Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Vua dau lua Rockefeller (Vu Van Hoa post)

“Vua dầu lửa” Rockefeller

Nằm giữa các phố 48 và 51, trong khu vực đại lộ Số 5 và Số 6 của thành phố New York ngày nay, là một tổ hợp gồm 19 tòa cao ốc thương mại cao hàng chục tầng, trải rộng trên diện tích 89.000 m2, thuộc Trung tâm Rockefeller (Rockefeller Center). Khu kiến trúc đã được công nhận là Thắng cảnh Lịch sử quốc gia này được đặt theo tên của John Davison Rockefeller, người được mệnh danh là “Vua dầu lửa”.

, vị tỉ phú đầu tiên của nước Mỹ, người giàu nhất mọi thời đại.

Gia tộc Rockefeller từng được xem là “một trụ cột của nước Mỹ”, với sức ảnh hưởng vô cùng lớn không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Tên tuổi của Rockefeller, vị tỉ phú xuất phát từ bàn tay trắng, tượng trưng cho quyền lực, giàu sang và cũng biểu tượng cho sự thành công của giấc mộng Mỹ. Nếu điều chỉnh theo tỉ lệ tương đương, tài sản mà tỉ phú huyền thoại John D. Rockefeller xây dựng được là nhiều nhất mọi thời đại. Năm 1902, kiểm toán cho thấy tài sản của ông là 200 triệu USD, so với GDP của Mỹ khi đó là 24 tỉ USD, tương đương 1/12 GDP. Khi ông qua đời năm 1937, giá trị tài sản của “Vua dầu lửa” là 1,4 tỉ USD trong khi GDP của Mỹ thời điểm đó là 92 tỉ USD - tức bằng 1/65 GDP quốc gia, so với 1/152 GDP của Bill Gates vào thời điểm hoàng kim năm 2006.

Kỳ 1: 50 đôla lãi 7%

John D. Rockefeller sinh ngày 8/7/1839 tại Richford, New York, là con thứ hai trong một gia đình có 6 người con. Dòng họ Rockefeller không phải là dân Mỹ gốc. Theo các nhà phả hệ học, thoạt đầu họ là những người thuộc dòng tộc Rochefeuille hoặc Rocquefeuille, từ bỏ làng quê ở Languedoc (miền nam nước Pháp), chuyển đến vùng gần Coblenz bên bờ sông Rhine của Đức, trước khi đến Mỹ vào năm 1720.

Cha Rockefeller, ông William Avery Rockefeller, ban đầu là một thợ đốn gỗ, sau chuyển sang nghề “lang vườn”, chuyên bán thuốc dạo. Người dân địa phương thường gọi người đàn ông hài hước này là “Bill Lớn” hay “Bill Quỷ”. Ông ta lang thang hàng tháng trời khắp miền Tây và chỉ trở về nhà ít ngày rồi lại đi tiếp. “Bill Lớn” từng khoe khoang rằng: “Tôi lừa bọn trẻ bất cứ khi nào có dịp. Tôi muốn chúng sắc sảo hơn”.

Tượng vị thần khổng lồ Atlas đỡ bầu trời trước cửa tòa nhà chính của Trung tâm Rockefeller, được dựng từ năm 1937.

Trong khi đó, mẹ ông, bà nội trợ Eliza lại là một tín đồ Baptist mộ đạo và rất kỷ luật. Trong khi cha thường xuyên đi vắng, cậu bé Rockefeller được mẹ dạy dỗ thành một đứa trẻ siêng năng, tiết kiệm và có lòng từ tâm. Từ bé cậu đã bộc lộ bản tính kín đáo, mộ đạo và luôn thận trọng. Cậu cũng là một người giỏi tranh luận và bộc lộ tư duy tuyệt vời về số học.

Từ năm 1852, Rockefeller theo học ở Owego, New York, nơi gia đình ông đã chuyển đến vào năm 1851. Rock giỏi vượt trội ở môn số học và có thể giải nhẩm được những bài toán rất khó - một khả năng rất hữu ích cho ông trong suốt sự nghiệp kinh doanh. Năm 1853, gia đình Rockefeller lại chuyển tới Cleveland, bang Ohio và Rockefeller theo học trung học cho đến năm 1855 tại đây.

Sau này, Rockefeller kể rằng, mình học những bài vỡ lòng về kinh doanh và thương trường từ bố ngay khi vừa biết nói và biết đi, và học được cách sống cần kiệm từ bà mẹ giỏi vun vén, người sẵn sàng dùng “cán chổi” để bắt con cái phải biết làm việc siêng năng, biết sống chia sẻ và “biết làm người”.

Tất cả trải nghiệm đầu đời về kinh doanh đã được kể trong quyển Random Reminiscences of Men and Events (Những tản mạn về người và việc), quyển sách duy nhất mà Rockefeller viết và cho xuất bản vào năm 1909. “Năm tôi 7 hoặc 8 tuổi gì đó”, Rockefeller kể, “Tôi bắt đầu những ‘vụ làm ăn’ đầu tiên với sự giúp đỡ của mẹ. Tôi nuôi vài con gà tây, chăm sóc chúng rồi bán”.

Năm 12 tuổi, cậu bé Rockefeller đã tiết kiệm được hơn 50 USD nhờ đào khoai tây giúp những người láng giềng hay bán kẹo. Cậu cho một nông dân trong làng vay số tiền này với lãi suất 7%, trả trong 1 năm. Năm sau, khi người nông dân trả lại cậu số tiền kèm theo lãi, Rockefeller đã rất thích thú. Năm 1904, “Vua dầu lửa” kể lại về vụ kinh doanh tiền đầu tiên của mình: “Ấn tượng sâu sắc đầu tiên với tôi là, hãy để đồng tiền làm nô lệ của mình chứ không biến mình thành nô lệ của đồng tiền”.

Những đóng góp từ thiện hào phóng khi đã trở thành người giàu nhất thế giới của Rockefeller cũng bắt đầu từ giáo dục của gia đình. Từ thuở nhỏ, Rockefeller đã thuộc nằm lòng những lời răn dạy của bố mẹ về đạo đức và tinh thần hiếu học. Họ dạy các con làm những món quà nho nhỏ cho nhà thờ để tặng người nghèo. Dưới sự hướng dẫn của bố, cậu bé Rockefeller còn lập cả những quyển sổ ghi chép lại cẩn thận từng đồng kiếm được cũng như từng xu cậu tiêu xài. Một trong những quyển như vậy còn được giữ lại, là Ledger A (Tập sổ cái A), cho thấy Rockefeller đã tẩn mẩn ghi lại mọi khoản chi tiêu, trong đó có nhiều phần được ghi chú là “làm từ thiện”, chẳng hạn, tặng 1 xu cho lớp giáo lý vào mỗi chủ nhật, 50 xu cho giáo đoàn Mite Society, 12 xu cho giáo đoàn Five Points, 35 xu cho thầy dạy giáo lý... 

Khi còn trẻ, Rockefeller có hai tham vọng lớn nhất: kiếm được 100.000 USD và sống đến 100 tuổi. Ông qua đời ngày 23/5/1937, chỉ 26 tháng trước sinh nhật lần thứ 100, và giá trị tài sản mà ông sở hữu là 1,4 tỉ USD (tương đương trên 320 tỉ USD ngày nay).

Kỳ 2: Vụ đấu giá kỳ cục

Năm 1853, gia đình Rockefeller chuyển đến một nông trại gần Cleveland (bang Ohio). Tuy nhiên, Rockefeller không chịu an phận với viễn cảnh mịt mù trở thành anh nông dân quanh năm chỉ biết đàn gà hay đụn cỏ. Bỏ ngang trung học vào năm 1855, cậu theo học một khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn tại một trường đại học cộng đồng.

Ngày 26/9/1855, ở tuổi 16, sau 6 tuần lặn lội xin việc từ sáng sớm đến chạng vạng, ở thời điểm nước Mỹ trong tình trạng kinh tế khó khăn, Rockefeller lần đầu tiên xin được việc làm. Đó là thời khắc bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời ông. Sau này, khi đã có trong tay cơ nghiệp bạc tỉ, “Vua dầu lửa” vẫn kỷ niệm ngày 26/9 hàng năm bằng các buổi tiệc hoành tráng hơn cả tiệc sinh nhật mình.

Rockefeller với vẻ mặt lạnh lùng từ khi còn trẻ. Ảnh: Internet

Công ty nhận Rockefeller vào làm là Hewitt & Tuttle, một công ty môi giới mua bán và vận chuyển hàng hóa tại Cleveland. Thoạt đầu, Rockefeller làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán. Mãi cho đến ngày 1/1/1856, Rockefeller mới được trả lương.

Cuốn sổ ghi chi tiêu của ông cho thấy, Rockefeller được trả 50 USD cho hơn ba tháng làm việc và ông phải chi tiền cho thuê nhà, tiền giặt ủi, cũng như “25 xu cho một ông cụ nghèo” và “50 xu cho một bà cơ nhỡ”. Từ 24/11/1855 đến tháng 4 năm sau, Rockefeller chi 9 USD cho quần áo và làm từ thiện 5,58 USD. Cặm cụi làm cho Hewitt & Tuttle, cuối cùng Rockefeller bắt đầu lên chức kế toán chính thức, được trả 500 USD/năm; rồi 700 USD sau một năm nữa. Đòi 800 USD nhưng bị từ chối, Rockefeller quyết định nghỉ việc vì cảm thấy không còn được trả lương xứng đáng với năng lực của mình nữa.

Học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, năm 1859, vài tháng trước sinh nhật lần thứ 20, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, hùn vốn chung với một người láng giềng là Maurice B. Clark, mỗi người góp 2.000 USD. Rockefeller chỉ có 1.000 USD và phải vay phần còn lại từ cha mình với lãi suất 10%/năm. Công ty Clark & Rockefeller ra đời và thành công gần như ngay từ vạch xuất phát.

Ban đầu, Clark & Rockefeller chủ yếu buôn bán hàng hóa và nhanh chóng phát đạt nhờ nhu cầu của cuộc Nội chiến Mỹ và sự mở cửa của miền Tây. Họ buôn lúa mì từ Ohio, muối từ Michigan và thịt lợn từ Illinois.

Một trang trong cuốn sổ chi tiêu còn được lưu giữ của “Vua dầu lửa”. Ảnh: Internet

Năm 1862, Rockefeller bắt đầu bước vào lĩnh vực lọc dầu. Cùng Maurice Clark, Rockefeller đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews. Thế là công ty khai thác - kinh doanh dầu Andrews & Clark Co ra đời. Dầu lửa và những câu chuyện khác về làm giàu nhanh chóng đã choáng ngợp trí tưởng tượng của các doanh nhân ở Cleveland (Ohio) khi một tuyến đường ray mới được xây dựng vào năm 1863. Hàng loạt nhà máy lọc dầu được xây dựng dọc theo những tuyến đường sắt tới Cleveland. Ban đầu, Rockefeller nghĩ rằng lọc dầu chỉ là một lĩnh vực phụ so với buôn bán hàng hóa. Nhưng chỉ trong một năm, khi nhà máy lọc dầu đem lại khá nhiều lợi nhuận, ông đã thay đổi suy nghĩ.

Tuy nhiên, bất đồng dai dẳng giữa hai nhân vật chính của công ty đã bùng nổ. Clark và Rockefeller thỏa thuận tổ chức một cuộc bán đấu giá riêng giữa hai người, ai ra giá cao nhất sẽ có được công ty. Một vụ bán đấu giá kỳ cục đã diễn ra vào một ngày tháng 1/1865 tại Cleveland. Mức giá ban đầu được đưa ra là 500 USD đã nhanh chóng bị phá vỡ. Chẳng mấy chốc, Maurice Clark đã ra giá 72.000 USD. Rockefeller bình thản đưa ra mức 72.500 USD. Clark vung tay lên trời nói: “Tôi sẽ không trả cao hơn nữa đâu, John. Công ty này là của anh”. Nửa thế kỷ sau, Rockefeller nói về cuộc đấu giá đầu tiên của mình: “Tôi mãi mãi coi đó là ngày khởi đầu cho những thành công tôi đạt được trong đời”.

Rockefeller lúc này trở thành chủ nhân duy nhất của một công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất trong số 30 nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Ông giành thắng lợi đầu tiên của mình trong lĩnh vực lọc dầu vào một thời điểm hoàn hảo - cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865 đã mở ra một kỷ nguyên mới của việc mở rộng các hoạt động kinh tế trên quy mô lớn, của hoạt động đầu cơ mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt.

Trong cơn sốt dầu lửa, Rockefeller tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận cùng những khoản tiền đi vay vào lĩnh vực lọc dầu. Ông xây thêm nhà máy thứ hai và cần thị trường mới tương xứng với công suất của các nhà máy này. Vì vậy, năm 1866, Rockefeller thành lập thêm một công ty ở New York và đưa anh trai là William phụ trách nhằm quản lý hoạt động buôn bán trên bờ Đại Tây Dương và xuất khẩu dầu lửa.

Năm 1867, Rockefeller mua thêm một nhà máy lọc dầu ở Cleveland. Đây là thương vụ đầu tiên trong hàng loạt vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ để cuối cùng tạo ra đại công ty Standard Oil vào năm 1870, khi ông mới 31 tuổi!

Bạch Đàn

Kỳ 3: “Khủng long” Standard Oil

Năm 1870, Rockefeller thành lập tập đoàn dầu mỏ Standard Oil cùng với anh trai William và các cộng sự Samuel Andrews, Henry Flagler, Stephen Harkness, O. B. Jennings. Khi đó, Standard chiếm lĩnh khoảng 10% ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ.

Rockefeller nhận thấy, giá cả đầu vào thấp và thị trường dầu đang thừa cung, gây ra sự lãng phí cao. Ông cũng nhận ra năng lực yếu kém của các công ty nhỏ, vì cố gắng tồn tại nên đã hạ giá xuống dưới mức giá thành, gây thiệt hại nặng cho những công ty lớn như của ông. Rockefeller đưa ra giải pháp là hợp thành một công ty lớn, kiểm soát việc lọc dầu, đưa dầu vào các kho chứa cũng như sản xuất những phụ phẩm từ quá trình lọc dầu.

Biếm họa Rockefeller như một vị hoàng đế dầu lửa trên bìa tạp chí Puck năm 1901.

Vào thời điểm Standard Oil đang hoạt động, Cleveland đã là một trong năm trung tâm lọc dầu lớn nhất ở Mỹ. Bằng cách thu tiền hoa hồng bí mật từ các công ty đường sắt, Rockefeller đã tạo ra một lợi thế lớn trong cạnh tranh. Dầu lửa, đương nhiên, là nguồn tài nguyên tự do. Vì vậy, sau khi đầu tư vào nhà máy lọc và chiết xuất, thì chi phí quan trọng duy nhất còn lại là vận chuyển. Việc giảm giá vận chuyển đường sắt bí mật của Rockefeller khiến các đối thủ cạnh tranh đoán già đoán non trong nhiều năm. Không một ai trong số họ có thể hiểu làm cách nào ông giữ giá thấp như vậy. Họ đều đoán rằng Standard Oil đang phát triển với tốc độ quá nhanh. Nhưng làm thế nào để Rockefeller thuyết phục phía đường sắt cho mình được giảm giá và giữ bí mật các hợp đồng thì vẫn chưa rõ.

Ông cũng bắt đầu thực hiện một chiến dịch âm thầm mua lại các nhà máy lọc dầu của đối thủ cạnh tranh. Rockefeller cứ bí mật mua các công ty dầu và những công ty có liên quan như công ty sản xuất đường ống, xây dựng dầu lửa… Đến trước năm 1873, gần như tất cả công ty lọc dầu tại Cleveland (bang Ohio) đều bị Standard Oil mua đứt. Trong vòng không đầy 4 tháng của năm 1872, Standard Oil thâu tóm đến 22 trong 26 đối thủ tại Cleveland. Quy mô của Standard Oil lớn mạnh đến nỗi hầu như đối thủ cạnh tranh nào cũng phải “đầu hàng”.

Khi “cuộc tàn sát Cleveland” (Cleveland Massacre) kết thúc vào tháng 4/1872, Standard Oil của Rockefeller đã kiểm soát 25% ngành công nghiệp dầu lửa Hoa Kỳ.

Trụ sở Standard Oil xây dựng năm 1885 tại 26 Broadway, New York. Ảnh: Internet

Sau khi “chiếm được” Cleveland, Standard tiếp tục bành trướng sang Vùng Dầu Pennsylvania. Tất cả các giao dịch đều được giữ bí mật. Các lãnh đạo của Standard quá thành công trong việc bảo mật bởi thời điểm đó, nhiều nhà lọc dầu đối thủ hoàn toàn không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Standard giành quyền kiểm soát Imperial Refinery gần Oil City và đặt J.J. Vandergrift dưới quyền điều hành của mình. Hai hãng dầu lớn ở Titusville cũng gia nhập Standard.

Năm 1875, Standard Oil tiếp tục mua thêm các công ty đường ống và năm 1877 sáp nhập tất cả vào United Pipe Lines. Các công ty dầu ở Philadelphia, New York, New Jersey, New England, Pennsylvania cũng như West Virginia cũng lần lượt trở thành công ty con của Standard Oil. Tới năm 1879, Standard Oil đã kiểm soát khoảng 90% ngành lọc dầu Hoa Kỳ, trong đó 70% được xuất khẩu ra nước ngoài. Hoạt động kinh doanh trở nên quá lớn và quá phức tạp đến mức Rockefeller chỉ đủ sức giải quyết với những vấn đề quan trọng và những đường hướng lớn cho sự nghiệp của mình. Khi đó ông mới 40 tuổi.

Có thể nói chính Rockefeller là người đầu tiên có tham vọng và ý tưởng về những tập đoàn khổng lồ, đa quốc gia cho từng lĩnh vực ngành nghề. Năm 1882, năm 43 tuổi, tất cả các công ty dầu mỏ mà Rockefeller nắm giữ được ông hợp nhất thành một tổ hợp công nghiệp dầu mỏ khổng lồ nhất trong lịch sử. Đó là Tập đoàn Standard Oil Trust với số vốn điều lệ 70 triệu USD. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Ở tiểu bang nào cũng có mặt "Standard Oil Trust" - tập đoàn dầu mỏ gần như duy nhất!

Báo chí Mỹ liên tục nói về sự bành trướng không mệt mỏi của Rockefeller. Người ta nói mỗi sáng thức dậy, tài sản của Rockefeller lại phình to hơn. Ông tạo ra một hình thái doanh nghiệp mới mà sức mạnh và ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế Mỹ còn ghê gớm hơn cả ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Standard Oil Trust đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên độc quyền công nghiệp thời hiện đại, khi họ không chỉ nắm các nhà máy lọc dầu mà còn cai quản cả hệ thống cung cấp sản phẩm đầu vào, phân phối, tiếp thị…

Standard Oil trở thành dạng “khủng long” trong làng công nghiệp dầu thế giới, với sự phát triển cực nhanh mà không đối thủ nào có thể địch lại. Tập đoàn của Rockefeller đã xây hệ thống ống dẫn riêng, sở hữu các tàu vận chuyển, xe bồn, cầu cảng, nhà kho và bãi chứa riêng. Đó là chưa kể họ mua đứt cả nhiều khu rừng để khai thác gỗ cho nhà máy chế tạo vỏ thùng dầu. Nhờ tự khai thác, xử lý gỗ và chế tạo cả đai thùng, họ đã giảm chi phí mỗi vỏ thùng từ khoảng 3 USD xuống chưa đến 1,5 USD. Rockefeller còn thuê khoa học gia thí nghiệm và sản xuất các sản phẩm hóa dầu như benzen, paraffin, mỡ… Nói ngắn gọn là Standard Oil không để lọt gần như bất cứ cơ hội làm ăn nào ra ngoài.

Bạch Đàn

Kỳ 4: Luật chống tờ-rớt

Bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty và không ngừng tìm cách giành được các khoản chiết khấu từ các công ty đường sắt, Rockefeller đã đưa Standard Oil trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất trong lĩnh vực lọc dầu. Standard Oil đồng thời là một trong những công ty bán dầu lửa lớn nhất ở Mỹ. Từ Cleveland đến các địa hạt còn lại của nước Mỹ, Standard Oil gần như độc quyền kiểm soát thị trường dầu lửa.

Nhà báo nổi tiếng Ida Tarbell, người đã theo đuổi cuộc điều tra chống Rockefeller và đế chế dầu mỏ của ông. Ảnh: Internet

Năm 1878, một người đàn ông hoàn toàn đứng ngoài công nghiệp dầu mỏ đã phát minh ra một sản phẩm làm thay đổi ngành công nghiệp chiếu sáng. Đó là Thomas Edison, người đã phát minh ra bóng đèn điện. Mặc dù thị trường dầu lửa liên quan đến nhiều sản phẩm khác ngoài dầu đèn (kerosene), nhưng dầu đèn vẫn là sản phẩm chính và thắp sáng là công dụng chủ yếu. Do vậy, khi bóng đèn điện xuất hiện, giá cổ phiếu của các công ty hóa dầu sụt giảm mạnh. Bóng điện trở nên rẻ hơn, an toàn hơn so với dầu đèn, dù trước đó, dầu đèn đã là sản phẩm rẻ hơn, an toàn hơn so với dầu cá voi.

Phản ứng của Rockefeller đối với thách thức đó là tiếp tục đưa công ty của ông trở thành số một thế giới: Ông khiến Standard Oil trở nên hiệu quả nhất có thể và luôn giữ con mắt thận trọng với mọi thay đổi trên thị trường. Trong thập niên 1880 và bước sang 1890, Standard Oil tiếp tục các thành tựu sản xuất, giữ vị trí thống trị trên thị trường. Trái với đặc trưng của độc quyền, Rockefeller không hạn chế nguồn cung giả để đẩy giá lên cao. Ông cũng không có ý định nắm quyền lực như vậy. Điều ông làm là sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá thấp nhất có thể. Dưới sự kiểm soát thị trường của Rockefeller, giá dầu lửa đã giảm gần 80%.

Sau 8 năm liên tục phát triển, bành trướng với một động cơ rất quyết liệt là gây ảnh hưởng và chi phối ngành công nghiệp dầu lửa, Rockefeller đã loại trừ và mua gần hết các đối thủ cạnh tranh. Standard Oil Trust sản xuất ra hầu hết sản lượng dầu đèn của thế giới, sở hữu 20.000 giếng dầu, 4.000 dặm đường ống, 5.000 xe bồn và thuê 100.000 nhân công. Ông thường trả lương cao cho công nhân nhưng ngăn cản họ thành lập các nghiệp đoàn.

Cái tên Rockefeller nổi tiếng khắp thế giới. Nhân viên và đại diện của ông có mặt tại hầu hết các hải cảng trên toàn cầu. Từ dầu, Rockefeller bắt đầu mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp, như sắt thép, tàu hỏa và tàu biển...

Cuốn “Lịch sử công ty Standard Oil của bà Tarbell”. Ảnh: Internet

Nhưng sự độc quyền lớn mạnh của Sandard Oil Trust đã làm báo giới, các nhà hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng và các chính trị gia lo lắng. Vừa nể vừa sợ, người ta bắt đầu nhìn Rockefeller như một mối đe dọa và gọi Standard Oil Trust là một quái vật bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống kinh tế Mỹ. Một chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard.

Lo ngại những ảnh hưởng của Rockefeller ngày càng lớn, nhiều hoạt động chính trị xã hội có thể bị tác động bởi “Vua dầu lửa” thông qua ảnh hưởng của ông đến các ngành công nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, năm 1890, chính quyền bang Ohio - nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Standard Oil Trust - đã ra một sắc lệnh gọi là "sắc lệnh Tờ - rớt", buộc chia nhỏ đại tập đoàn này thành nhiều tập đoàn độc lập, không được liên kết để độc quyền và kiểm soát thị trường. Nhưng Rockefeller, với những quan hệ mật thiết với nhiều chính khách, đã tìm cách lách được sắc lệnh trên. Ông chuyển trụ sở tập đoàn sang bang New Jersey, nơi sắc lệnh này không có hiệu lực và đổi tên thành Standard Oil New Jersey.

Một trong những người đi đầu trong chiến dịch chống tờ - rớt của Rockefeller là nhà báo điều tra Ida M. Tarbell (1857 - 1944). Viết loạt bài trên tạp chí McClure năm 1902 rồi với cuốn “The History of the Standard Oil Company” (quyển sách xếp thứ 5 trong danh sách 100 tác phẩm báo chí nổi bật nhất thế kỷ 20 do New York Times bình chọn năm 1999), bà Tarbell đã tấn công phương pháp kinh doanh và hoạt động tài chính của Standard Oil Trust. Rockefeller bị buộc tội chèn ép đối thủ bằng đủ thủ đoạn có thể, từ việc thuê và hối lộ để rình mò các công ty cạnh tranh, đến việc đàm phán bí mật hay dàn xếp sặc mùi mafia. Nói tóm lại, Rockefeller bị kết tội làm giàu từ xương máu kẻ khác.

Những vụ kiện tụng chống lại Standard Oil kéo dài đến tận năm 1911, khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng tờ - rớt này được phát triển từ những hoạt động độc quyền không hợp pháp nên buộc phải chia tách thành 34 công ty nhỏ hơn. Đại tập đoàn của Rockefeller buộc phải chia ra thành nhiều công ty khác nhau với những cái tên vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay như Exxon, Chevron hay Mobil.

Trong khi đó, từ đầu những năm 1900, thêm nhiều đối thủ đã xuất hiện như Associated Oil & Gas, Texaco, Gulf, Sun Oil hay Union Oil... Từ giữa năm 1898 và 1906, sản lượng dầu của Standard vẫn tăng, nhưng thị phần đã giảm từ 34% xuống chỉ còn 11%. Trong giai đoạn 1896 đến 1911, ảnh hưởng của Rockefeller đối với Standard Oil cũng giảm dần. Mặc dù vẫn giữ chức chủ tịch và sở hữu số cổ phần lớn trong Standard Oil, “Vua dầu lửa” rút lui khỏi công việc điều hành công ty. Tuy vậy, tài sản của ông vẫn không ngừng tăng lên. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, tài sản của ông được ước tính có giá trị tương đương 324 tỉ USD ngày nay (theo trang Askmen.com). Rockefeller là tỉ phú giàu nhất mọi thời đại, và trong tương lai có thể sẽ không một nhân vật nào đạt tới tầm cỡ như ông.

Bạch Đàn

Đón đọc kỳ 5: “Con cú già” lõi đời

Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh, Rockefeller đã quyết tâm “ít phô trương nhất ở mức có thể”. Năm 1865, khi giành chiến thắng trong cuộc đấu giá tại Cleveland để giành quyền sở hữu công ty tiền thân của Standard Oil, Rockefeller đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ. Vẻ lặng lẽ, đôi mắt xanh sắc lạnh trên khuôn mặt đầy góc cạnh với chiếc cằm nhọn của ông làm người khác có cảm giác Rockefeller là một người cô độc, lầm lì, lãnh đạm và khổ hạnh. Cái nhìn chằm chằm, lạnh lùng của Rockefeller khiến người đối diện tưởng như ông có thể nhìn xuyên thấu họ.

“Vua dầu lửa” luôn giữ phong cách giản dị, không khoa trương.

Có người từng làm việc cho Rockefeller đã gọi ông là “người vô cảm nhất mà tôi từng biết”. Về sau này, ông có đọc lại một bài thơ: “Con cú già khôn ngoan sống trong cây sồi già. Càng chứng kiến nhiều, nó càng nói ít. Càng nói ít, nó càng nghe nhiều. Tại sao chúng ta không giống như con cú già kia?”

Một lần, “Vua dầu lửa” gặp gỡ một nhóm các ông chủ công ty lọc dầu tại Pittsburgh. Sau cuộc gặp, một số nhân vật trong nhóm này cùng đi ăn tối. Câu chuyện của họ tập trung vào người đàn ông lầm lì, không thân thiện và khiến họ thấy e dè. Một người nói: “Tôi không biết ông ta bao nhiêu tuổi nữa”. Những người khác đưa ra dự đoán của họ. Cuối cùng một người nói: “Ông ta để cho mọi người nói trong khi bản thân ngồi yên. Nhưng dường như ông ta nhớ hết mọi thứ và khi thật sự bắt đầu, ông ta nói đâu vào đấy. Tôi đoán ông ta đã 140 tuổi rồi, vì khi mới ra đời, hẳn là ông ta đã 100 tuổi!”.

Biệt thự nhà Rockefeller ở Forest Hill, Cleveland, bang Ohio.

Standard Oil có một đội ngũ gián điệp riêng. Rockefeller thấy rằng, một chút hiểu biết cũng có thể là quyết định trong thế giới kinh doanh, vì vậy, ông đã kết hợp bộ phận gián điệp chuyên cung cấp thông tin về các đối thủ cạnh tranh này với một bức tường im lặng hoàn toàn mà ông phô bày với thế giới bên ngoài. “Miễn bình luận” là tất cả những gì mà cánh phóng viên có thể thu được từ các văn phòng của Standard Oil.

Kỹ thuật quản lý và tài dùng người của Rockefeller đã thu hút những bộ óc lớn cho Standard Oil. “Vua dầu lửa” đặc biệt đề cao người tài, những người có thể đề xuất và thực hiện những ý tưởng mới. Ông trả lương cao hơn để thu hút nhân viên giỏi và thưởng cổ phần trong công ty cho họ. Rockefeller cũng giành được sự kính trọng từ các nhân viên của mình. Có lần, một nhân viên kế toán mới chuyển đến căn phòng nơi Rockefeller để một chiếc máy tập thể dục. Không biết mặt mũi ông chủ ra sao, khi nhìn thấy Rockefeller, người kế toán yêu cầu ông chuyển chiếc máy. “Được thôi”, Rockefeller trả lời và bê chiếc máy đi với vẻ mặt thoải mái. Người kế toán sau khi biết mình đã sai cả ông chủ, chỉ còn chờ quyết định sa thải, nhưng Rockefeller không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

“Vua dầu lửa” đối đãi với các giám đốc của mình như những người anh hùng, ông động viên họ, cho họ được nghỉ ngơi và cảm thấy thoải mái. Ông luôn hiểu rằng những ý tưởng tốt gần như là vô giá và họ là nền tảng cho tương lai của Standard Oil.

Nguyên tắc tiết kiệm để làm giàu của Rockefeller thể hiện rất rõ trong việc kinh doanh của ông. “Vua dầu lửa” đã sáng tạo ra phương pháp kinh doanh “khép kín toàn bộ” bằng cách khống chế tất cả các công đoạn và các bộ phận có liên quan đến kinh doanh, tuyệt đối tự cung tự cấp nếu điều kiện cho phép, để giảm bớt chi phí cho công ty.

Đối với việc hạch toán sổ sách, Rockefeller rất nghiêm khắc, ông quy định giá cả phải tính tới 3 con số sau dấu phẩy. Ông yêu cầu mỗi buổi sáng khi đến văn phòng, thì trên mặt bàn của ông đã phải có một biểu đồ báo cáo về lãi ròng trong ngày hôm trước. Ông thường đến những đơn vị trong công ty và lẳng lặng quan sát. “Vua dầu lửa” cũng thường xuyên móc từ trong túi áo ra một quyển sổ và ghi chép nhanh một số chi tiết nào đó.

Dù thường bận rộn thâu đêm suốt sáng để lo đối phó với các thách thức trên thương trường khắc nghiệt, Rockefeller vẫn luôn dành thời gian ghi chép vào sổ ghi nhớ để thông báo cho những người quản lý biết cách bớt đi một số chi tiêu, cũng như những ý kiến phê bình của ông. Trong những quyển sổ như vậy có trang viết: “Trong hóa đơn thanh toán tháng 3 của anh còn lại 10.750 cái nút, trong báo cáo tháng 4 thì nhập vào 20.000 cái, sử dụng hết 24.000 cái và báo cáo là còn 6.000, vậy thì 750 cái kia đi đâu?”.

Có một lần Rockefeller đứng quan sát một người công nhân đóng thùng dầu hỏa tại công xưởng. Ông quan sát thật kỹ quá trình đóng thùng dầu loại 5 gallon. Khi thấy người công nhân cứ mỗi khi hàn nắp đậy thì dùng 40 giọt nguyên liệu hàn. Ông bèn yêu cầu anh ta: “Anh có bao giờ thử dùng 38 giọt không? Chắc là không chứ gì? Vậy bây giờ anh dùng 38 giọt để hàn cho tôi xem thử?”. Người công nhân làm đúng theo ý của Rockefeller, chỉ dùng 38 giọt nguyên liệu để hàn, kết quả là thùng bị rò rỉ. Sau đó, người công nhân thử dùng 39 giọt nguyên liệu để hàn, kết quả thùng dầu được hàn tốt, không bị rò rỉ. Kể từ đó, “39 giọt” trở thành mức quy định trong thao tác hàn nắp thùng của công ty.

Được ngưỡng mộ như một bậc kỳ tài về quản lý và tổ chức, nhưng Rockefeller đồng thời cũng là doanh nhân Mỹ bị căm ghét và nguyền rủa nhiều nhất, một phần do ông quá tàn nhẫn trong các cuộc chiếm lĩnh thị trường và một phần vì ông quá thành công.

Bạch Đàn

“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng

Ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa. Một lần, ông mời hai vợ chồng doanh nhân nổi tiếng của địa phương đến trang trại của mình ở Forest Hill, Cleveland nghỉ hè. Sau đó, họ nhận được từ Rockefeller một hóa đơn đòi thanh toán tiền ăn 600 USD!

Ảnh chụp Rockefeller năm 1927, khi ông đã dành toàn bộ tâm sức cho hoạt động từ thiện.

Năm 1864, ông kết hôn với bà Laura Clestia Spelman, hai người có 4 cô con gái rồi mới sinh được cậu “quý tử” John D. Rockefeller Jr. Tuy giàu có nhưng Rockefeller và vợ luôn dạy cho con cái về những giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi chính những khoản thừa kế lớn. Tại thành phố New York, Rockefeller “con” phải đi bộ từ nhà đến trường trong khi những đứa trẻ con nhà giàu khác được đưa đón bằng xe và có người phục vụ đi cùng. Còn để có tiền tiêu vặt, cậu phải làm việc tại các điền trang của cha với mức lương giống như những công nhân khác.

Sau khi qua đời, Rockefeller để lại tập nhật ký và quyển sổ chi dùng riêng của cá nhân ông. Từ quyển sổ chi dùng đó, có thể thấy bắt đầu từ năm 16 tuổi, khi xin được việc làm, cho tới khi chết, sự tiết kiệm của ông làm cho bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc. Cuốn sổ ghi lại đầy đủ các khoản chi của ông từ năm 1826 đến năm 1872, không để sót một khoản nào, từ chi phí theo đuổi người bạn gái, sau này trở thành vợ ông, như số tiền của mỗi lần tặng hoa, 118 USD mua nhẫn hột xoàn cho lễ đính hôn, cho đến 20 USD chi phí hôn lễ, 1,10 USD tiền đăng ký kết hôn, 10,75 USD đi hưởng tuần trăng mật tại thác Niagara... Thậm chí đến 3 xu để mua tem thư cũng được ghi vào sổ.

Sau này, khi đã về già, mỗi lần nhắc tới vấn đề tiết kiệm, bao giờ Rockefeller cũng cười to nói: “Một món tiền to nhờ tiết kiệm mà có. Một món tiền to đấy!”.

“Vua dầu lửa” và cậu con trai duy nhất, Rockefeller “con”. Ảnh: Internet

Trong đời sống cá nhân và hoạt động kinh doanh, “Vua dầu” luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm. Nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Trái với bản lĩnh quyết liệt và tàn nhẫn trên thương trường, Rockefeller vẫn nuôi dưỡng được lòng từ tâm mà mẹ ông đã hun đúc từ thuở nhỏ. Ngay từ khi bắt đầu kiếm ra tiền, Rockefeller đã tài trợ những khoản tiền nhỏ cho nhà thờ. Số tiền tài trợ mỗi ngày một lớn và Rockefeller luôn nỗ lực cho đi một phần lớn trong khối tài sản ông tích lũy được. Cách xem xét tỉ mỉ và đánh giá thận trọng trong kinh doanh cũng được Rockefeller áp dụng trong hoạt động từ thiện, và các khoản tài trợ của ông đều được dành cho nhà thờ, khoa học, y tế và giáo dục.

Năm 1896, Rockefeller không còn đến văn phòng hằng ngày nữa và một năm sau ông nghỉ hưu, ở tuổi 58. Từ giữa thập niên 1890 cho đến khi qua đời vào năm 1937, Rockefeller chủ yếu tập trung vào các hoạt động từ thiện. Trường đại học Chicago, mà Rockefeller chịu trách nhiệm chính thành lập, đã được ông tài trợ 75 triệu USD - một số tiền khổng lồ vào năm 1932. Trong chuyến thăm trường đầu tiên diễn ra vào năm 1896, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường, ông phát biểu: “Tôi tin tưởng vào việc thành lập trường đại học này. Đây là vụ đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện trong đời. Chúa đã cho tôi tiền bạc, làm sao tôi có thể không tài trợ cho trường chứ?”.

Ông cũng tham gia thành lập Viện nghiên cứu y khoa Rockefeller (nay là Đại học Rockefeller) và tổng số tiền tài trợ cho viện này lên tới 50 triệu USD trong thập niên 1930. Năm 1903, Rockefeller thành lập General Education Board - tiền thân của Quỹ Rockefeller, nhằm mở rộng các trường trung học trên khắp miền nam Mỹ. Năm 1919, ông đã hiến 50 triệu USD cho Quỹ để tăng lương cho các viện nghiên cứu, vốn rất thấp trong Thế Chiến I. Quỹ Rockefeller chính thức thành lập năm 1913 và “Vua dầu lửa” đã chuyển cho quỹ này 235 triệu USD cho tới năm 1929.

Khi qua đời vào ngày 23/5/1937, ở tuổi 98, tổng tài sản của tỉ phú giàu nhất mọi thời đại chỉ còn lại 26.410.837 USD sau khi đã quyên góp phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện, cho con trai và những người thừa kế khác.

Chỉ riêng công xóa sổ nạn giun móc ở miền nam nước Mỹ đã đủ đưa tên ông vào danh sách những nhà nhân đạo vĩ đại nhất thế kỷ 20. Nhưng danh tiếng của Rockefeller đã bị hoen ố đến mức ông chưa bao giờ nhận được sự công nhận quan trọng nào cho những đóng góp từ thiện của mình. Các nhà sử học chỉ viết về ông như sau: “Rockefeller từ một cỗ máy làm ra tiền đã trở thành một nhà bố thí lớn của nước Mỹ”.

Sau khi qua đời, tài sản của Rockefeller, thông qua một hệ thống các quỹ ủy thác, vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho các hoạt động từ thiện của gia đình, các hoạt động thương mại và chính trị khác trong suốt thế kỷ 20. Hậu duệ của ông cũng là những doanh nhân và chính trị gia thành đạt. Cháu trai David Rockefeller là chủ ngân hàng hàng đầu ở New York, người từng trên 20 năm giữ cương vị CEO của Chase Manhattan (nay là một phần của JPMorgan Chase). Một cháu trai khác, Nelson A. Rockefeller, từng là thống đốc New York và Phó Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Cháu trai thứ ba, Winthrop Rockefeller từng là thống đốc bang Arkansas. Chắt của “Vua dầu lửa” John D. “Jay” Rockefeller IV hiện là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Tây Virginia và cựu thống đốc Tây Virginia.

Năm 86 tuổi, Rockefeller tự tóm gọn cuộc đời ông trong một bài thơ như thế này: “Từ nhỏ tôi đã được dạy cả chơi và làm việc. Cuộc đời tôi là một kỳ nghỉ dài hạnh phúc. Đầy ắp công việc và đầy ắp trò chơi. Tôi bỏ lại nỗi lo lắng trên đường. Và Chúa ban phước cho tôi mỗi ngày”. 

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #hoakaboss