Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phiên chợ của người tu đạo

  Đi ra khỏi làng, Minh Khánh thấy được ông Quân, thằng Ca con ông và bà Mun. Thì ra trong lúc ông Quân chạy ra ngoài, vô tình ông gặp được bà Mun đang đi vào. Thế là chỉ với giá ba con cá chép nướng thật to, ông liền được bà Mun dẫn khỏi căn nhà đến tận bên ngoài ngôi làng. Thấy bà Mun cụp đuôi ôm mặt xấu hổ, Minh Khánh cười phì bế bà lên. Năm người bọn họ trở lại quán cơm của ông Quân đánh chén một bữa no nê. Sáng hôm sau, Minh Khánh tiếp tục hành trình ra Bắc của mình. My và Như Phong thì còn ở lại chữa thương mấy hôm rồi mới trở về trấn Thanh Đô.

Phiên chợ của người tu đạo mà Minh Khánh muốn tham gia nằm ở bên đầm Nhất Dạ thuộc phủ lộ Thiên Trường. Tương truyền ngày xửa ngày xưa vua Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước.

Thuở ấy, ở làng Chử Xá có người tên là Chử Cù Vân và con trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà họ Chử vốn nghèo lại càng thêm sa sút sau một trận cháy, trong nhà chỉ còn mỗi một chiếc khố. Hai cha con phải thay phiên nhau mà mặc mỗi khi ra ngoài. Khi người cha bị bệnh nặng sắp mất, dặn con giữ khố lại, còn cứ chôn mình xác trần. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhất liệm cha mà đem chôn. Từ đó Chử Đồng Tử không có gì che thân, đợi đến đêm mới đi ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn.

Một hôm, thuyền rồng chở công chúa Tiên Dung đến vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy cờ quạt, người hầu rầm rộ, Chử Đồng Tử hoảng sợ, chui vào bụi lau ở bãi cát bờ sông, nấp mình xuống đó rồi phủ cát lên che người. Thuyền rồng ghé vào bờ, Tiên Dung lên chơi trên bãi, thấy cảnh thanh tú, sai người hầu quây màn ở bụi lau để làm nơi cho mình tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử nấp. Đến khi Tiên Dung xối nước, cát trôi để lộ thân hình trần truồng của người trai lạ. Nghĩ nhân duyên do là trời xui khiến, nàng công chúa cưới anh chàng trần như nhộng ngay trên sông.

Tin đưa về kinh đô, Hùng Vương giận dữ lắm. Tiên Dung biết vua cha tức giận, sợ không dám về, bèn cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh.

Chử Đồng Tử một lần cùng khách buôn đị đến một hòn núi giữa biển gọi là núi Quỳnh Tiên, thuyền ghé lấy nước ngọt, Chử Đồng Tử vui chân trèo lên cái am nhỏ trên núi gặp một đạo sĩ trẻ tên là Phật Quang. Chuyện trò ý hợp tâm đầu, Chử Đồng Tử theo lời Phật Quang giao vàng nhờ khách buôn đi mua hàng còn mình thì ở lại đây học đạo.

Đến khi thuyền trở lại, Chử Đồng Tử theo về đất liền. Khi từ giã, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cái gậy, một cái nón và bảo:

"Đây là vật thần thông".

Về đến nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán để cùng chồng đi tìm thày học đạo.

Một hôm trời tối, hai vợ chồng đi đã mệt mà chưa thấy nhà cửa đâu, mới dừng bước lại, cầm gậy che nón nằm dưới mà nghỉ. Vào khoảng nửa đêm, tự nhiên chỗ ấy nổi lên thành quách, cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa, không thiếu một thứ gì. Lại thêm tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xum xít quanh hai vợ chồng.

Sáng hôm sau, dân ở quanh vùng đều lấy làm kinh dị, mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôị Họ vào thành thấy các quan văn võ, lính tráng tấp nập đông đảo như một nước riêng.

Hùng Vương được tin báo cho là con gái làm loạn, vội phái quân đi đánh. Đoàn quân sĩ nhà vua gần tới nơi, bộ hạ Tiên Dung xin ra chống cự, nàng cười mà bảo rằng:

"Tất cả mọi việc đều do ở trời chứ không phải tự ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống hay chết đều nhờ ở trời, dẫu ta có bị phụ vương giết cũng không dám oán hận".

Trời đã tối, quân của Hùng Vương không kịp tấn công, dừng lại đóng ở bãi Tự Nhiên, cách đối phương một con sông lớn. Đến nửa đêm trời bỗng nổi bão, sóng gió cuồn cuộn, nhổ cây ở bãi, đại quân của Hùng Vương rối loạn. Trong chốc lát thành quách cung điện và bộ hạ của hai vợ chồng Tiên Dung đều bay cả lên trờị Sáng hôm sau, người ta kinh dị thấy chỗ đó đã hóa thành một cái đầm lớn. Dân chúng bèn lập đền thờ để cúng tế hàng năm, gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ.

Dân gian đồn đại rằng trong đầm Nhất Dạ còn rơi rớt lại rất nhiều bảo vật của tiên. Người tu đạo cũng nhiều lần tiến vào tìm kiếm và thu hoạch được các loại dược thảo trên trăm năm tuổi cùng với một số vật thần thông. Thấy người tu đạo ra vào rất nhiều, những môn phái xung quanh đầm Nhất Dạ quyết định tập hợp nhau lại lập nên một phiên chợ để trao đổi các loại hàng hóa cũng như để thu thuế. Trải qua mấy trăm năm phát triển, phiên chợ đầm Nhất Dạ đã trở thành một trong những phiên chợ nổi tiếng nhất của giới tu đạo.  

  Thiên nhãn mở ra rồi, con đường Minh Khánh đi thuận lợi bình an đến không ngờ. Ngày đi đêm nghỉ, hắn tới đầm Nhất Dạ sớm hơn dự kiến gần một ngày. Minh Khánh đứng bên bờ nước nhìn ra. Đó là cả một vùng nước mênh mông, lau lách um tùm. Mặc dù trong đầm cũng có một số loại động vật nguy hiểm như cá sấu hay trăn, rắn và các loại côn trùng có độc nhưng Minh Khánh biết thứ đáng sợ nhất trong đầm không phải là chúng. Người ta sợ hãi đầm Nhất Dạ bởi vô số những cái bẫy chết chóc nhất của tự nhiên ẩn trong lòng nó. Đó chính là các vũng lầy. Dù là người tu đạo hay người bình thường, một khi rơi xuống những cái vũng đó thì hầu như đều phải mất mạng.

Minh Khánh có đọc qua cuốn sách Nhập hồn của Kim Thiền chân nhân , một trong những thầy trừ tà nổi tiếng nhất suốt chiều dài lịch sử. Trong đó ông có kể về việc đi tìm thần xác của kẻ xấu số thông qua việc để linh hồn người chết nhập vào người. Ông cảm nhận được những cái chết thông qua ký ức của người xấu số. Một trong những cái chết khiến ông khiếp đảm nhất là cái chết gây ra bởi đầm lầy. Khi nạn nhân rơi xuống vùng sình lầy, dù là đứng yên hay cố gắng vùng vẫy thì cái chết cũng sẽ mau chóng đến với bạn. Chân không có điểm tựa, mọi nỗ lực "bơi" hay di chuyển đều là vô vọng. Chẳng mấy chốc kẻ xấu số bị đầm lầy nuốt chửng. Khi không còn có thể nín thở được nữa thì bùn và cát sẽ tràn đầy phổi, dạ dày. Chúng sẽ đúc tượng nạn nhân từ trong ra ngoài trước khi nhấn chìm người đó xuống phần lỏng hơn phía đáy của đầm lầy. Sau đó kẻ xấu số sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới đó mà không một ai biết.

Bởi thế trong đầm Nhất Dạ, tất cả mọi người đều phải đi thuyền. Minh Khánh đi dọc bờ khoảng năm dặm thì tìm thấy bến. Ở đó có rất nhiều người chờ đò tụ tập chỉ để kiếm ít đông bạc sống qua ngày. Minh Khánh chọn con thuyền nhỏ của một ông già tóc bắt đầu điểm bạc. Minh Khánh ngồi lên phía mũi thuyền, bắt đầu ngắm cảnh xung quanh. Ông lão dường như rất thuộc đường, chỉ trong chốc lát đã đưa con thuyền đi vào trong đám lau sậy. Qua lớp sương mù dày đặc, Minh Khánh phát hiện ra con thuyền đang đi trên một dòng nước rộng chỉ tầm chưa đến hai trượng, hai bên bờ là một rừng lau sậy um tùm.

Thỉnh thoảng Minh Khánh lại thấy những con chim bay lên từ trong bụi khi nghe tiếng chèo khua nước. Hầu hết trong số chúng là cuốc hoặc một loại cò trắng nhỏ. Đôi khi là bói cá hoặc những loài chim lạ mà Minh Khánh không biết tên.

Ông lái đò dường như đã thuộc lòng con đường. Mỗi lần gặp ngã ba hay khúc quanh ông đều điều chỉnh thuyền đi ở giữa dòng, tay chèo thậm chí không hề lắc lư. Đi qua một đoạn, Minh Khánh nhìn thấy một dãy những ngôi mả đắp cao nằm gọn gàng bên bờ nước. Chúng dường như đẫ có từ rất lâu rồi. Những hàng chữ trên tấm bia đá đã mờ đến nỗi đôi mắt tinh của Minh Khánh cũng không nhận ra. Hắn cất giọng hỏi ông chèo thuyền:

-"Ông ơi, những ngôi mộ này là của ai mà nằm tận trong này hả ông?"

Ông lái đò cười khà khà hỏi lại: "Cậu mới đến đây lần đầu đúng không?"

- "Vâng"

Ông ta lại hỏi: "Thế cậu đã nghe về vua Lí Nam Đế bao giờ chưa?"

Thấy Minh Khánh gật đầu, ông bèn cao giọng ngâm:

""Bốn phương phẳng lặng can qua,

Theo nền nếp cũ lại ra Long Thành"."

"Khi đế quốc hùng mạnh ở phương Bắc tung binh xâm lược, , Lý Nam Đế gặp thất bại ở trận hồ Điển Triệt. Ông bèn trao hết binh quyền cho Tả tướng Triệu Quang Phục. Nhưng lúc này số binh lực dưới tay ông ba phần chỉ còn lại hai. Triệu Quang Phục quyết định lui về ẩn náu ở đầm Nhất Dạ ở Khoái Châu. Đầm này rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được. Nếu không quen biết đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết, bị vũng lầy nuốt chửng. "

"Triệu Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn hai vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm,Ông dùng chiến thuật du kích, ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân xâm lược, cướp hết lương thực vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Giặc phương Bắc thua tan tác. Triệu Quang Phục được dân chúng tôn xưng làm Dạ Trạch Vương. Từ đó đầm Nhất Dạ còn có một cái tên nữa là đầm Dạ Trạch. "

Rôì ánh mắt ông lão trở nên đầy tự hào.

"Trong những ngày khó khăn nhất bị giặc ngoại xâm truy lùng càn quét, phải ăn gạo rang, thịt sống, thậm chí là rễ cây để sinh tồn, thế nhưng có rất nhiều binh lính đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để ngăn cản bước chân quân thù tiến vào vũng đất trung tâm của đầm. Nhờ đó đội quân của Dạ Trạch Vương mới có thế đứng vững trước sự càn quét của giặc phương Bắc. Sau khi đuổi giặc ngoại xâm đi rồi, những binh lính đó đều được đồng đội và dân trong vùng mai táng cẩn thận. Những ngôi mộ này chính là có từ thời điểm đó."

- "Thật khó mà tưởng tưởng những ngôi mộ này đã tồn tại gần một ngàn năm."

Ông lão cười: "Đó là bởi vì dân chúng quanh đầm Dạ Trạch tin tưởng rằng những chiến sĩ đó vẫn còn lẩn khuất quanh đây, bảo vệ vùng đất này được an bình. Thế nên cứ đến tết Thanh minh, họ lại dắt nhau tới đây dọn dẹp sửa sang lại những ngôi mộ cũ."

Minh Khánh gật đầu. Thuyền bắt đầu đi vào lớp sương mù. Hơi nước mờ đặc làm khuôn mặt ông lão gần hắn trong gang tấc cũng chẳng thấy. Đi qua làn sương, Minh Khánh nhìn thấy một bến nước rộng. Bên trên là một dãy phố được dựng lên bởi gỗ, tre trúc và lau sậy. Minh Khánh trả tiền cho ông lão rồi lên bến. Hắn mãi mê ngắm nhìn những khối kiến trúc kỳ lạ do người tu đạo tạo nên không để ý thây có một người đang tiến lại. Mãi cho đến khi người đó "E hèm" mấy tiếng, Minh Khánh mới quay mặt lại.

Đó là một người trung niên đứng tuổi. Khuôn mặt và cả thân hình hơi béo. Cái bụng đã bắt đầu phình ra chật căng vạt áo phía trước khiến dáng đi của y trông rất buồn cười. Đôi mắt ti hí cũng khiến cho y thoạt nhìn có vẻ vô hại Thế nhưng Minh Khánh không hề cười. Hắn ngửi được mùi nguy hiểm từ trên thân của người nọ. Người trung niên cúi đầu rất lễ phép: "Xin chào mừng khách quan đến với phiên chợ đầm Nhất Dạ"

Minh Khánh nhìn y hỏi: "Ông là ai?"

Người trung niên cười.

-"Tôi là Văn Quýnh, người quản lí của phiên chợ. Không biết tôi đang được tiếp đón ai đây? "

_"Minh Khánh của phái Phổ Linh." Minh Khánh cũng lễ phép giới thiệu.

"Rất vui được gặp ngài."

Người đàn ông nắm lấy ống áo của hắn; "Nghe danh đã lấu. Vậy xin phép cho tôi đưa ngài đi dạo phiên chợ một lần?"

- "Ai mới đến cũng có vinh hạnh này ư?" Minh Khánh kỳ quái lắm.

- "Không phải, chuyện này hoàn toàn do tôi phụ trách. Nếu tôi thấy ai đó thuận mắt, người đó liền do tôi đưa đi. Nếu tôi ghét ai, kẻ đó sẽ theo gặp một số tên khá phiến toái và ngược lại."  

  Minh Khánh bước đi dưới phố. Hắn ngó qua những ngôi nhà với dáng vẻ kỳ quái, những tấm biển bên ngoài với đủ các loại hình thù, kiểu dáng và màu sắc. Người đàn ông tự xưng là Văn Quýnh giới thiệu: "Khu phố này hầu hết là những người buôn bán lâu năm. Bọn họ có nguồn hàng từ những kẻ thám hiểm trong đầm hoặc là từ các nơi chuyên chở đến."

Minh Khánh hỏi: "Bọn họ bán cái gì?"

- "Đủ các loại mặt hàng. Từ các loại thuốc quý, đến bùa chú, vũ khí, các loại bảo vật..." Ông ta nháy mắt với Minh Khánh. "Cậu cũng đến đây để mua bán phải không?"

- "Tôi muốn đổi một ít tà vật lấy một số thứ cần thiết." Minh Khánh ngượng ngùng nói. "Trên người tôi không có nhiều bạc cho lắm."

Văn Quýnh cười phá lên.

"Cậu đùa với tôi sao? Trên người có một đống tà vật mà lại nói không có bạc? Cậu biết giá một cái tà vật thông thường nhất là bao nhiêu không? Một vạn lượng đấy. Thậm chí còn không có người bán. Từ đầu năm đến giờ tự nhiên số lượng ma quỷ tăng lên rất nhiều. Tà vật cung không đủ cầu, cứ tăng giá vùn vụt."

Minh Khánh cũng ngạc nhiên. "Làm sao ông biết tôi có rất nhiều tà vật?"

Đôi mắt của Văn Quýnh hiện lên ý cười. "Tôi đoán. Hiện giờ ma quỷ rất nhiều. Với thực lực của cậu, chả lẽ không thể bắt quỷ để kiếm tà vật hay sao?"

Rồi ông ta vỗ vai Minh Khánh. "Đi thôi, để tôi đãi cậu một bữa. Cậu mới đến lần đầu chắc chả biết chỗ nào ăn ngon đâu nhỉ?"

Minh Khánh nhìn theo dáng đi của ông ta. Cái tấm lưng bệ vệ ấy bỗng gợi cho cậu một cảm giác thâm sâu khó tả. Hai người dừng ở một quán cơm bé nhỏ ven đường. Ông chủ quán lúc này đang bận túi bụi nhưng thấy Văn Quýnh vẫn ngửng đầu vồn vã chào: "Úi trời hôm nay rồng đến nhà tôm."

Văn Quýnh cười mắng: "Tuần nào chả đến nhà lão ăn mà rồng với chả tôm. Còn bàn không?"

Ông chủ quán cười: "Còn mỗi một cái. Ông may mắn lắm đấy."

Nói rồi dẫn hai người vào trong một chiếc bàn gỗ trong góc tối om. Ông chủ quán hỏi: "Lâu lắm mới thấy ông dẫn người đến ăn cùng nhỉ? Cậu này là...?" Minh Khánh vội đứng lên. "Minh Khánh của phái Phổ Linh. Đây là lần đầu tôi đến đây." Ông chủ quán liền ấn vai cậu xuống. "Không cần đứng lên. Hoan nghênh cậu đến đầm Nhất Dạ." Rồi hỏi cậu: "Cậu thích ăn món gì?"

Minh Khánh đáp:"Tôi rất dễ tính. Món gì cũng được cả."

Ông chủ quán cười. "Thế sao được. Cậu đã đến đây thì tôi phải để cậu ăn một bữa mà nhớ mãi nơi này mới được. Thôi được rồi, tôi sẽ mời cậu ăn những món đặc trưng nhất của vùng này. Xem nào, cá mòi rán, chim nướng muối ớt, bánh cuốn, tương bần, còn gì nữa nhỉ? À cậu uống rượu không?"

Minh Khánh từ chối. Ông chủ quán xắn tay áo đi vào bếp. "Hai người chờ tôi một tí."

Văn Quýnh giới thiệu với Minh Khánh: "Nhìn lão có vẻ thường thường thế thôi chứ đã từng nấu ăn cho cả mấy môn phái lớn đấy. Ở cả phố này ai cũng biết tiếng lão cả."

- "Sao ông ấy không tiếp tục nấu cho các môn phái. Tôi nghĩ tiền họ trả chắc còn bằng mấy lần mở quán ấy chứ."

- "Hà. Ai biết được. Nghe lão bảo lão thích nấu nướng tự do. Nấu cho nhiều người thì khó mà làm công phu lắm." Văn Quýnh nhấp một ngụm rượu trong cái hồ lô mà ông ta đeo theo người. Cái hồ lô trơn bóng rất đẹp làm Minh Khánh lúc đầu còn tưởng là bảo bối.

Chỉ một lát sau ông chủ quán đã bê lên một đĩa cá rán và một đĩa chim nướng. Ông chủ quán báo: "Cá và chim vừa mới bắt hôm qua, cậu nếm thử xem tay nghề chế biến của tôi thế nào?" Minh Khánh cầm một miếng thịt chim trên tay. Miếng đùi vàng sẫm, mỡ dính đầy ngón tay hắn. Mùi thịt béo hòa cùng mùi thơm của sả ớt khiến hắn chảy nước dãi. Hắn nhúng miếng thịt vào bát nước chấm, sau đó đưa lên miệng. "Trời ạ sao mà ngon thế?"

Da chim giòn rộm, thịt chim béo, ăn ngọt và mềm. Từng miếng thịt hơi xém cạnh, lại ngấm đều gia vị chua cay mặn, ăn vào sướng từ đầu đến chân, khiến hắn xuýt xoa không thôi. Ông chủ quán cười: "Thế nào? Ngon chứ?"

Minh Khánh nhồm ngoàm trả lời: "Quá ngon."

Ông chủ quán vui vẻ cười lên ha hả, gắp cho hắn một con cá rán. "Ăn thử cá đi kẻo lão tham ăn kia ăn hết bây giờ. Tôi đi chuẩn bị những món khác."

Minh Khánh cầm con cá trên tay, hít hà. Cá sao mà thơm thế. Văn Quýnh lại chén xong một con cá, vừa hớp một hớp rượu, vừa giới thiệu. "Rất thơm đúng không? Đừng nhìn món cá rán này dễ làm, nhưng làm cho ngon thì rất khó. " Ông ta lại hớp một ngụm rượu.

"Để tôi nói cho cậu, có lần thấy ông ta làm lâu quá, tôi lẻn vào nhìn trộm. Cậu biết ông ta chế biến thế nào không?"

"Ông ta không mổ dọc bụng như các loại cá khác, sau khi đánh sạch vảy cá chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá, và tiện dao khía những đường nhỏ quanh sườn cá. Rồi ông ta cho cá vào ướp, tôi cũng chẳng rõ với gia vị gì. Sau ông ta xâu cá lên nướng trên than. Sau khi cá dậy mùi thơm, ông ta cho ngay vào chảo mỡ lợn nóng rán nổi trên mỡ. "

Minh Khánh gỡ một bụi trứng vàng ruộm trong bụng cá cho vào miệng. Rồi gã gỡ từng miếng thịt cá trắng cho đến khi chỉ còn xương. Mùi cá thơm ngọt, hương vị của gừng tỏi trong nước chấm khiến hắn mê say. Đang chén một cách hăng hái thì Minh Khánh thấy có thứ gì đó nằng nặng nhảy lên đùi mình. Hắn nhìn xuống.

Bà Mun đã tỉnh ngủ từ bao giờ, đang tròn mắt nhìn con cá trên tay hắn. Hai hàng ria của bà rung rinh, nước dãi trong miệng chảy ra trông khá buồn cười. Nhìn vào cái đĩa trống không, Minh Khánh hơi do dự. Hắn hỏi bà Mun: "Chia đôi nhé?" Bà liền lắc đầu.

Minh Khánh lại thương lượng: "Vậy thì chia ba, bà hai phần có được không?"

Bà lại lắc đầu, nước dãi chảy ra càng nhiều. Minh Khánh chưa kịp mặc cả tiếp thì 'Méo', con cá đã bay vào miệng bà rồi. Hắn bất đắc dĩ vỗ vỗ cái bụng béo của bà Mun: "Được rồi, bà xuống đi. Rơi cả vào quần áo của tôi bây giờ." Bà Mun vẫn nằm nguyên trên đùi hắn.

Văn Quýnh nhìn chằm chằm vào bà Mun hỏi: "Một con linh miêu thành tinh?"

Minh Khánh gật đầu.

- "Nó có thể hồi sinh xác chết không?" Văn Quýnh tò mò hỏi.

- "Ông cũng tin mấy chuyện như thế sao?" Minh Khánh phì cười.

- "Tại sao không? Bản thân người tu đạo đã là một thứ gì đó nằm ngoài sự giải thích rồi. Linh miêu nếu hồi sinh xác chết cũng chẳng có gì lạ cả. "

- "Ông nói cũng đúng." Minh Khánh ngẫm nghĩ một lát rồi nói.

- "Thôi ăn uống no say rồi, để tôi dẫn cậu đi đến chỗ làm ăn." Ông ta lảo đảo đứng lên trả tiền rồi xiêu xiêu vẹo vẹo dẫn Minh Khánh đi đến cuối con phố. Ở đó có một tòa nhà bốn lầu rất to.

- "Đây là khu chợ cho những người ở xa đến, không muốn mua cửa hàng. Vào trong đấy cậu chỉ cần tìm người phụ trách đóng tiền là có ngay một gian."

Thế rồi ông ta tiếp tục xiêu xiêu vẹo vẹo bước đi, miệng còn hừ một câu ca gì khá lạ mà Minh Khánh chưa từng nghe.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro