Chuyện thầy bắt ma
Sáng hôm sau bác Hà Phi dậy sớm lắm. Bác đi tìm cụ Tốn. Cụ năm nay đã hơn tám mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Trước kia cụ làm nghề buôn bán, đi khắp các miền, biết nhiều chuyện lạ. Nhà cụ nằm đối lưng với nhà bác. Lúc bác đến thì cụ đang tỉa cây trong vườn. Thấy bác cụ cười : “Anh Phi đấy hử? Đi đâu mà sớm thế.“
Bác Hà Phi chắp tay: “Chào cụ ạ. Hôm nay con sang đây có việc hỏi cụ.”
Cụ Tốn thong dong đi vào. Cụ nói với bác: “Anh vào nhà ngồi, tôi rửa tay cái đã.” Bác Hà Phi dạ một tiếng rồi đi vào. Nhà cụ Tốn to nhất làng. Trong nhà không phải nền đất như các nhà khác mà là nền gạch, trông rất sạch sẽ.
Bác Hà Phi chưa ngồi thì thấy cụ đã đi vào. Cụ nói: “Ngồi đi, làm gì mà đứng mãi thế?”
Bác Hà Phi ngồi vào ghế. Cụ rót nước cho bác uống. Trà nhà cụ thơm ơi là thơm. Uống hết chén trà, bác Hà Phi bắt đầu kể chuyện cho cụ nghe. Từ chuyện con bác, đến chuyện cháu bà Pha rồi đến cháu bà Trình. Cụ Tốn nghe xong cau mày không nói gì. Một lát sau cụ đứng lên, đi xuống nhà dưới gọi cháu: “Thằng Cu đâu, đến ông bảo.” Thằng bé nhà cụ mới tám tuổi, tóc còn cắt ba chỏm trái đào, lon ton chạy đến. Cụ dặn cháu: “Mày sang nhà cụ Vượng, cụ Khuê, cụ Tài mời các cụ ấy sang đây uống nước.”
Thằng cháu nghe chưa hết đã vâng vâng dạ dạ rồi chạy đi. Cụ Tốn nói với theo: “Phải chào hỏi lễ phép đấy nghe chưa?” Rồi cụ lại lên tiếp chuyện bác Hà Phi. Một lát sau ba cụ già có vai vế nhất trong làng lần lượt tới đủ. Cụ Tốn bảo bác Hà Phi kể lại một lần cho mọi người nghe. Bác Hà Phi kể xong, cụ Tốn mới nói với ba cụ còn lại: “Các cụ ạ, trước tôi không biết chuyện, cho là cúng có thể giải được hạn. Sau nghe anh Phi nói mới biết, mình đã sai lầm lớn. Những thứ thế này chỉ có thể mời thầy đến trừ, chúng ta người trần mắt thịt, không thể giải quyết nổi đâu.”
Ba cụ kia nghĩ một lúc rồi cũng đồng ý. Cụ Tốn lúc này mới nói : “Tôi nghe làng bên có ông thầy bói biết bắt ma trừ quỷ. Anh Phi chiụ khó sang đấy một chuyến. Tiền lễ, tiền công cho thầy làng ra. Anh có chịu không?”
Bác Hà Phi nghe vậy mừng quá, gật đầu lia lịa. Nhà bác có người bị ma ám, bây giờ mời thầy về mà không tốn tiền, tại sao bác lại không chịu?
Thế là cụ Tốn xuất tiền cho bác đi mua lễ. Bác Phi ra chợ mua cái đầu lợn, cau trầu, và một ít hoa quả rồi đi sang làng bên.
Nhà ông thầy bói nằm sau mé đồi, gần một vùng cỏ tranh lớn. Lúc bác đến, ông thầy bói đang chổng mông trên giường vẽ bùa. Bùa của ông loằng ngoằng những thứ mà bác chẳng hiểu gì. Bác Hà Phi lễ phép chào ông, nói rõ ý đồ đến. Ông thầy khoanh chân nhận lễ vật, rồi hỏi bác trừ ma xong thì được bao nhiêu tiền? Bác Hà Phi nói xong việc xin hậu tạ thầy mười xâu tiền. Ông thầy lắc đầu , bảo phải hai mươi xâu ông mới chịu. Hai người cò kè mặc cả một lúc lâu mới đem giá định ở mười bốn xâu rưỡi.
Ông thầy bói sai bác Hà Phi vào trong làng mua một con chó mực, gạo muối, tiền vàng, hương đèn. Sắm đủ lễ vật rồi bác Hà Phi gánh lễ đi trước, ông cắp giỏ đi sau, hai người trở về làng. Mới đên cổng làng, chưa kịp đặt gánh xuống nghỉ chân thì bác Hà Phi đã thấy con bé cháu bà Trình đi qua. Thấy bác, con bé liền mách con thầy lang Hòe lúc trưa đi bắt chim bị rơi từ trên cây xuống. Trong lúc mấy đứa khác khiêng nó về. thằng bé cứ khóc hu hu. Thầy lang Hòe thấy con khóc tưởng nó vẫn không làm sao, ai ngờ bắt mạch xong mới biết nó sắp chết. Thầy vội vàng dùng phương thuốc gia truyền cho nó uống. Đên giờ thằng bé nhà thầy lang vẫn không biết sống chết thế nào. Nghe thế ông thầy bói bảo bác Hà Phi gánh ngay lễ vật vào nhà thầy lang Hòe.
Thầy lang Hòe lúc này đang lẩm bẩm cầu các cụ phù hộ cho con, thấy bác Hà Phi và thầy bói vào không biết làm sao. Nghe bác Hà Phi giải thích, thầy lang mới hỏi thầy bói có cần thêm gì nữa không? Ông thầy bói bảo chưa cần, rồi bắt đầu lập bàn thờ cúng giải hạn ngay trước cửa nhà. Ông cúng một mạch từ chiều đến tối mới nghỉ. Đến đêm ông sai bác Hà Phi làm thịt con chó mực, máu đựng vào trong cái bát tô to. Bác Hà Phi chưa từng giết chó bao giờ, may thay có ông lang Hòe biết việc. Ông cắt tiết rất nhanh. Bác Hà Phi chỉ phải làm mỗi việc đè con chó, sau đó bưng bát máu ra cho thầy lang.
Bên ngoài trời vẫn tối om om. Tất cả mọi người đều tắt đèn hết, nhất là mấy nhà bên cạnh nhà thầy lang Hòe thì càng đóng kín cửa vì sợ ma đến tìm. Đêm vắng. Tiếng bụi tre xào xạc cũng khiến người ta liên tưởng đến mọi thứ. Bác Hà Phi mắc tiểu mà chẳng dám ra ngoài. Bác cứ đến bên cửa sổ nhìn ra. Chờ một lúc lâu, bác nghe thấy tiếng khóc. Tiếng khóc ban đầu chỉ rầm rĩ như tiếng dế kêu, rồi to dần. Tiếng khóc não nề làm những ai nghe được đều sởn cả tóc gáy.
Bác Hà Phi ra sân. Bác muốn xem ông thầy bói bắt ma kiểu gì. Ông thầy bói lúc mới nghe tiếng khóc thì đã xăm xăm ra vườn. Nhìn thấy con ma, ông không sợ hãi gì mà đi vòng quanh nó, cắm bốn cái lá cờ giấy nho nhỏ. Sau đó ông bưng bát máu chó dội ngay vào chỗ nó đứng. Kỳ lạ thay ‘con ma’ sau khi nói câu quen thuộc không biến mất như mọi lần mà vẫn đứng lại. Ông thầy bói bắt đầu thắp hương, múa kiếm, bắt đầu lẩm bẩm đọc thần chú. Ông đọc rất nhanh làm bác Hà Phi chỉ nghe được đoạn cuối: “Âm binh âm tướng mau về nghe lệnh!”
Thế rồi xung quanh ông thầy bói gió nổi lên vù vù làm bác Hà Phi há hốc miệng. Ông thầy bói lúc này quần áo tung bay, một tay bắt quyết, một tay vung kiếm chỉ vào con ma hô lên : “Diệt nó.” Một cơn gió lạnh thổi qua. Con ma liền biến mất. Bác Hà Phi thấy thần kỳ quá , cứ đứng sững sờ giữa sân, mãi đến lúc ông thầy bói gọi bác mới tỉnh ra, lẽo đẽo theo ông vào nhà. Thầy lang Hóe lúc này mới ló mặt ra hỏi ông thầy bói : “Tình hỉnh thế nào hả thầy?”
Ông thầy bói đắc ý lắm, vuốt râu nói: “Mặc dù con ma này tu luyện đã lâu, pháp lực cao siêu nhưng rất không may nó gặp phải bần đạo, đành bó tay chịu trói.” Rồi ông bảo thầy lang dọn chỗ cho ông ngủ. Thầy lang Hòe bán tín bán nghi dọn giường, trải chăn cho ông. Đêm đó thầy lang Hòe cùng thức với bác Hà Phi. Hai người vừa uống rượu vừa nói chuyện. Bác kể cho thầy lang nghe chuyện diệt ma của ông thầy bói. Thầy lang Hòe khâm phục lắm.
Hôm sau thầy lang Hòe nấu thịt chó đãi ông thầy bói, nhưng ông không ăn. Ông nói con chó này ai ăn cũng được, chỉ mỗi ông là không thể. Thế là bác Hà Phi dẫn ông sang nhà bác, mổ gà thết đãi ông. Vợ bác còn sang nhà cụ Tốn xin ít rượu ngon về cho ông nhắm. Ông thầy bói vừa gặm thịt gà vừa kể chuyện xem bói, bắt ma mấy năm qua cho vợ chồng bác nghe. Không biết ông nói có thật không mà vợ bác tin sái cổ, còn mang tiền cầu ông bói cho con trai bác một quẻ. Ông thầy bảo ăn xong ông sẽ xem.
Ăn uống xong, ông thầy lục trong giỏ lấy đồ nghề.lấy ra một cái mai rùa cũ, trên có rất nhiều vết nứt ngang dọc. Sau đó ông hỏi vợ chồng bác chính xác muốn bói gì? Bác Hà Phi thưa muốn xem xem thằng con của bác lần này hung cát thế nào? Ông thầy bói quay quay cái mai rùa, xem hoa văn xong, bắt đầu ghi ra giấy cái gì đó. Rồi ông lẩm nhẩm tính, cuối cùng nói với hai vợ chồng bác: “Con của hai người gặp đại nạn về phần âm, sống chết chỉ ở một đường. May mà gặp cao nhân cứu nên mới thoát nạn.”
Vợ bác nghĩ cao nhân chắc là ông thầy bói rồi, cầu ông thầy giúp con bác. Ông thầy nói: cao nhân không phải là ông thầy, vì ông chỉ biết bắt ma và xem bói. Bác Hà Phi thất vọng lắm, nhưng vẫn đặt đủ tiền lễ, thêm cả mười bốn xâu rưỡi tiền công trừ ma của ông. Ông thầy cầm tiền bỗng khóc hu hu. Bác ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao ông khóc. Ông nói ngày xưa ông làm nghề cắt cỏ, không có tiền nên để vợ con đi tát ao bắt cá, ai ngờ hai mẹ con chết đuối cả. Giờ ông làm ra tiền lại không có ai cùng hưởng với ông. Bác Hà Phi an ủi thầy, sắp chỗ cho thầy ngủ.
Đến chiều, bác Hà Phi đang ở cổng nghe ngóng xem người trong làng có ai việc gì không thì nghe thấy tiếng khóc. Bác quay vào nhà thì thấy vợ bảo: “Ông thầy trùm chăn khóc trong buồng.” Bác nghĩ : “Chắc thầy lại nhớ vợ nhớ con” rồi để yên cho thầy khóc. Ai ngờ thầy khóc cả canh giờ vẫn không ngừng. Lúc này bác Hà Phi mới cảm thấy rợn. Bác không dám vào phòng ông thầy một mình mà gọi hàng xóm. Mấy người đàn ông, cả thầy lang Hòe cũng đến. Mọi người mới vào trong phòng thì ông thầy nín khóc. Mọi người đùn đẩy nhau nhiệm vụ mở chăn ra. Bác Hà Phi đành phải nhận - đây là nhà bác, bác không làm thì còn ai làm. Bác run như cậy sấy, rón rén kéo tấm chăn ra khỏi người ông thầy.
“A! A! A!” Từ trong nhà bác Hà Phi, một tiếng thét dài vang lên khiến đến nửa cái làng đều nghe thấy.
Bên dưới tấm chăn, ông thầy bói nằm trên một vũng máu. Trên cánh tay của thầy đầy những vết cứa, máu tươi đang chảy xuống tí tách. Tay kia của thầy vẫn cầm lấy con dao. Ông lang Hòe bắt mạch cho thầy thì nói không cứu được nữa. Bác Hà Phi với mấy người hàng xóm đành phải tắm rửa rồi nhập quan cho thầy. Làm xong thì trời cũng đã tối. Mấy người bàn nhau sáng mai hãy sang làng bên báo tin. Từ ngày làng có ma, chả ai dám đi lại vào ban đêm.
Đang nhai dở miếng cơm thì bác Hà Phi nghe một ông hàng xóm kêu lên : “Ma , ma.” Bác Hà Phi vội ra sân. Vẫn là con ma cũ, vẫn bộ quần áo tướng quân đó, vẫn mái tóc xõa che kín mặt, chỉ có điều lần này nó không khóc mà cười hềnh hệch: “Mày lấ máu dội tao, tao lấy máu dội mày.” Nói rồi nó biến mất cũng không khóc than gì cả.
Sáng hôm sau bác Hà Phi chưa kịp sang làng bên báo tin thì đã có một ông già tìm vào nhà bác. Ông hỏi về ông thầy bói. Nghe bác kể chuyện ông vào phòng ôm lấy quan tài mà khóc. “Em ơi là em ơi, em không biết bắt ma mà còn ham tiền ham bạc của người ta làm gì?” Ông khóc một lúc lâu rồi xin bác Hà Phi mượn cho ông một cái xe kéo để chở quan tài của em ông về.Trong lúc chờ người đi mua hòm, ông kể chuyện nhà ông cho bác. Thì ra hai anh em ông cha mẹ đều mất sớm, sống bằng nghề cắt cỏ, chăn bò. Một lần ông nhặt được một cuốn sách cổ rất đẹp. Ông về nhà nhờ đám trẻ biết chữ trong làng đọc cho mình nghe. Thì ra trong sách có dạy về xem bói và trừ ma, hai anh em ông đều học được một ít từ đấy. Từ đấy em ông chuyển nghề xem bói cho người khác, còn ông vẫn giữ nghề cũ, chỉ thỉnh thoảng xem cho mình mà thôi.
Đêm qua ông cảm giác có việc không lành nên lấy mảnh trúc ra bói cỏ thi, thấy nói có người thân gặp nạn. Ông không vợ không con, chỉ có em ông là người thân nên chạy đến tìm em, mới biết em sang làng bên bắt ma. Ông lo lắm, tờ mờ sáng liền chạy sang bên này này.
Bác Hà Phi hỏi ông có biết cách nào bắt ma không? Ông nói trong sách chỉ ghi lại những phương pháp thông thường. Những con ma kiểu này phải mời đạo sĩ chuyên bắt ma xử lí. Bác Hà Phi lại hỏi phải tìm đạo sĩ ở đâu? Ông nói ông cũng không biết, rồi ông bói cho bác một quẻ. Ông lấy tạm cái mai rùa của em ông, xem xem tính tính một lúc. Thế rồi ông dặn bác Hà Phi trong ngày hôm nay đi về phía Nam, đến lúc gặp sông nước chặn đường thì dừng lại, kiểu gì cũng gặp được thầy trừ ma. Xong xuôi, ông ứa nước mắt kéo xe, chở quan tài em ông về nhà.
Bác Hà Phi nghe ông nói bán tín bán nghi. Bác tìm sang nhà cụ Tốn để hỏi thì cụ nói bác cứ đi một lần, cũng chả mất gì. Thế là bác cơm nắm tay nải ra đi. Bác cứ men theo đường ruộng đi về phía Nam. Qua được ba cái làng thì bác gặp một con sông, cũng không rộng lắm nhưng không thể lội qua được. Thế là bác yên tâm kiếm gốc cây ngồi chờ. Gió trên sông mát quá khiến bác ngủ quên lúc nào không hay.
Đang ngon giấc thì có người đánh thức bác. Đó là một người trẻ tuổi, chắc chỉ tầm tầm thằng Quýnh nhà bà Pha. Hắn mặc một bộ quần áo kiểu cũ, trước ngực có thêu hình bát quái rõ to, lưng đeo một chiếc gùi lớn. Người đó hỏi bác đường đi đến huyện Phù Lưu. Bác Hà Phi bực bội ra mặt, cả tuần nay lần đầu tiên bác mới ngủ ngon đến vậy. Bác càu nhàu mấy tiếng rồi cũng chỉ đường cho người thanh niên. Hắn lễ phép cảm ơn bác rồi đi thẳng. Bác Hà Phi vươn vai định đánh tiếp một giấc thì chợt nhớ ra nhiệm vụ mời thấy bắt ma. Quái lạ, ông kia bói cho bác đi đến nơi này sẽ gặp thầy, mà đến chiều rồi cũng vẫn chẳng thấy ai.
Bác nghĩ chả lẽ người thanh niên kia là đạo sĩ trừ ma nhưng rồi bác tự phủ định ngay. Trước khi đi bác hỏi cụ Tốn, đạo sĩ trừ ma thường là người thế nào, có đặc điểm gì dễ nhận ra không? Cụ nói bói đạo sĩ trước giờ toàn là những ông già, trẻ nhất thì cũng phải tầm ngoài tuổi băm, bọn họ ăn mặc cư xử cũng rất khác người, rất dễ thấy. Người thanh niên hồi nãy chỉ tầm mười lăm mười sáu, khuôn mặt sáng sủa, ăn nói lễ phép, ngoại trừ cái áo mặc hơi quái một tí thì chả khác gì thằng con bác ở nhà.
Chỉ có điều từ sáng tới giờ bác chả gặp ai ngoài hắn, thế là bác cũng đành thử một lần. Bác vừa gọi hắn vừa đuổi theo. Người thanh niên đã đi được một quãng xa, nhưng thấy bác đuổi theo thì hắn quay lại chờ bác. Đến lúc đuổi kịp thì bác Hà Phi đã thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhãi. Người thanh niên tháo chiếc mũ tre rộng vành xuống quạt cho bác, hỏi bác có chuyện gì không. Bác Hà Phi hổn hển hỏi hắn xem có phải đạo sĩ trừ ma không. Người thanh niên trả lời đúng. Bác Hà Phi mừng lắm, mời hắn về làng bắt ma. Hắn cũng chẳng từ chối liền đi theo bác. Trên đường bác Hà Phi kể đầu đuôi ngọn ngành cho hắn nghe, rồi hỏi hắn có sợ không? Hắn chỉ cười thật hiền mà không đáp.
Hai người về đến làng thì trời cũng đã loạng choạng tối. Lúc về đến gốc đa đầu làng, bác thấy một cái bóng trắng đi đến chỗ bác. Bác sợ quá muốn chạy nhưng người thanh niên thì không nói không rằng vẫn đi tới. Lúc này cái bóng trắng đã đến gần. Hóa ra là con bé nhà bà Trình. Nó nói với bác: “Cụ Tốn bảo cháu ra đón bác. Lần này đến lượt con nhà ông Từ rồi bác ơi. Khổ thân nó làm nghề mộc, đóng hai chục cái đinh vào tay mà chả biết. Giờ nó vẫn khóc hu hu ở nhà.”
Đạo sĩ trẻ bảo bác Hà Phi dẫn hắn vào thẳng nhà ông Từ. Hàng xóm đứng đầy ngoài cổng nhà ông. Họ đang bàn tán xôn xao. Thấy bác mang một gã thanh niên về làng, ánh mắt của họ đầy nghi hoặc. Họ chào bác, hỏi bác dẫn ai vào nhà ông Từ đấy. Bác đáp ngắn gọn : “Thầy đấy.” Đạo sĩ trẻ tuổi xin phép ông Từ vào thăm con ông. Ông Từ đang do dự thì bác Hà Phi giới thiệu cho ông, ông liền vội vã mời thầy, còn sai con gái nấu nước cho thầy uống.
Thằng con nhà ông Từ đã được thầy lang băng bó và cho thuốc, nhưng nó vẫn khóc hu hu. Ai hỏi gì nó cũng không nói, chỉ khóc. Đạo sĩ trẻ đi vào, đầu tiên là dán bốn cái bùa bốn góc giường. Sau đó hắn bảo ông Từ nấu nước sả và lá bưởi tắm cho con. Tắm xong thằng cu con ông Từ không khóc nửa, rên rỉ kêu đau rồi ngủ mất. Ông Từ mừng lắm, giữ đạo sĩ lại ăn cơm nhưng hắn từ chối. Hắn bảo bác Hà Phi dẫn sang nhà. Qua nhà bác, hắn cũng dán bùa rồi bảo vợ chồng bác nấu nước tắm cho con. Tắm xong vừa đặt lên giường thì thằng con bác kêu lên đòi uống nước. Vợ bác mừng lắm, từ lúc rớt xuống ao, giờ mời thấy con nói được một câu.
Thế rồi ‘thầy’ bảo bác dẫn đi một vòng, sang nhà bà Pha, nhà bà Trình, nhà thầy lang Hòe, cuối cùng quay lại nhà ông Từ. Lúc đi ra nhà thầy lang thì cũng đã gần nửa đêm, bác Hà Phi khuyên thầy không nên vào nhà ông Từ nữa – con ma kiểu gì cũng đứng ở bờ rào nhà ông. Thầy chỉ cười nói: “Đi bắt ma mà sợ thì làm sao bắt?”Rồi hai người đến nhà ông Từ. Thầy cũng chẳng sai ông Từ lập bàn thờ, sắp lễ lạt gì để cúng cả, chỉ xin ông một cái chõng và một ấm nước, rồi ngồi uống trong sân. Bác Hà Phi khâm phục thầy lắm, tuổi trẻ mà gan lớn. Bác cũng mon men ngồi uống nước với thầy. Một lúc sau tiếng khóc lại vang lên, lần này to đến mức cả làng đều nghe thấy.
‘Thầy’ liền bỏ chén nước xuống, đi ra vườn. Bác Hà Phi cũng đi theo. Quả nhiên con ma lại hiện lên nơi bờ rào. Thấy hai người, nó lại đứng khóc một lúc, nói cái câu quen thuộc rồi biến mất. ‘Thầy’ cũng không làm gì cả, chỉ quan sát con ma kỹ càng, từ đầu đến chân, từ chân lên đầu. Con ma biến rồi thầy bảo bác về nhà ngủ. Về đến nhà, thầy không chê giường hẹp, chui lên ngủ cùng bác. Thầy ngủ rất ngon, có lẽ đi cả ngày thầy cũng mệt rồi.
Sáng hôm sau bác Hà Phi dậy rất sớm - bác định làm con gà nấu cháo cho thầy. Bắt gà xong, quay vào nhà thì bác thấy thầy đã dậy. Thầy hỏi bác buổi sáng bác có mắc việc gì không? Bác Hà Phi vội trả lời là không? Thế là thầy nhờ bác đi mua cho thầy một con chó mực, hai con gà trống to mào đỏ, với một ít tiền vàng , cau trầu. Thầy đưa cho bác Hà Phi nửa nén bạc nhưng bác chối ngay. Ai lại lấy tiền của ‘thầy’ bao giờ. Bác sáng nhà cụ Tốn, nói rõ với cụ. Cụ Tốn liền đưa cho bác mấy xâu tiền ra chợ mua lễ và thức ăn đãi thầy.
Lúc bác Hà Phi gánh lồng gà và chó về nhà thì không thấy thầy đâu. Vợ bác bảo thầy đi sang nhà bà Pha rồi. Mãi đến trưa thầy mới về, hỏi thăm con bác đã tỉnh chưa. Nghe bác bảo chưa thì thầy thất vọng lắm. Lúc này vợ bác đã bưng mâm cơm lên. Vừa ăn thầy vừa nói chuyện thằng Quýnh cháu bà Pha. Cu cậu hiện đã tỉnh, nhưng cơn đau và nỗi sợ khiến cu cậu chả nhớ được gì nhiều. Đang ăn cơm thì bác Hà Phi nghe tiếng con khóc trong buồn. Nhớ đến ông thầy bói, bác sợ lắm, vứt ngay đôi đũa xuống, chạy thẳng vào buồng.
May quá thằng con bác không làm sao. Thấy bác Hà Phi, nó ôm ngay lấy: “Bố ơi cứu con với.” Rồi nó gục đầu vào ngực bác khóc rưng rức. Bác Hà Phi dỗ mãi nó mới nín. Rồi thằng cu con bác bắt đầu kể chuyện. Vào cái đêm trước ngày nó nhảy xuống ao, nó mơ thấy một con ma đến đòi nó trả nhà, còn dọa : “Bọn mày không trả lại nhà cho tao thì tao giết hết bọn mày.”
Thằng bé nghĩ chỉ là một giấc mơ bình thường nên không để ý lắm. Ai ngờ được hôm sau đang cuốc cỏ tự nhiên nó thấy muốn khóc. Thế là nó khóc hu hu. Rồi nó muốn tắm ao và chạy ra ao. Sau đó thì nó không nhớ gì nữa. Lúc nãy cu cậu lại mơ thấy con ma nó đòi nhà, sợ quá nên khóc.
Thấy thằng bé nín, thầy bắt đầu hỏi chuyện. Đầu tiên là vào ngày mà nó mơ thấy con ma đòi nhà thì làm gì. Cu cậu nhớ lại rồi kể, sáng đi làm cỏ lúa với bố, trưa thì đi đắp bờ tát nước bắt cá.Chiều thì mang trâu lên đồi sim thả. Thầy hỏi bắt cá có những ai? Cu cậu đáp có mình với thằng Quýnh. Thầy lại hỏi mang trâu lên đồi sim xong thì làm gì? Cu cậu đáp buộc trâu lại cho nó tự ăn cỏ xong, mấy thằng rủ nhau đi đào chuột đồng.
Thầy hỏi có những ai. Cu cậu đáp có thằng cháu bà Pha, con ông Từ, con thầy lang Hòe và cháu bà Trình. Nghe xong thầy gật đầu vui vẻ, bảo bác Hà Phi lấy giấy, sau đó bảo thằng con bác vẽ lại những chỗ đào chuột trên đồi mà nó còn nhớ được.Đến lúc này bác Hà Phi mới hơi hiểu hiểu chuyện, bác dặn con nhớ cho kỹ vào rồi vẽ cho thầy.
Đến chiều, thầy báo bác Hà Phia đi mua một mảnh vải trắng, chặt thêm một cây tre dài rồi mang lên đồi cho thầy. Lúc bác Hà Phi lên đồi thì thấy thầy đang tính toán cái gì đấy. Thấy bác, thầy bảo bác chặt cậy tre ra làm nhiều khúc, còn thầy thì lấy cái kéo không biết mượn của ai bắt đầu cắt vải thành những mảnh vuông nhỏ. Sau đó bác và thầy bắt đầu buộc vải, làm thành những lá cờ nho nhỏ. Bác Hà Phi hỏi thầy cờ để làm gì? Thầy bảo để đánh dấu những chỗ bọn trẻ đào lên. Hai người vừa tìm vừa cắm cờ, mãi đến giờ cơm mới về nhà.
Tối hôm đó, thầy dắt theo con chó mực, một tay cầm lồng gà đi lên đồi. Bác Hà Phi gọi thêm hai thằng cháu đi cùng cho đỡ sợ. Bác gánh lễ, còn cuốc xẻng, đèn đuốc, giao hết cho hai đứa. Đồi sim ban đêm không hề vắng lặng. Tiếng dế tiếng côn trùng kêu rả rich. Tiếng gió lao xao trên các bụi cây. Hai đứa cháu của bác Hà Phi cứ đi sát và người bác, hơi thở của chúng phả vào gáy nóng ran. Thỉnh thoảng hai đứa còn ngó về phía sau xem có ai đi theo không?
Đột nhiên hai đứa giật mình đánh thót, run giọng bảo bác: “Cậu ơi, đằng kia có cái gì trăng trắng.” Bác Hà Phi cũng sợ. Bác nheo mắt nhìn kỹ, đúng là giữa những lùm cây có cái gì đó. Thầy thì dường như không thấy gì, đi cứ phăng phăng. Bác Hà Phi thấy thầy đã đi trước vội đuổi theo. Bác cũng kệ. “Có thầy rồi thì sợ gì?” Bác tự nhủ mình thế.
Bọn họ đi vòng qua các bụi cây, vào chỗ đánh dấu hồi chiều, bác Hà Phi mới ngớ ra cái vật trăng trắng hồi nãy là mấy lá cờ bác đánh dấu hồi chiều. Bác gõ cho hai đứa cháu một cái vào trán, mắng: “Tụi bây làm cậu sợ hết hồn.” Mấy đứa cháu cười gượng, chúng có vẻ đỡ sợ hơn. Lúc này thầy đang dẫn chó đi qua các lá cờ. Đột nhiên con chó bỗng sủa gâu gâu, con gà tự nhiên gáy te te. Thầy dừng lại bảo bác Hà Phi đặt gánh xuống, châm cho thầy một bó hương. Rồi thầy vái mấy cái, bắt đầu khấn: “Trẻ nhỏ còn dại, không biết chỗ ông nằm, lỡ xúc phạm đến ông. Nay bần đạo đi ngang qua, biết được nguồn cơn, đến thắp nén hương xin ông được sửa nhà. Cầu mong ông thương tình, tha cho đám nhỏ trong làng. Bần đạo người trần mắt thịt, có gì khiếm khuyết, mong ông chỉ bảo cho.”
Rồi thầy cắm hương xuống ngay cạnh lá cờ. Cả bó hương đỏ rực bỗng tắt ngấm. Con chó lại sủa gâu gâu. Thầy vui mừng nói với bác Hà Phi. “Được rồi, mau lấp đất ở mấy cái lỗ này lại. ” Mấy đứa cháu vội xúc đất ở nơi khác đến lấp đầy lỗ đào chuột. Thầy bắt đầu soạn lễ cúng. Cũng khá nhanh và đơn giản. Cuối cùng thầy lấy cái đĩa và hai đồng tiền ra xin âm dương. Leng keng, bác Hà Phi vươn cổ nhìn, nhất âm nhất dương. Thầy hài lòng lắm, bảo bác hóa tiền vàng đi , rồi tất cả cùng về.
Đêm đó con ma không hiện lên khóc lóc nữa. Ngày hôm sau, cả làng cũng bình yên như những ngày tháng trước khi xảy ra chuyện. Cháu bà Pha, con ông Từ, con thầy lang Hòe đều đỡ hẳn. Đến tối, cả làng làm mâm cúng tổ tiên và ăn mừng thoát nạn. Bác Hà Phi chưa kịp mời thầy thì đã cụ Tốn kéo thầy lên ngồi mâm trên. Ăn xong, mọi người ra ngồi uống nước. Các cụ mới hỏi thầy chuyện đầu đuôi ra sao. Thầy bảo lúc thầy về làng, cảm thấy trong nhà những người bị nạn đều không có âm khí. Chỉ có trên giường mấy đứa bị ám mới có nhiều. Thầy liền dán bùa xua âm khí đi, rồi cho tắm gội sạch sẽ, mấy đứa liền tỉnh lại.
Thầy bắt đầu tìm hiểu nguồn cơn sự việc. May mà con bác Hà Phi nhớ rất rõ mọi chuyện nên việc tiếp theo hết sức đơn giản. Mấy đứa kia đào nhà con ma ở đâu thì thầy lấp ở đấy. Con ma cũng không khó tính gì, đồng ý cho thầy sửa sai giùm.
Các cụ mới hỏi thầy có thể diệt trừ luôn con ma được không? Thầy bảo việc đấy cũng không khó, nhưng thầy xem phong thủy thấy làng mình gối đầu lên đồi sim, con ma trên đồi hẳn đã canh gác cho làng từ rất lâu, khiến cho làng bao đời nay tránh được tà ma xâm lấn, bệnh tật hoành hành. Lần này nếu không phải do người làng phá nhà của nó, thì chắc hẳn một trăm năm nữa làng cũng sẽ vẫn bình an.
Các cụ nghe xong liền đặt ra quy định cho người trong làng: 'Từ nay cấm mọi người đào bới hoặc lấy đất trên đồi sim, bất kể để làm việc gì'. Xong rồi cụ Tốn mới hỏi thầy tiền công trừ ma lần này hết bao nhiêu? Thầy cười, nói trước giờ phái Phổ Linh của thầy cấm không được đòi tiền trừ ma. Bởi thế, sau khi thầy về ngủ rồi, các cụ vẫn phải bàn xem nên công đức bao nhiêu thì hợp lý.
Sáng hôm sau lúc các cụ chưa thu xếp xong chuyện tiền công đức thì thầy đã đi rồi. Chỉ có mỗi vợ chồng bác Hà Phi đưa tiễn thầy. Ra đến gốc đa đầu làng, thầy bảo bác Hà Phi không cần tiễn nữa, rồi dặn bác: “Lần trước lên đồi sim, bần đạo phát hiện có rất nhiều âm sát khí. Ngày xưa trên đồi chắc chắn đã có một trận đánh nhau thảm khốc. Con ma có thể là một vị tướng hi sinh, được binh lính chôn cất ngay tại chỗ. Bần đạo thấy bác có rất duyên với con ma. Nếu bác có lòng, hàng năm ngày rằm tháng bảy, bác lên đồi làm lễ cúng con ma và đồng đội của nó, con ma sẽ phù hộ cho bác và gia đình quanh năm mạnh khỏe, không hề gặp phải bất cứ bênh tật gì. ”
Bác Hà Phi tin lời thầy, từ nay về sau cứ rằm tháng bảy, bác và cả nhà lại lên đồi cúng con ma và những người chết ở đấy. Mãi cho tới tận ngày bác mất, cả nhà bác từ con đến cháu đều rất khỏe mạnh, đến những bệnh râu ria như hắt hơi sổ mũi cũng không bị bao giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro