Chương 24. Tần số dao động
"Mày nhớ câu này không Hà Thanh?"
"Tao không ôn phần đấy."
Hà Thanh nói không ôn là sẽ không ôn thật. Bài thi cuối kỳ môn Văn kéo dài hai tiếng được cô giải quyết trong vòng chưa đến chín mươi phút; mặt đầu làm đọc hiểu, ba mặt sau làm nghị luận văn học, vừa vặn đúng một tờ giấy thi, chỉ đợi đủ thời gian là cô nộp bài để về nhà ngủ thêm một giấc.
"Chết rồi chỗ này tao không học, hỏi ai bây giờ nhỉ?"
"Hỏi Văn đi."
Cô và Trường Văn được xếp vào hai bàn ngay cạnh nhau. Thế mạnh của hai người khác nhau, Hà Thanh trội Toán - Lý, Trường Văn trội Anh - Văn, nếu bị hỏi hai môn sau thì Hà Thanh thường xúi người ta chuyển sang hỏi Trường Văn.
Thật ra Hà Thanh học cũng được, cô tự tin nhất với phần đọc hiểu, ba điểm đọc hiểu cô chỉ lấy trong mười lăm phút, nhưng Trường Văn thậm chí còn tốn ít thời gian để xử lý phần này hơn cả cô. Cậu ấy viết rất nhanh, trong cùng một khoảng thời gian Trường Văn viết phải bằng hai lần Hà Thanh cộng lại, kỳ diệu hơn nữa là dù có bị hỏi bài trong lúc đang làm thì mạch viết của cậu ấy vẫn không hề bị ảnh hưởng.
Hỏi thì Trường Văn sẽ trả lời thôi, nhưng Hà Thanh chưa bao giờ xin đáp án của cậu ấy kể cả có ngồi gần. Trường Văn cũng thế, không biết làm thì bỏ; bao giờ phải cần lắm thì hai đứa mới so đáp án với nhau.
Ra khỏi phòng thi, cơn buồn ngủ của Hà Thanh bỗng biến đi đâu mất.
Sau Văn 11 không còn ca thi nào nữa. Sân trường vắng ngắt. Đầu óc cô cũng trống rỗng theo.
Mai là thứ bảy, sáng Hà Thanh học VMO, chiều học bồi dưỡng đội tuyển, từ giờ đến mai cô có nửa ngày thích làm gì thì làm. Hà Thanh nghĩ rằng cô sẽ ngủ cả tối, nhưng ban ngày thì vẫn nên ra ngoài.
Gió lạnh, trời âm u, đường phố đông đúc và ồn ã, Hà Thanh đi dạo nửa vòng hồ Gươm rồi dành nốt buổi chiều của mình ở Nhà tù Hỏa Lò.
Cô cầm máy ảnh theo - không phải của cô, cái này Đăng Dương để lại cho cô trước khi bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm học đến tận giờ Hà Thanh mới có dịp đem nó ra ngoài, nhưng không quen dùng máy ảnh kỹ thuật số và cũng mải nghe thuyết minh nên cô chụp không nhiều lắm. Những dấu tích còn lại ở nơi đây mang theo quá nhiều câu chuyện không lời kể từ quá khứ, mà quá khó để có thể cất giữ tất thảy những câu chuyện ấy chỉ trong một tấm hình.
Hà Thanh bước ra khỏi di tích khi trời vừa chuyển tối. Bên ngoài lất phất mưa. Bụi và những hạt nước li ti bị gió thổi bay nghiêng trong không khí, lửng lơ dưới ánh đèn đường.
Trong lúc đợi xe đến đón, Hà Thanh trông thấy một bạn nam đang hướng ống kính vào cổng nhà tù từ phía bên kia đường. Cậu ấy mặc đồng phục học sinh, cao hơn nhóm bạn đứng xung quanh đến nửa cái đầu, một tay cậu ấy cầm máy ảnh, tay kia giữ ô và ôm áo khoác.
Chợt Trường Văn và những thước phim ở CATS của cậu xuất hiện trong đầu cô.
Dường như cảm nhận được ánh mắt của Hà Thanh, lúc chuẩn bị rời đi, bạn nam bên kia đường bỗng ngoảnh lại nhìn cô. Chỉ khoảng một giây trước khi hai người trở về với thế giới riêng. Tương tác thoáng qua với một người lạ không khiến Hà Thanh giật mình, cô mở cửa xe, bước vào trong, tách mình khỏi dòng người vội vã.
Về nhà, Hà Thanh bật máy tính lên và xem lại những bức ảnh trong thẻ nhớ của Trường Văn. Trong hai tuần tham gia trại hè ở Boston, cậu lưu lại rất nhiều khoảnh khắc khác nhau ở những địa điểm khác nhau, khuôn viên trường học, ga tàu điện ngầm, đường phố, công viên, bảo tàng, nhưng không góc máy nào có cậu. Hà Thanh bấm qua từng ảnh một, rồi dừng ở bức ảnh chụp đường băng sân bay lúc đêm khuya qua ô kính. Bóng Trường Văn phản chiếu trên mặt kính, cậu cũng cầm máy ảnh bằng một tay, tay kia kéo vali và ôm áo khoác.
Cô ngẩn người và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính một lúc lâu.
Cảm giác không thể lý giải ấy luẩn quẩn trong tâm trí Hà Thanh đến vài ngày tiếp theo.
Bất ngờ là chiều hôm sau cô thật sự gặp Trường Văn ở trường, không phải sân bóng rổ hay phòng học của đội tiếng Anh mà là ở sân trường. Lúc đó Trường Văn đang đi bên dưới còn Hà Thanh đứng trên hành lang tầng bốn, khoảng cách quá xa để cậu có thể nghe thấy tiếng Hà Thanh hay vô tình nhận ra cô.
Hà Thanh nhìn theo Trường Văn, bắt đầu suy nghĩ về cách mà cậu bước vào cuộc sống của mình và khiến cô quen dần với sự hiện diện ấy. Đây không phải một bài toán định lượng để Hà Thanh có thể tính được chính xác thời điểm mà sự thay đổi trong cảm nhận của cô về Trường Văn xảy ra. Cô cũng chẳng tìm được hệ quy chiếu nào để dự đoán xem diễn biến của mối quan hệ này sẽ đi đến đâu, vì sự hiện diện của người nọ mang đến cho cô cảm giác không hề giống với Thành Hưng hay Gia Bách.
Cánh cửa sau lưng Hà Thanh bật mở, tiếng bước chân và tiếng nói chuyện đổ dồn ra hành lang. Ca học của lớp bồi dưỡng Hoá cuối cùng cũng kết thúc.
Đối với khối mười một và khối mười hai, việc tổ chức học phụ đạo và thi chọn đội tuyển chính thức được giao cho từng bộ môn phụ trách nên lịch học và lịch thi của các đội sẽ không còn giống nhau nữa. Đội Hoá và đội Toán dùng chung phòng 404, Hoá ca trước, Toán ca sau; hôm nay là buổi đầu của đội Toán, còn đội Hoá thì đã học được vài buổi rồi.
Hà Thanh bước vào phòng học đầu tiên. Cô chọn bàn thứ hai dãy giữa, đang sắp xếp sách vở thì đầu bàn bên kia có người đặt balo xuống.
"Tớ ngồi với cậu nhé."
Phúc Trần nhìn cô và mỉm cười thay cho lời chào. Hà Thanh hơi ngạc nhiên về lựa chọn của cậu ấy - kiểu như, còn đến hai mươi mấy bàn trống khác trong phòng và năm ngoái Phúc Trần vẫn luôn ngồi cùng Hạnh Ngân - nhưng vẫn không quên nhích sang một bên và nhấc chiếc balo đang đặt giữa ghế ra, vừa treo nó sang cạnh bàn vừa tò mò hỏi:
"Hải với Minh không đi cùng cậu à?"
Phúc Trần lắc đầu:
"Hải lên sau, còn Minh thì tớ không rõ."
Một lát sau, Hạnh Ngân đi cùng Duy Minh và Hoàng Hải vào lớp. Hạnh Ngân nhìn lướt qua Hà Thanh và Phúc Trần, chỉ vẫy tay với hai người chứ không nói gì, sau đó ngồi vào bàn bên cạnh. Duy Minh và Hoàng Hải vẫn dính chặt nhau, còn Trần Anh ngồi với một cậu bạn khác.
Rất nhanh, phần còn lại của lớp học bắt đầu nhận ra sự tiến bộ vượt bậc của Hà Thanh so với giai đoạn này một năm về trước.
Hôm nay học chuyên đề Dãy số. Ba bài khó nhất nằm cuối phiếu, sắp hết giờ nên thầy Tuấn chỉ gọi một người lên chữa đại diện bài thứ ba. Cả lớp nhìn nhau, không ai ho he câu nào.
Và Hà Thanh là người trúng giải độc đắc.
Thật ra Hà Thanh cũng chưa làm xong, cô mới viết nháp được vài bước chính lên tờ đề.
Điểm thi là một trong những căn cứ đánh giá dễ thấy nhất, bọn họ đều biết Hà Thanh học tốt, nhưng không cùng lớp với Hà Thanh để nhìn thấy rõ quá trình học của cô. Trước mười mấy cặp mắt hiếu kỳ xung quanh, Hà Thanh cầm phiếu bài tập lên bảng, hiên ngang lẫm liệt như thể con bé là hóa thân của nữ thần Athena, rồi viết một hơi từ đầu đến cuối trong khi chỉ nhìn vào giấy đúng một lần.
Thầy Tuấn yêu cầu Hà Thanh đứng lại bục giảng để giải thích lý do cô tìm được ẩn phụ đã đặt, song năng lực sư phạm của cô không tốt lắm, phải đổi cách giải thích đến hai lần thì nghe mới dễ hiểu hơn một chút. Lúc đứng trên bảng Hà Thanh không nhìn kỹ từng người, đến khi quay lại chỗ ngồi cô mới phát hiện ra thái độ của tất cả các thành viên cũ với mình đều đã thay đổi.
Suy cho cùng thì đây vẫn là một cuộc thi, sự cạnh tranh luôn luôn tồn tại, chẳng qua nó không bị đặt quá nặng mà thôi. Cô cầm bút, chép lại phép tính từ nháp vào giấy, coi như không biết và cũng không phản ứng gì.
Tháng cuối cùng của năm đến với Hà Thanh bằng kha khá điều kỳ diệu: cô đứng đầu trong tất cả các bài kiểm tra khảo sát của lớp bồi dưỡng Toán và vẫn xếp thứ nhất bảng tổng cả kết quả thi lẫn sơ kết học kỳ I của khối mười một; Đăng Dương rốt cục cũng chịu ủng hộ quyết định thi VMO của cô bằng cách gửi về cho em gái một USB đề thi Olympic Trường Đông Toán học miền Nam; và cuối cùng là Jayden thật sự đã chơi nhạc Wren Evans, bắt đầu với "Thích Em Hơi Nhiều" cho tuần thứ nhất, sau đó đến hai bài cô thích nhất của Wren Evans, lần lượt là "Call me" cho ngày 11 và "Phóng đổ tim em" cho ngày 18.
Không có gì để nuối tiếc, song Hà Thanh vẫn cảm thấy thời gian đang trôi qua quá nhanh.
Chớp mắt một cái đã sang tuần thứ ba của tháng mười hai.
Gala diễn ra vào tối ngày 30, còn tiền sự kiện thì được tổ chức sớm từ ngày 23.
Năm ngoái cô ở lại xem tiền sự kiện vì Gia Bách, năm nay Gia Bách gia nhập đội thi vượt chướng ngại vật vì cô. Hai người gần như không có tiếp xúc vật lý nào và Gia Bách cũng luôn cố gắng tránh những tình huống có thể khiến Hà Thanh khó xử trước mặt mọi người, chỉ là- cậu ấy thật sự rất ngang.
Tổ của Hà Thanh có một nhóm chung trên Messenger. Lần đổi tên nhóm gần nhất là sau tiết thể dục tuần trước, từ "Hôm nay Diệu Huyền đã bỏ nạng chưa?" thành "Hôm nay Hà Thanh đã đồng ý chưa?", người đề xuất tên mới là bạn cùng bàn của cô trong khi ý tưởng cũ là do Xuân Tùng nghĩ ra. Duy Khánh nói nhiều thật nhưng không để ý nhiều đến mức ấy, vậy nên khi ngay cả Duy Khánh cũng ý kiến với số đồ ngọt xuất hiện mỗi ngày trong ngăn bàn cô, Hà Thanh biết rằng mình cần phải quyết liệt hơn để chuyện này kết thúc.
Tuy nhiên mọi thứ không giống tưởng tượng của Hà Thanh.
Sau gần mười lăm phút nói chuyện một cách nhẹ nhàng mà nghiêm túc cùng Gia Bách bên cạnh sân bóng đá, Hà Thanh về lớp với cuốn "Where the crawdads sings" trên tay và nét mặt hoàn toàn bất lực.
Trước khi đưa sách cho cậu ấy mượn, Hà Thanh mất cả một buổi sáng để tẩy sạch các mầm cây đi. Gia Bách không hỏi quá nhiều, Hà Thanh không chắc lắm, nhưng dường như có điều gì đó ẩn sau cách cậu ấy mỉm cười trong lúc lật mở một vài trang sách và cả ánh mắt khi nãy cậu ấy nhìn cô.
Hà Thanh thở dài:
"Bách bảo tặng là lựa chọn của nó, còn lại làm gì là lựa chọn của tao."
Duy Khánh "Wow" một tiếng trong khi bóc kẹo bỏ vào miệng.
Bộ đôi bàn trên cùng quay xuống. Trầm ngâm một lúc, Xuân Tùng nói:
"Thế thì kệ nó. Nói được như thế rồi thì kể cả mày có vứt nó vẫn tặng tiếp thôi."
Diệu Huyền thắc mắc:
"Sao mày hiểu rõ thế?"
Đầu cô nàng lập tức bị gõ một cái bằng đuôi bút.
"Vì bọn tao là con trai."
Dưới góc nhìn của một đứa con trai, Xuân Tùng nghĩ đó là lời khuyên phù hợp nhất cho Hà Thanh ở thời điểm hiện tại. Thấy Hà Thanh có vẻ vẫn hơi băn khoăn, cậu ấy nói tiếp:
"Nếu mày ngại thì cứ để đấy cho bọn tao. Dứt khoát lên, lạnh lùng lên, đừng có sợ làm nó buồn."
Duy Khánh cũng đồng tình với Xuân Tùng:
"Thằng Tùng nói đúng đấy. Mày không phải sợ nó buồn, chính nó bảo đấy là lựa chọn của nó mà."
Là một người biết lắng nghe, hôm sau Hà Thanh mang nửa balo kẹo dẻo lên lớp chia cho Duy Khánh và Xuân Tùng. Hôm tiền sự kiện, cô cũng bỏ thêm một ít kẹo vào túi để mang đến trường, lúc cổ vũ cho đội thi nhạc kịch có cả một bầy toàn mấy nhóc khoá dưới mon men quanh Hà Thanh xin ăn, Gia Bách cũng thấy.
Gia Bách có biết hay không thì kệ cậu ấy, nhưng chắc là biết.
Chuỗi hoạt động của tiền sự kiện kéo dài hết ngày 23 với bốn nội dung thi đấu. Không có vấn đề gì với hai phần thi đầu tiên, nhưng phần thi thứ ba bị cháy thời lượng và phải kéo dài đến gần mười hai giờ trưa nên nội dung tiếp theo - vượt chướng ngại vật - bị đẩy xuống hai giờ chiều.
Xong phần thi Triển lãm của xúc cảm, mọi người rủ nhau đi ăn trưa, Hà Thanh không đói nên nhận mua nước rồi trốn vào sân bóng rổ ngồi chờ.
Một vài thành viên của YBT đang trao đổi gì đó với ban tổ chức phía bên kia sân, Trường Văn cũng ở đó, cậu đứng sau cùng, đeo khẩu trang, mặc đồng phục Đội 1 và khoác thêm áo nỉ có mũ bên ngoài.
Không lạ lắm khi thấy cả YOUth lẫn YBT ở đây, vì khu vực tiến hành chặng năm của Đạp gió rẽ sóng là sân bóng rổ.
Trường Văn chỉ tham gia hỗ trợ YARD cùng với YBT, cậu không đăng ký bất cứ nội dung YARD nào vì cần tập trung cho kế hoạch sắp tới của câu lạc bộ. YBT sẽ tổ chức giải nội bộ vào tháng hai năm sau để chọn đội hình đại diện trường tại Hội khỏe Phù Đổng và Giải bóng rổ học sinh thành phố Hà Nội; Trường Văn không muốn bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai, hơn nữa hiện tại cậu là đội trưởng, có mặt hay vắng mặt không còn là lựa chọn của cậu nữa.
Hà Thanh ngồi dưới tán cây, chống tay xuống ghế, nghiêng đầu nhìn cậu lom lom.
Lần này Trường Văn vẫn chưa nhìn thấy cô.
Mãi đến lúc khởi động chặng một của Đạp gió rẽ sóng, Hà Thanh mới gặp được ánh mắt của Trường Văn. Trường Văn đứng bên ngoài rào chắn, bây giờ đến lượt cậu nhìn Hà Thanh chăm chú. Xung quanh ầm ĩ tiếng loa thông báo, tiếng cổ vũ và tiếng nhạc, cậu kéo khẩu trang xuống, nói bằng khẩu hình với cô:
"Thắng tuyệt đối nhé."
Hà Thanh đáp lại bằng một dấu OK.
Ở chặng giải mã mê cung đầu tiên, Liều Lĩnh dễ dàng giành được số điểm cao nhất. Chặng hai là một trò chơi khá quen thuộc, chuyền vòng. Các thành viên nắm tay nhau đứng thành hàng ngang và phối hợp để đưa vòng qua người; sáu đội cùng thi một lượt, điểm của từng đội được tính dựa trên thời gian hoàn thành thử thách.
Nghe xong luật chơi, Hà Thanh hỏi lại quản trò thêm một lần nữa:
"Người đứng đầu hàng là người duy nhất được cầm vòng bạn nhỉ?"
"Đúng rồi bạn nhé, còn nếu các thành viên đứng sau thả tay hay chạm tay vào vòng thì cả đội sẽ bị xử thua."
Năm đội thi còn lại có cùng chiến thuật xếp đội hình từ cao xuống thấp, Liều Lĩnh cũng sắp xếp y như vậy, chỉ khác ở chỗ bọn họ để Hà Thanh lên đứng đầu hàng, trước người cao nhất là Gia Bách. Cô không nói tại sao, Gia Bách cũng không hỏi.
Cậu nhìn xuống tay mình, cảm xúc trong lòng chồng chéo lên nhau, hỗn loạn. Gia Bách vốn không định nắm tay Hà Thanh, cậu nắm cổ tay Hà Thanh và rồi bị cô bắt cầm lại cho đúng luật. Nhưng cậu thà rằng Hà Thanh cứ tỏ ra ngập ngừng.
Quản trò thổi còi.
Sau năm giây kể từ lúc bắt đầu bấm thời gian, Hà Thanh cầm vòng lên rồi chui qua, nhưng cô không chuyền chiếc vòng đi mà cứ thế giữ nó trên không để mười bốn thành viên đứng sau lần lượt chui theo mình. Hiểu ý người đứng đầu, Liều Lĩnh hoàn thành thử thách với chưa đến một phút trong sự ngỡ ngàng của tất cả những người đã chứng kiến.
"Chơi như thế cũng được tính à?"
Tiếng hò reo đột ngột bị cắt ngang bởi một giọng nữ.
Người phản đối kết quả là đội trưởng đội Đạp gió rẽ sóng của nhà Cảm Ứng. Một gương mặt khá quen thuộc trong các hoạt động và sự kiện chung - Thu Trà, Bí thư Ban Chấp hành Đoàn trường, người yêu cũ của lớp trưởng 11D2, mập mờ không biết là cũ hay chưa của Hoàng Tường 11A1.
Bầu không khí trong khu vực thi đấu thoáng chốc trở nên gượng gạo. Bốn nhà còn lại dường như không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi, không bên nào lên tiếng ủng hộ nhà Cảm Ứng hay bênh vực nhà Liều Lĩnh, họ đứng một bên chờ quyết định từ ban tổ chức.
"Cho tớ mượn cậu một lúc nhé."
Bỗng có người đặt tay lên vai quản trò và nói nhỏ vào tai cậu ấy. Cứ thế, cậu bạn phụ trách trò chơi để người nọ kéo mình đi.
Đám đông ồ lên.
Đáp lại Thu Trà, Hà Thanh dẫn thẳng thành viên ban tổ chức đến đối chất với cô nàng. Cô nhìn vào mắt Thu Trà và bắt đầu hỏi quản trò:
"Người đứng đầu hàng được cầm vòng phải không?"
"Đúng."
Quản trò gật đầu. Hà Thanh chưa dừng lại ở đó.
"Không có quy định về thời gian giữ vòng của người đứng đầu hàng đúng không?"
"Đúng."
Quản trò im lặng một chút để nhớ lại luật chơi rồi gật đầu lần nữa. Hà Thanh tiếp tục hỏi:
"Thế đội mình có phạm luật không?"
"Không."
Bấy giờ cô mới hỏi Thu Trà:
"Cậu còn thắc mắc gì nữa không?"
Thu Trà không tìm được lý do nào để phản bác.
Đám đông bỗng ồ lên lần nữa.
Hoàng Tường bước đến bên cạnh Thu Trà và kéo đội trưởng của cậu ta ra sau lưng. Một bất ngờ lớn với các thành viên đang đứng ngoài rào chắn của YBT, vì bình thường đội trưởng Đội 3 sẽ không dễ dàng ra mặt như thế này.
"Nhưng lách luật như các cậu thì cũng đâu có đúng?"
"Nếu đội cậu nghĩ ra cách này thì cậu có bảo đây là lách luật không?"
Hoàng Tường cao ngang Trường Văn, Hà Thanh chỉ đứng đến cằm cậu ta, vậy mà cô không hề bị áp đảo chút nào.
Trường Văn lén thở phào, rồi khẽ bật cười.
Để tiền sự kiện có thể tiếp tục, ban tổ chức đành đứng ra giảng hòa và công nhận kết quả của nhà Liều Lĩnh. Đến chặng chuyền bóng tiếp sức và chặng kết hợp bịt mắt vượt chướng ngại vật - giải đố nhanh, bọn họ lần lượt về ba và về nhì. Tổng điểm sau bốn chặng là 1650, đồng hạng nhất với nhà Cảm Ứng.
Nhanh như chớp - chặng năm và cũng là chặng cuối, như đã được thông báo, diễn ra ở sân bóng rổ. Mỗi đội cử ra năm thành viên, không bắt buộc số lượng nam nữ, ban tổ chức sẽ công bố thể lệ khi đã có đủ người trên sân.
Tính chất trò chơi xếp theo thứ tự các chặng là tư duy, vận động, kết hợp, tư duy, ai cũng đoán được chặng năm chỉ có thể là vận động hoặc kết hợp, nhưng vấn đề là chiến thuật cho hai kiểu trò chơi này không giống nhau. Hà Thanh vừa nghe đồng đội bàn bạc, vừa quan sát khu vực được kẻ vạch và tất cả những đồ vật xuất hiện xung quanh. Trống trơn, giống hệt với những gì cô đã thấy lúc nghỉ trưa, cách bố trí có vẻ cũng không phù hợp với các trò liên quan đến giải đố hay giải mã. Cô nghĩ rằng trò chơi ở chặng này sẽ nghiêng về vận động, hơn nữa còn yêu cầu phản xạ hoặc tốc độ.
"Tao thấy mình nên chọn ba người khoẻ nhất với hai người nhảy số nhanh nhất, có gì thì tuỳ cơ ứng biến sau." Cậu bạn đứng bên cạnh Hà Thanh nói.
"Nhưng nếu là trò thuần thể lực thì mình sẽ rất thiệt." Một cô bạn khác tỏ ra không đồng tình. "Lúc nãy chơi chuyền bóng tiếp sức đội mình full nam mà cũng có ăn được Cảm Ứng với Kết Nối đâu."
"Rồi lấy năm thằng to như nhau xong nó rơi vào mấy trò bê vác thì định tính thế nào?"
"Dù sao cũng là trò chơi thôi mà." Đình Vũ lên tiếng xoa dịu cuộc tranh luận. "Đừng đặt nặng thắng thua quá."
"Mày quên mất là Nhà nào vô địch tiền sự kiện thì các lớp nhà đấy được cộng điểm thi đua à?" Lớp phó văn thể 11A2 nhắc. "Mình phải thắng cái này thì tổng cả bốn nội dung mới nhất được."
Xu hướng xét tuyển đại học bằng học bạ trung học phổ thông khiến học sinh ba khoá gần đây nhất, đặc biệt là khối mười hai, không còn dám thờ ơ với điểm thi đua và xếp loại hạnh kiểm nữa. Ở THPT Y, điểm thi đua nề nếp cuối học kỳ của một tập thể lớp sẽ quyết định số lượng học sinh được phép xếp loại hạnh kiểm Tốt của lớp đó. Loại điểm này đã khó lấy lại còn khó giữ, 11A2 và 11A3 đều đông con trai, liều hơn, ẩu hơn và ít quy củ hơn hẳn các lớp nhiều nữ nên hầu như tuần nào cũng thay nhau xếp bét hoặc suýt bét, hệ quả dễ thấy nhất là kỳ nào mỗi lớp cũng ghi nhận ít nhất một trường hợp mất học sinh Giỏi vì hạnh kiểm.
Quán quân chung cuộc và cộng vào thi đua, một ván cược khá to.
Nhưng đường nào cũng tồn tại "lỡ như".
Các đội khác bắt đầu cử thành viên ra sân. Mãi chưa thống nhất được chiến thuật trong khi thời gian thì sắp hết, bọn họ đành phải ngừng tranh luận và tiến hành biểu quyết. Nhận được chín lượt đồng thuận, quyết định cuối cùng là chọn ra một đội hình cân bằng, quyền chọn người được đẩy cho đội trưởng Gia Bách. Gia Bách tự chỉ định mình, gọi thêm Đình Vũ và hai đứa nhóc to cao nhất trong số mấy đứa khoá dưới, rồi cậu ấy nhìn Hà Thanh.
Như định luật Murphy đã nói, cái gì không mong muốn có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra, lựa chọn cuối cùng của Gia Bách vẫn là Hà Thanh.
"Nếu chặng này cần thể lực thì vị trí của tớ coi như bỏ đi đấy." Cô cố gắng khiến Gia Bách nghĩ lại dù không nói thẳng.
"Không sao. Cậu cứ lên đi."
Gia Bách có tin cô không? Có. Cậu ấy có đặt niềm tin đúng chỗ không? Chưa chắc.
Trông thấy đội hình chặng năm của Liều Lĩnh, Thục Khuê suýt nữa thì sặc nước ngay giữa sân bóng rổ. Cô nàng vội quay sang nhìn Trường Văn. Cậu đang cau mày, Đức Anh đứng bên cạnh cũng thế.
"Sao chúng nó lại chọn người kiểu kia?"
Chặng năm là một trò chơi phản xạ đối kháng, YBT được mời hỗ trợ vì trò chơi này có sử dụng bóng rổ. Hai đội đứng thành hai hàng ngang song song, hai người đối diện nhau là một cặp, giữa mỗi cặp đặt một quả bóng rổ. Nhiệm vụ của người chơi là thực hiện các động tác ngẫu nhiên theo yêu cầu của quản trò, khi có lệnh "Cướp bóng" mới được cướp bóng về phía mình, đội nào cướp được nhiều bóng hơn thì chiến thắng.
Có ba lượt đấu, mỗi lượt gồm hai đội, quyết định thứ tự bằng hình thức bốc thăm. Sau khi bốc thăm thứ tự, hai đội trong cùng một cặp đấu chơi kéo búa bao để giành quyền chọn vị trí đứng. Đội thắng nhận được 500 điểm, đội thua không có điểm.
Trong suốt quá trình công bố thể lệ, Hà Thanh hoàn toàn im lặng.
"Hình như người chơi không được biết trước luật." Trung Nghĩa nói. "Tao vừa đi nghe ngóng mấy đứa không vào sân, chúng nó bảo không ngờ là sẽ chơi như này."
"Thế sao bên Kết Nối với Sáng Tạo vẫn lấy full nam được?" Đức Anh thắc mắc.
"Thấy bảo đội nào cũng đoán được là trò vận động hoặc cả vận động cả động não nhưng chỉ có hai nhà đấy cược đúng, còn lại sai hết." Trung Nghĩa đáp.
"Thế bên mình khó rồi. Bên mình có nữ, mà Bách thì cũng hên xui." Thục Khuê thở dài.
Trường Văn vẫn lặng thinh.
Thật ra chỉ cần không cùng lượt với Kết Nối hay Sáng Tạo thì cơ hội thắng của Liều Lĩnh vẫn là năm mươi phần trăm, nhưng điều kiện là bọn họ phải lấy được quyền chọn vị trí đã.
Tuy nhiên, hy vọng của Hà Thanh chỉ thành thật một nửa. Liều Lĩnh thi lượt thứ ba cùng với Cảm Ứng, quyền chọn vị trí cũng thuộc về Cảm Ứng. Cô gặp lại Hoàng Tường, không chỉ vậy còn gặp lại cả Đan Thư.
Đan Thư là người lên chiến thuật cho Cảm Ứng.
Cảm Ứng và Liều Lĩnh đều có bốn nam một nữ. Chiến thuật của Cảm Ứng là thắng được thì phải chắc chắn thắng, có khả năng thua thì để thua luôn, Đan Thư đấu với Đình Vũ, còn Hoàng Tường, đầu xoăn và hai bạn nam 11A1 được ghép với bốn người còn lại.
Lúc chuẩn bị khởi động để lên sân, Đan Thư đột ngột kéo cậu bạn sẽ đấu với Hà Thanh về bên cạnh mình.
Cô nhờ đầu xoăn cho mình mượn một chiếc giày và chơi trước một lượt nháp với cậu bạn ấy. Cậu ấy thắng, rất suýt soát, vì đúng ra là Đan Thư chạm tay vào chiếc giày trước, chỉ có điều cô yếu hơn nên không giật được nó về phía mình. Đan Thư tiếp tục chơi thử với ba người kia, sau đó im lặng suy nghĩ mất một lúc.
"Đổi lại đi. Tường hoặc Hiếu xoăn sang đấu với Hà Thanh, chứ Huy với Khôi không áp đảo được tao thì chưa chắc thắng nổi nó đâu."
"Thế sao mày không đấu với nó luôn?"
Đầu xoăn cảm thấy hơi khó hiểu vì khi nãy tất cả bọn họ đều thắng Đan Thư, nhưng cô lại đề nghị đổi người. Đan Thư đáp:
"Vì tao cũng không khẳng định được là tao sẽ thắng hay thua."
Tiếng còi kết thúc lượt thứ hai vang lên, phần thắng thuộc về Kết Nối. Trước đó, ở lượt thứ nhất, Sáng Tạo cũng đã giành chiến thắng.
Quản trò ra hiệu cho Liều Lĩnh vào vị trí.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro