Xuân Diệu - Nhà thơ " Thức nhọn giác quan"
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xuân Diệu – “ Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hồn hậu và say mê tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người và miệng mở rộng như một tấm long sẵn sang ân ái…” (Thế Lữ)
Và Xuân Diệu đã đến với cuộc đời như một sứ giả của thi ca mang theo tình yêu, niềm vui và hương sắc để cùng khát khao giao cảm với mọi người. Chính vì thế, với nhà thơ Xuân Diệu , cuộc đời trước mắt mở ra biết bao tươi đẹp từ “ nụ cười xuân “, “ khúc nhạc thơm “, “vầng trăng nao nức” đén “buổi chiều ngẩn ngơ”. Nhà thơ luôn xem trần thế là nơi hội tụ của niềm vui.
Xuân Diệu được coi như là một đỉnh cao của Thơ mới 1930-1945 “Mới nhất trong các nhàthơ mới” (Hoài Thanh). Bởi lẽ, ông đã đi đến những rung cảm sâu xa trong tâm hồn, những điều được coi là khó nắm bắt đối với mỗi người. Đặc biệt là sự thức nhọn giác quan trong thơ ông. Nếu ngôn ngữ là một sự hiển danh các sự vật, hiện tượng, con ngườ đó thì ngôn ngữ thơ Xuân Diệu là sự hiện than của thanh sắc, hương thơm…Xuân Diệu biết lắng nghe sự va chạm của âm thanh cuộc sống, tinh lọc ánh sáng, hương thơm và màu sắc bằng các giác quan của con người theo nguyên tắc “ tương hợp các giác quan”. Mỗi bài thơ là một bản nhạc mà ở đó các sự vật đều hòa lẫn “xáp lại” gần nhau hô ứng với nhau để tạo thành một thế giới huyền diệu.
Ảnh hưởng của Baudelaire về quan điểm “ sự tương ứng các giác quan” nhưng Xuân Diệu đã tạo cho mình một hồn thơ không giống ai. Ông xứng đáng là một hồn thơ “thức nhọn giác quan”
Với đề tài “Xuân Diệu – nhà thơ “ thức nhọn giác quan”, do phạm vi có hạn chúng tôi chỉ tập trung vào nhưng vấn đề chính như sau: (1) Xuân Diệu, cuộc đời và sự nghiệp (2) Xuân Diệu là nhà thơ của sự “thức nhọn giác quan” và một vài bình diện nghệ thuật
Với những nội dung trên, chúng tôi kết cấu phần nội dung gồm ba chương để cho việc nghiên cứu:
Chương I. Xuân Diệu – cuộc đời và sự nghiệp. Ở chương này, giới thiệu một cách khái quát những vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu
Chương II. “Sự thức nhọn giác quan” xét về bình diện thi pháp. Ở chương này chúng tôi sẽ giới thiệu cơ sở lí luận hay lí thuyết về sự “tương ứng các giác quan” của Baudelaire và sự ảnh hưởng đến thơ Xuân Diệu. Ngoài ra, chúng tôi tìm hiểu nghệ thuật ngôn từ thể hiện “ thức nhọn giác quan” trong thơ Xuân Diệu.
Chương III. Xuân Diệu – nhà thơ của sự “ thức nhọn giác quan”. Thông qua việc thống kê và phân tích chúng tôi sẽ phân tích và chứng minh hồn thơ Xuân Diệu là hồn thơ của sự “thức nhọn giác quan”
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I:
XUÂN DIỆU, ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
1.Vài nét về cuộc đời Xuân Diệu
Xuân Diệu sinh ngày 2 thang 3 năm 1916. Quê ngoại ở tỉnh Bình Định, quê nội ở tỉnh Hà Tĩnh. Thưở nhỏ Xuân Diệu học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp với cha. Năm 1927 ông xuống học ở Quy Nhơn, đỗ bằng thành trung năm 1943.
Từ năm 1935 đến 1936, Xuân Diệu ra học tú tài phần thứ nhất ở trường trung học bảo hộ ở Hà Nội
1936-1937, ông vào Huế học tú tài thứ hai ở trường Khải Định (Quốc Học Huế). Tại đây Xuân Diệu đã gặp Huy Cận, hai người trở thành bạn thơ và kết nghĩa với nhau
1938-1940, Xuân Diệu ở Hà Nội cung Huy Cận, làm giáo viên trương tư thục Thăng Long. Đầu năm 1940, Xuân Diệu thi Tham tá thương chính và vào nhận việc ở Mỹ Tho. Năm 1940 Xuân Diệu tốt nghiệp kỹ sư canh nông, thôi việc về sống với bạn ở Hà Nội và cung Huy Cận ông tham gia mặt trận Việt Minh hồi bí mật.
Cách mạng tháng Tám thành công, từ một thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu nhanh chóng trở thành một nhà thơ cách mạng. Xuân Diệu được bầu là đại biểu của Quốc hội Khóa I (1946-1960). Toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Xuân Xuân Diệu mất ngày 18/12/1985 ở Hà Nội. Ông đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ nhất năm 1996, Diệu lên chiến khu Việt Bắc, là Uỷ viên BCH hội văn nghệ Việt Nam. Năm 1949, ông trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
2.Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu:
Thơ ca:
Trước cách mạng tháng Tám tập “ Thơ thơ” đầu tay của Xuân Diệu ra đời với lời tựa của Thế Lữ (1938). Sau cách mạng tháng Tám thàng công, ông sáng tác hang loạt các tập thơ như: “ Gửi hương cho gió”(1945), “ Ngọn quốc kì” (1945), “ Hội nghị non sông” (1946), “ Dưới sao vàng” (1949), “ Sáng” (1953), “ Mẹ con”(1954), “ Ngôi sao” (1955), “ Riêng chung” (1960), “Mũi Cà Mau- cầm tay” (1962), “ Một khối hồng” (1964), “ Hai đợt sóng” (1967), “ Tôi giàu đôi mắt” (1970), “ Hồn tôi đôi cánh” (1976), “Thanh ca” (1982)
Truyện ngắn, bút kí
“ Phấn thông vàng” (1939), “ Trường ca” (1945), “ Miền nam nước Việt” (1945), “Việt Nam nghìn dặm” (1946), “ Việt Nam trỏ dạ” (1948),” Kí sự thăm nước Hung” (1956), “ Triều lên” (1958)
Tiểu luận và phê bình:
“ Thanh niên với Quốc văn” (1945), “Tiếng thơ” (1951), “Những bước đường tư tưởng của tôi” (1958), “ Ba thi hào dân tộc” (1959), “ Phê bình giới thiệu thơ” (1960), “ Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ” (1961), “ Dao có mài mới sắc” (1963), “ Thi hào dân tộc Nguyễn Du” (1966), “Đi trên đường lớn” (1968), “ Và cây đời mãi xanh tươi” (1971)…
CHƯƠNG II:
SỰ “THỨC NHỌN GIÁC QUAN” XÉT VỀ BÌNH DIỆN THI PHÁP
1. Xuân Diệu và quan điểm “ tương ứng các giác quan” của Baudelaire.
Chọn câu thơ nổi tiếng của Charles Baudelaire (1821-1837) trong bài “ Tương ứng” : Les parfums, les couleurs et les sons se repondent ( Hương thơm, màu sắc, âm thanh đáp ứng nhau ) làm đề từ cho bài thơ, Xuân Diệu đã bộc lộ niềm tâm đắc của ông với quan niệm thẩm mĩ của nhà thơ Pháp thế kỉ XIX : quan niệm “ tương ứng với các giác quan”. Thật ra Baudelaire không phải là người đầu tiên phát biểu vấn đề này. Trước ông nhà văn người Đức Hoffmann (1776-1882 ) đã từng tuyên bố : “ Không chỉ trong mơ mà ngay cả khi thức, khi tôi nghe nhạc, tôi tìm thấy sự tương hợp và sự thống nhất nội tại giữa màu sắc, âm thanh và mùi hương”. Với Hoffmann từ “mùi thơm của những bông cúc nâu, đỏ” người ta có thể nghe được “ những âm thanh trầm và sâu thẳm của những chiếc kèn ôboa”. Nhưng chính với bài Sonnet kì diệu “Tương ứng”, Baudelaire đã trở thành người mở đầu khuynh hướng “tương ứng cảm giác” trong thời Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca, nhà thơ đã tạo nên những “tương ứng” làm xáp lại gần nhau các lĩnh vực cảm xúc vốn cách xa nhau hay những cảm giác mà mối liên hệ của chúng vốn “bị lãng quên” hoặc mờ nhạt ( Hương thơm, màu sắc,âm thanh đáp ứng nhau. Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con. Êm nhẹ như tiếng sáo, xanh mướt như cỏ non…). Baudelaire quan niệm vũ trụ là “một thể thống nhất âm u và sâu thẳm” với biết bao mối tương quan bí ẩn và “mọi vật luôn được thể hiên bằng một trường hợp qua lại”, từ cái ngày Thượng đế sáng tạo ra thế giới “ như một thể phức hợp và không thể chia cắt”. Tư tưởng triết học này đã nâng quan niệm “tương ứng” của Baudelaire thành “tổng hòa giác quan” tạo nên một thi pháp quan trọng của thơ Baudelaire cũng như thơ tượng trưng sau này, màu sắc giác quan của nhà thơ khiến thơ ca với khả năng chiếm lĩnh và biểu hiện thế giới một cách tinh vi, mầu nhiệm dần dần trở nên “ma thuật”.
Và ở thơ Xuân Diệu ta bắt gặp “tương ứng các giác quan” là không ít (“Huyền diệu”,” Nguyệt cầm”, “Nhị hồ”,” Đây mùa thu tới”, “Vội vàng”…). Điều đó đã đưa Xuân Diệu trở thành “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Chính Xuân Diệu cũng đã làm xáp lại gần nhau các lĩnh vực cảm xúc vốn cách xa nhau (Hương thơm, màu sắc, âm thanh…). Đó là kết quả của một sự rung động huyền diệu trong tâm hồn nhà thơ, là sự tương ứng giữa cảm xúc và cảm giác và giữa các giác quan với nhau. Chính nó đã tạo cho ta một sự ngỡ ngàng về những thanh âm, màu sắc, mùi vị vốn dĩ quen thuộc trong cuộc sống.
Quan niệm “tương ứng các giác quan” cua Baudelaire luôn được kết hợp với bình diện tương ứng khác manh tính chất siêu hình. Tương ứng giữa “ thế giới nhìn thấy” với “thế giới không nhìn thấy”. Tự nhiên, đối với Baudelaire là một Ngôi
đền, trong đó vang lên “Những lời mơ hồ và bí ẩn”. Từ thế giới đó, cái “tôi” nhà
thơ dồn nén trong trạng thái “nhập định”, “siêu thăng”. Tinh thần nhà thơ thoát
khỏi sự cầm tù của thể xác “Vút bay lên tận những vùng trời tươi sáng và thanh bình”. Xuân Diệu cũng đã đạt tới những giây phút “cực lạc” trong những âm thanh gợi cảm giác thần tiên.Nhưng thế giới hiện tại, con người trần thế đáng say đắm
hơn. Bởi thế, nhà thơ luôn muốn chia sẻ cảm giác tinh tế của mình với những tâm hồn khác, trong một thế giới nghệ thuật phong phú.
Quan niệm thẩm mĩ của Baudelaire in dấu trong thơ Xuân Diệu, góp phần tạo nên cho thơ ông những rung động tinh vi, những xốn xang mới mẻ. Và sự “tương ứng các giác quan” hay sự “thức nhọn giác quan” trong thơ Xuân Diệu ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn dựa vào những giới thuyết về lí luận “tương ứng các giác quan” của Baudelaire để đi sâu vào từng tác phẩm. Khi đó ta sẽ thấy rằng, sự gặp gỡ giữa Baudelaire và Xuân Diệu là một cuộc gặp gỡ đáng nhớ.
2. Nghệ thuật ngôn từ “thức nhọn giác quan” của Xuân Diệu:
Nhà phê bình Hoài Thanh đã nói “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới” (Thi nhân Việt Nam), đặc điểm này thể hiện rõ rệt trong cả nội dung và nghệ thuật thơ Xuân Diệu, đặc biệt thể hiện rõ nhất trong việc sáng tạo và sử dụng từ ngữ. Ngôn ngữ thơ ông rất sáng tạo, có sự tìm tòi mới lạ, độc đáo nhằm tạo nên sức gợi tả, truyền cảm cho thơ, nhất là để diễn tả cảm xúc trong tình yêu.
Và đặc biệt hơn, ta tìm thấy trong thơ Xuân Diệu là hệ thống ngôn ngữ tinh tế, giàu giá trị biểu cảm, gợi hình ảnh nhằm thể hiện cảm xúc mãnh liệt, say đắm, nồng nàn. Qua đó ta thấy rõ ông là một nhà thơ của sự “thức nhọn giác quan”. Đôi khi Xuân Diệu sử dụng hệ thống các động từ mạnh, táo bạo: riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy, no nê, cắn (“Vội vàng”), sát kề, trộn, quấn, dâng, gắn chặt (“Xa cách”)…
Và đặc biệt rằng Xuân Diệu đã sáng tạo ra một hệ thống từ ngữ phong phú, độc đáo, mới lạ, nhiều từ ngữ giàu hình ảnh diễn tả phong phú và sâu sắc những cảm xúc của tình yêu:
“Nhan sắc ơi, bình minh quá, tháng giêng cười, tuôn âu yếm, lùa mơn trớn, rượi nơi mắt, gấm trong lòng, chum mong nhớ, khóm yêu thương, tình gió thổi, hoa kĩ nữ, gió phong lưu, trăng mối lái, trăng vú mộng, tắt nắng đi, buộc gió lại,…” thể hiện trong thơ của mình một niềm yêu cuộc sống vồ vập, đắm say. Chính vì thế, với những sự sáng tạo mới lạ đó về ngôn ngữ Xuân Diệu đã thể hiện được một cách sâu sắc, phong phú những cung bậc cảm xúc của mình. Đó chính là sự nhạy bén của các giác quan, sự rung động tinh tế của tâm hồn nhà thơ.
CHƯƠNG III :
XUÂN DIỆU – NHÀ THƠ CỦA SỰ “THỨC NHỌN GIÁC QUAN”
1. Lòng yêu cuộc sống cuồng nhiệt và niềm khát khao giao cảm với đời
Xuân Diệu còn được mệnh danh là nhà thơ của tuổi trẻ, của mùa xuân. Ông Xuân Diệu vô cùng nồng nhiệt, tha thiết với cuộc sống, sống hối hả và cuống quýt. Nhà thơ lao vào dòng chảy tràn trề của cuộc đời tận hưởng, đón nhận. Phải chăng sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, sống giữa thiên nhiên phóng khoáng với những ngọn gió Nồm và những con sóng biển đã tác động tới hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông. Thế Lữ đã từng nhận xét Xuân Diệu là “một tâm hồn đằm thắm và rất dễ “cảm xúc” ”. Sống trong hoàn cảnh éo le, ông là con vợ lẽ phải xa mẹ từ nhỏ nên thơ Xuân Diệu luôn thể hiện tâm hồn khao khát tri âm, khát khao giao cảm với đời một cách mãnh liệt và da diết. Và chính ông cũng đã nói lên quan niệm sống của mình là phải:
“Sống toàn tâm, toàn trí toàn hồn
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”
Yêu cuộc sống, yêu cuộc đời, Xuân Diệu làm thơ đẻ bộc lộ niềm khát khao giao cảm nồng cháy, cuồng say và hơn thế nữa là kí ức sự hiện hữu của bản than trong cuộc đời. Ông không hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời mờ ảo mà khẳng định mình là đỉnh Hy Mã Lạp Sơn “là một, là riêng, là thứ nhất” để được :
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Chính vì thế cho nên trong khi các nhà mới khác quay lưng với cuộc đời để tìm đến chốn bồng lai tiên cảnh như Thế Lữ, hay phiêu lưu trong trường tình như Lưu Trọng Lư thì Xuân Diệu hòa lẫn cái tôi vào với trần thế, yêu đời, tận hưởng đắm say cuộc đời, khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Khát vọng sống được nhấn mạnh bộc lộ sự lăp lại cấu trúc ‘Tôi muốn”. Nhịp thơ và cấu trúc thơ 5 chữ đã gợi vẻ cuống quýt, vội vàng. Nội dung của ý muốn ấy lại càng độc đáo, đó là “tắt nắng” và “buộc gió”. Đó là khát vọng níu giữ những vẻ đẹp của cuộc đời. “Màu” và “Hương” là những tinh túy nhất của đất trời. Nhà thơ muốn níu giữ lại vẻ đẹp đó. Nhưng “tắt nắng” và “buộc gió” là điều không thể. Những câu thơ tiếp theo lí giải cụ thể nguyên nhân dẫn đến khát vọng có vẻ ngông cuồng đó của tác giả:
“Của ong bướm ngày nay tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp được miêu tả sinh động và đáng yêu biết bao. Tất cả sự vật đều đang ở thì đẹp nhất, tươi non nhất “Tuần tháng mật”, đồng nội xanh rì, khúc tình si…Mùa xuân hiện ra với vẻ đẹp của tháng giêng tràn trề sức sống và tình tứ giao hòa quấn quýt. Ong bướm, hoa cỏ, chim muông, âm thanh và ánh sáng… là những hình ảnh đầy hạnh phúc, dạt dào sức sống. Trong con mắt háo hức của thi nhân ngày tháng trở thành “tuần tháng mật”, âm thanh của thiên nhiên trở thành những giai điệu vô cùng tình tứ “khúc tình si”. Xuân Diệu đã lựa chọn hình ảnh và từ ngữ, cách diễn đạt giàu tính hình tượng. Và hình ảnh ảnh đắt nhất về vẻ đẹp của thiên nhiên đã được nhà thơ tạo ra:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Nó là cảm giác của ái ân, tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ. Tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một người tình rạo rực, trinh nguyên.
Chính vì nó đẹp, nó hấp dẫn quyễn rũ đến như vậy nên nhà thơ muốn ôm trọn lấy nó. Thế nhưng, với tâm hồn nhạy bén, ông ý thức được sự trôi chảy của thời gian là một đi không trở lại nên Xuân Diệu mang trong mình nỗi ám ảnh và lo sợ. Ông muốn chạy đua với thời gian, vội vàng tận hưởng cuộc sống mà “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.
Tuy nhiên, thời gian vẫn còn, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, mơn mởn vì thế hãy sống hết mình, sống bằng mọi giác quan, bằng cả trái tim và khối óc. Khổ cuối trong “vội vàng” đã diễn tả khát vọng sống đang sôi trào trong trái tim chàng thi sĩ trẻ :
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”
Chính vì cuộc sống đẹp đẽ đến vậy, nhà thơ đã sống thật sự vội vã. Xuân Diệu luôn giục giã “mau với chứ vội vàng lên với chứ” “gấp đi em - rất sợ ngày mai, đời
trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”; “Mau với chứ, thời gian không chờ đợi”. Đó chính là cảm thức thời gian trong quan niệm sống của ông.
Yêu cuồng nhiệt cuộc sống, Xuân Diệu “muốn cánh tay là rắn ,là dây” “quấn quýt lấy mình xuân” muốn chân “ hóa rễ để hút màu dưới đất”, miệng “ bấu răng vào da thịt cuộc đời, ngoạm sự sống để làm êm đói khát”. Xuân Diệu khát khao được ôm, riết, ghì, say, cắn – cuộc sống. Những từ chỉ cảm giác mạnh bộc lộ chất sống nồng nàn, mãnh liệt. Xuân Diệu đã rung động tinh vi và nhạy bén để nắm bắt những trạng thái của tự nhiên một cách tài tình. Ông đã phải mở rộng tâm hồn , căng rộng các giác quan thì mới đón nhận được vẻ đẹp của tạo vật và cất lên được những vần thơ hay như vậy. “Thơ hay là thơ chín đỏ trong cảm xúc - đó là một chân lí vĩnh cửu”
2. Xuân Diệu – nhà thơ “ thức nhọn giác quan
Nói đến “thức nhọn giác quan” tức là nói đến sự nhạy bén của các giác quan trước thiên nhiên, cái đẹp, trước tình yêu, là sự nhạy cảm của tâm hồn và là sự tương giao của cảm xúc. Đọc thơ Xuân Diệu ta thấy hiện lên rất rõ. Đó là những cảm xúc, cảm giác với ánh trăng, khúc nhạc, cành khô, gió, chiếc lá,…qua tâm hồn của nhà thơ đã hiện ra một cách mới mẻ và độc đáo.
Sự bùng nổ cảm giác của Xuân Diệu xuất hiện đầu tiên ở bài thơ “Huyền diệu” trong trạng thái náo nức đến đắm say của một tâm hồn nồng nhiệt, thiết tha giao cảm với đời. Bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu nhưng đã có 6 câu thơ mở đầu bằng những cụm từ trùng điệp ở mệnh lệnh “Này lắng nghe em – Hãy nghe; Ngừng hơi thở lại – Hãy ngừng hơi; Hãy tự buông; Hãy uống; tạo nên âm điệu réo rắt lan tỏa của các vòng sóng câu thơ.
Và chiếc cầu giao cảm linh diệu giữa cái “tôi” tràn đầy cảm xúc của nhà thơ với “em” chính là khúc nhạc. Âm nhạc tạo nên sự hợp nhất tình yêu trong sự hợp nhất cảm xúc. Âm nhạc cùng dẫn dắt nhà thơ đi từ cảm xúc đến cảm giác trong sự nhất thể hóa chúng.
“Huyền diệu” chìm trong tiếng nhạc. Đó là “một lâu đài kiến trúc đầy âm vang” mà âm hưởng chủ đạo của nó là cảm hứng về quan niệm “tương ứng các giác quan”. Đây là một bài thơ chịu ảnh hưởng của Baudelaire rất rõ. Đó không chỉ là lời đề từ mượn lời trong bài “Tương ứng” của Baudelaire mà còn qua hình ảnh thơ và nhạc tính trong toan bộ bài thơ.
Trong 4 khổ của bài thì 3 khổ đầu miêu tả tiếng nhạc. Nhà thơ đã tạo nên những “tương ứng cảm giác”giữa âm thanh, màu sắc, hương thơm (khúc nhạc thơm, khúc nhạc hường), giữa thính giác, vị giác, khứu giác…(từ hình ảnh so sánh độc đáo : “khúc nhạc thơm” với “rượu tối tân hôn”và “hương thơm”…) giữa thơ và nhạc (Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc). Ở khổ 1 và 2, chủ thể trữ tình đạt tới
trạng thái hạnh phúc viên mãn. Âm nhạc dẫn con ngườivào “thế giới du dương” thế giới thần diệu với hương thơm, sắc hồng. Nhưng để đến được “thiên đường nhân tạo” ấy, cần phải nỗ lực nén cảm xúc (lắng nghe tự buông, ngừng hơi thở lại). Chỉ có vậy, con người mới đạt tới sự “thăng hoa” cảm giác:
“Như hương thấm tận qua xương tủy
Âm điệu thần tiên thấm tận hồn”
Nhưng cũng chính âm nhạc kéo con người ra khỏi trạng thái đê mê, ảo giác. Giờ đây không còn là “âm điệu thần tiên” nữa mà là những âm thanh của cuộc sống hàng ngày, là “giọng suối”, “lời chim”, thậm chí là “tiếng khóc người” .
Hình ảnh so sánh cụ thể, âm thanh cụ thể (âm thanh với âm thanh) ở khổ thơ thứ 3 đưa nhà thơ phiêu diêu trong “ xứ sở thần tiên” trở về với đời sống hiện thực; từ cảm giác hỗn loạn trở cảm xúc chân thực với hoai niệm về một “thưở xa khơi”:
“ Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im
Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim
Còn cứ run hoài như chiếc lá
Sau khi trận gió đã im lìm”
Một hình ảnh so sánh xúc động, trái tim run rẩy như chiếc lá sau trận gió. Tiếng nhạc đã tắt nhưng tiếng lòng vẫn ngân vang. Hòn sỏi đã ném xuống làn nước ao phẳng lặng tạo dư ba, rung động sâu xa. Nhân vật trữ tình vẫn lại nổ lực “ Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim” để thấu hiểu những cảm xúc đang diễn ra trong tâm hồn mình.
Cái tôi trữ tình đã đi tìm những cảm xúc từ cuộc sống, khát khao được hòa lẫn, giao hòa với cuộc sống giao cảm với thế giới bao la. Từ những cảm xúc được hinh thành đã tạo ra sự tương ứng cảm xúc với cảm giác.
Không chỉ trong “ Huyền diệu” mà rất nhiều bài thơ khác ta cũng bắt gặp điều đó.
“ Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”
Bài thơ được tạo ra từ khối cảm xúc của thi nhân được nung chảy. Cả âm nhạc, màu sắc lan tỏa khắp không gian. Khung cảnh tràn ngập ánh trăng, tiếng đàn tạo ra một không gian huyền ảo, lung linh. Tác giả đã sát nhập giữa trăng và đàn. Không phải màu sắc vàng của ánh trăng cũng chẳng phải là điệ nhạc nào cụ thể mà âm sắc này là sự kết tinh siêu linh, là sự tương giao của thính giác, thị giác va lắng nghe bằng cả tâm hồn mình.
“ Đàn nghe như nước lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận”
Cả âm nhạc, cả ánh sáng tụ đọng lại thành từng giọt lạnh lẽo đến xương tủy. Dường như cảm giác thật khuất đi và chỉ con lại là ảo giác.
“ Bốn bề ánh nhạc biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh đêm nìn thở
Nghe sầu cảm nhạc đến sao khuê”
Xuân Diệu đã nghe được, thấy được, cảm được, cái lạnh lẽo từ mọi phía đang bủa vây mình.
“Nguyệt cầm” là sự chuyển đổi từ màu sắc sang âm thanh và sự lan truyền tư am thanh sang màu sắc. Đó là sự cộng hưởng giữa âm thanh và ánh sáng. Xuân Diệu đã tự ví mình như con chim đến từ xứ lạ “ ngửa cổ hát chơi” nhưng những tiếng hát ấy thiết tha, nồng nàn đến “vỡ cổ”.
Tơ ông không chỉ chú trọng thính giác và khứu giác, như thế hinh như vẫn còn cách bức xa xôi quá. Phải huy động khứu giác, vị giác, xúc giác để có thể tiếp cận sát rạt, ôm lấy, quấn riết cuộc đời. Vốn là nhà thơ nhạy bén về giác quan, cảm giác Xuân Diệu nghe cái lạnh từ:
“ Những luồng run rẫy rung rinh lá”
( Đây mùa thu tới)
Nghe thời gian từ:
“ Dưới gối nào đâu thấy xác ve
Thế mà ve đã tắt theo hè”
Với Xuân Diệu sự nhận thức phải thông qua giác quan nếu không đó chỉ như nhìn núi từ xa “ Thấy núi Yên như một miếng bìa”, phải song trong núi mới biết núi cũng sống. Một con đường nhỏ, một cành cây nắng nhuộm qua các giác quan sẽ được Xuân Diệu lưu giữ mãi:
“ Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều”
Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu nó động cựa, dịch chuyển một cánh tinh tế. Đó là nhờ Xuân Diệu không nhìn cây cỏ bằng mắt, nghe bằng tai mà cộng vào cả xúc giác, khứu giác, tổng hợp giác.
“ Lá bàng non ngon lành như ăn được”
Hay:
“ Một trái xoài xanh hai hàng răng trẻ
Cắn phập vô ai thấy cũng phải thèm”
Thơ Xuân Diệu là một niềm khao khát sống, khao khát yêu đến cuồng nhiệt. Con người ấy muốn uống cạn một cách vồ vập “ cái ly tràn đầy sự sống”(Tagor). :
“ Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
….
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Bằng sự tương tác của các giác quan Xuân Diệu đã làm cho cuộc sống hiện lên thật sinh động: sụ sống, xuân hồng như một trái cây chín mọng mà tác giả muốn cắn phập cho thỏa lòng. Tháng Năm thì có vị chia phôi, tháng Giêng thì hấp dẫn, quyến rũ, ngon như một cặp môi gần. Thời gian không mùi vị nhưng Xuân Diệu đã cảm nhận bằng khứu giác(“ mùi”) thị giác (“rớm”), vị giác (“vị”)…điều đó đã làm cho người đọc cảm thấy bất ngờ và thú vị.
Thoảng trong gió một chút hương hoa nhài, song cũng là vị ngọt thấm qua hương đêm. Gió cũng ngọt ngào qua sự tổng hòa cùng một giác quan thật thú vị.
“ Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt
Thoảng tay tình gió nuốt bồng lao đao”
“ Hương hiu hiu nên gió cũng ngọt ngào
Hôn nhỏ nhỏ vào đầu hoa nặng trĩu”
Tronh cuộc sống và trong tình yêu dường như Xuân Diệu muốn ôm trọn, muốn dung tất cả các giác quan của mình để nắm lấy, để nghe, để thấy và cảm nhận..tất cả những gì xung quanh mình. Bởi vì:
“Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?”
( Cảm xúc)
Một hồn thơ bé nhỏ, nhạy cảm trước cái đẹp mĩ miều, hấp dẫn. quyến rũ của cuộc sống thì chỉ như một cây kim trước muôn đá nam châm. Nó dễ dàng bị cuốn hút, bị mê hoặc trước sức mạnh, trước sụ đẹp đẽ chín mọng của sự sống. Bởi thế thơ Xuân Diệu là một bản nhạc nhẹ nhàng, du dương và tinh tế được vang lên từ cuộc sống thông qua cảm quan mới mẻ của nhà thơ.
C. KẾT LUẬN
Xuân Diệu là một người có tâm hồn thi sĩ . Ông làm thơ bằng cả sự nồng nàn tha thiết nên ông ko phải là một tay thợ thơ, một tay có tài gọt giũa từng chữ từng câu. Mà chính tấm lòng tràn trề với cuộc sống tươi đẹp, sự nhạy bén vốn có của trái tim của các giác quan mà Xuân Diệu đã có những bài thơ tinh tế đến như vậy. Bởi trong cuộc sống, ông quan niệm rằng :
“ Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”
Như vậy, Xuân Diệu đã luôn sông hết mình, yêu hết mình, sống giục giã và vồ vập…Với ông thời gian là quá ngắn ngủi, nên mỗi phút giây đều thật là đáng quý. Phải nói rằng, đến với thơ Xuân Diệu người ta sẽ thấy được mọi cung bậc của âm vang cuộc sống, của tình yêu. Làm được như vậy hẳn Xuân Diệu đã cho đi tất cả tâm hồn mình. Chính vì thế thơ ông đã được người đọc đặc biệt là thế hệ trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Đó là sự thành công của người cầm bút.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro