Đêm không yên bình
Anh Ba Kho nhéo vào tay mình. Đau quá. Anh buột miệng chửi thề một câu. Biết mình không nằm mơ, anh Ba Kho mới cúi xuống nhìn hai viên gạch. Vẫn chỉ là hai viên gạch bình thường như bao viên gạch khác. Anh Ba Kho dùng ngón tay chọc chọc vào. Viên gạch vẫn cứng và mát mẻ hệt như lần đầu anh cầm nó lên. Anh Ba Kho để cây đèn xuống đất, rồi nhấc hai cục gạch lên. Vẫn không có gì kì lạ xảy ra cả.
Xoay xoay ngắm ngắm chán chê, anh trở lại chỗ nằm với một viên gạch khác trong tay. Lần này để cho chắc, ngoài việc chèn cửa cận thận, anh còn lấy dây buộc viên gạch vào cái cột nhà. Thế rồi anh thoải mái nằm xuống. "Có giỏi thì bay nữa đi." Cơn buồn ngủ kéo đến thật nhanh. Anh Ba Kho mệt mỏi ngáp một cái rồi nhắm mắt lại. Chả mấy chốc mà anh say giấc nồng. Trên hiên nhà, gió từ ngoài hồ thổi vào từng cơn mát rượi. Tiếng ngáy của Du bộ đầu vẫn đều đều.
Gió thổi càng lúc càng lạnh. Anh Ba Kho quơ tấm chăn chiên bên cạnh khoác lên người, miệng nhép nhép. Đột nhiên mũi anh Ba Kho cảm thấy ngứa ngứa. Anh co người đánh một cái hắt hơi. Trong lúc lấy tay xoa xoa, anh Ba Kho cảm thấy một mùi thối sực vào cổ họng. Anh bịt mũi, thầm nghĩ: "Mùi cá chết ở đâu ra vậy?" Một tiếng hét lớn như tiếng trống đồng làm anh Ba Kho ù tai. "Ai đó? Mau ra đây."
Anh Ba Kho mở mắt nhỏm dậy. Lúc này Du bộ đầu đã đứng lên, đôi mắt ưng của ông chăm chú nhìn xung quanh. Anh Ba Kho cũng vội mò dưới chân lấy căn mác dài hơn một thước. Du bộ đầu bảo anh Ba Kho: "Đốt đèn lên." Anh Ba Kho răm rắp làm theo lời ông. Du bộ đầu bắt đầu cẩn thận đi vòng ra sân, mắt ông chăm chú nhìn từng viên gạch, từng ngọn cỏ. Có lúc ông quỳ xuống sát đất, ngửi ngửi. Anh Ba Kho đi theo, cầm đèn rọi, hai mắt dáo dác nhìn xung quanh xem có ai đang nấp không. Từ trong sân, hai người ra vườn rồi vòng đến sau nhà. Du bộ đầu vẫn cẩn thận tìm tìm kiếm kiếm, nhưng không thu được kết quả gì. Mãi đến lúc gà gáy sáng, hai người mới trở về hiên nhà.
Anh Ba Kho mệt mỏi vớ lấy ống đựng nước, uống một hớp. Mồ hôi rịn ra như tắm trên trán anh. Nãy giờ, mặc dù không hoạt động gì nhiều, nhưng anh rất căng thẳng. Anh chỉ sợ kẻ thủ ác nấp đâu đấy quanh nhà, bất ngờ xồ ra lấy mạng hai người. Mãi đến khi quay lại trước nhà, anh mới hết sợ. Dù gì thì bên anh có những hai người, ai cũng biết võ, chả lẽ hai người lại không đánh được một người. Mà cho dù đánh không lại, chả lẽ lại không chạy được. Nghĩ thế, anh Ba Kho bắt đầu thả lỏng cơ thế. Du bộ đầu vẫn đang ngồi bệt trên bệ cửa miệng lẩm bẩm:"Chả lẽ mình nhầm? Không có lẽ nào..."
Anh Ba Kho lúc này mới hỏi Du bộ đầu:"Sư phụ, hồi nãy có chuyện gì thế?"
Du bộ đầu hơi trầm ngâm, rồi trả lời: "Anh đã từng nghe đến "lục giác" của người giang hồ chưa?"
Anh Ba kho đáp: "Có từng nghe. Lục giác là cách gọi của sáu loại giác quan bao gồm hính giác, vị giác, khứu giác, thị giác, xúc giác, trực giác. Có đúng không sư phụ? "
Du bộ đầu gật đầu: "Đúng vậy, trong sáu loại giác quan, cái thứ sáu là loại huyền bí nhất. Trực giác chỉ là một cách gọi. Bình thường người ta hay bảo nó là linh tính hay cảm thấy. Đó là khi con người cảm nhận được sự thay đổi của bên ngoài, của không gian và thời gian mà không thông qua năm giác quan còn lại. Thậm chí với những người có giác quan thứ sáu bén nhạy, người ta có thể dùng để tiên đoán những gì sắp xảy ra trong tương lai."
Anh Ba Kho hỏi: "Sư phụ muốn nói đến người tu đạo?"
Du bộ đầu lắc đầu: "Không chỉ người tu đạo, mà cả người luyện võ thậm chí người thường cũng có thể có giác quan thứ sáu rất mạnh mẽ. Như trạng Trình, mặc dầu chỉ là thư sinh tay trói gà không chặt, ông ấy có thể dự đoán được triều đại sẽ chết như thế nào, có bao nhiêu đời vua tất cả. Mấy trăm năm sau khi ông chết, ai cũng đều kinh ngạc rằng mọi thứ diễn ra theo đúng y như lời của ông." Nói rồi Du bộ đầu than thở: "Giác quan thứ sáu đúng là một món quà đặc biệt mà ông trời ban tặng cho con người."
Du bộ đầu dùng tay vuốt ve thanh đao trong tay: "Ta từ nhỏ là một trong những người được ông trời ưu ái. Giác quan thứ sáu của ta đặc biệt rất nhạy cảm với sự sống và cái chết. Vì thế nó đã cứu mạng ta vô số lần." Rồi ông nhìn thẳng vào anh Ba Kho: "Đêm nay nó lại đánh thức ta." Anh Ba Kho sợ hãi trước cái nhìn dữ tợn của Du bộ đầu. Anh nói: "Chẳng lẽ sư phụ cho là con muốn làm hại sư phụ?"
Du bộ đầu nghĩ nghĩ rồi lại lắc đầu: "Chúng ta không thù không oán, cũng không có bất kỳ lợi ích nào để tranh giành. Tại sao anh lại muốn giết ta?" Nhưng nói xong ông lại khẳng định: "Trực giác của ta chắc chắn không sai được. Đêm nay đã có người muốn giết ta." Nghe lời nói đanh thép của ông, anh Ba Kho rùng mình hỏi:"Chả lẽ hung thủ trở về đây?" Du bộ đầu lắc lắc đầu: "Trừ phi khinh công của y đạt đến mức siêu phàm nhập thánh, nếu không chắc chắn sẽ bị ta nghe thấy. Hơn nữa bất kể khinh công cao đến đâu, chỉ cần chân chạm đất thì sẽ có dấu vết lưu lại. Anh không biết trước khi ngủ ta đã sắp đặt một ít cạm bẫy xung quanh." Nói rồi ông giơ giơ một cái túi vải nhỏ. "Thứ bột này gọi là "Lưới trời". Chỉ cần hung thủ đạp lên, nó sẽ gây ra một mùi vị kỳ dị. Bọn ta khi đi lùng bắt hung phạm thường dùng...."
Anh Ba Kho reo lên, ngắt lời ông: "Có phải nó có mùi thối như mùi cá chết. Hồi đêm con có ngửi thấy."
Du bộ đầu cau mày: "Không phải rồi. Mùi của loại bột này rất thanh, chỉ những người quen thuộc mới có thể phát hiện ra." Rồi ông nghi ngờ nhìn anh Ba Kho: "Có mùi cá chết sao? Tại sao hồi đêm ta không ngửi thấy." Anh Ba Kho trả lời: "Có lẽ lúc đấy sư phụ ngủ say..." Du bộ đầu lắc đầu phủ nhận: "Không thể nào. Anh không biết đối với bọn người quanh năm đi bắt tội phạm như ta, khứu giác đều cực kỳ nhạy bén. Bất kỳ mùi lạ nào đều khiến bọn ta cực kỳ cẩn thận bới nó có thể trở thành mối nguy cơ chí mạng." Anh Ba Kho cũng gật đầu:"Vậy thì lạ quá, rõ ràng đêm qua con ngửi thấy mùi cá chết mà. À còn nữa, còn chuyện viên gạch.." Anh Ba Kho nhìn về phía cửa. Bất chợt anh sửng sốt. Viên gạch chèn cửa mà anh đã buộc dây vào cột nhà đã không cánh mà bay. Chỉ còn lại đoạn dây ngắn nằm vắt vẻo trên thềm.
Anh Ba Kho sợ đến giật nảy mình. "Sư phụ, sư phụ gạch lại biến mất rồi..." Du bộ đầu quát:"Rốt cuộc có chuyện gì?" Anh Ba Kho liền kể chuyện chèn gạch vào cửa hồi đêm cho sư phụ nghe. Du bộ đầu không nói gì, lẳng lặng cầm sợi dây lên quan sát. Hai người cứ ngồi thế cho đến lúc gà gáy sáng. Lúc này mặt trời vẫn chưa lên. Không gian xung quanh vẫn còn tối tăm. Anh Ba Kho bỗng cảm thấy buồn tè. Anh đi ra sân, đến bên gốc chuối để xả cơn buồn. Trong tiếng nước chảy xè xè, anh Ba Kho chợt nghe tiếng cá quẫy trong hồ. Không biết con cá nào mới rạng sáng đã ló mặt ra kiếm ăn. Ngáp ngắn ngáp dài, anh Ba Kho quay trở lại trong nhà. Bỗng anh lại nghe thấy mùi cá chết. Anh vội gọi Du bộ đầu: "Sư phụ, sư phụ lại có mùi cá chết này." Du bộ đầu nghe tiếng anh, liền đi vội ra sân. Ông khịt khịt mũi rồi khẳng định: "Đúng là mùi cá chết. Hướng gió phát ra từ phía hồ." Nói xong ông vội vã đi ra sân, rồi xuyên qua khoảnh vườn nhỏ trồng đầy cây. Anh Ba Kho cũng bám sát theo ông. Đi khoảng bốn năm mươi bước, hồ nước liền hiện ra trước mặt. Làn nước tối om om như miệng một con cá khổng lồ mới chết, phun ra từng hơi thở thối đến không ngửi được.
Du bộ đầu và anh Ba Kho bắt đầu đi vòng dọc theo sát mép hồ để xem cái mùi thối phát ra từ đâu. Mãi đến khi tia nắng đầu tiên ló ra, mặt hồ trở nên sáng sủa, họ mới tìm được nguyên nhân của cái mùi thối đó. Đó là một cái xác chết trôi nổi trên mặt hồ, cách bờ khoảng hơn mười trượng. Cái xác nằm úp sấp, chỉ thấy mỗi phần lưng và tóc trên đầu nổi lên trên mặt nước. Du bộ đầu không ngần ngại liền cởi đồ ra rồi lao xuống. Một lát sau ông đã kéo được cái xác vào bờ. Đó là một người đàn ông còn trẻ tuổi, theo như Du bộ đầu nói chỉ khoảng hai lăm đến ba lăm tuổi. Anh ta bị dìm chết, quần áo trên người cũng bị lấy mất. Thời gian chết là khoảng hơn một tháng trước. Vì ngâm nước nhiều nên mặt cái xác đã biến dạng, rất khó để nhận ra. Thân thể nạn nhân cũng trương phồng lên và trắng hếu như lợn nái có chửa, trông thật tởm lợm.
"Thảo nào thối như vậy." Anh Ba Kho nghĩ thầm rồi đưa cái còi lên miệng thổi một tiếng thật to. Đó là dấu hiệu yêu cầu tập trung nên chỉ một lát sau, đám dân tráng đã có mặt. Anh Ba Kho ra lệnh: "Mang mọi người trong làng đến đây xem có ai nhận ra được người này không!" Đám dân tráng vội vã đi vào trong làng. Anh Ba Kho chờ khoảng nửa canh giờ thì mọi người đã tập hợp đủ, không thiếu một ai. Thế nhưng kết quả giống như anh Ba và Du bộ đầu đã đoán. Chẳng có ai cung cấp được thêm manh mối mới nào. Anh Ba Kho hơi thất vọng, Thấy trời nắng lên, mọi người đứng cũng vất vả, liền giải tán ai về nhà nấy. Du bộ đầu vẫn loay hoay quanh cái xác nhưng anh Ba Kho không muốn lại gần. Gió thổi mạnh khiến cái xác càng lúc càng bốc mùi thối khủng khiếp. Anh dặn đám dân tráng nấu cơm sáng mặc dù chẳng muốn ăn tí nào. Bụng anh cồn cào như sẵn sàng phun ra bất kỳ thứ gì trong bụng.
Thấy anh khó chịu. Du bộ đầu đưa cho anh một cái lọ nhỏ, bên trong có một ít dầu thơm, bảo anh quẹt lên mũi. Anh Ba Kho làm theo. Bôi xong anh khịt khịt mũi. Cái mùi thối như biến mất hẳn. Trên mũi anh chỉ còn lại mùi hương thoang thoảng của hoa nhài. Anh nhìn cái lọ, thầm nghĩ. "Có lẽ hôm nào phải nhờ sư phụ đặt mua giùm một lọ mới được." Như đoán được ý nghĩ của anh, Du bộ đầu giải thích: "Thứ này có tiền cũng chưa chắc đã mua nổi. Đây là hàng của người tu đạo. Ta có quen với đệ tử phái Mộc Quyết nên được biếu tặng một lọ." Anh Ba Kho lè lưỡi, thầm nghĩ cái lọ nhỏ này trên thị trường chắc phải vài trăm lượng bạc là ít.
Đang đứng đợi chôn cất cái xác, một người dân tráng ra chỗ anh Ba, miệng ấp úng định nói gì đó mà không nói nên lời. Anh Ba Kho nhận ra đây là thằng Bò Ba Xị, cháu ông Ba chuyên nuôi bò cái ở xóm trên. Bò Ba Xị từ bé mồ côi cha mẹ, sống với ông. Nhà neo người mà cả hai ông cháu lại thích nhậu nên nó nấu ăn khá là ngon. Thế là anh Ba Kho nhận nó vào đội dân tráng để phục vụ cơm nước cho anh em. Thấy thằng Bò Ba Xị lúng túng, anh Ba hỏi: "Có chuyện gì đấy cu Bò?"
Mặt thằng Bò Ba Xị nhăn nhó như sắp khóc, lí nhí đáp: "Ông Bành ông ấy cầm bạc mua thức ăn mà trốn đâu mất. Đệ tìm ổng từ lúc mờ sáng đến giờ mà chả thấy đâu." Anh Ba Kho nhăn mày. Ông Bành mà thằng Bò Ba Xị gọi là cháu của lí trưởng làng anh. Mặc dù đã hơn ba mươi nhưng vẫn chưa lấy nổi vợ. Tính tình thì lất ba lất bất nên trong đội dân tráng chả ai ưa. Chỉ có thằng Bò Ba Xị vốn thích nhậu nhẹt nên mới kết bạn nổi với gã. Anh Ba hỏi lại: "Đã tìm kỹ chưa?" Thằng Bò Ba Xị mếu máo:"Đệ tìm khắp làng rồi. Cũng chả ai thấy ổng cả. Hồi đêm ông đi tè xong biến mất tiêu luôn."
Anh Ba Kho nhíu mày. Số bạc mất chỉ là tiền ăn của anh em dân tráng trong mấy ngày mà thôi. Cũng chả đáng để gã Bành làm như thế. Anh Ba Kho đang suy nghĩ thì Du bộ đầu đã trở lại. Ông hỏi anh có chuyện gì thế. Anh Ba Kho kể lại việc gã Bành cầm tiền trốn mất. Du bộ đầu trầm ngâm một lát rồi hỏi: "Trong đám dân tráng ai quen với hắn nhất?" Anh Ba liền chỉ thằng Bò. Du bộ đầu hỏi thằng Bò Ba Xị: "Hắn có đặc điểm gì dễ nhận biết không?" Thằng Bò Ba Xị nghĩ một lát rồi trả lời: "Sau dái tai của ổng có một cái nốt ruồi đen to như cái cúc áo." Du bộ đầu suy nghĩ một lát rồi như lên cơn động kinh, chạy ào về phía đám dân tráng đang lấp đất, vừa chạy vừa quát: "Dừng lại, dừng lại!"
Đám dân tráng sợ hãi liền ngừng tay. Du bộ đầu chẳng nói chẳng rằng nhảy ngay xuống hố, dùng tay bới đất lên. Cho đến khi toàn bộ đầu cái xác lộ ra, Du bộ đầu mới dùng tay cầm lấy hai cái tai nạn nhân rồi quan sát kỹ càng. Anh Ba Kho và đám dân tráng cũng xúm lại. Dưới ánh mặt trời, anh Ba Kho nhìn thấy rõ ràng trên dái tai bên trái của cái xác có một nốt ruồi đen và to bằng cái cúc áo. Anh Ba Kho sợ quá. Chả lẽ cái xác là gã Bành cháu lý trưởng? Nếu vậy thì tại sao chỉ trong một đêm cái xác lại biến dạng nhiều đến thế?
Du bộ đầu xem một lúc rồi đứng dậy, nhảy lên khỏi hố đất. Ông ra hiệu cho đám dân tráng tiếp tục lấp đất. Anh Ba Kho hỏi: "Có khả năng là hắn không?" Du bộ đầu gật gật đầu. Anh Ba Kho hỏi: "Làm thế nào hắn mới chết đêm qua mà cái xác đã biến dạng nhiều như thế?" Du bộ đầu trả lời:"Có rất nhiều cách để làm cái xác phân hủy. Nhiệt độ hay một số chất độc đều dễ dàng làm được. Thậm chí có những loại khiến cái xác biến thành một vũng nước chỉ trong giây lát." Anh Ba Kho lại hỏi: "Nhưng làm thế nào sư phụ biết được là hắn? Lỡ ai đó cũng có một cái nốt ruồi đen như thế thì sao?" Du bộ đầu suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: "Tỉ lệ trùng lặp như thế rất hiếm. Không phải vì thế mà những đặc điểm này được miêu tả trong "căn cước" để chứng minh một người nào đó. Thêm nữa, anh biết hồi nãy ta tìm được gì trong dạ dày nạn nhân không? Cháo đỗ xanh và thịt vịt." Nói rồi ông bỏ đi, để mặc anh Ba Kho đứng thẫn thờ. Anh đang nhớ tới bữa tối ngày hôm qua, thằng Bò Ba Xị mua đâu được con vịt. Sau khi luộc xong, nó lấy nước ấy nấu cháo đỗ phục vụ mọi người. Anh Ba Kho ăn xong còn khen thằng Bò nấu ngon nên anh nhớ rõ lắm.
Lúc này một cơn gió lạnh thổi qua khiến anh Ba rùng mình. Trưa nắng nhưng sao ở cái làng này thấy lạnh lẽo thế? Anh dùng hai tay ôm lấy người, trông lên đám dân tráng đang hì hục đắp mộ. Bọn họ vẫn chưa biết đang chôn chiến hữu của mình. Anh Ba Kho lại nghĩ không biết nên nói chuyện với bọn họ như thế nào để anh em khỏi tụt sĩ khí. Trở lại trong làng, anh Ba và đám dân tráng mới thấy Du bộ đầu đang dẫn theo thằng Bò Ba Xị chuẩn bị thuyền. Ngoài nồi cơm và gạo, bọn họ còn mang theo không ít ngọn đuốc. Thì ra Du bộ đầu định đi ra hòn đảo nơi xảy ra vụ án. Anh Ba đành chọn lấy năm người, thêm anh và thằng Bò nữa để đi cùng Du bộ đầu ra đảo.
Tám người ngồi lên hai chiếc thuyền dài nên cũng khá rộng rãi. Mỗi thuyền có hai người chèo, thay phiên nhau nên bọn họ đi rất nhanh. Chả mấy chốc mà anh Ba Kho đã nhìn thấy đám sương mù bao quanh hòn đảo. Trời về trưa, mặt trời đã lên tới tận đỉnh đầu mà sương vẫn không tan hết, nổi trôi từng đám như mây bọc lấy hòn đảo. Hai chiếc thuyền đi sát trong sương, chỉ sợ lạc mất nhau. Cuối cùng thì cũng đặt chân lên đảo một cách bình an. Anh Ba Kho sai người cột thuyền cẩn thận, phái thằng Bò chặt củi nấu cơm xong bắt đầu cùng Du bộ đầu đi dọc theo bờ cát. Chả mấy chốc mà bọn họ tìm được hiện trường vụ án. Bảy cái xác chết nằm lung tung trong chiếc lán mới dựng lên. Không giống với cái xác tìm thấy hồi sáng, bảy người đều trông như mới chết ngày hôm qua. Du bộ đầu bắt đầu kiểm tra từng cái xác một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn. Sau cùng ông kết luận cả bảy người đều bị dìm chết.
Một lúc sau, Du bộ đầu bảo anh Ba Kho chuyển cả bảy cái xác lên thuyền. Sau đó mọi người bỏ dở cả nồi cơm đang nấu lên thuyền trở về làng. Anh Ba Kho định hỏi lí do tại sao lại vội vàng như thế nhưng nhìn thấy khuôn mặt căng thẳng của Du bộ đầu, anh cũng biết điều ngậm miệng không hỏi. Về đến làng Du bộ đầu có vẻ như vừa trốn thoát một kiếp, bảo anh Ba:"Tí nữa mang theo mọi người trở về làng Diên Hạ." Anh Ba Kho cảm thấy kỳ lạ. Anh cảm thấy Du bộ đầu trước và sau khi lên đảo trông như hai người. Nhưng vì tin tưởng sư phụ, anh cũng không nói nhiều, mang mọi người cùng đồ đạc lên thuyền. Lần này, trên thuyền còn có thêm bảy cái xác.
Đến chập chiều thuyền mới cập bến làng Diên Hạ. Vì tránh cho mọi người hoảng sợ, anh Ba Kho ra lệnh cho đám dân tráng bí mật mang bảy cái xác lên một nhà kho kín đáo nằm cạnh bờ nước, cách bến tàu khoảng hai trăm thước. Đó là một căn nhà kho cũ được dân làng dựng lên dùng để chứa những thứ hàng hóa không sạch sẽ. Du bộ đầu dặn anh Ba Kho: "Cho dù như thế nào thì cũng phải bảo vệ kỹ cho bảy cái xác." Anh Ba Kho hỏi:"Sư phụ, có chuyện lớn rồi phải không ạ?" Du bộ đầu nhìn anh lúc lâu mới trả lời: "Hòn đảo đó rất nguy hiểm. Lúc lên đó, trực giác của ta mách bảo phải chạy trốn ngay, đừng quay đầu lại." Anh Ba Kho cũng run bắn lên. Chẳng lẽ kẻ giết người nấp trên hòn đảo?
Dường như nhìn thấu suy nghĩ của anh, Du bộ đầu mới nói: "Anh cũng đừng suy nghĩ kẻ giết người nữa. Đó không phải là vấn đề mà chúng ta có thể giải quyết được." Anh Ba Kho cảm thấy giọng nói của ông không trầm ổn như thường ngày nữa. "Anh biết không? Cả bảy nạn nhân đều bị dìm chết nhưng dường như không ai dám phản kháng. Không hề có lấy một vết tích của sự chống cự. Trong mắt bọn họ, ngoại trừ sợ hãi cũng chỉ còn có sợ hãi..." Du bộ đầu thở dài. "Nếu ta đoán không nhầm thì mấy người này đều từng là tù phạm, thậm chí là trọng phạm. Vậy thứ gì khiến cho cả đám người hung ác đều sợ hãi mà buông bỏ chống cự, thậm chí chết rồi mà ánh mắt vẫn còn không thể thoát khỏi nỗi sợ?.... Ta nghĩ ta phải trở về tổng bộ một chuyến. Nếu may mắn chúng ta có thể tìm được lời giải..." Anh Ba Kho nghe sự phụ muốn đi, vội vàng trở về nhà chuẩn bị. Anh cũng có một ít thổ sản để hiếu kính sư mẫu và các tiểu sư đệ. Anh không nhận ra đôi mắt dần mờ tối của Du bộ đầu.
Đưa Du bộ đầu đi rồi, anh Ba Kho trở về nhà đánh một giấc. Đêm qua anh không ngủ đủ giấc, cả ngày nay cũng mệt mỏi nên vừa đặt lưng xuống sàn là anh ngáy như sấm. Thấy anh Ba Kho ngủ say, nhà anh cũng không ai đánh thức anh dậy ăn cơm tối. Thế là anh ngủ thỏa thích, cho đến khi cơn đói cồn cào trong ruột quấy nhiễu.
Anh Ba Kho trở dậy. Trong nhà tối om om làm anh cũng chả biết lúc này là mấy giờ rồi, chỉ biết đêm đã khuya lắm. Anh vớ lấy cái đèn cầy bên giường, châm lửa lên. Bên cạnh anh, vợ anh vẫn còn đang say giấc nồng. Anh vén chăn, đắp lên cho vợ, rồi rón rén đi xuống giường. Mò mãi mới thấy đôi dép, anh xỏ vào rồi cầm cây đèn cầy đi ra phòng ngoài. Nhà anh cũng không rộng lắm, ngoài phòng khách và phòng ngủ của vợ chồng anh thì chỉ có thêm hai gian. Một gian làm kho đựng thóc còn một gian là phòng ngủ cho hai đứa con. Anh Ba Kho tháo then cửa, bước ra sân. Một mùi hương quen thuộc phả vào mũi khiến anh cảm thấy thoải mái. Đó là hỗn hợp của mùi rơm rạ, mùi hàng xoan đầu ngõ, mùi hương hoa bưởi trong vườn và vô số những hương vị mà anh chẳng nhớ nổi.
Anh Ba Kho vươn vai, duỗi người khiến từng khớp xương kêu lên răng rắc. Anh cảm thấy sự hôi thối, bẩn thỉu và mệt mỏi ngày hôm qua như biến đâu mất. Anh quay người hướng xướng bếp. Căn bếp nằm vuông góc với nhà chính, ngay bên sân. Căn bếp mặc dù không cao ráo như trên nhà, nhưng cũng khá sạch sẽ. Anh Ba Kho dễ dàng tìm thấy nồi cơm nguội, nồi cá tràu kho được úp lồng bàn cẩn thận. Vì sợ chuột vợ anh còn đè cả cái thớt gỗ lên. Anh Ba Kho đốt bếp lên rồi hâm lại nồi cá. Cơm nguội chan nước cá kho nóng hổi thì khỏi chê vào đâu được.
Trong lúc chờ nồi cá sôi lên, anh Ba Kho mở tủ chạn, lôi ra chai rượu nếp mà anh đã giấu kỹ trong góc. Anh mở nút lá chuối, hít hít hà hà, rồi rót ra một bát đầy. Bình thường chả bao giờ anh uống rượu một mình thế nhưng hôm nay là ngoại lệ. Cá sôi rồi anh nhấc nồi cái ra mâm. Cũng chẳng thèm bát đũa gì, anh ăn bằng cái thìa ngay trong nồi luôn. Cơm nguội ngắt được chan nước kho cá lên bắt đầu tỏa hương thơm. Hạt gạo bắt đầu mềm ra, vừa khô vừa dẻo, nhai trong miệng thật dính, thật bùi. Thêm vào đó vị nước cá kho mặn mặn ngọt ngọt khiến anh ăn đến đâu biết đến đấy.
Anh xúc lấy một khoanh cá tràu, đưa lên miệng cắn một miếng. Cá mềm, thịt dai như thịt gà, đượm vị tiêu và mắm. Anh nhấp một hớp rượu, khà một tiếng đầy thỏa mãn. Chả mấy chốc mà nồi cơm hết veo. Nồi cá kho cũng chỉ còn phân nửa. Anh Ba Kho ợ một tiếng, đậy nồi cá lại cẩn thận rồi vỗ vỗ bụng bước ra sân. Anh vác cái chõng tre ra trước sân, tháo cái điếu treo trên cửa sổ xuống, tiện tay vơ lấy ấm trà. Trời hôm nay lắm mây, chả có trăng sao gì khiến khoảng sân rộng cứ tối om om. Anh Ba Kho ngồi gác một chân lên chõng, dứt ít thuốc lào trong bao ra rồi ve lại. Xong anh nạp thuốc vào, châm đóm, rít một hơi thật sâu. Xong anh bắt đầu nhả khói, đôi mắt lờ đờ có vẻ sáng khoái lắm. Anh Ba Kho đang run run tay cầm cái chén trà lên thì một cơn gió lạnh làm anh rùng mình. Chén trà trong tay anh rơi độp xuống chõng, nước trà đổ ra dính cả vào quần. Anh Ba Kho tức giận chửi thề một câu rồi đứng lên đi vào nhà lấy giẻ lau. Nhưng vừa bước chân vào cửa thì anh bỗng ngửi thấy cái mùi ngai ngái khó chịu.
Vì trong mũi trong miệng con dư vị của thuốc lào nên anh Ba Kho không nhận nổi cái mùi hôi đó là mùi gì. Anh bước vào trong nhà, tìm mãi mới thấy cái dẻ lau. Trong nhà tối quá làm anh đá phải cái bô đựng rác, may mà nó không đổ ra. Anh Ba Kho gạt cái bô xuống dưới ghế, mò mẫm lấy đại cái áo của vợ treo trên tường để ra làm gối. Vừa ra cửa thì cái mùi thối lúc nãy lại xuất hiện. Anh Ba Kho khịt khịt mũi, ra sân lấy cái đèn cầy. Anh bắt đầu dò theo cái mùi đó. "Chắc lại có con chuột nào chết đây." Anh Ba Kho nghĩ vậy. Anh Ba Kho đi một vòng quanh nhà mới phát hiện mùi thối đó bắt nguồn từ chính căn phòng ngủ của vợ chồng anh. Vào nhà rồi, sợ đánh thức vợ, anh đi rất nhẹ. Đến bên giường, cái mùi thồi đó nồng nặc khiến anh phải bịt mũi lại.
Quái thối thế mà vợ anh vẫn ngủ được. Anh Ba Kho nghĩ bụng rồi bắt đầu soi đèn xuồng dưới gầm giường. Gầm giường rất sạch, chả có mạng nhện hay bụi bặm gì. Cũng phải thôi, vợ anh vốn tính sạch sẽ nên quét dọn thường xuyên. Anh Ba Kho kéo chiếc rương gỗ đựng bát đũa ra. Chiếc rương này là của hồi môn của vợ. Bát đũa trong này ngoài dịp lễ tết thì chả bao giờ dùng đến. Anh Ba Kho mở chiếc rương ra. Bên trong bát đũa xếp một cách gọn ghẽ và cẩn thận, lại sạch sẽ không có lấy một hạt bụi. Quái, thế mùi thối từ đâu ra? Anh Ba Kho tò mò. Trên giường, vợ anh vẫn ngủ ngon. Nghĩ nghĩ một lúc, anh Ba Kho lay vợ. "Mẹ nó ơi, mẹ nó." Vợ anh không trả lời. Anh Ba Kho lại lay lần nữa. Vợ anh vẫn không hè động đậy.
"Ngủ gì mà say thế không biết." Anh Ba Kho hơi bực mình, kéo luôn cái chăn vợ anh đang trùm. Rồi anh ngã ngửa ra, trên khuôn mặt không còn một giọt máu. Vợ anh đã biến thành cái một xác từ lúc nào. Đặc biệt nhất là thân thể nàng như bị ngâm nước nhiều ngày, phình lên, trắng ởn, hôi thối khủng khiếp.
*******************
Hồ Kinh Dạ vẫn mênh mông sóng vỗ. Trên thuyền chú Miên đang hăng hái kể chuyện, Minh Khánh thì nghe một cách say sưa. Tám tuổi là cái tuổi đầy tò mò và khao khát tìm hiểu những điều mới lạ. Mặc dù câu chuyện của chú Miên hơi ghê rợn, nhưng với Minh Khánh, nó cũng chỉ như những câu chuyện cổ tích thôi, thậm chí có phần gay cấn và hấp dẫn hơn. Tiếng vẫy nước cắt đứt câu chuyện của chú Miên. Sư phụ Văn Sơn từ dưới mặt hồ nổi lên, khuôn mặt ông có vẻ vui. Ông vuốt vuốt nước trên mặt rồi cười với chú Miên: "Tìm thấy rồi. Trống mất một mộ." Chú Miên kéo ông lên thuyền, đưa cho ông cái khăn lau, miệng nói: "Thảo nào dạo nầy thấy hồ nhiều âm khí hơn bình thường. Tôi lại cứ tưởng là do đến mùa."
Sư phụ Văn Sơn lau kỹ đầu tóc, mìm cười nói: "Ngày mai làm lễ cúng mượn hòm thôi. Hi vọng cái xác vẫn nằm yên ở đoạn sông làng Me chứ không trôi đi đâu xa. Trôi nữa tìm mệt lắm." Chú Miên chèo thuyền đưa ba người về lán. Ba người ngủ một giấc đến sáng rõ mới tỉnh dậy. Minh Khánh bắt đầu nấu cơm sáng. Sư phụ và chú Miên thì mang lễ ra chỗ hồi đêm để cúng và mượn hòm. Minh Khánh nấu xong cơm, chờ một lúc thì thấy hai người trở về, trên thuyền còn chở theo một chiếc hòm bằng gỗ to.
Ăn xong, ba người thu dọn đồ đạc bắt đầu trở về. Lần này thuyền phải đi làm hai chuyến, một chuyến chở hòm, một chuyến chở người và đồ đạc. Chuyến đầu tiên, Minh Khánh và chú Miên chở cái hòm về bến trước. Trên thuyền Minh Khánh tiếp tục háo hức nghe tiếp câu chuyện rùng rợn dang dở đêm qua.
*******************
Tiếng ú a ú ớ của chồng đánh thực chị Ba Kho. Chị chép miệng, vỗ vỗ lên má chống. "Thầy nó ơi, thầy nó." Chị vừa gọi xong thì thấy anh Ba Kho bật dậy. Trong bóng tối chị không nhìn rõ khuôn mặt chồng nhưng vẫn thấy vẻ hoảng loạn trong đôi mắt anh. Chị Ba sờ sờ lên người chồng. Áo anh ướt đẫm mồ hồi. Chị xót chồng, hỏi nhỏ: "Thấy nó mơ gì mà sợ thế? Áo ướt hết mồ hồi rồi nãy. " Rồi chị ngồi dậy. "Để tôi đi lấy áo khác cho thầy nó thay kẻo cảm lạnh thì khổ." Chồng chị nghe thấy vội nắm lấy tay chị. "Đừng đi, đừng đi." Bàn tay run run của anh Ba Kho nắm chặt lấy tay chị. Chị Ba sợ chồng có chuyện, an ủi anh. "Ừ thì không đi. Nhưng để tôi đốt đèn lên nhé." Anh Ba Kho gật đầu.
Chị Ba châm đèn cầy lên. Căn buồng ngủ của hai vợ chồng không còn tối om om nữa. Lúc này chị mới thấy anh Ba Kho ngồi co ro tựa vào thành giường. Khuôn mặt ánh lúc trắng lúc xanh. Đôi mắt anh vô hồn. Từ khi lấy anh đến giờ, chưa bao giờ chị Ba thấy chồng mình sợ hãi đến thế. Anh Ba vốn nổi tiếng gan lỳ khắp làng, lại biết võ. Nhớ ngày trước, vì mai phục bắt trộm, chồng chị từng kéo mấy anh em dân tráng ngủ đêm ở bãi tha ma ba bốn ngày liền. Chị sợ lắm, thế nhưng nói với anh thì anh chỉ cười rồi làm lơ đi. Chị Ba kéo chăn đắp cho chồng, hỏi: "Thấy nó mơ cái gì mà sợ thế?" Anh Ba không đáp lời chị, chỉ nói một cách vô thức. "Nó đến rồi, nó đến rồi."
Chj Ba nghe mà chả hiểu gì cả. Chị muốn đi ra ngoài thì chồng chị không cho đi nên chỉ ngồi yên. Cứ thế hai vợ chồng thức đến sáng. Lúc chị mở cửa cho ánh nắng ban mai rọi vào phòng, anh Ba Kho mới như tỉnh hồn lại. Anh cũng không ngăn vợ đi ra ngoài nữa nhưng vẫn ngồi ôm gối như một pho tượng. Mãi đến khi chị Ba nấu xong, bưng lên đút cho anh ăn hết một bát to cháo đỗ hành tăm thì anh mới đỡ đi đôi chút. Rồi anh nằm xuống ngủ, chắc đêm qua đã mệt lắm.
Anh Ba Kho chưa ngủ được bao lâu thì có hai người một cao một thấp chạy vào. Chị Ba biết hai người này cũng trong đội dân tráng với anh. Người to cao tên là Bảy Dậu, người thấp béo tên là Xồm Bánh Ú. Cả hai vừa cùng làng, lại vừa là họ hàng xa với anh Ba Kho nên trong đội dân tráng thuộc vào thân tín của anh. Chị Ba đưa tay lên xuỵt ra hiệu cho bọn họ yên lặng, rồi nói: "Hai chú vào uống nước. Anh Ba vừa mới ngủ. Hôm qua anh bị cảm trằn trọc cả đêm."
Xồm Bánh Ú trả lời chị: "Chị Ba ơi, chuyện gấp lắm. Bọn đệ cũng khuông muốn làm phiền anh Ba lúc này nhưng mà..." Chị Ba thấy khuôn mặt Xồm Bánh Ú đầy lo lắng mà bảy Dậu cũng gật đầu lia lịa mới chép miệng. "Thôi thế để tôi vào kêu anh Ba..." Anh Ba Kho thấy vợ gọi, cũng không rời giường, chỉ bảo vợ mang hai người kia vào. Bảy Dậu và Xồm Bánh Ú thấy khuôn mặt tái xanh của anh Ba Kho liền lên tiếng thăm hỏi. Anh Ba Kho chỉ ậm ờ cho qua, rồi hỏi: "Có chuyện gì mới xảy ra sao?" Xồm Bánh Ú thưa: "Anh Ba ơi, xóm Thượng đêm qua chết mất mấy người.... Hồi sáng có người qua báo tín." Anh Ba Kho cũng không hoảng hốt hỏi lại: "Sao mà chết?" Bảy Dậu đáp: "Thấy bảo là bị dìm chết." Anh Ba Kho nói: "Hai người lấy thêm mấy anh em dân tráng, phong tỏa chỗ đó lại. Rồi gọi lão Tư ở nghĩa trang cùng với thầy lang đi coi, xem rõ ràng chết thế nào, chết bao giờ..." Xồm Bánh Ú lại hỏi: "Anh Ba không đi sao?" Anh Ba Kho lắc đầu chán nản: "Tôi ốm lắm. Mà có đi cũng chẳng giải quyết được gì" Nói rồi anh trùm chăn nằm ngủ tiếp khiến hai người đứng nhìn nhau.
Anh Ba Kho nằm một mạch đến tận trưa thì Xồm Bánh Ú đến nhà. Gã còn xách theo con gà đưa cho chị Ba bảo để tẩm bổ cho anh. Chị chối mấy lần không được nên cũng đành phải nhận. Thế rồi gã vào trong nhà nói chuyện với anh Ba. Không biết hai người nói chuyện gì mà anh Ba Kho sợ đến xanh mặt. Cho đến khi gã Xồm Bánh Ú nói chuyện xong ra về một lúc lâu anh vẫn ngồi đờ ra như khúc gỗ. Trưa hôm ấy anh Ba Kho bỏ cơm, chị Ba hỏi gì cũng chỉ ậm à ậm ờ cho qua chuyện. Thế rồi anh dặn chi Ba xuống ngôi chùa thiêng nhất vùng ở làng dưới mời sư thầy về làm lễ. Chị Ba cũng chả hiểu gì nhưng vẫn làm theo lời chồng.
Hai ngôi làng cách nhau không xa, chỉ mất khoảng một canh giờ là tới. Sư thầy cũng biết tiếng anh Ba nên cũng không làm khó dễ gì, chờ chị cúng tiền hương đèn xong là theo chị về nhà. Thấy sư thầy anh Ba Kho mừng đến chảy nước mắt. Anh bắt đầu kể cho thầy và vợ nghe câu chuyện mấy hôm rồi. Vợ anh Ba cũng sợ lắm, hướng bốn phương khấn rối rít. Sư thầy thì yên lặng suy nghĩ. Một lúc sau, sư thầy yêu cầu vợ anh bar a chợ mua lễ cúng để sư thầy làm lễ giải hạn. Tối hôm đó, ăn cơm xong, sư thầy bắt đầu bày bàn thờ ra. Lễ cúng rất dài, vợ chồng anh Ba Kho cũng chả hiểu gì, chỉ biết bò lổm ngổm khấn theo thầy. Lễ cúng diễn ra từ lúc chập choạng tối đến tận nửa đêm. Cả sư thầy lẫn vợ chồng anh đều mệt phờ ra. Vợ anh biết ý liền lấy nồi cháo gà nấu sẵn lúc tối ra mời thầy.
Anh Ba Kho đã đỡ nhiều. Mặc dù anh không biết cúng giải hạn có được việc không nhưng nó khiến anh cảm thấy yên tâm hơn phần nào. Anh ăn ba bát cháo xong, đang đinh đi dọn giường cho sư thầy ngủ thì Bảy Dậu tới. Khuôn mặt gã có phần hốt hoảng: "Anh Ba ơi, bến tàu xảy ra chuyện rồi." Anh Ba Kho rụng rời cả chân tay nhưng vẫn cố hỏi lại bằng một cái giọng trấn tĩnh: "Có chuyện gì thế?" Bảy Dậu trả lời: "Đệ không thấy mấy người chuyên canh gã ở cái kho kia đâu."
Anh Ba Kho hỏi lại, giọng anh run run: "Cái kho nào?"
Bảy Dậu dường như không để ý tới khuôn mặt thất thần của anh Ba Kho, gã giải thích: "Là cái kho mà huynh bảo bọn đệ canh giữ bảy cái xác chết đó." Anh Ba Kho ngồi phịch xuống ghế, lẩm bẩm hỏi lại: "Chuyện xảy ra lúc nào?" Bảy Dậu trả lời: "Hồi nãy đệ với Xồm Bánh Ú ra đưa cơm cho mấy người gác mà chẳng thấy một ai. Hai người bọn đệ tìm khắp xung quanh, gào khản cả cổ họng mà vẫn chẳng có ai đáp lời."
Anh Ba Kho trong thâm tâm cảm thấy mấy người kia chỉ sợ lành ít dữ nhiều. Sau một hồi suy tính, anh cảm thấy không thể bỏ mặc bọn họ. Một phần do mấy người dân tráng đó cùng anh quen biết đã lâu, việc canh giữ nhà kho là anh ra lệnh cho họ, một phần nhân có sư thầy ở đây, anh cũng muốn biết thứ đó là cái gì? Thế là anh Ba Kho bảo Bảy Dậu đi tập hợp anh em lại, càng đông càng tốt, nửa canh giờ sau gặp nhau ở gốc đa chỗ miếu thờ giữa làng. Bảy Dậu nhận lệnh liền đi ngay. Anh Ba Kho liền nói chuyện với sư thầy. Sư thầy cũng không phản đối, chỉ bảo anh: "Đến lúc gặp thứ đó, thí chủ và mọi người phải nghe lệnh của bần tăng." Anh Ba Kho gật đầu rối rít.
Nửa canh giờ sau, ở chỗ ngôi miếu giữa làng, hơn hai mươi người dân tráng tụ lại một chỗ. Anh Ba Kho phổ biến công việc xong thì đoàn người kéo nhau ra bến tàu. Bến tàu vào giữa đêm khuya vắng ngắt. Những kho hàng to lớn nằm hai bên đường khiến con đường dường như càng chật hẹp và âm u. Trời không có gió. Không gian yên lặng đến mức có thể nghe được nhịp thở của người bên cạnh. Cũng chẳng hiểu vì sao mà mọi người không ai nói với nhau một câu nào. Dường như việc ở xóm Thượng đã đến tai mọi người. Có lẽ ngoại trừ sư thầy thì mọi người trong đội dân tráng đều sợ hãi. Anh Ba Kho thấy mấy người đi bên cạnh anh lau mồ hôi liên tục. Con đường tưởng gần mà hóa ra thật xa. Mọi người đều đè bước chân thật chậm. Thế nhưng cuối cùng họ cũng bước lên đến bờ hồ. Chiếc cầu đá dài vẫn nằm chênh vênh trên mặt nước, hai bên neo đầy các loại thuyền lớn thuyền nhỏ. Mọi người đi dọc về phía nam hai trăm thước, ở đó có một cái nhà kho cũ nằm cách xa những nhà kho khác.
Mặt hồ đêm nay yên ắng lạ thường. Dường như lũ cá đã biến mất, thậm chí đến một tiếng búng nước anh Ba Kho cũng không nghe thấy. Anh Ba Kho liếc nhìn bầu trời. Mây mặc dù không dày lắm nhưng tụ lại thành những đám lớn mang hình thù kỳ dị. Anh Ba Kho cũng không nhìn nhiều, anh sợ những đám mây sẽ gợi lên cho mình những suy nghĩ về "thứ kia". Nhà kho đã gần lắm rồi. Qua ánh đuốc anh Ba Kho thậm chí còn nhìn thấy cái mái xiên xiên vẹo vẹo của nó. Ngoài ra anh còn thấy hai cái cửa thông gió nằm trên cao gần sát mái. Lúc này hai cái lỗ tối đen như mực, trông hệt như hai con mắt đang theo dõi đoàn người.
******************** Một cơn ho sù sụ đưa Minh Khánh trở về với thực tại. Đây không biết là lần thứ mấy trong đêm mà hắn tỉnh giấc. Cơn nhức nhối trong lồng ngực cùng cảm giác ngứa ngáy nơi cổ họng vẫn làm phiền hắn. Minh Khánh đưa tay với lấy cái ống nứa đựng nước mà ông chủ nhà treo trên tường. Cái ống nứa nhẹ bẫng. Không biết hắn đã uống hết nước tự khi nào. Minh Khánh tung chăn ra, lọ mọ xuống giường. Trời hẳn là đã bắt đầu tờ mờ sáng. Bên ngoài từng cơn gió lùa vào mang theo vị ẩm của lá khô. Minh Khánh đẩy cửa, hai cánh của gỗ mở toang ra. Hơi lạnh đập thẳng vào mặt hắn, mang theo sự thoáng đãng của vùng đồng quê. Mưa vẫn đang rơi rả rích. Bầu trời cũng âm u mang theo cái màu sắc trắng bệch lạnh lẽo.
Minh Khánh đưa cái ống nứa ra hứng nước mưa. Hắn kiếm một chỗ sạch ngồi bệt xuống chờ đợi. Trước mắt hắn là một khoảng không mênh mông vô tận. trắng trắng, mờ ảo. Cơn đau như thấm vào lục phủ ngũ tạng, khiến hắn như muốn bóp nát trái tim của chính mình. Chỉ cần không cần thở nữa, không cần phải cảm nhận, không cần phải chịu đựng. Hắn ước gì mình có thể chết để thoát khỏi nỗi đau. Nhưng thực sự hắn vẫn ngồi đây, dựa lưng vào cây cột, không nhấc nổi mình dậy, và cơn đau vẫn tiếp tục tàn phá ý chí của hắn.
Minh Khánh mò mẫm trong ngực, từ trong áo lấy ra một vật màu xám. Đó là một chiếc răng nanh hổ cũ kĩ, rạn nứt, sứt mẻ tùm lum. Chiếc răng nanh này là món quà mà chú Miên tặng cho hắn trước lúc chia tay. Chú nói rằng con hổ là chúa sơn lâm, trong rừng dẫu vật âm hay dương đều phải sợ nó. Vì thế những biểu tượng sức mạnh của nó như răng hay móng đều có thể làm vật trừ tà. Chiếc răng nanh này đã theo Minh Khánh trong suốt chín năm, khiến hắn chả bao giờ bị ốm đau bệnh tật. Chỉ tiếc trong lúc Minh Khánh đánh nhau với Ngưu Khanh đại vương, nó đã vỡ và bị yêu khí làm bẩn. Có lẽ hắn nên trở lại hồ Kinh Dạ một lần. Ở nơi đó dường như có gì đó mà hắn từng quên lãng. Mải suy nghĩ Minh Khánh lại thiếp đi.
Trời vẫn mưa tầm tã. Thỉnh thoảng trên cái bầu trời xám xịt ấy, lại có những tia sét sáng loáng như dao, rạch ra từng lớp mây âm u, vẽ lên những đường ngoằn ngoèo, khẳng khiu. Chẳng có ai biết trên bậc thềm ngôi nhà nhỏ sau vườn nhà cụ Trầm , có một chàng trai tuổi mười tám đôi mươi đang dựa lưng vào cây cột nhà ngủ say sưa. Bất chấp hơi lạnh và tiếng sấm, đôi mi đen đen vẫn khép chặt. Đôi môi khô nứt nẻ thỉnh thoảng vẫn mở ra như đang nói mớ. Chàng trai không hề biết rằng cách chàng không xa, trong một bụi cây ngoài vườn, có một cái bóng trắng đang theo dõi chàng. Đôi mắt y lấp lánh nhìn vào chàng trai, hệt như một con mèo trông thấy một miếng mỡ thơm ngon béo ngậy.
Căn nhà kho mặc dù tối tăm nhưng lại yên bình hơn mọi người tưởng. Bảy cái xác vẫn nằm nguyên trong bảy cái hòm trên kệ, không thay đổi gì nhiều. Trong căn nhà kho cũng khá sạch sẽ, ít nhất sư thầy bảo thế. Anh Ba Kho ra lệnh cho mọi người đốt đuốc sáng trưng cả trong nhà kho lẫn bên ngoài, rồi chia nhóm thử đi vòng ra xung quanh xem mấy người kia có lang thang đâu đó hay không? Trong căn nhà kho sáng trưng, cuối cùng chỉ còn lại anh Ba Kho và sư thầy.
Tiếng gọi í ới của đám dân tráng bên ngoài càng lúc càng xa. Vẫn không hề có ai đáp lại. Anh Ba Kho nóng ruột, bắt đầu đứng lên đi đi lại lại. Thỉnh thoảng anh lại vén cái mành cửa nhìn ra bên ngoài xem.
Sư thầy thì vẫn ngồi yên trên một cái ghế vuông, đôi mắt hơi híp lại, miệng lẩm nhẩm tụng kinh. Chỉ có điều bài kinh của ông khiến anh Ba Kho không cảm thấy yên bình một chút nào, thay vào đó anh càng lúc càng sốt ruột. Anh đưa mắt nhìn sư thầy. Sư thầy cũng không còn trẻ nữa. Trên khóe mắt cũng đã có nếp nhăn. Bộ áo nâu sồng của người tu hành trong chùa che lấp cái thân hình gầy gò của ông, chỉ để lộ khuôn mặt và hai bàn tay. Bàn tay phải khẽ úp lên đùi, bàn tay trái đang nắm lấy chuỗi hạt. Ngón tay mảnh khảnh có vẻ hơi run run. Nhìn đến đấy, anh Ba Kho chợt cảm thấy việc đi cùng sư thầy ra đây cũng chưa chắc đã an toàn hơn bao nhiêu.
Trời càng lúc càng về khuya. Anh Ba Kho nhìn mấy ngọn đuốc đã cháy phân nửa, nhíu nhíu mày. Mấy người kia chắc chắn đã lành ít dữ nhiều. Nếu như người làm hại bọn họ là hung thủ từng gây án ở xóm Thượng, thậm chí sẽ không có một ai sống sót. Anh Ba Kho đưa mắt về phía hồ nước. Mặt hồ vẫn tăm tối và tĩnh lặng như trước. Chẳng lẽ cái hồ này ẩn chứa một con ác quỷ mà trước giờ không ai biết. Lúc này có người gõ cửa căn nhà kho. Ai Ba Kho mở cửa ra thì thấy Bảy Dậu. Khuôn mặt trứng chim của gã lấm tấm mồ hôi. Gã bảo với anh Ba Kho: "Anh Ba ơi, bọn đệ tìm thấy một chiếc giày." Anh Ba Kho nghe có manh mối, hỏi lại: "Ở đâu, biết của ai chưa?" Bảy Dậu lại đáp: "Không biết của ai cả. Nhưng chắc chắn là loại giày đã phát cho đội dân tráng."
Anh Ba Kho cũng không nhiều lời, nói: "Đi thôi." Anh nhìn sư thầy. Ông cũng nghe được cuộc nói chuyện của hai người, đã đứng lên. Ba người đi vòng ra sau nhà kho, xuyên qua mấy lùm cây rậm rạp bên hồ. Ở một bãi cát thoai thoải cạnh hồ nước, anh Ba Kho nhìn thấy mấy người đã đứng chờ sẵn. Toàn là những khuôn mặt quen thuộc trong đội dân tráng của anh. Thấy anh Ba Kho, bọn họ tíu tít chào. Anh Ba gật đầu chào lại. Mấy người bọn họ đưa cho anh một chiếc giày. Đó là loại giày vải chuyên đặt làm riêng cho đội dân tráng. Chiếc giày cũng đã cũ mòn, đặc biệt phía gót chân đã thủng một lỗ be bé. Anh Ba Kho cảm thấy cái giày này rất quen, nhưng của ai thì anh không nhớ. Anh chỉ hỏi: "Tìm thấy thế nào?" Một người trả lời: "Lúc bọn đệ đi qua đây thì thấy nó nằm chỏng chơ trên bãi cát như vậy." Gã bắt đầu đặt chiếc giày về lại chỗ cũ ban đầu.
Anh Ba Kho nhìn kỹ. Chiếc giày nằm nghiêng nghiêng trên bờ cát, mũi giày hướng ra mặt hồ. Anh cảm thấy nó có một ý nghĩa nhất định nào đó. Chẳng lẽ người nọ đánh rơi trong lúc chạy trốn? Nhưng y có chạy thì nên chạy về làng chứ chẳng có ai chạy ra hồ cả. Mà có chạy ra hồ thì dấu chân y để lại ở đâu? Nếu như vụ án mất tích này giống như những việc đã xảy ra trước đó, chắc hẳn hung thủ sẽ không để lại bất kỳ một dấu vết nào, tại sao nơi đây lại có một chiếc giày sót lại? Vô số câu hỏi hiện ra trong suy nghĩ khiến tâm trí anh Ba Kho như một đoàn đay rối. Một điều làm anh bực bội hơn là tất cả những câu hỏi đó lại không hề có đáp án. Thấy anh Ba Kho yên lặng, Bảy Dậu lại hỏi anh: "Anh Ba ơi, làm sao bây giờ?"
Anh Ba Kho nghĩ lại một lúc rồi nói: "Trở về nhà kho đã rồi nói." Khi mấy người trở lại nhà kho, trởi bắt đầu nổi gió. Cơn gió mặc dù không có gì khác thường, nhưng nó khiến anh Ba cảm thấy càng thêm bất an. Có lẽ nên gọi mọi người trở lại. Anh Ba Kho dừng trước cửa căn nhà kho, hỏi sư thầy: "Thưa thầy, đến giờ vẫn không tìm thấy gì cả, có lẽ chúng ta nên về thôi." Sư thầy gật gật đầu. Anh Ba Kho đưa còi lên miệng. Anh định thổi thì bỗng có tiếng người kêu rên: "Á." Anh giật mình quay lại, hỏi bằng cái giọng bình tĩnh nhất mà anh có thể phát ra. "Có chuyện .. gì thế?"
Một người nói: "Không có gì đâu anh Ba. Tại cái cột bị mối ăn nên đệ bị dằm đâm vào tay." Nhìn thấy tay gã chảy máu, anh Ba Kho chợt cảm thấy điềm không lành. Lúc này có người giơ đuốc lên, soi rõ cây cột đã bị mối ăn một khoảng lớn. Người đó còn than thở: "Tuần nữa mà không xử lý hết đám mối, chúng nó sẽ sạch cái cột này cho coi." Anh Ba Kho cũng không lên tiếng, khả năng ăn uống của đám mối chết tiệt anh cũng thấy qua mấy lần rồi. Chờ đã nào, hình như anh bỏ sót thứ gì đó. "Mối, ... môi, ... mồi." Anh Ba Kho lẩm nhẩm, mồ hôi lạnh toát ra như đang tắm. Nếu cái giày đó là mồi nhử, nếu hung thủ thực sự muốn bọn anh tìm ra cái giày đó, thì tất cả câu trả lời đều đã có. Vấn đề là tại sao hung thủ lại phải dụ dỗ anh ra chỗ đó? Với sức mạnh siêu nhiên của nó, làm thịt anh và sư thầy lúc chỉ có hai người trong nhà kho không phải tốt hơn sao?
Anh Ba Kho cảm thấy mình đi vào bế tắc. Nhưng anh biết chắc chắn một điều rằng hiện tại tình cảnh của mình rất nguy hiểm. Anh liền thổi ba hồi còi. Anh không muốn ở lại nơi này thêm một tí nào nữa. Anh chỉ muốn về nhà, nấp trong phòng và trùm kín chăn. Mặc kệ hung thủ là ai anh cũng không quan tâm nữa. Chức trưởng đội dân tráng ai muốn làm thì cho họ làm. Tiếng còi của anh Ba Kho vang lên một lúc lâu, lại không hề mang người nào trở lại. Tất cả những người khác dường như đều đã tan biến. Anh Ba Kho lúc này mới rụng rời chân tay. Anh nghĩ đến việc mồi nhử không phải chỉ có một chiếc giày.
Nhưng chưa hết hi vọng, anh Ba Kho lại đưa chiếc còi lên định thổi mấy tiếng nữa. Sư thầy ngăn anh lại, thở dài: "Đừng thổi nữa. Vô dụng thôi." Anh Ba Kho nhìn sư thầy, khuôn mặt ông lúc này hiện lên vẻ buồn man mác. Ông đưa cho anh một lá bùa, dặn: "Tí nữa cho dù có chuyện gì, kể cả bần tăng gọi, cũng đừng ngoái đầu lại. Cứ nhìn rõ đường mà chạy." Anh Ba Kho nắm chặt lá bùa cứu mạng, hỏi sư thầy: "Thầy cảm nhận được điều gì à?" Sư thầy đáp: "Bần tăng cảm thấy kiếp số của bần tăng đến rồi." Nói rồi ông lại lắc lắc đầu, móc trong ngực ra mấy lá bùa khác, đi phát cho những người còn lại.
Thế nhưng ông chưa kịp phát thì có một người đã cướp mấy lá bùa trong tay ông. Sư thầy hơi sửng sốt, anh Ba Kho cũng giận, anh quát: "Bảy Dậu, đệ làm cái gì vậy?" Bảy Dậu lúc này đang cầm mấy cái lá bùa, chăm chú nhìn kỹ. Y không hề trả lời anh Ba Kho. Anh Ba Kho quát lớn: "Còn không mau trả lại cho sư thầy. Đó là bùa cứu mạng đấy." Mấy người còn lại cũng chăm chăm nhìn vào y. Nếu như y không trả lá bùa cho mọi người, nhất định sẽ bị đánh. Bảy Dậu không sợ hãi, y ngẩng đầu lên nhìn sư thầy, vẩy vẩy nói: "Thứ này rất tầm thường, nhưng cũng khá hiệu dụng đấy." Mọi người không hiểu y muốn làm gì, chỉ có sư thầy quát. "Còn đứng đấy làm gì? Tất cả chạy mau." Lúc này đám bùa trong tay Bảy Dậu đã bắt đầu bốc cháy rừng rực. Không biết ai kêu một tiếng, thế rồi ngoại trừ anh Ba Kho và sư thầy, tất cả đều bỏ chạy. Khuôn mặt Bảy Dậu mà anh Ba Kho quen thuộc bắt đầu biến hình. Nó nứt ra, thành vô số mảnh máu thịt. Đám máu thịt ấy nhảy nhót tùm lum trên chiếc xương sọ rồi bắt đầu gắn liền lại, thành một khuôn mặt kỳ lạ mà anh Ba Kho chưa bao giờ gặp. Y nhìn anh Ba, cười một cách đầy dọa dẫm, hai hàm răng trắng ởn trông thật đáng sợ.
Anh Ba Kho lúc này còn chưa tỉnh hồn lại, thì bị sư thầy đẩy một cái. "Chạy đi, đừng ngoái nhìn lại." Thế là anh cũng vắt chân lên cổ chạy. Đầu óc anh trống rỗng. Anh Ba Kho cũng không thể hiểu tại sao đàn em thân tín của mình lại trở thành hung thủ. Anh chỉ biết cắm đầu chạy. Thỉnh thoảng sau lưng anh lại có tiếng hét thảm thiết. Nhưng anh không quan tâm. Anh chỉ biết chạy, chạy để cứu lấy tính mạng của anh. Về đến đầu làng, anh còn nghe thấy tiếng sư thầy kêu khóc, nhưng anh Ba Kho biết anh không thể ngoảnh đầu lại. Đôi mắt anh ướt đẫm, răng anh nghiến chặt. Nếu như có thể, anh thề sẽ băm vằm nó thành tro bụi.
Gió thổi làm tấm áo ướt đẫm mồ hôi của anh Ba Kho lạnh buốt. Anh run lên cầm cập. Cái cổng quen thuộc nhà anh đây rồi. Anh bắt đầu đập cửa. Có tiếng vợ anh trả lời. Anh Ba Kho rũ người xuống, khuôn mặt cắt không còn giọt máu. Có một mùi thối như mùi cá chết bắt đầu theo gió tỏa ra khắp nơi. Đôi mắt anh Ba nặng trĩu lại. Sau đó anh không còn biết gì nữa.
Lúc anh Ba Kho tỉnh lại thì đã là ba ngày sau. Vợ anh ôm cổ anh mừng đến phát khóc. Chị bảo cứ tưởng anh đi luôn rồi. Thì ra sau khi về đến nhà, anh Ba Kho bắt đầu sốt li bì. Suốt một ngày anh chỉ mê sảng, nói mớ và nôn mửa. Chị Ba nhờ người lên huyện mời thầy lang giỏi nhất về chữa cho anh. Thế nhưng lúc thầy lang bắt mạch xong thì cũng lắc đầu. Ngoài việc bị khí lạnh xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng, trong lòng anh còn cất giấu một nỗi sợ hãi quá khủng khiếp. Nỗi đau về thể xác và cả về tinh thần trộn lẫn khiến thầy lang cũng bó tay. Ông chỉ khuyên gia đình nên chuẩn bị hậu sự sẵn cho anh. Chị Ba năn nỉ mãi thầy lang mới chịu dùng phương thuốc gia truyền để chữa cho anh. Đó là phương thuốc toàn độc dược, chuyên dùng cho những người bệnh thập tử nhất sinh. Đó là một phương thuốc lâu đời có nguồn gốc từ giới tu đạo. Nó rút ngắn tuổi thọ của người sống nhưng lại có thể mang họ về từ cõi chết.
Suốt một đêm sau khi uống thuôc sanh Ba chỉ ho ra máu. Thầy bảo nếu anh không qua được thì sẽ chết ngay trong đêm. May mắn thay đến lúc sáng, anh Ba Kho mặc dù đuối lắm rồi nhưng vẫn còn thở. Thầy lang bảo chị Ba nấu cháo sâm đút cho anh. Thế là anh sống, trốn thoát một cách ngoạn mục khỏi bàn tay của thần chết. Hôn mê thêm một ngày rồi anh cũng tỉnh lại. Anh Ba Kho muốn hỏi cái gì nhưng nhìn khuôn mặt lo lắng của vợ và hai đứa con nhỏ anh lại thôi. Việc của anh hiện nay là phải chữa khỏi bệnh và sống khỏe. Anh không muốn vợ anh trở thành góa phụ, con anh trở thành trẻ không cha. Anh ngoan ngoãn húp hết bát cháo mà vợ đưa. Mùi tía tô, mùi hành mùi trứng, thơm phức chả hiểu sao khi vào miệng lại đắng nghét. Thế nhưng anh cũng cố nuốt gần hết bát cháo. Anh Ba đang ăn cháo thì nghe thấy bên ngoài có tiếng kèn, tiếng trống, tiếng than khóc vang lên ầm ĩ. Anh Ba Kho nhìn vợ. Vợ anh chép miệng: "Hai mươi mấy người đi cùng lúc thầy nó ạ. Làng phải thu xếp chia thời gian để đám ma nào cũng có đủ người đưa tiễn."
Hệt như vợ anh nói, đám ma kia vừa đi thì đám ma khác lại tới, cứ nối tiếp nhau, nối tiếp nhau tưởng chừng không dứt. Chị Ba sợ anh không nghỉ ngơi được, định khép cửa sổ lại thì anh Ba Kho không cho. Anh bảo: "Cứ để thế đi." Anh ngước nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Thấp thoáng sau hàng tre xanh là những ngọn phướn đen trắng cứ lầm lũi bước qua. Anh Ba Kho tưởng chừng như nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc sau hàng tre ấy. Bọn họ bước qua, chào anh để về với đất mẹ. Hai mươi mấy người thanh niên trai tráng, hai mươi mấy cái trụ cột gia đình, hai mươi mấy cái sinh mạng, cứ thế bị anh chôn vùi. Giá như anh mặc kệ bảy cái xác, giá như anh không phái người đi tìm giữa đêm, giá như anh phát hiện sự kỳ lại của Bảy Dậu sớm hơn, thì tất cả có lẽ đã khác. Chính sự vô tâm của anh mới chính là tội ác.
Anh Ba Kho lẩm nhẩm đếm số đám ma đi qua. Từ lúc tỉnh lại cho đến hoàng hôn, có trọn vẹn hai mươi bảy cái. Có lẽ nó còn nhiều hơn số người làng chết trong chục năm qua. Cứ nghĩ về bọn họ, anh Ba Kho lại tự trách mình.
-"Cha ơi, cha làm sao thế?" Một tiếng gọi đầy non nớt cắt đứt những suy nghĩ của anh Ba. Anh Ba Kho nhìn ra cửa. Đứa con gái lớn của anh đang nhìn anh bằng một ánh mắt lo lắng. Đôi mắt to tròn mở ra nhìn anh chăm chăm. Hai cánh tay bé xíu đang bưng một bát cháo nóng to. Khuôn mặt xinh xắn lem nhem đầy vết than. Khuôn mặt con bé lấm tấm mồ hôi. Anh Ba Kho vẫy tay. "Cha không sao. Vào đây con." Con bé chậm rãi bưng bát cháo đặt xuống giường. "Cháo con mới nấu, cha ăn luôn cho nóng" Anh Ba Kho vuốt vuốt mấy vết than đen nhẻm trên khuôn mặt con gái, trong lòng đầy xót xa. Con gái anh mới bảy tuổi. Ở cái tuổi của nó anh còn cởi truồng tồng ngồng theo bạn chơi khắp làng. Mấy ngày qua, hẳn con bé lo cho anh lắm. Nó đâu có làm nên tội tình gì để sống trong cảnh sợ hãi như vậy. Anh Ba Kho quyết định anh sẽ rời xa ngôi làng này. Anh sẽ tìm một mảnh đất nào đó, mang theo gia đình để bắt đầu lại. Anh sợ hãi việc phải tiếp tục sống trên cái vùng đất bị nguyền rủa này. Thấy con gái vẫn đứng chờ, anh xoa đầu con bé hỏi: "Mẹ đâu?"
"Mẹ xuống nhà bà Mai lấy thêm trứng gà."
Thấy con bé vẫn đứng nhìn, anh đành bưng bát cháo lên, húp mấy miếng. Lúc này con bé mới chịu đi nấu cơm. Ăn xong bát cháo, anh Ba Kho cảm thấy đỡ hơn nhiều. Anh đặt lưng xuống bắt đầu thiếp đi.
Anh Ba Kho ngủ không được bao lâu thì vợ anh về, bàn tay chị sợ lên đầu anh. Chị kê gối, đắp thêm chăn cho anh rồi mới ra ngoài. Chắc là ăn cơm với con. Anh Ba Kho mơ mơ màng màng ngủ tiếp. Mãi cho đến khi một tiếng khóc rấm rứt trong đêm đánh thức anh. Anh Ba Kho cảm thấy tiếng khóc sao mà quen thế. Anh ngồi dậy. Bên cạnh vợ anh đang ngủ ngon lành, chắc mấy ngày nay chị mệt mỏi lắm rồi. Anh Ba Kho vén màn lên. Trong bóng tối, có một bóng trắng đang ngồi trên cái ghế vuông gần cửa khóc rấm rứt. Trong bóng tối, anh Ba Kho cũng không nhìn rõ đấy là ai. Anh đành cất tiếng hỏi: "Ai đấy?" Cái bóng trắng ngừng khóc, ngẩng lên nhìn anh: "Cha ơi, con đây."
"Cái Bống hả? Sao đang đêm đang hôm lại khóc hả con? Lai đây nào." Nghe tiếng con gái, anh Ba Kho thở phào. Anh gọi con lại. Trong bóng tối, con bé dò dẫm đến gần bên giường. Khuôn mặt trắng hồng quen thuộc của nó lem nhem nước mắt. Anh Ba Kho vén màn lên, ra hiệu cho con bé ngồi xuống giường.
Cái Bống ngoan ngoãn ngồi xuống giường, nó quệt quệt nước mắt:"Cha ơi, con sợ lắm." Anh Ba Kho định an ủi con thì bỗng sững người. Thế rồi anh vươn tay ra đánh cho con gái một cái tát, gằn giọng hỏi: "Mi là ai?" Con gái anh liền ngã từ trên giường xuống. Bất ngờ thay, nó cũng không khóc không kêu mà chỉ ngửa mặt nhìn anh chằm chằm, khóe miệng rớm máu nhếch lên cười trông khá dữ tợn. "Làm sao người biết là ta?"
Anh Ba Kho đáp: "Con gái ta thích sạch sẽ, nó sẽ không đi chân đất." Con gái anh Ba Kho cúi đầu nhìn hai bàn chân trần trắng nõn, gật gật đầu: "Đây là do ta sơ ý. Ta chỉ lấy nguyên bộ dạng của nó lúc nãy trên giường." Nói rồi con gái anh cười hơ hớ, lộ ra hàm răng trắng ởn: "Còn ta là ai, mi chắc cũng đoán được mà. Mấy đêm trước ta tìm mi một lần, hẳn có hình dạng như thế này." Nói rồi, khuôn mặt của nó máu thịt bắt đầu bong ra trông thật khủng khiếp. Đám máu thịt ấy bắt đầu nhảy nhót, sau đó gắn lại tạo thành một khuôn mặt mới – khuôn mặt của Bảy Dậu.
Anh Ba Kho rít trong miệng như sợ những người trong gia đình thức giấc: "Mi còn muốn tìm ta làm gì? Chừng ấy cái mạng người chưa đủ hay sao? Mi còn muốn thế nào nữa đây?" Giọng anh giận dữ, đôi mắt anh tóe lửa tưởng chừng muốn bóp chết con quái vật trước mặt ngay tức khắc. Con quỷ nheo mắt cười với anh Ba Kho. "Ồ bây giờ tại sao mi lại không sợ ta nhỉ? Ta nhớ lần đầu báo mộng mi sợ muốn tè ra quần cơ mà." Nói rồi con quỷ ung dung đứng dậy. Trong bóng tối anh Ba Kho chỉ nhìn thấy cái lưng cao to quen thuộc của Bảy Dậu. Con quỷ lấy cái ghế gỗ đặt vào trong giường, ngay trước mặt anh Ba Kho. Nó bắt đầu ngồi xuống.
-"Ta muốn làm một cuộc mua bán."
Anh Ba Kho hỏi lại: "Mi muốn thế nào?"
Con quỷ cười to: "Mạng vợ chồng mi, thêm hai đứa con, mỗi người đổi mười mạng thế nào?"
Anh Ba Kho lạnh lùng nhìn nó: "Ta từ chối. Có chết ta cũng sẽ không bán linh hồn cho quỷ dữ?"
Con quỷ cười khà khà:"Mi không sợ chết, không có nghĩa là vợ mi không sợ chết. " Nói rồi nó đưa tay lên sờ tóc vợ anh. Anh Ba Kho gạt tay nó ra. "Đừng chạm vào người của vợ ta." Bàn tay nó lạnh buốt như nước hồ vào mùa đông. Con quỷ chỉ cười, nó lại sờ lên người vợ anh.
"Ta cứ chạm, mi làm gì được ta? Không chỉ vợ mà cả con mi nữa. Thế nào, đến đánh ta, cắn ta đi." Nó đưa ngón tay trỏ lên mặt mình. Anh Ba Kho đột nhiên yên lặng. Anh thì thầm với con quỷ. "Ta không sợ mi đâu. Sức mạnh của mi phải đến cạnh hồ mới có thế giết người. Ở nhà ta, mi cái gì cũng không làm được."
Con quỷ nghe anh Ba Kho nói vậy, bật cười. "Tại sao mi cho là ta phải đến cạnh hồ mới có thế giết người? Mi không thấy ta đang ở trong nhà mi mặc dù đã khóa cửa kỹ sao?"
Anh Ba Kho nhìn nó. "Nếu mi có sức mạnh để làm hai người khác ngay ở trong làng, ta tin rằng cái làng này đã trở thành làng chết. Mi chỉ có thể làm hại người khác nếu dụ bọn họ đến cạnh hồ. Chiếc giày mà mi để lại hẳn là ẩn giấu một loại phép thuật nào đó, để những người từng tiếp xúc không thể trốn thoát. Nếu không bọn ta chạy xa hồ nước rồi mi chỉ có thể đứng nhìn mà thôi. Sư thầy hẳn là đã thấy được kiếp nạn của ông ấy từ lúc tiếp xúc với cái giày đó."
Con quỷ vỗ tay mấy cái rất to, than thở với anh Ba: "Thật không ngờ mi ốm đau mấy ngày qua mà còn rất sáng suốt." Rồi nó lại nhe răng với anh Ba Kho.
"Mi không nghĩ rằng ta sẽ dụ dỗ vợ con ngươi ra hồ sao? Ta có rất nhiều cách để làm điều đó. Sau đó ta sẽ từ từ xé rách linh hồn bọn họ, nhai nuốt và thưởng thức chúng một cách chậm rãi..."
Anh Ba Kho cười nhạt: "Nhà ta đã khóa cửa. Mi muốn làm gì thì cứ làm đi." Nói rồi anh kéo màn lại, nằm xuống trùm chăn. Bàn tay anh run run. Con quỷ nhếch mép. "Đừng lo, vợ con mi khi xuống dưới đó sẽ không cô độc đâu. Ta cam đoan..."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro