Vu Trong Phung
Sao Mày Không Vỡ, Nắp Ơi
Phóng viên báo Nhất Đông Dương xem xong tờ báo thì đập mạnh xuống bàn, nói một mình: "Có thế chứ ! Việc này làm nhao dư luận cả huyện, may ra mình có dịp kiếm chác một cái chơi !"
Nào có gì đâu? Cách đây hai hôm, có một bác nghiện đã thắt cổ tự tử. Hơn một tháng nay, cả vùng không có nhà cháy, người chết đuối hoặc bị trâu húc hay chết chẹt xe, cũng không có lấy một con gà toi, cũng không có lấy một con sâu cắn hại mùa màng, phóng viên báo Nhất Đông Dương nghĩ đến cái chức nghiệp của mình mà những lo nơm nớp. May sao có người thắt cổ, nhà báo tất phải thêu dệt ra như chuyện đổ trời.
Nhà báo gật gù tự khen mình hoài rồi đắc chí đọc lại một cột tin vặt:
PHẢI CHĂNG LÀ MỘT VỤ BỨC TỬ?
Điện tín của bản báo
Mới đây, Nguyễn Văn Anh, một bác lính lệ về hưu, đã thắt cổ tự tử. Bác ta 50 tuổi đầu, ở thuê trên gác nhà hàng cơm xế cửa huyện, nghiện hút và sống một mình, không họ hàng, không vợ con. Khi quan huyện đến khám thì thấy dưới đất có những mảnh vỡ của một cái ấm cổ đời Khang Hi. Trên khay đèn, có cái nắp ấm ấy, không vỡ. Sau khi khám xét, thấy không có điều gì khả nghi, quan huyện đã cho phép mai táng.
Đặc phái viên của bản báo đã đến tận nơi điều tra. Nghe đâu vì có điều đau đớn, người lính lệ đáng kính ấy mới đến nỗi thắt cổ. Chúng tôi dám nêu lên một câu hỏi: đó là có một vụ bức tử không? Nếu không, tại sao bên cạnh xác chết lại có cái ấm vỡ với cái nắp ấm không vỡ? Đồn rằng người thiệt mạng bị bà chủ dưới nhà đòi tiền nhà rất gắt gao. Đồn rằng có một người bạn thân của kẻ thiệt phận đã đem đến đấy cái ấm Khang Hi nên mới đến nỗi xẩy ra vụ bức tử này. Chúng tôi mong quan huyện khai quật tử thi lên khám một lần nữa. Có bức tử phải có hung phạm. Chúng tôi mong các nhà đương chức tìm cho ra hung phạm !
Vì người thiệt mạng đối với Nhà nước đã là người có công lao. Khi làm việc quan 10 năm, không ăn lễ và đã mách được bốn đám rượu lậu. Một người trung thành với Nhà nước như thế, không lẽ Nhà nước để
chết oan.
Được tin gì thêm về vụ quan trọng này, bản báo sẽ đăng tiếp.
Nhà báo Nhất Đông Dương đọc lại rồi cười vang nhà, rồi lại nói một mình : " Ít ra anh lính lệ cũng có 20 người quen. Ít ra mụ chủ nhà cũng có 50 người quen. Ít ra anh bạn đem ấm cũng có 50. Cộng thêm dân hàng huyện, báo mình nhờ cái tin vặt này, phải tăng lên vài trăm độc giả. Mà biết đâu mụ chủ nhà với anh có cái ấm, hoảng hồn, lại chẳng đấm họng cho mình vài chục bạc để tiêu pha !"
Nhà báo tự khen mình xong, đội khăn ra huyện dò...dư luận.
***
Quan huyện đập bàn, gắt:
-Vẫn biết ông là nhà báo thì phải làm cho báo chạy ! Song không nên quên bỏ lương tâm nhà nghề ! Tôi đây, tôi đã khám xét tử thi kỹ càng mới cho chôn. Người ta tự tử thì chính người ta là phạm. Vậy sao ông dám đồn ngôn ra là một vụ bức tử? Ông đừng thêu dệt !
Phóng viên báo Nhất Đông Dương tái xanh cả mặt như mất hồn. Quan huyện lại trỏ một người đàn bà và một người đàn ông đứng hầu đó :
-Đây là người chủ nhà, ông buộc người ta tội gì? Cho thuê nhà mà không được phép đòi tiền hay sao? Còn đây chính là bạn kẻ thiệt mạng, người đem đến biếu cái ấm cổ. Thấy bạn túng thiếu thì đem biếu một thứ đồ cổ, mong bạn bán đi mà chi tiêu, thế mà ông giám buộc tội là "gây ra một vụ bức tử" à? Ông có biết luật phạt tội vu cáo mấy tháng tù không?
Nhà báo run run khẽ thưa:
-Quan lớn xét cho...nghề báo chúng tôi phải gây ra dư luận, báo mới chạy.
Quan huyện lại đập bàn:
-Ông chủ báo của ông bắt ông vô lương tâm như thế à?
-Bẩm vâng. Chúng tôi phải theo điều luật: cái gì cũng làm ra to chuyện.
-À ! Tưởng lỗi chỉ ở ông, thì tôi chỉ viết thư về nhà báo mách vô lương tâm của ông mà thôi. Còn nếu các ông đã cùng một ruộc cả thì, được lắm. Đây, hai lá đơn kiện nhà báo về tội vu oan đây này ! Tôi không hoài giải nữa. Để tôi cứ tư thẳng lên quan Sứ.
Thôi chết đến nơi rồi! Nếu thật vậy thì rồi gẫy cần câu cơm. Nhà báo Nhất Đông Dương bèn gãi đầu gãi tai, khẽ thưa:
-Bẩm quan lớn, xin quan lớn hãy khoan cho. Để chúng tôi xin cải chính.
Quan huyện hất hàm sang bên cạnh:
-Đấy, hai bên nguyên đơn đấy. Ông xin người ta xem sao.
Nhà báo khúm núm xoa tay:
-Bẩm ông và bà thứ lỗi. Để chúng tôi xin cãi chính.
-Nếu không cải chính ngay, chúng tôi quyết bỏ làm ăn theo kiện.
-Bẩm xin cải chính ngay nay mai.
Hai người gật đầu. Nhà báo khúm núm cáo từ nhưng quan huyện lúc đó đã hơi nguôi, còn mỉm cười hỏi:
-Cải chính thì cải chính ra làm sao?
Thì nhà báo, một cách kiêu căng kín đáo, so vai:
-Bẩm quan lớn, đó là bí mật nhà nghề !
Về nhà, phóng viên thở dài rồi lấy giấy bút ra, viết.
***
Hai hôm sau...
Quan huyện nhận được tờ Nhất Đông Dương, giở ra thì chưa chi đã đập xuống bàn kinh hãi mà rằng: "Cái thằng nhãi ! Quái ác thay!" Vì rằng ngài thấy giòng tít đăng chữ rất to:
QUANH CÁI CHẾT KHẢ NGHI Ở HUYỆN V. L.
Bản báo phóng viên đã tìm ra hung phạm
Về việc Nguyễn Văn Anh chết ra sao, ngay khi xảy ra việc, điện tín của bản báo đã đánh về thông tin với quốc dân. Đồng thời cuộc điều tra của quan huyện, bản báo phóng viên cũng có mở cuộc điều tra.
Thế cho nên bản báo đã dám nêu ra: phải chăng đó là một vụ bức tử?
Bây giờ tiếp được tin sau cùng là kẻ hung phạm không phải là người chủ nhà đòi tiền, cũng chẳng là người đem biếu bác lính lệ cái ấm cổ, mà chính là cái nắp ấm vậy. Cái nắp ấm ấy đã bức tử, đã phạm tội giết người.
Việc này là sự thật chớ không có tính cách hoang đường tí nào cả. Nhưng vì lẽ gì, bản báo đã khám phá được ra? Ôi ! Thật là một sự linh thiêng vô cùng. Tin này hay hơn chuyện Bao Công kỳ án vậy.
Sở dĩ bản báo phóng viên tra được ra cái án này là ở giấc mộng, mà kẻ thiệt phận do tấm oan hồn xui khiến, đến báo cho.
Đêm qua, bản báo phóng viên nằm mê, mê thấy bác lính lệ xõa tóc đến kêu rằng:
-Lạy ngài, ngài là bậc văn sĩ Nhất Đông Dương đáng là nhà báo giỏi nhất. Không phải con tự tử, chính con đã bị bức tử, chính con đã chết oan ! Xin ngài vì nước vì dân xin quan trên tống giam cái nắp ấm. Nguyên do là dân bẹp tai, giữa lúc túng kiết, thuốc đã chả có lại bị cái khổ họ thằng thúc tiền thuê nhà. Giữa lúc ấy, may sao có bạn hiền đem lại biếu một cái ấm cổ từ đời Khang Hi. Sung sướng quá, con lau chùi cái ấm suốt đêm, hy vọng hôm sau đem bán lấy 5 đồng bạc. Song le, họa vô đan chí, giữa lúc đang nâng niu ấm thì nắp ấm buột khỏi tay, lăn lóc cóc xuống thang rồi rơi đánh keng một cái xuống đến dưới nhà. Ấm không nắp còn gọi sao là ấm ! Con chán đời, mình giận mình, muốn chết, tức thì đập ấm vỡ tan. Rồi con thâu đêm nằm khóc lóc hãm với ngáp vặt. Ba giờ đêm, con thấy cần xuống nhà dưới. Chao ôi ! Ngài có biết con thấy gì không? Con thấy cái nắp ấm nằm trên thềm, mà không vỡ, mà không rạn. Than ôi ! Ấm không nắp đã không thành ấm thì nắp không ấm liệu có thành nắp không? Thế là con chui đầu vào thừng. Nó đã phạm tội không vỡ.
Cái nắp không vỡ đã bức tử con. Vậy ngài làm ơn xin quan trên lôi nắp ra tòa, phạt nắp khổ sai chung thân hay biệt xứ !
Nói xong, oan hồn biến đi thì bản báo phóng viên tỉnh dậy.
Vậy có tin sau cùng này để đáp lại một mảnh hồn oan. Các độc giả thử so sánh xem: ngoài Nhất Đông Dương, báo nào có tin lạ thế?
Quan huyện đọc xong mà sung sướng, mà thấy nhà báo kia đáng trọng vô cùng.
Vừa lúc ấy, phónng viên xin vào hầu...
-Thưa quan lớn, ngài đã được đẹp lòng về bài cải chính ấy chưa?
Lạ thay, chỉ thấy quan thì thào nhỏ to:
-Này, sang năm, về hưu, tôi cũng muốn mở báo. Vậy thể nào ngài cũng sẽ về giúp việc cho tôi nhé?
Loa, 20.12.1934
Hết
Gương... tống tiền
- Thôi chả chừa nổi đâu! Dậy cầm lấy hai hào đi mua về mà kéo.
- Không, không việc gì. Tôi còn chịu được, bác cứ mặc tôi.
Lê Vân đáp xong bạn, mím môi quay mặt vào tường. Chàng tuy rất khốn khổ, nhưng không muốn chịu luỵ bạn nữa. Nghiện hút đã ba năm mà muốn "cai khan" là chuyện rất khó, song Vân đã quả quyết dám có ý nghĩ: chết thì thôi. Nếu không thoát nạn phù dung, rồi Vân cũng đến phải tự tử. Vân đã chán cái sống bêu rếu ở đời.
Hơn nữa, người bạn ấy chưa chắc đã có bụng chân thành. Biết đâu chẳng định bắt chàng chịu ân rồi thì để có cớ buộc Vân làm một việc nhẫn tâm mà Vân không muốn nghĩ đến nữa.
Trước kia, Vân đã là kẻ thắng trận trong tình trường. Nhưng những phút sung sướng bao giờ cũng ngắn. Sau, người yêu của Vân phụ Vân. Chàng bèn làm bạn với ả phù dung, những muốn hưởng hạnh phúc trong cái quên, muốn lên cái cảnh thiên đường mà người ta có thể thò tay ra với được.
Từ một thiếu niên có tương lai tốt đẹp, Vân đã hóa ra kẻ bị xã hội khinh bỉ... ma dại thân tàn. Giữa lúc này, người bạn cưu mang chàng xui chàng... đem đánh giá những dòng chữ ái ân mà người yêu Vân đã gửi cho Vân khi xưa.
Không, thà chịu chết còn hơn bị ghét. Hoặc phải có cách gì sang trọng hơn kia. Chứ để bị khinh bỉ, Vân không muốn làm. Thà chàng cứ chịu cho những cơn nghiện vô hình nó vật vã đã.
*
* *
Sự tê mỏi các đầu xương và đau quặn ruột gan lôi Vân phải ngồi nhỏm lên mà ôm bụng như bị có kẻ đâm: "Trời! Đau chết!". Người bạn vội tung chăn dậy, đấm lưng cho chàng. Hai mắt Vân lúc đó quắc lên những ánh sáng, long sòng sọc như mắt người điên. Mặt Vân chằng chịt những nét răn đau đớn.
Không thể chịu nổi nữa, Vân đã muốn đổi ý. Chàng đã thấy rằng vẫn cứ yêu kẻ đã phụ mình là ngu. Lại thêm người bạn thừa cơ xúc xiểm:
- Anh Vân, nên biết nghe lẽ phải. ở đời này... tội gì? Đời bạc như vôi mà mình cứ chung tình thì mình là thằng ngốc. Tôi vẫn còn nhớ cái ngày, năm năm trước đây, anh đến tìm tôi nói ba hoa như đã nắm được hạnh phúc ở đời, vì Loan thương yêu anh. Thế nhưng mà tôi còn nhớ rõ hơn: một ngày tiết lạnh gió đông, anh đến tìm tôi để phô cái dáng người lừ đừ, nhọc đời của anh, rồi kéo tôi đi hút thuốc phiện. Loan đã không đủ can đảm cưỡng lời mẹ cha, đã vâng chịu lấy chồng! Anh còn nhớ không? Nằm dài bên khay đèn, anh kêu không còn cần gì nữa, vì đời anh đã là đời bỏ đi! Bây giờ... bây giờ, đời anh quả thật đã là đời bỏ đi! Nhưng mà, bây giờ thì... đời Loan ra làm sao? Loan là vợ một ông Tham! Có hai đứa con, có một ô tô, có năm nóc nhà! Tôi muốn hỏi anh về cái khốn khổ của anh đây, phải chăng Loan đã có một phần trách nhiệm?
Vân không đáp, nhắm mắt để rơi hai hàng lệ. Người bạn khẽ bảo:
- Những thư từ trước của Loan gởi cho anh đâu? Đưa quách đây tôi!
Vân thở dài, thò tay móc túi rồi vứt xuống chiếu cái chìa khóa va li của chàng.
*
* *
Bà Tham ngồi nghe như một người chịu tội. Vân nằm đó ngượng lắm, nhưng biết chạy trốn đi đâu? Hai nữa, chính vì Loan, thân thế chàng nay mới đổ sụp đến thế. Rồi Vân nghĩ: "Phải chăng ta là kẻ đáng thẹn trước mặt người đàn bà bạc tình?". Nghĩ rồi, hình như chàng thấy lương tâm đáp hộ rằng: Không. Đã thế thì Vân cứ việc nằm dài, ngạo mạn nhìn Loan chứ ngại gì nữa.
Ông bạn của Vân cứ nói mãi, khiến Loan đến táng đởm kinh hồn:
- Thưa bà, không phải tôi có ý tống tiền bà. Tôi chỉ muốn giúp bạn tôi. Bà trông lại mà xem cái bộ mặt ghê gớm, xanh xao vì ả phù dung của một kẻ thất vọng vì tình. Nếu bà đã chung tình, bạn tôi có đâu đến nỗi. Bây giờ bạn tôi cần độ ba trăm bạc để tính đường buôn bán, mong bà giúp cho. Rồi bạn tôi sẽ trả lại hết những bức thư xưa của bà. Tôi cũng mong không khi nào ông Tham nhà phải lo phiền về những cuộc ái ân mà vợ ông ta đã trải cảnh... trước khi về với ông.
Bà Tham đứng dậy:
- Thưa ông vâng. Cảm ơn ông đã cho gọi tôi đến nói rõ mọi chuyện. Nhưng tiền không có ngay bây giờ, ông để đến chiều, tôi xin cầm sang.
Ông bạn của Vân cười gằn:
- Vâng, chiều mời bà sang cho. Mà xin bà nghĩ cho kỹ. Hay bà có đi trình sở Liêm phóng thì để tôi dự bị làm vỡ chuyện một thể!
Bà Tham tái mặt, lắp bắp: "Có khi nào!" Rồi, trước khi xuống thang, Loan quay lại nói với Vân: "Tôi không đời nào để cậu khổ sở, cậu cứ yên tâm!".
*
* *
Hai tay đút túi quần, người bạn của Vân lắc lư cái đầu, đi đi lại lại, giọng nói tuy ôn tồn nhưng gằn từng tiếng một mà hăm doạ bà Tham:
- Giá bà đúng hẹn cho thì phải hơn. Tôi thật không ngờ!
- Thưa ông, ông cũng xét cho... Giữa lúc này, chạy được ba trăm bạc nào phải chuyện dễ!
- Mỗi phút bà để chậm là một phút khổ cho bạn tôi.
- Thế mới khốn nạn cho tôi! Trời ơi! Làm thế nào có ngay bây giờ?
- Bà thử ngó lại mà đoán bệnh trạng bạn tôi xem? Xin tùy bà.
Loan đưa mắt nhìn thì lúc đó Vân đang mải miết đọc lại một lá thư. Mặt Vân cứ theo dòng trong thư mà mỗi lúc một thêm tươi tỉnh. Sau cùng, chợt thấy Vân ngồi lên xua tay reo lớn: "Hãy khoan!" Cả hai người chưa kịp hiểu ra sao, Vân đã lại thêm: "Thôi, không! Tôi không muốn bắt đền Loan nữa! Đó là lỗi tại tôi, chỉ tại tôi mà thôi!".
Người bạn đạp mạnh một cái xuống bàn. Nhưng Vân cứ bình tĩnh tiếp:
- Thật thế bác ạ. Đây để tôi đọc bác nghe lời lẽ trong một lá thư của Loan...: "Muốn cho vẹn chữ yêu thương cùng nhau, tất phải có thể tính với nhau cuộc trăm năm mới được. Hai gia đình chênh lệch như vậy, chắc không khi nào mình lấy nổi tôi đâu. Vậy thì, thà ta không nên yêu nhau, mai sau mới mong khỏi phải đau lòng. Tôi van mình, xin đừng đem chữ yêu thương ra cám dỗ tôi, để tôi sa ngã, rồi mai sau biết đâu chẳng đến đau khổ...?" Đấy, bác xem!... Có phải lỗi tại Loan đâu. Sở dĩ tôi thế này là vì thân làm tội đời, mình làm mình chịu! Thôi, Loan ạ, anh xin lỗi em. Em cứ việc về.
- Thế này là nghĩa lý gì?
Không đáp lời, Vân ném cả tập thư vào lò sưởi.
- Trời ơi! Thằng điên! Mày đốt mất ba trăm bạc!
Người bạn kêu xong chạy lại lò sưởi nhưng Vân nhanh chân đã đứng ngăn được. Bị bạn đẩy, Vân ôm xốc lấy bạn đè xuống giường, chờ lúc tập thư đã ra tro cả mới đứng lên. Cáu quá, người bạn sửa lại tóc và cổ cồn quát:
- Đồ khốn nạn! Thế này rồi thì mày bước khỏi nhà tao!
Vân gượng cười:
- Tôi xin lỗi bác. Mà bác có mời tôi cũng không mặt nào dám ở.
*
* *
- Mời anh cứ ở chơi. Nhà tôi dắt các cháu đi xem hát, khuya mới về.
- Thôi, thế là đủ, chả còn chuyện gì nữa. Mình sung sướng là tôi sung sướng. Thôi, tôi đi được an lòng.
Vân nói xong, hấp tấp lại cầm lấy va li. Loan vội đưa ra tập giấy bạc.
- Ô hay! Thế là cái gì?
- Tiền, số tiền ba trăm. Lúc ấy tôi đã toan đưa ra song sợ chỉ béo thằng cha ấy nên tôi tìm kế trì hoãn. Tôi vẫn nghi hoặc lắm, không lẽ mình lại nỡ xử thế với tôi. Chắc chỉ cái thằng khốn nạn ấy xúi giục! Thế rồi khi mình vứt thư vào lửa, tôi sung sướng vô cùng. Không phải vì khỏi mất tiền, nhưng vì mình vẫn có lòng yêu tôi. Tôi lại toan đưa ngay tiền ra. Song chợt nghĩ rằng như vậy chỉ béo thằng khốn nạn kia, tôi lại không đưa nữa. Bây giờ tôi mới đưa mình, để mình hưởng riêng mà thôi. Cầm lấy!
- Không! Tôi không muốn lấy thế. Đối với bạn tôi, như vậy là bất lương. Dù người ấy hết là bạn tôi, tôi cũng không muốn bất lương với người ta. Ai nỡ mặt chó lấy tiền tiêu riêng một mình!
- Ôi, chà vẽ! Việc gì mà phải đạo đức thế! Anh muốn không bất lương, nhưng em đã có lòng thành. Xin chớ phụ lòng thành của em.
- Không, Loan ạ, anh không đáng hưởng. Năm năm xưa, anh đã yêu em. Bây giờ anh lại yêu em. Nhưng còn cái lúc gọi em sang tống tiền. Lúc đó, anh đã định phụ em, làm hại em. Tại sao trước sau đã chẳng giữ vững một lòng yêu mà thôi? Tại sao lại có phút điên rồ mà... đổ khốn? Do thế, anh tuyên án cho anh không đáng được hưởng sự giúp đỡ của Loan chút nào.
- Thôi thì dù sao anh cũng đã biết hối hận rồi. Người biết hối không đến nỗi là người bỏ. Anh cứ nhận cho. Loan van anh.
Vân ngần ngừ một lát rồi giơ tay nhận tiền.
*
* *
Vân lừ lừ cầm va li vào, đến giường ngồi phịch xuống. Chàng chờ xem bạn có thái độ thế nào, nhưng bạn chỉ ngồi im. Vân làm ra bộ chịu nhục:
- Bác ơi! Bây giờ bác đuổi tôi đi thì tôi biết đi đâu? Thôi, bác tha thứ cho tôi, tôi sẽ kiếm cách đền bù bằng cách khác.
- Bác dại lắm! Ba trăm bạc đối với nó mùi gì?
- Khốn nỗi tôi không muốn bạc tình.
- Thì nó chung tình gì với bác?
- Nhưng mà tôi đã trót yêu. Yêu nghĩa là tha thứ. Muốn tỏ với đời rằng mình cũng đáng có lòng yêu thì phải quân tử.
- Bác là thằng gàn!
- Thế bác có dung cho tôi được nhờ vả những ngày tàn ở đây nữa không?
- Có gì mà chẳng được. Nghĩa là cùng lúc túng quẫn, anh em mới phải xui nhau "làm tiền". Song bác đã muốn quân tử thì thôi. Còn lúc nãy, lúc quá nóng vì tiếc tiền, tôi đã nói những điều gì thì bác bỏ ngoài tai cho. Bác đi xong tôi hối quá. Tôi thấy tôi đê tiện. May sao bác lại quay trở lại. Thôi, những việc xảy ra ta nên quên đi. Bác cứ ở đây với tôi, tôi sẽ nghĩ cách khác làm tiền.
- Trời ơi! Làm thế nào cho có tiền bây giờ!
- Lúc nãy thì lại chả nhớ đến cái lo ấy.
- Tôi không thể nào cai được, bác ạ.
- Hay là hút? Còn hai hào đây! Dù khuya, tôi cũng xin đi đấm cửa.
- Dễ tôi phải hút đến bốn hào!
- Thôi, chỉ còn hai thì hãy hút hai. Mai ta lại chạy vậy.
Vân nghe xong đứng lên vỗ vào vai bạn:
- Anh thật là người tri kỷ của tôi.
Đoạn Vân vất xuống chiếu tập giấy ba trăm đồng. Người bạn ngẩn người ra nhìn, kinh ngạc đến nỗi không nói được nữa. Vân cười sằng sặc khoan thai kéo điếu thuốc lào rồi mới cắt nghĩa cho bạn nghe:
- Anh không tinh chút nào. Cách tống tiền của anh chỉ tổ để nó oán. Đằng này, tôi tống tiền mà nên ơn nên nghĩa, mà nó phải yêu thương kia. Lúc bước vào, trông thần thái nó rất mạnh bạo, đứa không có tiền tất không thế được. Nó trì hoãn vì nó căm những sự hằm hè của anh mà thôi. Lúc ấy, chả lẽ lạy nó? Tôi mới đánh vào mặt cảm tình. Những lúc đọc thư, vứt thư vào lửa chỉ là đóng kịch cả. Thế cho nên có tiền ngay đấy, đấy anh xem. Mà trước khi muốn để anh cùng chung hưởng giàu sang, tôi còn về thử anh đã. Cũng may cho anh vẫn giữ được lòng tốt nên mới có sự này. Nếu anh đểu cáng thì tôi đã đi ngay, hưởng riêng một mình tôi. Chúng ta là tri kỷ với nhau: tuy anh thiếu khóe gian hùng, song có lòng trung hậu gỡ lại. Mà phải nhớ rằng không phải ba trăm này mà thôi đâu. Ta tống tiền nó nhưng nó vẫn phải thương yêu ta, có thế mới đáng làm việc... không danh giá gì cho lắm. Bây giờ tôi lại hút. Hết tiền sẽ lại có tiền, có tiền bằng cách không phải tống tiền! Vậy anh đã vui chưa?
Nói xong, Vân nằm xuống giường bắc tay ngang trán mà cười gằn, cười cái cười chua chát, ý vị: khinh người và cũng tự bỉ mình.
Hồ sê líu hồ líu sê sàng
Không ai có thể thấy một gia đình thứ hai nữa giống gia đình nhà danh họa Khôi Kỳ. Cứ cái tên của ông chủ cũng đã đủ ngộ nghĩnh rồi, nhưng có bước vào nhà ông này, ta mới thấy nhiều cái lạ. Có thể bảo rằng đối với nhà này, cuộc đời là một trận cười quanh năm.
Bất cứ đến lúc nào, ông còn đứng ngoài thềm ông cũng đã thấy văng vẳng đưa ra những tiếng đàn nguyệt như bổng, như trầm, hoặc tiếng cái nhị Sàigoòng rên rỉ. Nếu vào đến căn phòng làm việc của nhà họa sĩ, thì thật là một sự lạ lắm, nếu ông không thấy vỏ hạt dưa bắn tung tóe đầy sàn, vài cái đĩa còn thừa lác đác mấy miếng bánh khách, giấy bóng vỏ kẹo, hay mấy chai rượu ngọt chỉ còn ít cặn, hay cái áo "cào cào" vài đôi giày mang cá mới của các tiểu thư. ấy là không kể một đống ngổn ngang những sáo với hồ, những đàn với nhị, cái nào cũng đứt giây long phiếm, dựa lảo đảo vào một xó gác, một thành ghế, hoặc may lắm mới được treo cẩn thận trên tường.
Vì rằng Tuyết Nương với Bạch Vân đều là hai cô gái quý của nhà danh hoạ Khôi Kỳ đàn cũng hay, ca lại càng "não" lắm. Thật là những nàng tiên sa cõi thế, răng lóng lánh hơn mặt hoa tai đầm, nước da mịn hơn cả quần lụa trắng, tóc đen lay láy, có màu mun hơn cả khăn nhung.
Chính ra, Khôi Kỳ không có địa vị gì trong nhà, chỉ Tuyết nương và Bạch Vân mới là hai "bà" cầm quyền thay ông chủ.
Ông bố thường dậy từ lúc bà con hàng phố chưa ai nghe bánh Tây nóng, giời rét thì quấn thêm cái chăn dạ, khoác thêm cái áo dạ đã ra ngồi kẻ, đo, vạch, điểm trộn sơn, trộn thuốc để cho bà vợ quý với hai cô gái quý nằm ươn xác chờ đến giờ học buổi sáng được ra chơi. Ông tuy có tài nhưng chưa "ăn thua" gì cả. Ông vẫn còn nghèo lắm nên làm ăn rất chi chăm chỉ, những mong có một ngày kia… Một vài cuộc triển lãm của ông tổ chức với mấy anh em đã hứa cho ông con đường tương lai rực rỡ. Nhưng, vợ với con mà ông phải nai lưng ra nuôi một cách rất vất vả chỉ những bắt ông sắm khăn san, giầy mang cá, cũng khiến ông đủ "lệch nghiệp" rồi.
Bà vợ ông không nhúng tay vào một việc gì cả. Rất đẹp khi mới cưới, rất được nhiều người họ nhà chồng kính yêu chỉ vì cái sắc, bá tước còn tự hào là một người đàn bà đẹp, và, sau là một người đàn bà đẹp từ xưa! Đã là một người thuở xưa rất đẹp, nay bà chán hết mọi sự, chỉ còn biết mùa rét thì trùm chăn ngủ kỹ, nực đến thì gội đầu rồi xõa tóc ra quạt, đọc tiểu thuyết trên một cái võng lúc nào cũng kêu "kĩu ca kĩu kịt" mắc lê khắp gian phòng. Cho nên mỗi khi bà dúng tay vào việc gì thì cả nhà như một xứ nào gặp nạn động đất vậy.
- Con Vân! Cái kéo của tao để đâu rồi thế?… Ơi Tuyết! Cái đê với cuộn chỉ ở hòm mày đã vứt đâu?
Cứ nheo nhéo thế suốt ngày!
Rồi thì, Tuyết cũng như Vân, hai cô ùa nhau mở hòm, mở tủ. Sau một hồi rối rít tìm chìa khóa mới mở được thì chẳng thấy đâu là kim, đâu là đê, đâu là chỉ mà toàn mó phải những đũa, những thìa, những khuy áo, gương cũ, hộp sắt tây, lọ thủy tinh, không biết đứa khỉ nào đã nhét cả vào đấy, và cất đấy để làm gì !…
Cả mọi đồ vật bầy trong nhà cũng có một vẻ kỳ lạ lắm.
Cứ hai, ba tháng lại dọn một lần nên phòng khách cũng như phòng ngủ trông đều có vẻ "chưa bầy xong" hoặc "đến mai xếp dọn" của những nhà mới có việc bận rộn hôm qua. Vả lại, ai hỏi đến cái gì cũng không thấy cả thì còn bày biện cái quái gì? Miễn là ông bố vẫn tìm thấy đủ cái mũ, đôi giầy, bà mè: một cuốn tiểu thuyết Tam Hạ Nam Đường, hai cô con gái: phấn, sáp, khăn nhung. Miễn ra ngoài đường, bà con phải nhầm là nhà có của. Cánh cửa nhỡ hé mở người tò mò đi ngoài phố có thể nhìn trộm thấy cái tủ chè khảm nhưng mặt kính vỡ chửa có tiền thay. Hoặc trên bàn thờ, cái bát nhang sứt vì mèo nhảy đổ.
Có khi, ngồi vào mâm, đã cất đũa, ông bố mới sửng sốt tự trách rằng quên chẳng để dành tiền mua lấy cái liễn ủ cơm. Gặp khi nào hơn hai giờ mà hai cô gái quý mới thổi cơm xong thì chiều đến đã có lệnh của bà truyền rằng: "Mới ăn cơm từ lúc hai giờ chiều không phải thổi cơm, để chờ hàng phở tối".
Một cảnh tượng rất thường nhưng nghĩ cho cùng, thật cảm động: bốn người cùng, kẻ ngồi, người đứng, bưng mấy bát phở vội húp sụt soạt ở ngay chỗ cánh cửa bước vào. Cầm cái khăn mặt bẩn như lau khăn bàn, ông bố húp vội chén nước rồi lại quay vào cắm cổ làm việc, chẳng kịp xỉa răng!
Trong cái cảnh bừa bộn vô trật tự ấy, cái thản nhiên, cái bình tĩnh của bà mẹ với hai cô thì thật là những kỳ công của tạo hoá! Trong óc mấy người này đều chứa những tư tưởng gì khác, chứ không tráng qua một tư tưởng nào về việc tề gia nội trợ bao giờ. Cho nên Tuyết Nương thì ăn vận theo gái Sài Gòn, còn Bạch Vân gái Huế. Còn bà mẹ, nằm chao mình trong võng, sống một cách uể oải với bộ truyện Phong thần mơ màng đến cái sắc đẹp thủa xưa.
Nhà danh họa Khôi Kỳ thì lúc nào cũng hớn hở tươi cười như đứa trẻ con được mặc áo đẹp.
Miễn sao lúc nào cũng được thấy bên tai khanh khách tiếng cười của hai cô con gái quý, ông bố có thể nai lưng ra làm việc, kéo cày trả nợ, nợ vợ, nợ con. Hễ cô con gái nũng nịu, thỏ thẻ bên tai "Cậu cho con mua cái san" (giẩu mỏ!) "Cậu cho con mua cái vòng" v.v... là ông bố gật đầu ngay, móc ví lấy tiền ngay, dù gạo ngày mai chưa trông được vào đâu cũng mặc!...
Cũng lắm khi các cô ngồi cần cù kim chỉ đấy, nhưng áo rách đến xả vai của bố cũng không thấy miếng vá, bít tất của bố thủng như rây bột cũng chẳng được sợi mạng, các cô chỉ biết thêu hàng trăm hàng nghìn những chiếc mùi xoa có cành hồng con bướm, để tặng những ai ai thì phải, chớ cũng không thấy để bán bao giờ.
Các ông, các bà có được hân hạnh lần nào gặp những cô gái quý, rất tân tiến ấy không? Nào có khó gì đâu, biếng việc nhà nhưng chăm chỉ việc người, những cuộc diễn kịch, diễn cải lương Nam Kỳ, việc nghĩa hoặc các buổi chợ phiên, đối với các cô không một dịp nào không dự vào ban tổ chức. Chỉ bởi thế, các cô vẫn phải muộn chồng.
Vì rằng cứ trông cái cảnh gia đình ra ngoài khuôn mẫu hàng nghìn vạn dặm của các cô, cứ nghe giọng bà mẹ của các cô sàn sạt, nheo nhéo cả ngày, thì dù trong đám công tử đã cảm giọng Nam ai, Vọng cổ hoài lang, Văn Thiên Tường của các cô, cũng có nhiều cậu muốn rước ngay các cô về nhưng phần nhiều đều ngại ngần, tự hỏi với tự dọa: "Có nên lấy nó làm người vợ quý của mình?" hoặc là "Nếu ta lấy nó thì rồi ta đến bố mẹ ta!...".
Người tử tế làm ăn, đã không ai dám rúng đến rồi, mà cả cái bọn "mũ lệch vai so" cũng không mãnh nào dám rước. Đã đành là, đến nhà họa sỹ Khôi Kỳ nghe hát, nghe đàn là thú, là vui, là cảm lắm nhưng mấy ông tài tử Nam Kỳ đội mũ đỏ mực, quấn cái khăn quàng sặc sỡ, lê đôi dép Nhật, đàn hay, ca thạo, hút thuốc lá cũng thạo, đối với con mắt bọn này đã như đinh như gai... ấy là không kể trong khi mải vui nghe hát, nghe đàn, bọn này phải chịu cái khổ hình nghe cả tiếng võng kĩu kịt của bà ở phòng bên cạnh, trông thấy thấp thoáng bóng người, những cái vẻ mặt căm tức, giận dữ, định lấy tiền nhà tiền gạo, từ tháng trước thu xếp chưa xong. Các cô vẫn ế.
Được một lần có một anh chàng góa vợ, đứng tuổi, rất thích cảnh đời ra ngoài khuôn mẫu, vì cho sự lấy vợ chỉ là mua máy hát, đã định ngấp nghé (ái chà!...) mượn người tiến dẫn đến năm bảy lượt, nhưng vì thấy cảnh gia đình quá sức mình tưởng tượng nên trong lúc cô em gân cổ ca khúc Văn Thiên Tường trong bản tuồng Tam ban triền điển thì anh chàng lim dim con mắt liếc nhìn cô chị, phì phèo tẩu thuốc lá, nghe điệu đàn rồi vừa hát thầm, hoạ thầm, mà tự hỏi:
"Phải xem nó có ý y còn nguyên, nó còn nguyên...".
Việc chàng lại bỏ dở...
Thế là Bạch Vân với Tuyết Nương vẫn cứ ế chồng, mà họa sĩ Khôi Kỳ được cảnh xum họp một nhà để tiếp khách toàn cầu, để méo mặt lo nợ, lo chạy gạo, chạy tiền bánh ngọt, rượu, chè tiếp rước các ông công tử Bắc Kỳ, tiếp rước các ông tài tử Nam Kỳ, và để lúc nào cũng được bên tai văng vẳng khúc đàn ròn của bài vọng cổ:
Hồ sê líu hồ líu sê sàng!
Hà Nội báo,
số 35; ngày 2.9.1936
Lòng tự ái
Trông thấy chồng về, chị vội vàng hỏi:
- Thế nào cậu? Dì nó đã đỡ chưa? Liệu có qua khỏi được không?
Phạm Quang đứng thở lử khử như người vừa mới phải đi bộ mười cây số, tuy chàng chỉ đi có từ một nhà ở cuối phố về. Chàng từ tốn gác mũ lên cái sừng hươu, cởi bộ áo ngoài, rồi nằm dài ngay ra sàn. Mãi mới đáp:
- Nguy lắm. Không biết nó có sống được không?
Vợ chàng ngừng hẳn đường kim mũi chỉ, cau lông mày lại hỏi:
- Thế dì ấy hiện giờ thế nào?
Quang uể oải đáp như người đương lúc nửa thức nửa ngủ:
- Cả một đêm, hôm qua li bì nói mê nói sảng mà lúc nào tỉnh thì lại tỉ tê khóc lóc. Bác Dần mách rằng lúc mê sảng nó cứ gọi tên tôi. Không khéo thì hỏng mất. Thôi thế mà ra tôi đã mắc một tội ác: giết một người đàn bà!
Chưa hiểu rõ đầu đuôi, tôi bèn hỏi chị Quang:
- Các bác nói đến ai thế?
- Dạ chúng tôi nói đến một người em họ của tôi đấy.
Một câu cắt nghĩa quá gọn ấy chỉ khiến tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa, lại càng không hiểu gì nữa. Cái gì nhỉ? Chồng chị Quang lại có can đảm nói những câu như thuộc về một thiên bi tình khi nhắc đến một người em họ của vợ, lại trước mặt vợ như thế nữa ư?
- Thưa bác, tôi vẫn chưa hiểu gì cả?
Đến đây chị Quang nhìn tôi một cách láu lỉnh, nhìn chồng một cách ranh mãnh, đằng hắng một cái rồi mới mỉm cười đáp tôi:
- Thưa bác, bệnh nhân ấy tức là em họ tôi, cô Oanh. Trước kia khi chưa lấy tôi thì nhà tôi đã phải lòng cô Oanh chết mê chết mệt. Đến lúc hỏi thì cô Oanh lại không thuận, ấy thế mới buồn chứ! Rồi nhà tôi hỏi tôi. Rồi cô Oanh đi lấy chồng. Nhưng mà chẳng may cho cô Oanh lại lấy phải người chồng xấu, không ra gì, chơi bời đủ ngón, lại hành hạ vợ một cách vũ phu nữa. Hiện giờ thì chẳng rõ anh chàng bỏ cả vợ con ở nhà đi theo con đĩ nào. Cô Oanh buồn quá đâm ốm. Có lẽ vì nhớ tiếc người cũ, vì hối hận nên cô mới nhắc đến tên người đã phải lòng cô, người mà cô đã không lấy, tức là nhà tôi, như nhà tôi đã thuật mà bác cũng được nghe.
Có lẽ Phạm Quang hổ thẹn cho rằng vợ nói chuyện không phải lúc nên chàng giơ tay lên bưng lấy trán, thành thử muốn phản đối vợ như thế thì kín đáo quá và làm ra bộ thản nhiên thì lại thành ra hớ hênh quá.
Nhưng chị Quang là người rất thông minh tức khắc hiểu ngay ý chồng, chị vội nghiêm giọng đứng đắn hỏi:
- Thế cậu sang thăm vừa rồi thì có gì là đáng để tâm không?
Anh Quang vùng ngồi lên đăm đăm nhìn tôi để khỏi phải ngượng ngùng khi đáp vợ:
- Tôi kéo ghế ngồi ở đầu giường thì dì ấy mở chăn ra nhìn tôi. Chao ôi! Cặp mắt ấy có ngụ bao nhiêu nỗi khuất khúc của một linh hồn đương đau khổ! Trong những tia sáng quắc một cách kỳ lạ ở đôi mắt của người đang ốm nặng, tôi thấy như có sự hối hận, sự hy vọng, cái lo lắng phân vân. Rồi nó (anh ta vừa gọi bệnh nhân là dì ấy, lại vừa gọi là nó) ấp úng hỏi tôi: "Anh! Anh vẫn yêu em như xưa đấy à? Anh lại không giận em chút nào à?" - Tôi không biết gật đầu hay lắc đầu, cũng không biết nên đáp ra sao. Lúc ấy bác Dần đang ẵm thằng Chắt, đứa con chúng nó ở ngoài sân. Tôi bèn cầm hai tay nó kéo lên ngực tôi một cách âu yếm lắm. Một lúc nó ngơ ngác nhìn tôi nghi hoặc đoạn rút tay ra quay mặt vào tường. Sau cùng nó lại khóc, khóc tỉ tê, khóc hậm hực, khóc mãi. Tôi không có can đảm ngồi nữa, loạng choạng đứng lên về đây. Giời ơi, biết làm thế nào bây giờ?
Chị Quang ngây mặt ra một lúc, có vẻ buồn rầu một cách rất thành thực, đoạn thở dài và ngậm ngùi nói:
- Rõ tội nghiệp! Dì Oanh nó thật là một người đáng thương.
Thái độ của chị khiến tôi lại càng phải kinh ngạc. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị người đàn bà có người chồng như thế xem cái ghen, cái giận, cái uất nó sẽ ghê gớm như thế nào! Nếu ta có một người vợ mà lại đau đớn vì một mối tình cũ như thế liệu cái mặt của chúng ta sẽ tươi bưới ra làm sao! Vậy mà chị Quang đã chẳng những không ghen chồng, lại còn ngậm ngùi thương xót cô em họ nữa!
Tôi thấy cái cần ghê gớm phải khen:
- Chị Quang! Chị thật là một người vợ hoàn toàn!
Bạn tôi thật có cái diễm phúc lớn mới được làm chồng một người như chị. Tuy chỉ là một văn sĩ nghèo, anh ấy cũng có thể tự phụ được là người sung sướng nhất trần gian. ở đời có được một người bạn tri kỷ của anh Quang lại đồng thời là người bạn trăm năm của anh nữa thì thật quả bạn tôi đã cướp được hết hạnh phúc của loài người.
Tôi tưởng khuây khỏa được bạn bằng cách vỗ vai bạn mà rằng:
- Anh này! Anh đã là một người sướng mà có lẽ anh không biết.
Chị Quang hớn hở hỏi tôi:
- Nào có gì lạ mà bác khen nhiều quá thế.
- Tôi cho là lạ lắm! Ghen tuông là cốt tính của người đàn bà! Muốn sung sướng người ta tưởng phải yêu một cách hằn học đến bậc hóa ra ghen tuông. Thế mà chị không ghen! Thế mà chị vẫn sung sướng.
Chị Quang mỉm cười khoan thai cắt nghĩa:
- Vì tôi là người đại lượng, có thế thôi. Nếu tôi đại lượng thì vì lẽ gì tôi lại cấm nhà tôi làm một người đại lượng. Hai nữa dì Oanh nó chỉ là một người lầm và đáng thương. Vì hỏi dì Oanh nó không được nên nhà tôi mới hỏi tôi... Bác để ý cho: Tôi thì giầu mà Oanh thì là con nhà nghèo; dẫu rằng không là bắt buộc tôi, tôi cũng thiết nghĩ: trong cái hạnh phúc của chúng tôi bây giờ, dì Oanh nó cũng có một phần công lao! Chứ không ư? Nếu Oanh đã nhận lời thì chúng tôi còn lấy nhau làm sao được. Cho nên tôi vẫn có cảm tình với Oanh. Người đàn bà khác chắc phải ghen về trước, phải đề phòng về sau, phải ghét Oanh, phải thấy Oanh khổ sở thì mới sung sướng. Nhưng tôi thì không thuộc hạng người ấy. Hiện giờ thì đích thị là Oanh hối hận. Cái đó dễ hiểu lắm. Mà nguy nhất cho người ta là khi đã mất lòng tự kiêu, tự ái. Đau đớn vì oán giận kẻ khác thì chẳng nói chứ chính mình lại phải oán giận mình thì còn ai biết cứu chữa ra làm sao! Oanh đã lâm cảnh ngộ đáng thương ấy thì tôi còn nỡ lòng nào ghen tuông với nhà tôi làm gì. Ghen ghét Oanh mà làm gì! ấy cái nhẽ tôi là thế chứ không phải chúng tôi là chị em họ.
- Phải lắm! Đã ghen thì chị em ruột cũng có thể đâm chém nhau được nữa là chị em họ.
Chen vào giữa chúng tôi, anh Quang nói một cách căm tức:
- Mà tôi chẳng hiểu hiện Oanh đang ốm như thế nào? Mấy ông lang băm nói huyên thuyên loạn xạ cả lên để cho không ai hiểu cả. Ông thì bảo đau phổi, ông thì đau óc, ông thì lại kêu đau tim! Có là Giời cũng không hiểu!
Chị Quang nhìn chồng cười gằn:
- Mình rõ thật là gàn! Tất nhiên bệnh ấy là tâm bệnh thì dẫu đã đau các cơ quan khác trong người, quả tim cũng chẳng phải là không đau! Theo ý tôi Oanh mắc cả hai thứ bệnh: đau trong người và đau trong ý nghĩ. Có muốn chữa chạy thì mình cứ việc chữa chạy cho cả quả tim, chứ cậy mấy cụ lang hủ lậu, thì ăn thua gì!
- Mợ nói đâu ra đấy. Thế thì mợ thử giải quyết cho tôi một phương cứu chữa xem sao? Nói không thì ai mà chả giỏi được.
Chị Quang chỉ tôi phân vua:
- Ơ kìa! Nói lạ nhỉ! Việc của mình chứ việc của em đấy à?
Tôi bênh vực bạn:
- Thì bác cứ làm phúc thử nghĩ hộ bác giai xem có phương kế gì không?
Từ đấy trở đi chị lại cúi đầu trên đường kim mũi chỉ, mắt có vẻ tư lự lắm. Tôi không hiểu đó là chị nghĩ phương kế cứu người đàn bà khốn khổ mà chị đáng lẽ phải coi như kẻ tình địch hay là chị đã tiếc cái đại lượng phi thường của mình chỉ vì lời khen ngợi sốt sắng của tôi. Cái điều ấy có thể lắm vì trong đời vẫn có một số đông những người bướng bỉnh, những người mà ta muốn thấy làm một việc gì thì ta phải ngăn ngừa hay là ta muốn họ không làm việc gì thì ta lại phải hết lời xúi giục.
Chỉ biết rằng, đêm ấy bạn tôi giục tôi vào phòng ngủ để thuật lại tỉ mỉ cho tôi nghe chuyện cái cô Oanh ấy, thì người vợ cứ chong đèn ngồi khâu rất khuya.
*
* *
Sớm hôm sau, lúc bạn tôi gọi tôi ra bàn dùng thức điểm tâm, thì người vợ ít có ấy vui vẻ hỏi chồng:
- Thế nào? Cậu đã nghĩ ra cách gì chưa?
Quang nhăn mặt gắt một cách khôi hài:
- Lại còn nghĩ ra được cái gì nữa!
Chị Quang đưa mắt nhìn tôi mỉm cười rồi nói với chồng bằng một giọng chế giễu:
- Rõ tội nghiệp! Kìa, nghĩ cả một đêm như Ngũ Tử Tư, đầu tóc sắp trắng xóa ra rồi kia kìa.
Bạn tôi lại lấy tay bóp trán và cử chỉ ấy không hiểu tại sao, tôi thấy là hệ trọng lắm. Tôi thấy như là người vợ chế giễu chồng được một câu như thế thì sung sướng lắm, có lẽ người vợ bắt đầu không còn là người đàn bà phi thường nữa, vì đã biết ghen. Nhưng chị Quang đã lại hỏi chồng:
- Có thế thôi mà mình cũng không nghĩ ra à?
Bất giác tôi thấy xấu hổ lắm. Câu nói ấy không những cho bạn, mà còn như cho cả tôi cũng phải nghe. Sự thực thì, cả một đêm tôi cũng bâng khuâng nghĩ hộ bạn mà không nghĩ ra phương kế gì cả. Cái lòng tự ái của giống đàn ông xưa nay vẫn khinh thường đàn bà mà lại bị một người đàn bà chê bai một cách gián tiếp là ngu dốt lúc ấy bị thương nặng và biến ra thành một sự bất bình sôi nổi trong lòng tôi.
Nhưng chị Quang vốn là người rất thông minh. Thấy bạn chồng lại đỏ mặt hơn chồng, chị bèn nói chữa:
- Phải lắm, như mình, thì chỉ bận tâm lo buồn thôi, chứ nghĩ sao được giữa lúc tâm hồn bối rối. Tôi tuy chẳng giỏi giang gì, song tôi gần như là kẻ ở ngoài cuộc, cho nên trí não tôi cũng có phần sáng suốt hơn.
Quang ngơ ngác nhìn lên, ngoan ngoãn hỏi vợ:
- Theo ý em thì nên như thế nào?
Trước khi đáp, người vợ còn cúi đầu ngẫm nghĩ, ý chừng để giãi bày cho khôn khéo. Có lẽ muốn giấu cái hổ thẹn của mình nên chưa nghe vợ đáp, Quang đã thở dài mà rằng:
- Buồn nhất là cơ sự này, tôi đã đoán được rằng không sớm thì chầy, thể nào rồi cũng có lúc xảy ra... Hiện giờ, thằng chồng theo đĩ mà bỏ lửng vợ, mà vợ thì đương nghĩ đến việc đệ đơn xin ly dị tại tòa. Cho mãi đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu vì lẽ gì xưa kia Oanh lại từ chối lời cầu hôn của tôi! Từ chối giữa lúc cả làng cho việc tôi hỏi Oanh làm vợ là may mắn cho Oanh lắm. Thế mới lạ chứ, vì rằng chính nhà tôi đây, hồi ấy cũng phải ngạc nhiên về sự từ chối ấy. Hay là tại hồi ấy, Oanh đã yêu ai rồi? Có phải cặp vợ chồng ấy đã vì ái tình mà lấy nhau không? Oanh đã kiêu ngạo hay đã chung tình? Dù sao mặc lòng, xưa kia tôi đã chung tình thì nay Oanh phải hối hận!
Chị Quang, một cách rất có ý tứ đáp lời cho câu hỏi lúc trước của chồng:
- Mình tìm cách nào cho cô ấy không phải hối hận nữa, tôi dám chắc bệnh sẽ khỏi ngay.
Bạn tôi vội nói:
- A! Tôi hiểu rồi đấy.
- ừ! Đã thế, mình còn chờ đợi gì nữa?
- Nhưng mà... nếu thế... nếu thế thì Oanh lại oán ghét tôi mất!
- Điều ấy cố nhiên...
Quang nghĩ hồi lâu để rồi lắc đầu:
- Không! Không thể được! Hiện giờ, Oanh đương hối hận, nghĩa là đương yêu tôi... Oanh yêu tôi! Yêu nồng nàn, yêu thiết tha! Có nên làm mất cái tình cảm tốt đẹp hiếm có ấy trong lòng một người đàn bà mà tôi đã yêu xưa kia không? Phải đến như thế nào... Oanh bây giờ mới có tình cảm ấy với tôi chứ? Đã thế thì tôi không thể nói dối được! Xưa kia, tôi bị người lãnh đạm, nhưng lòng tôi đã được tự do yêu. Nếu nay tôi phải làm một việc để, do thế, tôi ghét người ta thì chẳng những bỗng đâu tôi vứt cái tự do yêu người ta của tôi đi, mà rồi người ta lại còn ghét thêm tôi nữa!
Vợ chàng giơ tay khuyên nhủ:
- Phải hy sinh! Phải có can đảm! "Yêu người yêu mình chỉ là tự yêu"! Vẫn biết mình nói dối Oanh thì Oanh tất nhiên sẽ phải ghét mình, nhưng mà tôi xin mình, cứ thử một mình mình biết, một mình mình hay, mà yêu kẻ ghét mình tôi xem nào!
Nghĩ một lát nữa, rồi Quang nhăn nhó lại lắc đầu:
- Không! Tôi không thể làm cho Oanh đến nỗi phải ghét tôi được. Tôi xin lỗi mình, mình là người đại lượng mình hiểu biết. .. Sự thực, tôi vẫn còn thương Oanh lắm.
Chị Quang nổi nóng, gay gắt phân trần:
- Thế nhưng mà khi ông không chịu nói dối thì nghĩa là ông vẫn dang tay vò nát quả tim đã bị thương của người ta! Ông không muốn bị căm hờn! Phải, ông chỉ ích kỷ! Để cho người ta chết thì rồi ông thương xót một thể!
Phạm Quang ngã ngồi xuống ghế như một cái cây đổ. Chàng gần như khóc:
- Thà để Oanh chết là hơn! Nếu chẳng may thế, tôi sẽ ấp mồ Oanh mà khóc! Chết như thế, Oanh cũng được hả về phần hồn! Còn sống như em đoán trước, xác thể không những tiêu mòn, mà cả đến linh hồn của Oanh cũng chẳng mát mẻ nữa, vì rằng sự căm hờn đã đến chiếm chỗ trong tim.
Chị Quang lại cười gằn mà rằng:
- Thế thì mình nhầm! Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ. Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi!
Quang vẫn thổn thức:
- Khốn nhưng tôi không muốn giết cái mối yêu ấy trong lòng Oanh. Căm hờn là một cái xấu không nên có trong hồn một người đàn bà đã lầm trong một phút, và do thế, mới đáng thương! Thà Oanh hối hận, thà Oanh tuyệt vọng! Thà để Oanh chết vì ái tình! Để cho ái tình ấy đi theo linh hồn là cái bất vong bất diệt, ái tình sẽ hóa ra cũng bất vong bất diệt!
Chị Quang run rẩy khẽ nói:
- Bảo Oanh chết, ờ thì được! Nhưng còn thằng Chắt? Nó mới có 6 tuổi! Mà nó là cháu tôi, cháu mình? Giết mẹ nó là giết nó! Mình không được phép giết thêm một đứa trẻ vô tội!
Anh Quang ngạc nhiên nhìn vợ hồi lâu rồi mạnh bạo ra đi. Anh đi đến nhà Oanh. Nửa giờ sau, về, mặt nhăn nhó, anh kể:
- Thế là xong, tôi đã đóng một vai trò tàn nhẫn hét sức!
- Thế nào?
- Tôi đã bảo Oanh như thế này: "Tôi chỉ còn thương hại cô mà thôi! Cô hỏi tôi có giận cô không? Có yêu đâu mà giận! Sao xưa kia, cô đã khinh tôi như thế? Bây giờ khổ sở, cô mới hối hận, mới quay lại yêu tôi... Cái yêu như thế, hỏi có giá trị gì? Có ai lại vớt lại một bát nước mà ta đã hắt xuống đất?" Oanh xúc cảm quá mạnh nên không nói được gì cả. Oanh nấc lên một cái thì tôi bỏ mặc ra về.
Chị Quang so vai, hài lòng:
- Có thế, Oanh mới sống được.
Rồi chị ấy bảo tôi:
- Bác hãy chịu khó ở chơi đây ít lâu nữa mà xem. Việc này rồi phải có kết quả tốt.
*
* *
Một tuần lễ qua...
Bữa ấy, chợt vợ chồng Quang gọi tôi ra cửa sổ. Thì Oanh đã ẵm con dong chơi ngoài đường! Bấy giờ tôi mới biết mặt người đàn bà ấy. Nàng có một vẻ mặt bình tĩnh một cách lạ, đủ biết trong lòng cái hối hận, cái nhớ tiếc duyên xưa không còn nữa. Nước da tuy còn xanh, nhưng dáng đi đã có vẻ cứng cáp lắm rồi. Tôi có cái cảm giác là người đàn bà ấy không thể chết được nữa. Oanh ẵm con một cách âu yếm như đã quên, quên hết mọi sự để mà chỉ nuôi con.
Quang cầm hai tay vợ:
- Anh cảm tạ mình! Em đã dạy anh biết hy sinh và đã cứu nổi hai mạng.
Tôi châm một điếu thuốc lá để tự thưởng, vì tôi đã hiểu rõ cái lòng tự ái, kiêu ngạo, nó vừa làm đau khổ và vừa nâng cao phẩm giá người đàn bà.
Muốn nhìn lại lần nữa, thì bóng Oanh đã thoáng khuất sau một hàng rào găng.
Đông Dương tạp chí,
số 14; ngày 14.8.1937
Máu mê
Còn mười lăm phút nữa thì tan sở. Thụy ngồi uể oải tựa đầu vào thành ghế nhìn ra sân tòa Bưu điện bằng cái cửa sổ nhỏ. Những chiếc xe nhà đen đã bắt ra phố để phát hành thơ từ chuyến ban đêm. Những chiếc xe hơi to lù lù có chữ P.T.T. đã lấy hàng hoá, giấy má, các nơi, bây giờ rầm rộ qua sân để vào kho colis postaux. ở buồng bên cạnh, những tiếng "tịch tịch te" của tin dây thép vẫn khua lên như mưa rào. Thụy sung sướng thấy rằng hôm nay, cả ngày, mình không có khách, không phải làm nhiều, cũng như đa số các viên chức trung thành được sung sướng sau một ngày được ngồi yên mà đọc chuyện kiếm hiệp, hay là cắn móng tay, hay là dùng chốt đinh ghim để lấy ráy tai. Phòng Thụy làm là phòng giao hàng theo lĩnh hóa giao ngân, mà hôm nay, khách đến lấy chỉ ba bốn người, tiền thu chưa được hai chục bạc. Do thế, Thụy đã được ngồi đeo kính đen mà ngủ gần cả buổi sáng để làm lại cái sức khỏe tiêu phí vào một canh đỏ đen đêm trước.
Còn năm phút nữa, Thụy sắp đứng lên mặc áo, thì một bạn đồng nghiệp vào với một đống sổ sách. Thụy ký nhận, bắt người kia ký nhận, rồi hai bên bắt tay nhau, chúc nhau bữa chiều ăn cơm ngon. Trước khi đi, người bạn đồng sự còn nói:
- Này, thằng Cú Vọ nó đã đi thanh tra về rồi đấy. Mai thì nó đến khám két của anh... Tôi biết đích xác như thế.
Cái tin sét đánh ấy khiến Thụy tái xanh cả mặt. Thụy không ngờ rằng viên thanh tra Tây lại về nhanh như thế... Nghĩa là ngày mai, Thụy sẽ vào tù: chàng đã mượn tạm của két ngót ba trăm bạc, mà lệ Nhà nước là không ai được giữ trong két trên ba trăm.
Tức khắc chàng giở sổ ra cộng và được con số: 322đ56. Chàng đếm tiền trong quỹ và được con số nhỏ lắm 32đ56. Thế nghĩa là chàng đã thụt két đúng hai trăm chín mươi đồng bạc! Chàng kinh hoàng. Sao mà lại nhiều thế? Mới thua có ba canh mà đã nhiều đến thế ư? Thì ra những lúc thua cay mà phải "vay tạm" Thụy không hề quan tâm đến những con số. Sau một cuộc "họa lai thần ám" đến thế thì người ta chỉ còn một cách: vào tù!
Thụy tần ngần ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bỏ nốt vào túi số tiền hơn ba chục bạc còn sót trong két. Chàng mặc áo ngoài, tắt đèn, khóa cửa buồng, ra về với mấy chục viên chức khác.
*
* *
- Ê, Chung! Chờ tao đã!
Chung, một viên chức ở buồng điện thoại, bạn thân của Thụy, nghe tiếng gọi bèn dừng lại. Thụy nói:
- Hãy đi đằng này với tao!
Rồi chàng quay lại bảo người phu xe nhà đương kéo cái xe sơn đồi mồi đi theo mình:
- Mày về thưa với bà rằng chiều hôm nay ông đi xơi cơm hàng nhé! Thôi, cho về, để tao đi xe hàng.
Hai người gọi một xe. Lúc lên ngồi, Chung gắt:
- Khỉ quá! Giả dụ mày bảo trước tao từ sáng có hơn không!
- Đến chính tao cũng không bảo tao trước nữa là...!
Chiếc xe kéo hai người đến một phố Tây. Trông thấy một toán tù nhân đi làm cỏ vê giữa bốn năm người lính khố xanh bồng súng và cầm roi, Thụy thở dài, hỏi bạn:
- ở tù khổ lắm, nhỉ mày nhỉ?
Chàng nghĩ đến địa vị mình: một ông phán hạng sáu; có xe nhà, có vợ đẹp, có con khôn... Ngày mai thì chàng sẽ như bọn tù kia: bị giam hãm, bị xích tay đi các phố xá, làm những công việc nhục nhã... Chàng rùng mình hối hận, nhưng dễ thường muộn rồi. Nhưng Chung chỉ phì cười mà đáp:
- Mày nói như thật ấy!
Một lát, thấy Thụy chỉ cho phu xe con đường không đi thẳng về Hàng Buồm, Chung hỏi:
- Ơ hay! Đi đâu mà lăng nhăng thế này?
- Đi chén, nhưng mà cho phép tao lại đằng này hỏi tí việc đã.
Thụy muốn đến nhà lão Hàn Bầu, một tay trọc phú, chủ một dược phòng nổi tiếng, một tay "vua thuốc lậu" đã làm cho nhiều người tuyệt đường con cái, có huy chương, có bài ngà, có nhiều giấy bạc trong két, có nhiều chất vô vị trong những chai thuốc bổ, và có những giấy văn tự hai mươi nhăm phần trăm tiền lãi cho vay. Xưa kia, Thụy đã được tiến cử đến vay, và đã trả sòng phẳng. Lần này, Thụy lại đến... Nếu được thì càng hay, bằng không thì vào tù.
Xe đỗ trước một hiệu thuốc có máy phóng thanh đương hát bài Anh Khóa và có một số đông những người ngu dại đứng nghe những câu quảng cáo mà chủ hiệu thuê một người đưa chen vào những đĩa hát. Hai người vào. Bà chủ nhà gọi pha nước rối rít và kêu:
- Thưa ông, cậu cháu đi ba hôm nữa mới về ạ.
Thụy vội lau những giọt mồ hôi thình lình chảy ra ở thái dương. Chàng nói chuyện trời nắng trời mưa mất nửa giờ để có thể đến lúc có gan hỏi vay ngay người vợ lão Hàn, một người không có hề giao thiệp với ai về tiền nong.
- Thưa ông, giá có sẵn thì tôi cũng vượt quyền cậu cháu đưa hầu ông, song mới hôm qua, có mấy trăm lại giả mấy vạn lọ thuốc đau mắt rồi! Ông để đến ngày kia hay ngày kìa thì ông quay lại.
Thụy lo sợ vô cùng, xấu hổ vô cùng. Chàng xoay xoay mũ, ấp úng nói mấy câu cảm ơn vô duyên, rồi cùng Chung bước ra. Thụy bảo phu xe:
- Bây giờ kéo chúng tôi lên Hàng Buồm.
- Mày vay tiền để làm gì thế?
Giữa lúc ấy, Thụy cũng không cắt nghĩa cái cảnh ngộ của mình cho người bạn thân, cho rằng có nói cũng vô ích. Chung không thể chạy đâu cho chàng trong một đêm những ba trăm bạc được. Thụy đã muốn vui chơi với bạn cho thật thỏa thích đêm cuối cùng để hôm sau vào tù cho cam lòng, nếu nói ngay, sợ cuộc vui mất vui. Chàng chỉ đáp một cách thản nhiên:
- Vay có chút việc riêng.
*
* *
Thụy đòi rượu Mai Quế Lộ thượng hảo hạng, gọi những món ăn rất đắt, những món Chung chưa hề thấy ai gọi đến cả: Bách điểu qui sào, Tam sà đại hội, Ngũ hổ nhập thiên thai, vân vân. Lại có cả món Ngũ tộc cộng hòa và món Tam dân chủ nghĩa nữa. Nghe những cách mệnh danh lố bịch ấy, Chung phì cười.
Thụy cười nhại, đáp:
- Cơm Tây còn có món Poisson à la Mussolini nữa là! Đông Tây gặp nhau ở chỗ cái bụng.
Thụy ăn như một kẻ mới ở tù ra, tuy chàng mới chỉ là kẻ sửa soạn vào tù. Chàng uống như một cái phễu. Chàng nói lảm nhảm như một nhà sư lúc đi phá giới ở nhà ả đào. Chung cũng hơi ngạc nhiên về thái độ ấy nó khác thường lắm. Nhưng Chung không hỏi kỹ, vì sự thực, chính Chung cũng choáng váng hơi men, cười nói huyên thiên. Lúc trả tiền, Thụy bất bình rằng ăn uống như thế mà chưa hết 15 đồng. Chàng quay vào, gọi hầu sáng, thưởng cho một đồng bạc.
Lúc ra cửa hiệu, sáu người ăn mày đều được Thụy cho mỗi người một hào. Khi hai cây thịt bị vứt lên một chiếc xe, Thụy nói:
- Đi hát!
- Mày còn bao nhiêu tiền?
- Còn độ mười lăm đồng giở lên.
- Sao mày lắm tiền thế mà lúc nãy còn đi vay? Sao mày chướng thế?
- Tao không chướng thế thì sao tao lại đáng mặt cho đời gọi là thằng Thuỵ?
Đến một nhà ở Khâm Thiên, Thụy đòi bàn đèn và rượu sâm banh, chứ không đánh trống. Hai người hút thuốc phiện như hai cái ống khói, và tuyệt nhiên không thèm sờ mó đến một chị em nào cả. Các cô đào rất lấy làm ngạc nhiên. Có nhiều ả thấy khách quá dễ, đâm nhờn. Họ lẻn ra đường chuyện với nhân tình mà Thụy và Chung cũng không buồn để ý.
Mười hai giờ đêm.
Chung đã nhắm nghiền mắt bên bàn đèn thì Thụy nói:
- Chung ơi, mày là người bạn thân nhất đời của tao... Mày có hiểu cái vui chơi tối hôm nay của tao có mục đích gì không?
- Tao chỉ hơi ngạc nhiên, và cũng sắp hỏi mày đấy.
- Chung ơi, đêm nay là đêm cuối cùng sung sướng của chúng ta... Rồi ngày mai thì tao không cùng đi một con đường đời với mày nữa!
- Mày say đến thế kia à?
- Thật đấy, Chung ạ. Bây giờ thì đã đến lúc tao nói: mai thế nào thanh tra nó cũng khám két tao, nghĩa là tao vào tù. Cái két còn tiền nữa thì đêm nay tao còn ăn chơi sang trọng hơn nữa để thết mày cho bõ, nhưng chỉ còn có hơn ba chục. Vậy tao yêu cầu mày một điều là khi tao vào tù rồi thì mày ở ngoài thỉnh thoảng giúp đỡ vợ con tao, cho đến lúc tao được ra... Chung ơi, vào tù, vì thụt két, điếm nhục gia thanh, để vợ con đói khát... rồi thất nghiệp, rồi khốn khổ...
Thụy ngừng lại để khóc hậm hực. Chung ngồi nhỏm lên, hiểu cả sự nghiêm trọng của tình thế. Chung lo sợ hơn là chính mình sẽ phải vào tù. Chung cũng ứa nước mắt.
Sau cùng, Chung đứng lên nói:
- Nếu còn có một cách thôi thì ta cũng nên không vì một lẽ gì mà không thử. Đây này, mày còn hơn mười lăm đồng, phải không? Thì chi chầu hát một chục thôi! Tao còn năm đồng nữa đây, thế là chúng ta có một chục... Đi gỡ! Phải gỡ chứ! Biết đâu...
- Thôi, ăn thua gì! Nhọc xác! Để tao ngủ yên một đêm rồi mai vào tù! Dạo này tao đen, tao biết!
- Không! Phải đi gỡ! Tao nhất định thế.
Chung lôi cổ Thụy dậy cho kỳ được.
*
* *
Sòng bạc vẫn đông đủ như mọi đêm. Con bạc cũng vẫn như mọi đêm, nghĩa là từ ông phủ hưu trí đến ông "vua thuốc lậu", những tay sát phạt nhau mỗi canh bạc trăm, bạc nghìn cả. Bốn năm chục người ghê gớm trong đó không ai chịu nói khẽ và cứ to tiếng gắt mắng người khác là nói to.
Một giờ đầu, Thụy và Chung được hai trăm. Nửa giờ sau, được hai trăm nữa. Một giờ sau nữa thì lại được trăm nữa. Chủ sòng làm một câu:
- Thôi hẳn đêm nay hai bác vét cả làng.
Chung đếm lấy ba trăm bạc bỏ vào ví, chỗ thừa để mặc cho Thụy "húc" với viên phủ hưu trí. Chung ngồi về phía sau cho con bạc khỏi soi bói mình. Sau cùng, chàng đứng lên, ra bàn ăn lê, táo. Thụy cứ được, cứ được mãi, dễ đến tất cả là tám trăm. Chung không để ý.
Đến lúc Thụy bắt đầu thua, chỉ còn trước mặt độ một trăm thôi, Chung đâm tiếc của, cấu đùi bảo bạn đứng lên. Thụy nhất định cứ ngồi. Cái bát bị ném đi, Thụy mất nốt trăm bạc. Chàng quay lại bảo bạn:
- Cho tao vay hai chục.
- Không!
- Hai chục thôi, tao lậy mày!
- Nhất định không! Cờ bạc thua hàng mười hôm liền, hôm nay được có trăm bạc, phải thôi đi chứ. Húc mãi như thế để tự tử à? Có ai lại đánh bạc như mày bao giờ?
Thụy đứng lên, vái lấy vái để:
- Hai chục nữa thôi, tao lạy mày! Chung lùi ba bước, quả quyết đáp:
- Tao nhất định không đấy! Thụy chạy đến móc túi bạn.
Chung đẩy Thụy ra. Cáu tiết, Thụy ôm lấy Chung định cướp giật số bạc trong túi áo. Chung hết sức mới đẩy được Thụy ra lần thứ hai. Đến lượt Chung phải van xin:
- Tao lạy mày nữa. ấy trước sau chỉ được có trăm bạc thôi, tao còn phải giả tây đen ngày mai, không có nó cho tao vào tù.
Chung tưởng nói thế thì bạn tỉnh ngộ, thì bạn hiểu cái tình thế hiểm nghèo giữa hai con đường: yên lành và tù tội. Nhưng, Thụy không còn biết nghĩa lý gì nữa, lại xô vào, giằng co với Chung. Bốn năm chục con bạc bắt đầu nói: "Đồ ăn non!". Lão phủ hưu trí có đầy sát khí ở mặt và hai lưỡi dao găm ở mắt. Anh chủ sòng cay lắm, như sắp chết điếng. Bọn tạ sắp sửa xông vào cướp... Họ muốn phá sòng! Một vài người đàn bà bắt đầu kêu thất thanh.
Tức thì, nắm chặt bàn tay, đã đến lúc phải tỏ rằng mình cũng còn có một vài miếng, Chung đấm luôn cho Thụy một cái vào giữa quai hàm! Nhưng Thụy lại còn xông đến lần nữa. Thụy hóa điên! Chung lại nắm tay trái đấm luôn vào cái quai hàm bên kia. Thụy ngã dúi xuống đất.
Chung đút hai tay vào túi quần, vênh mặt, ung dung nói với cả bọn con bạc:
- Đấy, mời các ngài xem thằng này là thằng nào. Bạn thân cũng có thể đánh chết được, nếu vào lúc cần thì đánh chết!
Cho thế chưa là đủ, Chung lấy con dao vẫn dùng gọt bút chì, cầm ở tay. Chàng mở lưỡi dao nhọn, doạ:
- Mày mà mò đến chân lông tao thì tao xin cam đoan là sẽ có một vụ án mạng!
Chung nói xong đi, ra. Thụy ngồi lên ôm mặt, nhăn nhó, Chung bảo sõng:
- Mày có về thì về, hay ở lại thì cũng tùy mày.
Rồi ra thẳng, con dao vẫn lăm lăm trong tay.
*
* *
Hôm sau, lúc ông thanh tra khám két, Thụy vẫn là một viên chức đúng luật lắm. Các bạn đồng sự hỏi thăm một bên má tím bầm của chàng. Thụy đáp là ngã gác.
Buổi trưa, lúc tan sở, Chung lại tìm Thuỵ. Chàng cảm động nói với bạn:
- Mày mới thật là bạn tốt. Nếu mày không đánh ông đến trẹo quai hàm thì... than ôi! Tao cám ơn mày lắm.
Một người nghe thấy tưởng Thụy nói đùa. Chính ra chàng nói một cách rất đứng đắn.
Và từ đấy, làng đen đỏ không thấy mặt Thụy trong số những nạn nhân. Chàng đã hiểu vì lẽ gì, bọn con bạc không bao giờ lại có thể khá được.
Đông Dương tạp chí,
số 17; ngày 4.9.1937
Một con chó hay chim chuột
Hôm ấy, cụ Bá ông quả quyết mở ví tiền để trả cho anh lái chó cái giấy bạc một đồng. Cụ sung sướng cực điểm vì rằng con Vện mà cụ mới mua đấy, theo ý cụ, là một con chó có... dị tướng: béo tốt, chân thấp, mồm và tai vừa nhọn vừa ngắn, mặt trùn trùn gẫy gập như mặt giơi, lông đã hung hung lại có vằn đen như lốt hùm.
Cụ đã khoe với cả xóm rằng ai nuôi được thứ chó ấy ắt sẽ có nhiều dịp phát tài - giống chó cũng có tướng như giống người, mà con Vện của cụ thì lại quý hơn các thứ chó huyền đề hoặc là tứ túc mai hoa vì nó có tướng ngũ đoản.
*
* *
Chẳng hiểu cụ Bá xem tướng con Vện có đúng hay không! Sau khi có nó ba bốn ngày, chưa cho cụ được dịp phát tài đâu, nó đã vồ lấy ống chân cụ Bá bà mà ngoạm luôn cho một ngoạm. Tuy rằng mấy cái răng ngập vào thịt cũng không sâu cho lắm, nhưng cụ bà bị toạc mất hai tấc váy lĩnh: cái triệu chứng hao tài!
Có lẽ tướng ngũ đoản cũng chẳng đáng quý bằng cái váy lĩnh nên chi cụ ông, mặc dầu đã hết sức can ngăn và hạch lại cụ bà rằng "Mới thả cũi nó một ngày nó chưa quen hết người trong nhà, ai bảo bà đã đi về khuya lại không đánh tiếng", cụ cũng chẳng giựt nổi của cụ bà cái đòn ống to tướng lúc ấy cứ giáng xuống lưng con Vện như mưa...
- Này cắn trộm! Này phản chủ với bà!
- ẳng ẳng ẳng ẳng!
Con Vện trong lúc chịu đòn, chỉ biết kêu có thế, nước mắt chảy ra ràn rụa, trông cũng đáng thương hại lắm.
Thất bại trong cuộc làm thầy kiện cho con chó có dị tướng ấy, cụ Bá ông hậm hực mất đến vài ngày, và khách hàng của cụ, từ đó cũng phải một phen kệch. Bốn chiếc răng nanh chẳng dám dùng đến nữa, từ đấy, hễ thấy người lạ mặt, con Vện chỉ đành gừ gừ một cách cho phải phép, hay là, quá lắm, cũng chỉ đến gâu gâu rất suông. Cái bực tức ấy thật chẳng khác gì cái bực tức của những ông quan viên nào đi che tàn, xuống xóm những tưởng sẽ được hưởng thế nọ... thế này, mà kỳ chung chỉ được có một chầu chay thôi vậy!
*
* *
Vẫn biết cắn là một tính thiên bẩm của loài chó thật song le, bất cứ lần nào, hễ Vện ta vừa rụt chân, rụt cổ, ngứa mồm nhe nanh, hừ một cái, là tức khắc bị những người suỵt suỵt ầm lên, cho nên nó nghĩ ngay đến cái đòn ống, lại cho rằng sự mình bị quát mắng là một điều áp chế, nó chui ngay vào gậm phản mà nằm rồi nhìn thế sự bằng cặp mắt bàng quan. Nếu nó biết nói, ắt nó đã làm một câu: "Chặc! Thì ông mặc kệ".
Dần dần, nó chỉ biết đến bữa thì ăn, ăn xong tìm chỗ nào cao ráo, ít ruồi, ít muỗi, đánh một giấc, cái đầu đặt giữa hai chân trước như người nào đến cái tuổi mũ ni che tai... Nhưng mà các cụ nhà ta đã bảo rằng nhàn cư vi bất thiện.
Cứ ngày nào cũng đủ hai bữa, sáng ngủ đến 9 giờ mới dậy, buổi trưa nào cũng la siết1 một giấc, cuộc đời như vậy cũng tẻ ngắt. Vện ta phải nghĩ đến cách tán gái cho qua thời giờ. Đã không phải vất vả đến thân lúc nào lại được ăn chơi mặc thích, Vện càng ngày càng béo tốt, lông cứ mượt mà như nhung. Trông cũng có vẻ công tử bột lắm. Bộ mã đã bảnh bao cố nhiên trên đường tình dễ đắc thắng: cái tiếng chơi bời của Vện chỉ trong ít lâu đã lừng lẫy cả xóm: Vện đã nặn thêm ít nhiều xuất đinh cho cái "xã hội có mõm" và hễ cứ nhà nào có chó cái là phải thấy tiếng "quấy khóc" của đàn chó con lau nhau. Thì ra Vện cũng có số đào hoa như Người vậy.
*
* *
Nếu có ai được mục kích công tử Vện tán gái thì mới rõ tâm lý phụ nữ, với những cái thế lực của những bộ mã giẻ cùi.
Không có mùi soa nhưng lại thích cái mốt quay quay mùi soa đằng sau gái nó là cái mốt của bọn đệ tử đảng "Càn Long" ở Hà thành, trước mặt gái, Vện ta cũng vẫy cho đuôi luôn luôn phe phẩy, loanh quanh vài vòng thè lưỡi, ghé mũi, hết sức bầy tỏ tấm lòng khuyển mã, ấy chỉ có thế mà các "tiểu thư" Vàng, Bông, Cún, Mực, cô nào dữ và "lắm điều" vào bậc nhất, và có răng nanh nhọn nhất, cũng không nỡ cự tuyệt con... người có duyên một cách lạ ấy, cũng cảm ngay. Thật vậy, Vện chẳng bị tẽn hoặc bị cự tuyệt bao giờ.
Trò đời vẫn thế: thấy ai hơn mình là phải ghen ghét. Những chó vô duyên khác thường họp đàn họp lũ nhau rồi đến tận nhà cụ Bá gây sự với Vện luôn thôi! Không hề gì, cũng là hạng "có một vài miếng" nên Vện cũng chẳng sợ. Lắm khi một mình cự địch với ba bốn cũng vẫn thắng trận như thường. Cho nên từ các cô êu đài các đến các cô êu nghèo hèn, không một "mẻng" nào mà lại thoát cái phong tình của Vện. Không phải con chó ấy tham lắm, nhưng những khi chim chuột những hạng không có nhan sắc, dễ thường nó muốn thực hành cái lý thuyết: Mùi nhang đã trải, mùi dầu thử chơi! Nói cho đúng ra, Vện lại còn muốn được đời khen mình là yêu bình dân, vì sự thực thì Vện cũng có óc "hoạt đầu" dữ lắm.
*
* *
Nhưng mà có một lần, cái đàn những anh tình địch của Vện đông quá; dễ đến mười mõm ấy; thảy đều vây quanh lấy Vện mà vồ, mà nhá, khiến cho, không chống cự nổi nữa, Vện phải hộc tốc chạy về nhà, chui tọt vào gậm giường đứng giữ thế thủ cẩn thận rồi nhe nhanh gừ gừ ra ý thách:
- Chúng mày có giỏi, vào đây với ông!
Đàn kia.. không có con nào dám vào, chỉ đứng ngoài mà gầu gầu rầm lên ra ý chửi bới và văng tục.
Thật cũng chẳng may cho Vện quá, vì ngày hôm ấy cụ Bá có giỗ tổ, giữa lúc ấy lại nhằm lúc cụ bà đương xới cơm cúng, và cụ ông đương kính cẩn khấn khứa trước bàn thờ.
Bỗng dưng thấy tiếng chó sủa kinh thiên động địa, nhìn ra lại thấy toàn một lũ "đầu trâu mặt ngựa" đương đứng xúm nhau giữa cửa để chõ mõm vào mà tự do chửi rủa tàn tệ, mà dưới gầm thì là Vện, biết ngay lại chuyện ghen tuông chi đó, bực mình và sợ bất kính trong lúc cúng tế, cụ Bá ông quên cả chân mình đương có bít tất bông trắng nõn, nhẩy ngay xuống đất vớ cái lau màn, ra dẹp tan lũ "ưng khuyển" rồi mới quay vào giọt cho Vện một trận không tiếc tay.
Thói thường chó đen giữ mực, Vện cũng chẳng chừa.
*
* *
Đêm ấy, một đêm giăng thanh gió mát, nhân khi cao hứng, Vện phá rào chui ra ngoài đi với tình nhân. Giữa lúc hai bên chỉ non thề biển nặng lời trên con đường nhỏ giáp với lũy tre quanh làng nó cũng là một thứ "con đường Cổ Ngư"(1) chẳng hạn, thì một chú Cược thừa cơ chui qua cái chỗ hở ở giậu, vào sân tự do lấy mất cái chậu thau đồng.
------------------------------------------------
1. Tên cũ của đường Thanh Niên (Hà Nội) bây giờ.
------------------------------------------------
Thấy sột soạt tiếng động lúc trộm đã chui ra, cụ Bá gọi Vện mãi chẳng thấy đâu, phải lật đật ra sân soi thì... hỡi ơi nông nỗi!
Cách đấy vài phút, Vện lại chui qua lỗ hổng mà vào, hai mắt lấm lét nhìn trộm chủ, ra vẻ lo sợ chẳng hiểu đương đêm soi đèn và gọi mình làm gì thế kia... Thấy Vện có vẻ khả nghi, cụ Bá nhìn đến hàng rào rồi thất kinh chạy đến chỗ hổng. Rành rành một mảng lông mắc gai theo cái triều lưng của Vện lúc chui ra vẫn còn sờ sờ ở đó, cụ biết ngay ra là thủ đoạn của Vện, là nhờ Vện thì chú Cược mới được thừa cơ!
Giữa lúc cụ đương tiếc đứt ruột, cô Khoang, một con chó trông có quý tướng lắm, tứ túc mai hoa, "gót sen đẹp nõn", thật đáng gọi là... hoa khôi của làng êu, cũng chui qua giậu mà vào. Cô vào gừ gừ một câu nũng nịu những tiếng oanh thỏ thẻ muốn đại khái nói; "Giữa lúc này, gió mát trăng thanh mà chàng nỡ bỏ em, vậy thì chàng không coi cái ái tình cao thượng của đôi ta ra sao nữa ư?" Còn Vện giữa lúc ấy đã là một kẻ phạm nhân, mà cũng cứ tự do mơn trớn tình nhân, không coi mặt cụ Bá vào đâu sất cả!
Chẳng thèm nghĩ đến "cặp uyên ương" cụ Bá bèn lấy gậy vụt cho cả đôi một cách phàm phũ. Giận đến cực điểm, lại đau đớn về nỗi mắc lừa cái tướng ngũ đoản, cụ quả quyết chỏ tay lên vầng giăng mà thề độc: hễ có khách là trị tội, bắt Vện phải chịu... giềng hình!
*
* *
Khách lại là chúng tôi.
Muốn an ủi cụ Bá, chúng tôi phải nói chế đi rằng:
- Chó ngũ đoản chẳng hiểu có lợi gì cho người nuôi không, nhưng mà chén thì kể cũng đường được.
Trong lúc giốc bầu say tỉnh, chúng tôi chợt nhớ đến lúc con chó Khoang sang xem cuộc hành hình người yêu của nó. Ôi, thật là một sự chung tình đáng làm gương cho giai nhân tài tử ở đời soi chung!
Thấy con Vện bị trói chặt bốn chân, tiết ở cổ ứa ra như suối, con Khoang vẫn cứ chạy quanh cái chỗ gớm ghiếc ấy để liếm vào mình mẩy con Vện ra ý thương xót. Còn Vện thì nước mắt ràn rụa, khóc như một người thật. Nếu biết nói như người, hẳn nó đã nói: "Em ơi, anh chết vì em đấy! Thôi cũng là dịp cho anh tỏ dạ hy sinh tính mệnh để phụng sự ái tình!".
Nhưng những tư tưởng tốt đẹp ấy chỉ được phô diễn bằng mấy tiếng:
- ẳng ẳng ẳng ẳng!
Đông Dương tạp chí,
số 20; ngày 25.9.1937
Một đồng bạc
Tặng Vũ Mỹ Lương
Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ cầu cứu nhau.
Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng", để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân mật hơn ông láng giềng thuở trước. Vì những lẽ cần kính trọng nhau, để dễ cần dùng lẫn nhau, cần lấy lòng nhau vào nhiều dịp, nhất là không thể giấu giếm, đậy điệm những cái xấu đi, cho nên những gia đình kim thời phải ở thuê chung nhau một nhà, đối với nhau quả là thân thiết hơn cả họ hàng nữa.
Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.
*
* *
Kể từ khi ấy đến nay, tính ra đã bốn năm tròn. Nghĩa là sau khi sống chung đụng nhau một thời gian khá dài, hai gia đình chúng tôi mỗi bên dọn nhà đi một phương, đã bốn năm nay cách biệt hẳn nhau. ở cái thời buổi mà ai cũng sống hấp tấp, vội vàng này, những điều thiêng liêng đáng ghi nhớ thế nào đi nữa, thì rồi người ta cũng dễ quên khuấy ngay đi... Có phải thế không? Cho nên bốn năm trời xa nhau, tôi chẳng còn nhớ gì đến người ta nữa, mặc lòng xưa kia tôi đã cư xử và được đáp lại như anh em ruột thịt, tưởng chừng cái thân tình quý hóa ấy sẽ sống trường cửu trong ký ức của đôi bên mãi mãi.
Còn về phần người ta, liệu người ta có nhớ gì đến chúng tôi chăng? Có lắm. Bởi cớ nếu không, ắt đã chẳng có câu chuyện này...
Chỉ phiền một nỗi là khi người ta làm cái việc để tỏ rằng còn nhớ đến chúng tôi, thì người ta đã túng bấn, nghèo khổ, chẳng còn được như trước nữa. Vả lại, theo thường lệ, sở dĩ loài người ăn ở tử tế được với nhau, ấy chỉ là vì chưa làm gì đến nỗi để cho quyền lợi xung đột nhau mà thôi. Nếu cả hai bên ai cũng theo đuổi được cái điều kiện nay ăn miếng chả mai trả miếng bùi, một bên có đi thì bên kia cũng phải có lại để cho được toại lòng nhau, thì làm gì xã hội lại sẽ chẳng cứ mãi mãi là cảnh Bồng lai? Than ôi, cái áo rách nó mới đắc tội làm sao, và khi người ta tìm đến chúng tôi, thì chẳng may cái áo người ta đã rách!
Những tư tưởng ái nhân như kỷ cũng đôi khi làm rung động lòng tôi, lúc ấy nó mới biến mất đi đâu, để nhường chỗ lại cho cái tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỷ tổ truyền!... Vì chưng nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình, sự ấy nó cũng tự nhiên và có nhiều thú vị riêng của nó, thí dụ nói xấu và vu oan là một cách giồng cây đức của nhiều nhà làm báo chân chính chẳng hạn, cho nên khi người ta mặc áo rách và mang trên mặt tất cả những nét lo âu của sự túng bấn thì tôi chỉ còn kịp so vai một cái để lẩm bẩm rằng: "Lại tống tiền là cùng đây chứ gì!" y như một tay nhà giàu đã thấy phiền và chán nản ở cái sự cứ phải bỏ tiền ra thi ân...
Nhưng, bạn đọc đại lượng ơi, hãy khoan một chút, để tôi được thuật ra đây ít ra một vài điều gì nó tỏ cái thân tình của chúng tôi ngày trước đã.
*
* *
Người chồng là một thiếu niên đồng tuế với tôi. Địa vị trong xã hội thì thường thường bực trung, vì là một thư ký nhà buôn lương tháng độ bốn chục. Lối đánh giá con người vào thời buổi bây giờ chỉ là lục lọi đến số tiền lương tháng nhiều hay ít, chứ có phải kể đến học thức, nhân phẩm gì đâu! Nhưng nếu phải giới thiệu ông láng giềng của tôi kỹ hơn nữa, thì tôi xin nói đó là một người học thức trung lưu, đạo đức trung lưu, tài sản trung lưu; nghĩa là, nói tóm lại, là một người chẳng đủ làm cho ai sợ nhưng cũng chẳng để cho ai khinh được.
Còn người vợ, thì rất xứng đôi với chồng: nhan sắc bình thường, nhân phẩm trung đẳng, còn học thức thì, theo như công lệ, cố nhiên là không có chút nào rồi.
Cặp vợ chồng ấy rất tương đắc với vợ chồng chúng tôi. Tình lân lý của đôi bên cứ theo thời gian mà càng ngày càng thêm bền chặt bằng cách biếu xén nhau mọi của ngon vật lạ, mời mọc, thết đãi nhau luôn luôn, và cả hai bên đều lấy thế làm thỏa mãn, dẫu rằng sau khi tôi thấy vợ tôi được nhận một thứ thực phẩm đầu mùa hoặc hóa vật kỷ niệm gì, thì tôi lại giật mình đánh thót một cái, băn khoăn kiếm cách đền lại. Và khi được trả lại, tôi cũng chỉ thấy họ tươi cười cảm ơn mà nhận, ra vẻ sung sướng một cách rất thành thực, thế thôi. Thật vậy, những trò giả dối ấy, chúng tôi vui lòng tự mình lừa dối mình để coi nó là những hành vi chân thật. Không bao giờ chúng tôi lại chịu thú nhận rằng thế là đã làm khổ nhau, và chỉ có thể tử tế được bằng cách cứ làm khổ nhau mãi mãi mà thôi. Điều chẳng cần nói ra đây, là sau những cử chỉ rất anh hùng ấy, thì cả hai bên đều mắc nợ, vì lương tháng hai bên cố nhiên không đánh thăng bằng được cột thu và cột chi.
Do những lẽ ấy, trước còn xưng hô nhau: thưa ông, thưa bà. Rồi, sau một thời kỳ "bác bác tôi tôi" đến cách gọi nhau là anh chị, như ruột thịt chân tay. Cuối cùng, hai thằng nam nhi chúng tôi lại thân mật đến "mày tao" với nhau nữa, những khi không có mặt hai người đàn bà. Ký Bích - tên người bạn - với tôi tưởng chừng đã có thể từ đó sẽ sống chết có nhau.
Tôi còn nhớ rõ như mới hôm qua, một lần phát tài, vợ chồng ký Bích mời vợ chồng chúng tôi đi lễ chùa Hương mà anh thì có bộ Âu phục màu gỗ hồng rất đúng mốt, mà chị thì nhờ cái áo nhung đỏ mới may, tự nhiên xinh đẹp khác thường như là đột nhiên biến thành cô tiên, tuy đó có thể chỉ là một tiên nga trung lưu. Chúng tôi đã đủ sung sướng, hả hê vì thấy được quý hoá, để hai tháng sau phải lo méo mặt thết lại bạn thân ba ngày nghỉ mát Sầm Sơn rồi mới ăn ngon, ngủ yên được.
Nhưng mà... cảm động và đáng nhớ hơn nữa, là thái độ của anh và chị Bích đối với con tôi, đứa con gái đầu lòng. Chị Bích thường chểnh mảng cả việc bếp nước để lên giúp vợ tôi, hoặc kiên tâm ngồi ẵm con tôi như một người vú em có lương. Khi con tôi đến lúc biết hóng chuyện, những khi đi làm việc, anh Bích đã nhiều phen để nguội cả cơm canh vì mải lên "yêu cháu một lát". Bao giờ tôi lại quên được những lời thông thường rất thi vị mà anh "nói ngọng" sau khi quệt ngón tay trỏ vào má con bé, đại khái những:
- Cháu gái tôi, ồ là, tôi "êu" nó lắm cơ! à, cháu tôi cười rồi! Bác "êu" cái má bánh "đúng" này này! Bác "êu" cái miệng bé bé này này! Bác "êu" cái cằm quả táo này này! Bé ơi, bé êu êu quí quí của bác ơi!... A hà cười! Thích quá, thích quá!
Rồi anh ký Bích hôn hít con bé mãi không thôi, làm nó cứ cười toe toét, và làm cho tôi cảm thấy cả cái hạnh phúc của một thằng đã là "bố trẻ con" mà con gái lại trông hay hay, mẫm mụi, nghĩa là tóm lại theo một câu nói riêng thì là "trông cứ như con chó Cún".
Những lúc như thế, tôi đã rõ rằng tình bằng hữu, tình lân lý của con người ở đời, dẫu sao, cũng chẳng phải chỉ là những danh từ điêu trá của văn chương đâu!
*
* *
Thế rồi, ngày hôm ấy...
Giữa lúc tôi đương đứng cạo râu trước gương, sắp sửa để đến chỗ hẹn với một người bạn ở tỉnh xa về chơi mà tôi có bổn phận tiếp đãi thật long trọng, thì chị Bích bước vào nhà. Vợ tôi lúc ấy lại đi đâu vắng...
Chị Bích làm cho tôi giật mình... Thật là bất ngờ quá đỗi! Cái áo the nâu của chị, vừa rách lại vừa bạc, trông mới thảm hại làm sao! Đôi guốc mòn gót, quai cao su lốp ôtô lộn ngược mà chị kéo lê sền sệt, cả gót chân thừa ra ngoài, trông mới khổ sở làm sao! Thật là khác hẳn bà ký Bích ngày xưa, bao giờ ra phố cũng áo lụa hoặc áo nhung rất lịch sự.
Tôi ngạc nhiên đến nỗi cứ ngẩn mặt ra, quên cả cạo râu, quên cả mời khách ngồi. Tưởng bị tôi khinh, chị ta sau khi hỏi rằng vợ tôi có nhà không, cũng đứng đấy, mặt cúi xuống để lúng túng, để bẽn lẽn và có lẽ để khổ sở nữa. Tôi bèn đẩy ghế mời chị ta ngồi, và không gọi pha nước mới, tôi chỉ rót ra đấy một chén nước chè cũ pha đã hai lần. Tôi bực mình cũng như bao nhiêu người đương lúc vội ra đi mà bị có khách đến ám. Rồi tôi cứ tự do cạo râu trước gương, sau khi hỏi qua loa một câu vô duyên:
- Thế nào, dạo này hai bác có phát tài không?
Thấy chị Bích hổ thẹn đáp cũng vô lý như câu hỏi:
- Không dám ạ, cảm ơn bác.
Đến lúc ấy tôi mới nhớ ra không biết ai đã nói với tôi rằng vợ chồng ký Bích, từ khi không còn ở chung với tôi, đã lâm vào cảnh khổ sở, và đã có hai con... Chồng thì đương làm ăn yên lành bỗng bị sở loại, vợ thì cứ ốm luôn, hai đứa con cũng lại hay sài... Nghe đồn hình như bây giờ cái gia đình ấy đem nhau ra nheo nhóc ở một gian nhà lá ngoài bãi Phúc Xá, và anh ký Bích bây giờ phải bán bánh tây cà phê ban đêm, và chỉ ban đêm thôi: Anh hổ thẹn, sợ cắp thúng và xách lò đi ban ngày gặp bạn hữu, họ mạc... Phải, phải chính thế, tôi nhớ ra rồi! Người đã thuật chuyện ấy là bạn của cả Bích, lẫn tôi. Và nói thế là để thương hại chứ không phải để nói xấu...
Nhớ lại như thế, tôi bỗng lại giật mình. Tôi tự nhủ: "Liệu hồn! Lại bị tống tiền rồi đây!" Rồi tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi quá, nhất là không biết đến bao giờ mới để tôi ra đi cho thoát.
Khổ thật! Râu cạo mãi cố nhiên cũng phải đến lúc hết nhẵn, tôi đành cất dao đi, và quay lại, ngồi xuống ghế đối diện chị ta. Và chẳng nhẽ lại không nói gì, tôi đành mở mồm:
- Mời bác xơi tạm chén nước.
- Dạ, vâng.
Đáp xong, chị Bích uống chén nước một hơi, y như một người đương đói lắm. Chẳng phải là một kẻ vô lương tâm hoàn toàn, tôi bỗng thấy hổ thẹn về cái lãnh đạm của tôi. Và thay đổi thái độ:
- Thế ít lâu nay hai bác làm ăn ra sao? Tôi chẳng biết nhà đâu mà đến chơi! Mà hai bác cũng không năng đến chơi với chúng tôi, thì tôi còn biết gì được!
Mắt chị ta bỗng quắc lên vì sung sướng và hy vọng. Than ôi, con người ta khi đã lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn! Cái hạnh phúc của chị ta, lúc ấy nó có được chỉ vì thấy tôi nói một câu giả dối ra vẻ săn sóc, là chẳng kém một cung phi đã già đời nằm dài trong lãnh cung mà một hôm được thấy cái xe dê của vị quân vương. Đối với chị ta, lúc ấy tôi là một vị thiên phúc chi tinh vậy! Bây giờ chị mới đủ can đảm ngập ngừng kể lể:
- Thưa bác, một hôm em gặp bác gái ở Đồng Xuân, nói rõ phố và số nhà rồi hẹn lại chơi, cho nên hôm nay em mới dám đến đây... Thưa bác, từ dạo ấy thì nhà em mất việc vì sở loại bớt người... Từ đấy tìm mãi việc làm không được. Em thì cứ hay ốm yếu luôn, lại đẻ được hai cháu, mà hai cháu cũng cứ sài đẹn luôn luôn... Hiện giờ thì túng kiết khổ sở lắm. Xưa kia, ở chung với bác, được trăm phần thì nay không được lấy một phần... Chẳng dám nhìn mặt ai nữa, chẳng dám tìm đến ai nữa. Nếu bác gái không bảo lại đây thì em cũng không dám đường đột lại đây thế này đâu. .. Dạ bẩm thế bao giờ bác gái mới về ạ?
Tôi đáp cho phải phép:
- Đến chiều nhà tôi mới về... Chết nỗi, thế mà tôi không biết rằng hai bác vận hạn nhiều thế.
Chị Bích giương to đôi mắt đăm đăm nhìn mãi tôi. Có lẽ đương cầu Trời cho tôi bảo cứ ngồi đấy mà đợi vợ tôi vì thấy tôi thắng bộ vào như thế, chị rất hiểu là tôi sắp ra đi có việc.
Còn tôi, lúc ấy, thì tôi nghĩ gì?
Tôi có nhớ đến cái tình chung chạ nặng hơn hàng xóm láng giềng của chúng tôi khi xưa không? ừ, cái thân tình gần như ruột thịt những ngày vui cũ, tôi có còn nghĩ gì đến hay không?
Tuy cũng có đấy, nhưng nhớ để rồi quên ngay. Vì tôi còn bận tâm lo bạn tôi đương vì đợi tôi mà sốt ruột, bận tâm giận vợ tôi sao lại hẹn nguy hiểm thế, và nhất là bận tâm vì áy náy không biết khu xử ra sao... Tiền! Than ôi, lại chỉ những chuyện tiền!
Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chịu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào.
Nhưng mà vợ tôi đã gọi người ấy đến; rõ mới tội nợ!
Thì... không mất tiền không xong! Tôi đành hỏi ngay:
- Bác cần tiêu bao nhiêu?
Cố nhiên là chị Bích nghĩ mãi mới đáp:
- Nếu được bác giúp cho độ ba đồng bạc thì cháu bé cũng sống mà vợ chồng tôi cũng đỡ phải lo trong một tháng.
Lúc ấy, túi tôi có thừa năm đồng. Nhưng mà, như trên đã nói, tôi còn phải thết đãi người bạn. Ngay bây giờ, chúng tôi rất cần đi ăn, đi chơi! Nếu không, tôi sẽ chẳng ra giống người, vì ông bạn tỉnh xa của tôi đã đối với tôi chu đáo, ân cần lắm! Thế rồi đáng lẽ đưa ra cho chị Bích vay hai đồng thì, không hiểu sao tôi chỉ đưa ra có một đồng. Và tôi bỗng nói khác hẳn như đã muốn:
- Thôi đây này, có đồng bạc cho cháu ăn quà, bác cầm lấy... Chúng tôi tuy vậy dạo này cũng túng, chẳng có gì đâu... Đây là tôi cho cháu nhé, chứ không phải chuyện nợ nần gì cả.
Tôi đã dùng cái lối rất cổ điển: cho hẳn, để mà "rào đường". Vì tôi sợ nhất cái chuyện sẽ bị quấy nhiễu về sau! Vì cho thì một đồng đã là to: còn cho vay thì lại là ít quá, không được tử tế như cho hẳn.
Chị Bích cầm tiền, cảm ơn, bẽn lẽn ra về.
Chị hài lòng chưa? Đủ sướng rồi hay còn cho là ít? Tôi cũng không biết.
Chỉ biết hôm ấy, tôi đã tự đắc như một nhà từ thiện, vì lẽ cố nhiên tôi coi đồng bạc ấy của tôi là rất to!
Quả như vậy, từ đấy trở đi, không bao giờ chị Bích còn dám bén mảng đến cửa nhà tôi nữa. Tôi đã rất thành công trong cái sự rào đường một người bạn nghèo. Rồi thì, chẳng cần phải lâu ngày, chuyện ấy cũng chóng bị quên đi... Nhưng về phần chị Bích thì không. Chưa có nghìn vàng dễ thường không bao giờ chị ta dám nghĩ đến sự đền ơn bát cơm Siếu mẫu, dẫu rằng người thi ơn kia, quả thật đã chẳng có cái từ tâm của Siếu mẫu.
Vài tháng sau đó...
Bữa ấy nhằm một buổi sáng chủ nhật, tôi cùng mấy người bạn đã lên một toa xe điện chạy từ Bạch Mai về Bờ Hồ. Khi đến chợ Hôm, chợt thấy chị Bích ẵm con, bước lên. Đêm trước chúng tôi vừa mới thực hành cái truỵ lạc chủ nghĩa. Vừa đem thi thố mấy ngón tài hoa, như nốc rượu, hút thuốc phiện, đùa gái, văng tục, và nói xấu những người bạn thân vô phúc đêm ấy không có mặt tại một tổ quỷ nào đó ở xóm Vạn Thái, cho nên sáng hôm nay, mặt chúng tôi đều bơ phờ, hốc hác, thiên hạ cứ thoáng nhìn cũng đủ rõ là bọn này đã từ cái chốn ác hại nào mà chui ra... Lại thêm lúc chi tiền, chúng tôi đã bị một ả đào lè nhè xin thêm mãi, cho nên lúc ấy tôi đương bực mình cực điểm, thấy rằng cuộc đời đã bị đầu độc, mà chưa biết bao giờ mới có một cuộc vui nào khác nữa đến tẩy độc cho... Âu cũng là nhằm ngày đen đủi của chị Bích vậy.
Trông thấy chị lên xe, tôi lại giật mình, nhưng không thể lánh mặt được, tôi đành ngả mũ chào chị, và cố nhiên cái vẻ mặt lúc ấy là phải lãnh đạm. Cái áo the nâu của chị lại rách hơn trước một chút nữa. Và bây giờ thì chân chị - hai bàn chân xưa kia xinh và trắng - xéo lấm, vì chắc đôi guốc đã không còn dùng được rồi. Còn đứa con chị ẵm trong tay thì xanh xao, gầy quá, đầu thì lấm tấm có mụn trốc, cặp môi thì đã thâm như của một dân bẹp tai! Lúc chị Bích sắp nâng một bên vạt áo lên để giới thiệu con, tôi bỗng có cái cảm tưởng lạ lùng y như người ta lúc sắp được thấy, trong cuốn sách phóng sự, bao nhiêu điều xấu xa bí mật sắp bị phơi ra dưới ánh sáng vậy. Thật thế, không gì thất vọng bằng một cái mặt trẻ con mà lại không đủ cái hay, cái kháu, để mời chào ta một cái hôn... Tuy vậy, tôi cũng nhớ ngay đến thời xưa, khi con gái tôi mới đẻ, nó đã được chị Bích quý hóa như thế nào. Và tôi đã hỏi mấy câu qua loa về đứa bé, để rồi ngắt chuyện, xin diêm thuốc các bạn hữu cùng ngồi quanh đấy, ý muốn cho chị Bích mau lấy áo đậy con lại.
Xe điện chạy chậm quá thật! Mười cây số mỗi giờ, giữa một tỉnh to như Hà Thành! Thật là một cái hổ thẹn của văn minh! Vì rằng, than ôi! Tuy tôi đã im lặng lờ hẳn đi, nhưng chị Bích đã bắt đầu kể lể!... Chị nói rõ về cảnh nheo nhóc, mọi điều tai biến, mọi sự đói khát, đau khổ, mà cái số phận ác hại đã hành hạ gia đình nhà chị từ bấy đến nay... Tôi thở dài. Tuy chị không kết luận bằng cách xin giúp đỡ, nhưng tôi cũng đủ thông minh để hiểu lắm.
Lúc bấy giờ thì tôi phẫn uất đến cực điểm. Tôi cho tôi như một con giun, ai xéo lắm ắt tôi cũng biết quằn! Đi hát, lúc chi tiền bị kè nhè là đồ keo, lúc về giữa đường lại bị có kẻ muốn tống tiền, tôi tưởng như vậy thì từ tâm đến bằng Đức Phật Tổ cũng phải cáu, dẫu rằng Phật Tổ không đời nào đi hát... Đáng lẽ có thể bảo chị Bích là không biết điều, ở chỗ "cứ thấy bở thì đào" như một kẻ bất nhã nào khác, tôi chỉ muốn nhắc cho chị đừng quên cái đồng bạc trước của tôi. Chẳng nghĩ xa xôi, tôi hỏi thẳng:
- Từ lần ấy, bác có gặp nhà tôi nữa không?
Vô tình chị đáp ngay:
- Dạ, có gặp một lần ạ.
- Bác không nói gì cho nhà tôi biết về cái đồng bạc tôi giúp bác đấy chứ?
Chị Bích ngơ ngác nhìn tôi mãi như ngạc nhiên vì sợ tôi lại nỡ ngờ cái lòng thực thà hoặc biết nhận ơn của chị. Rồi chị tức khắc đáp:
- Dạ, có đấy ạ. Tôi có nói ngay rằng đã được bác cho vay một đồng.
Tôi sung sướng lắm, và cau mặt hỏi nữa:
- Bác đã nói là tôi cho vay à?
Chị Bích liền gật đầu:
- Bẩm vâng.
Tôi tắc lưỡi, cau mặt hơn nữa, khẽ nói tha thiết:
- Rõ khổ quá! Thì sao bác lại không nói là tôi cho hẳn cháu? Mà tốt hơn nữa thì bác đừng nói gì, có hay không! Chẳng nói bác ắt cũng thừa biết đấy, bụng dạ đàn bà nhỏ nhen như cái lỗ kim... Thế là rồi nhà tôi nó sẽ không bao giờ quên là bác đã nợ nó cái đồng bạc ấy.
Tôi kết luận bằng cái so vai, và một cái thở rất dài.
Từ đấy, chị Bích có một nét mặt ủ rũ đặc biệt nó khiến chị ta không ngồi thẳng lên được nữa, như một con chim bị đạn. ắt đó là chị hối hận, tiếc rẻ cái lòng nhân đức ghê gớm của tôi, và phân vân lo sợ về cái "bụng dạ lỗ kim" của vợ tôi.
Đến chợ Đồng Xuân, chị ẵm con bước xuống. Trong cả thời gian ngồi cạnh nách tôi, chị ta tịnh không dám bén mảng đả động đến chuyện tiền.
*
* *
Cách đấy sáu tháng nữa, quả vậy, đúng sáu tháng.
Nhằm lúc cuối năm, vợ chồng tôi đi lên chợ Đồng Xuân mua vài giò thuỷ tiên... Đương lúi húi mặc cả trước một bàn hoa, tình cờ lúc nghển lên, chúng tôi trông thấy chị Bích đương đi từ cổng chợ ra, cách chỗ chúng tôi đứng độ mươi thước. Tức thì vợ tôi vui vẻ gọi:
- Bác Bích! Bác Bích ơi!... Bích!
Một tay bế con, một tay cắp cái rổ trong đó có vài cây dưa cải và một cái mũ thổ công đáng giá hai xu, tuy chỉ có thế thôi, chị Bích cũng quay lại một cách rất khó khăn, chỉ vì buổi chợ quá đông người. Đến khi nhìn thấy rõ chúng tôi rồi, thì...
Thì chị Bích lại vờ như không nhìn thấy nữa, ôm con và ôm rổ cúi đầu quay đi thẳng, trước còn bước chậm, sau thoăn thoắt rõ nhanh, và sau cùng, thì chạy hẳn!
Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy! Chị Bích lẩn mặt, chạy trốn, sợ bị đòi tiền.
Một đồng bạc! Chỉ vì nó, mà một người đã có cái can đảm chạy trốn một người, sau khi cả hai người, vào lúc còn như nhau, đã sống bao nhiêu năm trời chung đụng với nhau, rau cháo có nhau, yến tiệc có nhau, thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân!
*
* *
Bạn đọc ơi, viết đến dòng này, tôi lại thấy cả tấm lòng khốn khổ và khốn nạn của tôi nôn nao lên... Chính thế đó, vì trước bàn giấy của tôi có một cái gương Psyché, và khi tôi chợt ngưng bút để nhìn cái hình thù và cái người ngợm của tôi trong gương, thì tôi buồn nôn, thì tôi ghê tởm cả cho chính tôi, vì rằng, trừ một bọn nịnh sằng vẫn gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì, trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là "một người tử tế".
Tôi hối hận lắm, tôi khổ sở lắm, vì rằng từ đấy, không bao giờ chúng tôi còn dịp nào gặp vợ chồng Bích đâu nữa, và nhất là vì giữa cái hôm chị ta chạy trốn vợ chồng chúng tôi ấy, thì lại nhằm vào một bữa hãn hữu mà vợ tôi đã nói: "Rõ tội nghiệp chị Bích quá nhỉ? Cậu ạ, em chỉ định tâm hễ gặp chị ấy thì thế nào cũng giúp thêm chị ấy vài đồng, nhất là vào dịp Tết này".
Nhưng mà từ bấy đến nay, thời gian đã đem đến cho lòng người cái gì là cái quên. Sự gì thì rồi ta cũng có ngày quên đi, cho dẫu là ái ân, cho dẫu là đau thương, cho dẫu là hối hận.
Bởi cái cớ ấy, cho nên tuy lương tâm tôi đã mang nặng một vết thương tình cảm để đôi khi bứt rứt hàng giờ, mà từ đó, tôi cũng chẳng làm nổi một việc thiện nào thiện hơn cái việc ác này, tuy rằng nếu cố gắng tinh thần thêm chút nữa, tôi chẳng thiếu gì những dịp để thực hiện rất nhiều cái đức ái nhân như kỷ mà tôi có thể có được, hơn ai...
Vì sao? Vì khi ta có tiền thì ta chẳng nghĩ đến cái nhân, và khi phải nghĩ đến cái nhân, thì ta lại chẳng có tiền. Cho nên sự đời chung qui chỉ là những vòng chạy trong đèn cù, luẩn quẩn, loanh quanh, vì ta không thể nào khác được, nếu không cứ việc sống thản nhiên để mà tầm thường và khốn nạn.
Tạp chí Tao Đàn,
số 2, ngày 16.3.1939
Người có quyền
Đứng ngắm trước gương, anh ta cài khuy cổ áo, vuốt lại hai tà áo nhăn nheo, đội lại cái khăn lượt cũ cho chữ nhân đúng ở giữa trán. Anh ta nhìn vào gương một lần nữa, thấy mình "không ai chê vào đâu được", bèn ung dung ra đi. Chợt nhìn xuống đôi mũi giày Gia Định anh lại hấp tấp quay vào gầm giường cúi tìm đến rỏ mồ hôi tai mới thấy cái bít tất cũ. Anh lau mũi giầy, vui mừng rằng đã không quên một việc có thể rất có hại cho danh dự của anh. Chứ gì! Anh mà lại đi đôi giầy bụi bậm ra phố thì thiên hạ cười chết!
Qua gian nhà cầu, thấy bà mẹ đương ngồi cân tơ, lưng quay vào tường, anh rón rén gót chân như một tên trộm. Anh thở dài sung sướng vì mẹ không biết, không gọi lại hỏi, không căn vặn, để mà, sau cùng, đay nghiến là anh lêu lổng, là ăn hại, và bắt quay trở lại, bỏ khăn, áo ra.
Ra đến cửa hàng, cô Loan, em gái anh, lúc ấy đương có mấy cô bạn, trông thấy anh thì thảy đều ngồi im một cách kính cẩn. Các cô đương bàn chuyện mặc "soóc" để chiều chiều, lên diện ở Hồ Tây... Thấy em gái đương chuyện như pháo ran mà trông thấy mình lại vội im bặt, anh ta vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, không hiểu tại sao bỗng dưng cô em lại sợ mình đến như thế.
Ngoài phố, đèn đã sáng. Một ít giai gái đã bắt đầu đi nghễu nghện hai bên hè, tìm những cái thú ăn chơi của ban đêm. Anh tránh cái hè đông người, bước sang hè bên kia. Anh đi đến phố Cửa Đông, Đường Thành...
+
+ +
Nhưng mà đến chợ Hàng Da, đương đi thẳng, anh bỗng dừng chậm đà chân, rồi tiến thẳng về phía Ngõ Trạm. Anh ta tự hỏi: "Ta có nên đến đấy ngay bây giờ không? Ta lại hai bàn tay không như thế này mà đến chỗ ấy ư?" Thế rồi anh liên miên nghĩ đến bà mẹ ác nghiệt, người anh cả hiện đã là một ông phán, "vinh thân phì gia", thằng em giai hiện đã đỗ tú tài mà chỉ giỏi hát lối Tino Rossi và đi đêm với bọn vũ nữ, cô em gái út rất tân thời, được bà mẹ nuông hết sức mà mãi chẳng "thấy ma nào nó rước"... Bỗng đâu anh oán giận tất cả ngần ấy người... Hôm nay, anh đã là cha một đứa trẻ con! Vợ anh đã đẻ được một đứa con giai kháu khỉnh vậy mà anh phải hai bàn tay không đến nhà hộ sinh! Mà gia đình anh tịnh không ai biết!
Nghĩ đến đấy, anh đứng dừng hẳn lại, rất ngạc nhiên để tự hỏi mình như một người qua đường: "Thế có tức không? " Vì lẽ không ai đáp, anh lại cắm đầu cắm cổ đi, đi mãi, cũng chẳng biết có nên tức hay là không nên tức.
Vợ anh? - à, mà cái đó đã cố nhiên, thế là nó đã là vợ tôi, đứa bé kia là đứa con tôi, thưa các ngài! Đó là một người đàn bà góa chồng rất trẻ, cũng vui vẻ, nhí nhảnh như số đông những người góa chồng khác, mà anh đã gặp trong một cuộc chắn cạ, mà anh đã chim... Đã chim...? Bẩm chính như thế đấy ạ! Nói thế chắc hẳn chẳng ai tin đâu, nhưng mà sự thực ấy là thế. Người xưa nói "Tâm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi" - Phải biết! Hạnh phúc là một thứ quà của sự tình cờ nó thường cũng có khi rơi vào giữa mồm cái thằng đại lãn nằm dưới gốc sung, hay là nó thường rơi vào tay những quân ngu dại. Người xưa cũng đã nói cả rằng: "Ngu phúc xuẩn thọ". Nhưng mà chính anh ta thì, thật tình, anh chẳng biết mình là một người ngu.
Thấy anh mà cũng có nhân tình, có một người hỏi nửa thật nửa bỡn:
- Ô kìa, ông hai! Làm thế nào mà khéo thế, gớm! Cái món ấy kháu đấy nhỉ? Thế đã nước gì chưa?
Đối với một người vô nghề nghiệp thì có một cô nhân tình cũng như là có một chức nghiệp. Anh ta vui vẻ đáp lia lịa:
- Chứ ông tưởng! Cái món ấy nó yêu tôi thì còn oan cái nỗi gì!
Thật vậy. Là vì anh không hiểu rõ cái giá trị của anh. Chỉ biết rằng có một bà mẹ là một cụ cử hẳn hoi, có một ông anh phán sự ngoại ngạch, có một cậu em tú tài, có một cô em gái hết sức "a la mốt" thì là danh giá chán, anh ta chưa hiểu rằng tuy vậy, anh cũng chẳng là "cái quái" gì cả. Nhưng mà thiên hạ lại chẳng ai nhìn anh bằng cái thứ mắt mà anh nhìn anh. Người ta chỉ trông thấy anh là một kẻ "thằng không ra thằng, ông không ra ông", văn dốt, vũ dát, hai mươi bảy tuổi đầu còn ăn bám vào mẹ, cả ngày đi tìm những gia đình nhàn cư vi bất thiện để gạ đánh cờ không ăn tiền hay là chầu rìa tổ tôm. Mà, rõ khổ! Đã thế, thỉnh thoảng lại còn đi nhầm giầy nữa! Trong phố, người hiền lành nhất đời cũng bình phẩm anh là: "Rõ cái anh chàng đến vô vị!". Còn người độc ác thì lại kêu: "Cái thằng ấy có chó lấy!". Cả đến chính bà mẹ của anh nữa cũng không bao giờ nghĩ một cách thận trọng đến việc lấy vợ cho anh. Bà chỉ ngong ngóng xem người nào ế chồng, nhiều tuổi hơn anh hoặc là đã góa chồng rồi, thì mới dám mong không bị từ chối.
+
+ +
Bởi thế cho nên anh... đi chim! Bởi thế, anh phải có nhân tình! Mà có rồi ạ, rồi ạ!
Anh tự nhủ:
- Mẹ ta không muốn cưới vợ cho ta chỉ vì không muốn mất ba trăm bạc. Thì ta sẽ lấy vợ không mất một xu nào! Cho mà xem!
Anh lấy vợ thật: người đàn bà ấy ăn ở với anh non vợ chồng mà già nhân ngãi... Tại sao người ấy lại yêu anh ta nhỉ? Rõ khổ lắm, thì còn ai hiểu được lòng người, nhất lại là lòng người đàn bà. Trong một buổi chắn cạ có sự thân mật, có sự kề đùi kề vế, anh ta vô tình mà cảm được một người đàn bà góa chồng có trong lòng bao nhiêu giây đàn mà đã từ lâu không có tay tiên nào gảy đến. Tức khắc, người ấy yêu anh. Một lần, hai lần, những tưởng giải trí qua loa thôi, không ngờ cái tình bắt đầu phai thì cái nghĩa nó cũng sắp sửa thấm. Nói cho cùng, người đàn bà ấy trót nhỡ mà yêu anh. ấy sự đời là thế: có thứ đàn bà lấy chồng hoặc theo giai y như người ta trót nhỡ đánh vỡ mất một cái chén vậy.
Về phần anh thì anh chẳng tốn kém một đồng xu. Vợ anh tuy cô độc, tuy nghèo, song cũng có một nghề độ thân. Vợ anh bán guốc trên chợ, thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Hàng Hành. Sớm đi tối về, cơm đèn hai bữa. Trong những lúc ái ân, anh đã hứa:
- Mình cứ an tâm. Rồi tiện dịp, tôi nói với bà lão nhà tôi thì mình cũng được về nhà tử tế. Rồi chúng ta xin bà lão trăm bạc làm cái vốn riêng.
Người đàn bà kia gật đầu. Tuy anh chẳng có nghề gì, nhưng cũng "con nhà danh giá". Em ông phán, anh cậu tú, con cụ cử. Bẩm phải ạ, vậy các bà cứ thử nghĩ xem!
Ngót một năm trời, anh đủ sống sung sướng. Tuy ban ngày chỉ đi gạ đánh cờ không tiền hay chầu rìa ván tài bàn, nhưng mà, tối đến, từ 9 giờ đến 11 giờ thì anh lại căn phòng nhỏ với người yêu. Xong cuộc anh về nhà trình diện mẹ, bị đánh chửi là đêm nào cũng đi, như một người con chí hiếu ở thế kỷ hai mươi vậy. Chỉ có một lần là anh phải ngờ vực cái người chung tình có một của anh. Mười giờ đêm hôm ấy, sau khi ốm liệt giường liệt chiếu mất một tuần lễ, bất thình lình anh khỏi, và đến với vợ. Thì vừa lúc anh gặp một ông to béo ăn mặc như một quan hàn, từ buồng vợ đi ra, dáng điệu mỏi mệt, lừ đừ. Anh đã nghi, nói xa xôi, bóng gió, hỏi thật, thì vợ anh thét lên: "Cậu người ta đấy, khỉ ạ!" từ đấy anh không gặp mặt cậu vợ ở nhà vợ nữa, và được yên tâm.
Mãi đến bây giờ, vợ anh đến nhà đẻ, nằm phòng ba chục một tháng.
+
+ +
Anh ta lại từ Ngõ Trạm quay về phố Cửa Đông. Vì anh ta đã nghĩ: "Tuy bây giờ ta không có xu nào trong túi, nhưng mà nay mai hẳn phải có tiền giúp được người yêu... Miễn sao cái khai sinh gửi ra tòa Đốc lý! Thế là quan Đốc lý ngài nhận thực rằng ta là chồng nó, là cha đứa bé. Mà lão có muốn phá cũng không kịp nữa: quan trên nhận thực rồi!".
Sau khi lý luận ngây thơ như thế, anh gõ cửa nhà hộ sinh. Vợ anh trông thấy anh thì sưng mặt lên, không nói gì cả, song anh cho đó là cái oẻ hoẹ, cái khó tính của gái đẻ. Người nữ khán hộ giơ đứa bé con giai ra nói:
- Con giai hẳn hoi! Giống ông như đúc?
Anh nhìn đứa bé, chẳng thấy nó giống mình mấy (vì trẻ mới đẻ đứa nào chả thế) nhưng cũng nói:
- Vâng, nó giống tôi.
Cô khán hộ lại tiếp:
- Đây này: cái tai dầy chính là tai ông, cái nhân trung dài chính là nhân trung ông!
Anh ta gật đầu:
- Cám ơn bà, bẩm chính thế đấy ạ.
Rồi ngồi im như phỗng, hưởng cái sung sướng có vợ, có con. Khi cô khán hộ ra khỏi phòng, anh mới hỏi người yêu:
- Khai sinh cho con chưa thế, hở mợ?
Người yêu của anh, đến đây, ngồi lên, rầu rĩ nói:
- Thôi, tôi cũng không thể dấu anh được nữa, vậy tôi dằn lòng phải nói... Người kia nhất định khai sinh cho nó rồi.
Anh ta lặng hẳn người đi như mó phải dây điện. Vừa thở hồng hộc vừa hỏi:
- Thế nào? Nói gì thế? Người kia là đứa nào? Đứa nào là người kia?
Người vợ chung tình chép miệng làm gọn một câu:
- Cái lão mà anh đã gặp, mà tôi đã nhận là cậu tôi, chứ còn đứa nào!
Anh ta đứng hẳn ngay lên, nắm tay lại. Những người hiền lành hay cục, những kẻ ngu vẫn quen hung hăng. Nhưng người đàn bà ấy điềm tĩnh:
- ấy thế mới phiền chứ!
- Sao mày đã thề với ông?
- Ai bảo anh đi tin thế?
- á à! Gớm nhỉ! Mày nói cái mồm mày cứ gọn thon lỏn đi thôi! Chuyện dễ nghe nhỉ? Ông lại chém cổ... mày đi bây giờ...
Anh ngưng lại để mà ngạc nhiên về cái phũ mồm của mình lần đầu trong đời, anh đã nói nặng người yêu. Nhưng người đàn bà cũng nổi nóng chẳng kém:
- Thôi đi, anh câm đi! Anh ngu lắm? ừ, thử hỏi, trong một năm nay, tôi có tệ bạc gì với anh không, anh có cho tôi được lấy một đồng xu nhỏ nào không? Cái bộ mặt anh mà lại đòi có tiền à! Này tôi bảo thật, cái buồng ba chục một tháng này, tiền lão ấy đấy, cái buồng ba chục đồng ở ngõ Hàng Hành, tiền lão ấy đấy, cơm tôi ăn cũng tiền lão ấy, con sen tôi nuôi cũng tiền lão ấy, anh nghe ra chưa?
Anh ta tái người đi vì cái "lão ấy" sao nó lắm tiền thế! Anh ngồi im lặng nửa giờ để rồi tìm ra được mấy câu này:
- Mặc kệ chứ? ừ thì như thế, nhưng mà hỏi rằng đứa bé này là con nó hay con ông?
- Anh thử nhìn xem? Anh vội tin cô đỡ thế à? ấy là người ta nhầm, người ta nịnh anh. Cái mũi này mà là cái mũi anh à? Cái mồm này mà là cái mồm anh à? Hai con mắt này mà là cái mắt anh à?
Anh ta nhìn lại đứa bé mà người đàn bà giơ ra. Anh chỉ có thể biết đó là một đứa trẻ mới đẻ thôi, chứ giống chỗ nào thì anh không sao biết nổi! Tuy nhiên anh cứ nói bướng:
- Đích thị nó là con ông! Nó giống ông như đúc!
Người đàn bà xua tay:
- Thôi không phải rườm lời! Anh muốn còn tình còn nghĩa thì anh câm đi! Chứ đến luật pháp cũng không có quyền buộc tôi có bổn phận gì với anh cả! Mà người ta nhất định đứng tên trong giấy khai sinh rồi... Vả lại, anh có chắc đấy là con anh không?
Trước một lý luận cứng như thế, anh ta ngồi im như một con cóc. Thật thế, anh không có tiền, chẳng có quyền, cũng không dám tin đứa bé chính là con anh.
Anh đâm nản.
+
+ +
Anh còn ngồi ỳ ra đấy như một người đáng ghét thì người đàn bà nhìn qua cửa sổ một cách sợ hãi, nói:
- Chết chửa kìa! Người ta đến kia rồi! Anh đi đi!
Lúc ấy, ở sân nhà hộ sinh thấy có một người béo lùn - chính người anh đã gặp - hai tay ôm lễ mễ hai đống tướng những: hộp sữa, rượu bổ, lê, táo, khăn mặt bông, bí tất mới.
Tức thì anh ta thấy sợ, sợ như sợ một người cậu bên nhà vợ. Anh đứng lên đi lối cửa sau. Ra ngoài, anh lẩm bẩm: "Được, cứ nuôi cho nhớn! Để đấy! Bao giờ ông có tiền ông mới đi kiện, bắt thử máu cho mà xem!".
Sau cùng, thấy trong túi có hai hào, anh đến một tiệm thuốc phiện để giết cái buồn cũng như số đông những kẻ khổ sở khác.
Đông Dương tạp chí,
Hà Nội, số 15; ra ngày 21.8.1937
Tết Ăn Mày
Một giờ đêm. Đứng trên bao lan một nhà, nhìn xuống con đường Khâm Thiên, ta thấy một mối cảm giác khó tả. Phố xá vắng vẻ một cách đáng buồn. Mặt đường nhựa, bị một lớp bùn cát lấp, bảo cho mọi người biết một cách hãi hùng rằng xuân sắp đến.
Khi nghĩ rằng muốn sửa soạn nghinh xuân thì người ta phải lo trăm công nghìn việc để được lòng ông chủ nợ, được lòng gia đình, được lòng tổ tiên, được lòng cả kẻ tôi tớ trong nhà nữa, thì người ta phải giật mình đánh thót một cái, và nghĩ đến cuộc hành lạc vô nghĩa ấy để tự hỏi: "Có thể như thế được chăng?". Trong những trường hợp ấy kẻ lãng mạn cũng thoáng nghĩ đến cái phận sự sống một đời ích kỷ và hiền lành của kẻ trưởng giả, và những anh tầm thường cũng trở nên thi sĩ. Cho nên người ta buồn vì ngoài phố chỉ còn mấy tiếng rao rời rạc của mụ hàng nem, buồn vì mấy cái xe tay mui buông kín mít cứ ở nguyên một chỗ để chổng đít ra đường!
Bên trong, khách làng chơi đã lộ sự mệt nhọc. Chiếu rượu vừa bế mạc xong. Bọn trẻ rủ nhau thành từng cặp một, nằm ngồi ngả nghiêng rải rác khắp gian phòng. Họ nói ái tình. Họ nói lảm nhảm. Và họ văng tục. Vì rằng họ chỉ đến đây thời mới được tự do nói nhảm và văng tục.
Còn bọn già thì nằm quanh khay đèn với mấy cô đào rượu và bà chủ. Những cụ này không văng tục, cũng không nghịch đểu. Họ là bọn hóa điên. Họ nói chuyện đứng đắn, chuyện công việc. Và than ôi! Họ lại lo cả tết nữa! Ấy là lúc ra đi, có người đã mặc cả là đi chơi cho đỡ buồn.
***
Giống người thật là một giống hay khoe. Hôm nay, một tiểu thư thấy, nhà trước cửa, cô kia mới may một bộ áo tân thời. Ba hôm sau, cô này cũng phải may một bộ áo tân thời lại tân thời hơn cả của cô kia. Cho nên thấy một quan viên ngáp và nói: "Chết chửa, bỏ mẹ thật, 25 tết rồi!" thì cô đào cũng ùa nhau nói chuyện tết. Họ cũng khoe. Họ lại khoe cả những cái "vỡ lọ cổ" nữa. Cái đó cũng không lạ gì mấy vì chưng đối với Cúc Nương, chúng tôi đã vẽ râu, đã bạt râu năm lần bảy lượt, đã có phen có anh phải để râu như râu Trương Phi, và rồi lại cạo được cho nhẵn nhụi như mặt anh Mã Giám Sinh.
Cúc Nương đã nói đến nhân tình thế thái trong những ngày tết.
Ngày tết của cô đầu
Những khi lên voi
Và những lúc xuống chó
Cúc Nương đã nhắc đến những ngày thịnh thời của nghề đàn phách, những ngày mà ả đào còn ở phố Hàng Giấy, Thái Hà ấp. Thời ấy, không phải là ai cũng đi hát được. Một chầu chay điểm một ít lê táo, vài chai sâm-banh của khách làng chơi đem đến, lại không một ai ngủ lại (điều đó can hệ lắm), khách chi cho ít nhất cũng hai chục đồng. Đi hát là một cái vinh dự, vì đi hát thì phải biết đánh trống. Thời ấy người ta đi ả đào thì thấy sung sướng như chàng đa tình đi qua một cửa hiệu tạp hóa, phải lòng mê mệt cô bán hàng mà rồi được phép vào chuyện trò thân mật với người yêu. Cô đầu giữ được nhân phẩm của mình, làng chơi cũng không dám giở những thủ đoạn gậy gạch.
***
23 tháng chạp.
Mua mấy con cá chép nhỏ làm ngựa ông Táo, tiễn ông Táo lên chầu Trời rồi, chị em cũng như những gia đình nền nếp, tấp nập đi giục thợ may, đi mắng thợ kim hoàn, đi sắm cành đào, thủy tiên. Hơn những gia đình trưởng giả, ngoài việc sắm chè, mứt, mọi thứ cao lương mỹ vị, chị em còn xuống Gô Đa ký những giấy li-ve-rông" rượu sâm-banh từng hòm. Pháo cũng nhiều, vì đốt pháo tức là đốt cho tan nát lưng khách làng chơi. Ông Thổ Công mang những chuyện ấy lên khoe với Trời và không dám tâu nộp những chuyện nhơ bẩn gì khác.
Buổi chiều mồng một, Cúc Nương đã từng thấy những chiếc xe hơi đến đỗ trước nhà mình như trước dinh một bà quan to. Có lẽ người ta đã ký văn tự 30 phân với Tây đen, song những cái ấy, chị em không phải lo hộ. Muốn có tình thì phải có tiền. Hồi đó, ái tình trên cái thị trường son phấn còn bán được bằng giá rất cao. Quan viên thi nhau diện xe hơi đến nhà. Quan viên uống nước chè, cắn vài hạt dưa. Quan viên mở rượu sâm-banh. Quan viên nói bông lơn vài câu. Rồi quan viên phong bao cho ba chục bạc, năm chục, hay gọn một "cái đỉnh" (*). Và, vì lẽ đời nó thế, con gà tức nhau tiếng gáy, quan viên mở hàng như vậy mà lại còn hối hận, còn sợ có thằng khác phong bao oai hơn mình. Hồi đó đi hát cô đào thì sẽ bán nhà. Nhưng mà không mắc bệnh hoa liễu.
Cúc Nương thở dài, chép miệng:
- Cứ tiền pháo khi xưa cũng bằng mấy cái tết bây giờ!
***
Bây giờ Cúc Nương đã đến lúc danh vọng về chiều.
Đó là nạn khủng hoảng. Đó là nạn nhân mãn. Đó là nạn ế chồng. Đó là nạn lãng mạn. Đó là cái nạn nhà đăng xing.
Khách hàng không hỏi mua giọng hát nữa. Làng chơi đã đổi hẳn thị dục. Làng chơi cần cái đẹp, cái mới, cái dễ. Cho nên đáng lẽ cùng với mấy cô em danh ca cũng xong, nay Cúc Nương phải mộ thêm một ít cô tân thời biết uống rượu, biết vấn tóc trần cho đẹp, biết đánh răng cho trắng nõn, biết ca mấy câu Trường tương tư, Văn thiên tường, biết khiêu dâm. Cô đầu "xách đèn" và không biết trò chuyện "đếch gì" cả. Và, thêm vào số ấy, lại phải có độ hai món hàng "chanh cốm" thì mới thật là đầy đủ. Cái số nhân viên trong "sở" đã phải mượn đông đến như thế thì có phải bà chủ không thể lo tết cho người làm nữa không? Ai lo phận người ấy.
- Anh ơi, tết nhất đến nơi, anh nỡ để em xơ xác ra thế này à?
- Anh ơi, anh đã làm gì để tỏ lòng yêu em hay là chưa?
- Việc lo ăn lo mặc cho em là việc của bà chủ chứ?
- Vẫn biết thế, khốn nhưng em không có lắm nhân tình! Nếu em có vài người nhân tình luôn luôn đến hát thì em đã chả phải nhờ anh.
Chị xịu mặt nói thế. Anh, muốn chừng nghe cũng có lý, không nói gì nữa. Chị đưa thêm một mũi kiếm:
- Nếu em giả dối với anh thì em đã chẳng xơ xác như thế này, anh ạ.
- Được rồi, để anh nghĩ đã.
- Anh cứ sắm cho em đi, em sẽ trả sau.
Quan viên hiểu ngầm cái nghĩa chữ ấy lắm. Đêm ấy người ta cho nhau ái tình. Sáng hôm sau, quan hẹn đến 26 xuống hát tất niên sẽ có quà tết một thể. Quan viên lại còn kêu như thế thì càng khỏi phải xông đất đầu năm, lợi hơn. Chị em nghĩ thật, tưởng bở nữa. Ngày một ngày hai, chị em cứ chờ: Hôm nay người ta rao cá ông Táo. Mai người ta vác cành đào nghễu nghện qua đường. Ngày kia, người ta vênh váo ngồi xe với những chậu cúc tướng. Ngày kía, người ta rao lá giong gói bánh chưng. Ngồi thục tay vào lòng dưới ánh đèn măng-xông, chờ những khách làng chơi tưởng tượng, chị Lan thấy cái quần nhiễu trắng của mình vẫn là cái quần nối hai lần cạp, cái khăn san vẫn là cái khăn san có ba lỗ thủng bằng ba đồng xu. Vậy mà chị Tình, chị Hiền, chị Mai thì được bà chủ sắm cho nào áo mới giày mới khăn mới. Các chị ấy là cô đầu có "mặt hàng". Mỗi chị ít ra cũng có một số nhân tình là năm bảy ông.
Ngáp dài một cái, chị Lan xúc cảm "kể chuyện" một câu:
- Chém cha... cái số... chung ư ư ư tình!
Thật đặc giọng nhà thổ ế.
***
Hai giờ chiều mồng một.
Năm quan viên vào chúc mừng nhặng cả lên, ăn uống choáng cả lên, hôn hít rầm cả lên. Cuộc đời như vậy thật là: vui vẻ, trẻ trung, tân tiến, hoạt động, trào phúng, và xã hội nữa. Một quan hô:
- Đầu năm thiên thủ, chúng mày ơi, phải có sâm-banh cho nó hùng.
Một quan khác:
- Hùng gì? Bà chủ chỉ đốt mừng chúng mình có một ngón tay pháo.
Một quan khác nữa:
- Thế thì chúng ta mỗi thằng chỉ làm một hến sâm-banh thôi.
- Nhưng mà có sâm-banh không? Có không?
Bà chủ dịu dàng:
- Sao lại không? Đối với các anh là làng chơi đi xe hơi xuống xông đất thì chẳng phải đòi chúng tôi cũng phải đè cổ xuống mà mời sâm-banh.
Cả bọn nhao nhao lên:
- Thế thì đè đi! Thế thì đè đi! Còn chờ gì nữa?
Bốp, bốp, nút chai bắn vọt lên trần nhà. Tiếng săng tê ỏm tỏi. Các quan loạng choạng đi ra. Một quan đã bắc ghế lên mắc vào cái đinh ở cửa hai thước tây pháo. Năm quan ra ngoài đường. Cô đầu ở trong nhà cả. Một quan đánh diêm. Quan khác lấy ma-ni-ven vặn máy xe.
Tạch tạch tạch tạch! Pháo cứ nổ ran lên! Khói cứ um cả nhà! Năm quan lên cả xe. Xe chạy.
Trong cơn biến loạn, có người kêu: "Trời ơi! Họ quên không mở hàng! Họ chưa mở hàng!". Nhưng mà làm thế nào? Cái cửa bằng cái lỗ mũi, tràng pháo lại đương nổ. Khói cứ um lên. Cô đầu tối mắt, ngạt mũi, còn bận bưng mồm ho sù sụ như sặc thuốc lào vậy.
Năm phút sau bà chủ kêu:
- Đồ chó!
Hai chị em bênh nhân tình:
- Không, chắc là các anh ấy quên.
Đến chiều tối, lại một bọn khác. Lại những sự xã giao như lúc hai giờ. Rồi thì, trước khi ra đi, một quan để trên cơi giầu một phong giấy đỏ. Mười phút sau, bà chủ giở ra thấy một tá chinh Bảo Đại. Với một cái thư nữa.
Trong thư, sự tử tế của loài người đã nói:
- "Cái giá trị của các chị chỉ đáng có thế. Các chị thử nghĩ lại xem, đã tử tế với chúng ta như thế nào. Nhớ lại xem!".
Cúc Nương nhớ lại những chầu hát cũ. Một lần, nàng đã nhầm trót để cho hai cô em vào tiếp hai chú Chiệc ở gác trong. Một hôm khác, ba quan ngủ lại, chẳng may có ba cô em lại cùng "đại tang" cả.
***
- Ngày xưa quan viên tìm cô đầu.
- Bây giờ cô đầu hạ mình quá với quan viên.
- Cô đầu không thành cô đầu, quan viên không thành quan viên.
- Nói tóm lại thì quan viên cũng chó mà cô đầu cũng chó!
Cúc Nương nói thế thì một người hỏi đùa:
- Chó ở những lúc ngủ với nhau ấy à?
Tiếng cười rầm một hồi. Rồi Cúc Nương nói:
- Chán bỏ mẹ! Thời buổi này cái gì cũng hỏng! Tết nhất lắm chỉ như đồ ăn mày!
***
Hỡi cô gái giang hồ! Đây là ngày tết. Ngày hôm nay là ngày thiên hạ tưng bừng đón chào xuân mới. Trước ban thờ khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng trưng, cô gái ngồi với tráp giầu, sửa soạn chè nước tiếp khách và sẵn sàng đỏ mặt lên nhận những câu chúc đắt chồng, vào dịp xuân sang.
Cô gái giang hồ có biết những cái dĩ vãng tốt đẹp ấy chăng? Hay cô mê mệt vào cuộc truy hoan để chờ khi thấy mặt ta thì lại làm cho ta bồi hồi và giật mình bằng những câu như: "Nay mai anh xuống hát cho một chầu tất niên để em kiếm cái tết nhé!".
Tự do
Buổi chiều hôm ấy, bà chủ vừa gãi đỏ cả hai bàn chân vừa kêu: "Rõ khổ lắm! Nhiều muỗi quá thế này này!". Ông chủ lập tức gọi thằng xe lên.
- Mày bận những công việc gì mà ba bốn tháng nay mày để cái vườn hoa cứ rậm như cái rừng ấy thôi! Rõ đốn quá đi mất!
- Bẩm con không thấy ông bà bảo gì cả... Đã có hôm con toan lấy kéo ra sửa thì cô Thư lại mắng, bảo cứ để rậm thế cho đẹp!
- Cô ấy là trẻ con... cô ấy còn biết gì nữa! Sáng sớm mai thì tao cho mày nghỉ ở nhà mà sửa sang lại cái vườn!
- Bẩm vâng.
Ông chủ vừa nói vừa đi ra hiên.
Ông nhìn ra vườn lại kêu:
- Thế kia, chả trách được lắm muỗi! Mày cứ việc phạt cả đi cho tao một lượt, không tiếc cái gì cả. Hoa hồng, râm bụt, rào găng, mày cứ cắt phăng đi một nửa. Còn lá sả thì mỗi khóm mày nhổ bớt một nửa đi. Khi tao nói nhổ, nghĩa là lấy cuốc mà đánh, chứ đừng nhổ thật, đứt tay, chết!.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, khi thằng xe một tay vác cuốc, một tay xách cái kéo khổng lồ ra vườn, thì nó gặp cô Thư đã vác chiếc ghế con ra định cùng ngồi dưới gốc cam. Lúc ấy, ông chủ và bà chủ đều chưa dậy.
Thằng xe bèn nạt nộ con gái chủ nhà như những đầy tớ biết tự trọng khác, những khi vắng mặt chủ nhà:
- Đi vào! Đem ghế vào! Bảnh mắt ra đã ra vườn làm gì cho vướng người ta!
Thư, cô bé mới 12 tuổi, không những không giận thằng xe, lại chỉ mỉm cười một cách ngây thơ, trỏ tay lên một cành cây vải, nói giọng khẩn khoản:
- Anh xe! Anh bắt con chuồn chuồn kia cho tôi đi nhé!
Thằng xe vứt cuốc và kéo xuống đất, ngơ ngác tìm con vật trong đám lá xanh. Khi thấy rồi, nó rón rén tiến đến chỗ ấy, từ từ đưa tay ra... nhưng con chuồn chuồn vụt bay đi một cách ranh mãnh như là nhờ có người muốn bắt mình thì mới bay vậy. Đâm ra bực mình, thằng xe lại gắt với cô con gái chủ vô tội:
- Đi vào cho người ta sửa vườn.
Cô Thư phụng phịu gần khóc:
- Không, tôi không cho anh sửa vườn, nào nào!
- Này, khóc thì tôi mách cậu cho đấy! Cậu bảo thế chứ tôi tự nhiên muốn sửa làm gì!
Cô Thư đến đây khóc thật. Những hạt nước mắt từ từ chảy ra long lanh như hạt trai. Giọng cô bé nức nở như của một người đau đớn về một nỗi buồn tê tái. Động tâm, thằng xe tức khắc phải đổi giọng:
- Thôi, chị Thư nín đi nào! Nín đi rồi tôi bắt cho một con cào cào có nhiều áo tân thời y như của mợ, áo tím, áo đỏ, áo xanh! Thế cơ! Nín đi cho ngoan nhé!
Lời hứa ấy có một sức mạnh đủ khiến cô bé không những nín bặt mà lại còn bắt đầu cười gượng nữa.
Thằng xe bèn nhìn cái vườn hoa một lượt xem nên bắt đầu làm từ chỗ nào. Những cây lá sả đã mọc rậm rạp và cao như những cây lau và nhảy bừa bãi ngoài cái trật tự của những luống. Những cành hồng lều nghều vươn cành ra tứ phía như chỉ rình cào xước cổ những khách thăm vườn để họ nhớ rằng hoa hồng nào cũng có gai. Những cỏ tóc tiên mọc hỗn loạn làm cho những bờ cỏ không còn có vẻ gì là tóc tiên nữa. Những cây dâm bụt thì để hoa rụng xuống đất úa ra ngả thành màu nâu, nhớp nháp như những vũng bùn lầy. Chung quanh vườn, cái rào găng um tùm và bề bộn như một tụm găng vô chủ sống tự do trong rừng sâu. Nhất là nó lại che tịt mít cả: khách đi ngoài đường không tài nào trông thấy cái biệt thự xinh đẹp ở bên trong nữa!
Trước nhất, đứa đầy tớ sửa cái hàng rào.
Cô Thư chờ đợi mãi, đã vào nhà ăn quà sáng và quên khuấy mất con cào cào có những bộ áo tân thời như của mợ.
*
* *
Vào lúc nắng từ trên đỉnh đầu chiếu thẳng xuống, thằng xe, trong khi cắt một cành găng rồi lẳng xuống bãi cỏ, nghe thấy một hồi tiếng chim non kêu: "Chích chích chích chích!...". Nó dừng tay nhìn rồi vội từ trên cái thang gập nhảy bổ xuống, vồ lấy con chim lúc ấy đương sã hai cánh trên một đám cỏ hoa. Nó sướng như một đứa trẻ thơ, vội chạy vào nhà, gọi to:
- Chị Thư ơi! Tôi bắt chim cho đây này!
Từ mấy đứa trẻ cho đến ông chủ và bà chủ, cả một gia đình lúc ấy sướng bằng trúng số độc đắc. Người ta bỏ lửng bữa cơm. Người ta xúm quanh thằng xe để nhìn con chim bị nắm trong một bàn tay thô bạo đương thất thanh kêu như muốn nói: "Chết chết chết chết!".
Ông chủ nói to như tuyên bố một sự phát minh:
- à! Chim chào mào đây mà!
Thằng xe để con chim xuống đất rồi đứng khoanh tay như một nhà binh vừa mới có chiến công.
Quả vậy, đó là một con chào mào. Hai cánh nó đã đủ lông tuy trước ngực thì sợi tơ trắng chưa đủ che kín mảng thịt đỏ hỏn; đằng sau thì cái bọng vẫn còn nặng nề, to tướng, cái mỏ hình chữ V có hai màu vàng dầy dặn ở hai bên. Tuy vậy, một rúm lông trên đỉnh đầu đã nhu nhú mọc lên như một cái mào sổi. Bà chủ bĩu mồm nói:
- Thế mà bảo là chào mào! Nó là con chim chìa vôi!
Thằng xe đáp ngay:
- Bẩm, chào mào hay chìa vôi cũng là nó!
Con chim non ngơ ngác nhìn quanh một cách sợ hãi; hai cánh vẫy vẫy như muốn bay, nó vẫn kêu, nhưng lần này kêu khác lần trước... Tri huy! Tri huy! Tri huy!... Nó như muốn nói "chí nguy!" để kêu gọi bố mẹ. Rồi bất kỳ, nó bay bổng đánh vụt một cái qua đầu cô Thư, thẳng ra lối cửa ở mái hiên. Cả nhà giật mình hồi hộp... Nhưng con chim chưa đủ tư cách ấy chỉ bay đến bức tường con ở hàng hiên để đập ngực vào đấy, rồi rơi xuống đất một cách đáng thương hại. Cô Thư chạy lon ton ra để vồ... Con chim lại cất cánh bay, và lần này lái ra được vườn hoa để sa xuống một gốc cam. Phải thằng xe chạy ra mới vồ nổi. "Chích chích chích chích!...", trong cái bàn tay thô bạo, con chim lại giẫy giụa kêu thất thanh. Giữa lúc ấy, trên cành cam ở đỉnh đầu thằng xe cũng có chim kêu choáng lên:
- Hồ hồ ri íu! Hồ hồ ri íu!...
Kể về ngôn ngữ của "loài hai chân không lông vũ" thì cái câu nói của loài có lông vũ ấy nó na ná cái hình thanh của một câu văng tục vậy. Và hai con chim ở trên cành chính là bố mẹ con chim con.
Trông thấy con bố và con mẹ, thằng xe tinh nghịch giơ con con ra. Hai con kia liệng bay xuống gần bàn tay nó như muốn tìm cách đánh tháo cho con, hai cánh tuy đập đập nhưng toàn thân ở nguyên một chỗ giữa không khí, như những lúc loài chim bói cá đứng ngắm cá trên mặt ao trước khi văng mình xuống nước. Sau khi biết thật là không có cách nào, hai con bố mẹ mới lại bay lên đậu ở cành cao. Hồ hồ ri íu! Hồ hồ ri íu!... Đồ... đồ láo! Đồ láo!
Ông chủ nhìn vợ, hỏi:
- Ghê không? Gớm chưa?
Bà vợ đáp:
- ấy tình mẫu tử của loài chim mà cũng đến như vậy.
Ông chủ lại bảo xe:
- Chim non rơi thế này, ắt phải rơi cả tổ. Mày ra xem chỗ ấy có còn cái gì nữa không. Tao chắc còn con nữa, vì bao giờ loài chim cũng nở từng đôi một.
Đứa đầy tớ ra tìm kiếm trên bãi cỏ gần hàng rào. Một lát sau nó đem vào một cái tổ chim, với một chú chim non lại còn non hơn con trước, bé hơn, chưa biết kêu.
*
* *
Cả nhà đều ngạc nhiên. Con chim trước lồng lộn lên muốn bay đi như thế, mà vừa bị đặt vào tổ, đã nằm ngay xuống cạnh "đứa em" - hoặc "đứa vợ", vì loài chim không sợ loạn luân như loài người - một cách vô tư lự, rồi, sau cùng, nhắm ngay mắt lại. Nó ngủ! Nó tưởng cái tổ của nó lúc ấy vẫn như ở trên cành cây. Thư đưa tay đập khẽ vào vành tổ, tức thì cả hai con vươn cổ lên để há mỏ ra như hai cái phễu.
Hai cái cổ mảnh dẻ lúc ấy lại bị phô ra đỏ hỏn, trông như có thể đứt rất dễ, giữa hai làn lông măng còn tơ. Ông chủ lại nói to:
- A! Nó đói! Đi bắt cho nó vài con châu chấu! Bắt những con non ấy!
Thằng xe lại chạy ra vườn. Hai con chim mất tổ lúc ấy ngơ ngác vì cảnh gia đình tan nát, cứ bay lại đậu gần mái hiên, chuyền từ cành ổi sang cây cam, từ cây cam sang cây chanh. Hồ hồ ri íu! Hồ hồ ri íu! Đồ láo! Trên đầu có cái mũ chào mào giống như hình cái chìa vôi, dưới đuôi có một đám lông đỏ màu hoa lựu, đeo cái can đảm trắng xoá ở trước ngực, hai con chim vẫn luôn mồm chửi rủa những người đã phá tổ và cướp con của chúng. Nó cũng đau đớn đến bậc hóa ra táo tợn như loài người.
Thằng xe đem vào mấy con châu chấu. Ông chủ bóp bẹp đầu con bọ, ngắt càng của nó rồi đập vào vành tổ cho hai con chào mào vươn cổ lên. Ông mớm mồi cho hai con chim non mãi đến lúc chúng ăn no. Thư rất sung sướng khi thấy bố cũng nuôi chim cho mình.
Bữa ấy, hai người nhớn đã sống lại một khoảnh khắc của tuổi trẻ.
Nhưng mà, trò đời thế, sau cùng thì cái gì người ta cũng có thể chán được.
Cho nên lúc chiều, khi Thư vào phòng yêu cầu bố ra cho chim ăn, ông bố bèn lấy dây gai buộc cái tổ chim rồi treo lủng lẳng dưới cành một cây ổi, ở vườn hoa. Ông bảo con gái:
- Để thế cho con bố, con mẹ nó mớm cho con chúng nó.
*
* *
Từ lúc cái tổ chim được treo ở cây ổi, vườn hoa bắt đầu có một quang cảnh hoạt động, tới tấp... Đôi chào mào bay đi, bay về, rộn rịp, săn sóc hai đứa con. Mỗi lần bay ở đâu xa về, một con (ý chừng là con vợ, vì bé nhỏ hơn con kia) - lại có ở mỏ hoặc một con chuồn chuồn, hoặc một con sâu xanh, hoặc một con bọ gì đó. Còn chồng thường đứng đề phòng loài người để báo những hiệu lệnh riêng cho con vợ, những khi con vợ mạo hiểm đến chỗ cái tổ để mớm mồi cho hai con.
Lần đầu, chúng nó còn e sợ, bay liệng quanh cái tổ như nghi hoặc loài người cạm bẫy gì chúng. Mấy cái dây gai lòng thòng chung quanh nút buộc dưới tổ cũng đủ làm cho đôi chim ấy, trong nửa giờ đồng hồ, chỉ dám mon men chung quanh chứ không dám quyết định đến đậu vào vành tổ để mớm cho con. Mỗi khi con vợ sắp sà vào cái tổ rơm, con chồng lại chuyền hết cành này sang cành nọ, cứ đập cánh vù vù kêu luôn mồm: Hồ hồ ri íu!... Nào! Nào! Khéo! Nào khéo!... Và, những khi nghe thấy tiếng bố mẹ, hai con con lại vươn cao cái cổ đỏ hỏn và nhỏ như sợi sắp đứt, há hốc mỏ, cũng kêu gào... Chiết chiết chiết chiết!
Lúc ấy, cô Thư ngồi nghiêm chỉnh trên ghế dưới hàng hiên chăm chú nhìn sự vật, không bỏ qua một cử chỉ nào của loài chim. Thằng xe thì, sau khi sửa xong cái rào găng, đã hỏi tội đến những đống lá sả. Ông bố, bà mẹ, thỉnh thoảng từ bên trong ra hiên xem chim. Hôn con gái một cái, rồi lại vào.
Bỗng Thư reo lên:
- A a! Con mẹ nó đã mớm!
Quả vậy, con chim mẹ đã liều chết đậu vào cái tổ mớm mồi cho con. Thấy bình yên như thường, nó nhìn chung quanh tổ một lượt như một người đi xa, lúc về nhà cần phải xem xét nhà cửa và đồ đạc. Sau cùng, nó mổ một viên gì trăng trắng ở tổ, móc lên, ngửa cổ nuốt... Cô Thư hỏi thằng xe thì nó đáp:
- Nó dọn cứt cho con nó đấy!
- Chỉ dối!
Thư nguẩy đầu nói thế, vì không tin.
Hai con chim, trên cây, lại vụt bay đi kiếm mồi. Năm phút sau, cả hai cùng về, có mỗi con một con sâu ở mỏ.
Hồ hồ riu! Nào, nào, khéo!
Đến lúc trời tối sậm, hai con bố mẹ đậu yên một chỗ cao chót vót ở ngọn cây xoan, giữa vườn hoa.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, thằng xe lại buộc cái tổ chim ra cành cây ổi. Nó kêu:
- Mới có một đêm mà lông lá nó đã xù ra rồi! Chóng quá đi mất!
Vì lẽ thằng xe lại còn đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, làm những việc vặt khác, nên hôm ấy, Thư ngồi một mình xem chim, không có người nói chuyện với. Ông bố và bà mẹ cũng chẳng còn sốt sắng săn sóc đến cái tổ chim như hôm qua. Tuy nhiên, Thư cũng được một ngày sung sướng. Cô bé vẫn có thể ngồi cả ngày nhìn ra vườn, hoặc trốn vào một góc tường những khi thấy chim e ngại đến gần tổ, hoặc nhô ra nhìn, những khi hai con chim con vừa được mớm xong. Cô bé không thấy chán tí nào cả.
Ông bố chạy ra hỏi con:
- Thế nào? Nó có mớm không?
Thư quay lại, nghẹo cổ, cười và đáp:
- Bốn con sâu rồi cơ, ba ạ!
- Thế à!
Bà mẹ cũng chạy ra. Thư đòi:
- Mẹ ơi, mẹ mua cho con cái lồng chim đi mẹ! Mua để nhốt nó lại!
Bà mẹ khất lần:
- ừ, mai rồi mẹ đi mua.
Lúc ấy, hai con chim bố mẹ lại bay đến tổ, lần lượt mớm mồi cho con. Tuy đã dạn người lắm rồi, chúng cũng vẫn còn dặn nhau: "Nào, nào, khéo! Nào khéo!". Trông thấy cái tình của loài chim sâu xa đến thế, nồng nàn đến thế, bố mẹ Thư nhìn nhau, đắm đuối, hôn trộm nhau sau lưng con. Người vợ nói:
- Giời sinh ra tài thật, nhỉ cậu nhỉ?
Người chồng gật gù cái đầu, đáp một câu vô vị:
- Chính thế.
Giữa lúc ấy, tiếng chim kêu bỗng líu la líu tíu khiến cho mọi người vội quay nhìn ra. Con chồng thì cứ bay liệng từ cành này sang cành khác, mỏ vẫn ngậm một con châu chấu mà vẫn hót được: "Hồ hồ ri íu!... Nào, nào khéo!" Còn con chim vợ thì lại thay đổi ngôn ngữ bằng cách nói: "Tri huy tri huy tri huy!" Nó cứ đập đập hai cánh bay nhảy ở một cành cây giáp với cái tổ nhưng không đậu hẳn vào vành tổ. Nghe thấy tiếng mẹ, hai con con lại há hốc mỏ, vươn cổ rõ cao. Nhưng mẹ chúng cứ bay đến gần chúng mà vỗ cánh, múa may và hót bằng đủ các thứ giọng. Con bố cũng bay quanh, ra ý đề phòng bọn người. Trên cây ổi, đó là hai chấm đỏ, lập lòe đâm bông như hoa lựu về mùa hạ của Nguyễn Du. Hai con con kêu thế nào, con mẹ cũng không vào mớm.
Bọn người đứng dưới hiên đương ngạc nhiên về cái cử động khác thường ấy, thì chợt, vù một cái, một con chim non đã bỏ tổ bay theo mẹ. Nó bay lên đậu ở một ngọn cao ngất ngưởng. Hai con bố và mẹ hát khúc ca khải hoàn của loài chào mào những lúc tự do ngửa cổ hót trước gió: "Thích tinh nào! Thích tinh nào! Huých tô rô! Huých tô rô!" Rồi chúng dìu dắt đứa con cho nó bay chuyền từng đoạn ngắn một cho đến lúc lên được ngọn cây xoan!
- Giời ơi! Nó bay! Nó bay mất!
Kêu xong, ông bố chạy vội ra cởi dây gai, đem cái tổ chim vào nhà. Trong tổ vẫn còn lại con kia, chưa đủ sức bay theo bố mẹ.
*
* *
Mấy hôm sau, con chim non vô phúc kia bị nhốt vào một cái lồng son. Thằng xe đã phải suốt ngày bắt châu chấu. Cô Thư cứ việc lấy cái que xiên vào con bọ để đưa qua nan lồng. Nằm nguyên một chỗ trong tổ, con chim hưởng sự săn sóc của cô bé cũng như của ông bố nó. Cái mào trên đầu nó nhô cao lên. Ngực nó đã kín. Cái bọng dưới đuôi nó dần dần bé đi. Sau ba ngày, nó cũng đã nghiễm nhiên trông ra mẽ lắm, đã đến cái thời kỳ "kiếm lấy mà ăn" vậy.
Nó bắt đầu mổ được, và nhảy nhót bậu vào những nan lồng.
Nhưng đồng thời, hai con bố mẹ và con con ở ngoài vườn cũng cứ ngày ngày đến khiêu khích nó, xui giục nó kiếm cách mau xổ lồng tháo cũi mà ra. Nghe thấy những tiếng "Hồ ríu! Huých tô rô!..." con chim trong lồng cũng đập cánh ngửa cổ hót đáp:
- Tri huy tri huy tri huy!
Ngây thơ, cô Thư lại đem lồng chim ra treo ở cây ổi. Ba con chim bên ngoài tức khắc bay quanh cái lồng, ca hát véo von... Con chim ở bên trong lồng lộn lên, rúc mỏ qua cái nan lồng, như điên, như cuồng, nhưng cô bé ngây thơ lại tưởng nó nhảy nhót gì vui vẻ.
Trong lồng có một nửa quả chuối tiêu và một cóng nước lã. Dần dần, con chim bỏ cả uống, quên cả ăn. Nó hóa ra gầy còm. Nhưng cái sự ấy người ta không để ý đến.
Cô bé Thư cứ sáng sớm lại xách lồng ra treo vào cành ổi, để đến chiều lại cất vào dưới mái hiên.
Ông bố, bà mẹ, cũng đôi khi nhìn đến cái lồng để không có một cảm tưởng nào cả.
Thằng xe có bổn phận sáng nào cũng thay cóng nước lã, và bỏ vào cái lồng một mẩu chuối, sau khi lôi mẩu chuối cũ đã xám xịt ở trong lồng ra. Nó không để ý xem rằng mẩu chuối bị ít hay nhiều vết mổ. Nhưng lần nào thấy người, con chim non cũng bay loạn xạ cả lồng.
Thế rồi, một hôm con chim chào mào non tuyệt thực, và chết, giữa những câu ca hát quyến rũ của bố mẹ nó và chồng nó.
Đông Dương tạp chí,
số 18; ngày 11.9.1937
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro