt hàng mới đang được khai thác rất có triển vọng, như thị trường khu vực Nam Mỹ, châu Phi, Nam Âu, Nga... Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống như cao su, cà phê đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, nhiều nhóm hàng khác có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã tăng từ 7 lên 9 nhóm, trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, là thuỷ sản, dệt may, giày dép và dầu thô. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực đã làm cho cán cân thương mại từng bước được cải thiện. Tình trạng nhập siêu từ châu Á đang từng bước được khắc phục. Năm 2006, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 4 tỷ USD, Hồng Kông chỉ có 0,9 tỷ USD...
Với đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2006 cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu, đã mở ra một thời kỳ mới cho các hoạt động xuất nhập khẩu những năm tiếp theo. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ bùng nổ sau khi gia nhập WTO; Việt Nam sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam được hưởng quy chế Tối huệ quốc, sẽ không bị phân biệt đối xử và có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào khu vực thị trường thế giới; xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm của toàn xã hội cũng như cần có sự thay đổi lớn về nhận thức, trình độ quản lý, khả năng tổ chức điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, khả năng thích ứng của doanh nghiệp để tận dụng cơ hội và chủ động đối phó được những thách thức mới.
Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ xuất khẩu cho năm 2007. Theo đó, năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam tối thiểu phải đạt 47,74 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2006, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 24,96 tỷ USD, tăng 21%; châu Âu là 9,19 tỷ USD, tăng 21%; châu Mỹ là 11,7 tỷ USD, tăng 22%; châu Phi - Tây Nam Á là 2,42 tỷ USD, tăng 64%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu như trên, theo Bộ Thương mại, cần đẩy mạnh thực hiện những biện pháp sau:
Tiếp tục tạo khung pháp lý về thị trường quốc tế thông thoáng hơn cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các trở ngại, rào cản về thị trường để tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu ký thêm các hiệp định, thoả thuận kinh tế thương mại với Italia, Tây Ban Nha, Bungary, Rumani, Mexico, Braxin... Điều chỉnh hoặc chấm dứt hiệu lực các hiệp định, thoả thuân thương mại với các nước thành viên mới của EU, nếu xét thấy không còn phù hợp. Theo dõi, đôn đốc thực hiện các hiệp định, thoả thuận còn hiệu lực, tổ chức, chuẩn bị, tham gia các cuộc đàm phán song phương và đa phương với các đối tác liên quan. Tham gia vòng đàm phán Doha để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, đồng thời tham gia đàm phán song phương với các đối tác khi đã gia nhập WTO để mở rộng thị trường cho hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.
Nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu về tình hình thị trường; hàng hoá; biện pháp xử lý xuất nhập khẩu; các rào cản thương mại; các thay đổi về chính sách thuế; các quy định về vệ sinh an toàn; nhãn mác; tình hình cạnh tranh của các đối tác; khả năng thâm nhập hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam vào thị trường nước ngoài cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp về phát triển thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả hơn. Tiếp tục phấn đấu giảm nhập siêu và hướng tới cân bằng cán cân thương mại và có thể xuất siêu để có tiền trả nợ nước ngoài trong vòng 5 năm tới. Chủ động trước xu hướng chuyển dịch tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các khu vực thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm đối tác, tìm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm, thâm nhập các kênh phân phối, lập kho ngoại quan, lập văn phòng đại diện. Nghiên cứu thành lập Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm cũng như triển khai thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại ở Đức, Cuba, Chilê, Braxin, Panama và nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Thương mại đã có ở Mỹ và Dubai. Các bộ, ngành có liên quan cần phối hợp hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn tài chính để phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn. Trước mắt, cần tập trung mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng như Mỹ La tinh, châu Phi, Bắc Âu và Nam Âu.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng tiềm năng, mặt hàng mới theo hướng nâng cao hiệu quả đi đôi với chuyển dịch cơ cấu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao; giảm dần tỷ trọng hàng thô hoặc sơ chế; tăng xuất khẩu dịch vụ.
Có thể nói, xuất khẩu với tốc độ cao góp phần quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro