Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Câu chuyện bên lề

  Câu chuyện đáng sợ của chú Miên bị cắt đứt bởi một làn sương mù dày đặc. Sương ở đây không hề giống bất cứ một nơi nào khác mà Minh Khánh từng nhìn thấy. Nó cứ quánh lại, thậm chí cảm thấy có thể cầm nắm, vo viên và ném vào người khác như lũ trẻ vẫn thường chơi ném bùn. Ngoài ra, sương mù nơi đây còn lạnh lẽo một cách kỳ quái. Hơi lạnh như xông qua da qua thịt, thấm vào tận trong máu khiến chân tay tê dại đi. Minh Khánh hơi vẩy vẩy cánh tay cho nó bớt lạnh, rồi đưa lên miệng thổi phù phù. Đột nhiên thuyền bỗng ngừng lại như va phải một cái gì đó. Chú Miên hô:"Đến nơi rồi." Lúc này Minh Khánh mới phát hiện ra con thuyền đã đi vào bên cạnh một bãi cát thoai thoải. Chú Miên nhảy xuống kéo thuyền vào. Sư phụ thì buộc dây neo thuyền vào một cái cọc trên bãi cát. Sau đó ba người bắt đầu dỡ đồ trên thuyền lên một bờ đá cao.

Dỡ xong hết hàng, chú Miên và sư phụ bắt đầu đi sâu vào trong đảo. Hòn đảo này cũng không phải quá rộng, chỉ tầm cỡ vài chục mẫu đất. Bên trong hòn đảo là một rừng cây rậm rạp. Sương mù và tán cây khiến cho Minh Khánh không thể thấy đường mặc dù lúc này đang là giữa trưa. Chú Miên đốt một cây đuốc lên, soi rõ xung quanh. Đất trong khu rừng cảm giác mềm nhũn như đi giữa vũng lầy mặc dù hoàn toàn khô ráo. Nền đất ghồ ghề nhiều đá khiến người ta rất khó đi. Cây cối ở đây có vẻ khẳng khiu lạ thường, với vô số rễ cây xấu xí đâm ngang đâm dọc lung tung. Đặc biệt bên trong rừng cực kỳ tĩnh lặng và kín gió. Ở nơi đây tiếng thở phì phò của Minh Khánh là tiếng động to lớn duy nhất.

Chú Miêu có vẻ thạo đường, băng qua rất nhiều tảng đá hay rễ cây mọc ngang một cách dễ dàng. Cuối cùng ba người có vẻ đã tìm đến nơi cần đến. Đó là một ngôi miếu nhỏ giữa một khoảng rừng trống trải, nằm quay lưng về hướng Bắc. Minh Khánh đi vòng ra phía trước ngôi miếu. Tường ngoài của nó được đắp bằng đát, mái lợp ngói. Bên trong ngôi miếu chỉ có một cái bàn thờ. Trên đó ngoài một cái lư hương lớn bằng đất sét thì Minh Khánh chẳng thấy tượng thần phật hay cái gì khác cả. Cái lư hương cũng mốc mốc cũ cũ như bị bỏ quên từ rất lâu rồi. Minh Khánh thấy sư phụ đốt một bó hương to, khấn vái rồi chia cho chú Miên và hắn một ít. Xong rồi, sư phụ thắp hương lên lư và đi vòng quanh cắm vào gốc mấy cái cây mọc xung quanh miếu thờ. Chờ chú Miêu khấn và thắp hương xong, Minh Khánh cũng tiến lại sát để thắp hương. Hắn giật mình đánh thót khi thấy bên trong căn miếu bé nhỏ là hàng ngàn lá phù các loại dán đầy trên tường. Mặc dù tối không thấy chữ nhưng Minh Khánh dựa vào kích cỡ và kiểu giấy vẫn đoán được trong ngôi miếu có trấn hồn phù, trấn tà phù, quang minh hộ thần phù và vô số những loại phù chú chuyên đuổi tà ma khác.

Ngôi miếu này tại sao lại có nhiều phù chú đến thế? Minh Khánh tự hỏi. Lúc này sư phụ và chú Miêu đang đứng dưới gốc một cái cây to. Hai người đang nói chuyện gì mà mặt rất căng thẳng. Thấy Minh Khánh tiến lại gần, sư phụ và chú Miên đã nói xong. Ba người bắt đầu trở về trên bãi đá nấu cơm. Cơm nước xong xuôi, chú Miên và sư phụ ngồi uống nước chè còn Minh Khánh lăn quay ra ngủ. Vì cũng mệt hắn ngủ một giấc đến lúc tối mịt. Khi tỉnh giấc, Minh Khánh thấy mình đang nằm trong chiếc lán nhỏ mà chú Miên và sư phụ đã dựng xong lán tự bao giờ. Xung quanh trời tối om om. Đống lửa cháy leo lắt khiến cho Minh Khánh cảm giác vẫn lạnh. Hắn cuộn tấm chăn trấn thủ xung quanh người, vừa đẩy củi vào trong đống lửa, vừa thổi phù phù. Ngọn lửa lập tức bùng lên, tàn lửa cháy tí tách đỏ rực.

Minh Khánh trút cái chăn quanh người xuống, bắt đầu nhìn quanh xem có thấy chú Miên và sư phụ không. Sương mù vẫn dày đặc như lúc sáng mới đến. Minh Khánh bước xuống khỏi tảng đá, lò dò ra bãi cát. Bãi cát phẳng và trắng bóc. Minh Khánh lò dò đến tận bên hồ, vốc một vốc nước rửa mặt. Nước hồ lạnh ngắt, lai có một mùi vị hơi tanh tanh như mùi cá chết. Minh Khánh nhăn mũi dùng hai ống tay áo thấm hết nước trên mặt rồi trở về lán. Bỗng nhiên, hắn nghe thấy tiếng bõm bõm như có ai đang lội nước. Một cơn rợn người bắt đầu chạy dọc sống lưng Minh Khánh. Câu chuyện chú Miên kể công thêm việc đi bắt ma khiến hắn có cảm giác chẳng lành. Bàn tay hắn sờ vào túi. Nơi đó có lá bùa mà sư phụ viết sẵn chuyên dùng để bảo vệ tính mạng.

Minh Khánh quay người bước tiếp về nơi có tiếng lội lõm bõm ấy, miệng hô lên: "Sư phụ à? Chú Miên à?" Hắn cứ hô lên mấy lần mà không có ai đáp lại cả. Đã đến gần mép nước. Từng cơn sóng cuộn lên chân Minh Khánh, mang theo hơi lạnh kỳ quái như trong nhà mồ của quan lại mà hắn từng đi qua. Sương mù vẫn đặc quánh lại như muốn che đi hết những bí ẩn trên mặt hồ. Đột nhiên, một bóng trắng lao thẳng vào mặt Minh Khánh khiến hắn giật nảy.

******************* Đêm đã khuya lắm. Ông cụ Trầm bước ra bên ngoài sân để đi giải. Gió thổi mát rười rượi. Gốc hoa lài ban đêm thơm thoang thoảng làm ông cụ thấy thoải mái. Đột nhiên ông cụ nghe thấy tiếng rên ú ớ trong căn nhà mới xây ở góc vườn. Ngôi nhà này cụ xây cho đứa con trai út mới lấy vợ để vợ chồng nó ở riêng. Thương con, ông cụ cũng cố lo cho ngôi nhà tường gạch mái ngói như nhà của mọi người khác trong làng. Nhưng đứa con út vừa cưới xong thì vợ thằng con trai cả sinh cháu, hàng quán không ai trông nom. Sợ mất khách, vợ chồng đứa con trai cả đành nhờ vợ chồng em vào trong thành giúp đỡ. Thế là ngôi nhà mới vẫn chưa có ai ở. Hôm nay có người khách lạ vào hỏi nhà trọ. ông bà phân vân một lúc rồi cũng đồng ý.

Người khách là một chàng thanh niên trẻ tuổi, thậm chí có khi còn ít tuổi hơn đứa con út nhà ông. Lúc vào nhà, ông cụ Trầm mới nhận ra người thanh niên đang bị ốm. Khuôn mặt đổ hồng hồng, hơi thở nỏng bỏng, đôi môi khô nứt nẻ. Thấy thương chàng trai,nghĩ cũng như con cháu mình cả, khi chàng trai nhờ nấu cháo và xin nước uống, ông cụ đồng ý ngay. Trong bát cháo tía tô ông cụ còn đập vào cả quả trứng gà mới đẻ và ít hành tăm xin được bên hàng xóm. Ngoài ra ông cụ cho nước đun sôi để nguội vào trong cái ống nứa mà ông cụ hay dùng để mang ra đồng rồi treo trên tường nhà, phong khi đêm hôm người bệnh khát nước. Lúc ông cụ treo nước xong thì người thanh niên đã mê man.

Ông cụ sờ trán, sờ mũi người thanh niên thì thấy hơi thở tuy nóng, nhưng vẫn đều đặn, yêm tâm về nhà ăn cơm. Bây giờ nghe tiếng rên của người thanh niên, ông cụ tự nhiên lại thấy lo. Thế là cụ Trầm lấy cái khăn nhúng nước giếng đi vào đắp lên đầu người thanh niên cho giảm sốt. Lúc này cơn buồn ngủ cũng vừa trôi đi đâu mất. Ông cụ Trầm vớ lấy cái ống điếu, định ra thềm rít một bi thì nghe thấy có tiếng thét rất to ở trong làng. Sau đó chó bắt đầu sủa râm ran. Rồi tiếng hò hét kêu khóc bắt đầu ầm ĩ khắp đầu đường cuối xóm. Cụ Trầm treo tạm cái ống điều lên tường, bắt đầu đi ra cổng. Lúc này hàng xóm trong làng cũng bắt đầu đổ ra.

Thì ra đứa con trai bị bệnh của bà Cung lại gây chuyện. Nữa đêm, nó đá tung chăn trong nhà rồi trèo lên ngọn cây cao đầu làng. Cả nhà bà Cung ra dỗ nó xuống mà không được. Ông cụ Trầm chép miệng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhà ông mặc dù thằng con trai lớn chả coi bố mẹ ra gì, nhưng ít ra nó còn bình thường, biết làm ăn, lấy vợ sinh con, thỉnh thoảng còn đem tiền về. Chứ nó cũng như thằng con bà Cung thì chắc ông chết.

Thằng con bà Cung tên là Huỳnh, tuổi cũng bằng con trai đầu của ông cụ Trầm. Ngày xưa hai đứa thân nhau lắm. Nhưng rồi đùng một cái, thằng bé Huỳnh đổ bệnh, rồi trở nên ngớ ngẩn. Từ đó, thằng con trai lớn của ông cụ cũng xa lánh bạn dần. Mỗi lần thấy thằng bé Huỳnh đến là con trai ông liền đóng cửa cài then. Từ đấy ông cũng ít gặp thằng Huỳnh hơn. Nghe đồn vì gia đình bà Cung nghi thằng bé Huỳnh bị ma ám, bà Cung đã năm lần bảy lượt mời thầy trừ tà các nơi về làm phép cho cọ. Thế nhưng không hiểu do con ma quá mạnh hay thầy trừ tà không linh, bệnh tình của thằng bé càng ngày càng nặng. Dần dần, gia đình bà Cung cũng chấp nhận số phận. Đứa con lớn lên bị bố mẹ nuôi ở nhà, không cho đi đâu. Thế nhưng thi thoảng nó cũng làm cho ông bà Cung sợ hết hồn bởi những trò nghịch dại.

Ông cụ Trầm đứng sau lưng mấy nhà thân với nhà bà Cung. "Ôi trời ơi" Lúc này ông mới phát hiện ra thằng Huỳnh đang leo trên một ngọn tre cao chót vót. Cái thân tre không chịu được sức nặng của người lớn đang oằn ra, không biết lúc nào sẽ gãy và ném thằng Huỳnh xuống đất như một quả mít rụng. Thậm chí ông cũng chả biết thằng Huỳnh leo trèo thế nào mà lên được đến ngọn tre cao như thế. Đêm càng lúc càng về khuya. Bà Cung đã hô khản cả giọng nhưng thằng Huỳnh vẫn ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, Chồng bà và mấy người hàng xóng đã đi lấy tấm lưới để căng đề phòng con trai rơi xuống. Mấy người hàng xóm cũng đã về hết , chỉ còn ông cụ Trầm đứng lặng im như một khúc gỗ. Cụ sợ quá. Dưới gốc tre mà thằng cu Huỳnh đang đứng có cái bóng trắng đứng đó tự bao giờ. Nó nheo mắt với cụ. Đôi mắt của nó như có phép thôi miên khiến chân cụ cứng như chì.  

  Cái bóng trắng đó đứng yên nhìn cụ một lúc rồi biến mất. Ông cụ Trầm lúc này mới nhấc chân lên được để về nhà. Bóng đêm âm u bao phủ con ngõ nhỏ nhà cụ. Hàng tre vẫn thổi rì rào như mọi ngày. Thế mà chả hiểu sao chỉ một đoạn ngắn trên cái ngõ quen thuộc mà ông cụ Trầm cảm thấy xa lạ và dài dằng dặc. Dường như đâu đấy trong cái đám tre kia có một con mắt xếch màu xanh vẫn đang nhìn cụ. Cụ cố bước vội để về đến nhà, vừa đi vừa ngoái đầu lại xem có cái gì sau lưng không. May quá, cuối cùng cụ cũng bước qua được cái cổng nhà mình. Cụ vội vàng khép nó lại cài then cẩn thận và thở phào nhẹ nhõm. Xuyên qua những cái then gỗ, cụ Trầm vẫn thấy được con ngõ sâu hun hút trong màn đêm. Lạ thay, cụ bỗng cảm thấy như có ai đó đang đứng sau lưng mình. Chân tay cụ lại cứng đờ. Trong đầu cụ lại đầy ắp những câu chuyện ma ngày xưa người trong làng kể. Cụ không dám quay người lại vì sợ đó là một cái bóng trắng có con mắt xếch màu xanh.

*******************

Cụ Trầm hoàn toàn không biết rằng bên ngoài cánh đồng làng, chỗ gần con sông, trong túp lều dưới gốc một cây cổ thụ lớn, có một đám ma quỷ đang chén tạc chén thù với nhau. Con ma lớn nhất ngồi trên một tảng đá, đang giơ bát rượu sứt lên cụng với đám đàn em. Nó ngửa mặt rót hết vào trong miệng khiến cái nón xanh trên đầu rơi xuống, lộ ra một cặp sừng khá dài. Chờ rượu trong chén đổ xuyên qua cơ thể trong suốt của mình, con ma mới thoải mái khà một tiếng rõ to, vẻ hí hửng lộ rõ trên khuôn mặt đẹp và tuấn tú hơn bất kỳ người đàn ông nào trên đời. Nó giơ cánh tay vỗ vai con ma bên cạnh, ngâm hai câu thơ: "Sống, vò không dốc say bầu cạn.

Chết, mộ ai còn tưới rượu đây."

(Đối tửu , Nguyễn Du)

Ngâm xong thơ, con ma có sừng bắt đầu cố nói chuyện với con ma bên cạnh bằng cái giọng lè nhè: "Khanh có biết trước khi gặp khanh trẫm cô đơn biết chừng nào không?" Con ma bên cạnh sợ hãi thưa: "Bệ hạ, ngài say rồi." Con ma có sừng vùng vằng: "Không trẫm làm sao lại say! Trẫm đang rất tỉnh." Rồi nó nhìn đám ma ngồi quanh, nói như quát: "Cái bọn này thì biết cái đếch gì. Thằng này chết vì đói, thằng kia thì bị người chém, rồi cái thằng ngồi trong xó kia thì tưởng nhầm nấm độc thành nấm thường. Đâu có ai chết vì lụy tình như hai người chúng ta."

Con ma ngồi cạnh lộ rõ khuôn mặt buồn khổ. "Nhưng thưa quỷ vương bệ hạ, thần không chết vì lụy tình."

Con ma có sừng lúc này gật đầu thông cảm. "Trong trăm ngàn cái chết, có cái chết nào đáng buồn và đau đớn hơn cái chết vì tình. Đó đều là những vết thương tâm hồn không cách nào chữa khỏi. chỉ muốn giấu kín trong lòng."

Con ma ngồi bên cạnh càng khổ sở hơn. "Nhưng mà thưa bệ hạ, thần quả thật không hề chết vì lụy tình, cũng không che giấu vết thương tâm hồn nào cả."

Con ma có sừng vẫn tiếp tục gật đầu ra vẻ hiểu rõ. "Trẫm biết khanh rất đau đớn, nhưng mà trẫm thấy khanh nên chia sẻ với mọi người thì tốt hơn là cứ che giấu trong lòng như vậy."

Con ma bên cạnh dường như sắp khóc. "Nhưng mà bệ hạ, ngài đã nghe cả chuyện của thần cả chục lần rồi."

Con ma có sừng giả nheo mày suy nghĩ. "Thật vậy sao? Tai sao trẫm không nhớ gì cả." Rồi nó quay sang hỏi đám đàn em bên dưới. "Chúng bây đã nghe chuyện của Cao tướng quân chưa?" Đám bộ hạ ngơ ngác, chả hiểu từ lúc gặp nhau lần đầu vào trưa ngày hôm qua cho đến bây giờ thì quỷ vương bệ hạ đã phong cho tên kia làm tướng quân lúc nào. Thế nhưng cả đám vẫn đồng thanh: "Bẩm bệ hạ, chưa ạ." Con ma có sừng thấy đám đàn em hiểu ý, gật gật đầu vui vẻ lắm. Rồi nó nhìn sang con ma bên cạnh, lộ ra khuôn mặt háo hức.

Con ma bên cạnh lau lau nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt, nó cũng không hiểu sao quỷ vương bệ hạ thích nghe chuyện cũ của nó đến thế. Nó bắt đầu vừa hồi ức, vừa kể lại bằng một cái giọng đều đều như ru ngủ.

"Thần sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng trên núi. Thuở bé vì ham mê võ nghệ nên cũng theo thầy học võ được mấy năm. Lớn lên, thần trẻ khỏe , lại đẹp trai nhất vùng nên có nhiều cô gái thích. Vốn bản tính không sợ trời không sợ đất, thần từng vượt rào, leo tường, đánh bả chó để đêm đêm được làm bạn với các thiếu nữ xinh đẹp. Có vô số thiếu nữ đã ngã lòng, nguyện thề theo thần đến cùng trời cuối đất . Thế nhưng vì bệnh nhát gái, nên đến năm hai mươi tuổi, thần... thần vẫn chưa được biết mùi ân ái."

"Bị bạn bè trêu ghẹo nhiều lần, đêm đó thần quyết tâm trở thành một người đàn ông thật sự. Đó là một ngày rằm, trăng tròn vành vạnh, gió thổi lồng lộng. Thần nốc hết ba hũ rượu một lúc rồi vượt tường leo vào nhà một nàng góa phụ xinh đẹp. Đó là một căn nhà nhỏ nằm bên sườn núi, trước sân có cây hoa hải đường rất đẹp. Thế nhưng hoa hải đường chẳng thế nào sánh được với người phụ nữ sống bên trong. Nàng có một đôi mắt phượng quyến rũ, với gò má cao và đôi môi đầy đặn. Mái tóc được búi gọn lộ ra cái cổ trắng muốt. Đặc biệt nàng thường mặc áo yếm mỏng..."

"Đêm đó, thần leo tường vào rất thuận lợi. Vì suốt mấy năm sau khi chồng chết, nàng vẫn thường mắt đi mày lại với thần, nên khi thần liều lĩnh ôm nàng, nàng cũng không hề chống cự. Thế rồi, tờ mờ sáng, khi tỉnh dậy, thần thấy nàng đang ngồi khóc rấm rức bên giường. Thần biết đêm qua mình có lỗi lớn với người ta, bèn an ủi: "Đêm qua ta say rượu nên làm nhơ tấm thân trong sạch của nàng , từ này trở đi ..." Nàng gắt gỏng: "Chàng uống say rồi ngủ như một con lợn chết, có làm gì thiếp đâu...." Thần lúc đó mới ngớ người, hỏi: "Thế sao nàng lại khóc." Nàng vừa nấc vừa trả lời: "Thiếp đang săn sóc cho chàng thì chàng hô: "Dâm tặc, xem Phi Long cước của ta đây" rồi đá thiếp xuống giường."

"Thần đau lòng, ôm nàng dỗ dành hồi lâu thì nàng ấy một lúc lâu thì nàng mới ngừng khóc. Sau đó hai người nằm dựa vào nhau ngủ thiếp đi. Cũng không biết ngủ bao lâu thì có tiếng gõ cửa vàng lên. Nàng lúc này mới bật dậy hốt hoảng kêu lên. "Chàng ơi, chồng thiếp về." Thần cũng nửa tỉnh nửa mơ liền theo bài cũ phi thân qua cửa sổ chạy trốn. Ai ngờ được đi đêm lắm có ngày gặp ma, lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt..., cửa sổ nhà nàng nằm sát bên vách núi..." Kể đến đây giọng con ma trở nên nghẹn ngào.

Con ma có sừng lúc này mới vỗ vai nó an ủi: "Khanh đừng buồn, làm người ai mà chả lụy tình. Oai phong bốn cõi như trẫm đây cũng từng có thời ngu xuẩn như thế.." Thế rồi nó hô hào: "Chúng bây đâu, mau rót rượu cho Cao thái phó của trẫm..." Lúc này bỗng có con ma không đầu đi vào bẩm báo : "Bẩm bệ hạ, thằng Mắt Xếch vừa từ trong làng trở ra nhưng mà nó không kiếm được đồ nhắm... " Con ma có sừng quát: "Thằng này láo, dám không vâng lời trẫm. Chúng bây đâu mau kéo nó ra bên ngoài đánh bốn mươi roi cho chừa cái tội hỗn xược đó đi." Con ma không đầu đáp: "Thần tuân chỉ" rồi hung hổ đi ra ngoài.

Bên ngoài túp lều, con ma mắt xếch đang nằm trên đất miệng mếu máo: "Nấm Thường đại ca, Quét Rác đại ca, xin các vị giơ cao đánh khẽ chứ đánh thật bốn mươi roi thì tôi chết mất." Con ma tên Quét rác giơ cao cái phất trần có dán mấy lá bùa màu vàng thở dài: "Đại vương đã ra lệnh, chúng ta nào dám không tuân theo. Cũng tại mi không chừa cái tật ham mê dọa dẫm con người, làm việc chẳng có trách nhiệm gì cả, nói bao nhiêu lần rồi cũng không sửa được." Con ma mắt xếch khóc rưng rức: "Tôi cũng biết mình là con nghiện nặng. Mỗi ngày, tôi đều tự răn mình hàng trăm lần rằng không được dọa dẫm con người. Đêm đêm tôi vẫn tránh xa làng xóm để không lên cơn thèm. Thế nhưng khi gặp người thì tôi quên hết sạch, cứ như dính phải bùa mê thuốc lú vậy..."

Con ma Nấm Thường cười mỉa: "Cũng do mi ăn ở mà thôi. Có nhớ hôm ở làng Mo không, bệ hạ đang núp bụi thì mi dám xông ra dọa hết đám người đó, vậy làm sao bệ hạ có thể chữa được bệnh sợ người? Bệ hạ không chữa khỏi bệnh thì mi cũng đừng có mơ chữa khỏi." Rồi nó cười khanh khách ra vẻ đắc ý lắm. "Ta để ý thấy từ hôm đó đến nay bệ hạ toàn phái mi vào làng xóm làm việc... Kết thù với ai chứ kết thù với bệ hạ thì mi xong rồi. Trên đời này bệ hạ xưng thù dai đệ nhị thì chả có ai dám xưng đệ nhất cả..."

******************* Tiếng ho khẽ sau lưng làm cụ Trầm đỡ sợ. Cụ quay người lại. Thì ra là người thanh niên thuê nhà cụ lúc trưa. Cậu ta cất tiếng hỏi, giọng hơi khàn khàn: "Cụ đi đâu mà ra ngoài cả đêm thế này?" Cụ Trầm đáp, giọng vẫn run run: "À trong xóm có việc, tôi chạy ra coi xem thế nào." Người thanh niên lại hỏi: "Có việc gì thế cụ? Cháu nghe tiếng khóc và gào thét." Cụ Trầm chép miệng: "Khổ, đứa con nhà bà Cung lại phát bệnh. Gần ba mươi tuổi đầu rồi mà vẫn cứ làm cha mẹ phải lo lắng." Người thanh niên ho khẽ rồi lại hỏi: "Huynh ấy bị bệnh gì thế?" Cụ Trầm bảo: "Cũng chả biết bệnh gì, đang khỏe mạnh bình thường thì tự nhiên đổ bệnh. Suốt ngày cứ như thằng trẻ con toàn chơi những trò nghịch dại thôi. Mười năm nay mời bao nhiêu đại phu rồi mà vẫn thế, chẳng khá lên nổi. Dạo gần đây toàn phát bệnh lúc nửa đêm làm ai cũng sợ. Mọi người cứ bảo nó bị ma ám. Hồi nãy nó leo lên ngọn tre cao chót vót làm bà Cung sợ khóc thét. Nhà có mỗi thằng con trai, đến là khổ."

Nghe đến ma quỷ, người thanh niên hơi do dự một lúc rồi bảo ông cụ Trầm: "Cụ ơi, cụ dắt cháu ra xem huynh ấy được không?" Thấy ông cụ do dự, chàng thanh niên liền giải thích: "Cháu từ bé có học bắt ma ở trên núi. Biết đâu nếu huynh ấy bị ma làm hại thật thì cháu sẽ giúp được." Cụ Trầm đành nói thật: "Không phải tôi không muốn giúp nhưng giờ đêm hôm rồi, tôi sợ lắm." Chàng thanh niên lại năn nỉ: "Cụ chỉ cần chỉ chỗ cháu ra gần chỗ huynh ấy thôi rồi cháu tự đi cũng được." Thấy ông cụ do dự, cậu bèn giơ trong áo ra một đống bùa chú các loại. "Đây, cụ xem. Toàn hàng chính tông cả. Ma mà đến cháu liền diệt nó cho cụ xem." Ông cụ Trầm ngần ngừ mất một lúc rồi cũng gật đầu. Ông cụ bảo: "Cậu chờ tôi một lúc, tôi lấy cái đèn dầu." Chàng thanh niên gật đầu đồng ý. Một lát sau hai người đã đi ra khỏi con ngõ tối. Ông cụ Trầm vừa dáo dác ngó quanh vừa hỏi: "Cậu tên là gì nhỉ?"

-"Thưa cụ, mọi người vẫn gọi cháu là Minh Khánh."

-"Cậu bắt ma lâu chưa?"

-"Cũng được mấy năm rồi ạ."

-"Nhà cậu ở đâu?"

-"Cháu ở chùa Phổ Minh trên núi Hoàng Lĩnh."

-"Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi?"

-"Cháu mười bảy ạ."

-"Đi bắt ma có sợ không?"

-"Lúc đầu thì sợ lắm cụ ạ, sau dần dần cũng quen..."

Cứ thế hai người vừa đi vừa nói chuyện, một lúc là ra đến nơi. Lúc này người nhà bà Cung cuối cùng đã dỗ được cậu con trai nhảy xuống lưới cá. Mặc dù đau như anh ta vẫn cười khúc khích ra vẻ thích thú lắm. Bà Cung xót con, vừa sờ nắn khắp nơi vừa luôn miện hỏi có đau không. Thấy cụ Trầm đến, chồng bà Cung gật đầu chào cụ, rồi than thở: "Khổ quá cụ ơi" Ông nói như khóc. Cụ Trầm không biết nói gì chỉ nắm chặt lấy tay ông. Minh Khánh tiến đến gần người thanh niên. Quanh người anh ta cũng không có âm khí hay thứ gì không sạch sẽ cả. Minh Khánh tiến gần hơn để nhìn thì bị bà Cung ngăn lại: "Cậu là ai?" Giọng của bà có vẻ vừa đề phòng vừa dọa dẫm. Minh Khánh chưa kịp trả lời thì ông cụ Trầm đã trả lời hộ: "Cậu ấy là khách trọ nhà tôi. Thấy cậu ấy bảo làm nghề bắt ma, nên tôi mời cậu ấy tới xem có giúp được gì không."

Bà Cung liếc xéo Minh Khánh, giọng bà cao vút: "Không phải tôi đã nói với mọi người rồi, bệnh của con trai tôi không liên quan gì ma quỷ hết. Từ bé nó ngoan ngoãn hiền lành, đến con sâu cái kiến còn chả dám đụng vào..." Vừa nói bà vừa lấy tay áo chấm nước mắt. "Mấy năm nay tôi đều mời thầy đến nhà xem. Toàn những vị cao tăng, đao trưởng đức cao vọng trọng cả, mà ai cũng bảo con tôi bị bệnh tật thông thường thôi, mời đại phu giỏi cứu chữa thì sẽ khỏi. Cậu làm được mấy năm mà dám đến xem cho con trai tôi? Tôi nói cho cậu biết, muốn lừa tiền của tôi thì cứ nằm mơ đi".

Ông cụ Trầm thấy bà đanh đá như vậy đang muốn giải thích thì Minh Khánh đã trả lời: "Thưa bà, bần đạo trước giờ cứu người chưa bao giờ đòi tiền cả. Có cụ Trầm và mọi người ở đây chứng giám, nếu chữa xong mà bần đạo đến tìm bà đòi tiền thì trời đánh thánh vật, chết không yên lành."Bà Cung thấy chàng thanh niên thề độc như vậy cũng không dám nói gì hơn. "Hơn nữa, để bần đạo xem bệnh một lần, bà cũng chả mất gì. Nếu bần đạo có năng lực chữa khỏi cho con trai ông bà thì từ nay ông bà cũng thoát cảnh khổ cực đêm hôm khuya khoắt phải chạy đôn chạy đáo như thế này."

Nói đến đây, bà Cung đành nhường chỗ cho chàng thanh niên vào xem bệnh. Người con trai bà Cung vẫn nằm trong lưới, lăn qua lăn lại, vui đùa có vẻ sung sướng lắm. Khi chàng thanh niên nắm lấy tay trái của gã, con trai bà Cung liền cười khanh khách. Chỉ một lát, chàng thanh niên buông tay gã ra. Chồng bà Cung vội hỏi: "Thưa thầy, con trai tôi bị làm sao?" Chàng thanh niên cũng lắc đầu: "Con trai của ông bà chắc chắn không bị ma quỷ làm hại. Trên thân người huynh ấy rất sạch sẽ, không hề có âm khí quỷ khí gì cả..." Bà Cung liền chen vào: "Thấy chưa, tôi đã bảo mà. Thôi bây giờ xin phép đạo trưởng cho chúng tôi về." Bà nhấn mạnh vào hai chữ đạo trưởng, nhưng khuôn mặt không thể hiện một chút tôn trọng nào cả.

Người thanh niên cũng không bực tức, chỉ nói: "Khoan đã, nếu bần đạo đã xem thì xem cho trót. Xin bà và mọi người lùi ra cho bần đạo làm phép một lúc." Bà Cung đang định từ chối thì chồng bà đã kéo lại: "Bà nó à, để thầy xem một lúc có mất gì đâu. Vợ chồng mình cũng không làm ác bao giờ, biết đâu trời lại thương." Bà Cung vừa ngáp vừa nói với chồng: "Thôi cũng được, vậy thì để thầy xem một lúc." Thế là người nhà bà tránh xa khỏi tấm lưới.

Đứa con trai ông bà vẫn tiếp tục lăn lộn bên trong, hai tay sờ sờ lưới ra vẻ thích thú. Bà Cung thấy chồng có vẻ chăm chú thì nhắc nhở: "Ông nó đừng hi vọng quá. Thầy trẻ thế mới ra đời được mấy năm. Đừng có chữa lợn lành thành lợn què là tôi mừng lắm rồi." Rồi dường như ngượng vì so sánh con trai với lợn, bà im bặt. Lúc này chàng thanh niên đã lẩm nhẩm đọc thần chú. Ngón tay trỏ và ngón giữa khép lại, tay phải để thẳng đứng từ trước ngực lên trán. Tay trái nắm chặt để ngang dưới tay phải. Thế rồi chàng thanh niên dùng hai ngón tay vuốt qua đôi mắt, vừa quát: "Thiên nhãn, khai mở!" Thế rồi đôi mắt người thanh niên sáng rực lên như chứa hai ngọn lửa trong đó. Ánh sáng chiếu rọi lên người con trai bà Cung làm gã phải lấy tay che mắt. Mọi người xung quanh cũng há hốc miệng. Có lẽ cảnh này trong đời bọn họ chỉ có thể thấy được một lần. Chàng thanh niên dùng đôi mắt lửa nhìn kỹ con trai bà Cung trong giây lát rồi nhắm lại. Mồ hôi rịn ra trên trán mặt dù gió mát vẫn thôi liên tục. Khuôn mặt chàng lộ rõ vẻ mệt mỏi.

Người phá vỡ không gian im lặng là chồng bà Cung. Dường như không nhịn được, ông vội vã hỏi thầy: "Thưa thầy, con trai tôi bị bệnh gì ạ?" Chàng thanh niên mở mắt ra, đôi mắt đã trở nên đen láy như bình thường, trả lời: "Con trai ông bà bị người ta nguyền rủa." Vợ chồng ông bà Cung nghe vậy há hốc miệng, rồi cả hai cùng mếu máo năn nỉ: "Thầy ơi, mong thầy cứu cháu, bao tiền chúng tôi cũng xin chịu." Thấy Minh Khánh trầm ngâm, hai vợ chồng càng lạy lục năn nỉ khóc lóc thảm thiết. "Kể cả bán nhà bán trâu thì vợ chồng chúng tôi cũng chấp nhận. Thầy thương vợ chồng già chúng tôi thì làm ơn làm phước cứu cháu, nhà mỗi mụn con trai, thầy ơi..."

Chàng thanh niên chỉ lắc đầu. "Không phải bần đạo không muốn cứu mà bần đạo chỉ có thể làm đến vậy. Bần đạo dùng thiên nhãn quan sát thấy trên người con trai ông bà có dính một lá bùa nguyền rủa. Nhưng đó chỉ là hình chiếu của lá bùa thật, còn về lá bùa thật thì thứ lỗi cho bần đạo cũng không biết nó ở đâu. Người có thể tìm thấy lá bùa và cứu con trai ông bà chỉ có thể là ông bà mà thôi." Nói rồi, chàng thanh niên bắt đầu dùng một đoạn tre nhỏ vẽ hình một lá bùa ra đất. "Ông bà về nhà, nhớ lại rồi tìm xem những chỗ mà con ông bà từng ăn ngủ hoặc đọc sách... tóm lại là những chỗ con trai ông bà tiếp xúc nhiều rồi xem có một lá bùa màu vàng to cỡ như thế này không? Đặc biệt trên lá bùa có viết tên, ngày giờ sinh của con trai ông bà bằng máu. Sau đó gỡ lá bùa ra và đốt đi là con trai ông bà sẽ khỏi bệnh." Dặn dò ông bà Cung xong, chàng thanh niên có vẻ mệt, liền bảo cụ Trầm đi về.  

  Lúc Minh Khánh trở về đến phòng trọ thì đã qua đến giữa giờ Sửu. Hắn lê tấm thân mỏi mệt lên giường rồi đổ vật xuống như một cây chuối. Việc mở Thiên nhãn khiến cho sinh lực của hắn như bị bào mòn đi nhiều. Căn bệnh hồi chiều trở nên dữ dội. Minh Khánh ho sù sụ. Hắn cố nín lại vì biết càng ho sẽ càng làm con người ta mệt mỏi và mất sức hơn. Để che đi cơn ngứa khủng khiếp trong cổ họng, hắn với tay lấy ống tre đựng nước trên tường nhấp một ngụm. Cổ họng hắn dường như đã sưng lên khiến cho lúc hắn nuốt nước rất đau. Treo lại ống tre lên tường, hắn lại nằm vật xuống giường. Đôi mắt hắn nhắm lại rồi lại mở ra nhìn vào nóc nhà đen kịt. Hắn cứ tự nhủ mình cơn đau rồi cũng sẽ qua thôi. Không hiểu sao Minh Khánh lại tiếp tục hồi ức về bóng tối nơi hồ Kinh Dạ. Phải chăng giấc mơ nhắc nhở hắn về điều gì phải nhớ trong quá khứ mà hắn đã vô tình chôn vùi trong miền ký ức?

*********************** Hồ Kinh Dạ trong đêm tối vẫn mênh mông và ám ảnh. Sóng vẫn dập dềnh. Minh Khánh bước dọc theo bãi cát, bỏ quên nỗi sợ lúc nãy. Nghĩ đến việc mình bị một con cá phóng lên trên người, rồi trong" cơn nguy cấp" dùng bùa hộ thân dán lên người con cá đó nữa, Minh Khánh lại cảm thấy bụng quặn lên vì tức cười. Đó là một cá trắm nặng gần hai cân mà hắn đang xách theo tay. Lâu lắm rồi hắn chưa được ăn cá. Chỉ nghĩ tới mùi cá nướng chấm muối ớt thôi cũng đủ cho hắn thèm nhỏ rãi rồi.

Đi hết một đoạn bờ hồ, Minh Khánh vòng về lán. Lúc này chú Miên và sư phụ đã trở về. Hai người không biết kiếm đâu được mấy mấy con cá không to lắm, đang cho vào nồi nấu cùng một ít rau dại có hình thù kỳ quái. Thấy Minh Khánh xách theo con cá to, hai người sửng sốt hồi lâu. Chú Miên cười trêu sư phụ: "Sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước. Đạo pháp thì tôi chả biết chứ tài bắt cá thì chắc chắn Minh Sơn huynh chẳng thể theo kịp đồ đệ của mình rồi. "

Tối hôm đó ngoài món canh cá nấu rau dại thì còn có món cá nướng. Không hiểu chú Miên nướng kiểu gì mà con cá thơm phưng phức. Bên ngoài vàng ươm bên trong lại trắng phau và mềm. Minh Khánh bóc miếng cá, chấm vào bát nước chấm làm từ muối, ớt khô, mắc khén rồi bỏ vào miệng. Mùi cá, mùi mắc khén thơm lừng xộc vào trong cổ họng.Trong miệng, vị ngọt của cá, vị cay của ớt, vị tê tê của mắc khén hòa cùng độ mặn mà của muối khiến hắn như muốn nuốt chửng đầu lưỡi. Con cá to chẳng mấy chốc bốc hơi nhanh chóng, còn nồi cơm và canh rau dại thì hầu như chả ai để ý đến. Minh Khánh cho thêm củi vào trong đống lửa. Củi hồi chiều chú Miên và sư phụ mang về nhiều lắm. Hắn hơ hơ tay trên lửa ấm, dựa lưng vào tảng đá lớn bên cạnh, thiu thiu ngủ.

Đến nửa đêm thì sư phụ gọi Minh Khánh dậy. Ba người bắt đầu phải đi dò xét mấy chỗ gọi là Minh Hà Âm Dương Thất Thi Trấn Tà Mộ. Ba người đi thuyền quanh hòn đảo. Cứ đến điểm mà đánh dấu bằng lá cờ bằng vải trắng thì sư phụ lại lặn xuống nước. Trên thuyền chú Miên bắt đầu kể tiếp cho Minh Khánh nghe câu chuyện dang dở về hồ Kinh Dạ.

****************************

Bến tàu làng Diên Hạ hôm nay có vẻ tấp nập. Cũng phải thôi, hôm nay làng có chợ phiên. Làng Diên Hạ là ngôi làng lớn nhất ven hồ. Thương nhân vẫn thường đổ về đây để thu mua cá và các đặc sản trong vùng. Bởi vì vùng này chỉ mới đưa vào diện quản lý của quan phủ, nên cũng chưa có trấn sở gì, tất cả đều do mười hai cái làng trong vùng tự họp và đưa ra quy định với nhau. Việc đảm bảo an ninh quanh hồ do các làng cử người tạo thành một đội dân tráng chung. Hôm nay, vì có chợ phiên nên cả đội dân tráng đều bận rộn, cắt cử người canh gác bến tàu, khu chợ đề phòng trộm cướp. Chỉ có người đứng đầu đội dân tráng là anh Ba Kho ở nhà. Hôm nay anh phải tiếp một người khách đặc biệt. Đó là Du bộ đầu nổi tiếng về tài truy bắt tội phạm ở phủ lộ Bình An.

Anh Ba Kho với Du bộ đầu tính ra cũng là bà con. Chú bên họ mẹ của anh Ba Kho lấy chị gái của Du bộ đầu. Cách đây vài năm, lúc đi đón dâu, anh Ba Kho cũng đã gặp Du bộ đầu mấy lần. Mấy miếng võ mèo què của anh phân nửa là do Du bộ đầu dạy cho. Nhờ mấy miếng võ đó, anh được trở thành người đứng đầu của đội dân tráng nên anh Ba Kho rất biết ơn Du bộ đầu. Anh Ba Kho pha đến ấm trà thứ ba thì Du bộ đầu mới đến. Anh Ba Kho ôm chầm lấy người họ hàng xa một cách thân thiết rồi dẫn khách vào nhà. Mấy năm nay Du bộ đầu cũng không khác gì mấy, vẫn mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt rắn rỏi với chiếc cằm bạnh và đôi mắt sắc lẻm. Bộ quần áo võ phục không che giấu nổi thân hình tráng kiện của người chuyên quanh năm đi bắt tội phạm.

Uống hết nước, nghỉ ngơi một lát, Du bộ đầu ngỏ lời muốn đi nhà chị gái. Anh Ba Kho muốn giữ sư phụ lại ăn cơm trưa nhưng bị từ chối, anh đành dẫn Du bộ đầu qua nhà chú. Trên đường đi, Du bộ đầu vừa nhìn xem xung quanh vừa hỏi anh Ba Kho về tình hình trị an trên này. Anh Ba Kho cũng thật thà kể lại. Dăm vụ bắt trộm trâu, mấy vụ cướp vải vóc, hai vụ chia gia sản đánh nhau, cũng chả có chuyện to tát gì để che giấu. Đột nhiên có một người từ trong ngõ lao ra kêu anh Ba Kho: "Chú Ba ơi, giết người rồi, giết người rồi."

Nghe đến hai chữ giết người, đôi mắt sắc của Du bộ đầu theo phản xạ sáng lên khiến anh Ba Kho hơi sợ hãi. Người đến là thằng Mía, cháu cụ Mật ở trong làng. Thằng bé mới mười sáu tuổi, vừa vào đội dân tráng của anh hồi đầu năm. Anh Ba Kho nhớ hôm nay phân công nó cùng năm người nữa ra bến tàu trông coi. Thằng Mía lúc này đã chạy đến trước mặt anh Ba Kho. Nó cúi người chống hai tay xuống đầu gối. thở hồng hộc. Anh Ba Kho chờ cho nó thở một lát, mới hỏi: "Ai chết? Chết ở đâu?"

Thằng Mía lúc này vẫn chưa hồi lại, trả lời đứt quãng: "Ở làng Thanh. Đàn ông chết hết. Chỉ có mấy người phụ nữ đến báo án." Anh Ba Kho nhìn Du bộ đầu. Người kia nói ngay: "Đi hiện trường xem. Tôi còn ở đây lâu, hôm nào rảnh thăm chị sau cũng được." Anh Ba Kho gật đầu. Ba người ra bến tàu. Lúc này dân trong làng, dân ở nơi khác đến mua bán bắt đầu xúm đông xúm đỏ lại xem. Anh Ba Kho rẽ đám đông, dẫn hai người vào. Mọi người ở đây ai cũng biết anh nên tránh ra một lối nhỏ. Tới nơi anh Ba Kho liền thấy hai người phụ nữ đang khóc sướt mướt. Anh Ba Kho đang định hỏi chuyện thì Du bộ đầu ngăn lại rồi nói nhỏ vào tai anh. Vừa nghe anh Ba Kho vừa gât đầu liên tục. Anh liền ra lệnh cho đám dân tráng đang đứng đợi giải tán đám đông, rồi mang hai người phụ nữ vào một cái chòi trống bên bến tàu hỏi chuyện.

Câu chuyện của hai người phụ nữ còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần mà anh Ba Kho đã tưởng tượng. Nghe xong, anh Ba Kho và Du bộ đầu lập tức huy động hơn mười người dân tráng đến làng Thanh để bắt thủ phạm. Ngồi trên đầu thuyền, anh Ba Kho hỏi Du bộ đầu: "Sư phụ, ngài nói xem vụ này mình nên bắt thủ phạm thế nào?" Du bộ đầu lắc đầu, trả lời: "Chúng ta mới chỉ nghe vụ án từ lời mấy người phụ nữ kể. Mặc dù ánh mắt và hơi thở của bọn họ cho thấy họ không nói dối, nhưng cũng không nên tin hoàn toàn. Điều đó rất dễ khiến người phá án đi lệch ra khỏi dòng suy nghĩ và hành động của hung thủ. Chốc nữa chúng ta đến hiện trường xem mới biết lời bọn họ chuẩn xác được mấy phần." Anh Ba Kho gật đầu đồng ý. Anh tự nhủ tí nữa phải theo sát sư phụ để học thêm cách điều tra phá án. Dẫu gì anh cũng là trưởng đội dân tráng, chuyên quản trật tự an ninh trong vùng. Nói nhiều nói ít cũng phải chuẩn thì người ta mới phục.

Làng Thanh cũng nằm sát bên hồ như làng Diên Hạ. Làng khá bé chỉ có gần chục căn nhà. Nhà nào cũng mới, cũng lợp ngói đỏ. Vừa đến nơi, Du bộ đầu liền bắt tay ngay vào công việc. Đầu tiên ông triệu tập mọi người lại lấy lời khai. Anh Ba Kho và đám dân tráng lúc này đều trở thành chân chạy. Lấy mực lấy giấy, phân tách những người khả nghi, những người có tiếp xúc với nghi phạm. Mãi đến chiều tối, anh Ba Kho và Du bộ đầu mới bắt đầu nghi tay ăn cơm. Bữa ăn diễn ra trong ngôi làng u ám làm nồi cơm gạo mới cũng mất hẳn hương vị.

Đêm đó, Du bộ đầu và anh Ba Kho ngủ ngay trên thềm nhà hung thủ. Nghĩ đến kẻ sát nhân đã giết cả chục mạng người, anh Ba Kho cũng hơi rợn. Anh nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được. Bên cạnh Du bộ đầu vẫn ngáy như sấm. Trời vẫn tối om om. Cánh cửa không chốt của ngôi nhà cứ theo gió dập ra dập vào làm anh Ba Kho khó chịu. Anh liền nhổm dậy chèn cục gạch cho nó nằm im. Thấy cánh cửa không động đậy được nữa, anh Ba Kho hài lòng nằm xuống nhắm mắt. Nằm được một lát, anh Ba Kho lại nghe thấy tiếng cửa dập. Anh bực mình nhỏm dậy. Cánh cửa lại theo gió đung đưa mạnh hơn, thậm chí còn nghe rõ tiếng kèn kẹt. Anh Ba Kho bò khỏi chiếu, dùng tay mò mò phía dưới cánh cửa xem viên gạch mình chèn lúc nãy ở đâu. Quái lạ, rõ ràng lúc nãy anh vừa để viên gạch ở đây mà sao giờ không thấy.

Chả lẽ gió thổi cánh cửa đẩy viên gạch đi mất. Nghĩ đến đây cơn buồn ngủ kéo tới. Anh Ba Kho cũng không suy nghĩ thêm nữa. Anh đi ra sân, lấy tạm một viên gạch to hơn hồi nãy , rồi chèn vào cửa. Thấy cửa không kêu nữa, anh mỉm cười hài lòng, nằm lên chiếu ngủ tiếp. Lần này anh Ba Kho ngủ rất thơm, cho đến khi một cơn gió mạnh cuốn lá khô rào rào và tiếng cửa kẹt kẹt đánh thức anh. Anh Ba Kho tức lắm, bật dậy chửi thề một câu, rồi lại mò mò dưới cánh cửa. Viên gạch như có phép thần thông lại biến mất lần nữa. Lần này anh Ba Kho hơi sợ, anh đốt đèn lên. Anh tìm xung quanh cánh cửa, cả trên thềm nữa cũng không thấy hai viên gạch đâu. Anh hốt hoảng bước ra sân. Kỳ lạ thay, hai viên gạch mà anh dùng chèn cửa đã trở lại vị trí cũ của bọn nó tự bao giờ.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro