Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1: Nhật khai dạ bế

 Sông Tô Lịch là một nhánh sông Thao chảy vắt qua làng Đại Yên cũng như vùng Thập Tam trại. Chẳng biết tự bao giờ, kẻ làng đã bắc cây cầu độc mộc qua ấy. Cầu tre, mảnh mai, nhưng dù rằm tháng bảy kiến bò [1], cầu vẫn đứng, vẫn vắt ngang đôi bờ sông. Hễ tầm giờ Mão mà băng qua cầu, ai ai cũng thấy cảnh hừng đông chiếu rọi làn nước bạc, mỹ lệ đến lạ lùng. Chính vì thế, người làng Đại Yên quen mồm gọi là cầu Đông.

 Năm Nguyên Phong thứ sáu, tháng một [2], dòng chảy sông Tô Lịch vẫn nhẹ nhàng. Nhưng cả Đại Việt đều hay, bể rộng sắp có bão lớn.

 Buổi ấy còn đang ráng trưa, chuyển chiều. Bóng nước phản lại hư ảnh của cây cầu độc mộc, chiếu soi hình dáng một cậu trai trẻ trạc đôi mươi. Cậu bận áo giao lĩnh đôi chỗ sờn chỉ, vấn tóc cao lộ ra góc mặt nghiêng, không đẹp theo kiểu hào nhoáng, mỹ miều, vương giả như bậc quyền quý nhưng đem đến một ấn tượng khó phai. Đôi mắt một mí nâu thẳm của cậu ta ẩn chứa một sự chững chạc nhưng rất đỗi trẻ con và tinh tường.

 Tỵ thở phù một hơi, nhăn mặt nhíu mày, khom lưng chống gối cố sang được bờ bên kia. Và may sao mọi sự thông đồng bén giọt, cậu không phải xuống đáy sông làm kẻ hầu người hạ ông Hà Bá hay chí ít là uống nước no bụng.

 Vừa lầm bà lầm bầm, kêu ca cảm thán vì cái tính lo bò trắng răng của mình, cậu tiện mồm hỏi một bác nông dân đường đến nhà ông Ngọ.

 - Ông lang Ngọ đấy hử? - Bác ta quệt mồ hôi trên vầng trán đen nhẻm, trả lời - Rẽ ra cây đa đầu chợ và đi dọc đường mòn ấy, tầm hai ba dặm [3] nữa là tới nơi.

 Vừa cúi đầu và nói xong câu cảm ơn cái, Tỵ vội vội vàng vàng vắt chân lên cổ chạy. Hễ đi vài bước, cậu lại cười vu vơ. Vài đứa trẻ đang chơi đánh khăng ven sông còn tưởng cậu bị trúng gió, định đưa cho mấy nắm lá thuốc. Cậu cũng chẳng quan tâm, bây giờ là thời khắc quyết định của một kiếp người.

 Từ rất lâu trước rồi, khi mà An Sinh Vương vì phẫn uất mà làm loạn nơi sông Cái, song thân cậu đã quy tiên. Hết ba năm để tang, vì gia sản chẳng còn chi, cậu về sống với ông chú họ và được ông chỉ bảo vài mánh nhâm cầm độn toán. Từ khi mười bốn, cậu phiêu bạt bốn phương, bói dạo để kiếm miếng ăn sống qua ngày. Lần này cậu được một người bạn giang hồ giới thiệu đến ông Ngọ - vốn có tiếng tăm về y thuật - để học hỏi thêm nhiều thức. Và thế là cậu xách tay nải bước đi.

 Chạy mãi, chạy mãi, mới chỉ đến cây đa đầu chợ và non dặm rưỡi mà Tỵ đã mệt không ra hơi. Nhìn mấy cành đa cao cao trông có vẻ khá mát mẻ, cậu liều mình đu người lên và chỉ một lúc sau đã chễm chệ hóng gió.

 Mải nghĩ, mải vẩn vơ, bàn chân cậu giờ đã đập cốp một cái vào bờ môi ai. Hoảng hồn cúi xuống nhìn, cậu chỉ thấy một cô gái mặc áo nâu sồng, quẩy thúng tre ngang hông. Trên gương mặt tròn trịa trắng ngần và đôi mày lá liễu của cô ta đều biểu lộ rõ một nỗi giận dữ bốc khói bốc lửa ngùn ngụt. Nỗi giận dữ ấy có lẽ kinh khủng đến mức sẽ đập vỡ bờ đê, tiện phá cả đình chùa, cả nhà cửa nếu nó là một thực thể hữu hình mất.

 Hai kẻ, một nhìn lên, một ngó xuống, đều quan sát và dè chừng đối phương. Cứ thế suốt non nửa canh giờ. Tỵ tự cảm thấy mình giống như con thỏ bị bao vây bởi loài sói lang dữ dằn.

 Cậu lại mon men nhìn xuống dưới một lúc nữa. Hiện tại "loài sói lang dữ dằn" đó đang ung dung ngồi trên phiến đá dưới gốc đa, miệng nhồm nhoàm cơm nắm với vừng. Coi bộ cô ta đang muốn cậu bám cây leo xuống xin lỗi. Có khi là dập đầu luôn. Hay là bán thân chuộc tội...? Tỵ cứ nghĩ dai dẳng, miên man, và thầm nhủ người đàn bà ấy phải kiên trì lắm mới ngồi đây đợi cả buổi được.

 Rồi sau chừng ấy thời gian suy tính, cậu quyết định đề ra một kế sách. Tiện tay bứt chiếc lá đa thả xuống bên dưới, cậu cao giọng đọc hai câu lục bát:

"Kiếp nhân sinh hỏi một lần

Dây trầu đã có ai cầm hay chưa?"

 Cô gái kia đang cắn một miếng cơm mà nghe câu ấy thì... mắc nghẹn và ho sù sụ. Chứng kiến cảnh đó, Tỵ thầm cười nhưng cũng cảm thấy bà cô này không phải dạng vừa, chỉ vài khắc là bả đã thôi thở hổn hển và nhìn lên trên cao với một ánh nhìn thù hận rồi. Và giờ, cậu mới nhận ra một điều, cậu đã làm trước mà không suy nghĩ đến hậu quả. Một hậu quả có lẽ phải trả giá bằng cả tính mạng, cả tấm thân này.

 Khi đã định thần lại, cô gái kia vờ như chưa từng nghe thấy bất cứ lời gì, quay lưng bước thẳng. Và Tỵ mừng hụt khi đang nhấp nhổm chuẩn bị tụt xuống, bởi cô ta đã quay trở lại và cầm theo một nắm lá gì đó. Cậu chưa kịp suy nghĩ xem cô ta định trù ẻo hay làm gì đó với mình thì nắm cỏ ấy được ném lên cành đa, nơi cậu ngồi. Lúc đưa tay ra bắt lấy theo phản xạ, cậu nghiêng người một cú, mất thăng bằng và rồi ngã uỵch xuống đất.

 Cành đa ấy cao vừa đủ để chân cậu có thể đạp vào mặt bà cô ấy, nhưng cũng đủ thấp để "ngọc thể" của cậu không lãnh bất cứ thương tích gì. Khi chứng kiến kẻ vừa trêu ghẹo mình đang nằm sõng soài dưới cỏ xanh, cô kia mới mỉm cười rồi quẩy thúng bước đi.

 Chỉ còn lại một mình với đất trời, Tỵ đành giữ nguyên tư thế ngửa và xoa đầu để hai con mắt bớt nổ pháo hoa. Chao ôi... pháo hoa trước mắt cậu như tái diễn lại khung cảnh đêm hội tại Thăng Long vậy. Đến khi nhìn rõ nắm lá trong tay mình, cậu chỉ có thể đập tay vào trán, cười vu vơ trong khổ tận cam lai và cầu xin ông Thổ Địa có thể cho cậu gặp lại bà cô kia một lần nữa để trả mối nhục này.

 Trời ạ... có cần phải làm bóng làm gió như thế không?  Cậu tự nhủ. Mà chưa chắc bà ấy cho rằng mình hiểu đâu.

 Cậu lờ đờ ngồi dậy, rồi lại bước tiếp.

 Nắm lá Tỵ quẳng lại dưới gốc đa có mỹ danh là nhật khai dạ bế...

 ... hay nói dân dã là cây chó đẻ.

[1]: Trích câu tục ngữ "Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt", ý nói lũ lụt.

[2]: Dân gian thường gọi tháng 11 là tháng một.

[3]: Mỗi dặm cổ (không phải dặm Anh) bằng 500 mét.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro