Chương 42 - Minh Nhật: Múa rối nước
(Góc nhìn Minh Nhật)
Thời gian qua ở Cambridge điều duy nhất tôi mong đó chính là có được phép thủ Nguyệt của Tôn Ngộ Không.
(Phép thủ nguyệt: một trong 72 phép của Tôn Ngộ Không, phép này chỉ cần dơ tay ra là có thể lấy được mặt trăng, ý chỉ Bùi Ánh Nguyệt)
"Bao giờ mới được về Việt Nam đây?" Tôi nằm dài trên giường than vãn. Bức bối lăn từ bên này qua bên kia nhưng không thể nào vơi bớt đi nỗi nhớ Nguyệt.
Nhìn ra bên ngoài tôi càng cảm thấy khó chịu với không khí trời Âu. Tôi vất vưởng vật lộn với những câu hỏi: “Ánh Nguyệt ngủ ngon không?”, “Con bé có mơ đến mình không?”,...
Càng thơ thẩn lại càng nhớ Nguyệt, con bé đã biến tôi thành một thằng ủy mị đến đáng thương. Đây quả là một sự chế nhạo vô cùng to lớn, ngay đến cả bố mẹ cũng không bao giờ nghĩ tôi lại trở nên như vậy.
Giờ này ở Việt Nam gà còn chưa gáy, mặc dù đã gọi cho Nguyệt lần thứ chín trong ngày nhưng tôi vẫn muốn nhấc máy lên gọi thêm vài lần cho đỡ nhớ. Khổ nỗi tôi thì làm sao có thể, tôi nhớ Ánh Nguyệt nhưng làm thế sẽ phá giấc ngủ của nó. Nó mà mệt mỏi thì lỗi sẽ tại tôi.
Nói là gọi cho đỡ nhớ nhưng càng gọi sẽ càng nhớ, mà không gọi thì cũng nhớ. Mẹ nói đúng tôi mắc hội chứng ái Nguyệt rồi.
Nghĩ đến đây tôi bật người ra khỏi giường. Khoanh tay nhìn chiếc điện thoại đang yên vị trên bàn, cái điện thoại này là lý do bởi vì nó nên tôi càng nhớ Nguyệt. Và rồi tôi quyết tâm cầm nó lên và ném vào góc tường, vội vã ôm chăn trên giường xuống ném vào điện thoại. Bởi tôi nghĩ rằng bản thân không thấy thì sẽ không bị cám dỗ.
“Đừng có suy nghĩ đến cái điện thoại, không được phá giấc ngủ của Nguyệt.” Tôi cứ lẩm bẩm câu này như thần chú.
Sau đó tôi nhanh chóng mở cửa phòng rồi bước xuống nhà, ý tưởng của tôi đó chính là dạo quanh Cambridge mua đồ ăn hoặc xem tivi để quên chiếc điện thoại đó cho đến khi mặt trời ló dạng ở Việt Nam.
“Đi đâu đó?” Tôi vừa xuống nhà thì Thanh Trúc nhẹ giọng hỏi.
“Em đến cầu Than Thở.” Tôi đáp.
Thanh Trúc tỏ ra ngỡ ngàng, trố mắt nhìn tôi. “Đi một mình? Gan gớm nhỉ, chị không dám đi vậy đâu.”
“Có gì đâu? Cả hai đứa đều biết tiếng Anh với lại quen đi rồi mà. Chị đi không? Hai đứa mình đạp xe đi.” Tôi hạ giọng rủ rê, dù sao thì đi hai mình đỡ hơn. Thanh Trúc nói nhiều nên chắc sẽ làm tôi vơi bớt nỗi khao khát được về Việt Nam.
“Thôi đừng đi, tí nữa Troy đến rồi.” Thanh Trúc tắt tivi rồi quay người lại.
“Troy là ai thế?” Dù nghe cái tên này rất quen nhưng mãi tôi vẫn chẳng nhớ ra gì. “Họ hàng nhà mình hả?”
“Con trai cả của bệnh viện tư nhân Ngô Dũng đó, đang học luật ở Cambridge. Mày không ở Sài Gòn nên quên Troy chứ chị đây vẫn nhớ.” Thanh Trúc giải thích.
Sau khi được chị gợi ý tôi liền nhớ ra Troy, thật sự thì tôi chỉ biết đúng cái tên Hoàng Nguyên còn lại gần như rất mờ nhạt. Bởi thế nên khi nói “Troy” trong đầu tôi không có gì ngoài cảm giác lạ lẫm.
Dù không vui vẻ gì lắm với chuyện phải tự mình chống chọi lại nỗi nhớ Ánh Nguyệt nhưng chuyến đi này giúp tôi có thêm niềm tin hơn vào cái gọi là “gia đình”. Bố mẹ tôi đã thấu hiểu nhau hơn, chịu nhẫn nhịn nhau và thân thiết với nhau hơn. Ánh mắt họ nhìn nhau cũng khác hẳn so với trước kia, hành động cũng nhẹ nhàng và chịu khó nói chuyện tâm sự cùng nhau.
“Bao giờ Nguyên tới nhỉ?” Tôi hỏi Trúc.
Lúc này mẹ tôi cũng bê mẻ bánh vừa nướng xong từ trong bếp ra ngoài. Mùi bánh thơm nhẹ quyện cùng không khí ấm áp của gia đình bỗng nhiên làm ruột gan tôi cồn cào không thôi, da gà cũng vì thế mà nổi hết lên.
“Chuẩn bị đó! Con với Thanh Trúc ra mở cửa chào em đi.” Mẹ tôi cười hiền.
Bố tôi thấy tôi còn đứng đực ra như trời trồng liền nói: “Minh Nhật có nhớ Hoàng Nguyên là ai không?”
“Vừa nãy chị nói con rồi ạ, lâu không gặp nên con không quen thôi.” Tôi đáp.
Khoảng năm phút sau, Thanh Trúc vào nhà cùng Hoàng Nguyên. Đập vào mắt tôi là ngoại hình sáng sủa của nó, Nguyên mặc áo sơ mi sơ vin với quần tây đơn giản, ngũ quan sắc nét, đầu tóc chải ngược gọn gàng.
“Con chào cả nhà.” Chất giọng miền Nam vang lên.
Mẹ tôi đứng bật dậy, bấn loạn xuýt xoa trước ngoại hình của Hoàng Nguyên. Tôi nghe nói vì học cùng trường đại học nên mẹ cưng ông anh này lắm.
“Con chào bác, dạo này bác khỏe không ạ?” Nguyên mỉm cười hỏi.
"Bác vẫn bình bình thôi.” Mẹ tôi vội vã kéo người Hoàng Nguyên xuống. “Ngồi đi con!”
“Bao giờ con về Việt Nam nhỉ?” Bố tôi chậm rãi rót trà.
“Hết mùa hè này ạ, năm nay Bảo Trân lớp 12 nên phải về coi có phụ nó được gì không. Lần này về là con về hẳn chứ không bay qua Anh nữa, tập trung phát triển sự nghiệp ở Việt Nam vẫn tốt hơn ở nơi đất khách quê người này.”
Bố tôi mỉm cười hào hứng. “Ôi vậy Bảo Trân học bằng hai đứa nhà bác đấy nhỉ!”
“Vâng, học cùng trường Da Vinci.”
Bố mẹ tôi nhìn Hoàng Nguyên đến thủng cả mặt. Nét đẹp của đàn ông có khác, lịch lãm kiểu quý ông nhẹ nhàng, có vẻ nó biết nên cứ cười mãi, nụ cười của nó sáng rực. Mắt to hai mí môi dày cong cong, đường nhân trung cũng hoàn hảo.
Cuộc trò chuyện kéo dài đến tận tối, Hoàng Nguyên chào tạm biệt rồi về nhà. Tôi nhìn đồng hồ mà lòng vui mừng khôn xiết, giờ này chắc chắn ở Việt Nam đã là buổi sáng, tôi đoán Ánh Nguyệt cũng thức dậy được một khoảng thời gian.
Khi vừa tiễn Hoàng Nguyên về tôi liền lên phòng lấy điện thoại. Chạy thục mạng hệt như đang trong một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt và cái gì đến cũng phải đến… do vội quá nên tôi vấp ngón chân vào cạnh cửa.
Ngay lập tức người tôi đổ rạp xuống sàn vì đau, tôi ôm ngón cái thét lên đầy “ai oán”. Cứ nằm đó một lúc mà không đứng lên nổi, tôi cứ hét và dường như bố mẹ chẳng để ý mấy vì ông bà biết từ khi đến Anh tôi luôn như vậy mà không có lý do gì, quen rồi thành ra chẳng mảy may hỏi han nữa.
Lực bất tòng tâm, tôi bắt đầu chửi rủa vật vô tri vô giác trước mặt mình. “Con quỷ cửa! Sao mày thù lù ở đây.”
"Biết ngay mà! Cứ xí xa xí xớn chạy lên rồi đâm vào cửa, giờ đứng mắng nó, cái cửa có tội tình gì đâu." Trúc bước đến khoanh tay nhìn bộ dạng đau khổ của tôi, chị tiếp tục châm chọc. “Cho chừa!” Nguyệt mà thấy chắc nó cười ba ngày ba đêm.”
Tôi mếu máo cố gắng ôm bàn chân đau đứng dậy. “Bớt khịa.”
Nói rồi tôi đi cà nhắc vào trong phòng, Thanh Trúc ở sau cứ tủm tỉm cười làm tôi quê đến mức muốn chui xuống hố. Con người chứ có phải con vật đâu mà không biết quê, thấy em trai gặp nạn Trúc còn cười như được mùa cơ chứ.
Bỏ qua chuyện khi nãy tôi bước đến chỗ điện thoại của mình rồi nhặt lên gọi điện cho Ánh Nguyệt. Hình như vừa rồi ném mạnh quá nên nó bị mẻ mất một góc thì phải, cũng may ghê tôi đang có ý định lên đời điện thoại mới.
Ánh Nguyệt bắt máy rất nhanh, nhìn khung cảnh đằng sau nó tôi đoán Nguyệt không ở làng Vị Khê. Nguyệt mỉm cười rồi xoay cam sau, nó quay hình một chiếc hồ nào đó, ở giữa hình như có một căn nhà… không phải hình như cái chòi, không phải… rõ ràng là rất quen nhưng mãi tôi vẫn không nhớ ra.
Thấy tôi cau mày Nguyệt giải thích. “Tao với Nấm đến nhà ông nội thằng An chơi. Xem ông cháu nó làm con trò để múa rối nước. Cái vừa nãy là chỗ các nghệ nhân vào để múa rối nước đó mày.”
"Mày thấy con rối không? Mấy con rối này để múa rối nước đấy." Ánh Nguyệt đi vào nhà ông nội thằng An, quay cam sau cảnh thằng An và Nấm đang đục đẽo một khúc gỗ gì đó.
Tôi chưa đi xem múa rối nước bao giờ, nhưng cũng có nghe bố nói qua về nó. Hôm nay khi được Nguyệt quay tôi mới thấy rõ cách làm một con rối, nó khó hơn tôi nghĩ rất nhiều.
"Chỗ này là thôn Bàn Thạch xã Hồng Quang, tao nghe bảo rối nước làng bày có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc đấy!" Nguyệt bổ xung thêm: "Thằng An đang học cách làm con rối với cách múa rối nước này! Nó bảo ước mơ của nó là làm cho múa rối nước được giới trẻ chúng mình biết đến nhiều hơn. Thời đại phát triển nên ca trù, múa rối nước,... càng ngày càng bị mai một."
“Thằng An tài ghê nhỉ! Nhìn tay chân đô con vậy mà khéo phết chứ đùa, điêu khắc tạo hình được cả gỗ.” Tôi khen ngợi.
An nghe thấy, mặt nó hếch lên đầy tự hào. "Gỗ này là gỗ sung già nên nó nhẹ, dẻo với dai lắm. Thế mới dễ nổi trên mặt nước hơn, người biểu diễn cũng đỡ chật vật hơn."
Thằng An nói mang theo cả một chân trời lý tưởng, chỉ cần nhìn nó chăm chút tỉ mỉ từng hành động thế kia là tôi biết nó đặt tâm huyết của mình nhiều thế nào vào mấy con trò rồi.
"Mày có hay đi xem múa rối nước không?" Tôi hỏi.
"Có! Năm nào thằng An cũng kéo đàn kéo lũ đến Rạch (tên gọi khác của thôn Bàn Thạch) để xem biểu diễn múa rối nước, xem hay thật nha! Nếu năm sau có thời gian mày nhắc tao để tao dắt mày đi xem." Ánh Nguyệt khẽ cười.
"Múa rối nước là người ta múa như nào nhỉ?" Tôi vẫn không khỏi tò mò.
Ánh Nguyệt nói: "Nghệ nhân sẽ đứng sau tấm mành ngâm mình dưới nước và điều khiển con rối ở bên ngoài, mày nhớ cái nhà ở hồ khi nãy tao quay không? Người ta đứng trong đó đấy. Phải có kinh nghiệm mới làm được, hồi xưa nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương với nghệ nhân ở đây được mời sang Pháp biểu diễn đấy. Nhớ địa chỉ vào nha làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, có thời gian thì Tết ghé qua xem. Mà tao không nhầm thì ở Đông Anh (Hà Nội) cũng có một làng chuyên múa rối nước lâu đời lắm… ba thế kỉ rồi thì phải."
"Thích xem ở Nam Định hơn, tại Hà Nội thì tao muốn đi lúc nào chẳng được." Tôi nói.
"Nhất trí, rồi mày sẽ phát mê nó giống như tao nè.”
Tôi chợt nảy sinh niềm đam mê với múa rối nước nhờ Nguyệt. Chưa xem bao giờ nhưng tôi đoán chắc chắn nó hay, cái cách tô màu các con rối cũng đậm đà bản sắc Việt. Và hơn hết, Nguyệt thích xem thì chắc chắn tôi cũng thích.
Tôi thích cách những người nghệ nhân âm thầm đứng sau để điều khiển mọi việc diễn ra ở ngoài. Thích cái cách họ lặng lẽ cống hiến cho những vở kịch với diễn viên chính là những con trò gỗ vô tri vô giác được thổi hồn vào bởi những người nghệ nhân. Thích cái việc được thưởng thức một nghệ thuật lâu đời của người Việt Nam. Thích cái cách mọi công cụ điều khiển được che dấu kín kẽ và tinh tế dưới mặt hồ.
“Người nghệ sĩ luôn âm thầm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, tao luôn ước rằng những truyền thống đẹp đậm đà văn hóa Việt Nam như thế này sẽ luôn trường tồn.” Nguyệt bảo.
Thành thực thì tôi ước làm sao mình có thể đến Nam Định ngay bây giờ để xem múa rối nước cùng ánh trăng sáng đời tôi.
*****
Bài báo về múa rối nước thôn Bàn Thách, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định:
https://amp.laodong.vn/photo/mua-roi-sieu-pham-cua-nen-van-minh-lua-nuoc-tai-nam-dinh-1096966.ldo
Video về múa rối nước:
1.(Giới thiệu về múa rối nước làng Rạch) https://youtu.be/-OhDgXjYFys?si=mKZKc9goiuR3SmlB
2.(Giới thiệu về múa rối nước làng Rạch)
https://youtu.be/rrWFztqYWro?si=bTo0pqnZwROXTF62
3. (Tiết mục múa rối nước)
https://youtu.be/Qb7nZpD7QqQ?si=kuJnVjD9_GRV-XGn
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro