IV - Sự thật về pháp y
Mặc dù văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng mình cảm thấy vấn đề chung của các tác phẩm có chủ đề tội phạm/giết người chính là không đủ tính chân thực. Thế nên có nhiều bạn văn phong rất tốt nhưng chi tiết trong truyện cứ bị ngô nghê và vô lý, thành ra đọc cảnh phá án giết người mà toàn...cười.
Đây là một chủ đề khó xơi, mình cũng ấp ủ ý định lâu rồi nhưng không dám viết, kết quả là bây giờ tích được kha khá kiến thức pháp y (mặc dù vẫn không dám viết như cũ, haha)
Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích được các bạn (và có fic cho mình đọc)
Nguồn: tổng hợp
***
I - KHÁM NGHIỆM TỬ THI
21 bước khám nghiệm tử thi
1. Thi thể được đưa đến nhà xác
2. Xác nhận danh tính và đặc điểm nhận dạng, thi thể sẽ được buộc một chiếc thẻ ghi lại tất cả thông tin ở ngón chân
3. Chụp ảnh tử thi trong tình trạng nguyên vẹn khi được tìm thấy
4. Chụp ảnh tử thi trong tình trạng khoả thân
5. Thi thể được đem đi cân đo, chụp X-quang, ghi lại số liệu
6. Lấy dấu vân tay, ghi nhận ngón hoặc bàn tay bị thiếu (nếu có)
7. Quần áo của tử thi được đem đi kiểm định (vết bẩn, mẫu sợi...)
8. Ghi nhận các đặc điểm dị thường trên cơ thể: hình xăm, vết sẹo, nốt ruồi,...
9. Đối với tử thi nữ sẽ kiểm tra kỹ bộ phận sinh dục để xác định có bị xâm phạm hay không
11. Trích dịch cơ thể (máu, nước tiểu) và đem đi xét nghiệm
12. Nhân viên pháp y sẽ tạo ra một vết rạch lớn, dài toàn thân, mở ra toàn bộ mặt trước của cơ thể. Đường rạch bắt đầu từ vai xuống ngực, sau đó nối dài đến xương mu
13. Các bộ phận được lấy ra đem đi kiểm tra lần lượt là phổi, tim, thực quản và khí quản, gan, lá lách, thận, tuyến thượng thận, dạ dày và ruột
14. Kiểm tra bộ phận sinh dục bên trong của cả nam lẫn nữ. Tử cung và âm đạo của nữ giới được kiểm tra kỹ để tìm dấu hiệu bị xâm phạm/tấn công tình dục/mang thai
15. Lấy các cơ quan vùng chậu (bàng quang, tử cung và buồng trứng) đi phân tích
16. Dạ dày được kiểm tra kỹ nếu nguyên nhân tử vong nghi ngờ là do đuối nước/ngộ độc/dùng thuốc quá liều
17. Vết thương do đạn(nếu có) được ghi chép lại, bao gồm số lượng vết thương, hướng đi của đạn. Viên đạn được lấy ra đặt trong túi nhựa
18. Khám nghiệm phần đầu: vết cắt bắt đầu từ sau tai, đi qua đỉnh đầu và kết thúc ở phía sau tai còn lại. Da đầu sẽ được nắm chặt và kéo về phía trước để lộ ra hộp sọ, nhân viên pháp y dùng cưa điện cắt mẫu sọ đi cân đo
19. Trả các bộ phận nội tạng trở về cơ thể sau khi hoàn tất giám định
20. Kết quả khám nghiệm (nguyên nhân cái chết + toàn bộ hình ảnh) được chuyển đến cơ quan pháp lý. Kết quả này sẽ trở thành một phần của kho dữ liệu và được sử dụng làm bằng chứng trước tòa khi cần thiết. Thư mục chứa tất cả các thông tin chi tiết được gọi là hồ sơ vụ án
21. Giấy chứng tử được ghi nhận cùng với nguyên nhân cái chết
Nhiệm vụ và quyền hạn của nhân viên pháp y
• Nhiệm vụ:
1. Thi hành nghiêm túc quyết định trưng cầu của cơ quan tố tụng
2. Dựa vào kiến thức, chuyên môn y học để tiến hành giám định tử thi
3. Trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về kết luận giám định mang tính chất pháp lý của mình. Đảm bảo kết quả này hoàn toàn độc lập, không bị áp đặt, sai khiến, mua chuộc và áp lực từ bên ngoài
4. Phải trực tiếp khám nghiệm, giám định, viết báo cáo, biên bản có ký tên theo đúng thời gian quy định
5. Giữ bí mật kết quả giám định
6. Làm chứng hoặc giải thích trước phiên toà hoặc cơ quan pháp luật về kết quả giám định của mình
•Quyền hạn:
1. Yêu cầu cơ quan pháp luật cung cấp tài liệu tạo điều kiện giám định hợp pháp
2. Có quyền từ chối giám định trong những trường hợp không được cung cấp đầy đủ tài liệu, phương tiện cần thiết để tiến hành giám định, hoặc những trường hợp vượt quá khả năng
4. Không được thực hiện giám định trong trường hợp bị cáo hay nguyên cáo là thân thích
5. Được cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn tính mạng
6. Được trợ cấp, trả thù lao cho công tác giám định
Một số thông tin khác
• Khi bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi, thường phải đợi nạn nhân tử vong được vài giờ mới mổ, tức là khi đã xuất hiện vết hoen tử thi và hiện tượng co cứng tử thi
• Ở một số quốc gia, ngoài thu dấu vân tay, họ còn thu thêm cả diện cắn của hàm răng để tiện cho việc nhận dạng sau này
II - ĐẶC ĐIỂM TỬ THI
Xác định giới tính tử thi qua đặc điểm cơ thể
• Các tiêu chuẩn về giải phẫu để phân biệt giới tính thường phát triển sau giai đoạn dậy thì và sẽ bị thoái hoá khi về già. Vì vậy chỉ được áp dụng trong độ tuổi từ 20–55.
• Tuổi tác và chủng tộc có ảnh hướng rất lớn đến việc phân biệt giới tính nạn nhân
• Hộp sọ nam lớn hơn, dày và nặng hơn, các gờ tại bờ trên hốc mắt của hộp sọ nam cũng dày và rõ hơn so với nữ, cằm vuông hơn và nặng hơn. Hộp sọ nữ có tỉ lệ bé hơn, xương mượt mà hơn, vùng xương trán tròn hơn so với hộp sọ nam
• Trái tim dài khoảng 12cm, đường kính tầm 8cm, nặng khoảng 300g ở nam và 250g ở nữ
• Nhìn chung, xương chậu của phụ nữ mảnh hơn, chỗ bám cơ ít nhô hơn, thể tích và trọng lượng nhỏ hơn so với xương nam giới
Xác định các tác nhân trước & sau khi chết
• Vết thương gây ra sau khi chết thường có màu ngả vàng vì không xảy ra các phản ứng của cơ thể bình thường như quá trình chảy - đông - cầm máu, co rút các mô, cơ,... (những phản ứng này được gọi là "phản ứng sống" trong pháp y)
• Chết treo cổ: các tổn thương đều bầm, ngấm máu kể cả bờ rãnh treo hay các chấm chảy máu ở trong phủ tạng. Chết rồi mới treo xác thì không có các dấu hiệu trên
• Chết đuối: nếu nạn nhân còn sống trước khi rơi xuống nước thì sẽ tìm thấy tảo Silic trong máu và các cơ quan như não, thận, tuỷ, xương
• Chết cháy: nếu nạn nhân còn hô hấp khi đám cháy xảy ra thì các muội than sẽ bảo phủ dày đặc trên niêm mạc khí quản, phế quản
III - NGUYÊN NHÂN GÂY TỬ VONG
Các nguyên nhân thường gặp
1. Chết do bạo lực: bắt buộc phải mổ tử thi giám định
2. Chết liên quan đến điều trị: là hình thái chết phức tạp, khó khăn nhất trong y học tư pháp, cần thiết phải tiến hành điều tra
3. Chết do tai nạn rủi ro: (trượt ngã, hóc dị vật, điện giật, vô tình nhiễm khí gas, bỏng...), trong trường hợp chưa có căn cứ kết luận rõ ràng về nguyên nhân gây chết, cần thiết mổ tử thi
4. Chết tự nhiên: trường hợp duy nhất không điều tra và giám định pháp y
Chết do treo cổ
• Là trạng thái chết do dây hoặc vật ấn quanh cổ, làm nạn nhân bị ngạt bởi chính sức nặng của bản thân
• Nguyên nhân chủ yếu là tự sát, án mạng thường ít gặp, tuy nhiên nhiều kẻ lợi dụng để treo xác chết nạn nhân sau khi gây án
• Chết treo cổ có thể xảy ra 3 cơ chế
- Chèn ép mạch máu: gây thiếu máu, ứ máu và phù não, thường là nút buộc sau gáy
- Chèn ép đường hô hấp: dây treo ép khí quản vào cột sống, đồng thời kéo cuống lưỡi lên làm lấp hầu họng và gây ngạt, thường là nút buộc cạnh cổ hoặc sau gáy
- Dây treo ép vào thần kinh phế vị và hệ giao cảm xung quanh động mạch cổ, tạo nên phản xạ gây ngừng tim và ngừng thở
•Tư thế treo
- Treo hoàn toàn (treo lơ lửng): không có bộ phận nào của cơ thể chạm vào vật khác ngoài vòng dây ở cổ
- Treo không hoàn toàn: có bộ phận cơ thể chạm vào vật khác ngoài vòng dây ở cổ. Tử thi có thể có vết thương trên cơ thể do quá trình vùng vẫy gây va chạm
• Loại dây và nút buộc
- Dây treo rất đa dạng, có thể là dây cứng như dây đồng, dây sắt...hoặc dây mềm như dây thừng, dây vải,...
- Nút buộc cố định có chu vi vòng dây không thay đổi, nút buộc di động có chu vi vòng dây thay đổi (còn gọi là thòng lọng)
• Dấu vết trên tử thi
- Dấu hiệu bên ngoài:
+ Rãnh treo là một vết hằn chạy chếch quanh cổ, không khép kín, có đỉnh là vị trí nút buộc, xung quanh có thể thấy các vết xây xát da. Dây treo rắn, hẹp thì rãnh treo sâu và rõ. Dây treo mềm, bản lớn thì rãnh treo nông và mờ
+ Các dấu hiệu chung bên ngoài:
Vết hoen tử thi: tuỳ tư thế treo, treo lơ lửng hoen phần ngọn, treo quỳ hoen ở gối và mặt trước hai chân, treo nằm nghiêng hoen ở mạng sườn...(treo lâu thì hoen mới xuất hiện như trên, nếu mới chết mà đã hạ xuống thì hoen tử thi hình thành theo tư thế hạ)
Tư thế đầu: đối diện với nút buộc, nếu như nút buộc ở gáy thì đầu cúi, nút buộc trước cổ thì đầu ngửa
Sắc mặt: Mặt trắng bợt nếu nút buộc ở cằm, loại này chết chậm. Mặt tím tái khi nút buộc ở gáy do máu không thể lên đầu, loại này chết rất nhanh
+ Các dấu hiệu không thường xuyên: lè lưỡi, lồi mắt, xuất tinh, tiểu tiện, đại tiện...
- Dấu hiệu bên trong:
+ Ðáy rãnh treo là một đường màu trắng bóng kèm theo các chấm chảy máu nhỏ
+ Bầm máu là dấu hiệu quan trọng
+ Có thể gãy sụn giáp, sụn thanh khí quản, gãy cột sống cổ nhưng hiếm gặp
+ Tổn thương mạch máu
+ Não trắng hoặc xung huyết đỏ rực tùy trường hợp máu có lên được não hay không
+ Các phủ tạng có tổn thương của ngạt
Chết do tai nạn giao thông
• Xác định thương tích gây ra do tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hay do cấp cứu chậm/có sai sót trong điều trị
• Xác định thương tích gây ra trong tai nạn giao thông chỉ là thương tích phụ, nguyên nhân tử vong là nguyên nhân khác (ngộ độc rượu, nhồi máu cơ tim, tai biến,...)
• Ngoài việc khám tử thi còn phải tiến hành khám tài xế, xét nghiệm tìm nồng độ rượu trong máu của tài xế và người bị nạn khi tai nạn xảy ra
• Phát hiện trường hợp có nghi vấn án mạng, giả tạo tai nạn giao thông khi thấy các thương tích không phù hợp hiện trường (có thương tích do bạo lực, bị xâm hại tình dục,...)
(Còn update tiếp...)
XIII: Còn nhiều lắmmmmm luôn mọi người ơi nhưng giờ này em run tay vãi, gõ tới đâu run tới đó, thôi mai vậy...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro