Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4: Nhà giao dịch sôi sục

Một trận ồn ào chào đón Mark Spitznagel khi ông bước vào phòng trưng bày cho du khách của Phòng Ngũ cốc như cái hang tại Sàn Giao dịch Chicago. Đó là mùa hè năm 1987. Thị trường lúc đó đang trên đà tăng trưởng, và nước Mỹ cũng vậy. Chỉ số công nghiệp Dow lần đầu tiên đóng cửa đạt kỷ lục 2.000 điểm. Tại Berlin, Ronald Reagan hô hào Mikhail Gorbachev hãy phá bỏ bức tường. Michael Jackson mới vừa phát hành album Bad. Prozac vừa được FDA cấp phép lưu hành. Tại Sàn Giao dịch Chicago, cỗ máy tư bản trần trụi đang hừng hực làm việc. Đôi mắt thiếu niên của Spitznagel chỉ biết mở to trước cảnh tượng này.

Các nhóm người môi giới gào thét, tay chân làm những ký hiệu lung tung mà chỉ có họ mới hiểu nhau; họ chen chúc như cá mòi trên sàn giao dịch mở, nhiều người còn chọn mặc áo khoác màu sặc sỡ để nổi bật. Những tấm phiếu đặt mua đặt bán bị vứt bỏ như hoa giấy trên mặt sàn màu đen. Spitznagel có thể cảm nhận được không khí bị khấy động khi cách lệnh mua và bán ném qua lại trong cái hang động có trần cao này. Hỗn loạn rối mù. Tuy nhiên, đó lại là sự hỗn loạn có tổ chức.

Ông ấy lúc này mới 16 tuổi. Cha ông là mục sư tại nhà thờ Tin lành ở ngoại ô Chicago. Một giáo dân ở đây, Everett Klipp, là người môi giới mặt hàng hạt ngô và là một cựu binh tại Sàn Giao dịch Chicago, gọi tắt là CBOT, một pháo đài thị trường sừng sững cho giao dịch trái phiếu và hàng hóa được thành lập từ 1848. Spitznagel bám đuôi theo cha đến thăm Klipp tại sàn giao dịch của CBOT. Chưa từng có trải nghiệm về môi giới hay thị trường, ông cũng không mang theo kỳ vọng gì. Ông hình dung nó giống như một sòng bạc sang trọng như trong phim của James Bond. Nhưng những gì ông nhìn thấy lại hoàn toàn khác biệt và hấp dẫn.

Phòng Giao dịch Ngũ cốc là sàn giao dịch trung tâm tại đây. Tòa nhà cũng là một tác phẩm nghệ thuật theo phong cách Art Deco được xây dựng năm 1930, đặt tại 141 Đại lộ West Jackson, khu trung tâm thương mại của Windy City. Đây là nơi những người giàu có lâu đời buôn bán ngô, lúa mì, yến mạch, và đậu nành. Nó có kích thước bằng một sân bóng đá, được bao quanh bằng những tấm bảng điện khổng lồ với những hàng số màu đỏ, xanh, vàng nhấp nháy liên tục, nhảy múa theo tín hiệu cung và cầu các mặt hàng này trên khắp thế giới.

Mark thích mê.

Ông ấy không phải là một cậu bé ngờ nghệch bị thu hút bởi những con số và văn hóa thần bí của thị trường. Ông lớn lên ở vùng nông thôn Northport, Michigan, và đam mê thể thao như bóng chày, bóng đá. Ông thích đua thuyền buồm trên Hồ Michigan ở gần đó. Nhưng ông cũng không phải là một người bạn có thể gọi là bình thường. Ông yêu thích đến cuồng nhiệt chiếc kèn Pháp, và tập luyện mỗi ngày ba, bốn giờ. Khi đi qua lại trong nhà, ông cứ lẩm bẩm, kỷ luật, tự giác, kỷ luật, tự giác, khiến cho cha mẹ cũng hoảng sợ. Cha của ông, Lynn Edward Spitz-Nagel (Mark sau này bỏ dấu gạch nối trong họ của mình), vừa là một mục sư Tin lành tại Northport, vừa là một nhà hoạt động nhân quyền. Ông lớn lên trong âm nhạc của Cat Stevens. Có một ngày, Mark bước vào phòng ngủ và thấy một chồng sách của Gandhi mà cha ông để lại nhằm thuyết phục ông đăng ký danh sách từ chối nhập ngũ khi đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Mark có vẻ chấp nhận tốt hơn các bài học của cha về thiền, mà sau này ông cho rằng nhờ nó mà ông có lợi thế trong giao dịch.

Spitz-Nagel Cha đã từ bỏ sự nghiệp tiền tài của vị trí người lãnh đạo một bệnh viện công tại miền bắc bang New York, chọn lấy cuộc sống nghèo khổ của một mục sư lương thấp, và sống trong ngôi nhà đơn sơ, nhỏ hẹp cùng với gia đình. Bài học ông ấy muốn thể hiện là tiền bạc không quan trọng. Nhưng Mark lại học ngược lại. Ông ghét cảnh nghèo và không bao giờ muốn lớn lên phải sống trong cảnh nghèo. Sau này, ông nhìn lại thời tuổi thơ thắt lưng buộc bụng của mình mà có phần tự hào. Không giống như hầu hết những người mà sau này ông được gặp trong giới tinh hoa tài chính toàn cầu, ông bước chân vào ngành này gần như với con số 0.

Khi Mark học lớp sáu, gidnh chuyển đến vùng ngoại ô Matteson, Chicago, do cha của ông trở thành mục sư của một khu giáo dân lớn hơn. Mark không thích những vùng ngoại ô quy củ như đúc cùng một khuôn, mà thấy nhớ những khu rừng trải rộng có thể rong chơi thoải mái của phía bắc Michigan. Nhưng nơi này có một lợi thế rất lớn. Lần chuyển nhà này đã đưa gia đình đến gần khu trung tâm giao dịch hàng hóa của CBOT và gặp được nhà môi giới kỳ cựu cho mặt hàng hạt ngô, Everett Klipp.

***

Theo sở thích, Mark luôn thể hiện sự đam mê đến ám ảnh khiến ông trở thành người tạo xu hướng cho khu dân cư. "Khi ông ấy quyết định cần có một thứ gì đó, tất cả chúng tôi đều làm theo," em trai của ông, Eric Spitznagel, một người theo cánh tả và cộng tác với những tòa soạn như Rolling Stone và Vanity Fair, nói với tôi. "Anh ấy muốn làm một con rối biết nói tiếng người. Tất cả bọn tôi lúc đó là, 'Đây là thứ mà chúng ta đều phải làm.' Thế là, đột nhiên tất cả bọn trẻ trong khu dân cư đều có một con rối tay học nói tiếng người." Mark đã sáng tác hàng chục bộ phim nghiệp dư bằng chiếc máy quay 8 li – toàn hàng nhái học theo các tài liệu tạp nham từ Star Wars, phim cao bồi, và The Incredible Hulk. Thỉnh thoảng, ông cũng để cho em trai hay bạn bè đạo diễn. Sản phẩm của bọn họ thường bị Mark săm soi dè bỉu.

Mark nổi loạn không theo trường phái tự do kiểu hippie của cha mẹ, mà chọn đắm mình trong những tác phẩm của phe bảo thủ cực đoan như William Buckley. Cũng giống như thần tượng Warren Buffett của mình, ông ấy cũng khởi nghiệp giao báo và dần dần độc chiếm khu vực của mình, thuê lại bạn học đi giao báo có lương. Bạn bè bắt đầu tìm đến ông để vay tiền, giúp ông nhận ra giá trị của việc nắm giữ nhiều tiền mặt trong tay. Ông cảm thấy mình giống với bạn thiếu niên Alex Keaton theo cánh hữu, do Michael J. Fox đóng trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Family Ties của thập niên 80. Ông chăm chú theo dõi chương trình tranh luận chính trị Crossfire của đài CNN và luôn đứng về phe của Patrick Buchanan, người dẫn chương trình theo đảng Cộng hòa. Ông đặt mua dài hạn tạp chí bảo thủ National View của Buckley và bị thuyết phục trước thế giới quan tự do của Nghị sĩ bang Texas, Ron Paul. Ông cũng là một người giỏi toán. Ông tự học và trở thành sinh viên chơi kèn Pháp giỏi nhất nước và được nhận vào trường Julliard tại New York.

Chuyến tham quan CBOT đã làm đảo lộn hết tất cả. Ông gạt qua một bên kế hoạch theo học tại Julliard, nhận thấy sự nghiệp âm nhạc sẽ không bao giờ giúp mình trở nên giàu có. "Phải chăng trong tôi có một chút tham lam?" Spitznagel ngày nay nhớ lại. "Dĩ nhiên, đó là những năm tám mươi." Ông không còn quan tâm quá nhiều đến chính trị và từ bỏ kế hoạch nghiêm túc theo đuổi bóng đá hay bóng chày. Ông mượn thư viện quyển sách The Grain Traders: The Story of the Chicago Board of Trade, của William Ferris và đã không bao giờ trả lại.

Klipp nhận ông vào và giao việc cho ông. Thoạt đầu ông ấy là người chạy vặt – công việc bao gồm nhận phiếu đặt chuyển từ người này sang người khác để xác nhận đặt hàng. "Giao dịch này có ổn không?" Sau đó ông có thể chạy ra ngoài mua đồ ăn trưa cho các nhà môi giới. Trong lúc đó, ông tích lũy và học hỏi đường đi nước bước – cách giao dịch, cách ra dấu bằng tay, ai là người nắm quyền kiểm soát, ai không có quyền kiểm soát.

Quan trọng hơn, ông học hỏi từ Klipp. Klipp được xem là ngôi sao, là huyền thoại ở CBOT, ông ấy lớn lên trong nhà thậm chí còn không có điện, đã trải qua cuộc Đại Khủng hoảng và mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, ông ấy chuyển đến Chicago và năm 1946 bắt đầu làm chân chạy tại CBOT cho một công ty sau này trở thành Merrill Lynch. Klipp mua một ghế trong phòng lúa mì năm 1953, bắt đầu có quyền giao dịch bằng tiền của chính mình. Năm 1978, ông ấy mở công ty riêng, gọi là Alpha Futures.

Triết lý giao dịch của Klipp rất đơn giản nhưng đi ngược tư duy thông thường: Nhà môi giới thành công thích thua và ghét thắng. "Con phải học cách thích thua lỗ," ông ấy đã nói với cậu thanh niên Spitznagel bằng cái giọng khàn khàn, trầm trầm của mình khi nhận cậu ấy vào làm việc tại Alpha. "Và phải ghét kiếm tiền. Nó đi ngược lại bản chất tự nhiên, nhưng nó là điều con phải vượt qua."

Điều này có nghĩa là khi vị thế bắt đầu mất tiền – bán ngay lập tức. Bất chấp việc bạn nghĩ nó sẽ hồi phục. Bất chấp bạn nghĩ là thị trường đang sai. Bất chấp những gì bạn đọc sáng nay trên tờ Wall Street Journal hay những gì thể hiện trên những biểu đồ màu mè. Bán, thua lỗ. Thích thua. Và làm việc tiếp. "Con phải nhìn như thằng khùng và cảm thấy mình như thằng khùng," Klipp nói với Mark.

Chiến lược này có hiệu quả khi hạn chế rủi ro giảm giá của người giao dịch. Bạn có thể mất một ít, nhưng bạn sẽ không bao giờ mất hết .. bạn sẽ không bao giờ "nổ bùm," như cách nói của giới giao dịch, trừ phi bạn cực kỳ xui xẻo. Bằng cách này mà Klipp có thể duy trì được lâu như thế trong cuộc chơi, khiến cho mình nổi tiếng thành ngôi sao tại CBOT. Và đó cũng là bài học dẫn dắt cách giao dịch của Spitznagel trong suốt quãng đời còn lại.

Klipp xem như đã thành công trong việc dạy cho Spitznagel về đặc tính của một vị vua của thời hỗn loạn: Hoảng loạn từ sớm. Cắt lỗ ngay lập tức, vì nếu vị thế cứ tiếp tục rơi, bạn sẽ mất hết. Ông ấy biến nó thành luật sắt, và đưa nó thành phản xạ tự nhiên – với điều kiện bạn phải chịu đựng được nó.

Cách tiếp cận này của Klipp không hoàn toàn là độc quyền. Ngay từ những ngày đầu mới bước vào sàn giao dịch, những nhà môi giới non tay vẫn liên tục được nhắc nhở "cắt lỗ, gồng lãi." Điều làm cho Klipp khác biệt là ông ấy thật sự nghiêm túc tuân thủ quy luật này – và thật sự tin tưởng rằng không còn điều gì quan trọng hơn.

"Có một điều gì đó đặc biệt về Klipp, trong cách ông ấy thể hiện nó," Spitznagel nhớ lại. "Ông ấy không quan tâm đến cơ chế vận hành của thị trường, kiểu như thị trường là nơi cung gặp cầu, mấy thứ nhảm nhí tương tự như thế. Đối với ông ấy chỉ có kỷ luật. Và đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận với giao dịch. Kỷ luật. Giao dịch là kỷ luật; mọi thứ còn lại chỉ là tiểu tiết. Bạn phải làm ngược lại với điều bạn thấy tốt. Bạn phải đặt mình vào vị trí không thoải mái. Vượt qua được tình trạng đó là bạn đã thành công. Và cũng có nghĩa là bạn sẽ giàu kếch sù."

Một thách thức khác từ cách tiếp cận của Klipp: Việc duy trì nó là cực kỳ khó, và không có mấy người làm được một cách nhất quán. Bởi vì, như ông ấy đã nói, nó đi ngược lại bản chất con người. Chỉ cần một lần trượt ngã là có thể rơi vào điêu tàn. Spitznagel cũng phải mất một thời gian mới làm quen. Ông ấy nghĩ rằng nếu mình theo dõi thị trường thật kỹ, ông có thể dự báo được xu hướng. Ông ấy dán biểu đồ giá ngô và đậu nành lên tường phòng ngủ. Ông ấy xây dựng phòng thí nghiệm trồng ngô và đậu nành trong chậu để theo dõi các chu kỳ tăng trưởng và lượng mưa. Ông ấy ngâm cứu dự báo thời tiết cho mùa hè từ sớm và săm soi dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ông bay đến vùng phía bắc, lặn lội trong cánh đồng ngô và theo dõi sự phát triển bắp ngô, cố gắng phân tích ý nghĩa của nó đối với sản lượng. Sau đó ông mang những hiểu biết mới tích lũy này đến cho Klipp tại CBOT hoặc cho cha mình tại nhà thờ.

"Để con mở cái bản đồ thời tiết này có chi tiết nhiệt độ theo ngày cho mùa vụ ngô sắp tới nhé? Tại sao giá không tăng lên?" Mark hỏi ông ấy.

"Tào lao quá," Klipp dè bĩu. "Con đang lãng phí thời gian quá. Không ai dự báo được giá."

***

Nếu có người thấy đại học là thời gian phí phạm, thì đó chính là Mark Spitznagel. Ông ấy theo học ngành chính trị và toán tại ĐH Kalamazoo, Michigan, vì nghĩ rằng nó có ít ảnh hưởng nhất đến việc giao dịch của mình (lúc này ông chưa nghĩ rằng toán học có dính dáng gì đến giao dịch). Vào mùa hè ông làm thư ký cho những nhà môi giới của Klipp, lúc nào cũng ôm kè kè quyển bảo bối để đọc lúc nghỉ trưa, The Treasury Bond Basis. Ông đã tạm ngừng một học kỳ để làm thư ký cho bậc thầy huyền thoại Charlie DiFrancesca tại CBOT, còn được biết đến như là Charlie D., nhà môi giới cá nhân lớn nhất của CBOT lúc đó.

Spitznagel tốt nghiệp khi 21 tuổi và ngay lập tức quay về nhà – về CBOT. Ông tranh thủ thời gian thiết kế một chương trình giao dịch dành cho chiếc máy tính cầm tay Hewlett Packard có thể giúp cho người môi giới tính toán vị thế và tiền lời hay lỗ theo thời gian thực, giúp ông có thể phản ứng nhanh nhạy nhất khi giá thay đổi. Ban đầu ông chỉ viết phần mềm này cho cá nhân sử dụng, nhưng sau đó đã bán nó cho các thư ký khác trên sàn. "Tôi kiếm được khối tiền từ nó; nhờ vậy mà tôi đã có thể bắt đầu giao dịch khi còn trẻ," ông nhớ lại.

Chỉ trong vòng vài tháng, được sự ủng hộ của Klipp, với tiền thu được từ chương trình giao dịch, và một ít tiền mặt của bà nội, Spitznagel đã đăng ký thành viên tại Sàn Giao dịch. Khoác lên mình chiếc áo màu xanh nước biển của Alpha Future và đeo cà vạt có in hình Adam Smith, nhà kinh tế học theo trường phái thị trường tự do, Spitznagel được gọi là local, người giao dịch độc lập bằng tiền của chính mình (những nhà giao dịch khác trên sàn, các nhà môi giới, mua và bán đại diện cho các tổ chức như ngân hàng hay công ty đầu tư ... hay nói cách khác, giao dịch bằng tiền của người khác).

Người giao dịch độc lập thực tế chính là người kiến tạo thị trường, là người cung cấp thanh khoản – họ tạo thị trường bằng cách bôi trơn cho bánh xe trao đổi khi mua và bán bất chấp thị trường xoay theo hướng nào. Nhà môi giới phản ứng tùy theo mong muốn của khách hàng, có thể là một công ty nông nghiệp lớn muốn phòng hộ cho lúa mì vụ đông hay một công ty bảo hiểm muốn tự bảo vệ trước nguy cơ giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Người giao dịch độc lập lại chỉ đơn thuần đặt cược vào giá tăng hay giảm trong ngắn hạn.

Spitznagel lúc này 22 tuổi, là thành viên trẻ nhất của đội ngũ giao dịch độc lập trên sàn giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu. Và sàn giao dịch trái phiếu chính là trung tâm hành động. "Sàn giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu sôi động nhất thế giới," theo một bài báo năm 1991 trên tờ Wall Street Journal. Thời điểm đó, trong ba hợp đồng giao dịch trên CBOT thì có hai hợp đồng tương lai trái phiếu.

CBOT là nơi khai sinh ra hợp đồng tương lai – thỏa thuận mua một lượng hàng hóa nhất định ở một mức giá nhất định tại một thời điểm nhất định. Quay về những năm 1800, các thương lái nông nghiệp vùng Trung Tây gặp nhau tại Chicago và bán sản phẩm của mình với một mức giá được người mua đặt ra. Sau này, hợp đồng tương lai được lập ra để giúp họ bán sản phẩm của mình theo một mức giá cố định trong tương lai. Ví dụ bạn sở hữu một công ty làm bánh quy. Bạn có thể mua một hợp đồng tương lai tương đương 1.000 thùng lúa mì vào ngày 1/8 với mức giá 20đô/ thùng. Như vậy bạn đã cố định giá cho tương lai và không còn phải lo lắng chuyện giá tăng đột biến. Người trung gian bán cho bạn hợp đồng – người giao dịch độc lập – có thể hưởng lợi nếu giá rớt xuống dưới mức 20 đô/thùng. Anh ta cũng hưởng lợi khi giao dịch xoay quanh giá lên giá xuống, cố gắng mua thấp và bán cao.

Hợp đồng tương lai trái phiếu về căn bản cũng tương tự, nhưng mặt hàng ở đây là trái phiếu. Giao dịch hợp đồng tương lai đã tăng mạnh trong những năm 1980 khi chính phủ Reagan tài trợ cho bùng nổ kinh tế khi phát hành hàng tỉ đồng trái phiếu. Hợp đồng tương lai trái phiếu giúp cho các tổ chức mua trái phiếu phòng hộ tránh thua lỗ.

Trên sàn giao dịch huyền thoại này, như đã kể lại trong tiểu thuyết The Pit của Frank Norris năm 1903, Spitznagel bỗng dưng thấy mình được làm việc bên cạnh những nhà giao dịch lớn nhất tại Chicago. Sàn giao dịch được thiết lập theo cấp bậc, đúng theo nghĩa đen. Cấu trúc hình bát giác từ sàn lên đỉnh xếp thành nhiều tầng như một chiếc bánh cưới bị đặt chổng ngược. Những tay chơi nhỏ như Spitznagel loanh quanh ở tầng thấp bên trong sàn, cố gắng kiếm một chút cháo bằng những lệnh giao dịch chỉ vài ngàn đô la. Trên những cấp cao nhất là những ông trùm – những nhà giao dịch siêu giàu có thể ném hàng triệu đô cho một vị thế mà không hề chớp mắt. Họ là những nhà giao dịch thượng tầng.

Bí mật của tầng cao: tầm nhìn. Bạn càng đứng trên cao, bạn càng có tầm nhìn bao quát cả sàn, làm tăng đáng kể khả năng nắm bắt tình hình đang diễn ra và đưa bạn đến gần hơn những lệnh khủng đến từ bên ngoài. Ở sâu bên trong và bên dưới tầng thấp – gọi là "dưới lỗ" – tầm nhìn của bạn bị hạn chế rất nhiều, và không có nhiều người để giao dịch với nhau. Nó giống như tấm bảng trò chơi Tỉ phú. Những người giao dịch hàng đầu sở hữu hai ô Park Place và Boardwalk. Nhóm nhà giao dịch ở giữa sở hữu những ô màu vàng và màu đỏ như Atlantic Avenue. Spitznagel chỉ sở hữu ô màu tím – giá rẻ bèo như Baltic Avenue.

Đó là thời kỳ đỉnh cao của những nhà giao dịch giỏi trên sàn của CBOT. Chỉ trong vòng một thập niên, những phần mềm tự động, những cỗ máy tốc độ tần số cao, sẽ chiếm lĩnh thị trường hợp đồng tương lai. Nhưng ở những năm đầu của thập niên 1990, người ta chưa hình dung đến việc này. Sàn giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu là đỉnh của đỉnh tại CBOT, nơi những nhân vật huyền thoại như Thomas Baldwin kiếm được tài sản kếch sù. Baldwin là người giao dịch năng động nhất trong hợp đồng tương lai trái phiếu. Baldwin cũng là một nhà giao dịch động lập giống như Spitznagel nhưng với số vốn lớn hơn rất rất nhiều, ông ấy là "một trong số ít những cá nhân có thể làm giá trên thị trường hàng tỉ đô la," một bài phóng sự trên tờ Wall Street Journal tháng 2/1991 đã viết như thế về ông ấy.

"Baldwin thường hay ném banh giấy vào người tôi," Spitznagel nhớ lại. "Giống như kiểu ăn hiếp ấy. Ông ấy khiến cho tôi khổ sở hết sức. Nhưng tôi rất lấy làm vui. Người giao dịch giỏi nhất mọi thời đại trên sàn lại chấp nhất làm trò với tôi."

Spitznagel tìm mọi cách đến càng gần Baldwin để học hỏi các nước cờ của ông ấy. Baldwin là "một người bị quỷ ám," ông kể lại, "nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là khả năng kiểm soát một cách kỷ luật, có thể nói là vừa cực kỳ kiên nhẫn vừa cực kỳ hung hãn." Baldwin nổi tiếng với những cử chỉ hùng hổ để thu hút chú ý của các nhà giao dịch khác – hành động nhảy lên tại chỗ còn được gọi là cú nhảy vọt của Baldwin – ông ấy là đối cực của một Klipp thích thua lỗ. Thay vì cắt lỗ, ông ấy đổ thêm tiền vào những vị thế đang thua lỗ với hy vọng sẽ làm thị trường đảo chiều theo hướng có lợi cho mình. Cách làm này có thể dẫn đến những vụ lỗ cực lớn. Năm 1983, ông ấy đã phải nhả ra hơn 300.000 đô la cho một giao dịch duy nhất, và năm 1989, ông từng mất 5 triệu đô la chỉ trong một ngày. Nhưng ông vẫn thường xuyên hơn có thể tạo được sức mạnh để đẩy trái phiếu đi theo hướng ông muốn, một kỳ tích đáng kinh ngạc tại thời điểm mà thị trường có giá trị 500 tỉ đô la.

Spitznagel mặc chiếc áo màu xanh nước biển có thêu chữ SIZ (viết tắt của Spitz), và nhờ Baldwin mà mọi người đều gọi ông là "Sizzler;" ông đã chầm chậm, chắc chắn leo dần lên các bậc thang. Mỗi ngày đều chấp nhận những khoản lỗ nhỏ, đôi khi thu được thắng lợi đáng kể, ông bắt đầu học cách cảm nhận từ trong xương tủy của mình những cú nảy qua lại đến nghẹt thở của thị trường. Chúng giống như một đàn chim lúc nào cũng chao cánh trong không trung. Ông thỉnh thoảng cũng thử sức trong những thị trường khác, như đậu nành và bắp. Nhưng sàn giao dịch yêu thích của ông vẫn là trái phiếu. Klipp vẫn là người hướng dẫn cho Spitznagel, ông ấy vẫn theo thói quen đi loanh quanh trên sàn giao dịch mà lẩm bẩm thích thua, ghét thắng như lời cầu kinh, nhờ vậy mà Spitznagel đã tập luyện được kỷ luật chấp nhận những khoản lỗ nhỏ mỗi ngày – giống như tay đập bóng của đội tuyển bóng chày đánh bóng trúng và trật cho đến khi tìm được dịp vút bóng mạnh ra khỏi sân.

Spitznagel đôi khi thấy không thoải mái trước sự căng thẳng trên sàn. Các giao dịch có thể được thực hiện với một người giao dịch khác ở góc kia của phòng mà chỉ bằng một cái nháy mắt hay một cái gật đầu. Đến cuối ngày, lại có một người giao dịch tiến đến gặp ông và nói, "Tôi đã có giao dịch này với anh." Spitznagel chẳng biết người này nói đến cái gì cả. Những nhà giao dịch độc lập khác sẽ thúc chỏ, đâm sườn, nhổ nước miếng, hay lấn cho ông văng ra khỏi sàn. Các nhà giao dịch cạnh tranh nhau để giành lấy phiếu đặt hàng, mà số lượng thì lại giới hạn. Càng nhiều người giao dịch, miếng bánh chia cho mỗi người càng nhỏ. Các cuộc ẩu đả liên tục nảy sinh, mặc dù các nhà giao dịch vẫn đủ lịch sự để rời sàn bước xuống đường trước khi tung nắm đấm vào mặt nhau.

Spitznagel trải qua cuộc khủng hoảng thị trường nghiêm trọng đầu tiên khi còn là người giao dịch chủ động năm 1994. Nền kinh tế đã mở rộng được ba năm. Thị trường trái phiếu đang bùng cháy. Và một yếu tố mới, sự trỗi dậy của tài chính định lượng (quants) – những nhà giao dịch hay giám đốc quản trị rủi ro sử dụng toán cao cấp hay máy tính để dự báo thị trường và xây dựng các sản phẩm tài chính phức tạp như phái sinh – khiến cho mọi thứ lại càng phức tạp hơn. Thị trường trái phiếu không chỉ mở rộng hơn, nó còn trở nên mờ mịt hơn khi các nhà phù thủy tài chính của Phố Wall học được cách che giấu rủi ro trong những cỗ máy ma thuật toán học thần bí này. Phái sinh cũng có xu hướng cường điệu hóa tính biến động khi rủi ro bắt nguồn từ tài sản đảm bảo – lãi suất, hàng hóa, trái phiếu – lan đến phái sinh như kíp nổ kích hoạt cho quả bom. Phái sinh còn có một tính chất khác khiến cho phe định lượng mê mệt: Mức tăng trưởng của nó về lý thuyết là vô tận. Một công ty chỉ có thể phát hành số lượng trái phiếu nhất định, nhưng một ngân hàng có thể bán vô hạn hợp đồng phái sinh liên kết với chỉ duy nhất một rổ trái phiếu hay hàng hóa.

Khi nền kinh tế bắt đầu mạnh lên, Chủ tịch Cục Dự trữ Alan Greenspan bắt đầu lo ngại lạm phát. Ban đầu còn chậm rãi, ông ấy bắt đầu đẩy cao lãi suất ngắn hạn để kềm hãm tăng trưởng, gây đau đớn từng chút cho nhà đầu tư trái phiếu (khi lãi suất tăng, giá trị trái phiếu giảm). Đến tháng 8, Cục Dự trữ đã đẩy lãi suất tăng gần 2 điểm phần trăm. Và rồi, vào tháng 11, Greenspan làm một cú vượt rào: tăng đột biến 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang đạt 5,5%.

Quyết định đột ngột này kích hoạt một đợt hoảng loạn trên thị trường trái phiếu toàn cầu. Các nhà giao dịch bên cạnh Spitznagel đều bùng nổ, bao gồm luôn cả thần tượng Tom Baldwin của ông, ông này đã chiến đấu thất bại không thể chống lại được sức tàn phá không gì cản nổi của cú sụp. Họ đã quá tự mãn. Stanley Druckenmiller, một trong những nhà quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, thua lỗ 650 triệu đô chỉ trong hai ngày. Một sự kiện nổi tiếng khác, mức tăng lãi suất đã làm phá sản Hạt Orange, California, vì họ đã đặt cược lớn vào phái sinh lãi suất. Vào thời đó, đây là vụ phá sản lớn nhất của chính quyền thành phố.

Đối với Spitznagel, cuộc thảm sát trái phiếu vĩ đại năm 1994 chính là lúc bài học của Klipp phát huy tác dụng. Ông không bao giờ nắm giữ vị thế sau khi bị lỗ nhẹ, vì thế ông không bao giờ gặp rủi ro mất là mất hết. Ông thậm chí còn kiếm được phần lợi nhuận béo bở. Ông cũng hiểu được rằng thị trường yên bình của những năm trước đó chỉ là ảo tưởng, và nó đã lừa gạt được ngay cả một số nhà giao dịch siêu sao trên sàn. Đó là một bài học quan trọng.

Ông ấy đã sống sót qua bài kiểm tra đầu tiên. Vài năm sau, Spitznagel vươn lên cấp bậc cao thứ hai trên sàn, chỉ còn một chút nữa là bằng các ông trùm như Baldwin. Ông vẫn chưa phải là một ông trùm. Chưa đâu.

***

Spitznagel nhìn vào các con số và gãi đầu. Xung quanh ông đã tỏa ra một cơn hoảng loạn ngầm rất đáng sợ. Đó là vào cuối tháng 10/1997. Những con số nhấp nháy trên bảng điện Bloomberg. Thị trường chứng khoán thế giới đang rơi tự do. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 10%, nâng mức giảm tổng cộng sau 4 ngày lên 23%. Làn sóng tỏa ra từ cú rơi này lan đến khắp các thị trường thế giới, khiến cho chỉ số tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Mỹ đều giảm mạnh. "Đang có một cú sốc toàn cầu," một chuyên gia của Morgan Stanley đã nói.

Thị trường đã nhấp nhô lên xuống nhiều tháng liền giữa tình trạng hỗn loạn tiền tệ lan rộng ở châu Á. Tiền tệ của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong, và nhiều nơi khác đều bị lõm khi nền kinh tế các nước này bục mình trước sức nặng của hàng tấn nợ mà họ đã tích tụ trong giai đoạn mở rộng quá nóng của thập niên 1990. Cú quét sao chổi tài chính sau này được đặt tên là "cúm Châu Á."

Spitznagel đang ngồi cùng với nhiều nhà môi giới kỳ cựu tại văn phòng tại Manhattan của Eastbridge Capital, một tổ chức giao dịch lớn về trái phiếu kho bạc Mỹ. Ông liếc nhìn một người môi giới ngồi bên cạnh, một người khoảng độ 40 tuổi, tóc bạc trắng, mỗi ngày chịu trách nhiệm giao dịch hàng trăm triệu đô la trái phiếu. Trên khắp màn hình của người này: toàn là số màu đỏ. Vị thế của ông ấy bị sụp hết. Ông ấy đang thua hàng triệu đô. Thế mà, Spitznagel vô cùng kinh ngạc, nếu nhìn vào mặt ông ấy bạn sẽ không thể nào biết được ông ấy đang thắng hay thua. Gương mặt ông ấy như một bảng mã.

Spitznagel mới vừa chuyển đến New York vào đầu năm đó. Ông đã từ bỏ ước mơ làm người giao dịch trên sàn, cảm thấy rằng giao dịch bằng máy tính sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến kiểu giao dịch gào thét oang oang. (Thực tế đúng là thế.) Ông cũng cảm thấy có những con cá lớn hơn tại các ngân hàng trung tâm tiền tệ ở New York – những người đã gửi phiếu đặt hàng khủng cho các ông trùm tại CBOT như một cơn lốc xoáy quét qua sàn giao dịch. Ông cũng mở rộng sang các thị trường khác, như quyền chọn và Eurodollar, là đô la Mỹ nằm trong tài khoản ở chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng Mỹ, thường là chi nhánh ở châu Âu. Do chúng nằm ngoài nước Mỹ, chúng không chịu sự quản lý của Cục Dự trữ. Điều này giúp cho việc giao dịch dễ dàng hơn.

Spitznagel là nhà môi giới tự doanh, ông ấy mua quyền mua giá rẻ hứa hẹn thu lợi cao khi thị trường sụp đổ do nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như Eurodollar. Ông đã đi được một chặng đường dài kể từ thời còn chắt mót các hợp đồng tương lai hạt ngô trên sàn giao dịch CBOT. Nhưng ở đây, về bản chất, vẫn là giao dịch theo phương pháp của Klipp, với những khoản lỗ nhỏ và cơ hội thu lợi lớn, chỉ khác là giờ đây được thực hiện trên các quyền chọn khác lạ hơn.

Đây là một giao dịch phức tạp, vô cùng khó quản lý, đòi hỏi phải liên tục chú ý. Ông đã lập gia đình vào tháng 9 năm đó. Trong lúc đi hưởng tuần trăng mật tại Santorini, Hy Lạp, ông vẫn liên tục giao dịch trên chiếc máy Bloomberg di động khi thị trường toàn cầu nhảy nhót theo cơn hỗn loạn ngày càng tồi tệ của cúm Châu Á. Amy, cô vợ mới cưới của Spitznagel, đã không ngừng càu nhàu khiến ông vô cùng mệt mỏi.

Spitznagel đã gom được kho báu từ ván cược thị trường sụp đổ của mình khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10. Trong khi các nhà giao dịch khác xung quanh ông tại Eastbridge lần lượt nổ tung, hết người này đến người kia, các vị thế của ông lại càng tăng khi khủng hoảng càng trầm trọng và nhà đầu tư rút lui tìm nơi an toàn. Kết quả này không đủ để cứu công ty – Eastbridge đã đóng cửa sau đó 1 năm – nhưng đã đủ cho Spitznagel cảm thấy hài lòng rằng chiến lược của mình có hiệu quả. Các thí nghiệm "thử và sai," theo cách nói của ông ấy, đã chứng minh tính xác thực của nó bằng đồng tiền cứng trong tay. Thí nghiệm tiếp theo của ông, trong năm sau, đã thu về càng nhiều tiền khi gã khổng lồ giao dịch bằng định lượng Long-Term Capital Management đã nổ tung, kéo thêm nhiều hoảng loạn.

Kết quả này cho ông tấm đệm tài chính cần thiết để tạm ngừng giao dịch một thời gian – hy vọng bổ sung sức mạnh của khoa học vào các thí nghiệm giao dịch trên sàn của mình – và tạm nghỉ để học tập. Ông đăng ký vào Học viện Toán Courant Institute of Mathematical Sciences nổi tiếng ưu tú của ĐH New York, đây là một trong những trường hàng đầu về toán ứng dụng và là cái nôi của nhiều bộ não định lượng thông tuệ nhất trên Phố Wall – trong đó có một giáo sư tài chính mới được phong hàm, Nassim Nicholas Taleb.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #taichinh