weresa
Lượm lặt những câu chuyện về vàng
01:47:59, 29/10/2009
Ứng xử của người Việt với vàng
Thói quen lười ghi chép, ghi chép không cẩn thận hoặc bị chiến tranh làm cho thất lạc, mất mát một phần kho lưu trữ nên đến giờ hầu như không có tài liệu nào liên quan đến khởi thủy "đời sống" của vàng ở Việt Nam. Các cuộc khai quật, ngay cả tại những di chỉ nổi tiếng, không làm phát lộ hiện vật nào liên quan đến vàng. Nhưng quan niệm của người Việt về vàng thì rất rõ ràng: Vàng có thể là tài sản quý giá nhưng cũng có thể là nguồn gốc của mọi thứ xấu xa. Chẳng hạn, các cụ phê phán: Tham vàng, bỏ ngãi, nghĩa là vì cái lợi kim tiền, vàng bạc mà quên mất, thậm chí không đếm xỉa đến nghĩa tình. Trong chuyện cổ tích Cây khế, người anh tham vàng mà rơi xuống biển. Hoặc trong đoạn Thúy Kiều tính kế chuộc cha, cụ Nguyễn Du cũng viết:
Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xong.
Mấy trăm năm sau, cụ Nguyễn Khuyến chua chát:
Có ba trăm lạng mà xong nhỉ
Ngày trước làm quan cũng thế a!
Dù ít ỏi nhưng sử sách cũng nhắc đến là ngay từ thời Hai Bà Trưng, vàng đã được sử dụng làm đồ trang sức cho phụ nữ các gia đình có thế lực.
Một thời, vàng bị "tẩy chay": Khi miền Bắc bắt đầu hợp tác hóa nông nghiệp, các hợp tác xã không chỉ trồng lúa, trồng màu mà còn thành lập các tổ chăn nuôi, xây nhà vệ sinh công cộng để lấy phân bón ruộng. Nhiều nhà thiếu phân bón, thậm chí đã... dùng vàng để đổi lấy phân.
Có một câu chuyện thật 100% rất ít người được biết. Cách đây đúng 30 năm, một người ăn xin vào quán phở Cường, thị trấn Kim Sơn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình xin đổi một chiếc ấm cũ lấy mấy cân gạo. Năm 1988, trong huyện rộ lên chuyện đồ cổ, ông Cường lục tìm chiếc ấm đổi gạo năm nào thì phát hiện có một bức chúc thư viết bằng chữ Nôm trên giấy dó, khổ 18- 24 cm, 556 chữ. Chúc thư có dấu triện của vua Lê Chiêu Thống, người chấp bút là Thượng thư Ninh Tốn, cho biết có một kho báu 720.000 lượng vàng dưới dạng đồ thờ, ngai, trống và hơn 50 cân đồng đen ở làng Khê Thượng, xã Yên Đồng, Yên Mô (Ninh Bình). Sau bao ngày không tìm ra kho báu, ông Cường... báo UBND tỉnh. Ngay sau đó, có hẳn một lực lượng hùng hậu xẻ núi truy tìm.
Không một tăm vàng nào được phát hiện. Đến nay, đây vẫn là một điều bí ẩn.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, năm 2003, lượng vàng tiêu thụ ở nước ta ước khoảng 48- 50 tấn. Năm 2004 lượng vàng tiêu thụ sẽ vào khoảng ngót 60 tấn. Đây cũng là mức tiêu thụ trong những năm gần đây, trong đó vàng công nghiệp chỉ khoảng 2 tấn, còn lại là dùng để chế tác hay tích trữ. Điều đáng chú ý là hằng năm, Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 1 tấn vàng, đồng thời dù bị kiểm soát chặt chẽ, các bưởng vàng lậu vẫn âm thầm hoạt động, kéo theo nó là vô số người tàn đời bởi vàng đen bao giờ cũng kèm theo máu đỏ.
Những ngày vừa qua ghi nhận sự sôi động và hàng loạt kỷ lục ấn tượng của thị trường vàng. Đà tăng của giá vàng trong nước được xem là khá mạnh, điều trái khoáy là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục được... nới rộng. Chẳng hạn, theo bảng giao dịch điện tử Kitco lúc 9h 50' sáng 20- 10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.066,6 USD/ao- xơ. Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 980.000 đồng/lượng, đã tính thuế và các chi phí khác. Điều trái khoáy này chỉ diễn ra theo xu hướng: tăng thì tăng trước giá thế giới, giảm thì... giảm sau.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới tăng vọt là do đồng USD yếu. Giá USD trên thị trường thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ 14 tháng qua. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ làm giá vàng liên tục leo thang. Người mua vàng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu cũng chỉ tranh thủ đầu cơ, vì vậy tính rủi ro cũng rất cao. Theo tạp chí chuyên về vàng Gold Newsletter, giá vàng thế giới có thể sẽ lên đến 1.100 USD/ounce vào cuối năm 2009 nhưng tờ FastMarkets lại tiên đoán mức 1.200-1.300 USD vào tháng 12- 2009 do đồng USD yếu.
Những tiên đoán này sẽ trở thành sự thực?
Không ai đoán trước được "sóng vàng". Hầu hết các chuyên gia tài chính thừa nhận vô cùng khó dự đoán giá vàng. Tại nước ta, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng không bao giờ đưa ra các lời khuyên nào... quá cụ thể. Lí do đơn giản là nếu mời 5 nhà phân tích giỏi nhất thảo luận thì họ sẽ đưa ra 7 mức giá khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam rất kì lạ, trong những ngày sốt nóng lại tái diễn cảnh người dân (thì ít), nhà đầu cơ (thì nhiều) nhỏ lẻ chen mua, bán vàng miếng. Điều này đã được cảnh báo nhiều lần nhưng đến giờ, ít người chịu... rút kinh nghiệm.
Thị trường vàng vật chất rất sôi động. Một thời gian dài, vàng được xem là "kim bản vị" trong các giao dịch bất động sản. Nhiều người đã phải nuốt cay ngậm đắng bởi giá vàng tăng đột biến, nếu không tiếc hùi hụi vì vừa bán nhà với giá rẻ (so với giá vàng khi tăng) thì cũng è cổ trước gánh nặng nợ nần nếu trót giao kèo trước đó bằng vàng. Xu hướng này chấm dứt trước tiên ở Hà Nội nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh thì mãi gần đây, tập quán giao dịch bằng vàng khi chuyển nhượng bất động sản mới thực sự thoái trào.
Cũng một vấn đề khác cần lưu tâm là chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, trong khi các giao dịch vàng vật chất "nóng bỏng" thì cũng là thời gian các sàn giao dịch vàng mọc lên như nấm sau mưa. Kinh doanh sàn vàng được xem là "mảnh đất màu mỡ" khiến nhiều tổ chức, cá nhân sốt ruột muốn nhảy vào. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 20 sàn giao dịch vàng, trong đó khá nhiều sàn được lập dưới hình thức công ty cổ phần. Việc tổ chức có không ít bất cập và lộn xộn, mỗi sàn hoạt động theo một "luật" riêng, không chịu sự giám sát của cơ quan nào. Đáng chú ý, có không ít sàn vàng đang hoạt động chui, ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Đầu tư vàng tại sàn vàng là hình thức đầu tư mới tại Việt Nam, phát triển sau thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng lại có bước "đại nhảy vọt". Chỉ có điều, tương tự thị trường chứng khoán lúc sơ khai, đầu tư trên sàn vàng có thể kiếm được lợi nhuận lớn nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi lẽ, Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng về việc thành lập và hoạt động của các sàn vàng. Trong khi đó, phần đông các nhà đầu tư lại rất mù mờ về giao dịch vàng theo mô hình này. Theo các chuyên gia, độ rủi ro giao dịch vàng qua sàn đã được khuếch đại lên tới 14,5 lần so với giao dịch vàng vật chất.
Ai có thể đưa ra lời khuyên vào lúc này? Khuyến nghị thường được các chuyên gia tài chính, được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam "chọn" là: - Thận trọng. Nhìn nhận thế nào là việc mỗi người, vì các cụ cũng có đúc rút: Có chí làm quan, có gan làm giàu.
Đức Anh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro