Chúng ta trưởng thành quá vội
Sáng nay, khi còn vùi mình trong con ngái ngủ của bản thân. Tôi nghe tiếng mẹ ho khan trong thời tiết hanh khô và oi bức này. Tôi nén cơn buồn ngủ lại, mắt nhắm mắt mở bước xuống giường. Pha vội cho mẹ tách trà mật ong nóng. Mẹ đón tách trà từ tay tôi bằng nụ cười hiền như nắng tháng giêng, giòn tan xanh biếc.
- Sao không ngủ thêm tí nữa, vẫn còn sớm lắm mà
Mẹ hỏi nhẹ tênh và không nhìn tôi.
- Con ngủ thì ai pha trà cho mẹ
Mẹ cười rôm rả cả gian nhà trước, tôi cũng cười theo vì nghe lòng mình nhẹ lắm.
- Con, Anh T mày chuẩn bị cưới vợ rồi. Nghe đâu là năm sau cưới, thím hai mày khoe hôm qua nó đem hình về cho xem mắt rồi. Thím hai mày ưng luôn.
- Sao vội vậy mẹ ? Thím hai chưa thấy người ta mà
- Người như thằng T, có đứa lấy là may phước rồi con. Thím hai mày cầu cho nó có nơi có chỗ mới nhẹ đầu.
Mẹ buông tiếng thở dài nhìn ra cửa, phía đối diện lấp ló ngôi nhà mái ngói của người hàng xóm ngần ấy năm ra vào với ba má tôi. Tôi trông theo, tự nhiên thấy điều gì đó nhợt nhạt,xa xôi lắm.
Từ bé tẻo teo, Anh T đã ở bên tôi như mọi đều thân thuộc khác. Ngày gió tháng giêng, Anh chẻ tre làm diều rồi dắt tôi ra đồng cùng thả, ngày đó tiếng cười của tôi hòa vào tiếng cười của Anh nghe dịu dàng lắm. Lúc sang hè, Anh lại dắt tôi đi hái dừa, bẻ trâm, rồi vặt trộm trái cây nhà bác hàng xóm, những lúc bị chó đuổi Anh em tôi dắt díu nhau chạy, cười ngả nghiêng một góc trời. Rồi mùa nước lên, tôi theo Anh ra đồng trên chiếc xuồng con của chú thím hai. Anh bủa lưới, giăng câu, tôi ngồi thả mồi câu cá như kiểu Khương Tử Nha về Việt Nam vậy. Thỉnh thoảng Anh bắt được cá to lại gọi
- Em, coi nè. Cá này mần món gì ?
Rồi tôi lại í ới phải kho tộ hay nấu chua, nhúng lẩu Anh nha, nướng chui các kiểu. Anh cười vang cả cánh đồng nước
- Em như kiểu nhà ẩm thực vậy.
Tôi cũng cười theo, khịch khịch mũi ra vẻ tự hào.
Có lần Anh bắt được có lóc to, vậy là hai Anh em đốt rơm, nướng chui em cá giữa đồng. Anh gỡ những miếng thịt to, lựa hết xương rồi đưa cho tôi. Hai Anh em cứ vậy mà xơi, chẳng biết Anh lôi đâu ra bầu rượu nhấm nháp một mình, tôi thấy Anh cứ nhìn xa xăm là lạ, nên đánh tiếng hỏi. Anh thở dài nhìn tôi.
- Lớn như Anh rồi em sẽ hiểu.
Ngày đó tôi cứ thắc mắc, bao chừ thì lớn được như Anh và tôi phải hiểu cái chi trong lòng Anh vậy. Anh khi ấy chỉ mới hai mươi tròn, vậy mà nghe trong tiếng thở dài ấy là những nổi đau thương. Tôi và Anh cứ lớn lên bên nhau như vậy, không thơ văn, không phim tàu, không mơ ước cao xa. Chỉ thấy Anh đánh tiếng thở dài nhiều hơn, chỉ thấy tôi vội vàng muốn lớn cùng Anh. Một hôm, chiều nắng vàng buông dài trên mái ngói nhà Anh, tôi thấy Anh khóc, mẹ bảo cậu Anh mất. Chẳng biết lúc đó vì còn bé hay vì điều gì đó xa xôi, tôi đã không chạy đến bên Anh, không níu tay Anh, không an ủi Anh một lời. Tôi chỉ đứng ở góc nhà nhìn sang Anh, tôi thấy Anh hút thuốc, rồi say sĩn bét nhòe nằm vật vả trên sàn, trong tôi điều gì đó rất khác, rất mong lung khi nhìn Anh. Rồi sau đó, Anh nghỉ học. Đi làm xa. Ngày Anh đi, tôi đi học nên chẳng tiễn được Anh. Chỉ biết Anh đi với vài ba bộ quần áo cũ mèm, với cái đầu cháy nắng và làn da sạm đen-qua lời kể của mẹ Anh trong hàng nước mắt. Tôi không khóc, cũng không cười. Lòng tôi cuộn trào từng cơn sóng nhỏ - năm đó tôi 14 tuổi, cơ hồ nhận ra sự trưởng thành.
Tôi mãi học, mãi chơi. Mãi bận bịu với những nỗi niềm riêng khác. Tôi quên mất Anh, quên luôn cả những ngày tháng tuổi thơ êm dịu. Mỗi năm Anh vẫn về ít lần, khi Anh về thoảng hoặc tôi có gặp, tôi chỉ cười, chào Anh. Anh thì buông vài câu bông đùa rồi lướt qua nhau. Thi thoảng tôi nghe mẹ kể về Anh bằng những cụm từ không mấy thiện cảm
- Nó ăn nhậu ghê lắm, hút sách, xăm mình, rồi đua xe các thứ. Thím hai mày khổ lắm con ơi.
Tôi nghẹn ứ mỗi lần nghe mẹ nói về Anh. Đôi ba tháng lại một câu chuyện hãi hùng gì đấy về Anh, về sự hư hỏng từ đời nào của Anh. Tôi không bận tâm lắm, càng không thành kiến. Vì tôi bận, bận lo âu với một thế giới của mình. Cứ vậy, tôi lớn lên "nhanh như mong muốn", tự vỗ ngực xưng tôi "đã trưởng thành". Rồi sự đời, đâu như ý nguyện. Những ngày vật vả với sự trưởng thành, tôi mới hiểu ra cái sự lớn mà Anh mong tôi hiểu đau khổ và mệt nhọc dường nào.
Ban chiều, tôi sang nhà ẵm cu cậu cháu, tức cũng là cháu Anh-gọi Anh bằng cậu. Tôi gặp Anh, ánh mắt giao nhau đậm mùi xã hội. Anh trêu
- Lùn, đi đâu đây ?
- Không thấy sao còn hỏi >.<
Tôi cũng chẳng vừa vặn ngược lại Anh. Anh cum tay dọa ký đầu tôi, tôi ẵm thằng cu chạy nhanh về phía cửa nhà mình. Tôi quay lại nhìn Anh, Anh kéo điếu thuốc trên tay, chân rảo bước về phía xa tôi. Nhìn theo bóng Anh mà lời mẹ tôi cứ vang lên bên tai:
- Từ hồi cậu 8 nó mất, nó biết nhà nó không ai lo toan nên gánh hết trách nhiệm lên vai mình. Đường đời mà, không gia đình thì sa ngã hư hỏng thôi. Nó ra vậy đáng thương hơn là đáng giận.
Tôi nhìn Anh mãi, khuất xa xa hơn tầm mắt tôi. Cách Anh rít một hơi dài tàn thuốc trên tay, mắt vẫn nhìn xa xôi, đau đáu lắm. Trong phút chốc, lòng tôi chợt xót xa, ngày đó Anh bảo tôi sau này sẽ hiểu những gì Anh đang nghĩ, nhưng Anh quên nói với tôi khi lớn như Anh phải chịu đựng những gì, phải trải qua những gì và phải hành động những gì. Anh quên bảo tôi - sự tàn khốc khi trưởng thành là ra sao.
Tôi lại nhìn Anh, Anh gầy quá, hình như xanh xao lắm. Ừ - Thì ra sự trưởng thành tàn khốc đến vậy.
Tôi thẫn thờ nhìn lại mọi vật quanh mình. Buông một tiếng thở dài. Ngày nhỏ tôi chỉ mong mình lớn nhanh lên, để ngạo nghễ hai tiếng "trưởng thành", bây giờ tôi 20 tuổi- trưởng thành rồi ấy, vậy mà trong thâm tâm tôi đau đáu mong mình bé lại vì sự đời khi lớn lắm đổi thay, đầy mỏi mệt. Tôi lại thở dài, nhìn căn nhà ộp ẹp mưa nắng giăng đầy của ba má mình. Có phải, đã đến lúc tôi thôi được nhỏ bé, thôi được mè nheo trẻ con rồi. Tôi lại thở dài rồi đấy. E hèm - thì ra ngày đó Anh thở dài nhiều cũng như tôi bây chừ không ?
Tôi lần nữa nhìn về phía Anh, Anh mất hút sau khúc cua của con đường rồi. Vậy là tôi vẫn chưa kịp hỏi Anh: Có phải chúng ta trưởng thành quá vội ?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro