Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

xoá đói giảm nghèo

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH LÀO CAI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do – Hạnh phúc

Số: 035/BC-UBND

Lào Cai, ngày 09 tháng 11 năm 2009

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO NĂM 2009

       Sau 3 năm thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006- 2010 theo Quyết định số 308/ĐA-UBND của UBND tỉnh công tác xoá đói giảm nghèo đã đạt những kết quả nhất định. Đặc biệt trong năm 2009, công tác này đã đạt nhiều kết quả tương đối khả quan. UBND Tỉnh xin được báo cáo về kết quả thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo năm 2009 như sau:

I, TÌNH HÌNH CHUNG

1.     Những thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện

- Các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các dự án, chính sách của Đề án

-  Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, dự án, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện trên cơ sở phạm vi hoạt động và chức năng, nhiệm vụ quy định.

.- Công tác tuyên truyền đã được thực hiện đa dạng dưới các hình thức trực tiếp và gián tiếp thông qua các kênh và loại hình thông tin đại chúng.

2.     Những khó khăn trong quá trình thực hiện

-  Vẫn còn một bộ phận người nghèo do nhiều nguyên nhân mà chưa tiếp cận với nguồn; một số sử dụng nguồn vốn được vay chưa hiệu quả.

- Các mô hình khuyến nông trình diễn còn nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, một số thiếu điều kện hoặc chưa được tích cực nhân rộng.

- Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục còn quy định do nhiều ngành, nhiều cơ quan cùng thực hiện với những mức và phương thức hỗ trợ khác nhau (có đối tượng bằng tiền, có đối tượng bằng hiện vật) nên hạn chế trong công tác quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách.

- Cơ sở vật chất của các trạm y tế xã chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, thiếu các công trình phụ trợ như bếp ăn, phòng trọ của người nhà bệnh nhân, một số nơi hầu hết các cán bộ y tế vừa mới vào nghề, ít kinh nghiệm, có nơi chủ yếu cán bộ được tăng cường từ nới khác nên ngôn ngữ giao tiếp hạnc hế, khó khăn trong việc chuẩn đoán và thăm khám bệnh dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh hạn chế.Trong công tác thống kê danh sách, in và cấp phát thẻ BHYT do số lượng lớn, thiếu cán bộ chuyên trách ở cơ sở, một số địa phương chỉ đạo chưa sâu sát nên nhiều nơi còn chậm và sai sót trong khâu rà soát, ghi chép ban đầu.

- Công tác hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất còn hạn chế, việc tạo nguồn đất hỗ trợ cho các đối tượng cần nhiều thời gian để thực hiện, vì vậy trong năm kết quả đạt được còn thấp so với kế hoạch đề ra.

 - Thiếu nguồn lực để đầu tư nhân rộng các mô hình XĐGN có hiệu quả ở các huyện đã được đầu tư thí điểm, các xã và các huyện còn thiếu điều kiện và cũng chưa thực sự chủ động trong việc đánh giá nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó việc nghiên cứu để xây dựng và ban hành các định mức, tiêu chuẩn ở cấp tỉnh và Trung ương còn hạn chế.

II, NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1.Những thành tựu đạt được

- Thứ nhất,về chính sách cho vay đối với hộ nghèo: Doanh số cho vay hộ nghèo ước đạt 122.400 triệu đồng, 10.600 hộ nghèo được vay vốn chiếm 27,64% tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Bình quân 1 hộ được vay 11,5 triệu đồng. Dư nợ cho vay hộ nghèo ước đạt 373.200 triệu đồng, đạt 95% so với kế hoạch đề án, với 50.200 hộ vay vốn còn dự nợ, chiếm 130% số hộ nghèo, đạt 111% kế hoạch năm . Bình quân 1 hộ dư nợ 7,4 triệu đồng, đạt 85% đề án. Công tác cho vay đối với các hộ nghèo theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ được các ngành quan tâm phối hợp thực hiện, tính đến 31/11/2009 đã giải ngân được 903 triệu đồng/kê hoạch 1.936 triệu, các xã đang tiếp tục triển khai việc lập danh sách đối tượng được vay theo quy định để tiến hành giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

-  Tín dụng đối với học sinh, sinh viên tích cực được triển khai nhằm thực hiện đúng và kịp thời chủ trương của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cho học sinh, sinh viên vay được 19,5 tỷ đồng. Hoạt động cho vay vốn đối với các hộ nghèo, chính sách đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn tỉnh.    Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi mà trong những năm qua, đặc biệt là năm 2009, đa số người nghèo đều có vốn để đầu tư cho sản  xuất kinh doanh, người nghèo mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên. Đây chính là yếu tố quan trọng mang lại kết quả xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững trong nhân dân.

 - Thứ hai, Công tác khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn theo chương trình khuyến nông chung  và khuyến nông cho người nghèo đã chú trọng hỗ trợ các hộ nông dân, hộ nghèo về điều kiện vật chất, kiến thức và phương pháp làm ăn, nâng cao vai trò tích cực cho các câu lạc bộ khuyến nông. Trong năm 2009 đã tổ chức tập huấn 564 lớp với 19.737 lượt người là nông dân, trong đó số người nghèo được tập huấn khoảng  4.500 lượt người. Bên cạnh đó đã tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nghèo bằng các hình thức trực quan sinh động, dễ hiểu thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông .Mạng lưới khuyến nông và đội ngũ khuyến nông viên, thú y viên cơ sở tiếp tục được củng cố về số lượng và chất lượng, tính đến nay đã có 152 xã, thị trấn có khuyến nông viên, trong đó khoảng 50% có trình độ từ bằng nghề trở lên, từng bước đã đáp ứng được nhu cầu dịch vụ phát triển sản xuất, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nông dân

- Thứ ba, Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề được tỉnh quan tâm giao vốn thực hiện với tổng số vốn là 17.440 triệu đồng (trong đó vốn kết dư năm 2006 là 7.720 triệu đồng). Kết quả đã xây dựng được 18 mô hình hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ máy móc thiết bị gồm 18 hạng mục với 934 nông cụ cho 952 hộ hưởng lợi.

-  Thứ tư, về Chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo: UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục, Lao động- Thương binh xã hội và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho các đối tượng học sinh con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn của năm 2009- 2010.  Kết quả năm học 2009-2010 đã miễn giảm học phí cho 26.000 học sinh với tổng kinh phí thực hiện là 1.901 triệu đồng. Thực hiện cấp phát, hỗ trợ văn phòng phẩm, sách giáo khoa cho 92.454 học sinh thuộccác xã khó khăn, học sinh phổ cập giáo dục với trị giá 6.350,4 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng hơn năm học 2007- 2008 là 5%. Ngoài ra còn hỗ trợ lương thựccho học sinh bán trú là 621 triệu đồng tăng 4% so với năm 2008-2009.Đến hết năm 2009, phổ cập giáo dục cấp tiểu học đạt 164/164 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 148/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.

    -  Thứ tư, Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt:

          a. Hỗ trợ nhà ở: Đã hỗ trợ cho 1.958 hộ, đạt 98,29% kế hoạch tỉnh giao và đạt 130% kế hoạch năm 2009 của Đề án giảm nghèo bền vững, vốn thanh toán cho các hộ 9.580 triệu đồng.

        b. Hỗ trợ nước sinh hoạt:

          - Hỗ trợ nước ăn phân tán: Luỹ kế từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thực hiện được 671 hộ/671 hộ đạt 100% kế hoạch giao.

          - Cấp nước sinh hoạt tập trung: Công trình chuyển tiếp năm 2006 có 63 công trình đến nay cơ bản hoàn thành, một số công trình đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Công trình khởi công mới năm 2007 có 68 công trình.

        c. Hỗ trợ sản xuất: Các xã đang hoàn thiện việc bình xétdanh sách các hộ cần hỗ trợ, đang triển khai phương án trình UBND huyện phê duyệt. ước đến hết năm 2007 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ sản xuất cho 36 hộ/KH 1500 hộ gia đình tại 4 xã thuộc huyện Si Ma Cai với tổng kinh phí 90 triệu đồng

         - Thứ năm, Một số hoạt động lồng ghép khác:

          + Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn II tiếp tục được thực hiện trong năm 2009 ở 81 xã đặc biệt khó khăn. Số danh mục đầu tư trong năm là 117 công trình bao gồm các công trình về giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, trạm, chợ, nhà văn hoá xã với tổng nguồn vốn đầu tư là 66.041 triệu đồng, trong đó có 52 công trình đã hoàn thành sử dụng trong năm.

          + Trợ cước, trợ giá giống vật tư nông nghiệp: Triển khai hỗ trợ giống lúa ngô, đậu tương, cước vận chuyển phân bón từ Trung ương đến cụm xã, tổng cộng là 28.589 tấn vật tư nông nghiệp các loại, kinh phí 8.411 triệu đồng.

        + Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, cụ thể đã dạy nghề cho 6.899 người, đạt 113,5% kế hoạch, trong đó có 4.652 người là lao động nông thôn và thanh niên dân tộc thiểu số, chủ yếu là lao động thuộc các hộ ở vùng cao, hộ nghèo.

2. Tồn tại và khó khăn

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tòn tại 1 số khó khăn như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ nghèo phát sinh và tái nghèo còn cao (năm 2009 khoảng trên 2%).

          + Chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn lớn.

          + Vẫn còn nhiều hộ gia đình thiếu đất canh tác nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, những hộ này đều thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng chưa được hỗ trợ.

          + Tình trạng người lao động chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức làm ăn vẫn còn.

         +  Tình trạng nhà ở tạm bợ trong các hộ nghèo vẫn còn khá phổ biến.

         + Hạ tầng cơ sở nông thôn còn thấp kém, thiếu tính bền vững, đặc biệt là giao thông, nước sạch và thuỷ lợi.

          + Trong nhân dân, thậm trí trong cán bộ cơ sở vẫn còn một số bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cấp trên.

III, PHƯƠNG HƯỚNG KHẮC PHỤC

Qua 1 năm thực hiện có thể  rút ra một số kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới, đó là:

        Công tác XĐGN phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và tập trung thống nhất của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình, nhất là trong việc vận động, huy động  đóng góp của cộng đồng, hỗ trợ người nghèo về nhà ở, xây dựng các mô hình về giảm nghèo và chuyển giao kiến thức cho người nghèo.

          Phải làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức sâu rộng và thường xuyên để nhân dân, mọi người nghèo đều ý thức được trách nhiệm tự vươn lên là chính, cộng đồng ý thức được việc tham gia giúp đỡ người nghèo.

          Chú trọng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, cập nhật thông tin thường xuyên về hộ nghèo, về tình hình thực hiện các dự án, chính sách để có đủ căn cứ phục vụ cho công tác lãnh chỉ đạo và điều hành.

          Phát huy mạnh mẽ dân chủ trong mọi hoạt động từ việc xác định hộ nghèo, thực hiện các chính sách hỗ trợ đến từng hộ nghèo,, bình xét thoát nghèo, lựa chọn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cho địa phương để nâng cao chất lượng hiệu quả của từng hoạt động.

      Trên đây là toàn bộ nội dung bản Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006-2010” trong năm 2009 của UBND tỉnh .Rất mong nhận được ý kiến chỉ đạo và nhận xét của  các cấp trên để bản Báo cáo hoàn thiên hơn nữa.

Nơi nhận:

-TT.TU, HĐND,UBND tỉnh;

- TT. Doàn đại biểu Quốc hội tỉnh;

- Các ngành thành viên BCĐ XĐGN tỉnh;

- UBND các huyện, thành phố;

- Lãnh đạo văn phòng;

- Lưu: VT, VX, TH

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

K/T CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Bùi Thị Kim Dung

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro