June 22nd 2016
Hôm nay tôi đã học và hiểu thêm một vài điều như sau:
1. Về kinh doanh
Hồi năm ngoái, tôi có làm bên mảng Marketing cho cô bạn cùng lớp Đại học. Lương ổn và cô ấy cũng khá ưu đãi cho tôi về khoản giờ giấc. Sau này, khi mở thêm tiệm áo cưới, cô bạn có đề nghị tôi làm quản lý với mức lương 14 triệu nhưng tôi từ chối. Không phải vì lương ít hay vì tôi chê tiền. Chẳng qua là bởi bản thân còn trẻ nên tôi nhận ra rằng tôi cần nhiều thứ ở một nơi làm việc hơn là lương. Và sau vài vụ lùm xùm, tôi nghỉ việc sau 2 tháng khai trương tiệm áo cưới.
Sau này tôi có gặp lại một chị đồng nghiệp cũ (cũng vừa mới nghỉ việc), chị kể cho tôi nhiều chuyện bất ngờ ở chỗ làm. Có nhiều nhân viên nghỉ, trong đó có người tận tâm như chị, có người mà bạn tôi từng xem (hoăc cho là) cánh tay phải đắc lực của mình (đồng thời cũng là người nói xấu tôi là 'không làm được gì cả' với vợ chồng cô bạn tôi, và chẳng cần biết thực hư ra sao, họ liền tin ngay lời người đó) và nhiều người nữa lắm.
Và đây là những gì tôi học được:
Kinh doanh không phải trò chơi đồ hàng của con nít.
Nó không chỉ đơn thuần là bán một mặt hàng, mà còn bao gồm một đống vấn đề khác.
Nó liên quan tới chất lượng, số lượng, nhu cầu, giá cả, chi phí, nguồn cung ứng, phương thức tiếp thị, thương hiệu, khách hàng mục tiêu, thị trường, dự đoán, sự trung thành của khách hàng, v.v.. đối với mặt hàng đó.
Nó còn là vấn đề về điều hành (kiểm soát chất lượng, kiểm soát nguồn cung, hàng tồn, nhân sự, v.v..), về các mối quan hệ với chính quyền, và các đối tác.
Nếu trò chơi kinh doanh bắt đầu và bạn tưởng rằng sản phẩm nơi bạn là nhất thì sẽ đến lúc bạn cảm thấy mệt mỏi vì lời lỗ, vì hàng giả.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã có trợ thủ đắc lực trong tay và rồi một ngày nó bỏ đi, để lại bạn ngơ ngác thì đừng hỏi tại sao lại thế.
Đơn giản là vì bạn chọn nhầm người thôi. Tài hoa như Gia Cát Lượng còn tin nhầm người nữa thì bạn có là gì đâu.
Kẻ làm chủ tài ba chẳng cần phải thông minh gì hết ráo, cũng chẳng phải có thế lực này kia. Chỉ cần điều cơ bản đầu tiên họ nắm vững đó là biết cách tập hợp và giữ lòng trung thành của những kẻ tài giỏi với mình.
Đó cũng là kẻ phải biết nhìn xa trông rộng, chứ không phải chỉ biết cái lợi còm cõi trước mắt.
Đó là kẻ phải biết lắng nghe chứ không phải chỉ biết nói.
Đó là kẻ phải biết tôn trọng người khác, chứ không phải nhìn người bằng địa vị, bằng cấp, còn coi khinh kẻ nghèo, kẻ bỏ học.
Đó là kẻ biết mình là ai, sống khiêm tốn với đời chứ không phải chỉ biết hám danh.
Thế nên, kinh doanh chẳng đơn thuần chỉ là mua và bán đâu.
2. Thông cảm
Đây là điều thứ 2 tôi học được từ chuyện của bố tôi và mấy sinh viên bán kẹo.
Chẳng là dạo gần đây ở Đà Nẵng có rộ lên phong trào đóng giả thú bông đi bán kẹo. Nghĩa là một bạn giả thú bông đến chơi với các em nhỏ hay các cô gái, còn bạn kia sẽ tranh thủ hỏi các bậc phụ huynh hoặc các bạn trai mua kẹo giúp các bạn ấy.
Chuyện là vầy: Hồi chiều gia đình tôi và cùng gia đình cậu đi ăn tại một quán hải sản khá đông gần nhà.
Lúc đang ăn thì có hai bạn học sinh đến bán kẹo (theo hình thức 'thú bông' kể trên). Vì nhà cậu có con nhỏ khá "mê" chú thú bông nên cậu tôi cũng bỏ 15 nghìn ra mua kẹo giúp cho hai bạn đó. Lúc ấy, bố tôi trong tình trạng say xỉn mới nói một câu rằng "Vừa bán vừa ăn cướp hả".
Nghe câu này khiến tôi rất bực. Không phải bố tôi khiến tôi mất mặt (trên thực tế thì tôi cũng nhiều lần khiến ông mất mặt và bản thân tôi cảm thấy mình chẳng có tư cách gì để trách ông về điều này cả), mà bởi tôi không muốn người khác nghĩ rằng bố tôi coi khinh và thiếu tôn trọng những người làm nghề đó.
Nhưng rồi tôi chợt nhớ đến lời cô em họ từng kể, rằng bố tôi ngày xưa cũng phải vật lộn kiếm từng đồng, rằng ông cũng bị người khác hãm hại đến mức bị tai nạn và ảnh hưởng đến não. Từ đó ông thay đổi.
Tôi cũng từng đi làm kẻ phục vụ, làm "ô sin" "cao cấp" có mà "thấp cấp" cũng có. Thế nên tôi hiểu được nỗi khổ của hai người sinh viên kia. Nhưng tôi càng thương bố tôi hơn - một người phải vật lộn với mọi thứ từ trong đói khổ.
Và điều tôi học được ở đây là:
Sự cảm thông
Thông cảm ở đây không có nghĩa là bênh vực.
Thông cảm chỉ là quyết định của chúng ta sau khi suy xét rõ mọi việc.
Khi gặp phải điều gì đó, tốt hơn hết là nên nhìn mọi việc theo nhiều hướng khác nhau.
Rồi sau đó hẵng quyết định rằng sự việc nên được phán xét theo cách nào.
Và khi nhìn thấy quá nhiều điều.
Khi mọi thứ hiện ra trần trụi trước mắt.
Thay vì chỉ trích...
...chúng ra sẽ học được cách cảm thông.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro