Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 19: Thời điểm đã qua

Mưa nặng hạt trút lên tấm kính chắn gió của chiếc Tesla của Bob Litterman đang chạy trên đường không quá đông người ở khu New Jersey Turnpike. Đó là ngày thứ Bảy, 6/12/2014. Litterman và Mary, vợ mình, đang mong chờ một buổi tối vui vẻ tại thành phố New York. Ăn tối và uống rượu với bạn bè. Một buổi trình diễn trên Broadway. Ông chuyển chiếc Tesla về chế độ kiểm soát hành trình ở mức 72 dặm/giờ. Chiếc xe đang tiến gần đến ngả rẽ vào Garden State Parkway thì đột nhiên Mary thét lên.

"Ôi Chúa ơi! Bob, coi chừng kìa!"

Ông nhìn thấy một chiếc xe tải lớn ở đằng xa. Nó có vẻ không ổn. Nó đang giật nảy lên. Nó đang bốc cháy. Và nó đang chạy thẳng về phía họ với tốc độ cao.

Tập trung nào. Tình hình không dễ đâu, Litterman tự nhủ. Ông đạp thắng hết cỡ, tránh được chiếc xe chở dầu trong gang tấc – cũng tránh được cái chết vừa sượt qua. Chiếc xe tải 18 bánh đúng theo nghĩa đen là một quả bom chứa 34.000 lít xăng. Nó nổ tung ngay chỗ mà nếu Litterman không kịp thời đạp phanh thì là chỗ của chiếc Tesla. Vụ va chạm với thần chết này là một bài học về quản trị rủi ro trong đời sống mà sau này ông sẽ áp dụng cho mối nguy chết người của hiện tượng trái đất nóng dần lên đang lan rộng.

Tháng 3/2020, Litterman, cựu lãnh đạo cấp cao và giám đốc rủi ro tại Goldman Sachs Group ở New York, bắt một chuyến xe lửa từ New Jersey đến Washington D.C., để điều trần trước một ủy ban của Thượng viện về chi phí của thực trạng trái đất nóng dần lên và làm thế nào để xử lý nó. Cũng giống như hàng triệu người trên khắp thế giới vào lúc đó, ông đã theo dõi các trường hợp mắc Covid-19 với mức báo động ngày càng tăng. Ông đã không còn bắt tay, mà thay vào đó chỉ chạm khuỷu tay một cách chiếu lệ.

Litterman càng suy nghĩ lại càng thấy lo lắng trước những điểm tương đồng giữa đại dịch và cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng là một lý tưởng mà ông đã theo đuổi từ khi nghỉ hưu sau 23 năm sự nghiệp tại Goldman. Covid-19 đang bùng phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Thế giới đã thất bại trong việc dập tắt những đám lửa nhỏ. Nó lúc này đang chuẩn bị bùng phát thành một trận cháy rừng. Ông cảm thấy thực trạng trái đất nóng dần lên cũng đi theo quỹ đạo tương tự. Sự không chắc chắn, những lời nói dối và phủ nhận liên tiếp của ngành nhiên liệu hóa thạch đã làm cho thế giới bị tê liệt. Những ngọn lửa thực sự đang đốt cháy rừng.

Tôi gặp Litterman tại Washington D.C vài giờ sau buổi điều trần trước Thượng viện. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng của tôi, hay của ông ấy, trước giai đoạn phong tỏa kéo dài nhiều tháng liền trên cả nước để đối mặt với Covid-19. Litterman nói với tôi rằng ông ấy lo ngại virus Covid-19 sẽ sớm trở thành một đại dịch toàn cầu, và ông ấy đã đúng.

"Đây là một ví dụ điển hình khi anh gặp vấn đề quản trị rủi ro – nó cấp bách, và anh không biết mình còn có bao nhiêu thời gian," ông nói. "Trong trường hợp virus Covid-19, chúng ta đã lãng phí rất nhiều tuần." Thực trạng tương tự đang diễn ra với khí hậu. "Chúng ta phải quyết tâm đạp thắng," ông nói, ám chỉ đến việc phát thải khí carbon, và nhắc đến lần suýt thì đụng phải chiếc xe bồn chở xăng bốc cháy.

Nói cách khác, hãy hoảng sợ từ sớm.

Mặc dù với tình trạng trái đất nóng dần lên, sớm là một cụm từ mang tính tương đối và nhiều nghĩa. Nhiều chuyên gia khí hậu nói rằng sớm là tính từ năm 2000. Hay 1990. "Thời điểm đó đã qua rồi," Litterman nói.

Vị cựu giám đốc rủi ro đúng miệng nói tay làm, đặt tiền vào cửa của mình. Kepos Capital, một quỹ phòng hộ tại New York trị giá 2 tỉ đô la mà ông đã gia nhập sau khi rời Goldman từ 10 năm trước, vừa đưa ra chiến lược đặt cược vào sự chuyển giao nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch – hay nói cách khác là đặt cược vào tác động của sự hỗn loạn về khí hậu. Kepos Capital sẽ bán khống một loạt các cổ phiếu tập đoàn năng lượng – công ty khai thác dầu, khai thác mỏ - và đặt cược vào cổ phiếu năng lượng sạch và các tài sản khác sẽ hưởng lợi từ sự chuyển giao này (mặc dù còn đó một nước Trung Quốc với một loạt các nhà máy điện từ than và tình trạng ô nhiễm công nghiệp tràn lan và đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng công nghệ tái tạo nên "năng lượng sạch" cũng chỉ mang tính tương đối). Đây là ván cược rằng cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tiếp tục căng thẳng cho đến khi các nhà đầu tư khác quay lưng lại với những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Mặc dù giá dầu quay đầu trong năm 2022 khi Nga tấn công Ukraine là một sự đảo ngược chiến lược ngắn hạn, Litterman vẫn tin tưởng rằng cung đường về lâu dài cho ngành năng lượng hóa thạch là nhất định sẽ đi xuống. Còn năng lượng sạch thì vươn thẳng lên trời.

Trước đó trong ngày chúng tôi gặp nhau, vị cựu giám đốc ở Phố Wall nay đã 68 tuổi với mái tóc muối tiêu đã có bài phát biểu trước Ủy ban Đặc biệt về Khủng hoảng Khí hậu của Thượng viện Đảng Dân chủ, có sự tham gia của Thượng nghị sĩ bang Rhode Island, Sheldon Whitehouse. Litterman lịch lãm trong bộ vest xám, áo sơ mi xanh, thắt cà vạt, đứng trên sân khấu thể hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những người ôm cây râu tóc xuề xòa mắt trợn ngang trợn dọc la hét chửi bới các công ty dầu mỏ. Tuy nhiên, những lời nói của ông vẫn không kém phần nghiêm trọng.

"Chúng ta không định giá rủi ro khí hậu, không đặt ra các biện pháp khuyến khích giảm phát thải: đây là một sai lầm khủng khiếp và có nguy cơ gây ra thảm kịch," ông đã nói với các nghị sĩ. "Các biện pháp khuyến khích hiện nay lại đổ vào hướng làm gia tăng phát thải, tăng sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển, từ đó làm tăng nhanh hơn rủi ro tổn hại vĩnh viễn cho hành tinh và tác động đến sinh mệnh của những thế hệ mai sau."

Sau đó ông đưa ra một luận điểm dường như xuất phát trực tiếp từ Nguyên tắc Phòng ngừa. "Nguyên tắc đầu tiên khi quản trị rủi ro là chúng ta phải tính đến những kịch bản tồi tệ nhất," ông nói.

Với tình huống trái đất nóng dần lên, kịch bản tệ nhất là không có giới hạn, vượt ra ngoài sức tính toán của các mô hình. Đó là một vấn đề diệt vong. Và khi chúng ta không biết được rủi ro, chúng ta không thể nào định giá hợp lý. Chúng trở thành những ẩn số mà ta biết là mình chưa biết. Mô hình lợi ích – chi phí xem như không thể dùng được. Đó là những gì đã xảy ra với khủng hoảng tài chính, Litterman nói với các nghị sĩ. Rủi ro hệ thống tích tụ trong các hợp đồng thế chấp đã không được định giá hợp lý, và nó đã nổ tung. Hiện nay thì xã hội đang không định giá rủi ro về nguy cơ trái đất nóng dần lên một cách hợp lý. Thực tế, chúng ta lại đang trợ giá cho việc đầu độc khí quyển khi phát ra hàng tỉ đô la tiền thuế ưu đãi cho các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

"Thời gian chính là điều cốt lõi," Litterman nói.

Khi thời gian đã hết, bạn sẽ phải đối mặt với thảm họa. Kim đồng hồ đang nhích từng giây. "Chúng ta không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa trước khi hệ khí hậu của hành tinh bị đẩy tới điểm giới hạn gây ra thảm họa, một khi đã vượt qua thì hệ quả sẽ không còn xuất hiện theo đường thẳng tuyến tính và không thể nào đảo ngược."

Sau bài phát biểu của Litterman là phần trình bày của Frederic Samama, người đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm tại Amundi Group, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất của Châu Âu đang quản lý 1.800 tỉ đô la tài sản.

"Hôm nay, phần trình bày của tôi sẽ tập trung vào Thiên nga Xanh, một quyển sách vừa xuất bản do tôi chắp bút cùng với các tác giả tại Ngân hàng Quốc gia Pháp, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và ĐH Columbia," ông mở lời. "Các ngân hàng trung ương hiện nay đã nhận thức được rằng biến đổi khí hậu đe dọa đến ổn định tài chính. Một là không làm gì cả và đặt toàn bộ nhân loại vào tình thế rủi ro, hai là chúng ta điều chỉnh cách quản trị hệ thống của mình."

Thách thức đau đầu mỏi gối: Quy mô của nhiệm vụ trước mắt là quá lớn đến mức tính ổn định tài chính của nền kinh tế toàn cầu cũng chịu rủi ro.

"Đó là lý do các tác giả chúng tôi đã phát triển khái niệm Thiên nga Xanh, dựa trên quyển sách nổi tiếng Thiên nga Đen của Nassim Nicholas Taleb," Samama nói. "Thiên nga Xanh là một sự kiện có khả năng cao do những nguyên nhân đa dạng đan xen phi tuyến tính và đe dọa đến sự sống trên Trái đất. Biến đổi khí hậu là một ví dụ về Thiên nga Xanh."

Và kìa lại là sự xuất hiện của cụm từ không mấy dễ chịu: phi tuyến tính.

"Biến đổi khí hậu mang theo rất nhiều rủi ro tương tác đan xen và phi tuyến tính: vật lý, chính trị, xã hội. Để làm được một mô hình phức tạp như thế là cả một thách thức," vị giám đốc quản lý quỹ nói. Biến đổi khí hậu có thể gây ra những tổn thất cực kỳ ngắn hạn – và thậm chí là gây tuyệt chủng cho một phần lớn của nhân loại. Các sự kiện thời tiết cực đoan, ông nói, đã tăng gấp bốn lần trong vòng 40 năm qua. Ngày càng có thêm nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, bão lớn, đại dịch, mực nước biển dâng cao, ông cảnh báo.

Nếu nghe qua buổi điều trần này, người ta có thể hình dung các Nghị sĩ đang bị Greta Thunberg, hay Rupert Read, mắng té tát, chứ nào nghĩ được rằng lời khiển trách đến từ một vị chuyên gia tài chính định lượng của Goldman Sachs đáng tuổi ông nội, hay một giám đốc tại công ty quản lý tài sản lớn nhất Châu Âu. Thế giới tài chính quả thực đang thức tỉnh trước sự suy sụp của khí hậu. Tiền lớn, kèm theo số phận của nhân loại, đang bị đem ra đặt cược.

Có phải là đã quá muộn?

Litterman nói với tôi, câu trả lời là có lẽ vậy. Trái đất có lẽ đã vượt quá điểm bùng phát cốt lõi, khi băng vĩnh cữu cũng tan chảy và phát thải ra những quả bom khí mêtan. Những khối băng đang thu hẹp. Triều cường dâng cao hơn và những cơn siêu bão. Hiện tượng trái đất nóng dần lên, ông ấy hiểu rất rõ, có thể dẫn đến một loạt các sự kiện kích hoạt vòng lặp tự củng cố và gây ra những thảm kịch khôn lường. Điều đáng lo ngại là, ông cho rằng người có đủ sức mạnh để làm ra điều gì đó làm cho chiếc tàu chở dầu siêu tải trọng quay đầu chính là những người thuộc một trong những cơ quan rối loạn chức năng nhất thời hiện đại. Đó là những người mà ông điều trần với họ trong ngày hôm đó của tháng 3/2020: Quốc hội Mỹ.

***

Bob Litterman vẫn luôn là một con tắc kè hoa về trí thức, ông nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác một cách dễ dàng trong cuộc đời sự nghiệp của mình. Thoạt đầu ông học cử nhân ngành vật lý tại ĐH Stanford. Nhưng lúc này cũng là đỉnh điểm Chiến tranh tại Việt Nam, và ông không nghĩ rằng thế giới lý thuyết vật lý là nơi phù hợp nhất. Ông chuyển sang ngành sinh học con người, lúc này còn là một chương trình mới tại Stanford. Ngành này là sự kết hợp đa ngành, bao gồm sinh học, tâm lý, nhân chủng học, và lịch sử. Một bài học từ chương trình này mà ông không bao giờ quên là hiểu rằng hành vi của con người gắn liền với động cơ. Đây là bài học chính để áp dụng trong lĩnh vực tiếp theo của ông: kinh tế học.

Ông cũng làm việc cho tờ báo của trường, Stanford Daily, và viết bài cho tạp chí Time. Ông thực tập tại tờ San Jose Mercury, và công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp năm 1973 là làm phóng viên cho tòa soạn San Diego Union. Nhưng ông ngày càng cảm thấy đam mê với ngành lập trình máy tính nên đã quay lại học tiếp, tham gia chương trình kinh tế tại ĐH California, San Diego, được quyền truy cập máy tính của trường. Tại đây ông đã gặp người bạn đời tương lai, Mary. Bà ấy đã quyết định sẽ sớm quay về quê nhà tại Minnesota; ông đi theo, và đăng ký vào khoa kinh tế của ĐH Minnesota. Nơi đây là lãnh địa của những giáo sư tôn thờ Trường phái Kinh tế Chicago và những thứ liên quan – thị trường tự do và cởi mở của Milton Friedman và George Stigler, thị trường hiệu quả của Eugene Fama.

Trong khi làm việc tại trung tâm máy tính của trường, ông trả lời các câu hỏi của sinh viên về lập trình và hỗ trợ các gói phần mềm thống kê của trường. Kỹ năng máy tính của ông đã thu hút sự chú ý của hai giáo sư trẻ trong khoa: Tom Sargent và Chris Sims, cả hai người sau này đã được nhận giải Nobel. Litterman nghe theo lời của Sims mà dành thời gian tìm hiểu về một chủ đề còn mơ hồ là tự hồi quy vector, là phương pháp sử dụng các biến số kinh tế trong quá khứ để dự báo các biến số hiện tại hay tương lai – ví dụ như xem xét lãi suất và tỉ lệ thất nghiệp để tính ra tỉ lệ tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Những dự báo từ hồi quy vector này trở thành nền tảng cho luận văn của Litterman và cũng là nền tảng cho sự nghiệp tương lai của ông, gọi là kinh tế lượng – cách gọi một người vận dụng thuật toán phức tạp và chương trình máy tính để đưa ra dự báo.

Dự án dự báo đầu tiên của ông là một thất bại. Do có quá nhiều tham số tự do cần phải ước lượng, kết quả cho ra rối beng và không hề khớp với những gì đang diễn ra trong thế giới thực. Theo gợi ý của Sims, ông thử một phương pháp thống kê kết hợp thông tin từ hai nguồn khác nhau – các biến số đang được phân tích, ví dụ như lãi suất, và một hàm phân phối xác suất tách biệt dựa trên các sự kiện lịch sử, ví dụ như tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu quá khứ giúp ông cố định dự báo trong thế giới thực và không nhảy lung tung ngoài tầm kiểm soát. Kết quả sau đó được điều chỉnh tăng hay giảm, dựa trên công thức, khi có thêm thông tin mới.

Litterman nhận thấy cách làm này hiệu quả hơn nhiều. Thực tế, dự báo tốt nhất là khi đặt trọng số cao cho phần dữ liệu quá khứ, chứ không phải cho mối quan hệ giữa các biến số rối loạn.

Kết quả nghiên cứu này đã giúp ông có được công việc tại Cục Dự trữ bang Minneapolis, và ông đã tiếp tục hoàn thiện kỹ năng dự báo của mình. Sau một thời gian ngắn giảng dạy tại MIT (và cũng nhờ đó ông học được bài học quan trọng về thấu hiểu bản thân – ông ghét việc giảng dạy), ông tập trung hỗ trợ thành lập một công ty bán phần mềm thống kê phục vụ dự báo kinh tế. Phần mềm này có tên là RATS, viết tắt của Phân tích hồi quy chuỗi thời gian. Sau đó ông quay lại Cục Dự trữ bang Minneapolis, và đưa nghiên cứu về tự hồi quy trở thành phần quan trọng trong các phương pháp đo lường nhiệt độ của nền kinh tế của cơ quan này.

Litterman có thêm một bài học quan trọng khác: rất khó dự báo nhiệt độ của nền kinh tế dựa trên nhiệt độ của quá khứ. Ông nhận thấy một lý do lớn dẫn đến sự bất ổn định là tính ngẫu nhiên của các chính sách của Cục Dự trữ. Một vai trò chủ chốt của Cục Dự trữ là thỉnh thoảng gây sốc cho hệ thống, để kéo nó ra khỏi một cung đường kinh tế yếu kém. Lạm phát quá nóng – đẩy cao lãi suất. Nền kinh tế trì trệ - kéo lãi suất xuống. Thời điểm triển khai những can thiệp này thường không thể dự báo được bởi những chủ thể tham gia trong nền kinh tế như ngân hàng và doanh nghiệp, và kết quả của chúng có thể rất hỗn loạn. Vì thế mặc dù mô hình có thể đưa ra dự báo chính xác dựa trên các sự kiện trong quá khứ, những cú sốc hỗn loạn khiến cho các dự báo chính xác này thực ra không còn ý nghĩa nữa.

Năm 1986, Goldman Sachs tìm đến Litterman. Công ty đã đang thử nghiệm với chiến lược giao dịch định lượng. Một nhân vật nổi bật họ đã kéo về được là nhà kinh tế học Fischer Black, đồng sáng tạo mô hình định giá quyền chọn Black-Scholes, cũng là một người cuồng tín vào giả thuyết thị trường hiệu quả. Năm 1986, Litterman đến tham gia phỏng vấn với Black.

"Bob này, anh là một nhà kinh tế lượng," ông ấy nói. "Tại sao anh nghĩ kinh tế lượng có đóng góp được gì cho Phố Wall?"

Litterman thấy ngơ ngác. Tại sao nhà kinh tế lượng lại không có phân lượng nào trên Phố Wall? Câu hỏi từ miệng của Black, trong một cuộc phỏng vấn tìm việc, hẳn nó phải là một thử thách. "Tôi nghĩ hẳn phải có những thông số cần ước lượng," là câu trả lời tốt nhất mà Litterman có thể nghĩ ra. Black không cho rằng có thể kiếm được tiền bằng cách dự báo về nền kinh tế. Nó chỉ là sự ngẫu nhiên – cứ tung hết đồng xu này đến đồng xu khác. Các nhà kinh tế lượng cố gắng tìm sự tương quan giữa những yếu tố kinh tế (ví dụ như lãi suất và giá xăng) để dự báo kết quả tương lai. Trong một bài báo năm 1982 nhan đề "Vấn đề của các Mô hình Kinh tế lượng," Black đã nói rằng đó là chuyện ngu xuẩn – họ nhầm lẫn giữa tương quan và nhân quả. (Black sau khi nhìn thấy tận mắt cỗ máy kiếm tiền của Goldman Sachs sẽ sớm nhận ra rằng mặc dù thị trường nhìn từ bục giảng của giáo sư thì có vẻ hiệu quả, nhưng các ông lớn ngân hàng đầu tư vẫn có thể vắt ra tiền từ những điểm kém hiệu quả không thiếu trên thị trường.)

Bất chấp sự e ngại của Black, Goldman vẫn tuyển Litterman vào bộ phận thu nhập cố định của ngân hàng. Ngay sau đó, ông được đặc cử hỗ trợ các khách hàng Nhật Bản (lúc đó quả thật là những khách hàng thượng lưu) thiết lập danh mục thu nhập cố định toàn cầu. Ông quay lại tìm Black để được giúp đỡ.

"À, anh biết rồi đấy, quan điểm của tôi là khởi đầu đơn giản, nếu nó không hiệu quả thì anh vẫn có thể chuyển sang một thứ khác phức tạp hơn," Black nói. Ông ấy đề nghị sử dụng mô hình phân tích lợi nhuận – rủi ro bình thường dựa trên Lý thuyết Danh mục Hiện đại của Harry Markowitz, theo đó khuyến khích sự đa dạng danh mục trong nhiều rổ (cũng chính là cách làm bị Spitznagel và Taleb chế giễu).

Nó không hiệu quả, ít nhất là lúc đầu. Sau một loạt điều chỉnh và vận dụng các phương pháp mới dựa trên nghiên cứu của mình về tự hồi quy vector, Litterman cuối cùng đã thiết kế ra một mô hình cho ra phân bổ tài sản tối ưu dựa trên khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Nó được biết đến như là mô hình Black-Litterman, và trở thành một trong những công cụ quản trị tài sản có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Năm 1994, Litterman thăng cấp trở thành người đứng đầu bộ phận quản trị rủi ro cho toàn bộ công ty. Nhưng ông lại quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giao dịch bằng mô hình ông đã phát triển chung với Black. Một năm trước khi nhận nhiệm vụ quản trị rủi ro, ông đã đề nghị với cộng sự của Goldman là Jon Corzine, sau này là thống đốc ban New Jersey, muốn gia nhập bộ phận quản trị danh mục. "Không được rồi Bob," Corzine nói. "Chúng tôi còn nhiều thứ khác quan trọng hơn dành cho anh."

Cũng vào khoảng thời gian này, Goldman tuyển dụng Cliff Asness, một ngôi sao đang lên và là học trò của Eugene Fama tại ĐH Chicago. Năm 1995, Asness đã thành lập một đơn vị giao dịch mang tên Global Alpha, và nó sớm trở thành con bò sữa cho công ty và các cộng sự, mức lợi nhuận là 93% năm 1996 và 35% năm 1997. Litterman ngạc nhiên trước thành công của Asness và rất hài lòng khi biết anh ta đang dùng mô hình Black-Litterman cũng như chương trình máy tính RATS mà Litterman có đóng góp sau thời gian ngắn dạy học tại MIT. Asness rời Goldman năm 1997 để thành lập AQR tại Greenwich.

Không lâu sau đó, Litterman cũng thỏa được ước nguyện là thử sức giao dịch. Ông bắt đầu thiết lập chiến lược định lượng cho đơn vị Quản trị Tài sản Goldman Sachs, chuyên phục vụ cho doanh nghiệp. Đến giữa thập niên 2000, đội ngũ của ông mang tên Đội Nguồn lực Định lượng, QRG, gần như đã trở thành quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, với khối tài sản khoảng 150 tỉ đô la.

Khối tài sản 150 tỉ đô la này trở thành khối cầu lửa năm 2008. Cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu đã tàn phá các quỹ phòng hộ (ngoại trừ những ngoại lệ như Universa). Gary Cohn, đồng Tổng giám đốc điều hành của Goldman, sau này sẽ gia nhập chính quyền của Trump, phải đứng ra nắm quyền kiểm soát, cố gắng hạn chế mức thua lỗ. Litterman lúc này đang chuẩn bị nghỉ hưu. Ông là người cố vấn chứ không tham gia điều hành hoạt động hàng ngày.

Trong thời gian này, Larry Linden, người đứng đầu điều hành của Goldman, có mời ông ăn trưa.

"Anh có thấy lo lắng về môi trường không?" ông ấy đột nhiên hỏi.

"Larry, tôi vẫn còn đang bận rộn đây," Litterman trả lời.

Nhưng một hạt mầm đã được gieo. Linden sau đó rời khỏi Goldman và trở thành chủ tịch của World Wildlife Fund. Litterman rời Goldman năm 2010 và có liên lạc lại với Linden, và được mời tham gia vào hội đồng quản trị của WWF. Ông cũng gia nhập Kepos Capital, cũng do một đồng nghiệp cũ tại Goldman thành lập trong năm đó.

Trong số những nhiệm vụ do Litterman tự đặt ra cho mình là: xử lý vấn đề kinh tế nan giải của hiện tượng trái đất nóng dần lên. Trong quá trình đó, ông giống như trở thành một ông thần ba đầu sáu tay lúc nào cũng có mặt trong các vòng tròn thảo luận về biến đổi khí hậu. Ông nhận lời làm đồng chủ tịch cho Hội đồng Lãnh đạo Khí hậu với Kathryn Murdoch (cô con dâu theo phe cánh tả của Rupert Murdoch). Ông tham gia hội đồng quản trị của Ceres (nơi thúc đẩy các công ty công khai lượng phát thải và các rủi ro môi trường khác), Trung tâm Khí hậu, Nguồn lực Tương lai, Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, Viện Môi trường Woods thuộc Stanford, Dự án Đầu tư Tự nhiên Stanford. Ông cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của một viện nghiên cứu theo phe trung hữu tại Washington D.D. là Trung tâm Niskanen, theo đuổi việc đánh thuế phát thải khí carbon.

Trong quá trình tìm hiểu chi tiết từng thành phần cấu tạo nên kinh tế học biến đổi khí hậu, ông phát hiện ra lĩnh vực này đang rơi vào một vấn đề lớn. Chưa có ai xác định được cách tính giá cho các rủi ro của trái đất nóng dần lên. Những người đã từng thử sức qua đều cho kết quả rất tệ, theo đánh giá của ông.

Mình là người biết cách định giá rủi ro, ông nghĩ.

Một nhân vật nổi bật chót vót trong lĩnh vực kinh tế học khí hậu là một giáo sư mềm mỏng tại Yale tên là William Nordhaus; công trình nghiên cứu của ông ấy đã được trao giải Nobel kinh tế năm 2018 (Nhà kinh tế học Paul Romer tại ĐH New York cũng nhận giải năm đó.) Litterman đã từng biết qua Nordhaus khi ông còn là anh chàng kinh tế lượng mắt sáng như sao tại Cục Dự trữ Minnesota.

Nordhaus quan tâm đến vấn đề trái đất nóng dần lên từ giữa những năm 1970 khi ông tạm nghỉ để học thêm tại Vienna. Ông làm chung văn phòng với một nhà nghiên cứu khí hậu và từ đó biết được về vấn đề mới nổi lên này, lúc này chỉ mới là phỏng đoán trong một nhóm nhỏ các chuyên gia (và nhà khoa học tại Exxon). Trong 15 năm sau đó, Nordhaus đã nghiên cứu một mô hình để kết hợp khoa học khí hậu và kinh tế học.

Kết quả là ông đã phát triển Mô hình Kinh tế Khí hậu Tích hợp Động (DICE). Nó xem xét một loạt các yếu tố có liên quan nhau, ví dụ như dân số, tăng trưởng (hay suy giảm) kinh tế, giá dầu, và các tác động khác nhau của việc trái đất nóng dần lên. Đây là một thách thức phức tạp, một phần vì các yếu tố được xem xét có tính động và kết nối sâu với nhau. Các vòng phản hồi xuất hiện liên tục. Tỉ lệ nóng lên tăng cao – và tác hại nó gây ra cho nền kinh tế - có thể tác động làm chậm việc nóng lên vì mức phát thải giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Phát thải thấp có thể hạn chế tác hại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và lại gây ra phát thải cao hơn.

Mục tiêu của mô hình này là: định giá cho carbon. Một vấn đề cốt lõi cần dùng giá carbon để xử lý đó là phát thải theo định nghĩa của các nhà kinh tế học là một yếu tố ngoại tác – chi phí của nó không phải do người sử dụng nguồn lực gánh chịu. Khi thải khí carbon vào bầu khí quyển mà không phải trả giá, nền văn minh phát triển nhờ nhiên liệu hóa thạch của chúng ta rõ ràng đang tước đi cơ hội phát triển kinh tế của các thế hệ tương lai, vì đến một ngày nào đó lượng khí tích tụ phải được xử lý nếu không muốn nó gây ra tác hại kinh tế vô lường. Định giá cho phát thải khí carbon hôm nay sẽ giúp kéo chi phí đó về hiện thực. Nó có thể giúp giới hạn lượng carbon thải ra và khuyến khích người ta tìm kiếm giải pháp thay thế. Dưới góc độ này, carbon gắn liền với một chi phí xã hội. Các tính toán có thể dựa trên tác hại của trái đất nóng dần lên đối với nhân loại, và chi phí cần thiết để làm chậm hay ngừng hẳn việc nóng dần lên.

Nordhaus cuối cùng đã đưa ra một dải chi phí xã hội cho carbon: khoảng 30 – 40 đô/tấn, chi phí này tăng dần theo thời gian, để dần dần loại bỏ hẳn khí carbon ra khỏi chu kỳ kinh tế.

Litterman cảm thấy không thoải mái với phân tích của Nordhaus. Vị giáo sư tại Yale chỉ tập trung phân tích rủi ro như một nhà kinh tế học, thuần túy học thuật – chứ không nhìn vấn đề như một giám đốc rủi ro trên Phố Wall đang cầm tiền trong tay. Ông ấy dùng một công thức phức tạp để định giá hiện tại cho giá trị của tổn hại có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai dựa trên những hoàn cảnh rất là không chắc chắn. Điên quá đi, Litterman nghĩ. Để định giá rủi ro người ta cần tính hết toàn bộ phân bổ các khả năng đầu ra, bao gồm cả những đầu ra thảm họa. Các nhà bảo hiểm có chuyên môn là rải rủi ro vào nhiều sự kiện độc lập khác nhau, và họ chỉ quan tâm đến tổn thất dự kiến. Rủi ro được dàn trải – và chuyển sang cho những đơn vị khác. Nhưng nếu không ai có thể đứng ra bảo hiểm, ví dụ như bảo hiểm cho chiến tranh hạt nhân, thì bạn nhất định phải tính đến – và đặt mức phí bảo hiểm rủi ro – các tình huống xấu nhất, đến rủi ro diệt vong. Hạch toán khoản chi phí bảo hiểm này chính là bản chất của định giá rủi ro trên Phố Wall, theo suy nghĩ của Litterman. (Taleb dĩ nhiên tin là người ta không thể nào định giá được những rủi ro đó, chúng là Thiên nga Đen.)

Đối với trường hợp rủi ro khí hậu, bạn nhất định phải đạp thắng thật mạnh, ngay lúc này.

Litterman bắt đầu nghiên cứu phương pháp riêng để định giá carbon. Năm 2019, cùng với giáo sư Kent Daniel tại Trường Kinh doanh Columbia, và nhà kinh tế học khí hậu Gernot Wagner, ông đã trình làng mô hình EZ-Climate. Ngược lại với mô hình của Nordhaus, nó đưa ra một mức giá cao chót vót cho carbon – hơn 100 đô/tấn.

"Tin xấu thì tốn kém," họ viết. "Tin xấu đến muộn, khi mà tình hình đã khó khăn không dễ đảo ngược bằng các chính sách chủ động mới, thì lại càng tệ. Chính do không thể nào biết trước ngay từ đâu khi nào thì xuất hiện tin tốt hay tin xấu mà ta có mức bảo hiểm khi có kế hoạch giảm nhẹ sớm."

***

Sau buổi điều trần trước Quốc hội năm 2020 ông bay về California, lúc này cơn đại dịch đang kéo dài ầm ĩ tháng này qua tháng kia, việc bay xuyên lục địa không phải là quyết định tốt – Litterman và vợ quyết định sẽ ổn định cuộc sống tại tiểu bang ấm áp này. Họ bán nhà ở Short Hills. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ. Chỉ mới đó họ kéo va li ra khỏi nhà để đi công tác, nghĩ rằng chậm nhất là một tuần thì quay về. Thế mà bây giờ họ sẽ không còn cơ hội quay về nữa.

Litterman có rất nhiều việc khiến mình bận rộn. Ông đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch một nhóm cấp cao thuộc Ủy ban Giao dịch Tương lai Hàng hóa (CFTC) để điều tra và báo cáo về rủi ro của trái đất nóng dần lên đối với ngành tài chính. Các công ty tham gia trong dự án bao gồm Morgan Stanley, Bloomberg, Hiệp hội Nông dân ngành sữa của Mỹ, Citigroup, tập đoàn dầu khí BP, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Vanguard, ConocoPhillips, CalPERS, và J.P. Morgan.

Nghiên cứu được công bố tháng 9/2020, với những kết luận đáng báo động về mối nguy tiềm ẩn sau thực tế nhiệt độ toàn cầu đang tăng ổn định:

· Biến đổi khí hậu đặt ra rủi ro lớn cho tính ổn định của nền tài chính Mỹ và khả năng duy trì nền kinh tế Mỹ.

· Một mối quan ngại lớn cho các nhà quản lý là còn quá nhiều thứ chúng ta không biết.

· Đồng thời, ngành tài chính cũng không thể chỉ phản ứng – nó phải đưa ra giải pháp.

"Trong quá trình hoàn thiện báo cáo này, nước Mỹ đang rơi vào giữa cơn đại dịch toàn cầu, với số ca tử vong vượt hơn 180.000 người do Covid-19, và nền kinh tế vì đó cũng sụp đổ," Litterman đã viết lời tựa cho bản báo cáo dày 196 trang này. Ông cũng đề cập đến những điểm tương đồng giữa đại dịch và trái đất nóng dần lên, nhắc đến thực tế là nếu trì hoãn xử lý hai vấn đề này sẽ gây ra những vấn đề "có hậu quả nghiêm trọng."

Báo cáo được công bố ngay giữa cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, giữa nỗi lo sợ về đại dịch, giữa những cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước trước cái chết của George Floyd, nên không gây được tiếng vang. Litterman cũng không thấy ngạc nhiên. Nhưng ông hy vọng nó là bản phác thảo cho những cách tiếp cận trong tương lai để giải quyết vấn đề.

Ông cũng tin là những gã khổng lồ về khai thác nhiên liệu hóa thạch tham gia trong ủy ban của CFTC cũng hoàn toàn chân thành khi nói rằng họ muốn góp phần giúp đỡ. Nhiều công ty đã công khai ủng hộ đánh thuế carbon, mặc dù không ai đồng ý mức thuế gần với con số 100 đô/tấn như đề xuất của mô hình EZ. "Tôi nghĩ họ đã thay đổi," Litterman nói với tôi. "Tôi thật sự nghĩ là họ thành thật. Họ nhìn thấy cái tất yếu tương lai, và họ muốn tham gia đóng góp."

Thượng nghị sĩ Whitehouse, người chủ trì phiên điều trần mà Litterman đã tham gia trong tháng 3, thì có nghi ngờ riêng. Mặc dù những tập đoàn khai thác nhiên liệu hóa thạch lớn tiếng nói rằng họ ủng hộ định giá phát thải, các đơn vị vận động hành lang của họ lại lặng lẽ phản đối phía sau, ông ấy nói với Litterman.

Một phần sự thật đã bị tiết lộ vào tháng 6/2021 khi tổ chức Greenpeace UK công bố đoạn ghi âm bí mật của một người vận động hành lang cho ExxonMobil tên là Keith McCoy khoe khoang rằng việc ông khổng lồ khai thác dầu này ủng hộ đánh thuế carbon là một điểm "thu hút dư luận" – nhưng thực tế sẽ không bao giờ có chuyện đó. "Chẳng có ai đứng ra đề xuất đánh thuế lên toàn bộ người dân Mỹ," McCoy nói. "Và phần hoài nghi trong con người của tôi nói rằng, à, đúng, chúng ta ai cũng biết thế."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #taichinh